Thành lập bản đồ sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên ở khu vực Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai) phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nông - lâm nghiệp bền vững
lượt xem 2
download
Bài viết cung cấp các dẫn liệu mới nhất, cập nhật nhất về việc thành lập bản đồ sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên làm cơ sở cho công tác bảo tồn đa dạng thực vật và phát triển nông - lâm nghiệp bền vững ở khu vực Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai).
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Thành lập bản đồ sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên ở khu vực Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai) phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nông - lâm nghiệp bền vững
- BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM - HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 4 DOI: 10.15625/vap.2020.00058 THÀNH LẬP BẢN ĐỒ SINH KHÍ HẬU THẢM THỰC VẬT TỰ NHIÊN Ở KHU VỰC HOÀNG LIÊN SƠN (TỈNH LÀO CAI) PHỤC VỤ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG - LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG Trương Ngọc Kiểm*, Nguyễn Ngọc Công Tóm tắt: Việc đánh giá các kiểu sinh khí hậu kết hợp với lớp phủ thổ nhưỡng là cơ sở khoa học để xác định vùng phân bố mở rộng của các loài quý hiếm, loài đặc hữu phục vụ bảo tồn chuyển vị trong trường hợp cần thiết và chọn lựa tổ hợp cây nông - lâm nghiệp phù hợp, làm tăng năng suất cây trồng, cải thiện sinh kế, góp phần xoá đói, giảm nghèo; giảm áp lực của người dân đối với rừng ở trên dãy Hoàng Liên Sơn - nơi có mức độ đa dạng sinh học vào bậc nhất Việt Nam hiện nay. Báo cáo cung cấp các dẫn liệu mới nhất, cập nhật nhất về việc thành lập bản đồ sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên làm cơ sở cho công tác bảo tồn đa dạng thực vật và phát triển nông - lâm nghiệp bền vững ở khu vực Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai). Kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai) có 121 khoanh vi sinh khí hậu riêng biệt, có ranh giới khép kín thuộc 14 kiểu sinh khí hậu. Trong đó, loại sinh khí hậu VB4a có số lần lặp lại nhiều nhất (14 lần) và loại sinh khí hậu IIC2b chiếm diện tích lớn nhất. Từ khóa: GIS, sinh khí hậu, thảm thực vật, viễn thám, Hoàng Liên Sơn. 1. MỞ ĐẦU Sự tồn tại và phát triển của thảm thực vật phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, trong đó khí hậu có ảnh hưởng sâu sắc, đôi khi mang tính quyết định. Đối với hệ sinh thái nhạy cảm và chịu nhiều tác động như ở khu vực Hoàng Liên Sơn thì muốn bảo tồn đa dạng thực vật và phát triển nông - lâm nghiệp bền vững phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái mà trước hết là tính thống nhất, mối tương quan qua lại giữa các thành phần của hệ sinh thái từ đó đánh giá khả năng duy trì, phục hồi, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên. Việc phân vùng sinh khí hậu dựa trên sự biến thiên các nhân tố chủ đạo của khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, độ dài mùa khô, độ dài mùa lạnh) là cơ sở phân tích mức độ thích hợp của từng loại khí hậu đối với từng loại cây phục vụ bảo tồn các loài quý hiếm, các loài đặc hữu và chọn được tổ hợp cây nông - lâm nghiệp phù hợp, làm tăng năng suất, nâng cao sinh kế, góp phần xoá đói, giảm nghèo, giảm áp lực của người dân tới rừng ở dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai) nơi có mức độ đa dạng sinh học vào bậc nhất của Việt Nam hiện nay. 2. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu: các yếu tố khí hậu ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của thảm thực vật tự nhiên bao gồm: nhiệt độ trung bình năm/tháng, nhiệt độ tối Trường Đạ i họ c Khoa họ c Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội *Email: kiemtn@vnu.edu.vn
- PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 465 cao/tối thấp, bức xạ nhiệt, cường độ ánh sáng, lượng mưa trung bình năm/tháng, độ ẩm, độ dài mùa khô/mùa lạnh, tốc độ và hướng gió, các hiện tượng thời tiết cực đoan,... 2.2. Khu vực nghiên cứu: dãy núi Hoàng Liên Sơn thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. 2.3. Phương pháp nghiên cứu - Kế thừa số liệu đo đạc của các trạm khí tượng thuỷ văn (KTTV) ở khu vực nghiên cứu và vùng phụ cận từ 1960 đến 2018 cùng các báo cáo và cơ sở dữ liệu của các cơ quan như Trung tâm KTTV quốc gia (1989), Trạm khí tượng Lào Cai, Đài KTTV Việt Bắc (2007) và các tác giả như Nguyễn Khanh Vân và cộng sự (1999, 2000), Nguyễn An Thịnh (2008), Trương Ngọc Kiểm và cộng sự (2017). - Quy trình điều tra, nghiên cứu thực địa áp dụng theo phương pháp được Nguyễn Nghĩa Thìn (2007) giới thiệu trong “Các phương pháp nghiên cứu thực vật” gồm các bước: xác định tuyến/điểm nghiên cứu, khảo sát các quần xã thực vật chính... - Lập 5 điểm đo trực tiếp các chỉ tiêu sinh khí hậu trong các đợt thực địa từ 2010 đến 2015 tương ứng với các đai độ cao bằng các thiết bị gồm: Máy Extech 45158 đo cường độ gió, máy đo vi khí hậu đa chỉ tiêu Lutron LM8000, la bàn để xác định hướng gió. Các nhân tố khí hậu được quan trắc trực tiếp bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm của đất, tốc độ gió, hướng gió, cường độ ánh sáng. - Sử dụng phần mềm thống kê SPSS để phân tích cơ sở dữ liệu khí hậu, phân thành các cấp độ phản ánh được đặc điểm phân hóa khí hậu khu vực nghiên cứu; mô tả các đặc trưng khí hậu bao gồm cả các giá trị khí hậu và các hiện tượng thời tiết đặc biệt. - Ứng dụng GIS và viễn thám để thành lập bản đồ theo quy trình ở Hình 1 với tư liệu là ảnh Landsat 7, ảnh Sport, các bản đồ giấy: địa hình, hành chính hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng rừng và các phần mềm: MAPINFO 11.0 (Vector hóa), PCI 4.0 (Nắn chỉnh hình học, nắn chỉnh phổ, phân loại và chỉnh sửa kết quả), ARC- GIS 10.0. Hình 1. Sơ đồ tóm tắt phương pháp thành lập bản đồ
- 466 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Hệ thống hoá các chỉ tiêu sinh khí hậu khu vực dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai) Hiện tượng giảm nhiệt độ theo độ cao quyết định sự phân bố nhiệt vùng núi, thể hiện trong các đặc trưng như: nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất hoặc tháng lạnh nhất, tổng nhiệt độ và nhiệt độ trung bình năm. Chế độ khí hậu phân hóa theo lãnh thổ, mỗi kiểu hình thành trên cơ sở của một điều kiện nhiệt ẩm cụ thể, quyết định sự phát sinh và tồn tại một kiểu thảm thực vật nhất định. Ở vùng nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh lượng mưa và nhiệt độ không khí phân hóa theo mùa. Đối với thảm thực vật tự nhiên, mùa lạnh hoặc mùa khô là thời kỳ hạn chế sự sinh trưởng và phát triển. Việc phân hạng các yếu tố khí hậu chính dựa trên đặc điểm sinh thái của các thảm thực vật tự nhiên. Bảng 1. Hệ thống chỉ tiêu sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên khu vực Hoàng Liên Sơn Ghi chú: (số) chỉ số lần lặp lại của kiểu sinh khí hậu tại khu vực nghiên cứu - Nhiệt độ trung bình năm: phản ánh rõ rệt sự phân hóa nhiệt độ và đặc điểm thảm thực vật tự nhiên theo các đai độ cao, được phân chia thành 5 cấp: (I) Ấm nóng: trên 22 o C, ứng với đai dưới 700 m; (II) Mát: từ 16 - 22 oC, ứng với đai 700 – 1.700 m; (III) Lạnh: từ 12 - 16 oC, ứng với đai 1.700 – 2.200 m; (IV) Rất lạnh: từ 10 – 12 oC, ứng với đai 2.200 – 2.800 m; (V) Rét: dưới 10 oC ứng với đai trên 2.800 m. - Tổng lượng mưa năm: phản ánh chung nhất điều kiện ẩm. Trên cơ sở phân tích quan hệ giữa lượng mưa và đặc điểm các kiểu thảm thực vật tự nhiên ở khu vực nghiên cứu để chia tổng lượng mưa năm thành 4 cấp: (A) Mưa rất nhiều: trên 2.500 mm/năm; (B) Mưa nhiều: từ trên 2.000 - 2.500 mm/năm; (C) Mưa trung bình: từ trên 1.500 - 2.000 mm/năm ; (D) Mưa ít: dưới 1.500 mm/năm.
- PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 467 - Độ dài mùa lạnh: chia theo số tháng lạnh (nhiệt độ trung bình dưới 18 oC - nhiệt độ của vùng ôn đới ấm) trong năm, gồm 4 cấp: (1) Mùa lạnh ngắn: dưới 3 tháng; (2) Mùa lạnh trung bình: từ 3 đến dưới 5 tháng; (3) Mùa lạnh dài: từ 5 đến dưới 7 tháng; (4) Mùa lạnh rất dài: trên 7 tháng. - Độ dài mùa khô: được phân chia căn cứ vào số tháng khô (lượng mưa trung bình dưới 50 mm) trong năm gồm 3 cấp: (a) Mùa khô ngắn: 1 - 2 tháng; (b) Mùa khô trung bình: 3 - 4 tháng; (c) Mùa khô dài: 5 - 6 tháng. Trên cơ sở phân hạng các yếu tố chính, thành lập bảng hệ thống chỉ tiêu sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên của khu vực dãy Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai) (Bảng 1). 3.2. Thành lập bản đồ sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên khu vực dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai) Bản đồ sinh khí hậu khu vực nghiên cứu được thành lập làm cơ sở cho việc bảo tồn đa dạng thực vật và phát triển nông - lâm nghiệp bền vững (Hình 2). Kết quả cho thấy khu vực nghiên cứu có 121 khoanh vi sinh khí hậu riêng biệt, có ranh giới khép kín thuộc 14 kiểu sinh khí hậu, mỗi kiểu bắt gặp từ một đến nhiều lần. Trong đó, loại sinh khí hậu VB4a lặp lại nhiều nhất (14 lần) và loại IIC2b chiếm diện tích lớn nhất. Kiểu sinh khí hậu IB1a: diện tích 5.704,3 ha ở ven sông Hồng thuộc huyện Bát Xát, một phần của TP. Lào Cai; thuộc đai dưới 700 m, nền nhiệt cao, trung bình năm trên 22 oC, mùa lạnh dưới 3 tháng, lượng mưa trung bình từ 2.000 - 2.500 mm/năm, mùa khô dưới 2 tháng. Thảm thực vật tự nhiên ở kiểu sinh khí hậu này trảng cây bụi và trảng cỏ nhiệt đới với đặc trưng là các loài thực vật ưa sáng như Osbeckia stellata, Oxyspora paniculata, Eupatorium coelestinum, Polygonum chinense... Ở khu vực ven sông Hồng thuộc huyện Bát Xát tồn tại một diện tích tương đối rộng Trảng chuối (Musa spp.). Kiểu sinh khí hậu IC1b: diện tích 109.663,5 ha ở đai dưới 700 m thuộc Tp. Lào Cai, huyện Bảo Thắng và Văn Bàn, nhiệt độ trung bình năm trên 22 oC, mùa lạnh dưới 3 tháng, lượng mưa trung bình dưới 2.000 mm/năm, mùa khô dưới 2 tháng. Thảm thực vật tự nhiên là trạng thái thứ sinh của rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa trên núi thấp (hậu quả của phá rừng lâu dài); trảng cây bụi chủ yếu cây lá rộng thường xanh trên đất địa đới có hoặc không có cây gỗ mọc rải rác và trảng cỏ. Các loài thường gặp là Artemisia vulgaris, Desmodium sequax, Chomolaena odorata, Conyza canadensis,... Cây gỗ mọc rải rác: Betula alnoides, Alnus nepalensis, Mallotus nepalensis, Litsea cubeba; các loài thân thảo như Microstegium sp., Miscanthus floridulus… Kiểu sinh khí hậu IIA2a: diện tích 2.756,7 ha thuộc đai 700 - 1.700 m ở Pa Cheo, Nậm Pung (Bát Xát) và Tả Giàng Phình (Sa Pa); khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm 16 - 22 oC, mùa lạnh 3 - 5 tháng, lượng mưa trên 2.500 mm/năm, mùa khô dưới 2 tháng. Kiểu thảm thực vật đặc trưng gồm rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa trên núi thấp cây lá rộng; rừng tre, trảng cây bụi và trảng cỏ trên dông núi. Loài đặc trưng: Trẩu (Vernicia montana), Thôi chanh (Alangium spp.), Bồ đề (Styrax spp.), Bời lời (Litsea spp.), Linh (Eurya spp.)... Nhiều loài tre mọc thành rừng như Tre lịm (Melocalamus compactiflorus), Trúc cần câu (Bambusa multiplex), Nứa (Neohouzeanua dulloa) ...
- 468 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM Hình 2. Bản đồ sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên khu vực Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) Kiểu sinh khí hậu IIB2a: diện tích 73.255,9 ha thuộc đai 700 - 1.700 m ở huyện Bát Xát, Sa Pa, một phần của Tp. Lào Cai; nền nhiệt mát mẻ, trung bình năm 16-22 oC, mùa lạnh kéo dài 3 - 5 tháng, lượng mưa từ 2.000 - 2.500 mm/năm, mùa khô dưới 2 tháng. Đây là điều kiện rừng phát triển nhưng bị tàn phá để trồng thảo quả nên còn trạng thái thứ sinh của rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa trên núi thấp, rừng tre, trảng cây bụi và trảng
- PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 469 cỏ. Các họ có nhiều loài cây gỗ là Dẻ (Fagaceae), Sau sau (Hamamelidaceae), Long não (Lauraceae), Ngọc lan (Magnoliaceae), Hồng xiêm (Sapotaceae), Hoa hồng (Rosaceae) và Chè (Theacaeae). Một số loài đặc trưng: Sòi tía (Triadica cochinchinensis), Vối thuốc (Schima wallichii), Bồ đề trắng (Styrax tonkinensis),… Kiểu sinh khí hậu IIC2b: diện tích 90.427,5 ha thuộc đai 700 - 1.700 m trên địa bàn huyện Văn Bàn, Sa Pa, một phần của Tp. Lào Cai và Bát Xát nền nhiệt mát mẻ, trung bình năm 16 - 22 oC, mùa lạnh 3 - 5 tháng, lượng mưa từ 1.500 - 2000 mm/năm, mùa khô từ 2 đến 4 tháng. Các kiểu thảm thực vật phân bố: rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa trên núi thấp cây lá rộng hoặc hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim, rừng tre, trảng cây bụi và trảng cỏ nhiệt đới. Trong đó, Văn Bàn - nơi duy nhất của dãy Hoàng Liên Sơn còn tồn tại kiểu rừng nhiệt đới thường xanh thuộc vành đai chân núi đồng thời trên các đỉnh giông, triền dốc cao nơi có điều kiện khô hơn, đôi khi Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus) là tạo tán ưu thế duy nhất để hình thành quần hệ cây lá kim. Kiểu sinh khí hậu IIE2c: diện tích 3.468,8 ha thuộc khu vực Nậm Sài, Bản Hồ (huyện Sa Pa) ở đai 700 - 1.700 m, nhiệt độ trung bình năm 16 - 22 oC, mùa lạnh kéo dài từ 3 - 5 tháng, lượng mưa thấp, trung bình dưới 1.500 mm/năm, mùa khô dài trên 5 tháng. Các kiểu thảm thực vật phát triển trong điều kiện sinh khí hậu này là trảng cây bụi (diễn thế rừng sau nương rẫy, hoang hoá); trảng cỏ dạng lúa cao chịu hạn, có cây bụi và cây gỗ; hệ trảng cỏ dạng lúa cao chịu hạn, có cây bụi, không có cây gỗ. Một số loài phổ biến ở đây là Thysanoleana maxima, Microstegium sp., Miscanthus floridulus, cùng với các cây bụi như Hydrangea spp., Viburnum sp., Rubus sp., Buddleia spp., ... Kiểu sinh khí hậu IIIA3a: diện tích 13.394,3 ha thuộc đai 1.700 - 2.200 m ở huyện Sa Pa, một phần huyện Bát Xát, nền nhiệt hơi lạnh, trung bình năm 12 - 16 oC, mùa lạnh dài 5 - 7 tháng, lượng mưa trung bình năm trên 2.500 mm/năm, mùa khô dưới 2 tháng. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các thảm thực vật thường xanh, nổi bật là rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa trên núi trung bình cây lá rộng. Kiểu rừng này còn tương đối tốt ở Hoàng Liên Sơn với các loài cây gỗ đặc trưng thuộc các họ: Côm (Elaeocarpaceae), Sau sau (Hamamelidaceae), Dẻ (Fagaceae), Hồi (Illiciaceae), Chè (Theaceae), Thích (Aceraceae), Hoa hồng (Rosaceae), Đỗ quyên (Rhododendron), … Kiểu sinh khí hậu IIIB3a: diện tích 25.944,8 ha thuộc đai 1.700 - 2.200 m ở huyện Bát Xát, một phần Sa Pa, nhiệt độ trung bình năm 12 - 16 oC, mùa lạnh dài 5 - 7 tháng, lượng mưa 2.000 - 2.500 mm/năm, mùa khô dưới 2 tháng. Rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa trên núi trung bình, trảng trúc, trảng cây bụi và các trảng cỏ á nhiệt đới là các kiểu thảm phát triển. Trong đó, cây lá kim mọc xen không phải là các loài ưu thế. Các loài đặc trưng là Dạ hợp cát cát (Alcimandra cathcarthii), Hồ mộc tây tạng (Huodendron tibeticum), Thích (Acer spp.), các loài thuộc họ Đỗ Quyên (Ericaceae) như Rhododendron tanastylum, R. arboreum, Côm (Elaeocarpus spp.), Hồi (Illicium spp.), Trèn (Ternstroemia spp.), Hồng quang (Rhodoleia championii), Giổi (Michelia spp.)… Kiểu sinh khí hậu IIIC3b: diện tích 31.298,6 ha trên địa bàn huyện Văn Bàn và một phần huyện Sa Pa ở đai 1.700 - 2.200 m. Đây là khu vực có nền nhiệt hơi lạnh, trung bình năm từ 12 - 16 oC, mùa lạnh kéo dài từ 5 - 7 tháng, lượng mưa ở mức trung bình, trung bình năm từ 1.500 - 2.000 mm/năm, mùa khô trung bình từ 2 đến 4 tháng. Các kiểu thảm
- 470 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM thực vật của kiểu sinh khí hậu này gồm: rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa trên núi trung bình cây lá rộng hoặc hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim, trảng trúc, trảng cây bụi và các trảng cỏ á nhiệt đới. Ở khu vực Hoàng Liên - Văn Bàn, ưu thế vẫn thuộc về các cây lá rộng nhưng có sự gia tăng các loại cây lá kim ở các đỉnh và giông núi. Loại cây chiếm ưu thế không phải là thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus) mà là Pơ mu (Fokienia hodginsii). Dọc theo những đỉnh giông hẹp, dốc và tương đối khô, Pơ mu trở thành loài tạo tán đơn ưu thế tạo nên quần hệ rừng lá kim. Kiểu sinh khí hậu IVA4a: diện tích 968,1 ha ở đai 2.200 - 2.800 m trên địa bàn huyện Sa Pa với nền nhiệt rất lạnh, trung bình năm từ 10 - 12 oC, mùa lạnh rất dài, trung bình kéo dài trên 7 tháng, lượng mưa cao, trung bình trên 2.500 mm/năm, có thể lên tới 3.500 mm/năm, thường xuyên có mưa phùn và sương mù, mùa khô ngắn dưới 2 tháng (đôi khi không có mùa khô trong năm). Với kiểu sinh khí hậu này thì thảm thực vật tự nhiên ở đây là rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa ở núi trung bình; rừng nhiệt đới thường xanh tương đối ẩm ở núi cao (cận alpin), trảng cây bụi chủ yếu cây lá rộng thường xanh, trảng cỏ dạng lúa trung bình. Trong đó, trảng cỏ dạng lúa trung bình phân bố ở trên các giông núi vùng cận đỉnh là kiểu thảm thực vật đặc trưng của khu vực Hoàng Liên - Sa Pa; Trúc bụi (Sinarundinaria petelotii), Trúc đũa (Bashania fansipanensis) và Cói (Cyperaceae, chi Carex) mọc xen kẽ với các loài cây gỗ thuộc họ Đỗ quyên (Ericaceae), Hồi (Illiciaceae), Dung (Symplocaceae). Kiểu sinh khí hậu IVB4a: diện tích 5.551,0 ha thuộc đai 2200-2800 m, trên địa bàn huyện Bát Xát, nhiệt độ trung bình năm 10 - 12 oC, mùa lạnh kéo dài trên 7 tháng, lượng mưa trung bình từ 2.000 - 2.500 mm/năm, mùa khô ngắn dưới 2 tháng. Trong điều kiện khí hậu này cộng với núi cao, đi lại khó khăn nên nhiều cánh rừng vẫn được bảo vệ gần như nguyên sinh đặc biệt ở những khe núi dốc. Các kiểu thảm thực vật bao gồm: rừng nhiệt đới thường xanh tương đối ẩm núi cao cây lá rộng, rừng nhiệt đới thường xanh tương đối ẩm núi cao hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim, trảng trúc, trảng cây bụi, trảng cỏ á nhiệt đới chịu hạn. Đặc trưng là Thích (Acer spp.), các loài Đỗ quyên (Ericaceae), Hồi (Illicium spp.), Dẻ (Fagaceae), Chè (Theaceae) và các đại diện của họ Hoa hồng (Rosaceae). Ở các kiểu trảng có thể gặp Guột xanh (Pteridium aquilinum), Vối thuốc (Schima wallichii), Thảo quả (Amomum aromaticum). Các nhóm thực vật phụ sinh như rêu, địa y cũng phổ biến. Các loài thân leo bò như Rubus sp., Smilax sp. Vaccinium sp. thường phủ kín những mỏm đá trồi lên và các vách đá. Kiểu sinh khí hậu IVC4b: diện tích 3.094,3 ha thuộc đai 2.200 - 2.800 m, ở huyện Văn Bàn với nhiệt độ trung bình năm 10 - 12 oC, mùa lạnh dài trên 7 tháng, lượng mưa trung bình từ 1.500 - 2.000 mm/năm, mùa khô từ 2 - 4 tháng. Các kiểu thảm thực vật phát triển là rừng nhiệt đới thường xanh tương đối ẩm núi cao cây lá rộng, rừng nhiệt đới thường xanh tương đối ẩm núi cao hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim, trảng trúc, trảng cây bụi, trảng cỏ á nhiệt đới chịu hạn. Rừng còn được bảo vệ tốt với độ cao trung bình của tầng tán 15 - 20 m, cây cao nhất có thể lên tới 30 m trong đó, còn một lượng tương đối lớn Pơ mu (Fokienia hodginsii) nên cần gia tăng bảo vệ tránh bị lâm tặc xâm phạm. Kiểu sinh khí hậu VA4a: diện tích 118,1 ha thuộc đai trên 2.800 m ở huyện Sa Pa với kiểu khí hậu rét, nền nhiệt thấp, trung bình năm dưới 10 oC, mùa lạnh dài kéo dài trên
- PHẦN I. NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG SINH HỌC 471 7 tháng, lượng mưa trung bình năm trên 2.500 mm (có thể lên tới 3.500 mm/năm), bầu trời thường xuyên bao phủ bởi sương mù, mưa phùn, độ ẩm trung bình luôn trên 90%, hầu như không có mùa khô. Thảm thực vật chuyển từ dạng á nhiệt đới núi thấp tầng trên sang dạng á nhiệt đới núi vừa tầng dưới và có bản chất gần giống với thực vật ôn đới (ở vĩ độ cao). Thảm thực vật mang tính chất nguyên sinh nhất trong số các thảm thực vật ở khu vực Hoàng Liên Sơn, kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim còn khá nguyên vẹn. Trong đó, kiểu rừng lùn (Elffin) là một dạng đặc biệt với tán rừng thấp, cây cong queo và sần sùi, nhiều loài phụ sinh (rêu, địa y). Các loài đặc trưng thuộc chi Đỗ quyên (Rhododendron) và các loài thuộc chi ôn đới như Enkianthus, Sorbus, Acer và các loài trúc như Trúc phan si păng (Chimonobambusa fansipanensis), Trúc đũa (Bashania fansipanensis), Trúc tăm (Borinda fansipanensis)... Kiểu sinh khí hậu VB4a: diện tích 209,0 ha của đai trên 2.800 m ở huyện Bát Xát, Văn Bàn (giáp Sa Pa), nhiệt độ trung bình năm dưới 10 oC, mùa lạnh kéo dài trên 7 tháng, lượng mưa trung bình năm từ 2.000 - 2.500 mm, mùa khô dưới 2 tháng. Kiểu thảm thực vật phát triển gồm: rừng nhiệt đới thường xanh tương đối ẩm núi cao cây lá rộng, rừng nhiệt đới thường xanh tương đối ẩm núi cao hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim, trảng trúc, trảng cây bụi, trảng cỏ á nhiệt đới chịu hạn trên đường đỉnh. Đây là những kiểu thảm thực vật được hình thành trong những điều kiện đặc biệt của địa hình, khí hậu. Các loài thực vật đặc trưng là các loài thuộc họ Đỗ quyên (Ericaceae), Kiết (Carex sp.), Hồi (Illicium sp.), Dung (Symplocos spp.), Bùi (Ilex spp.), Linh (Eurya spp.), Thiết sam (Tsuga dumosa), Vót lá tim (Viburnum cordifolium),… Như vậy, mỗi kiểu sinh khí hậu đều có những đặc trưng riêng, thích ứng cho từng nhóm cây nông - lâm nghiệp và thảm thực vật tự nhiên khác nhau. Vì thế, trên cơ sở phân vùng sinh khí hậu và phân hoá thổ nhưỡng theo các độ cao địa hình ở khu vực Hoàng Liên Sơn, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có thể sử dụng cho mục đích quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp bền vững hoặc xác định vùng phân bố mở rộng, khoanh nuôi bảo vệ (bảo tồn ngoại vi, bảo tồn chuyển vị) các nhóm cây quý hiếm, các loài bị đe doạ, các loài có giá trị kinh tế cao trong trường hợp cần thiết... nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển đa dạng thực vật ở khu vực Hoàng Liên Sơn - một trong những trung tâm đa dạng vào bậc nhất của Việt Nam cũng như Đông Nam Á. 4. KẾT LUẬN Trên cơ sở hệ thống hoá các chỉ tiêu sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên ở khu vực dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai), bản đồ phân vùng sinh khí hậu khu vực nghiên cứu đã được thành lập làm cơ sở cho việc xác định vùng phân bố mở rộng của các loài đặc hữu, các loài quý hiếm phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học cũng như quy hoạch nông lâm nghiệp bền vững. Khu vực Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai) có 121 khoanh vi sinh khí hậu riêng biệt, có ranh giới khép kín thuộc 14 kiểu sinh khí hậu. Trong đó, loại sinh khí hậu VB4a có số lần lặp lại nhiều nhất (14 lần) và loại sinh khí hậu IIC2b chiếm diện tích lớn nhất. Lời cảm ơn: Trân trọng tri ân GS. Nguyễn Nghĩa Thìn, PGS. Nguyễn An Thịnh, ThS. Phạm Hữu Hiếu, NCS. Phạm Xuân Cảnh đã hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình phân tích xử lý số liệu khí tượng thuỷ văn và thành lập bản đồ.
- 472 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM TÀI LIỆU THAM KHẢO Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007. Các phương pháp nghiên cứu thực vật. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 171 trang. Nguyễn An Thịnh, 2008. Phân tích cấu trúc sinh thái cảnh quan phục vụ phát triển nông - lâm - du lịch huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Luận án tiến sĩ địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Quốc Trị, Vũ Anh Tài, Nguyễn Nghĩa Thìn, 2008. Kết quả nghiên cứu đa dạng hệ thực vật Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2/2008, tr. 91 - 94. Trạm khí tượng Lào Cai, Đài KTTV Việt Bắc, 2007. Số liệu KTTV tỉnh Lào Cai. Tài liệu nội bộ, Lào Cai. Trung tâm KTTV Quốc gia (1989). Số liệu khí tượng thuỷ văn, tập 1, Hà Nội. Trần Anh Tuấn, Trương Ngọc Kiểm, 2017. Đánh giá tiềm năng tài nguyên khí hậu khu vực Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai) phục vụ quy hoạch phát triển cây Tam thất (Panax pseudo- ginseng Wall.). Tạp chí Khoa học tự nhiên và công nghệ, số 2S, tập 33, tr.288-294 Nguyễn Khanh Vân, Nguyễn Thị Hiền, 1999. Các phương pháp phân loại sinh khí hậu hiện có ở Việt Nam, Tạp chí các Khoa học về Trái Đất, số 2, 3/1999, tr.70-79. Nguyễn Khanh Vân (chủ biên), 2000. Các biểu đồ sinh khí hậu Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 126 trang. DEVELOPING BIO-CLIMATE MAP AT HOANG LIEN MOUNTAIN RANGE (LAO CAI PROVINCE) FOR BIODIVERSITY CONSERVATION AND SUSTAINABLE AGRO-FORSTRY DEVELOPMENT Truong Ngoc Kiem*, Nguyen Ngoc Cong Abstract: The assessment of bio-climate and soil characteristics provide scientific basis to determine the expanded distribution of rare species, endemic species, high economic value species for displacement conservation in necessary cases. In addition, these assessments also help select appropriate agro-forestry plant combinations in the Hoang Lien mountain range, increase crop productivity, improve livelihoods, contribute to hunger eradication and poverty alleviation, and reduce human pressure on forests in places which have the highest level of biodiversity in Vietnam. This report provides updated databases to develop a bio-climate map of natural vegetation for biodiversity conservation and sustainable agro-forestry development Hoang Lien mountain range (Lao Cai province). The research area has 121 specific zones of microclimate belonging to 14 climate types. In particular, the VB4a type has the greatest number of repetitions (14 times) and the IIC2b type occupies the largest arceage. Keywords: Bio-climate, GIS, remote sensing, vegetation, Hoang Lien mountain range. University of Science, Vietnam National University, Hanoi *Email: kiemtn@vnu.edu.vn
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
ỨNG DỤNG CỦA CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG Y DƯỢC
103 p | 289 | 56
-
Giáo trình di truyền học và vi sinh vật ứng dụng part 8
23 p | 168 | 26
-
Phân tích bộ bốn và lập bản đồ ở vi nấm
10 p | 197 | 24
-
Ứng dụng công nghệ GIS thành lập bản đồ phân chia lưu vực sông phục vụ cho việc cảnh báo nguy cơ lũ quét ở tỉnh Gia Lai - Nguyễn Thám
6 p | 138 | 18
-
Xác định tải lượng phát thải các khí gây mùi từ bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt của thành phố Hồ Chí Minh
10 p | 115 | 7
-
Tích hợp GIS và phân tích đa chỉ tiêu (MCA) thành lập bản đồ thoái hóa đất tiềm năng tỉnh Lâm Đồng
10 p | 34 | 5
-
Đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu gây ra ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Bình
10 p | 53 | 5
-
Thành lập bản đồ hệ sinh thái đất ngập nước tỷ lệ 1:100.000 Đồng Tháp Mười trên cơ sở tiếp cận cảnh quan
7 p | 32 | 3
-
Các phương án giảm thiểu sự phát sinh và phát thải khí bãi chôn lấp
7 p | 25 | 2
-
Ứng dụng dữ liệu đa phổ Sentinel-2 trong thành lập bản đồ sinh vật đáy khu vực quần đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
12 p | 6 | 2
-
Ứng dụng GIS thành lập bản đồ nhạy cảm tài nguyên sinh học vùng ven biển tỉnh Trà Vinh
4 p | 20 | 2
-
Thành lập bản đồ sinh khí hậu du lịch tỉnh Bình Định
15 p | 88 | 2
-
Thành lập bản đồ sinh khí hậu tỉnh Đồng Nai, tỉ lệ 1:100.000
7 p | 62 | 2
-
Tác động ô nhiễm không khí tiềm tàng từ những bãi chôn lấp rác thải tạm thời tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
6 p | 2 | 2
-
Phân tích các nhân tố cảnh quan – cơ sở phân loại và đánh giá cảnh quan tỉnh Vĩnh Phúc
8 p | 86 | 1
-
Xây dựng bản đồ sinh khí hậu tỉnh Thanh Hóa
8 p | 60 | 1
-
Ảnh hưởng của một số yếu tố đến khả năng sinh khí hydro của chủng vi khuẩn Clostridium sp. Tr2 trong điều kiện lên men vi hiếu khí với nguồn cơ chất rỉ đường
7 p | 81 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn