intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tản Mạn Quê Hương

Chia sẻ: Phượng Cửu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

95
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sau vài năm trở lại, tính từ thời điểm 1992, thì quả thật Việt Nam đã có nhiều biến đổi. Từ cơ sở vật chất đến cung cách làm việc của nhân viên phi trường Tân Sơn Nhất đã có phần tiến bộ hơn trước. Thủ tục xuất nhập cảnh được giải quyết khá dễ dãi và nhanh chóng. Nhân viên phi trường thường mang một vẻ mặt đăm đăm, khó chịu. Thái độ tiếp đón du khách hơi mất lịch sự và thiếu văn minh. Cái nóng quen thuộc của Sài Gòn tháng hai vẫn làm cho tôi bỡ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tản Mạn Quê Hương

  1. vietmessenger.com Nhược Trần Tản Mạn Quê Hương Sau vài năm trở lại, tính từ thời điểm 1992, thì quả thật Việt Nam đã có nhiều biến đổi. Từ cơ sở vật chất đến cung cách làm việc của nhân viên phi trường Tân Sơn Nhất đã có phần tiến bộ hơn trước. Thủ tục xuất nhập cảnh được giải quyết khá dễ dãi và nhanh chóng. Nhân viên phi trường thường mang một vẻ mặt đăm đăm, khó chịu. Thái độ tiếp đón du khách hơi mất lịch sự và thiếu văn minh. Cái nóng quen thuộc của Sài Gòn tháng hai vẫn làm cho tôi bỡ ngỡ. Điều làm cho tôi vô cùng thích thú là được thấy các cô nữ sinh trung học đã mặc lại đồng phục áo dài trắng như thuở nào. Sài Gòn, nhà cửa nhiều tầng chen chúc mọc lên khắp nơi. Đường sá tấp nập xe cộ qua lại. Và vì không đáp ứng nổi với số lượng ngày càng đông của xe cộ nên đường sá hầu như ngày nào cũng bị kẹt xe. Vả lại, dân chúng chẳng có một chút ý thức về luật lệ giao thông. Không khí bụi bậm, ngột ngạt vì môi trường ô nhiễm khá trầm trọng. Kinh tế phát triển với một tốc độ chóng mặt trong bối cảnh một nước khởi đầu bằng con số không, xem qua chẳng có gì lạ lùng cho lắm. Nhưng, tất cả cũng chỉ là bề mặt. Mọi sinh hoạt đời sống đều xoay quanh đồng tiền. Việt Nam đang có phong trào bia ôm (rất nhiều thứ ôm), và phong trào này hoạt động khá rầm rộ, nơi nào cũng có. Bên trong cái không khí mờ mờ ở các quán bar, chẳng ai biết rõ có những chuyện gì ‘mờ ám’ đang diễn ra. Lang thang trên hè phố, về đêm, dưới ánh đèn đường, bên những gốc cây, tôi thấy từng nhóm những cô gái, nhiều cô còn rất trẻ, tuổi khoảng 16, 17, mặc áo dài đu đưa thân hình mời mọc khách làng chơi. Buồn thật. Chiếc áo dài quê hương trong sáng, thanh tao, dịu dàng, đẹp đẽ mà tôi hằng yêu thương, trân quí và tự hào, nay người ta lạm dụng sự thướt tha, xinh xắn của nó để quảng cáo cho cái nghiệp bán thân. Vì miếng cơm manh áo? Đi đến đâu, tôi cũng thấy sự nhộn nhịp của cảnh ‘người người làm ăn, nhà nhà làm ăn’. Nhà cửa được xây cất mới hoặc được sửa sang, sơn phết trông đẹp hẳn ra. Hàng hóa không thiếu thứ gì, kể cả những món hàng ngoại quốc, những món hàng nhập lậu tràn ngập trong các cửa hiệu khang trang. Những sạp hàng bày bán la liệt trên vỉa hè, nơi góc phố trông có vẻ xô bồ mất trật tự. Chợ Bến Thành rộn ràng tiếng nói cười. Thiên hạ tranh đua nhau làm giàu. Cảnh ‘vàng thau lẫn lộn’ làm cho mình có cảm giác không còn phân biệt được ai là người tốt, ai là kẻ xấu. Nói chung, cuộc sống bon chen, hưởng thụ vội vã ở các thành phố lớn trông có vẻ phồn vinh giả tạo. Tuy nhiên, xã hội cũng có nhiều mặt tiến bộ. Phần đông quần chúng bắt đầu biết tỏ ra quan tâm đến những giá trị đạo đức xã hội, thẳng thắn lên án những tệ nạn, những hiện tượng phi lý bất công. Ăn xin và mãi dâm hoạt động có phần bớt lộ liễu nhưng tinh vi hơn trước. Vấn đề vệ sinh công cộng đã phần nào được chú ý tới, mặc dù chưa được bao quát.
  2. Tôi thường có thói quen, hàng ngày rong chơi trên hè phố. Thỉnh thoảng ghé vào các galeries trên đường Đồng Khởi xem tranh. Nhiều khi tạt qua các cửa hiệu bán sách. Sách báo tại Sài Gòn dạo này tương đối phong phú. Trên đường Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng có vài nhà sách khá lớn, có bán nhiều sách có giá trị. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai có nhiều hiệu sách cũ. Sài Gòn về đêm tưng bừng những thú vui chơi đầy ắp sự quyến rũ (!). Trong đó, tiết mục xem kịch nói tại sân khấu nhỏ trên đường Võ Văn Tần là một trong những hoạt động tạo nên nhiều lý thú. Ngoài ra, ta vào quán Nghệ Sĩ hay một quán nước nho nhỏ nào đó bên vệ đường, uống một ly cà phê, một vài tách trà, hút một điếu thuốc lá, nghe vài bản nhạc... tình và nhìn thiên hạ lao xao ngược xuôi trên đường phố. Không khí tuyệt vời này, tôi nghĩ chỉ ở Sài Gòn mới có. Sướng. Sướng không chịu được. Muốn tìm lại không khí của phòng trà ca nhạc trước năm 1975, bạn có thể tìm thấy nơi các phòng trà nổi tiếng như ‘Tiếng Tơ Đồng’, ‘Đồng Dao’... Nơi đây, hằng đêm đều có những ca sĩ tài danh hát những bài tình ca rất thịnh hành một thời. Nếu bạn là người có ‘tâm hồn ăn uống’ thì hiện nay, đồ ăn thức uống ê hề, ngon miệng lại rất rẻ (so với vật giá bên này), đặc biệt là các món lẩu, lẩu dê, lẩu mắm, lẩu cá chép... Các quán ăn ngon chẳng hạn: bánh xèo Đinh Công Tráng; phở ‘Hòa’ đường Pasteur; phở gà ‘Bình’ đường Võ Thị Sáu; hủ tiếu ‘Hồng Phát’ đường Võ Văn Tần; quán thịt rừng ‘Tri Kỷ’ đường Trần Huy Liệu; vịt tiết canh và cháo vịt ở Thanh Đa; lẫu cá bống kèo đường Sương Thiện Chiếu; bánh cuốn ở ngã tư Mạc Đĩnh Chi; heo quay và vịt quay ở chợ Tôn Thọ Tường; quán cơm bà Cả Đọi trong con hẻm đường Nguyễn Huệ; quán bún bò Huế và các món ăn thuần túy của Huế tại quán ‘Ngự Bình’, 82 Cư xá Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, và tại một quán ăn khác, quán ‘Nam Dao’ trong con hẻm đường Lê Thánh Tôn sau lưng chợ Bến Thành; quán phở ‘Dậu’, khu cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3; quán thịt chó ‘Hà Nội Phố’ trong con hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai đối diện với công viên Tao Đàn; món ăn xứ Bắc: quán ‘Dáng xưa’, 33 Cao Thắng, quán ‘Hương xưa’, 84 Bùi Thị Xuân và một quán ăn khác tại 43 Lý Tự Trọng; món ngon xứ Quảng: quán ‘Phú Hương’, 21 Sao Mai, phường 7, quận Tân Bình; quán ‘Ngon’, 138 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; các món ăn đồ biển ở ngã Sáu Nguyễn Tri Phương, tại đường Thi Sách hay tại quán ‘Văn Hoa’ gần Cầu Số 1, quận 8; cuối đường Nguyễn Tri Phương, quẹo trái qua đường Hàm Tử, cách khoảng 100 mét có quán ‘Hiếu’ chuyên bán Thố Pín, một món ăn cường dương, bổ thận của người Hoa; làng Ẩm Thực Tây Nam Bộ tại gốc đường Hồng Bàng - Tản Đà quận 5 là nơi bán đầy đủ các món ăn thuần túy của người dân miền đồng bằng Sông Cửu Long; trên đường Lý Tự Trọng cũng có nhiều tiệm ăn ngon... Có nhiều quán mở cửa 24/24. Về khuya, đi chơi loanh quanh một vòng, thấy đói, muốn ăn bất cứ thứ gì bạn cũng có thể tìm thấy. Sau vài năm, vật giá nơi đây đã tăng lên gần gấp đôi. °°° Trái ngược với quang cảnh nhộn nhịp và sự ngột ngạt của Sài Gòn, càng đi xa về miền Tây, không khí càng thoáng mát và dễ chịu. Bên cạnh những ngôi nhà tranh mộc mạc đã xuất hiện những căn nhà ngói rộng lớn, khang trang. Chung quanh những ngôi nhà này được bao bọc bởi những vườn cây xanh mát. Xa xa là những cánh đồng mênh mông, bát ngát chạy tới chân trời. Miền Tây có nhiều sông nước và vườn cây ăn trái. Miền Tây, quê hương của những chiếc cầu tre, cầu ván đơn sơ, gập ghềnh nối qua những dòng kênh và những chiếc xuồng chèo xinh xắn. Điều thú vị nhất là lúc ta đi thuyền chạy dọc theo những dòng sông, từ Mỹ Tho về Vĩnh Long, ngược lên Cao Lãnh, Sa Đéc, xuyên qua Châu Đốc, ghé Long xuyên, chạy qua Rạch Giá, thăm Hà Tiên rồi trở về Cần Thơ, Sóc Trăng. Ngắm nhìn cảnh sinh hoạt hai bên bờ, dưới nước, lúc đó ta mới thật sự tận hưởng được hết hương vị tươi đẹp của đất trời. Hầu hết các thành phố lớn ở miền Tây đều nằm dọc hai bên dòng sông. Ban ngày ghe
  3. thuyền tấp nập và nhộn nhịp cảnh làm ăn buôn bán tạo nên những phiên chợ nổi trên sông thật đặc thù (chợ nổi Phụng Hiệp, Cái Răng, Cái Bè, v.v...). Ban đêm, từ ngoài khơi, những chiếc xuồng con lênh đênh, leo lét ngọn đèn dầu, văng vẳng xa xa tiếng rao hàng trong thanh vắng. Khách thương hồ nhâm nhi vài chung rượu, nghe một điệu sáo, vài câu vọng cổ, dõi mắt vào bờ, ánh đèn thành phố lập lòe những đam mê. Cảnh đồng quê thật hiền hòa và thanh bình. Người dân quê phần đông vẫn còn giữ bản chất thật thà, chất phác cố hữu. Cuộc sống của họ nói chung còn rất vất vả và lam lũ. Bên cạnh những con người an phận với ruộng vườn, cũng có một số do tác động của nền kinh tế thị trường, vội vã chạy theo nếp sống mới chuộng hình thức kém văn hóa, thiếu thẩm mỹ bề ngoài. Có lần dạo chơi không may gặp phải một trận mưa nhiệt đới đột ngột, tôi chạy vào núp dưới mái hiên một căn nhà lá lụp xụp bên vệ đường để trú mưa, tình cờ tôi chứng kiến một cảnh khá là buồn cười. Nhà trông thật nghèo nàn, gia cảnh trông thiếu thốn, nghèo khó, thế mà, giữa những giọt nước mưa dột đều trên mái lá, mọi người từ lớn đến bé quay quần bên nhau trước cái tivi màu, thay phiên hò hét những bản nhạc Karaoke rất hiện đại. Nhiều gia đình hàng ngày không đủ ăn, nhưng vẫn cố ‘thắt lưng buộc bụng’ để mua cho được cái tivi màu, cái đầu máy video hoặc một chiếc xe Honda đời mới ‘cho giống người ta’. Bạn về thăm quê hương thử xem, bạn sẽ thấy đất nước mình có nhiều điều thật bất thường và đầy nghịch lý. Về miền Tây không nên quên thưởng thức những món ăn đặc sản. Người dân quê rất hiếu khách, đến chơi, bạn sẽ được mời ăn những bữa cơm thanh đạm nhưng rất ngon miệng. Hủ tiếu Mỹ Tho, lẩu mắm, rắn hầm xả, rùa rang muối Cần Thơ, mắm thái Châu Đốc, bún nước lèo Trà Vinh, Sóc Trăng. Trái cây và nem chua bán đầy ở Bắc Mỹ Thuận... °°° Vũng Tàu những năm gần đây phát triển khá sầm uất. Khách sạn và những văn phòng dịch vụ mọc lên như nấm. Phố sá nhộn nhịp và du khách dập dìu tại Bãi Trước, Bãi Sau. Con đường Trần Phú và Hạ Long chạy dọc theo bờ biển đã được mở rộng và tráng nhựa bằng phẳng. Sáng sớm, ta leo lên đỉnh ngọn núi Nhỏ tại mũi Nghinh Phong nhìn xuống thành phố hay dõi mắt ra khơi, biển bao la, xanh mát một màu. Chiều chiều, ngồi trong quán cà phê tại một ngọn đồi gần Bạch Dinh hay tại Bãi Dứa, vừa thưởng thức ly cà phê nóng, vừa nhìn ra biển mênh mông, tiếng sóng lao xao vỗ về lên ghềnh đá nghe cuộc đời êm ả làm sao. Đến Vũng Tàu phải ăn cho được các món ăn đặc sản miền biển như tôm, ghẹ, sò, ốc... và nhất là cua rang me. Các thứ này vừa rẻ, lại vừa tươi mát. °°° Đường lên Đà Lạt ngoằn ngoèo vượt những con dốc cao, hai bên đường xanh rợp những hàng cây, xa xa là núi đồi xen lẫn những thung lũng sâu thẳm. Những đồi trà, cà phê thoai thoải trên triền dốc xa tít mắt. Đầu xuân, Đà Lạt sương mù mờ mờ, không khí se se lạnh. Cảnh trí hài hòa với núi đồi, rừng thông, sông hồ, thác nước và những căn nhà xinh xắn. Đà Lạt, xứ sở của nhiều loài hoa đẹp. Đà Lạt với Hồ Xuân Hương, với thác Pren, thác Cam ly... không còn được sạch sẽ như trước. Đà Lạt tình tứ với hồ Than Thở, với thung lũng Tình Yêu, với rừng Ái Ân trong những buổi chiều tá. Đồi Cù với những hàng thông thơ mộng phủ bóng mát lên mặt Hồ Xuân Hương, là nơi có một thời đã ghi dấu bao bước chân kỷ niệm của những đôi tình nhân, nay đã bị đào xới lên để làm sân gôn, nơi dành riêng cho những ông quan cách mạng và một đám thương gia ngoại quốc dư tiền đến giải trí. Trở về Bảo Lộc thăm những vườn trà. Đến ngắm thác Dambri nổi tiếng vừa được tìm thấy. Thác đẹp tuyệt vời với cảnh trí ngoạn mục xung quanh, với những tia nước trong xanh từ trên cao đổ xuống. Thác đẹp nhưng cái tên có vẻ xa lạ quá, vì mới tìm thấy nên tôi vội đặt
  4. cho nó một cái tên gần gũi với người mình hơn, bạn thấy thế nào, cái tên ‘Thác Lãng Quên’ nghe có êm tai chăng? °°° Theo tàu ra miền Trung. Hơn một ngày đường ngồi trong toa tàu nhìn phong cảnh hai bên đường là điều rất thú vị. Những cánh đồng bao la, xanh mượt bao bọc những khu vườn nho nhỏ xen lẫn với núi đồi thấp thoáng xa xa. Qua Phan Rang, đến Nha Trang, xuyên Qui Nhơn, thăm Đà Nẵng, vượt Đèo Hải Vân, ngắm Lăng Cô rồi đến với Huế. Suốt tuyến đường, một bên là vách núi, một bên là biển mênh mông với những bãi cát trắng mượt mà. Đẹp vì nó thơ mộng, hùng vĩ và còn rất hoang sơ. Nha Trang ‘miền thùy dương cát trắng’ với những hàng dừa rợp bóng mát xanh tươi. Nha Trang giữa núi và biển, với Hòn Chồng ru êm con sóng vỗ về, với Tháp Bà đứng sừng sững trên một ngọn đồi cao nhìn xuống làng dừa, xuống cầu Xóm Bóng. Nha Trang của những buổi hoàng hôn êm đềm, lúc ráng chiều nhuộm vàng mặt biển, từng đoàn tàu đánh cá lần lượt trở về cập bến. Nha Trang của những chuyến du thuyền ra khơi, đưa ta đến những hòn đảo hoang sơ làm say sưa giấc mộng phiêu bạt hải hồ. Đến Nha Trang, bạn đừng quên mua vài ký khô mực làm quà biếu hàng xóm. Mực ở đây vừa lớn, vừa tươi, vừa ngọt lại vừa ngon có tiếng. Xa Đà Nẵng, ta sẽ nhớ sông Hàn, nhớ bãi biển Non Nước mênh mông. Leo núi Ngũ Hành Sơn, thăm động Huyền Không. Và từ trên đỉnh núi, ngồi trên ghế đá của vua Minh Mạng nhìn xuống cảnh vật bao la xung quanh, gió từ biển thổi lên, êm êm, dịu mát. Sướng không chịu được. Chẳng trách vì sao ngày xưa, vua Minh Mạng thường bỏ nhiều thời giờ để đến đây thăm cô em gái đang tu trên núi và để vãn cảnh. Khu vực Ngũ Hành Sơn đã bị đập phá nhiều, nhưng vẫn còn đẹp, đẹp lắm. Huế vẫn êm đềm như xưa. Huế với những khu nhà vườn xinh xắn, với rừng thông Ngự Bình, với chợ Đông Ba, với thôn Vĩ Dạ, với cầu Tràng Tiền, với Phú Văn Lâu, với sông Hương xanh trong lững lờ, với những con thuyền lênh đênh, với tiếng hò Mái Nhì, với những điệu Nam Ai, Nam Bình xa vắng, với ngôi mộ Cụ Phan, với chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Thiền Tôn, chùa Từ Hiếu, với ngôi trường Trưng Vương (trường Đồng Khánh cũ), với Hoàng Thành, với Lăng Tẩm các vị vua, với những cơn mưa phùn lất phất, tất cả vẫn còn đó, vẫn với cái đẹp thơ mộng và cổ kính ngày nào. Chiều chiều ngồi trên đồi Vọng Cảnh nhìn xuống dòng Hương Giang lững lờ chảy ngoằn ngoèo qua những vách núi, qua những cánh đồng xanh mơ, xa xa, vài chiếc thuyền con neo trên bến vắng, khung trời hoa mộng vẫn còn đọng lại với tháng năm. Chỉ có sinh hoạt đời sống của con người là thay đổi. Trong thời chiến tranh cũng như trong những năm biến động vừa qua, người dân Huế đã bỏ Huế ra đi rất nhiều, số người từ miền Bắc, từ Quảng Bình, Quảng Trị và những vùng quê khác di cư đến sinh sống không ít, nét thanh lịch của mảnh đất thần kinh xưa đã phai mờ theo dòng thời gian. Những chiếc nón bài thơ e ấp, những tà áo dài kín đáo phất phơ trên các đường phố của năm nào nay đã vắng bóng hoặc đã kém đi phần duyên dáng. Hỡi những cô gái Huế dịu dàng, đa tình và lãng mạn, các nàng nay ở đâu...? Huế đẹp nhưng rất buồn. Ra Huế phải tìm ăn cho được bánh bèo, bánh khoái và bún bò Huế. Trong những ngày đầu xuân lạnh lẽo và có nhiều mưa phùn, vào một cái quán bình dân bên đường, ăn một tô bún bò Huế, cho thật nhiều ớt cay thì thật tuyệt. Lòng cảm thấy âm ấm, ấm từ trong tâm ấm ra, ấm từ cái bao la ấm đến. Muốn ăn cơm hến, mắm tôm chua hay những món đặc sản khác của Huế, mời bạn đến quán Âm Phủ. Tên quán nghe có vẻ ma quái nhưng thức ăn nơi đây làm rất ngon miệng. °°°
  5. Ra thăm Hà Nội lần đầu tiên, mảnh đất của một thời được mệnh danh là ngàn năm văn vật, tôi cố đi tìm dấu tích của cha ông, tìm lại những gì thuộc về dĩ vãng, một thời vàng son của đất nước. Những năm tháng gần đây, nghe nói Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Đây đó đã mọc lên những ngôi nhà cao tầng. Cửa tiệm cũng bắt đầu nhộn nhịp các loại hàng hóa. Nhưng tôi vẫn cảm thấy Hà Nội thật nghèo nàn và thấp bé. Như thế, thử tưởng tượng xem trong thời bao cấp, không biết Hà Nội còn lạc hậu đến mức nào. Tuy không được hiện đại như Sài Gòn, nhưng Hà Nội rất đẹp, có nhiều hồ, nhiều cây xanh, không gian êm đềm và thơ mộng. Đầu xuân, Hà Nội cũng có những cơn mưa phùn lất phất. Gió lạnh căm căm, buốt vào da thịt. Đất Thăng Long xưa còn đây với khu phố cổ, với chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh, chùa Kim Liên, chùa Liên Phái, Phủ Tây Hồ, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, con đường Cổ Ngư... Cảnh trí êm đềm, thanh tịnh, tao nhã quanh chùa Một Cột đã hoàn toàn bị phá vỡ bởi cái Bảo Tàng Hồ Chí Minh đồ sộ bằng bê tông, cốt sắt. Làng hoa Nghi Tàm, làng đào Nhật Tân thơ mộng nổi tiếng một thời với những căn nhà cũ kỹ đơn sơ, những vườn hoa muôn màu chạy dọc bên bờ Hồ Tây tạo nên một khu vực văn hóa lâu đời của đất Hà Thành, nay đã bị đào xới và được thay thế bằng những vi la hình chóp, những khách sạn bằng bê tông nhiều tầng trông thật nham nhở. Nhà nước không có một kế hoạch hay một biện pháp nào hợp lý để duy trì và bảo tồn những di tích, những nét đẹp thẩm mỹ của cảnh quan. Trong thời gian tôi có mặt tại Hà Nội, dư luận xã hội xôn xao về tình trạng xây nhà tùy tiện, bộc phát và ‘trái phép’ dọc theo hai bên con đê Yên Phụ. Đây là hậu quả nghiêm trọng do cách thức quản lý theo kiểu ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ cùng với tình trạng hối lộ, tham nhũng, móc ngoặc ngày càng khủng khiếp của các cấp chính quyền. Từ cán bộ cho đến người dân thường, vì lợi ích cá nhân, mọi người đều hành xử theo bản năng, bất chấp cả pháp luật (dù là luật rừng rú). Cũng giống như thành phố Huế, do thời cuộc, do sự giáo dục và chính sách bất hợp lý, trong những năm qua, người dân gốc Hà Nội đã bỏ đi khắp tứ xứ, nhất là vào Nam lập nghiệp, những người dân từ các làng quê hẻo lánh của một thời được mệnh danh là ‘cái nôi cách mạng’ tại những vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Thanh Hóa, v.v... đổ xô về làm ăn sinh sống, qua đó, sự thanh lịch của một thời, niềm tự hào của mảnh đất Thăng Long xưa đã phai mờ theo năm tháng. Nhưng dù sao thì đây đó vẫn còn đọng lại chút dư âm của tính cách sĩ phu Bắc Hà với những con người đã chọn cho mình một phong thái sống rất ‘nghệ sĩ’ và ‘trí thức’. Phụ nữ Hà Nội trước đây thế nào thì tôi không rõ lắm, nhưng bây giờ, vào thời điểm 1995, tôi thấy có nhiều cô rất xinh đẹp. Các cô đẹp một cách kín đáo, dịu dàng, phần đông đều khá sâu sắc và có hiểu biết. Cạnh đó, cũng có nhiều cô bị cuốn hút vào môi trường ăn chơi rất thực dụng và khá táo bạo trong cái buổi giao thời. Qua làng Nhật Tân, đến khu vực Lũy Tre nằm phía tay phải dưới chân con đê sông Hồng, bạn sẽ thấy, nơi đây đang bắt đầu xuất hiện một dịch vụ mới khá thú vị. Vào mùa nước cạn, giữa sông Hồng nổi lên một cồn cát trắng vàng mênh mông. Xa xa là những ruộng ngô xanh tươi bát ngát. Và bên này bờ, chiều chiều, một vài thiếu nữ ngồi lặng lẽ trên vài chiếc xuồng con đợi khách. Tôi đặt tên cho bến này là ‘Bến Đợi Chờ’. Bạn chỉ cần tốn vài ngàn, bạn sẽ được đưa sang bên kia cồn cát, lên bờ, bạn mặc tình rong chơi. Chơi chán, nếu bạn thích, bạn có thể yêu cầu cô lái đò chèo xuồng đưa bạn lênh đênh dọc theo sông Hồng. Thích lắm, nhất là những khi mặt trời vừa lặn, khung cảnh nơi đây thật vắng vẻ, êm đềm và thơ mộng. Hà Nội mùa hè nóng bức, nóng hơn cả Sài Gòn. Mùa đông gió rét cắt da, mưa phùn nhiều, đường sá ẩm ướt và dơ bẩn. Đến Hà Nội là tôi nghĩ ngay đến Vũ Bằng. Cũng như tiên sinh, tôi thích ăn ngon và thích đi đây đó. Hà Nội với món thịt cầy, và hiện nay, quán thịt cầy mọc đầy hai bên đê gần làng
  6. Nhật Tân. Nghe Vũ Bằng kể, mặc dù chưa ăn lần nào cũng làm cho tôi phải bắt thèm. ‘Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không’, và tôi quyết thử một lần cho biết. Ngồi bệt xuống nền nhà trên chiếc chiếu sợi trong một cái quán bằng tranh cất theo kiểu nhà sàn, gió se se lạnh, nhấm thử vài món thịt chó, cắn vài miếng riềng, nhâm nhi ly rượu quốc lủi. Ngon. Ngon thật. Và không khí thì... tuyệt. Ngoài thịt chó còn có cơm ăn với canh rau đay cua đồng, cà pháo mắm tôm, và phở, bún ốc, bún thang, bún riêu, bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng, Thăng Long... và ăn theo kiểu Hà Nội thì mỗi món mỗi vẻ, ngon đáo để. Có một điều đáng buồn là hầu hết các quán ăn ở Hà Nội đều cực kỳ bẩn. Bẩn từ quầy chứa thức ăn, đến bàn tay của đầu bếp, đến nơi rửa chén bát, đến nhà vệ sinh… Bàn ăn thì nhếch nhác, đồ phế thải, rác rến thì vứt đầy trên nền đất. Điều lạ lùng là tình trạng bất cập này đã được phản ánh rất nhiều lần, nhưng đến nay, nhà nước vẫn không có một biện pháp cụ thể nào để khắc phục và cải thiện. Hậu quả là việc ngộ độc thực phẩm cứ thế lan tràn. °°° Đi thăm các vùng quê. Len lỏi vào những ngôi làng cổ truyền nho nhỏ để khơi dậy những hoài niệm. Cây đa, giếng nước đầu làng, ngôi đình cổ xưa cùng với những lũy tre xanh bao bọc, tất cả dường như đã thuộc về dĩ vãng. Khung cảnh thấp thoáng bóng dáng nhưng không thể gợi lại hết được những hình ảnh huyễn hoặc thuở nào. Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Đông với những ngôi làng hoang sơ, nghèo nàn cùng với những con người bần cùng, lam lũ. Làng làm đồ gốm Bát Tràng trông xô bồ và bẩn. Những căn nhà xập xệ đan chéo vào nhau rất ư mất trật tự. Nhưng bên trong, con người lại sản xuất ra một thứ gốm truyền thống rất đẹp. Tôi rất thích sự ‘thô thiển’ và màu lam, màu trắng ngà của gốm Bát Tràng. Đi thăm làng Vân, ngôi làng có truyền thống làm rượu nổi tiếng một thời, rồi thuê thuyền thả trôi trên sông Cầu, vừa ăn cơm chiều trên sông, vừa nhâm nhi vài chung rượu trắng, say cái say của trời đất mênh mông. Ghé qua chùa Trăm Gian để tận mắt nhìn thấy một di tích văn hóa, lịch sử mấy trăm năm bị hoang phế theo dòng thời gian. Ngôi chùa Tiêu tại Tiên Sơn, Bắc Ninh nơi nhà sư Vạn Hạnh trụ trì, nơi Lý Công Uẩn sinh thời tu luyện, cũng là nơi phát tích dòng vua nhà Lý vào đầu thế kỷ thứ 11, là một trong những ngôi chùa cổ, theo tôi, đẹp nhất Bắc Hà. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi giữa một cánh đồng Bắc Bộ, xung quanh cây cối xanh phủ và không gian thật tĩnh mịch. Một buổi trưa hè, trải chiếc chiếu dưới gốc cây trong sân chùa, nằm lắng nghe tiếng ve sầu râm ran trên các cành cây, đánh một giấc ngon lành quên hết trời đất. Chiều dậy vào dùng bữa cơm chay cùng sư bà trụ trì, chỉ bữa cơm trắng với muối vừng nhưng sao mà ngon lành đến thế. Ngôi chùa Vô Vi (núi Trạo) thật thanh tịnh và thơ mộng nằm trên đỉnh một ngọn núi giữa cánh đồng Bắc Bộ mênh mông gần thị xã Hà Đông vẫn còn đó. Leo theo từng bậc thang lên đỉnh núi. Gõ nhẹ tiếng chuông treo trên vách đá, ngân vang. Đứng nhìn xa xa. Lắng nghe tiếng gió xuyên cành lá vi vu, xào xạc. Khung cảnh đẹp không có bút mực nào diễn tả. Nhưng bên cạnh đó, một ngọn núi khác (núi Tử Trầm) cũng có vẻ đẹp không kém, ngọn núi mà trên đó có gần hai mươi ngôi chùa được xây dựng từ rất lâu đời, trong đó có ngôi chùa Trầm nổi tiếng, đã và đang tiếp tục bị đập phá. Từ là một ngọn núi đen rêu phong trông thật huyền bí đã bị bàn tay con người đập nát ra để lấy đa. Giờ đây, ngọn núi nứt nẻ, lồi lõm và trơ ra giữa quang cảnh, giữa ánh mặt trời một bộ xương khô trắng hếu trông thật nham nhở. Chính quyền địa phương có cấm đoán đấy chứ, nhưng chỉ lấy lệ, vì đời sống, vì miếng cơm manh áo, dân làng cứ tiếp tục thay phiên nhau lén lút đập lấy đá để bán kiếm tiền. Cũng giống như tình trạng xây nhà cạnh đê Yên Phụ tại Hà Nội, lúc đầu, chính quyền ngu muội và bất lực trong việc quản lý, thả lỏng cho người dân sống hoang đàng vô tổ chức, đến khi ý thức được tai họa, ra lệnh cấm thì mọi việc đã quá trễ tràng. Người dân vì đói mà đâm liều. Cũng như việc biết là nguy hiểm chết người, nhưng vì đói vẫn có kẻ ‘vào chỗ chết để giữ lấy sự sống’ liều mạng đi tìm sắt vụng từ những mảnh đạn cũ. Tin về những vụ đạn nổ chết người không phải là ít. Nhìn cảnh mà thấy vừa phẫn nộ, vừa đau thắt lòng. Rất tiếc cho tôi, chuyến ra Bắc lần này (1996) ngoài việc đến chơi Hà Nội, thăm vài người
  7. bạn thân, mục đích của tôi là phải đi xem Vịnh Hạ Long một lần cho biết. Xe vừa đỗ lại Bãi Cháy thì trời lên cơn bão. Mưa suốt hai ngày đêm tầm tã. Thuyền đưa du khách chỉ rời khỏi bến chừng vài cây số thì nghe tin cơn giông đang hoành hành ngoài khơi. Thế là thuyền phải quay đầu trở về bến đậu. Chuyến đi chơi lần đó coi như bỏ cát vào biển khơi. Mùa thu 2002, Hà Nội có những ngày nóng bức, có nhiều hôm gió thoảng nhè nhẹ, mát mẻ. Nắng hanh vàng xuyên qua những cành cây rơi xuống đậu lên đôi má ửng hồng của cô bạn gái trẻ xinh xắn. Hà Nội tấp nập xe cộ ngược xuôi trên đường phố. 36 phố phường nhộn nhịp khách thập phương và đủ đầy các loại hàng hóa. Những căn hộ cổ kính, xiêu vẹo đứng bên cạnh những tòa nhà cao tầng và hiện đại. Nhiều nhà mới được xây cất khang trang. Đường sá được mở rộng và chỉnh trang lại trông có vẻ sạch đẹp hơn 6, 7 về trước. Người dân thủ đô đã giàu có hơn xưa. Nhiều người đã biết thế nào là sự hưởng thụ. Tôi đã tận mắt nhìn thấy và ngửi được mùi hoa sữa nồng nàn trên vài con phố. Hà Nội có em và mùa thu cho ta cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời nhất. Vịnh Hạ Long. Mùa thu 2002, với bao niềm ước mơ cháy bỏng, tôi đã thật sự được cùng em thực hiện một cuộc viễn du trên một con thuyền đầy nắng và gió. °°° Ra Bắc chơi mà không vãn cảnh Chùa Hương là một điều thật thiếu sót. Tôi hơi thất vọng trước sự khác biệt quá nhiều về những gì mà tôi nghe, thấy được và những gì mà tôi đã biết qua sách vở, qua chuyện kể về Chùa Hương. Khung cảnh Chùa Hương ngày xưa chắc chắn là đẹp lắm, đẹp huyền bí, đẹp như một bức tranh thủy mặc do sự kết hợp hài hòa giữa đồi núi, sông hồ với đồng lúa mênh mông và những ngôi chùa cổ kính. Ngày xưa, bến Đục lặng lẽ, yên bình chỉ có vài chiếc thuyền nan neo dưới gốc cây đa đợi khách. Khách lưa thưa trong những ngày trẩy hội. Đền Trình vắng lặng, êm đềm. Suối Yến trong veo chạy dọc từ bến Đục len lỏi giữa hai cánh đồng bát ngát và những vách núi thoai thoải. Gần một tiếng đồng hồ ngồi thuyền chèo, ta lắng lòng và đưa cặp mắt chiêm ngưỡng cái đẹp của tạo hóa. Tai lắng nghe tiếng chim hót, văng vẳng vài điệu Tao Đàn hòa với âm thanh của mái chèo khua nước. Mắt nhìn xa xa, những ngọn núi, những ngôi chùa ẩn hiện trong sương mù. Qua cầu Hội, chùa Thanh Sơn, đến chân ngọn núi Vôi Phục, núi Oản và núi Mâm Xôi rồi rẽ vào bến Thiên, neo thuyền. Từ đó, ta phải mất khoảng hai tiếng đồng hồ theo đường đá leo trèo, băng qua những vách núi, qua thung lũng Bến Trời, dừng chân nghỉ ở đền Giải Oan để lắng nghe tiếng chim hót, tiếng cầu kinh, ăn thử vài trái mơ và ngắm nhìn hoa gạo nở. Ta cứ tiếp tục đi, đi mãi lên đỉnh núi, đến một cái cổng bằng đá, leo xuống những bậc thang bằng đá, ta sẽ bước vào động Hương Tích. Động thật lớn và ăn sâu vào bên trong. Nơi đây, ta sẽ nhìn thấy những thạch nhũ có hình thù thiên tạo thật lạ lùng với những ý nghĩa khác nhau đầy huyền bí. Trong động có nhiều tượng Phật bằng đá thật đẹp. Trên vách đá, năm chữ Hán ‘Nam Thiên Đệ Nhất Động’ do chúa Trịnh Sâm khắc vào từ thế kỷ 18 vẫn còn nguyên vẹn. Toàn cảnh Chùa Hương đẹp một phần cũng nhờ sự vắng vẻ, yên tĩnh giữa lòng thiên nhiên hùng vĩ. Đó là khung cảnh ngày trước, còn bây giờ thì sao? Chùa Hương ngày nay có còn giữ mãi nét đẹp cố hữu? Từ Hà Nội, tôi theo xe về Hà Đông, qua Vân Đình, đến cầu Tế Tiên, gặp sông Đáy với những cánh đồng ngô, dâu rồi rẽ vào bến Đục. Vào mùa ẩm ướt, đường lộ vừa nhỏ, vừa trơn trợt lại hư hỏng nhiều, nên đi lại khá vất vả. Là một thắng cảnh nổi tiếng, thế mà nhà nước lại bỏ bê, chẳng quan tâm đến việc quản lý, khai thác hoặc xây dựng cho tốt đẹp hơn. Do ảnh hưởng của thời buổi kinh tế thị trường, số lượng du khách ngày càng đông, việc vãn cảnh chùa với phong thái nho nhã đã biến thành những dịch vụ làm ăn kiếm tiền. Bến Đục đầy sình lầy. Thuyền tấp nập và đậu dầy đặc trên sông trông thật hỗn độn. Đền Trình mọc lên đầy những hàng quán. Người người chen lấn. Rác rưởi vứt bừa bãi và khói hương mù mịt chỉ làm cho mình cay mắt. Nhà vệ sinh thì thật kinh khủng. (Nơi đây, tôi đã chứng kiến cảnh một thanh niên bỏ vào thùng ‘Công quả’ 200 đồng, rồi sau đó, nhanh tay, anh rút lấy
  8. một tờ 2000 đồng bỏ ngay vào túi quần của mình). Suối Yến đục ngầu vì bùn, vì vật phế thải do du khách từ các thuyền chèo quăng xuống. Lâu lâu nhìn thấy một vài lon Coca-cola trôi lềnh bềnh trên sông. Từ bến Thiên lên động Hương Tích thì thê thảm hơn. Hàng quán và những căn chòi lụp xụp rất thiếu vệ sinh, thiếu thẩm mỹ mọc đầy hai bên đường. Người ăn xin nằm la liệt đây đó. Trong động Hương Tích mọi thứ mới thật bi đát trước cảnh xô bồ, vô ý thức và kém văn hóa của thiên hạ. Động Hương Tích giống như một cái chợ trời. Nơi đây, điều phi lý là thiên hạ vẫn thản nhiên phơi bày những sự thô tục của mình trước những pho tượng hiển linh. Họ bán buôn cả thần thánh. Cũng giống một vài nơi ở Hà Nội, ngay tại Chùa Hương, con người đã chứng tỏ sự tiếp cận nhanh và bộc lộ được hết thái độ làm ăn theo cơ chế cạnh tranh thị trường của mình. Cạnh tranh một cách thật lưu manh, thật thiếu văn hóa. Những hàng quán giành khách, chửi bới om sòm, đánh đập nhau ngày này qua tháng nọ. Đấy, Chùa Hương bây giờ như thế đấy. Tôi thấy buồn muốn đứt ruột. Nhìn thấy cảnh trạng này, tôi nghĩ, nếu còn sống, chắc cụ Tản Đà và nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng phải đấm ngực kêu trời mà than khóc. Muốn thăm viếng cảnh xanh đẹp, thanh tỉnh và thoát tuc của Chùa Hương, tôi khuyên bạn không nên đi vào những ngày trẩy hội. °°° Về thăm quê hương, có tận mắt chứng kiến những cái hay, cái đẹp, cái oái oăm của đất nước, của con người, ta thấy mình già đi mấy tuổi. Xã hội Việt Nam là một xã hội với nhiều nghịch lý. Nhìn chung, đời sống đua chen vì danh lợi, vì miếng cơm manh áo có vẻ bấp bênh và thật mệt nhọc. Nạn ma túy, mãi dâm lan tràn, tệ tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành và lũng đoạn đất nước. Điều đáng lo ngại là những hậu quả dây chuyền về lâu về dài. Tham nhũng tạo ra nhiều sự bất công và làm đảo lộn các quan hệ đời sống xã hội. Tham nhũng thường đi đôi với buôn lậu và những hành vi phạm pháp nghiêm trọng, đồng thời, nó còn phá vỡ nền tảng đạo đức xã hội và làm ảnh hưởng không tốt đến những công trình xây dựng, kiến thiết xứ sở. Tham nhũng cộng thêm tình trạng thiếu luật lệ nghiêm minh còn góp phần biến Việt Nam thành một vùng đất lý tưởng cho bọn mafia Đông Nam Á và thế giới mặc sức lộng hành. Trong giới văn nghệ sĩ, giới mà tôi đặc biệt quan tâm và có nhiều cơ hội để tiếp xúc, từ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ cho đến những người hoạt động trong ngành điện ảnh, phần đông, bên cạnh những sinh hoạt văn học nghệ thuật, họ đều phải lăn lộn vất vả ngoài đời vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Đời sống của họ những năm gần đây, xem qua cũng khá thầm lặng. Trong một buổi tiệc thân mật, một người bạn thân hỏi tôi, đất nước đã ít nhiều thay đổi, anh có ý định về hẳn nơi đây để làm việc và sinh sống? Nửa đùa nửa thật, tôi bảo, tôi dự tính về đây xây dựng một bệnh viện tâm thần, và chỉ tập trung điều trị cho 3 loại người, thứ nhất chính trị gia, thứ nhì thương gia, thứ ba là giới văn nghệ sĩ và trí thức. Mọi người nhìn tôi ngạc nhiên giây lát rồi bỗng phá lên cười sảng khoái. Các bạn vui vì biết tôi ‘đùa’, và vì các bạn thuộc vào nhóm người thứ ba mà tôi vừa đề cập đến. Năm 1995 – 2002 Hết
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0