Tài nguyên, vị thế và những kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu - Biển đảo Việt Nam: Phần 2
lượt xem 57
download
Tài liệu Biển đảo Việt Nam - Tài nguyên, vị thế và những kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu có kết cấu gồm 11 chương. Phần 2 sau đây bắt đầu từ nội dung chương 7 trình bày tài nguyên vị thế, kỳ quan địa chất và sinh thái vùng biển Nam Trung Bộ, vùng biển Nam Bộ, vùng quần đảo Trường Sa và giải pháp quản lý vùng biển Việt Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tài nguyên, vị thế và những kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu - Biển đảo Việt Nam: Phần 2
- 197 Chương 7 VÙNG BIỂN ĐẢO NAM TRUNG BỘ 7.1. KỲ QUAN ĐỊA CHẤT VÀ SINH THÁI CÙ LAO CHÀM Cù Lao Chàm là một cụm gồm 8 đảo cách Cửa Đại 15km (Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông) thuộc xã Tân Hiệp, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đảo Hòn Lao (cũng gọi là Cù Lao Chàm) có diện tích lớn nhất (13,82km2) và đỉnh cao nhất (517m). Xã đảo đã có cầu cảng, khu tránh trú bão, và tầu cao tốc nối đảo với Hội An; trên đảo có tuyến đường nhựa dọc theo bờ Tây của đảo. Dân số xã đảo 2.777 người (2002), đến 2008 có 2.587 (613 hộ), có trên 70% dân số sống bằng nghề biển. Toàn xã có 231 tầu thuyền với tổng công suất 1800 CV. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt khoảng 1.500 tấn (năm 2008 - 1.430 tấn). Nông nghiệp kém phát triển (sản lượng lúa 350 tạ/năm). Có 5 doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, đã tổ chức nhiều điểm du lịch sinh thái tại các Bãi Bìm, Bãi Hương, Bãi Chồng,... Năm 2008 đến cuối 2009 có khoảng 18.000 lượt khách đến đảo. Cấp điện trên đảo có các trạm máy phát diezen, kết hợp với dàn pin mặt trời (đã có đề xuất đưa lưới điện quốc gia ra đảo). Về cấp nước dựa vào dòng chẩy mặt, có khó khăn về mùa khô (có dự án xây hồ chứa nước). Tổng cộng toàn xã có 116 hộ kinh doanh buôn bán và dịch vụ. Vùng đảo biển Cù Lao Chàm đã trở thành Khu bảo tồn biển Quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển Thế giới (được UNESCO công nhận năm 2009), cùng với các giá trị văn hóa-lịch sử độc đáo và tài nguyên địa mạo cảnh quan hấp dẫn, có tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch sinh thái. 7.1.1. Kỳ quan địa chất a. Đá của đảo Cụm đảo Cù Lao Chàm là phần kéo dài và thấp dần về phía ĐN của khối đá granit Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà của phức hệ Hải Vân, tuổi Trias sớm, đặc trưng cho giai đoạn xâm nhập granit đồng va chạm nguồn gốc vỏ (TV Trị,..., 2009), gồm hai pha xâm nhập và pha đá mạch, chủ yếu gồm các đá granit biotit, granit hai mica, ít granodiorit biotit có muscovit; cũng gặp các khoáng vật cao nhôm như cordierit, sillimanit, granat. Các đá tại phần rìa khối bị biến dạng với các khoáng vật thường được sắp xếp theo phương TB-ĐN, trùng với phương biến dạng của dải Trường Sơn. Đá có kiến trúc hạt trung đến thô, có nơi gặp kiến trúc dạng porphyr với ban tinh felspat. Ngoài ra, trên đảo còn gặp các khối sót thể tù lộ ra của các đá biến chất sau hàng nhiều triệu năm bóc mòn, mà chính các đá này đã bị khối granit xuyên qua và cuốn theo: đó là các đá phiến gneis, đá phiến biotit, granitogneis,... (có thể thuộc hệ tầng A Vương, Є3 - O1 ?). Các mỏm đá sót này lộ ra trên bãi biển ở Bãi Bìm, Bãi Hương với nhiều vân hoa độc đáo, được tạo nên bởi quá trình biến chất nhiệt, là dấu ấn đặc biệt quan trọng để nhận biết về lịch sử hình thành của dải đất trên thềm lục địa này. Các trầm tích Đệ Tứ tuy phát triển hạn chế, nhưng cũng khá đa dạng về nguồn gốc, bao gồm các thành tạo sườn tích, lở tích, lũ tích, aluvi và biển, có tuổi từ Pleistocen giữa đến hiện đại.
- 198 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) Trầm tích bao gồm chủ yếu là cát, sạn sỏi thạch anh, các mảnh vụn san hô, vỏ sò ốc và cuội đá granit kích thước rất khác nhau. b. Đa dạng địa hình - địa mạo + Địa hình trên đảo. Sau khi khối đá granit Hải Vân-Cù Lao Chàm được bóc lộ (có thể vào đầu KZ) tác động của các quá trình ngoại sinh lên chúng cùng các chuyển động kiến tạo đã để lại nhiều dạng địa hình đặc trưng, với các bậc địa hình - mặt san bằng, các bậc thềm biển, bãi biển, v.v. - Đặc điểm nổi bật của địa hình Cù Lao Chàm là tính bất đối xứng: đảo định hướng TB-ĐN với sườn ĐB hẹp và dốc đứng, sườn TN rộng và thoải hơn. Từ đó tạo ra sự phân dị rõ rệt của các quá trình tạo bờ biển. Bờ ĐB là các vách đứng trơ đá gốc, cao đến 100m, đang chịu công phá mãnh liệt của biển, với quá trình đổ lở khối tảng lớn, thuộc bờ mài mòn phá hủy trọng lực. Còn bờ TN gồm các đoạn cong lõm xen các mỏm nhô tạo các vụng nhỏ, với tích tụ cát lấp đầy đáy lõm, thuộc bờ tích tụ-mài mòn. - Một đặc điểm khác của Cù Lao Chàm là tính phân bậc địa hình khá rõ, nhất là trên sườn TN của đảo, với các bậc: 10-20m; 20-30m; 40-60m; 80-120m; 180-220m; 300- 350m; 400-500m. Các bề mặt cao trên 80m được xác định là các mặt san bằng, có tuổi từ Miocen muộn đến Pleistocen, bản chất là các pedimen và pediplen. - Trên Cù Lao Chàm cũng còn để lại nhiều thành tạo nguồn gốc biển ở độ cao và có tuổi khác nhau, nhất là ở sườn TN của đảo. Đã phát hiện thềm mài mòn cao 40-60m trên một số mũi nhô và phía đông Bãi Làng, Bãi Xép, trên mặt gặp cuội sỏi thạch anh, gắn kết khá chắc bởi cát bột màu vàng nâu, tuổi giả định là Pleistocen giữa. Bên dưới là thềm mài mòn-tích tụ ở độ cao 20-30m, gặp ở bắc Bãi Làng, đã bị phân cắt nhẹ dạng gò thoải, trên mặt gặp các tảng, cuội mài tròn kém; tuổi có thể thuộc Pleistocen muộn. Tiếp đến là thềm mài mòn-tích tụ cao 10-15m, là bề mặt chuyển tiếp xuống bên dưới là các bề mặt tích tụ biển, trên mặt là tập cát lẫn bột sét mỏng phủ lên vỏ phong hóa của đá granit, tuổi vào cuối Pleistocen muộn. Các đê cát và các tích tụ cát phân bố rộng từ Bãi Bắc cho đến Bãi Hương, cao 4-6m, được thành tạo vào thời cực đại của biển tiến Flandrian (Holocen giữa, Q22 ), cấu tạo chủ yếu bởi cát hạt trung màu xám trắng, vàng nhạt. Bên dưới các tích tụ cát này ở cửa các thung lũng (như tại thung lũng Đồng Chùa) gặp các trầm tích biển-vũng vịnh hạt thô với cuội sỏi thạch anh mài tròn tốt, chuyển lên cát bột màu xám đen, tuổi có thể vào Holocen sớm-giữa. Các bãi biển hiện đại là dạng địa hình đặc trưng cho bờ biển TN của Cù Lao Chàm, phân bố dọc theo các cung bờ lõm, có thành phần cấp hạt đa dạng từ cát đến cuội, khối tảng, phụ thuộc vào kích thước của các cung bờ lõm. Các bãi với cung bờ lõm rộng (Bài Làng, Bãi Chồng, Bãi Hương) thường cấu tạo bởi cát hạt trung đến mịn; trong khi các bãi cung bờ lõm hẹp (Bãi Bắc, Bãi Xép) được cấu tạo bởi cát hạt thô cùng với nhiều khối đá kích cỡ và hình dạng khác nhau. Một dạng địa hình đặc thù của Cù Lao Chàm chính là các hang-khe nứt, phát triển khá rộng rãi ở ven chân sườn đảo, được hình thành do các khe nứt mở của khối đá granit dưới tác động mạnh mẽ của quá trình phong hóa bóc mòn và nhất là do công phá của sóng biển kết hợp với quá trình trọng lực. Chính các hang này là nơi chim yến làm tổ, cung cấp cho cư dân một nguồn tài nguyên quý giá – các tổ yến. + Địa hình đáy biển. Hình thái đáy biển khu vực cụm đảo Cù Lao Chàm cũng có sự khác nhau rõ rệt giữa ven bờ ĐB và TN đảo. Phía ĐB đảo đáy biển sâu 40-50m hoặc hơn, đường đẳng sâu 20m nằm sát bờ đảo, trong khi đáy biển phía TN đảo vào đến đất liền có độ sâu dưới 20m. Giữa Cù Lao Chàm và Hòn Giai (Dài) có một rãnh sâu trên
- Chương 7. Vùng biển đảo Nam Trung Bộ 199 60m, có thể trùng với đường đứt gãy TB-ĐN. Phía TN đảo đáy biển nông là do nằm trong “bóng sóng” của Cù Lao Chàm, được đảo này che chắn sóng gió Đông bắc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, mà ảnh hưởng đó có thể còn đến tận vùng cửa sông Thu Bồn. c. Đa dạng về cảnh quan thiên nhiên Đa dạng địa chất đảo Cù Lao Chàm không cao nhưng bản thân là một khối đá granit cực lớn dưới tác động của khí hậu nhiệt đới mưa mùa đã tạo ra những di sản địa mạo quan trọng và cùng với thế giới sinh vật phong phú đã hình thành nên nhiều cảnh quan đẹp và còn hoang sơ. - Đó là các bãi biển thoải với nền cát mịn, sạch, nằm xen giữa các mỏm đá nhô với nhiều nét chạm trổ độc đáo suốt dải bờ Tây của đảo, mà từ TB về ĐN, gồm trên chục bãi. Chiều dài của các bãi từ 100m (Bãi Bắc) đến 700m (Bãi Bìm), chiều rộng từ 20m, tăng dần về phía ĐN (Bãi Hương) đến 40 - 60m. Các mũi nhô đá gốc, có thành phần và hình thái đa dạng, ở ven Bãi Bắc và Bãi Chồng là các khối đá lớn tròn cạnh nằm chồng chênh vênh lên nhau (biểu tượng của Bãi Chồng); nhiều nơi cùng với các khối đá mài mòn là các hang hốc tự nhiên (ven Bãi Bắc và Bãi Hương). Phía sau các bãi biển là những dải rừng nguyên sinh xanh đậm với đa dạng sinh học cao, còn phía ngoài các bãi là tiếp đến các hệ sinh thái cỏ biển và san hô đầy màu sắc. - Đó là các vách đá kỳ vĩ, các khối đá phong phú về hình thể, và mặc dù không có cảnh quan karst nhiệt đới hấp dẫn như Hạ Long, nhưng bù lại các dạng địa hình phong hóa, bóc mòn và mài mòn từ đá granit cũng đã tạo nên những hình thái đầy hấp dẫn và gây ấn tượng mạnh, với các dạng tự nhiên đa dạng như khối đá sót, tháp, tường thành, đá đổ, đá chồng, v.v. Chính bờ đảo Cù Lao Chàm là nơi tập trung và là điển hình về hình thái của một bờ đá granit đang bị công phá mạnh mẽ, dữ dội của sóng biển và quá trình trọng lực, với vách đá cao đến 100m, kéo dài hàng trăm mét, với những khối lớn đá đổ ở chân vách, các mặt mài mòn (bench) rộng phẳng, các mỏm sót chơ vơ giữa vực sâu... - Đó là các hang yến, là một đối tượng tham quan hấp dẫn của du khách. Hang cao nhiều chục mét chênh vênh trên vách đá cắm thẳng xuống vực biển, được tạo thành do khe nứt mở trong đá granit, kết hợp với quá trình vỗ mòn của sóng biển, có phương chủ yếu là ĐB - TN và TB - ĐN, cắm nghiêng 60 - 70 0 đến gần thẳng đứng. Tại Cù Lao Chàm chim yến làm tổ ở phía ĐN của đảo, nơi có đường bờ định hướng B - N và phát triển nhiều khe nứt lớn, và cũng là nơi đầu sóng ngọn gió. Nhận xét: Cù Lao Chàm đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới và nằm trong hệ thống các KBTB của Việt Nam (Khu dự trữ tài nguyên biển). Cụm đảo cũng xứng đáng đề xuất thành khu danh thắng địa chất Quốc gia. 7.1.2. Kỳ quan sinh thái a. Đa dạng sinh học + Đa dạng thành phần loài: Đã ghi nhận 261 loài thuộc 59 giống của 15 họ San hô cứng, 15 loài thuộc 11 giống của 6 họ San hô mềm, 3 loài thủy tức San hô (Milleporidae), 1 loài San hô xanh (Helioporidae) và 2 loài San hô gai (Bộ Antipatharia.; 4 loài cỏ biển bao gồm Halophila decipiens, Halophila ovalis, Halodule pinifolia và Cymodecea rotundata; 47 loài thuộc 26 giống Rong lớn; 66 loài Thân mềm thuộc 43 giống và 28 họ; Có 4 loài Tôm hùm: Panulirus longipes, P. ornatus, P. stimpsoni and P. versicolor và một loài Cua Charybdis feriata; 16 loài thuộc 9 giống và 8 họ da gai; khoảng 200 loài cá rạn thuộc 85 giống, 36 họ (bảng 7.1).
- 200 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) Bảng 7.1. Đa dạng sinh học ở khu vực Cù Lao Chàm Nhóm loài sinh vật Họ Chi/Giống Loài San hô 21 70 279 Cỏ biển 3 3 4 Động vật đáy 32 54 87 Cá biển 36 85 200 Thực vật trên cạn 115 352 499 Tổng 207 564 1069 + Đa dạng hệ sinh thái và sinh cảnh: - Hệ sinh thái trên đảo. Hệ thực vật trên đảo Cù Lao Chàm (mới thống kê đến độ cao < 100m) có tới 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, tức chiếm gần 1/20 tổng số loài, gần 1/6 tổng số chi và gần 1/2 tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam. Đặc biệt ở đây có tới 116 loài cây làm thuốc, còn nhóm cây cảnh có tuế và lan huyết nhung tía rất phát triển. Trên đảo có một số khu vực rừng nguyên sinh vẫn còn giữ được nguyên vẹn, nhiều cây có đường kính thân 50 - 70cm. Những loại gỗ quý hầu như đã bị khai thác kiệt, chỉ còn một số cây thuộc loài Gõ biển (Sindora maritima), Chay (Palaquium obovatum), Chỏi (Planchonella obovata). Trong họ Na (Annonaceae) cũng có vài cây gỗ lớn thuộc loài Mạo đài (Mitrephora thorelii). Trên đảo đã ghi nhận được 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó khỉ đuôi dài và chim Yến là 2 loài được đưa vào Sách Đỏ Động vật Việt Nam. - Hệ sinh thái vùng triều ven biển. Rạn san hô Rạn san hô là môi trường sống quan trọng và phổ biến nhất tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, phân bố rộng trên các vùng nước nông có địa hình khác nhau. San hô phát triển thành từng đám xung quanh hầu hết các đảo, với hình thái cấu trúc thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố địa chất, vật lý. San hô tạo thành các dạng rạn riềm (fringing reefs), chủ yếu phân bố ở phía Tây và Tây Nam của đảo Cù Lao Chàm và hầu hết các đảo nhỏ. Tại những khu vực đối sóng, hình thái các rạn san hô khá dốc và có thể đạt đến độ sâu 20m hay hơn nữa. Ngược lại, tại những vùng rạn kín hoặc nửa kín, độ dốc ít thay đổi hơn và bề rộng của rạn lớn hơn, có thể đạt đến độ sâu 15 m. Như trên đã nêu, san hô vùng biển Cù Lao Chàm có 279 loài, 70 giống, trong đó các giống ưu thế tìm thấy là Acropora, Montipora, Porites, Galaxea, Pachyseris, Lobophyton, Sinularia, Sarcophytum và Goniopora. Khu vực phía Bắc Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Tai và Vũng Cây Chanh-Tây Bắc Hòn Mồ, là những nơi giàu nhất về thành phần giống loài san hô. Các thảm cỏ biển Cỏ biển chỉ phân bố tại bờ phía Tây của đảo, trên các vùng đáy cát, chủ yếu tập trung tại Bãi Bắc, Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Hương và một vùng rất nhỏ tại Bãi Nần. Tổng diện tích cỏ biển là 50 ha, trong đó thảm lớn nhất nằm ở Bãi Ông (20 ha). Cỏ biển thường mọc ở các vùng cạn nước từ 2 đến 10m. Độ phủ và sinh khối cỏ biển thay đổi từ 10 đến 25%, và từ 9,8 đến 24,6 g/m2. Bãi Bắc là nơi có các chỉ số này cao nhất. Bốn loài cỏ biển bao gồm Halophila decipiens, Halophila ovalis, Halodule pinifolia và Cymodecea rotundata đã được ghi nhận tại Cù Lao Chàm. Loài Cymodecea rotundata phân bố hẹp trong các vùng nước nông, sâu không quá 5m và chỉ được tìm thấy ở Bãi Bắc. Ba loài khác thuộc giống Halophila đã được ghi nhận tại hầu hết các thảm cỏ biển. Halodule pinifolia và Halophila ovalis khá phong phú tại những vùng nước có độ sâu 2-6m, trong khi Halophila decipiens phân bố sâu hơn, đến 5-10m.
- Chương 7. Vùng biển đảo Nam Trung Bộ 201 Các thảm Rong biển Tổng số 47 loài thuộc 26 giống rong lớn sống trên các dạng nền đáy là đá tảng, san hô vỡ vụn và san hô chết đã được ghi nhận tại Cù Lao Chàm. Các thảm rong biển bao gồm Sargassum and Rosenvingea được xem là môi trường sống quan trọng đối với cá, đặc biệt là cá dìa (rabbitfish) và các loài khác tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Có ít nhất 7 loài rong Sargassum, gồm Sargassum binderi, S. crassifolim, S. duplicatum, S. kjellmaninum, S. maclurei, S. swartzii và hai loài Rosenvingea (Rosenvingea intricatra và R. nhatrangense) đã được tìm thấy trong các thảm Rong biển ở quanh đảo Cù Lao Chàm. S. kjellmaninum, S. microcystum và S. mcclurei là các loài phong phú nhất trong các thảm rong biển trên vùng triều. Sargassum chủ yếu phát triển trên nền đá và vách từ vùng triều thấp đến độ sâu 4m. Tại những vị trí nước nông dưới 2m, Sargassum hình thành những đai hẹp có độ phủ rất cao so với những vùng sâu hơn 2m. Chiều dài của Sargassum thường từ 20-40cm, sinh khối thay đổi từ 0,26 đến 0,55kg khô trên 1m2. Sargassum và Rosenvingea tại Cù Lao Chàm phát triển từ tháng 1 đến tháng 7 hay tháng 8 hàng năm. - Đa dạng nơi cư trú và cách sống. Vùng triều ven đảo với sự đa dạng các hệ sinh thái điển hình vùng nhiệt đới là nơi cư trú thuận lợi cho các loài sinh vật biển, là nơi có tính đa dạng sinh học cao. Các nơi cư trú sinh vật như cỏ biển và San hô cung cấp dồi dào nguồn thực phẩm, là nơi đẻ và nuôi dưỡng ấu thể sinh vật non, từ đó cung cấp giống cho các vùng lân cận. + Các loài quý hiếm, đặc hữu: Đã thống kê được 9 loài quý hiếm, đặc hữu bao gồm: Bào ngư vành tai Haliotis asinina Linné, 1758; Tôm hùm sỏi Panulirus stimpsoni Holthuis, 1963; Tôm hùm đỏ Panulirus longipes (A. Milne Edwards, 188); Tôm hùm xanh Panulirus homarus (Linnaeus, 1758); Tôm hùm bông Panulirus ornatus; (Fabricus, 1798); Cá Mú hoa Epinephelus fuscoguttatus Forskal, 1775); Ốc Đụn Cái Trochus niloticus Linnaeus, 1767; Ốc Tù và Charonia tritonis (Linnaeus, 1758); Trai ngọc môi đen Pinctada margarittifera. Tất cả các loài có giá trị kinh tế rất cao và quý hiếm kể trên đều đang bị đe dọa. Ốc Tù và nổi tiếng ở Cù Lao Chàm bây giờ rất hiếm gặp. c. Giá trị về mỹ học Trên đảo có rừng đặc dụng nguyên sinh, ven bờ đảo có nhiều bãi cát biển trắng mịn, nước biển trong xanh, đang dần trở thành thương hiệu của đảo, như Bãi Làng, Bãi Hương, Bãi Bắc. Dưới biển có KBTB Cù Lao Chàm trong hệ thống các KBTB Việt Nam. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều dáng vẻ khác nhau, đã tạo cho cụm đảo này bức tranh đa dạng sắc màu là nguồn cảm hứng sáng tác không chỉ cho các thi sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, mà còn cho chính các du khách khi có dịp đến tham quan, nghỉ dưỡng tại hòn đảo này. 7.2. ĐẢO PHÚ QUÝ Đảo Phú Quý, thường gọi là Cù Lao Thu, Hòn Thu, cách Tp. Phan Thiết 120km về phía Đ- ĐN, cách vịnh Cam Ranh 150km về phía N, cách Vũng Tàu 200km và Côn Đảo 330km về phía ĐB và cách đảo Trường Sa 385km về phía TB. Đảo Phú Quý có diện tích 17,82km2 trong ô tọa độ 10o29’-10o33’VB và 108o55’- 108o58’KĐ. Về mặt hành chính, đảo Phú Quý cùng 9 đảo khác lân cận được lập thành đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh Bình Thuận, gồm 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Dân số trên đảo (4/2009) 25.783 người, trong đó có 13.166 nam. Trên đỉnh núi Cấm phía TB đảo có ngọn Hải đăng cao 28m được xây dựng năm 1996. Tại Phú Quý có đường trải nhựa quanh đảo 22km, nhà máy nước tổng công suất 2.200m3/ngày đêm; đã khởi công xây dựng nhà máy phong điện. Về giao thông thủy, có 5 tầu khách trung tốc và 1 tầu vận tải hàng hóa nối đảo với Phan Thiết. Cuối năm 2011 đã
- 202 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) có Quyết định xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tầu cá Phú Quý, với khu tiếp nhận thủy sản, xưởng sơ chế, khu đông lạnh, xưởng nước đá. Công trình đáp ứng 1000 tàu công suất đến 600 CV neo tránh bão an toàn, đồng thời hỗ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá của huyện đảo. 7.2.1. Tài nguyên vị thế a. Vị thế tự nhiên + Vài nét về điều kiện tự nhiên: - Đảo chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu gió mùa với hai mùa rõ rệt: mùa gió Nam, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 và mùa gió Bấc từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.000 đến 1.100mm. Nhiệt độ không khí trung bình 22oC đến 28oC. Độ ẩm không khí từ 72 đến 88%. Khí hậu tương đối ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Tốc độ gió ở Phú Quý là khá lớn, trung bình năm là 6 m/giây (cấp 4). Vùng đảo ít có bão, tần suất là 0,66 lần/năm, nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp các đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa to, gió lớn, biển động mạnh. Trên đảo chỉ có những dòng chảy tạm thời vào mùa mưa. Thủy triều ở vùng này thuộc thủy triều hỗn hợp, độ lớn triều trung bình 1,6m, lớn nhất 2,2m, nhỏ nhất 0,3m. Độ mặn của nước biển 34-34,2‰. - Nhìn chung địa hình trên đảo tương đối bằng phẳng, thuộc dạng gò đồi, độ phân cắt yếu, nhưng vẫn thể hiện tính phân bậc khá rõ ràng. Ngoài 3 ngọn núi cao 108m, 86m và 46m, ở trung tâm đảo có những dãy đồi cao 20-30m, 15-20m, còn ven đảo thường cao khoảng 5m, đến 7-8m, thấp nhất khoảng 2m. Thềm biển phổ biến có độ cao 4m và 2m, cũng phát triển nhiều bãi cát, doi cát, là các bãi tắm đẹp. Nhiều lạch, mũi đá nhô ra biển tạo nên đường bờ đảo đa dạng về hình thái. Trên đảo và trong phạm vi khu vực xung quanh đảo, hiện nay còn nhìn thấy dấu tích của 4 miệng núi lửa dưới nước và 2 chóp núi lửa ở trên đảo là núi Cấm, núi Ông Đụn. Chính núi Cao Cát là phần sót lại của chùy núi lửa, còn được bảo tồn tốt, ở sườn phía Đông tạo thành vách dốc đứng tạo thế đứng hùng vĩ, còn trên đỉnh có những khối đá trầm tích-phun trào núi lửa với những hình dáng kỳ vĩ do thiên nhiên ngàn năm tạo lập mà ít nơi có được. - Đảo Phú Quý được tạo thành chủ yếu bởi khối đá basalt olivin, tuf basalt tuổi N21- Q11(với 2 tuổi tuyệt đối 2,5 và 5,5 triệu năm), bị phủ bởi các trầm tích cát biển Q12. Tiếp theo là sự xen kẽ giữa các đợt phun trào basalt và trầm tích biển: basalt olivin, basalt pyroxen và tuf tuổi Q12-3 và các trầm tích biển (cát thạch anh chứa carbonat) tuổi Q13, tiếp đó là đợt phun nổ vào đầu Holocen (Q21) và các trầm tích biển và do gió Holocen sớm- giữa (Q21-2) tạo thềm cao 15m; trẻ nhất là các trầm tích biển và gió Holocen muộn (Q23). - Đáy biển ven bờ có 2 HST điển hình quan trọng là San hô và cỏ biển. San hô tạo các rạn ngầm, ngoài nhiệm vụ che chắn sóng cho đảo còn là nơi cư trú, sản sinh ra các loài sinh vật quý hiếm, tạo nguồn lợi sinh vật quan trọng cho đảo và các vùng biển lân cận. Hệ cỏ biển cũng là một HST rất quan trọng ở đảo, là nơi cư trú cho các loài sinh vật và nơi nuôi dưỡng ấu thể sinh vật cho vùng biển. Ngoài ra đây cũng là lá chắn cho đảo chống lại tác động cơ học của sóng biển. Chiều rộng của thảm cỏ bao quanh đảo trung bình khoảng 100m, có nơi đến 200m. Diện tích phân bố ước chừng 500ha. + Ưu thế về vị trí địa lý của Phú Quý làm nên giá trị TNVT của đảo, gồm: - Phú Quý nằm khá xa bờ, trên tuyến tiền tiêu, đem lại lợi ích cơ bản về bảo vệ an ninh quốc phòng cũng như mở rộng lãnh hải, cũng như quản lý một vùng biển rộng lớn kéo dài nối tiếp với quần đảo Trường Sa.
- Chương 7. Vùng biển đảo Nam Trung Bộ 203 - Phú Quý gần các ngư trường lớn của Nam Trung Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác tài nguyên, cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá. - Phú Quý cũng phân bố gần các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế, có điều kiện tổ chức các hoạt động dịch vụ hàng hải. Cũng nằm trên đường từ đất liền ra đảo Trường Sa, có thể trở thành một trạm trung chuyển. - Phú Quý giữ thế độc tôn trên biển, tại một vùng biển rất ít đảo, ở ranh giới giữa Nam Trung Bộ và Nam Bộ, vì thế tầm quan trọng của đảo đã được nâng cao trong mọi mặt cả về kinh tế, cả về quân sự - chính trị. - Phú Quý cũng được coi là ở cửa ngõ các tỉnh cực Nam Trung Bộ, có thể bao quát và bảo vệ vùng biển và bờ các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu trên một chiều dài đến 250km. Nằm không xa với các khu kinh tế lớn, cũng như các hải cảng lớn trong vùng như Cam Ranh 150km, Vũng Tàu 200km, vì vậy Phú Quý vừa có điều kiện thuận lợi để tiếp nhận đầu tư từ đất liền ra đảo, đồng thời cũng có điều kiện triển khai các hoạt động dịch vụ gắn với các trung tâm kinh tế trên bờ. + Ưu thế cơ bản về mặt tự nhiên: Do cấu tạo bằng đá basalt, cả phun trào và phun nổ, Phú Quý cũng như Lý Sơn đã có được một tập hợp các dạng địa hình núi lửa đầy hấp dẫn (với các cột đá, các vách đá như những tường thành, những khối đá có dạng tượng đài...), những chỏm núi lửa với những khối bom kích cỡ khác nhau, các lớp trầm tích-phun trào tạo các thế nằm đơn nghiêng với vách dốc đứng. Điểm khác biệt cơ bản so với Lý Sơn và Cồn Cỏ và cũng là ưu thế của Phú Quý là ở đây có nhiều trầm tích cát biển thạch anh, để chúng tạo nên nhiều bãi tắm đẹp. Tại đảo cũng có nhiều mũi nhô, nhiều lạch sâu kín gió đã được sử dụng để xây dựng các cảng hoặc nơi neo đậu tàu thuyền (lạch Chồi, lạch Dù). Thật sự toàn đảo Phú Quý có thể xem như một di sản địa mạo- địa chất quý giá. Phú Quý nằm trong một vùng nước trồi, nơi tập trung nhiều nguồn lợi hải sản, trữ lượng cá của vùng biển quanh đảo khoảng 58.000 tấn, hàng năm có thể khai thác 28.000 tấn. + Các thách thức: Về mặt cấu trúc địa chất Phú Quý nằm trên đới đứt gãy mang tên Phú Quý-Côn Đảo (TV Trị và nnk., 2009), kéo dài khoảng 400km, theo phương ĐB-TN (45- 500), đóng vai trò là ranh giới ĐN của rift KZ sớm Cửu Long (bể dầu khí) và là ranh giới TB của địa lũy Côn Sơn. Phú Quý phân bố ở vùng có hoạt động núi lửa kéo dài suốt từ trên 5 triệu năm trước đến hiện đại (lần phun trào mới đây vào 1923), thuộc vùng có chế độ phát sinh động đất cấp 7, mà ở phía Đông không xa là đới đứt gãy Kinh tuyến thuộc vùng phát sinh động đất cấp 8 (thang MKS-64) (NĐ Xuyên, 1989). b. Vị thế và tài nguyên địa-kinh tế Huyện Phú Quý Năm 2009 có khoảng 3000 lượt khách tới thăm đảo. Hiện nay những dự án trọng điểm của huyện được xác định gồm: phong điện (8,4 MW), tầu cao tốc, du lịch sinh thái, khu tránh trú bão, kè chống xâm thực đảo, đường giao thông. Ngoài ra còn các dự án Trung tâm thương mại, Khu chế biến thủy sản cao cấp. + Ngư nghiệp được coi là thế mạnh của đảo. Ngành nghề chủ yếu là đánh bắt xa bờ, câu, lặn. Toàn đảo có 1.147 tàu thuyền, công suất bình quân trên đơn vị tàu thuyền là 45 CV, tổng sản lượng khai thác năm 2007 ước đạt 18.000 tấn tươi các loại, gồm vi Cá mập, mực, ốc, cá, tôm. Năm 2011 khai thác được 23.500 tấn hải sản, với 1.306 tầu và 5.600 lao động. Có 117 cơ sở nuôi trồng, thu hoạch 200 tấn/năm 2009, và 160 tấn/năm 2010 với số đối tượng nuôi trồng xuất khẩu có giá trị cao (như Cá Mú đỏ, Cá Mú cọp). Phú Quý có đội tầu dịch vụ thu mua hải sản đông lạnh của 36 doanh nghiệp, với tổng cộng khoảng 120 tầu làm dịch vụ hậu cần (trong đó có gần 90 tầu thu mua). Kim ngạch xuất khẩu của toàn huyện đạt 5,5triệu USD/năm.
- 204 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) Tổng diện tích gieo trồng trong sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt khoảng 1.000-1.100ha. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là ngô, sắn, khoai lang, các loại đậu, rau dưa các loại. Những cơ sở công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là chế biến hải sản, sửa chữa tàu thuyền. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày một tăng, đã đóng góp vào ngân sách hàng năm trên 70% tổng thu ngân sách Nhà nước của huyện. Hiện có gần 100% số hộ được sử dụng điện với 16 giờ/ngày. + Phú Quý là một trung tâm đánh bắt chế biến hải sản xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá ngoài khơi Nam Trung Bộ Phú Quý có điều kiện phát triển đánh bắt cả ở vùng biển quanh đảo với ngư trường lớn về cá và tôm, cả ở vùng biển xa bờ quần đảo Trường Sa, đồng thời tổ chức triển khai công nghiệp chế biến tại đảo do có điều kiện về không gian và nước ngọt. Tổ chức hậu cần nghề cá là thế mạnh nhờ vị trí địa lý của đảo, cần phát huy hơn nữa, đặc biệt khi đảo đã xây dựng được âu thuyền cảng cho tàu 5-10 ngàn tấn, có nơi tránh trú gió bão, phục vụ chẳng những cho Nam Trung Bộ mà còn cho các tỉnh xa khác. + Phú Quý có thể trở thành một trung tâm dịch vụ hàng hải, thương mại, dịch vụ thăm dò khai thác dầu khí và căn cứ hậu cần trung chuyển giữa đất liền và Trường Sa. Phú Quý nằm kề các tuyến đường giao thông biển nội địa và quốc tế, nối Hải Phòng với Tp. Hồ Chí Minh và đi Hồng Kông, Hàn Quốc, Tôkiô, Singapo; nằm án ngữ phía Bắc bể dầu khí Cửu Long và Nam Côn Sơn, cũng ở gần Trường Sa nhất so với bất cứ một đảo nào hay cảng nào trong vùng. Như vậy Phú Quý giữ vai trò thuận lợi nhất trong việc trung chuyển và hậu cần cho vùng đảo Trường Sa nhất là khi sân bay taxi được thiết lập; trong triển khai dịch vụ khoan thăm dò dầu khí trên thềm lục địa lân cận (như dịch vụ nghỉ dưỡng cho công nhân, cung cấp thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác); cũng như tiến hành các dịch vụ hàng hải, thương mại quốc tế, nơi trú đậu cho tàu thuyền khi gió bão. + Phú Quý cũng có thể trở thành một điểm du lịch sinh thái với nhiều tiềm năng và thách thức. Do nằm khá xa bờ nên điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn và hiện tại khách du lịch chưa nhiều, nhưng Phú Quý có điều kiện khí hậu, cảnh quan môi trường, di sản địa mạo- địa chất, văn hóa- kiến trúc, tài nguyên sinh vật biển đảo rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch tham quan thắng cảnh biển đảo, thể thao, nghỉ dưỡng. Đó là một thế mạnh cần được khai thác, chẳng những đối với khách trong nước mà còn có thể đối với khách du lịch tầu viễn dương. c. Vị thế và tài nguyên địa-chính trị Ngoài kinh tế, TNVT Phú Quý cũng mang lại nhiều lợi ích về chính trị và quân sự, chủ yếu trong các lãnh vực: + Lợi ích về lãnh thổ quốc gia trên biển Như đã phân tích ở trên, vị trí tiền tiêu là yếu tố quan trọng nhất của TNVT của đảo Phú Quý. Vị trí đó càng trở nên quan trọng khi Hòn Hải, một đảo nhỏ nằm ở phía ĐN của đảo Phú Quý (toạ độ địa lý: 09 08’0VB và 109 005’0KĐ) được lấy làm điểm chuẩn A6 để xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam. Có thể nói trong 10 đảo được chọn làm các điểm chuẩn của đường cơ sở thì Hòn Hải của Phú Quý nằm xa bờ thứ hai (136km) chỉ đứng sau hòn Nhạn của cụm đảo Thổ Chu (điểm chuẩn A1 nằm xa bờ 150km) là những nơi mà vùng nội thủy của Việt Nam mở rộng ra biển khơi nhiều nhất, đạt đến 136-150km; đó là một vùng lãnh thổ trên biển rộng lớn và vô giá, không những có ý nghĩa về mặt khai thác kinh tế (hải sản, dầu khí, giao thông,...) mà còn có lợi ích đặc biệt về mặt quốc phòng, như một hành lang rộng an toàn của vùng bờ biển. Cũng nhờ đó vùng lãnh hải của Cực Nam Trung Bộ mở rộng về phía biển hàng trăm kilômét, nơi Việt Nam có quyền thực thi mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền của mình
- Chương 7. Vùng biển đảo Nam Trung Bộ 205 trên vùng lãnh hải và có quyền thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên tự nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế. + Lợi ích về an ninh quốc phòng và đảm bảo an toàn trên biển. Nằm ở vị trí tiền tiêu vùng biển Cực Nam Trung Bộ, Phú Quý có nghĩa vụ nặng nề trong bảo đảm chủ quyền quốc gia vùng biển Nam Trung Bộ nói chung và vùng biển Cực Nam Trung Bộ, vùng biển quần đảo Trường Sa nói riêng, cũng như bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất liền bên trong. Với lịch sử hình thành các cụm dân cư trên đảo trong suốt hàng trăm năm, cùng với thực lực hiện có về điều kiện tự nhiên và KT-XH, và được sự đầu tư to lớn của Nhà nước, ngày nay huyện đảo Phú Quý có đủ tiềm lực để hoàn thành chức năng đó. Cần nghiên cứu đưa Phú Quý trở thành một căn cứ hậu cần chiến lược cho vùng đảo Trường Sa (đặc biệt là các cụm đảo phía TN như Đá Lát, Trường Sa, Đá Đông...), liên lạc bằng cả đường thủy và cả đường hàng không (trực thăng). Đảo Phú Quý có diện tích đủ lớn gần 18km2, cạnh đó có hòn Tranh diện tích 0,55km2, cộng với địa hình dạng cao nguyên là chủ yếu, vì vậy Phú Quý có điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho việc xây dựng các công trình quân sự (cả sân bay), hầm ngầm và các công trình hậu cần. Phú Quý có các lạch sâu làm bến cảng cho tàu 5-10 ngàn tấn ra vào. Phú Quý có các đỉnh cao như núi Cấm (108m), núi Cao Cát (86m) là những vị trí tiện lợi cho việc xây dựng đài quan sát tầm xa của quốc phòng, bao quát toàn bộ vùng biển rộng lớn Cực Nam Trung Bộ, kiểm soát các tàu bè qua lại. Vì vậy Phú Quý cần trở thành một căn cứ hải quân phòng thủ vững chắc, một chiến hạm mạnh của vùng Biển Đông Nam, có thể chi viện cho Trường Sa trong các trường hợp khẩn cấp. 7.2.2. Kỳ quan địa chất a. Đá đảo Phú Quý - Đa dạng các thành tạo phun trào và trầm tích Đảo được hình thành chủ yếu từ sản phẩm các đợt phun trào núi lửa nối tiếp nhau trong các kỷ Neogen và Đệ Tứ, đặc biệt hoạt động phun trào núi lửa ở đây lại xảy ra chủ yếu dưới biển, đã tạo nên các khối tuf palagonit điển hình. Xen kẽ giữa các pha phun trào trên đảo cũng đã từng hình thành các thềm biển từ cổ đến trẻ, bao gồm các thềm 30m, 15m, 4m và 2m, hiện còn được bảo tồn khá tốt. Có thể phác họa quá trình hình thành cũng như đặc điểm các thành tạo trầm tích-phun trào của đảo Phú Quý như sau: - Phun trào basalt Pliocen hạ-Pleistocen hạ (βN21-Q11) là thành tạo chính cấu tạo nên đảo Phú Quý. Phần lớn tầng đá này bị các trầm tích trẻ phủ lên, nó chỉ còn lộ ra ở vùng Núi Cấm. Thành phần chủ yếu basalt olivin, tuf basalt. - Trầm tích biển Pleistocen trung (mQ12) không lộ, bị các thành tạo basalt Pleistocen trung - thượng phủ lên, ở độ sâu từ 28,0m đến 59,5m trở xuống. Thành phần chủ yếu là cát thạch anh màu đỏ nhạt, vàng, da cam, gồm hai tâp: tập trên là cát hạt trung đến thô, bề dày 20 - 25m, tập dưới là cát hạt mịn đến trung, bề dày trên 30m. - Phun trào basalt Pleistocen trung - thượng (βQ12-3) cũng là thành tạo chính cấu tạo nên đảo Phú Quý, phần lớn bị phủ, chỉ còn lộ ở vùng Núi Cấm, núi Cao Cát với diện tích khoảng 5km2. Thành phần chủ yếu là basalt olivin, basalt pyroxen, cát -sạn- tuf basalt. Bề dày thay đổi từ 25 đến 80m. - Trầm tích biển Pleistocen thượng (mQ13) phân bố chủ yếu ở phần Đông Nam và Nam đảo, với diện tích khoảng 3km2. Thành phần thạch học gồm: cát thạch anh chứa carbonat hạt trung đến thô, độ mài tròn và chọn lọc tốt. Lót đáy là tầng San hô gắn kết tốt, màu xám trắng. Ở phần thấp gần bờ biển, tầng cát này bị bóc mòn, có chỗ chỉ còn tập San hô gắn kết lót đáy, dày 1-3,5m. Bề dày thay đổi từ 1 đến 20m. - Đá phun trào basalt phân bố trong các họng núi lửa cổ (núi Cao Cát, núi Cấm) với diện tích khoảng 0,5km2. Thành phần thạch học: basalt olivin, basalt pyroxen, đôi nơi có cát-sạn-tuf
- 206 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) basalt. Do quá trình phun nổ, trong mặt cắt của tầng này có nhiều bom tảng basalt (βQ21) với kích thước 30-40cm, hoặc các tảng cục cát gắn kết màu trắng (mQ13) nằm trong đá. Bề dày khoảng 40-60m. - Trầm tích biển (mQ21-2). Tầng trầm tích này phân bố dọc bờ biển xã Long Hải, xã Tam Thanh và xã Ngũ Phụng, với diện tích khoảng 4km2, tạo nên bậc thềm cao 15m. Thành phần gồm cát thạch anh chứa carbonat màu xám trắng, xen kẹp than bùn, sét than màu đen, xám đen. Bề dày 5-15m. - Trầm tích gió (vQ21-2) phân bố trên mặt sườn và chân các đồi thấp ở các xã Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Phụng, với diện tích khoảng 5km2. Thành phần là cát thạch anh lẫn ít carbonat (vụn vỏ sò, ốc,...), màu vàng, da cam, xám trắng. Bề dày thay đổi từ 3 đến 8m. - Trầm tích biển (mQ23) phân bố thành những dải nhỏ hẹp sát bờ quanh đảo, tạo bậc thềm dốc cao khoảng 2m, thường bị ngập nước khi thủy triều lên cao nhất. Diện tích khoảng 1,5km2. Thành phần là cát thạch anh lẫn ít carbonat màu trắng ngà, hạt trung đến thô, độ mài tròn và chọn lọc tốt, nhiều nơi gặp vỏ Sò, ốc, San hô còn nguyên vẹn, phủ trực tiếp trên trầm tích biển Holocen sớm-giữa. Bề dày 2-7 m. - Trầm tích gió (vQ23) phân bố theo diện hẹp, tạo những cồn cát cao 5-10m, kéo dài chủ yếu theo phương kinh tuyến, trong diện tích khoảng 1km2. Thành phần gồm cát thạch anh chứa carbonat màu trắng ngà, trắng phớt vàng, rời rạc, dễ chảy. Bề dày thay đổi trong khoảng 5-7m. Như vậy tại Phú Quý trong N2-Q đã có ít nhất 3 đợt phun trào basalt, 4 kỳ tích tụ biển, và 2 thành tạo do gió. b. Đa dạng địa hình - địa mạo Là đảo có nguồn gốc núi lửa, lại trải qua thời gian dài chịu tác động của biển và các quá trình khí quyển, nên địa hình trên đảo và vùng đáy biển xung quanh mang những nét đặc trưng rõ rệt. + Đa dạng địa hình - Địa hình phân bậc. Nhìn chung địa hình trên đảo tương đối bằng phẳng, thuộc loại gò đồi thấp, có độ phân cắt yếu, nhưng vẫn thể hiện cấu trúc phân bậc rõ ràng. Trên đảo có 3 ngọn núi chính là núi Cấm, cao 108m; núi Cao Cát, cao 86 m ở phía Bắc, và núi ông Đụn cao 46m, ở phía Nam. Vùng giữa đảo có các dãy đồi cao 20-30m, 15-20m, còn ở ven bờ đảo chúng thường chỉ cao khoảng 5m, có nơi cao 7-8m. Thấp nhất là bãi Triều Dương, chỉ khoảng 2m so với mực nước biển trung bình. - Các thềm biển. Trên đảo gặp nhiều điểm lộ là dấu tích các bậc thềm biển có tuổi khác nhau và cấu tạo từ các vật liệu khác nhau. * Thềm 15m phân bố khá rộng. Một vết lộ của thềm này dài gần 400m nằm dọc theo đường đi từ xã Tam Thanh đi Long Hải. Thềm được cấu tạo bởi cát sinh vật, có độ hạt trung bình và nhỏ, màu xám. * Thềm 4m được tìm thấy ở bờ biển phía Tây, giữa Quý Thạnh và Mỹ Khê. Cấu tạo của thềm này có sự phân đới khá rõ, từ dưới lên trên như sau: Ở phần dưới (chân thềm) là cát kết chứa vôi, sạch, màu vàng nhạt, thành tạo từ các mảnh vỡ của san hô và vỏ sò ốc rất thô. Bề dày lộ ra khoảng 1,5m. Phần giữa là cát trắng-vàng, độ hạt trung bình, thành phần chủ yếu là thạch anh chứa nhiều vụn vỏ sinh vật (vỏ sò ốc và trùng lỗ). Bề dày khoảng 0,8m. Phần trên cùng là cát nâu nhạt, có độ hạt mịn hơn, thành phần chủ yếu là thạch anh chứa ít mảnh vụn vỏ sinh vật. Bề dày lớp 1-1,5m. * Thềm 2m. Cát sinh vật màu trắng lộ ra ở bờ Tây đảo, gần thôn Quý Thạnh, Mỹ Khê. Các thành tạo này gắn kết khá chắc, có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng.
- Chương 7. Vùng biển đảo Nam Trung Bộ 207 - Các bãi cát, doi cát ven biển. Ngoài các thềm, ven theo bờ đảo phát triển nhiều bãi cát, doi cát. Cát màu trắng, độ hạt từ mịn đến thô. Thành phần cát chủ yếu là thạch anh, vụn sinh vật, các mảnh đá trầm tích phun trào màu xám, xám nâu và vụn đá basalt màu xám đen. Nhiều bãi biển đẹp (bãi Dù, bãi Cửa Hang, bãi Lăng, bãi Láng, bãi Phủ, doi Dừa) là nơi thu hút du khách và người dân địa phương ở xa đến tắm và nghỉ ngơi. Nhiều lạch và mũi đá nhô ra biển (lạch Chà Tre, lạch Bãi Lăng, lạch Dù, lạch Thế, lạch Chỏi, lạch Ông Bền, lạch Cây Thẻ, mũi Gành Hang, mũi Trâu Nằm) tạo nên riềm ven đảo đa dạng về cấu trúc hình thái và nhiều cảnh quan đẹp. + Những di tích hoạt động núi lửa kỳ thú Cụm đảo Phú Quý là nơi tập trung cao các di tích hoạt động núi lửa. Trên đảo Phú Quý hiện còn 2 chóp núi lửa khá rõ là núi Cấm và núi Ông Đụn. Trong phạm vi riềm phía Đông và Nam của đảo hiện còn thấy được dấu tích của 4 chóp núi lửa dưới nước, là Cao Cát, Lạch Thẻ, Hang Đỏ và Phú Quý-Hòn Tranh. Chính núi Cao Cát cũng là phần sót lại của một miệng phễu núi lửa còn được bảo tồn tốt. Đỉnh núi cao 86m, phía Đông vách dốc đứng tạo thế hùng vĩ, phần trên đỉnh có những khối đá trầm tích phun trào với những hình thù lạ lẫm, đẹp mắt. Những dấu tích phong phú còn lại trên đảo của hoạt động núi lửa vào các thời kỳ khác nhau, như các chóp núi lửa, miệng phễu núi lửa, dòng dung nham, bãi bom núi lửa, bị phá hủy một phần bởi các quá trình tự nhiên (hoạt động của biển, quá trình phong hóa, bóc mòn) đã tạo nên các vách đứng dạng tường thành, các cột đá, hang hốc, v.v, xứng tầm các di sản địa chất kỳ vĩ và độc đáo. Từ đỉnh núi Cấm hoặc núi Cao Cát du khách có thể nhìn bao quát toàn cảnh của cụm đảo. Vào những lúc thời tiết tốt, từ trên đỉnh núi Cấm còn có thể nhìn thấy các điểm cao ở đất liền như núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), mũi Cà Ná (Ninh Phước) và phần phía Nam của khối núi- cao nguyên Cực Nam Trung Bộ. c. Đa dạng về môi trường địa chất Đảo Phú Quý có nguồn gốc núi lửa, bắt đầu từ Neogen. Quá trình hình thành và tiến hóa của đảo đã diễn biến trong các môi trường địa chất khác nhau, thể hiện rõ qua cấu trúc phân tầng trên đảo. Có thể khái quát trình tự các môi trường địa chất từng tồn tại ở khu vực đảo Phú Quý như sau: - Môi trường núi lửa hoạt động trên biển và trên đảo, vào Pliocen sớm-Pleistocen sớm (βN21-Q11); - Môi trường biển ven bờ với tích tụ cát vào Pleistocen giữa (mQ12); - Môi trường núi lửa hoạt động trên biển và trên đảo, vào Pleistocen giữa-muộn (βQ12-3); - Môi trường biển nông với tích tụ cát và san hô vào Pleistocen muộn (mQ13); - Môi trường phun trào basalt trên đảo vào đầu Holocen (Q21) - Tiếp theo là môi trường đảo-biển với tích tụ biển ở ven đảo vào Holocen sớm giữa (mQ21-2), đồng thời với hoạt động của gió trên đảo với tích tụ cát (vQ21-2); - Vẫn là môi trường đảo-biển, với tích tụ biển (mQ23) và gió (vQ23) ở ven đảo; - Môi trường đảo-biển hiện đại, với các quá trình bóc mòn, mài mòn, kể cả đợt phun trào núi lửa cuối cùng xảy ra năm 1923, tạo nên đảo Hòn Tro (chỉ tồn tại trong thời gian 3 tháng). d. Giá trị độc đáo, đặc sắc và kỳ vĩ Trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam có hàng nghìn hòn đảo với cấu trúc địa chất khác nhau, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và đa dạng. Trong số đó các đảo Phú Quý (Cù Lao Thu), Lý Sơn (Cù Lao Ré) và Cồn Cỏ là 3 đảo có cùng nguồn gốc núi lửa. Nhưng mỗi đảo lại có cấu trúc độc đáo và cảnh quan mang sắc thái khác nhau. Nét độc đáo của đảo Phú Quý là sự có mặt dấu tích các miệng phễu núi lửa nằm dưới dải nước nông viền quanh bờ đảo. Trên đảo cũng có thể gặp di tích các nón núi lửa cùng nhiều sản phẩm hoạt động núi lửa đặc sắc. Về mặt quy mô, Phú Quý là đảo lớn nhất trong 3 đảo núi lửa, phát triển trên nền vùng đáy biển là một cấu trúc vòm núi lửa lớn, cũng có quy mô lớn nhất so với các vùng đáy biển Cồn Cỏ
- 208 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) và Lý Sơn. Ở Phú Quý còn phát triển rất rộng rãi các trầm tích biển mà có thể đối sánh với trên bờ đất liền (như cát đỏ Phan Thiết, cát trắng Cam Ranh,...). e. Tài nguyên đi kèm Như hầu hết các đảo đá basalt khác, Phú Quý không có nước mặt, nhưng lại có một lượng nước ngầm đáng kể, vượt trội so với Lý Sơn và Cồn Cỏ, với trữ lượng tiềm năng khai thác khoảng 4.608.000 m3/năm, hay 12.800 m3/ngày (ĐV Cánh và nnk., 2008). Trên đảo Phú Quý còn nhiều di tích các nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, nhiều chùa chiền và lễ hội. Phú Quý là ngư trường khai thác quan trọng của nghề khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ. Các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao và được xem là sản vật đặc trưng của đảo như Cua huỳnh đế, Tôm hùm, Bào ngư... là những đối tượng khai thác chính của nghề lặn. Nhận xét: Từ những trình bày ở trên, Phú Quý xứng đáng là một kỳ quan địa chất - một danh thắng cấp Quốc gia 7.2.3. Kỳ quan sinh thái a. Đa dạng sinh học + Đa dạng thành phần loài Phú Quý rất đa dạng các loài động và thực vật biển. Riêng về khu hệ thực vật biển có 173 loài Rong biển đã được thu thập và xác định trong đó có 62 loài có ý nghĩa kinh tế. Đối với hệ sinh thái rạn san hô, tuy chưa được nghiên cứu nhiều và chưa có tài liệu công bố chính thức về thành phần loài cũng như đặc điểm phân bố, nhưng theo kết quả của chuyến khảo sát hợp tác Việt - Xô (4/1981) thì rạn san hô ở khu vực đảo Phú Quý khá đa dạng về thành phần loài (với 134 loài thuộc 48 giống San hô cứng và gần 30 loài San hô mềm). + Đa dạng hệ sinh thái/sinh cảnh Thảm thực vật trên đảo: rừng được bảo vệ có 160ha, trong đó rừng tự nhiên 10ha, rừng trồng phòng hộ 150ha. Hệ sinh thái đồi cát: chủ yếu là rau muống biển Ipomoea pescaprae, Zoygia pungens, Cyperus arenarius, quan trọng là Dứa gai Pandanus testorius chắn gió, mọc tự nhiên hay trồng ven các nương rẫy. Rừng: vào sâu bên trong đảo đã bị chặt phá trồng cây lương thực. Riêng tại khu vực núi Cấm rừng được bảo vệ khá tốt và còn giữ được nguyên vẹn với các loài đặc hữu như Diospyros spp., Euphorbia spp, … Hệ sinh thái vùng triều ven biển: Bao bọc quanh đảo là các bãi triều rộng lớn dốc thoai thoải, tương đối bằng phẳng. Khi triều xuống thấp các bãi triều này có thể phơi bày ra, với chiều rộng từ 200 - 300m hay rộng hàng nghìn mét. Đây là nơi có 2 hệ sinh thái điển hình quan trọng ở vùng nhiệt đới đó là san hô và cỏ biển. Các hệ này rất phong phú và làm thành vành đai bao quanh đảo. Chúng tạo ra các rạn ngầm, ngoài nhiệm vụ che chắn sóng cho đảo còn là nơi cư trú, sản sinh ra các loài sinh vật có giá trị, tạo nguồn lợi sinh vật quan trọng cho đảo và các vùng biển lân cận. Đối với hệ sinh thái San hô tuy chưa được nghiên cứu nhiều và chưa có tài liệu công bố chính thức, tuy nhiên những kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, San hô vùng này khá đa dạng về thành phần giống loài, và nguồn lợi sinh vật trên rạn là rất phong phú với nhiều loài sinh vật quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Hệ sinh thái cỏ biển đã được nghiên cứu từ những năm 1997 đến nay và đã xác định được nhiều loài có giá trị kinh tế và cả giá trị về mặt phân bố. + Đa dạng nơi cư trú và cách sống Với sự tồn tại các hệ sinh thái rừng và biển trong vùng biển đảo xa bờ góp phần làm gia tăng tính đa dạng sinh học cho vùng biển, đảo. Sự đa dạng về sinh cảnh tự nhiên là cơ sở cung cấp nơi sinh cư cho các loài động thực vật rừng và biển. Các quần xã sinh vật phân bố trong khu vực đảo Phú Quý chủ yếu trong các sinh cảnh như đồi cát, rừng trên đảo, các thảm cỏ biển và rạn san hô. + Các loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa
- Chương 7. Vùng biển đảo Nam Trung Bộ 209 Các loài quý hiếm: Rong Hồng vân Betaphycus gelatinum (Doty) J. Ag. được sử dụng ăn tươi, làm thực phẩm, nấu chè, phân bố ven biển xã Long Hải. Rong bị khai thác quá mức và đã cạn kiệt. Rong Câu chân vịt Hydropuntia euchematoides: còn rất ít, hàng năm khai thác chừng vài trăm kg rong khô. Các loài Hải sâm: Hải sâm mít Actinopyga echinites (Jaeger, 1833); Hải sâm Dừa Actinopyga mauritiana (Quoy et Gaimard, 1833); Hải sâm cát Holothuria scabra Jaeger, 1833; Hải sâm vú Microthele nobilis (Slenka, 1867); Hải sâm lựu Thelenota ananas Jaeger, 1833) Đồi mồi Eretmochelys imbricata (Linnaeus, 1766) Đồi mồi dứa Lepidochelys olivacea (Eschscholtz, 1829) Vích Chelonia mydas (Linnaeus, 1755) Ốc tai tượng Tridacna squamosa (Lamarck, 1819) Bào ngư vành tai Haliotis asinina Linné, 1758 Tôm hùm sỏi Panulirus stimpsoni Holthuis, 1963 Tôm hùm đỏ Panulirus longipes (A. Milne Edwards, 188) Tôm hùm xanh Panulirus homarus (Linnaeus, 1758) Tôm hùm bông Panulirus ornatus (Fabricus, 1798) Cá Mú hoa Epinephelus fuscoguttatus Forskal, 1775) Cua Huỳnh đế Ranina ranina (Linnaeus, 1758) Ốc Đụn đực Tectus pyramis (Born. 1778) Ốc Đụn Cái Trochus niloticus Linnaeus, 1767. Ốc Tù và Charonia tritonis (Linnaeus, 1758) Tất cả các loài có giá trị kinh tế rất cao và quý hiếm được liệt kê ở trên đều đang bị đe dọa, một số loài đã biến mất như Rong Hồng vân và chúng đều có tên trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam. b. Giá trị mỹ học Phú Quý được thiên nhiên ưu đãi, không những về tài nguyên thiên nhiên mà cả những danh lam thắng cảnh. Hệ sinh thái cỏ biển và San hô phân bố khá rộng tạo cảnh quan tự nhiên đẹp, là nơi cư trú và nuôi dưỡng nhiều loài sinh vật biển quý hiếm. Cùng với cảnh quan cấu trúc địa chất độc đáo, kỳ vĩ (những trụ đá, tường thành đá, hang, bãi bom núi lửa, dấu tích dòng dung nham núi lửa), những gành đá trên biển, những bãi biển cát trắng ven bờ đảo, tạo nên bức tranh đa sắc màu hấp dẫn du khách mỗi khi đến đảo. c. Giá trị độc đáo, đặc sắc, kỳ vĩ Phú Quý là một trong những vùng có các hệ sinh thái cỏ biển và San hô phong phú ở ven bờ Việt Nam. Tính đa dạng loài trong các hệ cao, với nhiều loài động thực vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Sự phân bố không gian các hệ này thành một vành đai gần như liên tục ôm quanh đảo, hình thành vành đai bảo vệ đảo giảm bớt những tác động phá hủy liên tục của các yếu tố tự nhiên. Nhận xét: Nhóm đảo Phú Quý có Hòn Hải được chọn làm điểm nối đường cơ sở, có một ví trí thuận lợi trung chuyển ra Trường Sa, nằm gần vùng nước trồi – ngư trường lớn nhất nước ta. Phú Quý là Khu dự trữ tài nguyên, nằm trong hệ thống 16 KBTB đã được công nhận. 7.3. ĐẢO BIỂN HÒN MUN - KỲ QUAN SINH THÁI 7.3.1. Thông tin chung Hòn Mun là khu vực trung tâm của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Khánh Hòa. Khu bảo tồn biển này gồm các đảo nằm trong Vịnh Nha Trang như: Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm và Hòn Ngọc. Khu bảo tồn Hòn Mun ra đời năm 2001 với sự phối hợp thực hiện của Bộ Thủy sản, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới. Khu bảo tồn này rộng khoảng 160km2, trong đó có 38km2 mặt đất và
- 210 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) 122km2 mặt nước biển. Khu vực có nhiều HST quan trọng như HST rạn san hô, HST thảm cỏ biển và HST rừng ngập mặn còn được bảo tồn khá tốt. 7.3.2. Đa dạng sinh học a. Đa dạng thành phần loài Cho tới nay đã ghi nhận được 2.979 loài sinh vật biển có trong vùng nước xung quanh các đảo thuộc vịnh Nha Trang. Trong số các nhóm sinh vật bắt gặp thì cá biển có số lượng loài cao nhất (796 loài), tiếp đến là thân mềm (490 loài), giun nhiều tơ và da gai (mỗi nhóm có 339 loài), giáp xác (309 loài), san hô có 206 loài (bảng 7.2). Rong biển: gồm 248 loài thuộc 116 giống trong 49 họ, trong số này có 40 loài sống trên cạn, 4 loài sống vùng đáy bùn, 17 loài sống đáy cát, 164 loài phân bố ở vùng triều rạn đá và 20 loài bắt gặp trong rạn san hô. Bảng 7.2. Đa dạng sinh học ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang Nhóm sinh vật Ngành Lớp Họ Giống Loài Rong biển 4 49 116 248 Cỏ biển 1 2 5 7 Động vật phù du 5 6 42 88 234 San hô 1 1 25 74 206 Giun nhiều tơ 1 1 48 171 339 Thân Mềm 1 2 62 164 490 Giáp xác 1 1 92 137 309 Da gai 1 5 44 86 339 Cá biển 1 125 351 796 Thú biển 1 1 5 11 11 Tổng cộng 16 17 494 1203 2979 Nguồn: VS Tuấn và nnk, 2002 San hô: tổng số 206 loài san hô đã được phát hiện có trong vịnh Nha Trang. Trong số đó có 169 loài san hô tạo rạn thuộc 55 giống trong 16 họ, 28 loài san hô mềm trong 9 giống thuộc 4 họ; 4 loài san hô thủy tức (Gorgonacea) trong 3 giống thuộc 3 họ, và 5 loài san hô lửa Milleopora. San hô tạo rạn là nhóm chiếm ưu thế trong quần xã rạn san hô với họ Acroporidae chiếm tới 40 loài. Họ Faviidae có số lượng giống cao nhất với 13 giống đã được phát hiện. Thân mềm: tổng số 490 loài thân mềm thuộc 164 giống trong 62 họ đã được phát hiện. Trong đó lớp chân bụng 429 loài và hai mảnh vỏ 68 loài. Số lượng loài có mặt trong vịnh Nha Trang chiếm tới 61% tổng số loài đã được phát hiện ở tỉnh Khánh Hòa. Giáp xác: tổng số 309 loài trong 137 giống, thuộc 92 họ đã được ghi nhận có trong vùng biển vịnh Nha Trang và chiếm tới 22% tổng số loài giáp xác đã được phát hiện ở Việt Nam. Trong số này, 186 loài đã được công bố và mô tả chi tiết, 169 loài chỉ ở dạng danh sách và phần lớn chúng được thu thập trên nền đáy cứng. Cá biển: khu hệ cá vùng biển vịnh Nha Trang rất giàu có với 796 loài trong 351 giống thuộc 125 họ đã được phát hiện (trong số đó có tới 420 loài là cá rạn san hô) (NV Quân, 2010). Đây là vùng biển có tính đa dạng cao hơn Cù Lao Chàm, Cù Lao Cau, Côn Đảo và Phú Quốc. Một số loài quý hiếm vùng biển ven bờ Việt Nam đã được phát hiện ở vịnh Nha Trang. Thú biển: phần lớn Thú biển có trong danh mục là những loài di cư. Chỉ có duy nhất loài Cá heo trắng Sousa chinensis được phát hiện có trong vùng nước xung quanh vịnh Nha Trang. Tuy nhiên loài này cũng đang bị đe dọa từ các tác động của yếu tố tự nhiên và con người.
- Chương 7. Vùng biển đảo Nam Trung Bộ 211 b. Đa dạng hệ sinh thái và sinh cảnh Hệ sinh thái rạn san hô: Kết quả khảo sát trong thời gian 2005-2006 cho thấy, độ phủ san hô sống ở KBTB vịnh Nha Trang còn tương đối cao so với các rạn san hô ven bờ Việt Nam. Tỷ lệ % độ phủ san hô sống dao động trong khoảng 34,17-73,15%, giá trị trung bình cho tất cả các địa điểm khảo sát là 55,06%. Có sự khác biệt tương đối rõ về đặc điểm đặc trưng trong cấu trúc quần xã RSH giữa các rạn ở gần bờ với xa bờ. Các rạn ở vùng gần bờ (Hòn Miễu) thuộc khu vực Rong tảo biển với các loài ưu thế là Sargassum polycystum, Padina australis, giữa chúng đôi khi có những tập đoàn nhỏ khảm các loài san hô cứng kích thước lớn Montipora, Porites, Goniastrea, Favia. Khu vực xa bờ hơn (Hòn Mun, Hòn Rơm và Hòn Cau) nhiều loài san hô sống tập trung thành rạn dạng đồi bắt đầu từ giữa sườn rạn với mức độ phong phú cao. Các loài san hô quan trọng trong cấu trúc ở đây là: Acropora florida, A digitifera, A. hyacinthus Pocillopora verrucosa, Porites lobata, P.australiensis, Leptoria phrygya, Goniastrea pectinata, Pachyseris speciosa và nhiều loài san hô cứng tạo rạn khác. San hô mềm và hải miên cũng đóng một vai trò đáng kể trong quần xã san hô ở đây (NV Quân, 2010). Hệ sinh thái cỏ biển: thảm cỏ biển phát triển tốt ở các khu vực kín có nền đáy là cát -bùn ở vùng Tây và Bắc của Hòn Miếu và Hòn Tre - bao gồm ít nhất 7 loài cỏ biển - và độ phủ từ < 10% đến 75%. Một số nơi cỏ biển tạo nên thảm đơn loài trong khi tại những nơi khác cỏ biển rải rác xen kẽ với rong, san hô và các sinh vật đáy khác. Các mảnh nhỏ có cỏ biển phân bố được ghi nhận rải rác ở khu vực đáy cát của Hòn Một và Hòn Mun. Thảm cỏ biển Đầm Già phía Bắc Hòn Tre (hầu hết là Enhalus và Halophila spp.) là ngư trường đánh bắt thủ công của loài ghẹ xanh Portunis pelagicus (VS Tuấn và nnk, 2005). Hệ sinh thái rừng ngập mặn: có 3 loài cây ngập mặn (Rhizophora sp., Avicennia sp. và Lumnitzera racemosa) đang sinh sống trong KBTB. Chúng mọc thành những mảng nhỏ (< 1ha) trong các khu vực được che chắn ở mặt Nam của Đầm Báy và phía Tây ở mặt phía Bắc của Đầm Già của Hòn Tre. Các đám cây mọc rải rác dọc theo vùng bờ của một số nơi đảo Hòn Tre. Rừng ngập mặn ở Đầm Già hiện nay gần như bị che lấp bởi việc khai hoang đất để xây dựng khu nghỉ mát và sự tồn tại của chúng đang bị đe dọa (VS Tuấn và nnk, 2005). Đáy bùn cát: các khu vực nông có cát phát triển thành các bãi tắm nhỏ (chiều dài < 1km) ở HònTre (bờ phía Bắc và Nam), Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một và Hòn Mun - cát kéo dài đến độ sâu trên 10. Một số khu vực cát vùng dưới triều có cỏ biển, các loài khác thường là sinh vật đáy kích thước lớn. Đã có vài báo cáo mô tả một số bãi cát ven đảo từng là nơi rùa biển lựa chọn làm các bãi đẻ. Hiện nay rùa biển rất hiếm gặp ở vịnh Nha Trang và có thể chúng đã bị suy kiệt hoặc tuyệt chủng toàn bộ. Bờ đá: các bờ đá có đặc trưng nhô cao lên quanh đường bờ của tất cả các đảo. Trên các mũi đất phơi ra và vùng bờ mặt phía Đông, bờ đá đảo gồm các đá tảng lớn và vách đá dốc đến độ sâu hơn 20m. Các bờ biển nhô đá tạo điều kiện cho các quần xã sinh vật đáy bao phủ lên trên bao gồm san hô thưa thớt, rong, ốc, hầu và các loài chịu được sóng khác. Xấp xỉ 100ha bờ đá có san hô thưa thớt đã được mô tả sơ bộ. Một số vịnh nhỏ ở hầu hết các đảo (ví dụ như Hòn Tre, Hòn Một, Hòn Tằm) được tạo thành từ sỏi- đá cuội nhiều hơn là cát, nhiều trong số này tiếp giáp với các khu vực giàu quần xã san hô (VS Tuấn và nnk, 2005). Đa dạng nơi cư trú và cách sống: khu hệ động thực vật biển phân bố chủ yếu trong các hệ sinh thái chủ đạo như rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn và các sinh cảnh đặc thù như nền đáy bùn cát và vùng triều rạn đá. Trong khu vực kỳ quan Hòn Mun còn có những nhóm sinh vật biển di cư như thú biển, không có nơi sinh cư cố định mà phân bố theo mùa vụ. c. Các loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa/tuyệt chủng: bao gồm các loài san hô thuộc nhóm san hô tạo rạn, các loài nhuyễn thể kèm theo như Ốc tù và, Ốc nón, Bào ngư, Tôm hùm.... Các loài cá có giá trị kinh tế cao sống trong san hô như Cá mú, Cá ngựa là những đối tượng khai thác bằng nghề lặn của ngư dân sống quanh vùng.
- 212 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) 7.3.3. Giá trị về mỹ học Tháng 5/2003 vịnh Nha Trang đã chính thức gia nhập Câu lạc bộ 29 vịnh đẹp nhất thế giới do các giá trị tuyệt mỹ về cảnh quan thiên nhiên và môi trường biển còn trong sạch, giữ được vẻ tự nhiên hoang sơ. Hòn Mun là một trong những đảo thuộc vùng lõi của KBTB Vịnh Nha Trang đã được xác định là một trong những KBTB trọng điểm cấp quốc gia đi vào hoạt động từ năm 2002 và có tên trong danh sách 16 KBTB cấp quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2010. Các hoạt động du lịch biển đã được xác định là một trong những thế mạnh của Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Du khách tham gia loại hình du lịch sinh thái thường lựa chọn thăm xem các rạn san hô bằng thuyền đáy kính hoặc lặn có khí tài SCUBA. Hàng năm KBTB Vịnh Nha Trang đón một lượng lớn sinh viên học sinh từ các bậc phổ thông đến đại học tham quan và nghiên cứu chuyên đề, luận văn, luận án tốt nghiệp. Trên thực tế đây là môi trường giáo dục lý tưởng cho các chủ đề về bảo vệ môi trường, khơi dậy lòng yêu thiên nhiên đất nước và hướng họ tham gia vào các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường biển. 7.3.4. Giá trị độc đáo, đặc sắc, kỳ vĩ Vịnh Nha Trang không chỉ được du khách biết đến với các bãi cát trắng kéo dài hàng chục kilômét ven biển, hệ thống các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới như Vinpearl Land, thủy cung Hải dương học... mà còn tham gia vào các tuyến du lịch sinh thái độc đáo khác như lặn xem san hô, câu cá giải trí. Những đặc điểm đặc trưng này đã thu hút đáng kể số lượng khách du lịch trong và ngoài nước. 7.3.5. Các giá trị đi kèm khác - Thủy sản: Ngư trường Nha Trang là một trong những ngư trường truyền thống của nghề vây trũ rút khai thác Cá cơm, Cá liệt, Cá sòng... để làm mắm - sản phẩm làm nên thương hiệu truyền thống nước mắm Nha Trang nổi tiếng. - Du lịch sinh thái biển: Theo số liệu của Sở du lịch tỉnh Khánh Hòa riêng doanh thu từ du lịch thắng cảnh thăm vịnh và phí lặn sinh thái thu được của năm 2007 đạt tới 192.800 đô la Mỹ. Lặn sinh thái ngầm là một trong những hoạt động thu hút được nhiều khách tham gia nhất là khách nước ngoài, chủ yếu ở vùng lõi của khu bảo tồn (Tây Nam Hòn Mun, Tây Bắc Hòn Mun và Hòn Rơm). - Văn hóa bản địa (Tài nguyên du lịch nhân văn): ở các làng chài như đảo Bích Đầm, Trí Nguyên, Xóm Bóng còn lưu truyền lại các lễ hội truyền thống như lễ hội cầu ngư. Đây là lễ hội biển phổ biến và quan trọng nhất của cư dân vùng biển các tỉnh phía Nam (từ Quảng Bình trở vào) được hình thành từ tục thờ Cá voi. Tại Nha Trang lễ hội được tổ chức trang trọng tại các Lăng Ông Nam Hải - nơi thờ Cá voi bị chết và dạt vào bờ. Lễ hội thường bao gồm các nghi lễ như cúng các vị Tiền Hiền, Rước Sắc, Nghinh Ông với mục đích cầu quốc thái dân an, ngư dân đi biển gặp nhiều may mắn; lễ khai sắc, dâng hương để tỏ lòng biết ơn đến các vị anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền hiền có công khai hoang, mở đất. Các điệu hò như hò bá trạo là một phần của nghi lễ này hiện vẫn còn được lưu truyền và giữ gìn trong cộng đồng ngư dân. Ở Bích Đầm thì điệu hò bá trạo đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa trình diễn cho du khách mỗi khi tham quan đảo. Nhận xét: đến nay, Vịnh Nha Trang là một trong những KBTB đã đi vào hoạt động khá tốt. Đây cần xây dựng và phát huy chức năng của một Công viên sinh thái Quốc gia và giữ vững danh hiệu là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.
- 213 Chương 8 VÙNG BIỂN ĐẢO NAM BỘ 8.1. CÔN ĐẢO Quần đảo Côn Sơn (Côn Đảo) gồm 16 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 75,2km2 nằm trong ô toạ độ 8o37’- 8o48’ vĩ Bắc và 106o31’-106o45’ kinh Đông. Đảo có diện tích lớn nhất là Côn Sơn rộng 57,4km2 và có hình dạng một con gấu, tiếp theo là hòn Bảy Cạnh - 7,2km2, hòn Bà - 6,1km2, hòn Cau (Câu) - 1,25km2, hòn Tre Lớn - 0,7km2, hòn Tài Lớn - 0,3km2, hòn Trọc - 0,28km2, hòn Tre Nhỏ - 0,15km2. Côn Đảo cách Vũng Tàu 180km về phía NTN, cách cửa sông Hậu khoảng 90km về phía NĐN và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế từ Tp. Hồ Chí Minh đi Singapo, Băng Cốc, Công Pông Xom. Quần đảo này là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. 8.1.1. Tài nguyên vị thế a. Vị thế tự nhiên Quần đảo Côn Sơn nằm trong vùng khí hậu á xích đạo-hải dương nóng ẩm, một năm có 2 mùa gió Đông Bắc và Tây Nam. Nhiệt độ trung bình 27,80C với biên độ dao động nhiệt không quá 40C, độ ẩm không khí trung bình 82%, lượng mưa trung bình năm 2.575mm, tổng lượng nước mặt hàng năm là 45,7 triệu m3 và nước ngầm tầng nông là 17,22 triệu m3. Chế độ thủy triều Côn Đảo thuộc loại triều hỗn hợp thiên về bán nhật triều không đều, triều cường cao 3-4m, triều kém cao 1,5-2m, mực nước cực đại đã ghi nhận là 4,1m và cực tiểu là 0,21m (PV Ninh, 1995). Vào kỳ gió mùa ĐB, sóng ĐB và ĐĐB chiếm ưu thế; vào kỳ gió mùa TN, sóng thịnh hành hướng TN và TTN. Dòng chảy ở vùng ven đảo chịu sự chi phối chủ yếu của dòng triều, địa hình bờ đảo và hình dạng các đảo. Nhiệt độ nước biển vùng biển Côn Đảo trong khoảng 25,7- 29,20C. Độ mặn trung bình đạt 31,9‰. Là tàn dư của một vòm xâm nhập lớn bị bóc mòn mạnh mẽ, quần đảo cấu tạo chủ yếu từ các đá granit, diorit và riolit, tuổi từ 70 đến 106±4 triệu năm (Creta). Quần đảo nằm trên một cấu trúc địa lũy Côn Sơn kéo dài theo phương ĐB-TN, phân cách bên phía TB là bồn trũng Cửu Long, bên phía ĐN là bồn Nam Côn Sơn, đều chứa dầu khí. Khoáng sản trên quần đảo có cát thủy tinh, đá xây dựng (mỏ nhỏ), đá vôi san hô (điểm quặng) và cát, cuội sỏi. Quần đảo có địa hình núi thấp sườn dốc, kéo dài theo 2 phương chính là ĐB-TN và TB-ĐN. Các khối và dải núi chính có dạng gần cánh cung ôm lấy vụng Côn Sơn ở phía ĐN. Có hai bậc địa hình các bề mặt chia nước. Mực địa hình trên 350m, gồm các dải núi hẹp sườn dốc, có đỉnh cao nhất 577m (đỉnh Thánh Giá). Mực dưới cao 100-150m, gồm các vòm thoải có chỏm sót và phát triển vỏ phong hóa, giới hạn bởi các vách-sườn dốc bóc mòn, hoặc bóc mòn-mài mòn. Chân các đảo thường là các vách dốc đá gốc với nhiều khối tảng đổ lở. Khác với Cù Lao Chàm và Hòn Khoai, ở quần đảo này phát triển rộng rãi trầm tích biển tạo thành các bậc thềm cao đến 10m. Đặc biệt phần ĐB đảo Côn Đảo được nối với phần chính của đảo phía TN bằng các trầm tích nối đảo. Hòn Bà và hòn Bẩy Cạnh cũng đều được tạo thành
- 214 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) bằng hình thức nối đảo. Như vậy bờ của quần đảo tạo thành nhiều mũi đá, vụng, vũng nhỏ, bãi đá và bãi cát. Côn Đảo nổi tiếng với nhiều thắng cảnh và nhiều bãi tắm đẹp. Rừng trên đảo được bảo vệ rất tốt, độ che phủ đạt trên 85%. VQG Côn Đảo thành lập năm 1993 có diện tích 19.998ha, trong đó 5.998ha là trên đảo, 14.000ha là vùng biển quanh. HST rừng nhiệt đới với 2 kiểu chính là rừng kín thường xanh và rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm. Vùng triều, biển nông có HST rừng ngập mặn, HST thảm cỏ biển và HST rạn san hô phát triển mạnh. Côn Đảo được một số tạp chí quốc tế bình chọn là 1 trong 20 hòn đảo bí ẩn nhất thế giới, là 1 trong 10 hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh. Những ưu thế của vị trí địa lý tạo nên giá trị TNVT của quần đảo gồm: - Vị trí địa lý. Quần đảo phân bố ở nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi cho sinh trưởng động thực vật, cho sức khỏe con người và cho các hoạt động sản xuất và du lịch quanh năm. Về mặt địa chất, phân bố giữa 2 bồn trũng chứa dầu khí đang được khai thác mạnh (mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, Lan Tây,v.v.); về mặt hải sản, phân bố gần các ngư trường lớn; về giao thông, nằm gần đường hàng hải quốc tế liên quan các nước Đông Nam Á và Đông Á. - Vị trí tiền tiêu. Quần đảo nằm ở phía ngoài cùng tiếp giáp với vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, đối diện với bờ biển và các đảo của Malaixia và Inđônêxia ở phía Nam. Ở vị trí tiền tiêu quần đảo có chức năng trước hết là bảo vệ vùng biển chủ quyền Đông Nam, tiếp giáp với vùng biển Tư Chính-Huyền Trân của Việt Nam, bảo vệ vùng đất liền Nam Bộ. Ở vị trí tiền tiêu, quần đảo cũng có điều kiện cho phát triển thương mại và dịch vụ hàng hải quốc tế. - Vị trí cửa ngõ của Nam Bộ. Dải ven biển Đông Nam Bộ với các KCN dầu khí lớn, các cảng biển lớn nhất của Việt Nam, đầu mối giao thông hàng hải quốc tế quan trọng, với 9 cửa sông, trong đó cửa sông Hậu nối với thành phố Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây, làm cho vai trò vị trí cửa ngõ của Côn Đảo ngày càng trở nên quan trọng. Nhiều ngành dịch vụ có thể phát triển ở đây, như giao thông, nghề cá, thương mại, dầu khí, v.v. - Vị trí khá xa bờ. Côn Đảo cách đất liền nơi gần nhất (Sóc Trăng) khoảng 84km thuộc lớp đảo khá xa bờ. Ở vị trí đó quần đảo đã khống chế được một vùng biển rất rộng lớn - vùng biển Tây Nam Biển Đông, đồng thời là điểm nối tiếp với các bồn trũng ở phía Đông như Tư Chính, Vũng Mây và Trường Sa thuộc Việt Nam. Ở vị trí khá xa bờ, Côn Đảo có lợi thế cho mở rộng vùng nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế và có ưu thế trong xác định vùng chồng lấn với các nước láng giềng ở phía bờ đối diện. - Đặc điểm phân bố và hình thể. Tuy có khá nhiều đảo và phân bố trên một vùng biển khá rộng nhưng quần đảo Côn Sơn vẫn được coi là thuộc kiểu phân bố lẻ loi và có một vị trí độc tôn không thể thay thế được trên vùng biển này. Đặc điểm hình thể của quần đảo với nhiều bề mặt phẳng trên đường chia nước (cao 400-500m) là nơi lý tưởng cho xây dựng các nhà nghỉ mát trên núi đảo, hơn hẳn các nhà nghỉ ở vùng núi trên lục địa nhờ có khí hậu đại dương thoáng mát và điều hòa. Nhiều đỉnh cao, nhiều mũi đá, vách đá, vũng, và bãi thuận lợi cho xây dựng căn cứ phòng thủ và hỗ trợ lẫn nhau trong bảo vệ vùng biển và chính quần đảo này. b. Vị thế và tài nguyên địa-kinh tế Huyện Côn Đảo có mật độ dân cư thấp nhất trong các huyện đảo (79,7 người/km2). Dân số thấp, đến cuối năm 2010 có khoảng 6.000 người, tỷ lệ lao động cũng thấp (khoảng 25% dân số), trong đó 50% lao động trong các ngành dịch vụ. Côn Đảo hiện có cảng Bến Đầm ở phía TN, dài 336m cho tầu có trọng tải 1-2 nghìn tấn, sân bay Cỏ Ống ở phía ĐB, đường băng dài 1.200m. Những năm gần đây kinh tế Côn Đảo đã có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có ngành du lịch; kết cấu hạ tầng đã được nâng cấp về giao thông đường bộ, cầu cảng, sân bay, cấp điện, cấp nước. Theo Ban Quản lý Phát triển Côn Đảo (condao.gov.vn), năm 2010 kinh tế Côn Đảo đã đạt được các thành tựu tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ-du lịch: nông-ngư nghiệp 8,62%; công nghiệp-xây dựng 11,56%; dịch vụ 79,63%. Giá trị tăng thêm bình quân hàng năm tăng 16,25%, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người 1.064 USD.
- Chương 8. Vùng biển đảo Nam Bộ 215 - Về du lịch, cả năm 2010 có 107.458 lượt khách, trong đó có 11.010 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt 98,4 tỷ đồng (gấp 3,8 lần năm 2005). Tổng doanh thu thương mại và các dịch vụ khác 1.631,3 tỷ đồng (trong đó doanh thu thương mại 1.274,5 tỷ). - Về giao thông, tần suất hoạt động của tầu vận chuyển hành khách và hàng hóa hàng năm tăng 44%, năm 2010 có 21 chuyến/tuần. Thông tin liên lạc giữa Côn Đảo với trong nước và quốc tế được đảm bảo, đã phủ sóng điện thoại di động. Chuẩn bị khởi công dự án cảng tầu khách Côn Đảo. - Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 1.470 tỷ đồng (gấp 8,3 lần 2005), trong đó vốn đầu tư trong nhân dân 42,5 tỷ đồng. - Giá trị sản xuất công nghiệp 127,6 tỷ đồng (giá cố định), sản lượng điện tăng bình quân hàng năm 17%, nước 9,7%. - Giá trị sản xuất nông nghiệp 39,6 tỷ đồng (giá cố định), tăng bình quân 21%/năm. Giá trị sản xuất ngư nghiệp 64,69 tỷ đồng (giá cố định), sản lượng khai thác và nuôi trồng 2.317 tấn thủy sản. Tháng 9/2011 Chính phủ đã có Quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030 (Số: 1518/QĐ-TTg), trong đó nêu rõ mục tiêu là xây dựng Côn Đảo đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ hệ sinh thái rừng-biển, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững. Côn Đảo sẽ là Khu kinh tế du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế, là khu vực bảo tồn di tích lịch sử có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử, là khu vực bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển của quốc gia, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng. Dự báo quy mô dân số 2020 là 20.000 người, đón 150.000-200.000 lượt khách du lịch (khách quốc tế chiếm 15%), và năm 2030 có 30.000 người và đón 250.000-300.000 lượt khách (khách quốc tế 15-20%). Côn Đảo có giá trị TNVT to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, trở thành một điểm sáng không những về an ninh quốc phòng mà còn về cuộc sống sung túc và có đời sống văn hóa phát triển. Có thể phát triển ở Côn Đảo các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cho khai thác xa bờ, dịch vụ hàng hải, dầu khí, thương mại, ngân hàng, dịch vụ y tế, chữa bệnh, thậm chí phát triển du lịch và nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ khu vực, quốc tế. - Phát triển đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm phát huy lợi thế phân bố gần các ngư trường lớn và khả năng nguồn lực tự nhiên và xã hội tại chỗ khá phong phú; đặc biệt tại ngư trường này tập trung hàng ngàn tàu thuyền các nơi đến, cần đẩy mạnh khâu dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là cho đánh bắt xa bờ. - Côn Đảo có tiềm năng phát triển các dịch vụ giao thông, hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, dầu khí, neo trú và sửa chữa tầu thuyền cùng các dịch vụ khác đi kèm như thương mại, ngân hàng, y tế, hội nghị, v.v. - Phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất, du lịch văn hoá-lịch sử, du lịch thể thao, mạo hiểm, tắm biển và nghỉ dưỡng, nghỉ mát sẽ là thế mạnh rất lớn của Côn Đảo, có thể tiến kịp một số đảo du lịch nổi tiếng của các nước trong khu vực. c. Vị thế và tài nguyên địa-chính trị Quá trình quản lý và bảo vệ quần đảo Trên đảo Côn Sơn đã phát hiện nhiều di vật khảo cổ thuộc thời đại Đá mới-sơ kỳ Kim khí (3.000 năm cách ngày nay) cùng những di chỉ và mộ táng Sa Huỳnh muộn-Chăm sớm (TQ Vượng, 1998). Theo Demariaux J.C., một tác giả người Pháp trong Hội nghiên cứu Đông Dương, người Tây Ban Nha là những người châu Âu đầu tiên đến thăm quần đảo này vào thế kỷ 16. Quần đảo thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn từ cuối thế kỷ 17. Do nhận thấy tầm quan trọng của quần đảo trên đường hàng hải quốc tế, năm 1702 người Anh (công ty Đông Ấn) đã chiếm quần
- 216 Trần Đức Thạnh (Chủ biên) đảo này. Nhưng sau đó chúa Nguyễn đã chiếm lại được thông qua một cuộc nổi dậy vào đêm 3- 3-1705 có nội ứng của lính người Chà Và, do trấn thủ Trương Phúc Phan tổ chức (bằng hình thức chiêu mộ 15 lính Chà Và và cho họ trá hàng người Anh). Người Pháp có ý định chiếm và lập thương điểm trên quần đảo vào năm 1768, do nhận thấy quần đảo nằm ở lối vào eo biển Malacca, là chỗ trú cho tầu thuyền châu Âu trên đường tới Trung Quốc, nhưng chưa có quyết định cụ thể. Thuyền trưởng Gore (kế nhiệm thuyền trưởng Cook bị giết ở đảo Sandwich năm 1779) chỉ huy hành trình vòng quanh thế giới với 2 chiếm hạm Cương Quyết (Resolution) và Khám Phá (Découverte) đã ghé vào quần đảo từ ngày 20 đến 28-1-1780. Lúc đó trên đảo có 1 thị trấn nhỏ với khoảng 30 nóc nhà. Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh do bị Tây Sơn đánh đuổi đã đem 100 gia đình ra đảo lập nên làng An Hải. Về đồn lũy, từ năm Minh Mạng 17 (1836) đã xây Bảo Thanh Hải chu vi trên 200m, xây một pháo đài và một kỳ đài trên đảo. Người Pháp chỉ thực sự chiếm quần đảo này khi Thống đốc Nam kỳ Bonard phái thông báo hạm Norzagaray tới đảo vào ngày 28-11-1861 và lập biên bản chiếm hữu. Lúc đó trên đảo đã có 129 người đang bị nhà Nguyễn cầm giữ và khoảng 80 lính triều đình. Viên quan trên đảo đã tặng cho người Pháp “hàng thùng chanh, cam, mít, soài, bưởi, ngô, khoai lang, thuốc lá và cả trâu”. Với Hòa ước ký ngày 3-6-1862, vua Tự Đức đã chính thức nhường cho Pháp toàn bộ chủ quyền quần đảo cùng với 3 tỉnh phía Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Năm 1862, Bonard cho xây dựng nhà tù trên đảo, tồn tại từ đó cho đến ngày giải phóng 25-8-1945 và sau đó ngày 18-4-1946 Pháp chiếm lại đảo và tái lập nhà tù cho đến 1-5-1975, kéo dài trên 100 năm. Người Nhật cũng đã có mặt trên đảo từ tháng 2-1942 và chiếm toàn bộ quần đảo vào ngày 9-3- 1945. Về mặt hành chính, Côn Đảo từ thời Gia Long đến Minh Mạng 19 (1838) thuộc đạo Cần Giờ trấn Gia Định, từ 1839 thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1957 đổi thành tỉnh Côn Sơn; còn từ 1970 là quận của tỉnh Gia Định. Từ tháng 5-1975 quần đảo được gọi là tỉnh Côn Đảo, đến tháng 1-1977 là huyện thuộc tỉnh Hậu Giang, từ tháng 5-1979 đến tháng 8-1991 là quận trong Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và từ tháng 8-1991 đến nay là huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lợi ích về lãnh thổ quốc gia trên biển Trong quần đảo có 3 đảo được chọn làm điểm chuẩn để lập đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam. Đó là hòn Tài Lớn (điểm A3), Bông Lang (A4) và Bẩy Cạnh (A5) và cùng với Hòn Hải (A6) thuộc Phú Quý, Bình Thuận, đã hình thành nên một vùng nội thủy rộng lớn, trong đó gồm toàn bộ bể dầu khí Cửu Long. Nhờ có quần đảo này mà lãnh thổ đất liền như được mở rộng ra biển đáng kể, đem lại lợi ích quốc gia vô giá. Hơn nữa nhờ có quần đảo ở vị trí đó mà vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam được kéo ra xa về phía bờ đối diện của Malaixia và Inđônêxia. Theo Lưu Văn Lợi (2007), về phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Inđônêxia cho đến giữa năm 1991 hai bên đã thu hẹp vùng chồng lấn còn khoảng 40.000km2. Sau nhiều lần đàm phán tiếp theo hai bên đã đi đến thỏa thuận hoàn toàn về đường phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Inđônêxia và hiệp định giữa Việt Nam và Inđônêxia về phân định thềm lục địa giữa hai nước đã được ký chính thức ngày 26-6-2003. Lợi ích về an ninh quốc phòng Bản thân việc quần đảo đã bị các nước phương Tây nhòm ngó và xâm chiếm từ rất sớm đã nói lên giá trị to lớn về TNVT của quần đảo trong chiến lược của chế độ “thực dân” về quân sự (khống chế, chiếm hữu và đàn áp) và kinh tế (bóc lột và khai thác kiệt quệ) đối với cả khu vực bán đảo Đông Dương, mà trước hết là khống chế và khai thác tuyến hàng hải châu Âu đến Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Tại quần đảo có thể kiểm soát và theo dõi được các hoạt
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
TÀI NGUYÊN RỪNG
5 p | 477 | 134
-
Giáo án: Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường
39 p | 693 | 114
-
Tài nguyên, vị thế và những kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu - Biển đảo Việt Nam: Phần 1
188 p | 361 | 63
-
Làm gì để sử dụng hợp lý tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long - PGS.TS. Dương Văn Viện
7 p | 130 | 15
-
Tài Nguyên Đất Và Các Quá Trình Chính Trong Đất Việt Nam - một trong những quốc gia khan hiếm đất trên thế giới
10 p | 149 | 13
-
Tài nguyên vị thế huyện đảo Phú Quý
8 p | 117 | 7
-
Tài nguyên vị thế vùng bờ Khánh Hòa: Tiềm năng và triển vọng
12 p | 69 | 6
-
Phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay
8 p | 12 | 5
-
Tài nguyên vị thế cụm đảo Thổ Chu, phía Nam Việt Nam
11 p | 62 | 5
-
Nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí và phương pháp giám sát tài nguyên đất đối với các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu Việt Nam
7 p | 65 | 5
-
Biển Đông: Những vấn đề cần cập nhật trong nghiên cứu và giảng dạy về Địa lí tự nhiên
7 p | 76 | 4
-
Tài nguyên vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị đảo Bạch Long Vĩ
9 p | 69 | 4
-
Tài nguyên vị thế tự nhiên đảo Bạch Long Vỹ
9 p | 66 | 4
-
Những bí ẩn về sự huyền hoặc của thế giới vi mô và thế giới lượng tử kỳ bí: Phần 2
177 p | 34 | 3
-
Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang
5 p | 185 | 3
-
Tài nguyên vị thế đảo Cồn Cỏ
11 p | 46 | 3
-
Những kỳ quan địa chất của biển đảo Việt Nam và sinh thái tiêu biểu
0 p | 57 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn