YOMEDIA
ADSENSE
Tản mạn về ngôn ngữ di cư sang quốc gia khác, thời điểm khác
120
lượt xem 26
download
lượt xem 26
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Trong những năm cuối thập niên 70, người viết có nhiều dịp"tiếp cận" văn hóa Nhật. Bắt đầu bằng việc mê xem phim Nhật chiếu "chùa" tại trung tâm văn hóa Nhật ở dưới phố. Cũng theo học vài khóa tiếng Nhật cho vui.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tản mạn về ngôn ngữ di cư sang quốc gia khác, thời điểm khác
- Tản mạn về ngôn ngữ di cư sang quốc gia khác, thời điểm khác Nguyên Nguyên Gần đây trên báo mạng talawas.org (ngày 12 tháng 6, 2003) Ts. Trịnh Nhật có viết một bài khá dí dỏm, mang tựa “Tiếng Anh: Ngôn ngữ thứ ba tại Việt Nam”, cho biết, qua một số thí dụ viện dẫn từ những quan sát “tại chỗ”, có một sự khác biệt giữa tiếng Anh dùng tại Việt Nam và tiếng Anh dùng tại Úc, tại Mỹ. Trước hết để hỗ trợ bài viết của anh Trịnh (từ đây xin gọi tắt bài TN), người viết xin thuật lại một quan sát vào khoảng 1990, trong chuyến thăm viếng Việt Nam lần đầu sau nhiều năm xa cách. Trong buổi đi dạo chơi khu nhà Bưu Chính của thành phố và nhà thờ Ðức Bà, người viết chợt “phát hiện” một tấm lịch đẹp in bằng tiếng Anh. Trong đó khó ai có thể không để ý đến những ngày nghỉ lễ, chẳng hạn như lễ Lao Ðộng 1 tháng 5, lễ Sinh Nhật 25 tháng 12. Quyển lịch đẹp ghi những ngày nghỉ lễ là Feast Day, thay vì Holiday. Thật quái dị. Nhưng chỉ cần thoáng suy nghĩ chừng vài giây những người có chút vốn liếng tiếng Anh có thể hiểu ra ngay – nhà nước Việt Nam lúc đó hãy còn dị ứng với những gì liên quan đến “thần thánh” nên phải thay từ tiếng Anh mang nghĩa “thánh thần” HOLY trong Holiday bằng từ Feast. Feast mang nghĩa cơ bản là Yến Tiệc, Tiệc Tùng. Feast Day thay thế Holiday hoàn toàn không ổn - bởi Holiday tuy nghĩa nguyên thủy là một ngày lễ tưởng niệm Thánh, nhưng trong vài thế kỷ qua nó mang nghĩa phổ quát: ngày nghỉ, ngày lễ. Trong tiếng Anh Feast Day dùng thay cho Holiday thật tình không giống ai hết.. Nhưng dùng riết chắc cũng quen. Ðến ngày nay, người viết không có dịp xem lại lịch bằng tiếng Anh in tại Việt Nam, nhưng có thể đoán chắc rằng Holiday đã tái xuất giang hồ với việc quốc tế hoá ngành thương mại mậu dịch Việt Nam, trong vòng mười ba năm qua. 1. Ngôn ngữ thứ ba, ở đâu cũng có, thời nào cũng có Bài TN rất vui và ý nhị trong việc đề cập đến vấn đề Anh ngữ di cư sang Việt Nam đã có những biến dạng hơi lạ. Thế nhưng, điểm mấu chốt góp ý cho bài TN, và cũng động cơ thúc đẩy nên câu chuyện tản mạn này, là: Hiện tượng đó không có gì lạ hết. Nó có từ lúc con người có tiếng nói, có chữ viết. Nó có từ thời tiền sử. Nó thể hiện rất đậm nét tại nước Nam Việt từ khi nước này bị nhà Hán xâm chiếm, phản ảnh qua sự khác biệt, giữa tiếng Hán Việt và Hán ngữ, như sẽ trình bày sơ lược ở phía sau. Nó hiện diện ngay tại những quốc gia nguyên thủy có cùng chung thứ tiếng, như tiếng Mỹ khác với tiếng Anh. Tiếng Úc khác với tiếng Anh và cũng khác với tiếng Anh dùng tại Tân Tây Lan. Anh ngữ tại các hải đảo ở Thái Bình Dương, thuộc địa cũ của Anh quốc - thường được gọi Pidgin English - cũng khác xa với Anh ngữ dùng tại Anh quốc. Cả lối dùng từ, phát âm và đôi khi văn phạm, cú pháp. Tiếng Pháp dùng ở Paris khác với tiếng Tây ở Québec, tiếng Tây tại Nouvelle Calédonie, v.v. Tiếng Anh tại Hongkong khác với tiếng Anh ở Ấn Ðộ, ở Singapore, ở Nhật, v.v. Ngay cả chữ cái, cách viết cũng dễ thay đổi khi di cư từ nước này sang nước kia, hoặc ở thời đại này hay thời điểm nọ. Chữ cái - gọi nôm na A, B, C… - đầu tiên được người Phoenicians (tiền thân người Li-Băng ngày nay) phát minh từ thời cổ đại. Người Hy Lạp tiếp theo đó biến đổi thành mẫu tự Hy Lạp bao gồm: alpha, beta, gamma, … omega. Rồi đến người Etruscans (sắc dân từng định cư tại Rome trước
- người Romans), và sau cùng người Romans (La Mã) “chuyển ngữ” thành chữ cái Latinh. Người Hy Lạp cũng biến đổi lối viết từ phải sang trái của lớp người Phoenicians đến cách từ trái qua mặt. Chữ Hán cũng vậy, sau hàng chục thế kỷ viết từ trên xuống dưới, phải sang trái, ngày nay ở Trung Hoa lục địa người ta viết thành hàng ngang, trái sang mặt như Tây phương. Rồi cả ông Trời hay Thần thánh cũng biến đổi khi di cư sang một dân tộc khác: Khi Rome đã trở nên hùng cường - họ tôn thờ ông Trời của họ là Thần Jupiter, có rất nhiều đặc điểm giống y như Thần Zeus của Hy Lạp, và thánh Minerva - biến chuyển từ Athena của người Hy Lạp. Biến dạng ngôn ngữ còn có thể xảy ra tại chỗ, ngay trong một thành phố! Anh ngữ vẫn thường biến dạng khi di cư đến một cộng đồng sắc tộc. Người di dân tại Úc, như cộng đồng người Việt ở Sydney chẳng hạn, cũng dần dà biến đổi Anh ngữ tại chỗ, trong lúc họ hội nhập với cộng đồng chính của người Úc bản xứ. Rất dễ phát hiện những điểm khác biệt do ở việc “di cư tiếng Anh tại chỗ”. Khác biệt giữa tiếng Anh “giữa giòng” đến tiếng Anh dùng trong những cộng đồng di dân. Xin đơn cử một thí dụ điển hình chứng minh khi ngôn ngữ di cư vào một cộng đồng khác nó phải biến đổi. Ðó là lối phiên dịch “Nữ Bác Sĩ”. Hôm nào, những ai sống tại thành phố Sydney có dịp lái xe dạo một vòng thành phố – chú tâm đến các tấm bảng đề “phòng mạch Nữ Bác Sĩ”. Ở Bankstown hoặc ở Cabramatta nơi cộng đồng Việt tập trung tại Sydney. Các nữ Bác Sĩ ở đó tự xưng mình là gì? Lady Doctor. Ở khu Lakemba nơi tập trung cộng đồng Lebanese, cũng vậy, cũng “Lady Doctor”. Nhưng nếu để ý những khu đa số dân Úc đặc biệt các “nữ bác sĩ” người Úc chính cống, ta sẽ thấy họ đề trên bảng tại cửa phòng mạch là FEMALE DOCTOR. Rõ ràng, có một sự khác biệt giữa cách tự xưng hô của người nữ bác sĩ di dân với các bác sĩ phái nữ chính gốc Úc. Theo thiển ý, hội nhập chữ nghĩa rất dễ, nhưng hội nhập văn hoá thật ra một chuyện khó khăn nhất trong con người. Ai cũng vậy. Người Úc da trắng chính gốc nếu có đi sinh sống và làm việc ở Á Châu, dù cho nhiều năm và học được ngôn ngữ địa phương, cũng gặp những lổng chổng tương tự. Văn hoá chứa ngôn ngữ. Và ngôn ngữ là cốt lõi của văn hoá. Những người nữ bác sĩ di dân đó tất nhiên nói tiếng Anh rất trôi chảy, vì ít lắm họ cũng sống tại nước Úc hoặc một quốc gia nào đó xử dụng Anh ngữ cũng đã trên dưới 10 năm. Nhưng thu nhập truyền thống văn hoá hay muốn hiểu những cái sâu sắc của một văn hoá khác, người di dân cần đến một thời gian dài hơn, hoặc rất nhiều dịp tiếp cận với người dân bản địa - nhất là trong đời sống hàng ngày. Trong lối xử dụng hàng ngày, ta thường nghe “Ladies first”, khi xếp ghế ngồi trong tiệm ăn. Khi xếp hàng mua vé xem xinê, xem ca kịch - kể cả những lúc phải xếp hàng cả ngày, nếu hai người một nam một nữ vào xếp hàng cùng một lúc - rất thông thường người nam sẽ nhường cho người nữ đứng phía trước, Ladies First. Trong một buổi họp của một nghiệp đoàn anh chị em bán hột vịt lộn, bà chủ tịch khi khai mạc phiên họp hoặc mở đầu diễn văn bằng câu: Ladies and Gentlemen. Ladies trong lối dùng hàng ngày, chỉ mang nghĩa quý Bà, hay quý Cô. Nhưng Lady dùng trước một tên hoặc một chức tước lại mang một ý niệm hoàn toàn khác hẳn. Nhất là dùng trong chốn công cộng. Trong Anh ngữ, nó đặc biệt chỉ dùng để xưng gọi những người phụ nữ có chức, hay thuộc giai cấp quý tộc. Thông thường nhất, đó là những mệnh phụ phu nhân của các ngài có tước SIR, trong xã hội Anh quốc. Thí dụ ca sĩ lừng danh Anh quốc Sir Cliff Richard - nếu Sir Cliff lập gia đình với một người mang tên Olivia (thí dụ vậy thôi) - người ta sẽ gọi bà đó Lady Olivia Richard. Ở một góc cạnh nào đó, ta có thể thấy việc xử dụng LADY để chỉ một
- người chuyên viên thuộc nữ phái có vẻ không phù hợp với giá trị cốt lõi của văn hoá và xã hội Úc. Bởi lý do giản đơn, người Úc rất tự hào xã hội họ - dù trong một ý nghĩa chừng mực tương đối – là một xã hội đồng đẳng, không có giai cấp quý tộc. Không còn phong chức Sir nữa, và cũng không có thêm Lady, dính liền với ý niệm chức tước nữa. Trong những năm cuối thập niên 70, người viết có nhiều dịp “tiếp cận” văn hoá Nhật. Bắt đầu bằng việc mê xem phim Nhật chiếu “chùa” tại trung tâm văn hoá Nhật ở dưới phố. Cũng theo học vài khoá tiếng Nhật cho vui. Rồi cũng lượm mấy tờ tạp chí hình ảnh đẹp đẽ tuyên truyền nước Nhật và văn hoá Nhật. Các tạp chí đó viết bằng tiếng Anh. Cũng có lần mượn được một quyển luận án của nữ giáo sư xã hội học Chie Nakane, dịch ra Anh ngữ. Ðọc tiếng Anh do người Nhật viết, và in ấn tại Nhật. Có vẻ rất dễ đọc, bởi nó ít dùng những từ khó và lạ. Nhưng hoàn toàn khác hẳn Anh ngữ của các sách báo tại Úc do người Úc viết [1]. Các tờ báo bằng Anh ngữ tại Hongkong, tại Thailand, tại Singapore, tại Nhật, tại Việt Nam, . . . tất cả cùng viết bằng Anh ngữ - nhưng đều khác với thứ Anh ngữ dùng tại Sydney. Hôm nọ, nhân viết bài này người viết muốn tìm một tờ báo tiếng Anh từ Nhật tại thư viện dưới phố. Nhưng bây giờ là thời đại của Trung quốc, của Taiwan, nên chỉ mượn được tờ Beijing Review và tờ Taiwan Review. Xin thử ghi lại những lối dùng chữ hơi lạ đối với kiểu người Úc. Trong tờ Beijing Review số May 15, 2003, trang 4: An aviation factory in Shanghai will begin production of the country’s first domestically designed regional jet this year, . . . (Những từ in nghiêng là những từ hơi lạ đối với người Úc – nhưng ai đọc cũng hiểu được) - Trang 24: Tựa Dampening the US Economic Recovery. Phiá dưới một hình màu chụp một cô bán rượu có ghi: …. The Iraq war has dampened British consumer confidence, resulting in decline in spending. - Trang 15, trong bài viết về Trà của một ký giả khác: Although coffêe, Coca Cola and other soft drinks have dampened the traditional tea market, tea is still loved by a great number of people. (Có lẽ mấy Thầy dạy tiếng Anh đầu tiên của người Tàu ở Beijing rất khoái động từ “to DAMPEN”, mang nghĩa nôm na là “làm suy giảm” hay chăng mà hai ba ký giả khác nhau đều ưa dùng “dampen”?) Trong tờ Taiwan Review số March 2003, trang 9: Imported cars may now be more accessible and less expensive, but the production of locally made cars increased in 2002, and Taiwan’s carmakers grabbed a record 87 percent of the market. (Ðể ý, báo chí Úc ít khi dùng car-makers - họ có vẻ ưa dùng car manufacturers hơn. Họ cũng ít khi dùng “grabbed” – nhưng thường dùng “recorded” hay “registered” hoặc “achieved”, . . .) - Trang 42: The national arts center grew from a smaller project that was given similar goals when the Cabinet-level Council for Cultural Affairs (CCA) in 1989 proposed constructing the Northeastern Folk Art Park in Ilan. (Hành văn câu này hơi nặng nề mặc dù vẫn có thể đúng cú pháp). Ai cũng phải chấp nhận một điểm rất cơ bản: Khi ngôn ngữ du nhập vào một cộng đồng khác, nó phải biến đổi. Từ Anh quốc sang Tân Tây Lan, sang Úc, sang Ấn Ðộ, đến Singapore, đến Hongkong, sang Mỹ, sang vân vân - tiếng Anh đều bị biến đổi. Bài TN vẫn có thể viết cho mọi xứ, mọi thứ ngôn ngữ. Xin đơn cử một vài thí dụ về tiếng Anh trong đời sống hằng ngày.
- Ở Anh quốc, ở Úc và ở Tân Tây Lan, v.v. khi người ta nói muốn mua thức ăn mang đi, như vào tiệm Burger King đặt mua một cái bánh thịt nướng hamburger Whopper và khoai tây lát rán, một ly Coca Cola, người ta nói TAKE AWAY. Nhưng ở Mỹ phải nói TO GO. Thức ăn mang đi: Food To Go ở Mỹ và Food To Take Away tại Úc, tại Anh. Bởi Take Away theo văn hoá Mỹ có thể mang nghĩa “Cướp Giật”, “giật đi”! Khoai tây lát chiên ở McDonalds hoặc Burger King gọi French Fries, nhưng ở các tiệm bán Cá hoặc đồ biển theo truyền thống người Ăng Lê lại được gọi theo kiểu nguyên thủy: Chips hay potato chips. Tiệm bán cá lăn bột chiên với khoai tây được gọi FISH & CHIPS. Ở Tân Tây Lan, khi nói “Chị đã đọc quyển sách mới của J.K. Rowling mang TỰA Harry Potter – Rise of the Phoenix chưa” - ở Tân Tây Lan người ta phát biểu “mang tựa” bằng “Entitled”. Nhưng ở Úc họ gọi “Titled”. Sao kỳ lạ vậy? Có lẽ xã hội Úc ưa kiện tụng hơn xã hội Tân Tây Lan hay sao, bởi “entitle” mang một nghĩa thiên về ngành luật như “được đặc ân”, “được đặc quyền”, “được hưởng” - thường đi với danh từ là “entitlement”. Do đó ở Úc người ta tránh dùng “entitled” với nghĩa “mang tựa”, “quyển sách mang tựa”, và chỉ dùng “titled”. Cũng ở Tân Tây lan và ở Anh quốc khi dùng một danh từ như một hình dung từ, người ta rất ít khi dùng số nhiều. Thí dụ: Department of Energy Resource Engineering tại đại học Auckland - với từ Resource không dùng S. Nhưng ở Úc – Anh ngữ đã biến đổi vài mươi năm nay. Người Úc ưa giữ số nhiều cho hình dung từ: Energy ResourceS Engineering / International Brands Fund. (một loại quỹ đầu tư quốc tế) / Business NameS Act 1962 (đạo luật về tên cơ sở thương mại), v.v. Ở Anh quốc, Úc, Tân Tây Lan, và Hongkong, người ta thường gọi luật sư SOLICITOR (hoặc lawyer hoặc attorney-at-law hay attorney cho gọn), trạng sư là Barrister. Nhưng ở Mỹ - không ai đi gọi Luật Sư Solicitor hết – mà gọi ATTORNEY. Bởi ở xã hội Mỹ Solicitor có thể mang nghĩa một người kỹ nữ, bán phấn buôn hương - xuất xứ từ động từ “to solicit” tức “mời mọc”! Trong khoảng đầu tháng 7 năm 2003 tại bang Victoria (Melbourne) giới luật pháp bắt đầu thấy chuyện gọi luật sư Solicitor có vấn đề, nên sắp sửa ra luật bỏ đi truyền thống gọi Solicitor và thay thế bằng lawyer. Báo chí tại Sydney đăng tin này kèm theo một hí hoạ nhỏ đại khái vẽ văn phòng luật sư là một động điếm (solicitors) và phòng cố vấn của các luật sư chuyên về tranh cãi - tức Trạng Sư “Barrister” như một tiệm bán càphê espresso. Bởi barrister, mang nghĩa Trạng Sư, có lối phát âm gần giống như BARISTA một từ của tiếng Ý mang nghĩa “thợ chuyên pha càphê”! Ngay ở Úc, cũng còn có chuyện Bang này dùng từ này và Bang kia dùng từ khác. Thí dụ những chuyên gia phụ trách sang nhượng nhà cửa đất đai, giống giống như luật sư, nhưng chỉ chuyên lo việc giấy tờ cho buôn bán địa ốc mà thôi. Ở Bang New South Wales ta gọi đó là Conveyancers. Nhưng ở Bang Western Australia (Tây Úc), ta gọi đó Settlement Agents. Người xử dụng tiếng Anh tại Việt nam chẳng hạn, rất khó lòng viết và nói tiếng Anh y như một người sinh và lớn lên tại một xứ có tiếng Anh ngôn ngữ chính. Lý do chính vẫn là lý do văn hoá. Bởi ngôn ngữ và văn hoá là hai thứ luôn luôn phải sống chung với nhau. Sống chung nhau hàng ngày và hàng giờ, hàng phút, hàng giây. Nói nôm na dễ hiểu, người xử dụng tiếng Anh tại một nước Á Châu không bao giờ có thể luôn luôn viết ra thứ tiếng Anh dùng tại Úc y như người Úc được bởi thức ăn của họ không
- phải là đồ ăn Úc, những cảm xúc của họ là những xúc cảm Á Châu, và đặc biệt giấc chiêm bao của họ vẫn là một giấc mộng mang tính Á Châu 100%. Xin đưa ra thêm một vài thí dụ. Khi con em học sinh tại Úc phải ở lại trường làm bài và sẽ về nhà trễ. Con em thường điện thoại về nhà nói với phụ huynh rằng “I have to WORK late tonight – please save dinner for me, Mum”. Nội câu chuyện rất nhỏ này ta thấy đến 3-4 điểm ngôn ngữ “bất đồng” qua văn hoá. Trước hết, bây giờ là thời đại của điện thoại cầm tay. Ở Úc gọi Mobile phone, ở Mỹ Cellular phone hay Cell phone, ở Việt Nam khi thì Mobile phone, khi thì Cell phone, khi Portable phone. Tiếng Việt khi nói Cha Mẹ hay Anh Chị của học sinh ta nói: Phụ Huynh mang chính nghĩa Cha và Anh [2]. Tiếng Anh tương đương: Parents, mang nghĩa chính Cha Mẹ. Thế nhưng nghĩa rộng ai cũng hiểu, lại cũng giống như Phụ Huynh - nhất là khi không có Cha Mẹ - parents có thể bao hàm Anh và Chị của học sinh. Ðộc sáng và khác biệt với văn hoá Á Ðông là động từ To WORK. Người học Anh ngữ tại Việt Nam bởi không sống trong môi trường văn hoá Anh ngữ rất khó có thể thấu triệt được việc dùng động từ to work để chỉ to study hay to do assignment. Bởi họ học qua các Thầy Cô (ngay cả các thầy cô người nước ngoài), to work= làm việc, công tác, và to study, to learn= Học, học hỏi [3]. Trong tiếng Anh, WORK mang ý nghĩa … thiên hình vạn trạng! Làm việc, học bài, làm bài, học ôn bài (“You work too hard”: Anh học chăm quá!), hoặc… công trình nghiên cứu (Quý has done some work on Kiều: Ông Quý có nghiên cứu về truyện Kiều), một tác phẩm nghệ thuật, sức lao động, sửa chữa một cái gì (cái nhà chẳng hạn: Since we bought the house we have done a lot of work on it= Từ khi mua nhà chúng tôi đã sửa chữa nó rất nhiều), v.v. tất cả đều có thể dùng WORK. Vấn đề khác biệt văn hoá thường xuyên xảy ra hai chiều. Chiều thuận, tức văn hoá nguyên thủy của tiếng Anh khác với văn hoá của quốc gia tiếng Anh đã di cư sang. Chiều ngược, bởi văn hoá nước vay mượn tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, thứ ba không giống với văn hoá của tiếng Anh – nên tiếng Anh phải biến đổi. Thử khảo sát từng chiều một. 2. Văn hoá và xã hội tại nước dùng tiếng Anh ngôn ngữ chính Trước hết văn hoá và xã hội nước dùng tiếng Anh khác biệt với quốc gia muốn dùng tiếng Anh, bởi tiếng Anh đã trở thành một sinh ngữ quốc tế và toàn cầu. Tất nhiên khác biệt văn hoá và xã hội rất to tát. Thêm vào đó những “cơ viện” dựa trên ngôn ngữ vẫn thường xuyên biến đổi. Biến đổi với thời gian. Khi chú trọng đến biến chuyển tại xã hội dùng tiếng Anh sinh ngữ chính, ta có thể thấy một vài vấn đề nổi bật như sau. Trước hết việc du nhập các từ, các thành ngữ, lối hành văn và ngay cả cú pháp, nhất là những từ thường dùng luôn tùy thuộc vào thời điểm tiếng Anh được di cư vào quốc gia khác. Thí dụ: những người đồng tính luyến ái. Có lẽ ý niệm “thuần Nôm” có trước tiên. Ngày xưa người ta thường gọi: “lại cái”. Tất nhiên không chút gì thanh tao, có vẻ miệt thị là đằng khác. Thế rồi, qua ảnh hưởng văn minh Hán tộc, người Việt du nhập cụm từ Hán Việt “đồng tính luyến ái” để mô tả hiện tượng người nam, hoặc người nữ, luyến ái với người cùng phái tính. Có vẻ thanh cảnh hiểu biết hơn. Xong rồi người Pháp sang đô hộ nước Ðại-Nam - họ mang sang từ “pédéraste” và hội nhập sang tiếng Việt bằng viết tắt Pédé, thành ra PêÐê. PêÐê dính chặt với tiếng Việt nên sau này những từ Anh ngữ như Queer hay Poofter, hoặc chính danh Homosexual, khó lòng thay thế được PêÐê. Ở các nước tiền tiến Tây Phương, ngôn ngữ ưa dính liền với tiến
- bộ về trào lưu tư tưởng xã hội và luật pháp. (Bởi các trào lưu này biến đổi không ngừng và rất nhanh ở Tây Phương - do tiến bộ kỹ thuật và xã hội). Từ thập kỷ 80 trở đi tiếng Anh nảy ra thêm từ GAY dùng để chỉ đồng tính luyến ái cho nam phái. GAY hồi xưa dùng để chỉ một cái gì vui vui, vui nhộn. Xem lại những phim xinê của thời thập niên 40-60 ta thấy thỉnh thoảng người ta dùng GAY rất tự nhiên: “I have a Gay Teacher: Thầy giáo của tôi rất vui tính” Nhưng từ thập kỷ 80 đến nay, tức từ hồi luật pháp nhiều nước bắt đầu cởi mở nhìn nhận những cặp uyên ương cùng phái tính, “I have a Gay Teacher” mang nghĩa hoàn toàn khác biệt: ông Thầy tôi là dân pêđê!. Tiếng Anh dùng tại các quốc gia chưa mấy phát triển về kinh tế rất khó hội nhập được, cùng một lúc, cả tiếng Anh mới, lẫn biến chuyển xã hội đã gói ghém trong các biến đổi ý nghĩa – dù chỉ một chút xíu thôi - của những từ và lối dùng Anh ngữ xuất phát từ xã hội dùng Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ. Trên một góc nhìn khác, GAY khác với Queer hay poofter ở chỗ từ GAY ra đời trong khoảng hoặc sau khi luật pháp các nước tiên tiến nhìn nhận quyền tự do luyến ái của những người đồng phái tính. Nếu nhớ ngày trước, thường có những vụ “bề hội đồng” đánh đập những người poofters xảy ra ngay tại Luân Ðôn, tại Sydney, tại Adelaide, v.v.. Nhiều vụ đánh đập đã đưa đến tử vong. Do đó ta thấy, vấn đề “nhập khẩu” những từ tiếng Anh mang nghĩa “đồng tính luyến ái” do lệ thuộc với thời gian du nhập – có thể hoàn toàn vắng bóng những từ thường dùng trong quá khứ như QUEER và POOFTER, và chỉ thu nhập thẳng GAY và Homosexual, hoặc Lesbian. Bởi Việt Nam hay Á Châu nói chung chỉ tiếp cận ào ạt với văn minh Tây Phương trong khoảng hai ba mươi năm cuối thế kỷ 20. Vào lúc đó, các từ như Queer và poofter bắt đầu rút lui vào bóng tối, nhừng bước cho Gay và Lesbian. Giống y như hiện tượng “cóc nhảy” trong du nhập kỹ thuật tiên tiến. Vài ba thí dụ nữa tiếp sau đây sẽ cho thấy ngôn ngữ di cư không thế nào lột được hay mang theo luôn những ý niệm về văn hoá, xã hội, chính trị hoặc luật pháp đang tiếp diễn tại quốc gia chính gốc đó. Nhất là nếu mang tham vọng cũng vừa diễn đạt luôn ý niệm phản ảnh nếp sống văn hoá và chính trị của nước dùng ngôn ngữ đó như ngôn ngữ thứ hai hay thứ ba. Trước hết thử quan sát chữ LIBERAL. Liberal là hình dung từ của danh từ Liberty, mang nghĩa thông thường: Tự Do. Nó cũng gần như đồng nghĩa với Free, với danh từ Freedom. Tiếng “Tây” lại không có free hay Freedom. Tây chỉ có Libre và Liberté. Nhưng trong tiếng Anh Freedom và Liberty lại khác nhau ít nhiều ở chỗ ý niệm và cách dùng. Rất phức tạp. Freedom trong tiếng Anh thường thay cho tiếng Tây Liberté dùng chỉ Tự Do. Tự Do và dân chủ là khát vọng của mọi người: Tự Do, rất thông thường, được dịch sang tiếng Anh bằng Freedom - một đôi khi Liberty. Mặc dù ở tiếng Pháp chỉ có thể Liberté. Tại một phiên toà hình sự, sau khi bồi thẩm tuyên bố can phạm được trắng án, không có tội, Quan Toà thường nhìn xuống can phạm và nói: “You are now free to go”. Chứ không bao giờ quan toà nói: You are now liberal to go!. Thế nhưng khi ta nói: “You are at liberty to use my computer any time”: Anh được quyền xử dụng máy điện toán của tôi bất cứ lúc nào. – Liberty mang chút ít ý niệm được quyền (tự do). Ít khi người ta dùng Free trong trường hợp này thay cho “at liberty”. Nhưng tuyệt đối không bao giờ dùng Liberal thay cho “at liberty”. Rắc rối hơn nữa: “The mouse is free with your computer purchase: Con chuột được tặng không với máy điện toán Cô đã mua”. Không bao giờ dùng Liberal trong trường hợp này. Sở dĩ LIBERAL trở nên ít được dùng hoán chuyển qua lại với “Free” bởi từ vài thế kỷ nay, Liberal bị dính chặt với một ý niệm chính trị tại một số quốc gia dùng
- tiếng Anh ngôn ngữ chính. Ý niệm chính của Liberal trên quan điểm chính trị bao gồm chính sách của một chính quyền hay một đảng phái tránh nhúng tay, can thiệp vào sinh hoạt thương mại hoặc kinh tế của tư nhân - trong ý nghĩa tương đối hay chừng mực thôi. (Ở Úc đảng phái chính trị lớn hiện nắm quyền tên the Liberal Party - nếu dịch sang tiếng Việt, đảng Tự Do, đối với đa số người Việt do đó không thể nào lột được hết các ý niệm hoặc “cương lĩnh” của đảng). Trong lối xử dụng hằng ngày, khi người ta nói: “Her parents are quite liberal”: Liberal không thể được thay bằng Free bởi liberal ở đây khác với “tự do” một chút. Liberal mang nghĩa: có đầu óc rộng rãi, tiến bộ. Ảnh hưởng của luật pháp cũng có thể làm một người xử dụng tiếng Anh tại Việt Nam chẳng hạn bị chới với không ít. Thí dụ trong Luật Gia Ðình tại Mỹ, về việc cặp vợ chồng đang ly dị. Một người phụ huynh sẽ được quyền giữ con và nuôi con. Người kia được quyền thăm viếng con, hoặc điện thoại thăm hỏi con thường xuyên. Trong ngôn từ Mỹ quyền thăm viếng con được gọi Visitation. Ở Úc có một bộ Luật Gia Ðình - tất nhiên khác với Mỹ. Mấy năm trước luật gọi đó Access. Cách đây vài năm, quốc hội thông qua tu chính về Luật Gia Ðình, thay đổi một số điều luật và đổi tên quyền Access với con cái, thành Contact. Cũng cùng thứ tiếng Anh, nhưng chắc chắn mỗi một quốc gia có thể xử dụng một số từ khác nhau - chuẩn định qua luật pháp đàng hoàng - để quy định một thứ quyền lợi, một thứ tội phạm theo luật! Ảnh hưởng chánh trị - ở tại hai nơi, nước xuất khẩu tiếng Anh tiếng Mỹ, và nước thu nhập nó như ngôn ngữ thứ ba – cũng góp phần quan trọng trong việc gây ra lộn xộn cho giới “chuyển ngữ” tại nước dùng Anh-Mỹ ngữ như tiếng thứ ba. Trong vòng mưòi hai mươi năm qua tại Âu Mỹ, người ta trở nên ý thức về việc dùng từ cho thật chỉnh, tránh đụng chạm đến các tầng lớp, phe phái trong xã hội. Họ gọi lối viết đó: politically correct (rõ ràng rất khó dịch bởi ý niệm này mặc dù được thường xuyên xử dụng tại Á Châu hiện nay – nhưng mục tiêu có hơi khác - nên chưa có từ chuẩn tương đương). Thí dụ điển hình nhất là ngày xưa, tiếng Anh thường dùng: spokesman chỉ “phát ngôn viên”, ngày nay họ chuyển sang spokesperson, Chairman (chủ tịch) thành Chairperson, Mankind thành Humankind. Tại buổi lễ phát giải Oscar của Hollywood, tổ chức vào tháng Ba hàng năm, khi tuyên bố kết quả một giải Oscar cho một tài tử hoặc đạo diễn nào đó, ngày xưa người tuyên bố kết quả nói: “And the WINNER is . . . Katherine Hepburn” – Nhưng ngày nay, bởi đòi hỏi của political correctness, người ta nói: “And the Oscar GOES to. . . Nicole Kidman”. Political correctness bắt buộc phải tránh Winner bởi Winner sẽ bao hàm phải có Losers, không khỏi làm những người hụt giải phải thối chí, buồn phiền. Một buổi lễ vui không thể nào dán nhản hiệu lên một số người được, một số người bị thua. Ở chuyện này, người ta có thể thấy một điểm hay hay. Triết lý bất-nhị-nguyên (non-dualism) của nhà Phật đã di cư đến Hollywood hồi nào mà không ai để ý đến. Bởi khi xưa, khi người ta nói: “and The Winner is . . . “, theo Nhị-nguyên (dualism) ta phải hiểu có người thắng, có người thua. Nhưng nếu nói “and The Oscar goes to . . . “, ta thấy lời tuyên bố đó đã tránh khỏi con đường nhị nguyên, không có người thắng hoặc người thua. Không tức sắc, sắc tức không. Phải chăng political correctness cũng tiềm tàng ẩn hiện trên con đường không/có và có/ không của bất-nhị-nguyên? Phát triển có thể nói dữ dội của mọi ngành nghề ở những quốc gia Âu Mỹ tiên tiến, từ sau thế chiến thứ hai, cũng khiến cho hàng ngàn các từ mới mẻ được nảy sinh, hay rất nhiều từ cũ được dùng lại với nghĩa mới. Thí dụ, trong cuộc chiến tranh Trung Ðông gần đây, rất nhiều từ mới được sáng chế để mô tả những hoàn cảnh mới, những giao
- tác mới, những hiện tượng mới. “Shock and awe strike” chỉ một cuộc hành quân chớp nhoáng dùng mọi vũ lực tối tân, mạnh và nhanh, gây khiếp đảm cho phe địch. “Coalition forces” chỉ các lực lượng phe liên hiệp đồng minh Mỹ, Anh và Úc. Ðể ý phe lực lượng đồng minh hồi thế chiến thứ 2 được gọi “Allied Forces”. Trong Anh ngữ tại các lớp dạy tiếng Anh, “to determine” có nghĩa chánh: quyết định / I’m determined to become a stock-broker. Nhưng trong các ngành kỹ thuật, “determine”, nhất là các thứ hình dung từ xuất phát từ đó: determinate, indeterminate, deterministic – mang nghĩa “xác định”. Trong ngành kiến trúc, công chánh, indeterminate structure mang nghĩa một cấu trúc mà người ta rất khó tính ra sức lực phân bố trong mỗi thành phần của cấu trúc đó. Một cấu trúc không xác định được. Trong xác suất và thống kê học, deterministic variable dùng để chỉ một biến số trong dạng xác định bình thường, tương phản với stochastic variable, chỉ biến số thay đổi theo luật xác suất. Thế, trong nhiều ngành khác, nhất là các ngành nhân văn như luật khoa, to determine thường mang nghĩa: kết thúc, chấm dứt. I think we’d better determine this correspondence: Tôi nghĩ chúng ta nên chấm dứt việc thư từ qua lại này đi. Bây giờ ta thử xem một từ rất thông dụng trên báo chí, sách vở các xứ dùng tiếng Anh ngôn ngữ chính: INSTITUTION. Từ này vừa dao to búa lớn, lại vừa rất phổ quát, viết ra người Anh, người Úc đọc biết liền. Nó mang hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất ai cũng biết: Viện. Viện Kỹ Sư Úc: Institution of Engineers, Australia. Thế nhưng, cái nghĩa thứ hai nó mới hay. Nhưng tiếng Việt hoàn toàn không có một ý niệm tương đương. Có lẽ bởi văn hoá và văn minh của Việt Nam phát triển khác lối với văn hoá văn minh của các nước tiên tiến xử dụng tiếng Anh chăng? Hoặc giả nó liên quan đến bộ môn “Xã hội học (Sociology)” mà văn hoá Việt ít chú tâm đến? Người viết thú nhận chưa bao giờ được đọc một bản tin hoặc bài viết bằng tiếng Anh do người Việt viết dùng đến Institution trong nghĩa thứ hai. Hay tìm mãi mấy mươi năm vẫn chưa thấy một từ Việt tương đương. Có lúc “sáng tác” đại “cơ viện” để tạm dịch Institution – nhưng ít ai hiểu nó là gì bởi văn hoá Á Châu hoàn toàn không có ý niệm này. Vậy nghĩa thứ hai rất thường dùng của “cơ viện” institution là gì? Ðó là một cái gì biểu tượng cho một tổ chức xã hội, một “dấu ấn” của sức sống xã hội (lớn hay nhỏ), một tài năng lớn, một tiệm ăn ngon, một hiện tượng nào đó (nhưng “hiện tượng” có thể mang nghĩa kì lạ, sôi nổi), . . . Xin đơn cử một vài thí dụ: - Cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp là 3 thứ institution cơ bản của một xã hội dân chủ. - Ban nhạc The Shadows chuyên chơi đàn guitar điện của thập niên 60-70 là một institution của Anh quốc. - Báo chí Sydney đăng hình chụp tiệm ăn Tàu BBQ-King, nơi ông chủ tiệm vừa thoát hiểm sau một vụ bắt cóc tống tiền, ghi ở dưới: Chinatown institution. Bởi tiệm BBQ-King là tiệm ăn nổi tiếng nhất ở Chinatown- Sydney. - Ban nhạc the Beatles là một institution của thế hệ sinh sung (babyboom) - Bob Hope đã là một institution của Hoa Kỳ. - McDonald’s đã trở thành một institution lớn của thế giới. - Và báo Sydney Morning Herald tại Sydney sáng nay August 6, 2003 lại có một mẩu tin dùng institution: “(The Prime Minister) Mr Howard said the institution of marriage would be weakened if the law was changed to allow gay and lesbian unions. Ðại khái, thủ tướng Úc ông Howard đồng ý với Vatican và tổng thống Bush rằng nếu thay đổi luật pháp để thừa nhận hôn nhân cho những người đồng tính luyến ái, truyền thống tốt đẹp của “cơ viện” hôn nhân sẽ bị suy yếu.
- Một ý niệm tại quốc gia tiên tiến không có tại quốc gia đang vay mượn tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai thứ ba, do đó không bao giờ có thể được phản ảnh qua những từ thường dùng để gói ghém ý niệm đó. Lý do chính: Ngoài khác biệt về văn hoá, xã hội dùng tiếng Anh ngôn ngữ chính đều là những xã hội tiên tiến. Ở đó những ý thức, quan niệm, ý niệm về sự vật chung quanh đời sống đều vượt xa hơn những xã hội của các nước đang phát triển hay chậm phát triển. Khác nhau từ vài chục năm đến cả trăm năm! Ta thấy từ thí dụ Institution, vấn đề xử dụng Anh ngữ y hệt như người bản xứ tiếng Anh là một chuyện có thể trở nên “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được 100%. Tuy vậy những ai bi quan với hố ngăn cách giữa tiên tiến và chậm tiến đều không khỏi cảm thấy phấn khởi với cách mạng internet và cell phone, hiện đang tiếp diễn không ngừng. Song song với một nền mậu dịch toàn cầu, một “mặt bằng” toàn thế giới của phim ảnh, Tivi xuất phát từ Hollywood, của sản phẩm văn hoá Mỹ như kịch nghệ Broadway, Pop-stars như Michael Jackson, Madonna, J. Lo, như thức ăn thức uống kiểu Starbucks coffee, McDonald’s, Burger King, KFC, v.v., của ảnh hưởng rầm rộ kỹ nghệ, kỹ thuật và khoa học Mỹ. 3. Ngôn ngữ thứ hai hay thứ ba Tại một quốc gia cần dùng tiếng Anh cho mậu dịch, kinh tế, du lịch, v.v. do ở ảnh hưởng sâu đậm ngàn đời của văn hoá ở nước đó, chuyện xử dụng tiếng Anh y như tại Anh quốc, tại Úc, hoặc tại Canada trở thành một chuyện không tưởng. Quan sát biến đổi của Hán ngữ biến thành tiếng Hán Việt – ta sẽ thấy rõ vấn đề này. Dù rằng, rất hiển nhiên, không cần để ý đến lối phát âm khác nhau. Trong ảnh hưởng văn hoá địa phương điểm nổi bật hơn hết vẫn là cách xưng hô: Tôi. Ngoài việc tiếng Việt có rất nhiều từ chỉ “Tôi”: Tớ, tao, “moa”, mình, em, tiểu đệ, anh, kẻ hèn, tại hạ, huynh, chị, Mẹ, Ba, Thầy, Cô, v.v. Ðó là trong lối nói: Tôi và anh, tôi và cô ấy, … “Tôi’ – trong tiếng Việt - được luôn luôn đứng trước. Tiếng Tàu cũng y vậy. Thậm chí tiếng Việt còn có biến chuyển khi nói: Cha con tôi sẽ đi Hongkong tháng sau,… Vợ chồng tôi đã dọn nhà rồi. Nhưng tiếng Tàu vẫn có thể thường nói: Tôi và Cha tôi sẽ đi Hongkong, Tôi và vợ tôi đã dọn nhà rồi, . . . Trong khi đó tiếng Anh gần như luôn luôn đặt Tôi hay I vào phía sau. You and I will have to finish this job. Dù cho rằng YOU đó có thể mang cấp bậc hay tuổi tác, hoặc chức năng nhỏ hơn “I”. Ðọc hàng trăm tiểu thuyết hay bài viết do các người viết gốc Việt – ngay cả những vị đã từng sống vài chục năm bên ngoài Việt Nam, tức đã hội nhập văn hoá Tây Phương, ta vẫn thấy chung một điểm đó: Tôi phải đứng trước. Luôn luôn đứng trước. Rất nhiều người này, có vị có học vị Tiến Sĩ, khi viết những bài viết bằng tiếng Anh, nhất là trong i-meo của thời đại internet, đều theo thói quen đưa “I” ra đàng trước: I and Bob went to see “The Quiet American”. Ðến những người ở trời Tây gần như cả đời cũng vậy. Thí dụ trong tập hồi ký của Gs Trần Văn Khê. Khi nhắc tới những kỷ niệm thuở ấu thời giữa ông và người em Trần Văn Trạch – trong chừng 3 lần ông Khê viết đại khái “Em Trạch và tôi”, nhưng rồi rốt cuộc cũng có một lần ông viết: “Tôi và em Trạch”. Thói quen văn hoá rất khó bỏ. Khi các giáo sĩ sang nước Ðại Nam, truyền đạo và tạo dựng chữ quốc ngữ, họ đã “sáng chế” ra rất nhiều từ - trên một số lớn các từ Hán Việt đã liên tục biến đổi từ Hán ngữ tức ... tiếng Tàu. Một trong những chữ các giáo-sĩ đã tự sáng tác theo tinh thần sĩ
- phu nước Nam là “linh-mục” dùng để chỉ ông CHA (prêtre / Catholic priest). Linh- mục hoàn toàn không phải một tiếng Nôm. Nó vay mượn từ tiếng Hán, nhưng không có trong Hán ngữ [4]. Người Tàu gọi Cha là THẦN-PHỤ, hoặc Mục Sư - chứ không hề biết Linh-Mục là gì! Linh tức linh-hồn. Các giáo sĩ ngày trước thường hay gọi những người đã rửa tội theo đạo Ki-Tô là “những linh-hồn”. Mục mang nghĩa “Mắt”, trông coi, dẫn dắt (như: Mục Ðồng). Về sau khi đạo Tin Lành đến Việt Nam, tiếng Việt mới mượn trở lại Mục Sư từ tiếng Tàu để chỉ người giảng đạo hay chủ lễ của đạo Tin Lành, phân biệt với Linh-Mục tức ông Cha của đạo Ki-Tô. Người Trung quốc đi tham quan nước Việt từ thời các Thái Thú như Tích Quang, Nhâm Diên cho đến thế kỷ 21 này luôn luôn không khỏi sửng sốt khi thấy tiếng Hán hoặc tiếng Quan Thoại của họ bị “ăn cắp” và biến đổi đến nỗi họ khó nhìn ra – mặc dù có thể hoàn toàn không đá động gì đến biến chuyển của lối phát âm [4]. Hiển nhiên nhất là việc đảo lộn vị trí của hình dung từ, . . . mà vẫn không sao. Tàu nói: Dân Chủ Chế Ðộ, ta nói: Chế Ðộ Dân Chủ. Người Hoa nói: “Tư bản chủ nghĩa”, người Việt nói “Chủ Nghĩa Tư Bản”, v.v. Nhiều từ bị đảo lộn vị trí: “giản đơn” sang chữ Nôm, chữ Việt thành “đơn giản”, “hỉ hoan” thành “hoan hỉ”, “ngữ ngôn” ra “ngôn ngữ“, “nhất thống” thành “thống nhất” [5], “triển khai” ra “khai triển”, v.v. Rất nhiều từ hoàn toàn biến đổi ý nghĩa sau khi “di cư” sang nước Nam: - gái giang hồ= kỹ nữ, so với giới giang hồ trong các tiểu thuyết kiếm hiệp; - động thủ với nghĩa nguyên thủy làm một động tác bằng tay. Ở Việt Nam lâu ngày, lại mang ý nghĩa “xuống tay”, “hạ thủ”, “xuống tay ... trước” - cao hứng, nghĩa ban đầu “phấn khởi, thích thú, hân hạnh”: “Tôi rất thích được phục vụ quý vị”. “Thích” ở đây người Hoa dùng chữ “cao hứng”. Người Việt thường hàm ý “phấn khởi lên cao ... hơn bình thường”: “Bộ mày cao hứng lắm sao mà cứ ca hát hoài vậy!” - Hoan hỉ= hỉ hoan. Ðộng từ “hỉ hoan” trong tiếng Hoa hiện đại mang nghĩa “thích”. “Ngộ hỉ hoan Bắc Kinh thái”= Tôi thích thức ăn Bắc Kinh. Nhưng ở tiếng Việt “hoan hỉ” mang nghĩa: Vui mừng, “Chúng tôi hoan hỉ ghi nhận sự hiện diên của nữ Bác sĩ Phạm Hồng Thập, chủ tịch Hội Dục Anh ...”. - Công tác= trong tiếng Hoa, mang nghĩa chính: “làm việc”. Sang Việt Nam nó lại biến đổi chút ít, tương đương với assignment hoặc field work, hay project work của tiếng Anh. Thí dụ: “Tôi sắp sửa được đi công tác tại miền Cao Nguyên”. - Sinh ngữ= tiếng Hoa: Hiện đại ngữ. - V.v. Cũng như LINH MỤC thay thế cho THẦN PHỤ, ta có thể liệt kê hàng chục trang giấy những từ tuy mang danh “Hán Việt” nhưng thực sự hoàn toàn do người nước Nam “sáng chế” dựa trên căn bản Hán ngữ. Thí dụ: - Sinh Viên: một từ do các học giả Việt Nam sáng chế trong thế kỉ 20 để dịch chữ “étudiant” của tiếng Tây, hoặc “student” tiếng Anh. Tiếng Hoa vẫn gọi “học sinh” hay “đại học sinh” [6]. - Sinh viên du học= Du học sinh= Lưu học sinh, tiếng Hoa. [7] - Tiến Sĩ= Doctor of Philosophy, PhD= Bác Sĩ (Bo Shi, tiếng Hoa) - Bác Sĩ (y khoa)= Doctor of Medicine= Y Sinh (Yi Sheng) hay Ðại Phu (Da Fu), dần dà biến thành Y Sĩ tại Việt Nam - Cao Học= Phó Tiến Sĩ= Master degree= Thạc Sĩ (tiếng Hoa hiện tại) - Sinh viên hậu đại học= Postgraduate Student= Nghiên Cứu Sinh (tiếng Hoa) - Thủ Tướng (kiểu Nhật, kiểu Việt Nam)= Tổng Lý (Trung Quốc), hay Quốc Vụ Viện Tổng Lý.
- Ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá bẩm sinh thường phản ảnh qua một số cách diễn tả, một số các động tác mà tiếng Anh-Mỹ có thể không có, hay không chú tâm nhận diện. Thí dụ, trong quyển “Tiếng Việt Tuyệt Vời” Gs Ðỗ Quang Vinh [8] đã trích dẫn các thứ cách ngồi, mà rất có thể người Anh người Úc ít khi ngồi giống như vậy: ngồi xổm, ngồi bó gối, ngồi duỗi chân, ngồi xếp bằng tròn, ngồi chống nạnh, ngồi bắt chân chữ ngũ (ngồi bắt chéo), ngồi vắt vẻo, ngồi nghễu nghện, ngồi ngất ngểu, ngồi nhấp nhổm, ngồi bảnh choẹ, ngồi một đống, . . . Hoặc về tiếng động của giọt nước mưa: Mưa lộp độp trên mái ngói, lẹt đẹt trên sân gạch, gõ lùng tùng vào mái tôn, rỏ tí tách dưới mái hiên, rơi long tong vào bể nước, chảy ồ ồ từ cống rãnh tuôn ra, đổ ào ào như thác lũ. Trong những trường hợp như vậy việc chuyển ngữ cho được toàn hảo như “Ăng-Lê” trên thực tế phải được nhận hoàn toàn chuyện không tưởng. Tầng trệt ở dưới mặt đất của một cao ốc đối với người Hoa, họ gọi Tầng thứ 1. Người Úc người Anh thường gọi Ground Floor. Ði vào thang máy với một người Hoa ít khi vào cao ốc ta để ý họ thường bấm nhầm số 1 khi họ muốn đi xuống tầng dưới đất. Trong Anh ngữ First Floor mang nghĩa Lầu 1 hay tầng 1. Tương đương với Di Er Ceng (đệ nhị tầng) trong Hán ngữ. Rất lộn xộn . . . cái chuyện văn hoá, văn minh. Chính trị của các nước mở mang, phát triển . . . hơi chậm cũng gây rắc rối nhầm lẫn cho các chuyên gia chuyển ngữ. Thí dụ cho vui: Thủ tướng và tổng thống. Ðến khoảng đầu thế kỷ 20 Trung quốc và Việt Nam vẫn chưa biết gọi tổng thống hay thủ tướng là gì. Nhật có chức vụ Thủ Tướng trước hết. Và người Nhật đã phát minh ra chữ Thủ-Tướng từ tiếng Hán, mà họ phát âm kiểu Kanji là Shu-shô. Ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp tại Việt Nam. Sau đó họ đề nghị với vua Bảo Ðại, thiết lập chính phủ Trần Trọng Kim. Học giả Lệ Thần Trần Trọng Kim mang tước Thủ Tướng đầu tiên của nước Việt Nam. “Thủ tướng” do đó là một tiếng Hán du nhập vào Việt Nam qua đường Tokyo! Trung quốc mãi đến năm 1950 mới có thủ tướng đầu tiên: Châu Ân Lai. Thế nhưng người Hán đời nào lại cần phải mượn lại một thứ từ khởi xuất từ Tàu rồi bị biến đổi, sáng chế khi đến Nhật. Họ đặt ra một “cụm từ” để chỉ thủ tướng: Quốc Vụ Yiện Tổng Lý, hay gọi tắt Tổng Lý. Tổng Lý Châu Ân Lai. Rắc rối của ‘ngài tổng lý” không dừng ở đó. Sau 1954 ở miền Bắc có chức vụ mới chỉ người lãnh đạo nội các hay chánh phủ, gọi: Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng / Chủ tịch Phạm Văn Ðồng. Dưới ảnh hưởng văn hoá Pháp, chức vụ này có vẻ dịch thẳng từ Président du Conseil thay vì Premier Ministre của tiếng Tây (hay Prime Minister của Anh-Mỹ ngữ). Chức vụ Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng này được giữ mãi cho đến sau khi Ðổi-mới mới được đổi trở lại như cũ: Thủ Tướng. Ở miền Nam, chế độ Ngô Ðình Diệm không có thủ tướng, nhưng lại theo kiểu Ðài Loan - hồi đó Trung Hoa Dân Quốc - gọi President, tức nguyên thủ quốc gia theo kiểu Mỹ: Tổng Thống. Trong khi đó bên Tàu, nguyên thủ quốc gia được gọi Chủ Tịch (Zhu Xi – Chairman), Chủ tịch Mao Trạch Ðông. Cũng ở miền Nam, sau ngày 1 tháng 11 năm 1963 luôn cho đến 1975 – chức vụ Thủ tướng có… nhu cầu trở lại. Nhưng cũng thêm một kiểu chơi chữ, vào khoảng tháng 8 năm 1965, một kiểu xưng hô mới ra đời: Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Và người Chủ tịch đầu tiên (và cũng cuối cùng) chính là tướng trẻ Nguyễn Cao Kỳ. Chức nguyên thủ quốc gia, “tổng thống” cũng bị e thẹn trốn tránh. Trước hết Nguyễn Khánh, qua Hiến Chương Vũng Tàu yểu mạng, tự phong chức Chủ tịch Việt Nam Cộng Hoà - dịch từ tiếng Tây Président de la République – chính ra lại không gì khác hơn: tổng thống. Rồi sau đó, đổi trở lại thành
- quốc trưởng, rồi Chủ tịch Ủy Ban Lãnh đạo quốc gia. Tại Hànội – cũng như tại Trung quốc - từ trước đến giờ người ta vẫn gọi nguyên thủ quốc gia là Chủ Tịch, chủ tịch nước. Thế nhưng lại có một điểm khác rất tế nhị trong ngôn ngữ. Do ở các chức Thủ Tướng và Tổng Thống bây giờ đã hoàn toàn bị quốc tế hoá. Tiếng Anh sẽ dịch các chức đó Prime Minister và President, bất chấp trong ngôn ngữ địa phương người ta gọi các chức đó là gì. Ở Trung quốc người ta vẫn gọi Tổng Lý và Chủ Tịch, ở Việt Nam, Thủ Tướng và Chủ tịch. Cũng nên để ý, trong tiếng Tàu chỉ có từ Chủ Tịch. Nhưng trong tiếng Anh, người ta gọi - với sự chuẩn nhận của chính quyền Beijing – Chairman Mao Ze Dong [9], nhưng lại President Jiang Ze Min, và President Hu Jin Tao. Ðó, chuyện chữ nghĩa đối với các chức vụ lớn cũng rắc rối phức tạp như vậy, nên cũng đừng mong mỏi người chuyển ngữ tại Á Châu có thể xử dụng tiếng Anh-Mỹ đến độ toàn bích được. Ngay cả chuyện yêu đương, cũng có khác biệt giữa yêu đương tại Mỹ với yêu đương tại Lào hay tại Fiji. Ðiển hình trong một số phim Mỹ, loại tình cảm ướt át nhà giàu, loại “soap”, ta thường thấy người nam ưa nói với người nữ: “Anh muốn chúng mình có nhiều quality time với nhau”. Quality time: thời gian có chất lượng - chắc chắn là một ý niệm ‘thiên đường” tại những quốc gia chưa được mở mang đến nơi đến chốn. MỘT ÐÔI LỜI KẾT Khi viết bài tản mạn này, thoạt tiên tưởng dễ, nên dự tính tối đa chừng 4 trang. Thế nhưng người viết bị sa lầy, và càng viết càng thấy khó chấm dứt. Ý tưởng cũng khó sắp xếp cho được mạch lạc đầy lô-gích. Tuy vậy tựa bài “tản mạn” dư sức bao che cho những sơ suất của người viết. Ðối với một đề tài quá rộng lớn và quá phức tạp như vậy, thiết nghĩ có thể dùng đến nhiều năm tháng để tra cứu và viết năm ba cuốn sách cũng không đủ. Xin tóm tắt những điểm chính yếu đề cập phía trên: Những biến chuyển xã hội, chính trị, kinh tế và kỹ thuật trong khoảng vài chục năm qua tại các nước tiên tiến đã đào sâu thêm cái hố giữa tiếng Anh dùng tại các nước Á Châu (hay bất cứ nước nào không có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ) và tiếng Anh hoặc tiếng Mỹ. Không có cách gì một người đã đạt được học vị Tiến Sĩ về Anh ngữ (ngay cả những vị có bằng cấp từ Harvard hay Oxford) trở về sống tại Trung quốc hoặc Việt-Nam có thể theo được biến chuyển của ngôn ngữ phản ảnh từ những biến chuyển xã hội và chính trị tại các nước tiên tiến Tây Phương. Những biến chuyển này xảy ra quá nhanh, nhanh đến nỗi mỗi ngành nghề mỗi lãnh vực đều phát sinh ra những từ mới, hay từ cũ mang nghĩa mới, hoặc lối hành văn mới. Hội nhập ngôn ngữ nếu muốn được hoàn chỉnh do đó phải được hội nhập cùng một lúc với hội nhập văn hoá. Và hội nhập văn hoá chỉ có thể mang đến kết quả 100% nếu có liên hệ huyết thống, hay ít nhất là được sinh và lớn lên trong ngay xã hội có một ngôn ngữ khác với tiếng Việt. Ðó là cái hay ho và tinh túy qua tiếng Việt “Sinh ngữ” thay vì “hiện đại ngữ” như tiếng Tàu. “Sinh ngữ” mang nghĩa thuần túy “ngôn ngữ sống” so với các ngôn ngữ đã chết rồi như Latinh, còn có thể diễn dịch như thứ ngôn ngữ mà người xử dụng phải . . . sinh ra và sống trong môi trường đó mới xử dụng nhuần nhuyễn được.
- Nói cho cùng, chuyển ngữ những gì thuộc “bất động” vật rất dễ. Như cái bàn= table, cái ghế= chair. Nhưng đối với những sinh vật, nhất là loài người lại rất rất khó. Bởi con người trong quá trình sinh sống đã tạo ra xã hội, tạo ra văn minh, văn hoá, tạo ra quốc gia. Họ có tư tưởng, có triết lý, có khoa học và tín ngưỡng. Những thứ xuất phát nguyên thủy từ đầu óc, từ tư tưởng, tình cảm, cảm xúc đến ý niệm, đã làm cho việc chuyển ngữ trong rất nhiều trường hợp, trở thành một việc chế biến một lọai ngôn ngữ thứ 3. Tuy nhiên, người ta cũng không khỏi phấn khởi trước đà phát triển thần tốc của cách mạng internet, cell phone, phim ảnh và Tivi hiện tại. Nó sẽ thu ngắn dần những cách biệt văn hoá qua ngôn ngữ. Xin thành thật cám ơn Anh Trịnh Nhật, qua bài TN nói trên, đã gây cảm hứng viết nên bài góp ý này. GHI CHÚ [1] Nhiều từ rất khác biệt. Thí dụ: (i) đơn vị hành chánh của nước Nhật là “prefecture” mang nghĩa Tỉnh, quận, khu vực thành phố, v.v.. Tại Úc đơn vị hành chánh dưới cấp BANG được gọi Council hay Shire. County, như Orange County bên California, chỉ còn mang nghĩa tên của sổ danh bộ về thổ trạch, đất đai. (ii) Người được thừa kế gia sản qua di chúc, tiếng Anh thường gọi “beneficiary”. Tiếng Anh tại Nhật lại ưa dùng “legatee” (Xin xem phim mới Wasabi với tài tử gạo cội của Pháp Jean Reno). [2] Thêm một điểm văn hoá nữa: Trong văn hoá Việt qua ảnh hưởng Trung quốc, có câu: Quyền Huynh thế Phụ, dùng để chỉ người Anh trong nhà có thể thay quyền người Cha khi Cha qua đời hay đi đâu xa. [3] Lại một sự khác biệt giữa to study và to learn. Xem giống nhau nhưng cách xử dụng có khác nhau, khá phức tạp. [4] Cũng giống như câu thơ sau của Chinh Phụ Ngâm mà các Thầy Cô dạy Việt Văn ngày xưa đã từng nhấn mạnh: Thủa đăng đồ, mai chưa dạn gió Hỏi ngày về chỉ độ đào bông Nay đào đã cuốn gió Ðông Phù dung lại nở bên sông bơ sờ. Theo các Thầy Cô ở lớp trung học, người Tàu khi đọc “đăng đồ” họ không khỏi giật mình - bởi ở Hoa ngữ không ai nói “đăng đồ” mà chỉ nói “đăng trình”. Biến đổi ngôn ngữ cho hợp với “khẩu vị” địa phương đã có từ ngàn xưa. [5] Nhất thống: cũng khá phức tạp. Tiếng Hoa ngày nay, dùng “nhất thống” cho “nhất thống quốc gia”. Nhưng dùng: “thống nhất” cho “thống nhất tư tưởng”. Tiếng Việt thường dùng “thống nhất” cho cả hai trường hợp. [6] Thêm một điểm dị đồng giữa các thứ Anh ngữ: Ở Úc từ lâu người ta dùng Student chỉ chung cho sinh viên và học sinh. Trong khi ở Tân Tây Lan và Anh quốc, Student thường chỉ Sinh viên cấp đại học, và Pupil (élève tiếng Pháp) cho Học sinh tiểu học. [7] Miền Nam VN ngày trước ưa dùng Sinh viên Du Học thay cho tiếng Tàu Lưu Học Sinh. Ngày nay, tại Việt Nam “Lưu Học Sinh” đang biến đổi trở lại thành “Du Học Sinh”. [8] Ðỗ Quang Vinh (2000) Tiếng Việt Tuyệt Vời. tác-giả xuất bản. Xem www.Geocities.com/doquangvinhvenguon [9] Việc dùng từ sai vẫn thường xảy ra ngay với các tổng thống Mỹ, ngay trên vấn đề chính trị - job của họ. (i) Tổng thống Reagan trong khoảng đầu thập niên 80 có tuyên bố ông rất muốn gặp Chairman Chernenko của Liên Xô (hồi ấy). Người viết nghe rõ
- ràng ông Reagan tuyên bố trên radio như vậy. Không có ông nào Chairman Chernenko hết, chỉ có President Chernenko mà thôi. (ii) Ðến lúc ông George W. Bush sắp sửa ứng cử tổng thống, ông ấy nói đến vấn đề gì cần phải dùng đến một hình dung từ mô tả “của nước Hy Lạp”, “mang tính cách Hy Lạp” – ông dùng một hình dung từ cũng đúng cấu trúc Anh ngữ, nhưng hoàn toàn . . . sai. Ông dùng .... Grecian thay vì Greek! Báo chí Hoa Kỳ lại được dịp chế diễu nghi ngờ trí thông minh của ông Tổng Thống này.
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn