Tăng trưởng xanh từ lý thuyết đến thực tế khảo sát tại ngành du lịch Hải Phòng
lượt xem 1
download
Công trình đề cập đến bản chất, nội hàm cũng như nội dung phát triển kinh tế xanh. Phát triển kinh tế không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu cho hiện tại mà còn phải tính đến tác động tới thế hệ tương lai, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của toàn cầu. Bên cạnh đó, công trình đi vào đánh giá khái lược việc phát triển kinh tế xanh ở Hải Phòng trong lĩnh vực du lịch, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị và gợi ý chính sách với phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực du lịch ở Hải Phòng. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tăng trưởng xanh từ lý thuyết đến thực tế khảo sát tại ngành du lịch Hải Phòng
- TĂNG TRƯỞNG XANH TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TẾ KHẢO SÁT TẠI NGÀNH DU LỊCH HẢI PHÒNG ThS. Phạm Minh Đạo Công ty TNHH Vạn Hương PGS.TS Nguyễn Hoài Nam Trường Đại học Hải Phòng Email: phamminhdaohp1991@gmail.com Tóm tắt: Công trình đề cập đến bản chất, nội hàm cũng như nội dung phát triển kinh tế xanh. Phát triển kinh tế không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu cho hiện tại mà còn phải tính đến tác động tới thế hệ tương lai, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của toàn cầu. Bên cạnh đó, công trình đi vào đánh giá khái lược việc phát triển kinh tế xanh ở Hải Phòng trong lĩnh vực du lịch, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị và gợi ý chính sách với phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực du lịch ở Hải Phòng. Từ khoá: Tăng trưởng xanh, du lịch, Hải Phòng. GREEN GROWTH FROM THEORY TO PRACTICE SURVEY AT HAI PHONG TOURISM INDUSTRY Abstract: The work refers to the nature, content as well as content of green economic development. Economic development must not only meet the needs of the present but also take into account the impact on future generations, green growth is an inevitable global trend. In addition, the work goes into a brief assessment of the green economy development in Hai Phong in the field of tourism, on that basis, some recommendations and policy suggestions for green economic development in the field of tourism are made in Hai Phong. Keywords: Green growth, tourism, Hai Phong. 1. Đặt vấn đề Thế kỷ XXI là thời đại của sự phát triển vượt bậc của loài người trên nhiều lĩnh vực, có thể kể đến: giải mã bộ gen người, chinh phục vũ trụ, tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, phát triển khoa học công nghệ... Sự phát triển này đã và đang làm thay đổi toàn bộ phương thức vận hành của loài người theo hướng con người được hỗ trợ nhiều hơn, được phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những điều tích cực được thụ hưởng, thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như: suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội và những thảm họa tự nhiên. Tần suất diễn ra những bất ổn có xu hướng lặp lại nhanh hơn trong giai đoạn hiện nay. Suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008 diễn ra làm đổ vỡ hệ thống ngân hàng, thất bại của các gói tín dụng, sụt giá của chứng khoán và sự mất giá của đồng tiền, nguyên nhân chính do quá trình phát triển kinh tế nóng đã tạo ra những bong bóng tiềm ẩn. Các thảm 90
- họa tự nhiên như sóng thần, động đất, hạn hán, lũ lụt, siêu bão và tình trạng thời tiết cực đoan gây nhiều thiệt hại về con người và kinh tế, căn nguyên bắt nguồn từ việc can thiệp sâu vào môi trường tự nhiên trong quá trình phát triển kinh tế. Có thể thấy, kinh tế đang chịu áp lực về tăng trưởng nhanh để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đang gia tăng nhanh của con người, để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thì một trong những yêu cầu tất yếu phải tuân thủ là cân bằng được sự phát triển kinh tế với các yếu tố môi trường. Hiện nay, tăng trưởng xanh đã được đề cập đến như một yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của nhiều quốc gia như: Đức, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Những quốc gia trên đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về đảm bảo tăng trưởng xanh để hướng tới sự phát triển bền vững. Các quốc gia trong khu vực, Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đề cập tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Không đứng ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh cho nền kinh tế. Thực tiễn từ các quốc gia đã tiến hành thực hiện tăng trưởng xanh sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, một số quốc gia còn chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc mà không phải đánh đổi các vấn đề về môi trường. Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách về tăng trưởng xanh, trong đó giai đoạn 2011-2020 tập trung vào xây dựng nền tảng cho tăng trưởng xanh, giai đoạn 2020 đến 2030 và tầm nhìn 2050 thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Chương trình triển khai xoay quanh 04 nhóm chính sách: 1) Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch; 2) Chính sách thuế tài nguyên với nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp; 3) Các chính sách thuế từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia; 4) Chính sách chi ngân sách nhà nước cũng được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường. Chương trình tăng trưởng xanh bước đầu xây dựng một số ngành kinh tế phát triển hiệu quả và bền vững. Hải Phòng là một trong những địa phương trên cả nước ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh sớm (từ năm 2014), trong đó đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thành phố theo hướng xanh, văn minh, hiện đại. Việc phát triển xanh trong linh vực du lịch cũng không phải ngoại lệ. Phát triển du lịch theo xu hướng tăng trưởng xanh sẽ giúp cho người dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ, qua đó nền kinh tế sẽ phát triển có tính ổn định và bền vững. 2. Lý luận về tăng trưởng xanh 2.1. Bản chất Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn về khái niệm: Theo tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên Hợp Quốc: “Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng 91
- để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự bất công bằng trong xã hội.”. Theo OECD: “Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.”. Theo World Bank: “tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên, sạch với việc tối thiểu hóa ô nhiễm và các tác động môi trường”. Cách nhìn nhận về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh của các tổ chức có thể khác nhau. Tuy nhiên, nội hàm đều chỉ rõ: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Tăng trưởng xanh là chỉ cách thức tăng trưởng kinh tế sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, quá trình tăng trưởng kinh tế có tính đến những thiệt hại về môi trường. 2.2. Nội dung của tăng trưởng xanh Tăng trưởng xanh được biểu hiện qua những nội dung sau: - Sản xuất và tiêu dùng bền vững. Hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ được giảm thiểu việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, các vật liệu không tái sinh, giảm lượng chất thải mà vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng hiện tại, tránh gây nguy hại đến nhu cầu của thế hệ tương lai. - Thị trường xanh. Giá thị trường phải tính đến cả các chi phí liên quan đến đầu ra như chất thải, ô nhiễm. Như vậy cần có khoản thu bù đắp cho phần chi phí xã hội phải thực hiện xử lý ngoại ứng, khuyến khích các doanh nghiệp tự tìm giải pháp xanh trong sản xuất. - Hạ tầng bền vững trong cả quy hoạch và hình thái kiến trúc. Quy hoạch bền vững thể hiện trên các nội dung: bền vững về xã hội đảm bảo phù hợp với văn hóa, tôn giáo, các yếu tố phục vụ cuộc sống; bền vững về tự nhiên hài hòa với điều kiện sẵn có của môi trường; bền vững về kĩ thuật đảm bảo hiệu quả khai thác lâu dài; bền vững về tài chính khi tính toán đầy đủ chi phí toàn bộ vòng đời của công trình. Kiến trúc xanh đảm bảo cho việc sử dụng hiệu quả năng lượng để duy trì hoạt động của công trình, giảm thiểu ngoại ứng ra môi trường. - Áp dụng thuế xanh đánh vào sản xuất và tiêu dùng có sử dụng các chất gây ô nhiễm. Việc áp thuế này sẽ khuyến khích thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng trong việc sử dụng các chất gây ô nhiễm từ đó giảm gánh nặng chi phí cho xã hội. - Đầu tư vào vốn tự nhiên bao gồm: phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; tái chế nguyên liệu sản xuất; phục hồi môi trường nguyên sinh. Để đo lường hiệu quả hoạt động tăng trưởng xanh, Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Ngân hàng Thế giới để xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường thông qua ba nhóm chính sau đây: 92
- - Các chỉ số kinh tế: chỉ số về tỉ lệ đầu tư, tỉ lệ sản lượng và việc làm trong các lĩnh vực đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. - Các chỉ số môi trường: chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên, về ô nhiễm ở mức độ ngành hoặc nền kinh tế. - Các chỉ số tổng hợp về tiến bộ và phúc lợi xã hội: ngân sách về kinh tế và môi trường, chỉ số về phúc lợi xã hội. 3. Thực trạng tăng trưởng xanh tại ngành du lịch Hải Phòng 3.1. Tiềm năng phát triển ngành du lịch Hải Phòng Hải Phòng có cấu trúc địa chất phức tạp, ảnh hưởng quyết định tới hình thái địa hình. Thành phố có cả các hang động ngầm nối với nhau bằng các kênh ngầm hẹp kèm theo các dòng suối khoáng ngầm ở Cát Bà và có thể ở cả tầng đá vôi nằm sâu khoảng 700m dưới mảnh đất Tiên Lãng. Ở đảo đá vôi Cát Bà, quá trình karster hóa xảy ra mạnh mẽ, phát triển các dạng karster tự hở trên bề mặt như vách núi tai mèo, sườn đảo dốc đứng, các dạng hình máng. Hang động là một trong những tài nguyên du lịch có giá trị của Hải Phòng. Tài nguyên biển đảo là nguồn tài nguyên quý hiếm cho du lịch của Hải Phòng. Biển Hải Phòng có gần 1.000 loài tôm, cá và hàng chục loài rong biển có giá trị kinh tế cao như tôm rồng, tôm he, cua bể, đồi mồi, sò huyết, cá heo, ngọc trai, tu hài, bào ngư... được thị trường thế giới ưa chuộng. Thành phố Hải Phòng có nhiều bãi cá, lớn nhất là bãi cá quanh đảo Bạch Long Vỹ với trữ lượng cao và ổn định. Tại các vùng triều ven bờ, ven đảo và các vùng bãi triều ở các vùng cửa sông rộng tới trên 12.000 ha vừa có khả năng khai thác phục vụ du lịch, vừa có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn và nước lợ có giá trị kinh tế cao. Vùng biển quần đảo Cát Bà của Thành phố Hải Phòng giáp vùng biển vịnh Hạ Long với tỉnh Quảng Ninh, trung tâm du lịch quốc gia hàng đầu của đất nước, hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. đá, rừng nguyên sinh có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế du lịch. Thành phố có thể khai thác di sản Vịnh Hạ Long trên cơ sở kết hợp với tỉnh Quảng Ninh để mở rộng tuyến du lịch phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Thành phố Hải Phòng có đảo Cát Bà là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, di tích quốc gia đặc biệt - danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà, là khu bảo tồn biển đa dạng hệ sinh thái. Đảo chính Cát Bà có diện tích khoảng 100 km2, cách trung tâm thành phố 30 hải lý. Vùng nước đảo Cát Bà trong xanh cùng các đảo trong vịnh Lan Hạ có hình dáng đẹp kì thú. Cát Bà nổi tiếng với những bãi biển trong xanh trải dài trên những bãi cát trắng mịn màng và hệ thống sinh thái rừng ngập mặn, nhiệt đới xanh quanh năm. Đặc biệt trong khu rừng nguyên sinh Cát Bà có loài Voọc Cát Bà, loài thú cực quý hiếm trên thế giới chỉ có tại Cát Bà. Hệ sinh thái của Cát Bà là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý về bảo tồn đa dạng sinh học và là tiềm năng phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học và du lịch khám phá. Tài nguyên sinh vật rừng tương đối đa dạng và phong phú; nơi tập trung và có giá trị nhất đối với hoạt động du lịch là Vườn Quốc gia Cát Bà với 745 loài thực vật bậc cao thuộc 495 chi và 149 họ thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm ở Việt Nam như lát hoa, kim giao, đinh ... Hệ động vật ở Vườn Quốc gia Cát Bà cũng rất đa dạng với 20 loài thú, 69 loài chim, 15 loài bò sát, 11 loài ếch nhái, 105 loài cá, 100 loài thân mềm, 60 loài giáp 93
- xác, trong các giống loài động vật trên, Voọc Cát Bà là loại thú quí hiếm trên thế giới hiện còn được bảo lưu ở Cát Bà. Đặc biệt, khu vực phía Đông Nam đảo Cát Bà còn có nhiều loài san hô có giá trị phục vụ du lịch. Đồ Sơn là khu nghỉ mát nổi tiếng nằm cách thành phố Hà Nội 120 km và cách trung tâm Thành phố Hải Phòng 20 km. Đây là một bán đảo nhỏ được bao quanh bởi núi, vươn dài ra biển có những bãi cát mịn trên những bờ biển rợp bóng phi lao. Trong lịch sử, Đồ Sơn là nơi nghỉ ngơi của vua chúa, quan lại đô hộ; nổi tiếng là "ngôi nhà bát giác kiên cố" của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Ngày nay, Đồ Sơn là một điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong ngày hè. Đồ Sơn còn nổi tiếng có casino, cùng với hệ thống sân golf đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, thành phố còn có các khu du lịch làng nghề như nghề gỗ, đúc đồng, múa rối nước (H. Vĩnh Bảo); các điểm du lịch quy mô gắn với danh thắng Núi Voi (H. An Lão), di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, di chỉ Tràng Kênh, di chỉ Cái Bèo... Hệ thống di tích của Thành phố khá phong phú, có hàng trăm di tích - danh thắng xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố. Trong đó có khá nhiều đền thờ: Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Vương Quyền, đền thờ chúa Nam Phương. Hệ thống đình, đền, chùa phong phú là nơi diễn ra các lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hoá Việt Nam. Các lễ hội tiêu biểu của thành phố là Hội chọi trâu Đồ Sơn, Hội vật cầu làng Kim Sơn (H. Kiến Thuỵ), Lễ hội đua thuyền rồng trên biển Đồ Sơn, Lễ hội làng cá Cát Bà, Lễ hội núi Voi (H. An Lão )... và lễ hội mới Lễ hội Hoa Phượng đỏ đang được xây dựng mang tầm cỡ lễ hội quốc gia. 3.2. Thực trạng phát triển du lịch Hải Phòng Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển du lịch. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch có chuyển biến tích cực, một số khu du lịch phát triển nhanh, hình thành thêm các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng mới, chất lượng dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao, nhất là hai trọng điểm du lịch Đồ Sơn và Cát Bà. Ngành kinh doanh du lịch đã thu hút được ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển cơ sở vật chất cho kinh doanh du lịch bao gồm xây dựng các khu du lịch, các cơ sở lưu trú có quy mô và đẳng cấp đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách. Công tác quản lý quy hoạch được quan tâm, chỉ đạo. Hải Phòng đã gắn kết quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác của thành phố và gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng, cả nước làm tiền đề quan trọng cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển du lịch trên địa bàn. Cụ thể: Về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch: Từ năm 2015 đến năm 2020, Thành phố Hải Phòng có 42 dự án đầu tư vào du lịch thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách với số vốn đăng ký đầu tư lên tới trên 19.654,851 tỷ đồng và 173,5 triệu USD (so với giai đoạn 2001-2006 tăng 8 dự án và 42% về vốn đầu tư). Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là các khu đô thị du lịch, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, sân golf ... Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào du lịch Thành phố Hải Phòng hiện có 06 dự án với tổng số vốn là 734,329 triệu USD (so với giai đoạn 2001-2006 tăng 3 dự án và 192% về 94
- vốn đầu tư), trong đó có 5 dự án vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, thành phố đã huy động được hàng trăm tỷ đồng xã hội hóa để đầu tư vào các phương tiện vận chuyển du lịch; xây dựng, phục dựng, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng nhằm thu hút, hấp dẫn khách tham quan du lịch đến thành phố (như đầu tư xây dựng, tu bổ đình Kiền Bái, đình Hàng Kênh, đình Khinh Giao, Từ Lương Xâm, đền Nghè, đền Gắm, tháp Tường Long, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Khu di tích Danh nhân Văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm...). Số lượng khách sạn, nhà nghỉ của các thành phần kinh tế tăng nhanh cả về số lượng, quy mô và phương thức hoạt động. Nhiều khách sạn đã tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nên giữ được hạng đã xếp, có khách sạn được nâng hạng sao. Tuy nhiên: bên cạnh những mặt đạt được, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế. Thứ nhất: về tiến độ thực hiện về tổng thể các dự án triển khai còn chậm so với cam kết, mới đạt khoảng từ 25 - 30% về vốn. Thứ hai: So với nhu cầu phát triển, tiềm năng thế mạnh của thành phố, thì tổng số vốn đầu tư từ ngân sách thành phố cho phát triển du lịch (bình quân 71,8 tỷ/năm) còn thấp. Tiến độ thực hiện các dự án còn chậm so với kế hoạch. Số cơ sở kinh doanh lưu trú còn có quy mô nhỏ, đặc biệt hai khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn chủ yếu có hộ kinh doanh cá thể chiếm phần lớn, có quy mô dưới 40 buồng chiếm 83%, phản ánh chất lượng và năng lực cạnh tranh thấp. Tính đến năm 2022, trên địa bàn thành phố có 541 cơ sở lưu trú du lịch với số phòng tương ứng là 13.985 phòng (7 khách sạn được xếp hạng 5 sao và tương đương; 13 khách sạn được xếp hạng 4 sao và tương đương; 18 khách sạn được xếp hạng 3 sao và tương đương); 74 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (30 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 39 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 5 chi nhánh; đại lý và văn phòng đại diện). Thứ ba: Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trực tiếp chưa đáp ứng yêu cầu và đạt chuẩn. Tỉ lệ qua đào tạo thấp, yếu về trình độ chuyên môn, giao tiếp và ngoại ngữ. Về kết quả kinh doanh du lịch: Sản phẩm du lịch Các loại hình du lịch thu hút khách, có tốc độ tăng trưởng tốt đã được thành phố tập trung vào 3 nhóm: Du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng, thể thao: các điểm đến thu hút khách là đảo Cát Bà, bán đảo Đồ Sơn, sân golf sông Giá...; Du lịch lễ hội, tâm linh: các điểm đến thu hút khách du lịch là lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...; Du lịch cuối tuần, du lịch trăng mật, du lịch nông thôn ở một số làng quê ngoại thành: nhu cầu du lịch của khách nội địa có xu hướng tăng cao do mức sống được cải thiện và sự thay đổi thói quen du lịch những năm gần đây. Thị trường du lịch Thời gian qua, du khách quốc tế đến Thành phố Hải Phòng bằng nhiều đường khác nhau, nhưng chủ yếu là theo đường bộ từ Hà Nội và Quảng Ninh (từ Quảng Ninh tới chủ yếu là khách Trung Quốc) và đến từ các thành phố lớn ở phía Nam như Thành phố Hồ Chí 95
- Minh, Huế, Đà Nẵng bằng đường hàng không. Ngoài ra còn có các thị trường khách Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Nga, Pháp... Thị trường khách du lịch nội địa chiếm 80% so với tổng lượng khách đến Thành phố. Hải Phòng. Trong tương lai gần thị trường khách nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng đối với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của Thành phố Hải Phòng. Các điểm du lịch hấp dẫn như Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Long Châu, Đồ Sơn, Hòn Dáu và cùng với lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn.. đã tạo dựng cho Hải Phòng thực sự là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách nội địa, đặc biệt là vào các dịp hè, lễ hội. Tuy nhiên loại hình du lịch của Hải Phòng còn đơn điệu, thiếu hẳn nơi vui chơi giải trí thể thao hấp dẫn khách, nên lượng khách đến nghỉ ở Hải Phòng đặc biệt là khách nghỉ cuối tuần vẫn còn ít hơn so với Hà Nội và Quảng Ninh. Kết quả kinh doanh của ngành du lịch Hải Phòng Giai đoạn 2016 - 2019, du lịch Hải Phòng có bước phát triển đáng kể; tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, bình quân 15,3%/năm, khách du lịch tăng bình quân 15%/năm. Đến năm 2019 đã đón được 9,1 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt 7.850 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra cho năm 2020 (đón 8 triệu lượt khách). Trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ 3.006.280 lượt khách, tăng 27,37% so với cùng kỳ 2021, trong đó khách quốc tế 117.185 lượt, tăng 227,08%. Doanh thu ước đạt 2.712,5 tỷ, tăng 25,3% so với cùng kỳ 2021. Sau 2 năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, du lịch Hải Phòng nói riêng đã có những dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3/2022, và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Theo đó, lượng khách du lịch đến Hải Phòng đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, du lịch quận Đồ Sơn đón phục vụ hơn 1,1 triệu lượt khách, đạt 70% mức kế hoạch năm và tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.650 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú ở khu du lịch đạt cao, đặc biệt vào các dịp cuối tuần. Năm 2022, du lịch Đồ Sơn đặt mục tiêu đón, phục vụ 1,6 triệu lượt khách. Khách du lịch đến với Cát Bà nói riêng, huyện Cát Hải nói chung trong tháng 6/2022 ước đạt 602.560 lượt, 6 tháng ước đạt 922.060 lượt, đạt 59% kế hoạch HĐND huyện giao, tăng 510% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 13.658 lượt khách, tăng 311,6 so với cùng kỳ 2021; tổng lượt khách lưu trú, ngủ đêm trên các vịnh ước đạt 170.462 lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 6/2022 ước đạt 549,5 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng ước đạt 818,1 tỷ đồng, đạt 68,2% kế hoạch và tăng 522,6% so với cùng kỳ năm 2021. 4. Kết luận Tăng trưởng xanh trở thành xu thế tất yếu của phát triển du lịch, Hải Phòng là thành phố chủ động bắt kịp xu thế đó. Trong giai đoạn đầu triển khai đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ liên quan tới 96
- vấn đề môi trường. Trong giai đoạn tới, để tăng trưởng xanh tiếp tục phát huy được những ưu điểm và dần khắc phục được nguy cơ tiềm ẩn ngành du lịch Hải Phòng cần thực hiện một số giải pháp như sau: Thứ nhất, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Hải Phòng đang dần bước vào quá trình chuyển đổi từ giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa trên nguồn lực sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa trên hiệu quả. Trong giai đoạn tới, thành phố cần kiên trì với mục tiêu đã đặt ra: tăng dần tỷ trọng các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin, công nghệ cao. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế khuyến khích sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường. Ban hành thêm chính sách ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo. Sử dụng cơ chế như đòn bẩy cho các doanh nghiệp sản xuất thay đổi công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm bằng các công nghệ mới với năng suất và hiệu quả cao hơn trong sử dụng các nguồn tài nguyên. Thứ ba, cần huy động các nguồn lực và cơ chế tài chính trong toàn xã hội ưu tiên cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác công tư, chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ khu vực tư nhân cũng như triển khai các công cụ tài chính dựa vào thị trường tạo nguồn lực tài chính ổn định cho tăng trưởng xanh. Đối với cơ chế tài chính cho tăng trưởng xanh, cần tận dụng tối ưu nguồn vốn tài chính trung ương kết hợp thành phố cho tăng trưởng xanh. 5. Tài liệu tham khảo 1. OECD (2011). Towards Green Growth. Rechieved from: http://sostenibilida dyprogreso.org/files/entradas/towards-green-growth.pdf. 2. UNEP. (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication. Truy cập tại: www.unep.org/greeneconomy 3. WB (2012), Inclusive green growth: The pathway to sustainable development. 4. Ban chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/11/2022 Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 5. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. 6. Dương Hoàng Hương (2017). Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, Khoa Kinh tế phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. 7. Hoàng Xuân Trọng, Nguyễn Hoàng Yến (2017). Du lịch lòng hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Na Hang và một số giải pháp về phát triển du lịch bền vững, Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, ISSN: 1859-0519. 8. Lê Đức Viện (2020). “Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng theo hướng bền vững”. 9. Lê Hoàng Thị Ngân Hà (2021). Phát triển bền vững du lịch Việt Nam thời kỳ Covid- 19, Tạp chí Công thương. 97
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn