Thị trường lao động Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập AEC 2015
lượt xem 1
download
Bài viết "Thị trường lao động Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập AEC 2015" tập trung phân tích cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam trước bối cảnh hội nhập của đất nước. Từ đó, đề bạt khuyến nghị và giải pháp nhằm tạo lập sự phát triển bền vững cho thị trường lao động trong thời gian tới. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Thị trường lao động Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập AEC 2015
- THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM TRƯỚC NGƯỠNG CỬA HỘI NHẬP AEC 2015 TS. Nguyễn Vân Hà Học viện Ngân hàng Tóm tắt Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến thành lập vào cuối năm 2015 là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Tác giả đã đưa ra các khái niệm và đặc trưng cơ bản về “thị trường lao động”, giới thiệu về những mốc lịch sử quan trọng, mục đích hoạt động của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong bối cảnh được coi là thời điểm vàng đối với dân số, liệu nguồn nhân lực Việt Nam đã sẵn sàng khi hòa nhập AEC 2015 hay chưa? Những yếu tố nào đã ngăn cản, thậm chí làm giảm đi mức độ sẵn sàng này? Không chỉ trả lời những câu hỏi đó, bài viết tập trung phân tích cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam trước bối cảnh hội nhập của đất nước. Từ đó, đề bạt khuyến nghị và giải pháp nhằm tạo lập sự phát triển bền vững cho thị trường lao động trong thời gian tới. Từ khóa: thị trường lao động, AEC, chất lượng nguồn nhân lực, rào cản ngôn ngữ. Abstract: Establishing ASEAN Economic Community (AEC) by the end of 2015 marks an important milestone on comprehensive integration of the South East Asia economy. The author gives the definition and basic characteristics of the "labour market", introduce significant periods and objectives of this community. In the golden time for population in Vietnam, whether human resources are ready to integrate into AEC in 2015 or not? What are the main factors to prevent even reduce this standard of readiness? The paper does not only answer these questions but also focuse on analyzing opportunities and challenges for Vietnam labour in the context of national integration. Therefore, the author gives recommendations and solutions to institute sustainable development for labour market in the future. Key words: labour market, AEC, quality of human resources, language barrier. 15
- Mở đầu: Cùng với Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong tầm nhìn ASEAN 2020. AEC sẽ tạo nên một thị trường đơn nhất với thuế suất được cắt giảm dần về 0% gần như với tất cả các mặt hàng. AEC cũng nhằm khai thác tối đa các ưu đãi thương mại từ các đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN và với mỗi nước thành viên như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand... Mục tiêu rõ ràng của kế hoạch này chính là bảo đảm ASEAN mang tính cạnh tranh cao, đủ khả năng tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu và hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với lao động Việt Nam cũng như công tác đào tạo nghề hiện nay. Bài viết sẽ phân tích những tác động của việc hội nhập AEC 2015 tới thị trường lao động Việt Nam. 1. Khái niệm và đặc trưng hoạt động của thị trường lao động 1.1 Khái niệm “thị trường lao động” Hiện nay, khái niệm về thị trường lao động rất đa dạng, mỗi thị trường lao động lại được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau. Theo Adam Smith, thị trường lao động là không gian trao đổi dịch vụ lao động (hàng hóa sức lao động) giữa một bên là người mua sức lao động (chủ sử dụng lao động) và người bán sức lao động (người lao động). Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) : “Thị trường lao động là thị trường trong đó có các dịch vụ lao động được mua và bán thông qua quá trình để xác định mức độ có việc làm của lao động,cũng như mức độ tiền công”. Khái niệm này nhấn mạnh đến các dịch vụ lao động được xác định thông qua việc làm được trả công. Theo Tìm hiểu một số khái niệm trong văn kiện Đại hội IX của Đảng, thị trường lao động là: "Thị trường mua bán các dịch vụ của người lao động, về thực chất là mua bán sức lao động, trong một phạm vi nhất định. Ở nước ta, hàng hóa sức lao động được sử dụng trong các doanh nghiệp tư bản tư nhân, các doanh nghiệp tư bản nhà nước, các doanh nghiệp tiểu chủ, và trong các hộ gia đình neo đơn thuê mướn, người làm dịch vụ trong nhà. Trong các trường hợp đó có người đi thuê, có người làm thuê, có giá cả sức lao động dưới hình thức tiền lương, tiền công" Khái niệm thị trường lao động mà nhà khoa học kinh tế Nga Kostin Leonit Alecxeevich đưa ra tương đối đầy đủ và chính xác: “Thị trường lao động - đó là một cơ chế hoạt động tương hỗ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong một không gian kinh tế xác định, thể hiện những quan hệ kinh tế và pháp lý giữa họ với nhau”. Hay nói chi tiết hơn, thị trường lao động là tập hợp những quan hệ kinh tế, pháp lý, xuất hiện giữa người sở hữu sức lao động (người lao động) và người sử 16
- dụng nó (người thuê lao động) về vấn đề chỗ làm việc cụ thể, nơi và hàng hóa và dịch vụ sẽ được làm ra. 1.2 Đặc trưng hoạt động của thị trường lao động Hoạt động của thị trường lao động có nhiều đặc biệt, gắn với tính chất và những đặc thù của quá trình tái sản xuất sức lao động. - Không tách rời quyền sở hữu hàng hóa - sức lao động khỏi chủ sở hữu. Trên thị trường lao động, người mua chỉ có quyền sử dụng và làm chủ từng phần khả năng lao động - sức lao động, mà hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. - Có trách nhiệm phối hợp hành động tương đối dài giữa người bán và người mua nếu so sánh với thị trường hàng hóa, lương thực và thực phẩm. Người lao động, như một cá thể, có thể tự kiểm soát chất lượng công việc của mình với những nỗ lực khác nhau, thể hiện mức độ trung thực khác nhau với công ty đã thuê họ. Người thuê phải tính đến những yếu tố đó để quản lý sản xuất, nghĩa là phải xây dựng một cơ chế đãi ngộ, kích thích, tạo động lực đối với người lao động một cách phù hợp như: điều kiện làm việc, tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi xã hội khác. - Tồn tại số lớn cấu trúc thể chế loại đặc biệt (hệ thống pháp luật phân nhánh, những chương trình kinh tế - xã hội, dịch vụ việc làm các tổ chức công đoàn, liên hiệp hội các nhà doanh nghiệp,...) sinh ra đặc thù quan hệ giữa các chủ thể của thị trường lao động. - Chất lượng lao động ở từng người lao động có khác nhau theo giới tính, tuổi tác, thể lực, trí tuệ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác, động lực làm việc. - Nhiều điểm độc đáo trong trao đổi sức lao động so với trao đổi hàng hóa vật chất. Việc trao đổi hàng hóa vật chất được bắt đầu và kết thúc trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa vật chất. Từ đặc điểm nói trên đưa đến 2 kết quả: thứ nhất, thị trường lao động liên kết xung quanh mình các thị trường khác nhau; thứ hai, tiền công lao động thực tế được thực hiện tương ứng với kết quả cuối cùng, có nghĩa là với giá sản phẩm mà lao động đó làm ra. Điểm này đặt cầu sức lao động phụ thuộc vào cầu hàng hóa và dịch vụ cuối cùng. - Đối với người lao động, vấn đề quan trọng không chỉ là tiền công và tiền lương, mà còn là nội dung và điều kiện lao động, bảo đảm duy trì chỗ làm việc, tương lai công việc và triển vọng thăng tiến trong nghề nghiệp, bầu không khí làm việc trong tập thể và quan hệ giữa người lao động với người thuê lao động …. 2. Cộng đồng kinh tế ASEAN ( AEC ) Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập từ năm 1967, bao gồm 10 nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, hoạt động dựa trên 03 trụ cột chính: an ninh chính trị; kinh tế và văn hóa xã hội. Kinh nghiệm thực tế từ cuộc khủng hoảng tài chính 17
- Đông Á từ năm 1997-1998, cộng thêm sự nổi lên của các nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến các nước ASEAN quyết tâm tạo ra một cộng đồng hợp tác kinh tế mạnh mẽ, gắn kết hơn. Năm 2003, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bali đã quyết định đẩy nhanh quá trình hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (Asean Economic Community - AEC), thay vì thời hạn 2020, các nước quyết định hình thành AEC vào cuối năm 2015. Năm 2007 thông qua Kế hoạch AEC 2007 đặt ra các thời hạn rõ ràng cụ thể cho các nước thành viên ASEAN thực hiện để hình thành AEC, với mục đích hợp nhất các quốc gia thành viên thành một cộng đồng kinh tế chung vào ngày 31/12/2015. Cộng đồng kinh tế là xu hướng liên kết khu vực hiện nay của các nhóm nước ở nhiều khu vực trên thế giới, như Cộng đồng châu Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập… Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập nhằm tạo dựng một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Cộng đồng Kinh tế ASEAN được kỳ vọng là cộng đồng năng động, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hằng năm ước đạt 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Lực lượng lao động này khi được “giải phóng”, được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trước mắt, trong năm 2015 có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. 3. Mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia AEC 2015 Hiện nay, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng với số dân đạt mốc 90 triệu vào năm 2013 và gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm. Có thể nói, đây là thời điểm tốt nhất để nguồn nhân lực Việt Nam có thể tham gia vào thị trường lao động AEC. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều lao động sang các nước ASEAN, đặc biệt sang Malaysia với hàng ngàn chỉ tiêu mỗi năm, thu nhập trung bình 150-200USD/tháng với nhiều loại ngành nghề khác nhau, từ đơn giản như giúp việc gia đình đến làm nghề xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp (Vietcombank, Agribank, Sacombank, Tập đoàn Hoàng Anh Gialai…) Việt Nam đã 18
- mở chi nhánh và hoạt động khá hiệu quả tại Lào, Campuchia cũng cho thấy khả năng hội nhập nhanh chóng của lao động Việt Nam trong ASEAN gắn với dòng di chuyển thương mại, vốn đầu tư, dịch vụ. Thực tiễn cho thấy, thương mại Việt Nam với các nước ASEAN chiếm tỷ trọng đáng kể với khoảng 20% tổng thương mại của tất cả các đối tác. Nhiều đối tác đầu tư trực tiếp quan trọng tại Việt Nam là các nước ASEAN (như Singapore luôn là một trong ba nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam). Một số lượng đáng kể người Việt Nam di chuyển sang các nước ASEAN bằng con đường du lịch và tìm việc làm phi chính thức cũng là dấu hiệu cho thấy, khả năng tiếp cận nhanh chóng với thị trường lao động ASEAN. Hầu hết các danh mục ngành nghề của Việt Nam so với các nước ASEAN tương tự nhau, vì vậy đây là khía cạnh không tạo ra sự khác biệt quá lớn trong đào tạo nghề nghiệp và sự công nhận lẫn nhau. Đến nay, ASEAN cũng đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực trong ASEAN và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ lành nghề của cơ quan chính thức như: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, chứng chỉ giám sát, nhân lực nghề y, nha khoa, kế toán, du lịch. Những dấu hiệu trên cho thấy, tiềm năng đáng kể của lao động Việt Nam trong việc sẵn sàng tham gia cộng đồng ASEAN. Các yếu tố cấu thành thế mạnh và mức độ sẵn sàng của lao động Việt Nam trong tham gia AEC cũng cho thấy có những yếu tố cản trở hoặc làm giảm mức độ sẵn sàng này: Thứ nhất, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore, bằng 1/5 năng suất lao động của Thái Lan và Malaysia. Đó là chưa đề cập đến so sánh với năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, New Zealand mà những đối tác này đã có các hiệp định quan trọng với ASEAN và khả năng mở rộng thị trường lao động sang các nước này là không tránh khỏi. Đây là yếu tố làm giảm khả năng hấp dẫn lao động Việt Nam trước các nhà tuyển dụng nước ngoài, thậm chí là khía cạnh để các nhà tuyển dụng tăng tính khắt khe trong yêu cầu đối với lao động Việt Nam. Thứ hai, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam chưa đồng đều, trong đó tỉ trọng của trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp dưới 50% tổng số lao động cùng với chỉ số phát triển con người (HDI) khá thấp so với các nước ASEAN 6 và không cao hơn đáng kể so với nhóm các nước Campuchia, Lào, Myanmar. Tính đến năm 2013, chỉ số HDI của Việt Nam xếp hạng thứ 121/187 nước trong khi các quốc gia trong khu vực như Malaysia là 62, Thái Lan là 89, Indonesia là 108. Thứ ba, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN chưa cao. Khả năng thích nghi 19
- với môi trường làm việc mới, vấn đề kỹ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cũng cần có sự phân tích và nhận dạng đúng để có giải pháp khắc phục. 4. Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam có những lợi thế nhất định, nhưng đồng thời có những hạn chế, những thách thức không nhỏ. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 47,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 20,8%; khu vực dịch vụ là 32,1%. Chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây (theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài 4.1 Cơ hội Cơ hội có được một thị trường rộng lớn hơn, tạo ra hàng triệu việc làm: ASEAN có tổng GDP trên 2,7 nghìn tỷ USD, tăng trưởng trung bình 5%-6% hàng năm. Dân số trên 600 triệu người, với cơ cấu dân số tương đối trẻ. Thu nhập bình quân đầu người trên 4.500 USD/người/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2012 đạt 110 tỷ USD. Tổng giá trị giao dịch thương mại 2,5 nghìn tỷ USD. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” vừa được công bố, sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong năm tới sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025. Trên quy mô tổng thể, hội nhập kinh tế sẽ giúp tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN và cải thiện đời sống của 600 triệu người dân hiện sinh sống trong khu vực. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sự quản lý hợp lý và quyết liệt để thực thi một cách hiệu quả. Được chính thức thành lập vào cuối năm 2015, AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên của ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực. 20
- Cơ hội nâng cao tiền lương và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Hiện nay tiền lương tối thiểu của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Do đó, chi phí dành cho lao động của các doanh nghiệp thấp hơn các nước trong khu vực. Đây là một lợi thế để Việt Nam thu hút các dòng đầu tư nước ngoài nhờ giá nhân công rẻ, qua đó việc làm gia tăng và có khả năng làm tăng thu nhập cho người lao động. Hơn nữa AEC sẽ là cơ hội để lao động có tay nghề di chuyển đến trung tâm lao động ở các quốc gia khác trong khu vực, với mức thu nhập cao hơn. Các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, vì vậy tiền lương và thu nhập của người lao động có thể được cải thiện. Cơ hội nâng cao chất lượng nguồn cung lao động nhờ vào sự hợp tác về lao động giữa các nước thành viên ASEAN. Trong lộ trình hướng đến Cộng đồng kinh tế ASEAN, các quốc gia trong khu vực đều ý thức được yêu cầu bức thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia cũng như của ASEAN với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, phát triển nguồn lao động có tay nghề, chuyên môn cao là mục tiêu của AEC và nó đã được ghi trong hiến chương ASEAN. Hoạt động hợp tác song phương giữa các quốc gia trong khu vực được chú ý chủ yếu thông qua các chương trình, dự án và với một số đối tác thứ ba. Hiện nay, trong ASEAN, mạng lưới các trường đại học đã được thành lập (gồm 26 trường). Việt Nam có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ tham gia mạng lưới này. Tương lai, hợp tác trong giáo dục đào tạo là lĩnh vực được mở rộng theo xu thế hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhờ đó, cơ hội việc làm cho người lao động được rộng mở. 21
- 4.2 Thách thức Thứ nhất, vấn đề năng suất lao động thấp của người lao động là một trong những thách thức của Việt Nam. Theo báo cáo về năng suất lao động của ILO, năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương APEC, So với các nước trong khu vực ASEAN, năng suất trung bình của người lao động Việt Nam thấp dưới một nửa so với Philippines, 2 người lao động Thái Lan, Malaysia bằng 5 người lao động Việt Nam, 1 người lao động Singapore bằng 15 người lao động Việt Nam. Thêm vào đó, nguy cơ của nền kinh tế chỉ dựa vào lao động giá rẻ và năng suất thấp là rất cao. Bởi vì lao động chất lượng thấp đồng nghĩa với tính kém đa dạng của các loại kỹ năng, khả năng sáng tạo cũng như hiệu quả tổ chức. Với những đặc điểm này, Việt Nam sẽ không phải là một điểm đến hấp dẫn cho những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ hoặc quy mô. Và điều này sẽ là nguyên nhân tách Việt Nam (và các nước đi sau) ra ngày càng xa các nước đã có một nền tảng tốt hơn trong ASEAN (như Malaysia, Thái Lan hoặc Indonesia). Thứ hai, về chất lượng lao động. Chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn thấp, là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2012), lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 83,28% tổng số lao động; lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm tỷ lệ 4,84%; lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 3,61% và lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 8,26%. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo nghề (gồm cả dạy nghề chính quy và thường xuyên, phi chính quy, dạy nghề dưới 3 tháng và dạy nghề tại doanh nghiệp) chiếm khoảng 34% tổng số lao động trong cả nước. Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp 22
- và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Thứ ba, về rào cản ngôn ngữ, trong cộng đồng AEC, các nước như Singapore, Malaysia, Brunei (thuộc địa Anh) hay Philippines (thuộc địa Mỹ) tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, trong khi các quốc gia còn lại như Campuchia, Lào, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, tiếng Anh được sử dụng như tiếng nước ngoài. Sự đa dạng về ngôn ngữ bản địa sẽ là rào cản ngăn cách sự hợp tác, giao tiếp và trao đổi giữa10 nước thành viên AEC. Để xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, các nhà lãnh đạo trong AEC hướng tới việc lựa chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chung. Sự lựa chọn này là hợp lý khi nhìn nhận sự phổ biến của tiếng Anh ở các nước Asean. Ngôn ngữ quốc tế phổ biến này sẽ giúp các nước thành viên đa dạng về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng xích lại gần nhau. Tuy nhiên, ngôn ngữ được sử dụng trong giảng dạy tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay phổ biến là tiếng Việt. Đây là tiếng mẹ đẻ, nhưng đồng thời cũng là ngôn ngữ có tính chất riêng biệt của người Việt, do người Việt sử dụng. Giáo dục đại học Việt Nam sẽ “đơn độc”, hòa nhập khó khăn, không đủ sức cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực AEC. Đây thực sự là rào cản lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình cạnh tranh cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao với các hệ thống giáo dục ở các quốc gia trong khu vực. Thứ tư, hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém và hạn chế, như bị chia cắt giữa các vùng, miền; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người chủ sử dụng lao động và người lao động. Hệ thống chỉ tiêu về thị trường lao động tuy đã ban hành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và khó so sánh quốc tế. Do vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung - cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nguồn nhân lực trong nước. Ngoài ra, còn thiếu mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy và nhất quán, thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác thống kê, phân tích, dự báo. 5. Khuyến nghị Tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào những lợi thế không căn bản (như xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động giá rẻ...) là sự tăng trưởng không bền vững. Khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, công nghệ sản xuất lạc hậu và năng lực tài chính không đủ để đổi mới công nghệ và thiết bị, không có sự chuẩn bị tốt 23
- về nguồn nhân lực có kỹ năng, tất cả các yếu tố trên sẽ trở thành lực cản lớn cho sự phát triển. Việc sử dụng nhân công giá rẻ với năng suất lao động thấp sẽ dẫn đến tình trạng người lao động không có thời gian để đào tạo lại và nâng cao trình độ để đáp ứng được những đòi hỏi mới của công nghệ hiện đại; khi đó, nền kinh tế rơi vào vòng luẩn quẩn, thậm chí có thể suy thoái, mất cân đối trầm trọng về các yếu tố đầu vào có chất lượng cho sản xuất. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng khuyến cáo rằng Việt Nam cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì đây là yếu tố then chốt đưa Việt Nam vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình trong những năm tới. Đầu tư mạnh mẽ cho phát triển lực lượng lao động có kỹ năng thông qua nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cùng với cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chính là chìa khóa để Việt Nam vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” thành công và trở thành nước có thu nhập cao trong thời gian sớm hơn dự báo là năm 2058. Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp và người lao động tích cực hơn trong việc chuẩn bị hội nhập AEC. Đối với doanh nghiệp cần cập nhật chính sách hội nhập, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm. Người lao động để nắm bắt được cơ hội việc làm cần trang bị cho mình vốn tiếng Anh và kỹ năng mềm cần thiết, luôn ý thức học hỏi, cập nhật các kỹ năng mới để duy trì việc làm bền vững. Thứ hai, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của dạy nghề trong chiến lược phát triển nhân lực của đất nước thời kỳ 2011 - 2020. Ưu tiên đầu tư đào tạo nghề trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, ngành. Hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội. Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với trị trường lao động, hướng vào việc đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hình thành các đơn vị quan hệ trường - ngành trong các cơ sở dạy nghề. Doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề như xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề… Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ sở dạy nghề về nhu cầu việc làm và các chế độ cho người lao động; phản hồi cho cơ sở dạy nghề về trình độ của người lao động. Các cơ sở dạy nghề tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp; có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin từ phía doanh nghiệp và thay đổi để thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. 24
- Thứ ba, tăng năng suất lao động thông qua (1) tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề; (2) chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Bởi vậy, Việt Nam cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp. Ưu tiên thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp bao gồm đầu tư vào hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp nhỏ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng đồng thời đa dạng hóa công việc trong các ngành chế tạo mới. Thứ tư, gia nhập AEC sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra nhu cầu mới cho một số ngành nghề trong khi giảm nhu cầu đối với một số ngành nghề khác do vậy việc mở rộng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm thất nghiệp quốc gia sẽ giảm thiểu chi phí của quá trình chuyển dịch cơ cấu và tạo điều kiện cho lao động di chuyển sang các ngành nghề có năng suất cao hơn. Thứ năm, đối với nhà nước cần xác định những ưu tiên chính để giải quyết những cơ hội và thách thức của AEC như: Nâng cao chất lượng việc làm, tăng cường phát triển kỹ năng nghề, nâng cao năng suất và tiền lương, quản lý lao động di cư và các hệ thống phục vụ việc công nhận kỹ năng của lao động các nước, đặc biệt là ở những ngành nghề mà trong đó các lao động với kỹ năng thấp và trung bình chiếm tỷ lệ cao. Thứ sáu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ giúp các cơ Sở Giáo dục và Đào tạo có thể đáp ứng với nhu cầu về kỹ năng hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế, bên cạnh đó phân tích dự báo thông tin thị trường lao động khu vực ASEAN nhằm đánh giá, nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường lao động để có chính sách điều chỉnh phù hợp. Kết luận Dự kiến thành lập vào cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN ( AEC ) được coi là bước tiến mới trong quá trình hội nhập và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước Đông Nam Á. So với Khu vực Thương mại tự do ASEAN ( AFTA ), vốn chỉ dựa trên hai hiệp định tự do về hàng hóa và dịch vụ, AEC có sự phát triển đáng kể về phạm vi và mức độ tự do hóa. Có thể nói, đây là thời điểm vàng để nguồn nhân lực Việt Nam có thể tham gia vào thị trường lao động AEC. Đứng trước yêu cầu hội nhập, Việt Nam có những cơ hội và thách thức nhất định. Tuy nhiên, để tạo ra những thuận lợi nhất khi tham gia AEC thì còn rất nhiều việc phải làm từ phía chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng như chính phủ cần phải có kế hoạch xây dựng, điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh, tình hình mới khi AEC chính thức hình thành. 25
- Tài liệu tham khảo 1. Bùi Hồng Cường (2015), “Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2015: Động thái của các quốc gia ASEAN, hàm ý đối với Việt Nam”, Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. 2. Nguyễn Thị Tâm ( 2015), “Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN”, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội 3. Bùi Văn Danh ( 2015), “AEC và thách thức về nguồn nhân lực Việt Nam”, Vietnam Logistics Review, ISSN: 2357 – 0796 4. Bộ Công thương Việt Nam ( 2015), “AEC: Cơ hội lớn, thách thức nhiều” (Kỳ 1: Việt Nam hướng tới một thị trường chung AEC ), (Kỳ 2: Mở cửa thận trọng và có lộ trình). 5. Nguyễn Thường Lạng & Trần Đức Thắng ( 2015), “Đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia AEC”, Viện chiến lược và chính sách tài chính 6. Mạc Văn Tiến ( 2015), “Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN”, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Công nghiệp TPHCM. 7. Nghiên cứu: “Cộng đồng ASEAN 2015, Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). 8. Thông tin từ hội thảo khoa học và Quản trị lần thứ IV (COMB 2015) với chủ đề “AEC, cơ hội, thách thức và các giải pháp cho các doanh nghiệp” tại Đại học Kinh tế - Đà Nẵng. 9. Phạm Thị Lý ( 2015), “Thị trường lao động Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức”, Khoa học chính trị, số 1 +2/2015. 26
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Thị trường lao động theo định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam
18 p | 27 | 9
-
Ảnh hưởng của cách mạng 4.0 tới công tác xuất khẩu lao động Việt Nam sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc)
6 p | 44 | 9
-
Cơ hội đào tạo quản trị bán hàng: Góc nhìn từ thị trường bán lẻ và nhu cầu nhân sự bán hàng trong thời gian tới
4 p | 24 | 7
-
Tác động của doanh nghiệp FDI đến nhu cầu sử dụng lao động không có kỹ năng ở Việt Nam
9 p | 80 | 6
-
Đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc làm tại Việt Nam - Thực trạng và hàm ý chính sách
14 p | 50 | 5
-
Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thị trường lao động Việt Nam
9 p | 14 | 5
-
Báo cáo nghiên cứu - Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam từ CPTPP và các FTA liên quan
90 p | 17 | 5
-
Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2021, triển vọng 2030
97 p | 22 | 4
-
Ảnh hưởng của thời gian cho công việc nhà đến khoảng cách tiền lương theo giới trên thị trường lao động ở Việt Nam
10 p | 12 | 4
-
Phát triển kinh doanh Việt Nam 2006: Phần 2
140 p | 18 | 4
-
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với thị trường lao động Việt Nam
4 p | 105 | 4
-
Nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên tốt nghiệp trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế
9 p | 46 | 4
-
Nhận diện những cơ hội và thách thức của nhóm doanh nghiệp thâm dụng lao động tại Việt Nam trước ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 – phân tích từ góc nhìn thị trường lao động
7 p | 33 | 2
-
Từ thực tiễn quản trị nguồn nhân lực tại doanh nghiệp đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0
10 p | 32 | 2
-
Những yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động đối với sinh viên ngành quản lý thể dục thể thao
12 p | 27 | 1
-
Sự thiếu cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động tại Việt Nam: hệ quả, nguyên nhân và định hướng giải pháp
8 p | 27 | 1
-
Lao động trong bối cảnh kinh tế nền tảng số ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị
11 p | 30 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn