intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng chuyển đổi số trong dạy học tại Trường Đại học Tiền Giang

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

7
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở phân tích những kết quả của quá trình chuyển đổi số về dạy học ở Trường Đại học Tiền Giang, bài viết "Thực trạng chuyển đổi số trong dạy học tại Trường Đại học Tiền Giang" đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học khi thực hiện chuyển đổi số tại Trường Đại học Tiền Giang.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng chuyển đổi số trong dạy học tại Trường Đại học Tiền Giang

  1. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ 33. THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DẠY HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG Cao Thị Tuyết Loan* Tóm tắt Chuyển đổi số đã có những đóng góp tích cực trong việc tạo ra những sản phẩm mới và hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyển sinh, quảng bá trực tuyến của các nhà trường. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, việc giảng dạy và học tập trực tuyến không chỉ đảm bảo giãn cách cộng đồng mà còn đảm bảo tính hiệu quả. Bên cạnh những cơ hội to lớn mà công nghệ số đem lại thì cũng có nhiều khó khăn đặt ra đối với Trường Đại học Tiền Giang như: cách thức quản lý, nhân lực, đánh giá chất lượng, hiệu quả của dạy học trực tuyến. Trên cơ sở phân tích những kết quả của quá trình chuyển đổi số về dạy học ở Trường Đại học Tiền Giang, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học khi thực hiện chuyển đổi số tại Trường Đại học Tiền Giang. Từ khóa: Chuyển đổi số; dạy học trực tuyến; tác động của chuyển đổi số; Trường Đại học Tiền Giang 1. MỞ ĐẦU Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, có vai trò và tác động to lớn trong cuộc sống xã hội hiện nay. Chuyển đổi số tác động đến mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. * Trường Đại học Tiền Giang 295
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, các trường đại học không thể đứng nhìn mà phải đón nhận nó như là cơ hội để tồn tại, phát triển. Trước bối cảnh chung của giáo dục đại học, để hội nhập, thích ứng và phát triển, Trường Đại học Tiền Giang đã đầu tư vào các nguồn lực (cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tài chính, con người) nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số tại Trường Đại học Tiền Giang tập trung vào hai nội dung chủ yếu là quản lý giáo dục; dạy học và nghiên cứu khoa học. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, năm học 2020 - 2021 và năm học 2021 - 2022, công nghệ số trở thành lựa chọn ưu tiên và hiệu quả nhất của nhà trường, nhất là trong công tác dạy học của trường. Do việc triển khai thực hiện còn mang tính ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 nên còn một số hạn chế, bộc lộ sự thiếu đồng bộ, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng của nhà trường. Bài viết tập trung vào phân tích những ưu điểm, hạn chế và đề xuất một vài giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học khi thực hiện chuyển đổi số ở Trường Đại học Tiền Giang. 2. NỘI DUNG 2.1. Thực trạng chuyển đổi số trong dạy học ở Trường Đại học Tiền Giang Trong năm học 2020 - 2021 và học kỳ I, năm học 2021 - 2022, Trường Đại học Tiền Giang đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số và đạt được một số kết quả nhất định. 2.2.1. Ưu điểm của chuyển đổi số trong dạy học Thứ nhất, chuyển đổi số làm thay đổi nhận thức của cán bộ viên chức Để thành công trong chuyển đổi số, bên cạnh đòi hỏi về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cần có của công nghệ số thì vấn đề nhận thức của con người giữ vị trí vô cùng quan trọng. Trong đó, bao gồm: nhận thức của nhà quản lý, cán bộ gảng viên và sinh viên. Điều này đã được khẳng định rất rõ trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Đối với công nghệ số, nếu chúng ta chậm lại và không đón nhận, nắm bắt, học hỏi, sử dụng và tận dụng để phát triển thì chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau vì công nghệ số không chờ ai, không đợi ai. Ban Giám hiệu Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để cán bộ viên chức có thể tiếp cận các ứng dụng, thành thạo các kỹ năng, thao tác đáp ứng yêu cầu của công việc. Cán bộ viên chức cũng luôn chủ động tìm hiểu về công nghệ số để phục vụ cho công việc của mình tại Trường. Ông Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trong giáo dục là cần thiết. Việc chuyển đổi số trong quản lý, dạy học tại Trường Đại học Tiền Giang là yêu cầu bắt buộc, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Mỗi cá nhân trong trường phải cố gắng, đồng hành cùng với nhà trường trong thực hiện chuyển đổi số và phải có sự chuẩn bị chu đáo để tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ này. Nếu các thầy, cô không thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn nhận và quyết tâm thực hiện cho bằng được việc dạy học và thi trực tuyến thì quá trình chuyển đổi số của nhà trường sẽ không thành công”. Như vậy, đội ngũ quản lý của trường cũng cho rằng, thái độ, nhận thức của con người sẽ quyết định việc chuyển đổi số tại Trường. Nếu cán bộ viên chức tại Trường ngại khó, ngại mới, 296
  3. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ ngại thay đổi sẽ là bước cản lớn trong quá trình chuyển đổi số tại trường. Nắm bắt được điều này, Ban Giám hiệu, ngoài việc động viên, khích lệ viên chức thì yêu cầu viên chức xem đây là nhiệm vụ bắt buộc mà mỗi viên chức tùy theo vị trí việc làm phải thực hiện. Tư duy chuyển đổi số được Trường quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên, sinh viên của trường nhằm đáp ứng yêu cầu, tính chất của công việc, học tập. Nếu như trong năm học 2020 - 2021, giảng viên còn chờ Trường tập huấn, chờ hướng dẫn cách dạy, cách tổ chức thi, cách ra đề... thì sang học kỳ I, năm học 2021 - 2022, tất cả giảng viên đều ý thức được trách nhiệm của mình, không ai bảo ai, mỗi người tự giác tìm hiểu các ứng dụng phục vụ giảng dạy (Zoom, Meet, Quickom, Microsoft Team, Hangout...). Các buổi họp nhóm, bộ môn, khoa cũng dành rất nhiều thời gian để bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm về cách thực hiện, tổ chức dạy học cho hiệu quả. Thứ hai, chuyển đổi số đảm bảo các kế hoạch năm học của trường Nhận định về tình hình chuyển đổi số trong dạy học tại Trường, Dự thảo Báo cáo tổng kết năm học 2020 - 2021, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 của Trường Đại học Tiền Giang nêu rõ: Năm học 2020 - 2021, nhà trường chủ động đưa phần mềm quản lý dạy học trực tuyến VNPT E-Learning kết hợp với các công cụ tạo lớp học trực tuyến như Zoom, Quickom, Google Meet vào hoạt động giảng dạy của nhà trường. Tuy chưa đánh giá thật chính xác về chất lượng nhưng hệ thống dạy học trực tuyến đã giải quyết hiệu quả quá trình giảng dạy trong năm học không bị gián đoạn, đảm bảo khung kế hoạch năm học 2020 - 2021 trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, hệ thống dạy học trực tuyến còn hỗ trợ rất tốt cho quá trình tự học của sinh viên, quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của sinh viên nhanh chóng và hiệu quả (Trường Đại học Tiền Giang, 2021). Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Trường đã chuyển đổi hình thức giảng dạy, thi trực tiếp sang trực tuyến trên phần mềm VNPT E-Learning. Học kỳ II, năm học 2020 - 2021, trường đã tổ chức giảng dạy trực tuyến 103 chuyên đề, 70 học phần và thi trực tuyến. Học kỳ I, năm học 2021 - 2022, có 130 học phần được giảng dạy trực tuyến. Thứ ba, chuyển đổi số góp phần nâng cao kỹ năng công nghệ số của cán bộ viên chức và sinh viên Hiện nay, tổng số viên chức của Trường là 402 người, trong đó có 270 giảng viên; tổng số sinh viên là 4.788 sinh viên (tính đến ngày 01/8/2021). Để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số tại Trường, đội ngũ nhân lực (giảng viên, chuyên viên, sinh viên) cần có kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá. Hầu hết giảng viên đều có trình độ tin học ứng dụng cơ bản và nâng cao nên thuận lợi trong việc chuyển đổi số rất nhiều. Tuy nhiên, do ít sử dụng nên có một số viên chức, giảng viên chưa thuần thục về các thao tác trong dạy học trực tuyến, còn lúng túng trước các ứng dụng, phần mềm phục vụ dạy học trực tuyến. Trường đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, tập huấn cho các giảng viên, sinh viên áp dụng những thành tựu của công nghệ số vào quá trình kiểm tra, đánh giá. Học kỳ I, năm học 2021 - 2022, khi tình hình dịch bệnh 297
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA diễn ra phức tạp, Trường Đại học Tiền Giang đã xây dựng Kế hoạch giảng dạy và thi trực tuyến, đồng thời ban hành Quy chế giảng dạy và thi trực tuyến ở học kỳ I, năm học 2021 - 2022. Ở học kỳ này, các giảng viên, sinh viên đã chủ động hơn việc chuyển đổi số trong quản lý, dạy học và nghiên cứu khoa học khi nhận thức đúng, đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Các giảng viên thành thạo công nghệ thông tin (CNTT) sẽ làm đầu tàu hướng dẫn cho giảng viên còn yếu về CNTT, từ đó, tạo nên phong trào chia sẻ, học tập sôi nổi trong viên chức, giảng viên của trường. Giảng viên tự giác tìm tòi, nghiên cứu hoặc hỏi đồng nghiệp về các ứng dụng để chọn ứng dụng phù hợp cho bản thân. Giảng viên thường chia sẻ thông tin, cách làm hay, các mẹo trong dạy học trực tuyến trên nhóm bộ môn, khoa, trường để mọi người tham khảo, học tập lẫn nhau. Thứ tư, trường có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chuyển đổi số Trường Đại học Tiền Giang đã tiến hành cải tạo, nâng cấp các phòng học cho hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành của giảng viên, sinh viên; mua sắm máy tính và nhiều thiết bị khác phục vụ cho việc chuyển đổi số: 50 laptop (phục vụ cho giảng viên dạy tại 50 phòng học không có trang bị máy tình bàn); 671 máy tính bàn, 27 phòng đa phương tiện và 06 leased line. Trường thuê hệ thống LMS của VNPT với gói thầu theo tài khoản sử dụng, dung lượng lưu trữ số là 100GB. Năm học 2020 - 2021, Trường tiếp nhận Dự án viện trợ của Tổ chức Mabuchi International Scholarship Foundation - MISF (Nhật Bản) về trang bị phòng máy tính (20 máy tính bàn, 1 máy photocopy, 1 máy in, 2 laptop) phục vụ học tập cho sinh viên Trường Đại học Tiền Giang với tổng số tiền 14.370 USD (Trường Đại học Tiền Giang, 2021). Về cơ sở học liệu, Trường đã xây dựng thư viện số tự động trong tất cả các khâu. Thư viện thường xuyên cập nhật các tài liệu học tập để người học có thể tiếp cận qua các nền tảng trực tuyến. Thư viện số với hơn 1.400.000 tài liệu, Trường đã mua tài khoản sử dụng cho toàn thể giảng viên và sinh viên với tổng đăng nhập: 11.353, tổng download tài liệu: 11.359, tài liệu upload: 703. Giảng viên và sinh viên có thể dễ dàng tìm sách, giáo trình và tài liệu học tập. Nhà trường đã tiếp nhận và xử lý nghiệp vụ 131 tên (775 bản) quyển sách ngoại văn thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng từ TS. Võ Tá Hân (Kiều bào Mỹ); 84 quyển sách ngoại văn do Trung tâm Học liệu Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ từ Tổ chức Mạng lưới giáo dục Việt Nam - Canada. Trường đã tổng hợp in và phát hành tài liệu giảng dạy của giảng viên với tổng số 76 tên (5.733 bản)... góp phần xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời (Trường Đại học Tiền Giang, 2021). Việc số hóa các tài liệu học tập, bài giảng đã hỗ trợ đắc lực việc cá nhân hóa học tập (mỗi người học một giáo trình và một phương pháp học tập riêng không giống với người khác). Thứ năm, thay đổi về tư duy quản lý và tổ chức thực hiện của trường Trong năm học 2020 - 2021, Trường chưa có văn bản rõ ràng quy định về việc dạy học trực tuyến. Đến năm học 2021 - 2022, Trường đã ban hành các văn bản quy định cụ thể về việc chuyển đổi số trong dạy học. Điều này thể hiện tư duy quản lý của Trường có sự thay đổi tích cực, thể hiện sự chủ động và cách tổ chức thực hiện chuyển đổi số có tính minh bạch, dân chủ. Quyết định số 440/QĐ-ĐHTG ngày 10/8/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang về việc ban hành Quy định sử dụng hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến trong hoạt động đào tạo tại Trường Đại học Tiền Giang; Thông báo số 747/TB-ĐHTG ngày 16/9/2021 về tổ chức 298
  5. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ dạy và học trực tuyến trong học kỳ I, năm học 2021 - 2022; Quyết định số 494/QĐ-ĐHTG ngày 24/9/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang về việc thành lập Ban kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và quy định về việc sử dụng hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến trong hoạt động đào tạo của giảng viên Trường Đại học Tiền Giang; Thông báo số 791/TB-ĐHTG ngày 06/10/2021 về việc kiểm tra, chấp hành kỷ luật, kỷ cương và quy định về việc sử dụng hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến trong hoạt động đào tạo của giảng viên Trường Đại học Tiền Giang. Trong đó, cụ thể hóa các quy định từ cách thức tổ chức, thời lượng dạy, sĩ số lớp học, hình thức kiểm tra cho đến quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quá trình dạy học và các bộ phận phục vụ cho quá trình này. Điều này tạo thuận lợi cho giảng viên, sinh viên khi gặp khó khăn sẽ dễ dàng tìm người hỗ trợ và thuận lợi trong công tác quản lý của trường. Trong các hướng dẫn, quyết định cũng thể hiện rõ những trường hợp nào giảng viên được tự quyết, trường hợp nào cần xin ý kiến của lãnh đạo đơn vị, Ban Giám hiệu. Đồng thời, ghi rõ các hình thức thi phù hợp với đặc thù của từng môn học (tự luận, trắc nghiệm khách quan, tiểu luận, video bài thực hành của sinh viên…). 2.1.2. Một số hạn chế về chuyển đổi số trong dạy học Thứ nhất, cơ sở vật chất còn thiếu và lạc hậu Trong chuyển đổi số, nền tảng hạ tầng CNTT và viễn thông phải được trang bị đồng bộ, đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá có thể được thực hiện tốt. Hiện nay, thư viện số của Trường chưa có cổng kết nối với OPAC, học liệu số liên kết với tailieu.vn. Mặt khác, hạ tầng mạng, máy tính, camera, máy in, máy quét, đường truyền Internet cho giảng viên, sinh viên còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức của sinh viên trong Trường. Trường chưa có phòng studio hiện đại để người dạy đến ghi âm, ghi hình các bài giảng của mình để upload lên nền tảng trực tuyến của Trường. Trường chưa có hệ thống phòng thực tế ảo, phòng Lab quang học điện tử, phòng công nghệ in 3D… Tình trạng một số máy tính bị lỗi, không sử dụng được trong việc học, kiểm tra, thi của sinh viên có khá nhiều (nhất là các phòng máy tính ở Khu B, K - trung bình có 05 máy hỏng CPU/phòng) nên sinh viên không sử dụng được tất cả các máy tính được trang bị ở các phòng máy. Hệ thống wifi của Trường được trang bị cho sinh viên truy cập Internet nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của viên chức và sinh viên tại trường. Hiện tượng chậm và mất tín hiệu Internet là thường xuyên xảy ra khi sinh viên truy cập vào các leased line. Các em thường phải sử dụng 3G, 4G từ điện thoại để truy cập vào Internet. Trường đã triển khai sử dụng phần mềm TGUIIS trong các hoạt động quản lý đào tạo tại Trường với máy chủ gồm: Processor: 1 x Intel® Xeon 8C E5-2620 v4 85W 2.1GHz/2133MHz/20MB - 8 core; Memory: 2 x 16GB RDIMM, 2133MT/s; Raid: ServeRAID M1215, nhưng không cấu hình sử dụng; Storages: 4 HDD 1TB 7200 rpm; Network: có 1 đường leaseline riêng 30MB. Dữ liệu lưu trữ thông tin đào tạo của 20.593 sinh viên (từ năm 2006 đến nay). Tình trạng nghẽn mạng, quá tải và dừng hoạt động xảy ra thường xuyên khi sinh viên (4.788 sinh viên) đăng nhập hệ thống TGUIIS để đăng ký học phần, xem thời khóa biểu, điểm thi. 299
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Việc dạy học còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất từ phía người học. Sinh viên không sử dụng các thiết bị công nghệ như smartphone và máy tính hoặc không có mạng Internet để sử dụng các thiết bị để làm bài kiểm tra, thi. Trong khi đó, sinh viên trường đa số đều ở nông thôn nên việc sử dụng Internet không phổ biến. Trong trường hợp các sinh viên ở trọ, nếu khu trọ không có hỗ trợ wifi cũng sẽ rất khó khăn trong quá trình học. Một số sinh viên sử dụng các gói cước 4G của các nhà mạng ưu đãi cho sinh viên nên dung lượng thấp, gây khó khăn không ít cho sinh viên trong việc học, kiểm tra và thi. Ngoài ra, việc kiểm tra, thi online qua các thiết bị máy tính hay điện thoại sẽ ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe của giảng viên và sinh viên. Họ phải nhìn vào màn hình để nghe, làm bài, chấm bài trong thời gian lâu sẽ dẫn đến tình trạng mỏi mắt, có thể gây ra tật khúc xạ…  Thứ hai, công tác quản lý, kiểm tra trong dạy học trực tuyến còn bất cập Việc quản lý quá trình dạy học trực tuyến cũng như đánh giá tính công bằng, khách quan của giảng viên trong kiểm tra, đánh giá được xem là khâu quan trọng nhằm đảm bảo tính hiện thực, hiệu quả của chuyển đổi số. Thời gian qua, công tác quản lý, kiểm tra còn gặp khó khăn, chưa sâu sát. Việc kiểm tra giờ dạy của giảng viên chủ yếu qua các minh chứng mà giảng viên cung cấp như: bài giảng, link dạy học, điểm số, bài kiểm, sổ đầu bài… Trong quá trình dạy trực tuyến, giảng viên khó quan sát được tất cả sinh viên vì giao diện của các ứng dụng chỉ tối đa 49 người dự, khi giảng viên trình bày (chia sẻ màn hình) bài giảng thì số lượng người dự hiển thị càng ít hơn. Một số sinh viên làm việc riêng, thái độ học không nghiêm túc trong giờ học hoặc tắt camera và bỏ đi. Trong quản lý việc làm bài của sinh viên cũng rất khó khăn vì Trường chưa sử dụng ứng dụng trực tuyến nhận diện người làm bài và phát hiện người bên cạnh chỉ bài. Hầu hết sinh viên có thái độ nghiêm túc, trung thực trong kiểm tra, thi cử. Tuy nhiên, vẫn còn một số sinh viên quay cóp, nhờ người trợ giúp trong lúc làm bài kiểm tra và thi như: sinh viên chụp màn hình bài làm và gửi bài bằng các ứng dụng zalo, messager nhờ người giải hộ bài làm. Đây là khó khăn lớn đối với giảng viên. Thứ ba, một số ít giảng viên, sinh viên chưa đáp ứng với yêu cầu của chuyển đổi số trong dạy học tại trường Trường tuy có mở lớp tập huấn giảng viên về sử dụng các phần mềm: văn phòng điện tử; hệ thống tích hợp thông tin Trường Đại học Tiền Giang (TGUIIS), dạy học trực tuyến (VNPT E-Learning), các ứng dụng Zoom, Google Meet, Quickom… nhưng vẫn còn một số ít giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu này. Nguyên nhân là do ít sử dụng CNTT trong công việc nên một số giảng viên lớn tuổi còn yếu về CNTT; một số giảng viên khác do thao tác chưa nhuần nhuyễn nên không nhớ đầy đủ các bước cần thực hiện. Vì vậy, giảng viên cảm thấy áp lực, mệt mỏi, lúng túng với việc phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Trường. Bên cạnh đó, một số giảng viên còn có tâm lý ngại dạy, học, thi trực tuyến vì họ cảm thấy không khí lớp học không sinh động, không tạo được sự hứng thú đối với người dạy và người học. Bên cạnh những sinh viên có kiến thức về CNTT, sử dụng tốt các thiết bị công nghệ như: smartphone, laptop, máy tính bảng… vẫn có số lượng nhỏ sinh viên thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn nên không có các thiết bị, phương tiện để tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Một số sinh viên chưa có kỹ năng thi trực tuyến nên vào nhầm phòng thi. Ngoài ra, Trường cũng chưa 300
  7. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ có văn bản nào quy định về sở hữu bài giảng trên hệ thống dạy học trực tuyến của Trường. Các tài liệu, bài giảng của cá nhân không còn mang tính chất riêng tư của giảng viên. Đây là một khó khăn, bất cập mà giảng viên đang lo lắng. 2.2. Một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số trong dạy học tại Trường Đại học Tiền Giang 2.2.1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ viên chức, sinh viên và xã hội về chuyển đổi số Trước tiên, Trường cần phải tuyên truyền, thống nhất, thông suốt về nhận thức trong từng cán bộ viên chức, sinh viên rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của Trường, diễn ra với tốc độ rất nhanh, do đó cần có sự chuẩn bị, đầu tư xứng tầm, tạo sức mạnh cộng hưởng và quyết tâm cao. “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Trên cơ sở đó, mở rộng sự tham dự một cách có hiệu quả của mỗi cá nhân, đơn vị vào quá trình hoạch định và thực thi việc chuyển đổi số trong dạy học tại trường. Trường Đại học Tiền Giang cần huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm: viên chức, sinh viên, doanh nghiệp, phụ huynh, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, chuyên gia. Nói cách khác, làm cho chuyển đổi số từ chỗ chỉ là nhiệm vụ của nhà trường thành mối quan tâm chung và trách nhiệm của toàn xã hội. 2.2.2. Cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý Trường phải xây dựng và từng bước hoàn thiện các quy chế, hướng dẫn, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số trong Trường. Đó là các chính sách liên quan đến học liệu như: sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả; liên quan đến chất lượng việc dạy học trên môi trường mạng như: an toàn thông tin mạng; liên quan đến chính trị, tư tưởng, đạo đức người dạy, người học như bảo vệ thông tin cá nhân, an ninh thông tin trên môi trường mạng và các quy định liên quan đến điều kiện tổ chức dạy - học trên mạng, sử dụng tài khoản cá nhân trên các ứng dụng. 2.2.3. Về giảng viên Đối với giảng viên, trước hết, phải là người tiên phong trong việc sử dụng công nghệ số vào dạy học, kiểm tra, đánh giá. Giảng viên phải tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực CNTT, trình độ ngoại ngữ; cách thức sử dụng công nghệ phục vụ dạy học và ứng dụng các hình thức tiên tiến, mô hình trực tuyến vào công tác dạy học, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, giảng viên sẵn sàng chia sẻ những thành công cũng như thất bại của bản thân trong việc kiểm tra trực tuyến, sử dụng các ứng dụng meeting trong dạy, học với đồng nghiệp, từ đó, giúp nhau tiến bộ. Thứ hai, trong chuyển đổi số, giảng viên thay vì phải nhanh chóng nắm bắt đầy đủ các thành tựu của công nghệ số thì giảng viên nên biết cách tiếp cận, thực hiện được các thao tác cần thiết, làm chủ và kiểm soát được công nghệ trong quá trình dạy học, kiểm tra. Thứ ba, giảng viên cần định hướng cho sinh viên trong việc cập nhật thông tin, cách thức lựa chọn tài liệu, thông tin để phục vụ cho việc kiểm tra, thi cử. 2.2.4. Về sinh viên Đối với sinh viên, cần chủ động học hỏi tri thức, rèn luyện kỹ năng về CNTT, cập nhật kịp thời những công nghệ mới để có thể tham gia tốt vào quá trình học, kiểm tra, đánh giá. Điều này 301
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA đòi hỏi sinh viên phải có tính chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết và không ngừng học hỏi. Đây là yêu cầu cần phải có của một sinh viên trong thời đại 4.0 để đáp ứng yêu cầu của thực tế. Sinh viên cần phải học cách thích nghi với sự thay đổi này trong quá trình học; tự nhận thức, tự quản lý bản thân và nghiêm túc, trung thực trong quá trình kiểm tra, đánh giá. Sinh viên cần tăng cường trình độ ngoại ngữ của bản thân vì các ứng dụng, phần mềm phục vụ dạy học, kiểm tra thường sử dụng ngôn ngữ nước ngoài (Tiếng Anh) là chủ yếu. Nếu sinh viên không hiểu ngôn ngữ nước ngoài sử dụng trên các phần mềm học và thi trực tuyến thì sẽ khó hiểu được yêu cầu các bước của ứng dụng, mặt khác, rất khó trong việc tiếp cận những tri thức tiên tiến của nước ngoài. 2.2.5 Về tài chính Hiện nay, việc Trường thuê và định kỳ phải ký lại hợp đồng hàng năm với VNPT để tiếp tục sử dụng E-Learning cho việc dạy học trực tuyến đã tốn rất nhiều chi phí. Do đó, Trường nên mời gọi các doanh nghiệp tham gia, đầu tư vào quá trình chuyển đổi số của trường. Nếu Trường huy động được các nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ trang thiết bị và cung cấp các hệ thống, giải pháp, phần mềm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số thì sẽ giảm bớt gánh nặng về chi phí cho việc bảo trì, nâng cấp sever... Đồng thời, Trường cần tăng nguồn kinh phí chi cho việc mua sắm và sửa chữa các máy tính, máy chiếu, âm thanh của một số phòng đa phương tiện. Trường nên nâng cấp sever định kỳ hàng năm nhằm đảm bảo môi trường mạng thông suốt, ổn định để giảng viên, sinh viên truy cập, đăng nhập cũng chính là đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các sinh viên với nhau. Để giảm bớt chi phí, Trường cần đặt hàng chính đội ngũ giảng viên (Khoa CNTT) của Trường nghiên cứu bổ sung một số tính năng mới trong Hệ thống phần mềm TGUIIS, thư viện số như: thêm mới dữ liệu số tài khoản ngân hàng cho sinh viên; xây dựng chức năng xuất dữ liệu email sinh viên trong phòng thi; hoàn thiện chức năng xuất dữ liệu email sinh viên trong lớp học phần; phối hợp với đơn vị liên quan khắc phục những sai sót liên quan đến phần mềm TGUIIS, VNPT E-Learning, thư viện số. 3. KẾT LUẬN Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh đặc biệt trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0. Hiện nay, các hoạt động của nhà trường từ quản lý đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học đều đã được chuyển đổi số và đã đạt được một số kết quả nhất định góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang. Chuyển đổi số trong dạy học nhằm mục đích giúp mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian. Tuy nhiên, do Trường Đại học Tiền Giang mới triển khai thực hiện trong 2 học kỳ nên còn không ít khó khăn đối với nhà trường. Thời gian tới, Trường Đại học Tiền Giang chọn hình thức dạy học trực tiếp hay trực tuyến thì nguyên tắc công bằng, khách quan trong dạy học cần được chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Trong bối cảnh chuyển đổi số của giáo dục đại học, Trường Đại học Tiền Giang không thể nằm ngoài xu thế chung và phải thực hiện rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cuộc CMCN lần thứ 4 mang lại. Trước những kết quả và hạn chế của việc chuyển đổi số, Trường Đại học Tiền Giang cần có những việc làm hiệu quả hơn để khắc phục tốt các hạn chế trong thời gian qua và từng bước chuyển nó thành cơ hội để phát triển mọi mặt của Trường và nhanh chóng làm chủ quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới. 302
  9. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phòng Marketing - Truyền thông, Trường Đại học Tiền Giang (2021), “Chuyển đổi số trong trường đại học: Dạy học trực tuyến sẽ trở thành xu hướng tất yếu”, truy cập từ https://ueh. edu.vn/khoa-hoc/chuyen-doi-so-trong-truong-dai-hoc-day-hoc-truc-tuyen-se-tro-thanh-xu- huong-tat-yeu-56725, ngày 22/3/2021. 2. Tô Hồng Nam, “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp”, truy cập từ https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-thuc- trang-va-giai-phap-20200522150010574.htm ngày 7/6/2020. 3. Trường Đại học Tiền Giang (2021), Dự thảo Báo cáo Tổng kết năm học 2020 - 2021, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. 4. Trường Đại học Tiền Giang (2021), Quyết định số 440/QĐ-ĐHTG ngày 10/8/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang về việc ban hành Quy định sử dụng hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến trong hoạt động đào tạo tại Trường Đại học Tiền Giang 5. Trường Đại học Tiền Giang (2021), Thông báo số 747/TB-ĐHTG ngày 16/9/2021 về tổ chức dạy và học trực tuyến trong học kỳ I, năm học 2021 - 2022. 6. Trường Đại học Tiền Giang (2021), Quyết định số 494/QĐ-ĐHTG ngày 24/9/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang về việc thành lập Ban Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và quy định về việc sử dụng hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến trong hoạt động đào tạo của giảng viên Trường Đại học Tiền Giang. 7. Trường Đại học Tiền Giang (2021), Thông báo số 791/TB-ĐHTG ngày 06/10/2021 về việc kiểm tra, chấp hành kỷ luật, kỷ cương và quy định về việc sử dụng hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến trong hoạt động đào tạo của giảng viên Trường Đại học Tiền Giang. 303
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2