intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

17
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học ở Việt Nam hiện nay trình bày thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đại học tại Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học ở Việt Nam hiện nay

  1. THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY NGUYỄN THỊ HIÊN Trường Đại học Thương mại Tóm tắt: Chất lượng đào tạo của các trường đại học phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giảng viên. Vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho giảng viên luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đặc biệt quan tâm. Bài viết xin nêu thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đại học tại Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Từ khóa: đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Giảng viên luôn là nguồn lực quan trọng nhất trong các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đại học luôn đặt vấn đề đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên lên hàng đầu. Đây là một vấn đề có tính thời sự liên quan toàn diện tới việc nâng cao chất lượng các sản phẩm đầu ra - nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Hầu hết ở các quốc gia phát triển, sự đánh giá chất lượng giáo dục đại học nói chung và đánh giá đội ngũ giảng viên nói riêng rất được coi trọng, do đó việc đầu tư nhân lực và vật lực nhằm cải thiện trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho các giảng viên được quan tâm thường xuyên. Ở Việt Nam, ngày 16/5/2016, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp. Với quan điểm không ngừng đổi mới, thích ứng trong đào tạo và nghiên cứu, các trường đại học thấy được sự cần thiết nâng cao các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng diễn giảng, kỹ năng hợp tác và làm việc cùng các nhóm nghiên cứu của các giảng viên. Trước kia sự phát triển nghề nghiệp của giảng viên được xem là trách nhiệm cá nhân, thì hiện nay phát triển nghề nghiệp đang trở thành trách nhiệm có tính qui hoạch của các cơ sở giáo dục bậc cao. Nhiều nghiên cứu đã thừa nhận rằng năng lực của giảng viên có tác động lớn tới việc nâng cao không ngừng chất lượng của quá trình dạy và học bởi giảng viên chính là người đóng vai trò định hướng và giúp đỡ sinh viên trong quá trình đó. Vấn đề là làm sao cho trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của giảng viên không ngừng được tăng lên. Công tác đào tạo và bồi dưỡng giảng viên chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề đó. Vậy thực trạng công tác đào tạo và bồi dưỡng giảng viên ở nước ta hiện nay ra sao? 2. THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG GIẢNG VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY Trong chiến lược đổi mới giáo dục và đào tạo bậc đại học, có rất nhiều điều cần làm song phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao là một chiến lược được Đảng 177
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 và Chính phủ quan tâm hàng đầu. Trước khi đề cập đến thực trạng công tác đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, chúng ta xem xét đôi nét về thực trạng đội ngũ giảng viên Việt Nam hiện nay. 2.1. Đội ngũ giảng viên Việt Nam hiện nay * Về số lượng Sau gần 30 năm đổi mới, đội ngũ giảng viên đại học nước ta đã tăng gấp gần 3,5 lần, từ 20.212 giảng viên trong cả nước vào năm 1987 lên 69.591 người vào năm 2015(nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo). Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 69.591 giảng viên cả nước năm học 2015 - 2016, trình độ đào tạo giảng viên tương ứng với các cấp bậc có số lượng như sau: 13.598 Tiến sĩ; 40.426 Thạc sỹ; 14.897 trình độ đào tạo đại học; còn lại là 670 các giảng viên có trình độ khác. Qua biểu đồ ta thấy tỉ lệ giảng viên Việt Nam hiện nay có trình độ Thạc sỹ trở lên chiếm tỷ lệ rất cao gần 80%, tuy nhiên số lượng giảng viên có trình độ Tiến sỹ mới chỉ chiếm 19,54%, một tỉ lệ khá thấp và còn cách xa so với mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra năm 2020 phải đạt ít nhất 35% giảng viên có trình độ Tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên năm học 2015 - 2016 có học hàm Giáo sư và Phó Giáo sư mới chỉ chiếm hơn 5% tổng số giảng viên; trong đó có 550 Giáo sư chiếm 0,79%, 3.317 Phó Giáo sư chiếm 4,77% với độ tuổi trung bình khi được phong/bổ nhiệm Giáo sư là 57,13 và Phó Giáo sư là 50,14 (số liệu thống kê từ năm 1980 đến 2016 của Hội đồng Chức danh Giáo sư), một độ tuổi khá cao gần với độ tuổi nghỉ hưu. Các giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư phân bố tập trung chủ yếu ở một số trường đại học lớn tại các khu vực trung tâm. Ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến tỉ lệ sinh viên/1 giảng viên là 10 - 15 sinh viên/1giảng viên. Ở nước ta theo số liệu thống kê năm 2015 - 2016 số lượng cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam là 223 (không tính các trường thuộc khối An ninh, Quốc phòng, Quốc tế) với quy mô 1.753.174 sinh viên, như vậy tỉ lệ sinh viên trên một giảng viên nước ta hiện nay khoảng 26 sinh viên/1 giảng viên. Để đạt được tỉ lệ như các trường đại học tiên tiến nước ta còn thiếu hơn 40.000 giảng viên, một sự thiếu hụt lớn. Tại nhiều cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở mới được thành lập và cơ sở tư thục, số lượng giảng viên thỉnh giảng cao hơn nhiều lần so với đội ngũ cán bộ cơ hữu, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo của nhà trường. * Về chất lượng Giảng viên của các trường đại học Việt Nam đa phần được tuyển chọn từ các sinh viên ưu tú, những sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi hoặc Xuất sắc, có kết quả học tập tốt hoặc các sinh viên giỏi được cử đi đào tạo tại các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Pháp, Mỹ, Đức,… Sau khi được tuyển chọn các giảng viên trẻ sẽ có thời gian tập sự 1 năm. Đó là thời gian cho các giảng viên soạn bài giảng, nâng cao chuyên môn và rèn luyện kỹ năng sư phạm. Nhìn chung giảng viên tại cơ sở giáo dục đại học nước ta đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy của mình. 178
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Tuy nhiên, với hoạt động giảng dạy như hiện nay tình trạng quá tải giờ giảng vẫn tiếp diễn do sự gia tăng nhanh chóng về quy mô đào tạo trong khi số lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy không tăng kịp theo tốc độ tăng quy mô. Có những giảng viên dạy vượt gấp hai, gấp ba lần so với định mức giờ chuẩn cho giảng viên trong một năm học. Tình trạng quá tải giờ giảng diễn ra liên tục trong thời gian dài khiến nhiều giảng viên không còn thời gian dành cho học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không cập nhật được một cách thường xuyên các kiến thức, kỹ năng mới dẫn đến nội dung bài giảng nghèo nàn, lạc hậu và không đáp ứng được xu thế hội nhập. Phương pháp giảng dạy của một bộ phận không nhỏ giảng viên chậm được đổi mới, chủ yếu vẫn là thuyết trình theo kiểu thầy đọc - trò chép, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học. Tuy được tuyển chọn từ các sinh viên ưu tú nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên trong trường đại học nước ta hiện nay còn chưa cao, chưa thực sự tương xứng với đòi hỏi phát triển của đất nước. Một thước đo đơn giản chất lượng giảng viên một trường đại học là cơ cấu thành phần giảng viên, cụ thể là ở tỉ lệ Tiến sĩ/ số giảng viên. Tỉ lệ này các trường Đại học nước ta hiện nay chỉ mới đạt con số 19,54 %, trong khi các nước phương Tây tỉ lệ này thường vượt quá 50%. Mặt khác thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên Việt Nam còn yếu, công tác nghiên cứu khoa học tại nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được chú trọng nhất là với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập có lượng giảng viên cơ hữu mỏng; nội dung trong các nghiên cứu chất lượng còn thấp, không có tính thực tiễn và khả năng ứng dụng mà chỉ nhằm đối phó với định mức quy định hoặc để chấm điểm bình xét thi đua, xét phong danh hiệu. Số lượng các bài báo khoa học chất lượng của Việt Nam được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín rất ít. Theo số liệu thống kê năm 2015 Việt Nam có 3.060 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí ISI, tính chung giai đoạn 2011 - 2015 Việt Nam đạt mức 11.791 bài trong khi các quốc gia trong khu vực như Singapore có 68.516 bài, gấp khoảng 6 lần Việt Nam; Thái Lan có 38.953 gấp 3 lần so với Việt Nam, còn nếu so sánh với một số quốc gia khác ngoài khu vực ASEAN số lượng các công bố quốc tế ISI của Việt Nam còn khá lẹt đẹt, như so với Hàn Quốc họ cao gấp 25 lần với số lượng 298.986 bài. Ngoài ra, tỉ lệ bài công bố có chất lượng cao trên tổng số bài công bố ISI đang giảm, tỉ lệ công bố ISI hạng Q1 ở Việt Nam đã giảm từ 42% năm 2011 xuống còn 38% năm 2015. Cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ giảng viên hiện nay không phát huy hết tiềm năng của cả đội ngũ và từng cá nhân, không kích thích được sự phấn đấu trong chuyên môn. Cơ chế, chính sách đãi ngộ chưa bảo đảm được cuộc sống cho giảng viên khiến họ không thể toàn tâm, toàn ý đầu tư, bảo đảm chất lượng hoạt động cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến một bộ phận nhỏ giảng viên còn có sự tiêu cực trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên, gây tâm lý không tốt, ảnh hưởng xấu đến sinh viên và chất lượng đào tạo. Đội ngũ giảng viên đại học Việt Nam được đào tạo từ các trường đại học sư phạm không nhiều, do đó nghiệp vụ sư phạm của giảng viên đại học nước ta có nhiều hạn chế. 179
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Đa phần các giảng viên khi mới được tuyển, tuổi đời rất trẻ, chưa có kinh nghiệm làm việc và giảng dạy. Chỉ với một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được đào tạo trong một vài tháng thì chưa đủ để cho họ tự tin đứng trên bục giảng. Hồi học đại học, tác giả đã từng được học tập với rất nhiều Tiến sĩ và cả một số Giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực Toán học, họ đều là các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế nhưng rất ít thầy có bài giảng hay và dễ hiểu khiến việc học tập của sinh viên rất vất vả, đôi khi gây ra tâm lý lo sợ và chán nản. Những hạn chế về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên đại học hiện nay đã phản ánh phần lớn những tồn tại trong công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đại học. 2.2. Thực trạng đào tạo và bồi dưỡng giảng viên Việt Nam hiện nay 2.2.1. Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn Các giảng viên của các trường đại học đa phần được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước và một số được đào tạo tại các cơ sở nước ngoài. Phần lớn họ chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn giảng dạy, một bộ phận không nhỏ giảng viên sau khi tốt nghiệp đại học ở lại nơi đào tạo và trở thành giảng viên tại chính ngôi trường nơi họ học tập. Sau khi được tuyển chọn các giảng viên có thời gian thử thách một năm để bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, soạn bài giảng và chứng tỏ năng lực của mình. Khi trở thành giảng viên chính thức họ được các trường đại học tạo điều kiện tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn, đồng thời không ngừng bồi dưỡng thêm kiến thức tin học và ngoại ngữ. Khi được đồng ý cho đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, các giảng viên được trường chủ quản tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ một phần học phí và cắt giảm giờ giảng. Ví dụ Trường Đại học Thương mại hỗ trợ 50% học phí cho các khóa học Cao học, Tiến sĩ trong nước và cắt giảm 50% định mức giờ giảng. Để khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ ngoại ngữ trong xu thế không ngừng đổi mới và hội nhập, trường Đại học Thương mại còn qui định mức hỗ trợ 10 triệu đồng cho các cán bộ học tập bồi dưỡng đạt chuẩn tiếng Anh. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội tạo điều kiện cho giảng viên dành 100% thời gian cho học tập, hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ đi học sau đại học; có chế độ thưởng cho giảng viên hoàn thành luận án đúng hạn. Hàng năm các trường Đại học còn cử giảng viên đi học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, trao đổi khoa học ở nước ngoài. Trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học các bộ môn, các khoa trong các trường đại học định kỳ tổ chức serminar, hội thảo trao đổi chuyên môn, chia sẻ các kết quả nghiên cứu để cùng nâng cao trình độ. Đây là một hoạt động rất bổ ích đặc biệt cho các giảng viên trẻ. Nhưng việc triển khai chủ yếu vẫn nặng về hình thức nhằm đối phó với định mức giờ khoa học do các trường qui định. Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên, một số trường đã mời các chuyên gia đầu ngành những người có kinh nghiệm nghiên cứu, thực hiện các đề tài và có nhiều bài báo đăng 180
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 các tạp chí quốc tế về chia sẻ. Tháng 6/2016, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đã mở một buổi giảng đại chúng của Giáo sư Trương Nguyện Thành về vấn đề “Làm thế nào để công bố khoa học trên tạp chí quốc tế?”. Mặt khác do số giảng viên trong các cơ sở đào tạo đại học còn thiếu nên công tác cử giảng viên đi học tập được các trường đại học xem xét, sắp xếp để vẫn đảm bảo công tác giảng dạy theo kế hoạch mỗi năm học. Vì thế mà một số giảng viên bị mất đi cơ hội học tập bồi dưỡng từ khi còn trẻ. Có nhiều giảng viên trẻ muốn tự đầu tư cho việc học tập nâng cao trình độ nhưng khó khăn họ gặp phải là vấn đề kinh tế, vì lương giảng viên trẻ khá thấp. Việc nâng cao trình độ cho giảng viên cũng được chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã xây dựng các đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học theo các giai đoạn khác nhau. Từ năm 2000 - 2012 đề án 322 “Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” đã được triển khai thực hiện với chủ trương mỗi năm nhà nước dành 100 tỉ đồng để đưa những trí thức trẻ Việt Nam ra nước ngoài học các chương trình sau đại học, số tiền này chiếm 3% trong tổng chi ngân sách giáo dục hàng năm. Có nhiều giảng viên trẻ đã xin được học bổng và đi học tập tại nước ngoài theo đề án trên, tuy nhiên trong hai năm 2010 và 2011 do khó khăn về mặt kinh phí nên 598 giảng viên đã xin được suất học bổng của đề án 322 được chuyển sang đề án 911. Giai đoạn 2010 - 2020, đề án 911 được thực hiện, theo Quyết định số 911/QĐ-TTg, ngày 17/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong đó, khoảng 10.000 người được đào tạo ở nước ngoài, số còn lại đào tạo trong nước. Đề án tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học các ngành mũi nhọn, trọng điểm, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, tăng số lượng công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Hàng năm, đề án có được khoảng trên 1.000 chỉ tiêu cho các học bổng đào tạo ở các cơ sở nước ngoài, như năm 2016 có 1.300 chỉ tiêu đào tạo ở các nước khác nhau như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản,… Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm đó là một số giảng viên sau khi được các trường đại học cử đi nghiên cứu học tập ở nước ngoài, họ lại tìm cách ở lại chứ không quay về tiếp tục giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học nơi đã gửi họ đi. Ở Đà Nẵng, tính đến tháng 8/2015, tổng số giảng viên học tại nước ngoài đã tốt nghiệp xong chưa về nước là 18 người. Năm 2016 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên và có cấp chứng chỉ. Vì chương trình mới nên việc triển khai chưa được rộng rãi. 2.2.2 Rèn luyện phẩm chất nhà giáo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm 2.2.2.1 Rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo Một người giảng viên có nhân cách tốt, có tâm với nghề, say mê trong công việc, có đạo đức tốt ắt hẳn sẽ ảnh hưởng tích cực đến các em sinh viên. Bởi vậy việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của nhà giáo luôn được các trường đại học coi trọng. 181
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Để nâng cao phẩm chất, đạo đức cho giảng viên, các trường đại học đánh giá rất cao tinh thần phê và tự phê của mỗi giảng viên. Nghiêm khắc phê bình, góp ý và có các hình thức kỷ luật thích hợp với các giảng viên vi phạm các qui định đặc biệt là để xảy ra tiêu cực trong hoạt động giảng dạy và đánh giá năng lực của sinh viên. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học luôn hưởng ứng và phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua ý nghĩa như cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đối với các giảng viên nữ được khuyến khích, tạo kiện phấn đấu đạt danh hiệu : “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”… Các cuộc vận động, các phong trào đó đã góp một phần quan trọng trong việc nhắc nhở các giảng viên không ngừng rèn luyện nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của mình. Việc lấy ý kiến người học được các trường đại học tổ chức đều đặn mỗi năm học, dựa trên những phản ánh của người học các giảng viên tự rút kinh nghiệm, điều chỉnh cách cư xử sao cho đúng mực, đúng vai trò của một người giảng viên. Dựa trên các kết quả điều tra các trường đại học có thể đánh giá phần nào về chất lượng đội ngũ giảng viên của nhà trường. Tại nhiều trường đại học công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm và triển khai đều đặn. Đây là một hình thức động viên hiệu quả, khuyến khích các giảng viên không ngừng rèn luyện để hoàn thiện bản thân hơn nữa. 2.2.2.2 Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm Tỷ lệ giảng viên đại học tốt nghiệp từ các trường Đại học sư phạm chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng số giảng viên. Mặc dù các giảng viên đều đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và năng lực sư phạm của các giảng viên cần được bồi dưỡng thường xuyên. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ việc áp dụng các công nghệ hiện đại và đổi mới phương pháp sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường đại học là một yêu cầu bức thiết và được nhiều trường đại học chú trọng. Một số cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức các buổi hội thảo khoa học cấp khoa, cấp trường và cả cấp quốc gia để trao đổi và tìm ra các phương pháp giảng dạy mới nâng cao chất lượng dạy và học. Năm 2014 trường Đại học Văn hóa đã tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong đào tạo tín chỉ”, tháng 11 năm 2014 trường Đại học Thương mại tổ chức hội thảo “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy đáp ứng chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo của trường Đại học Thương mại”, tháng 3 năm 2016 trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tổ chức hội thảo khoa học về: “Đổi mới phương pháp giảng dạy”, … Hơn thế, một số trường đại học còn đầu tư mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy đại học, lớp hướng dẫn sử dụng các phương tiện hiện đại trong giảng dạy. Công đoàn các trường đại học kết hợp với chính quyền đơn vị tổ chức hàng năm các buổi dự giờ và đóng góp ý kiến cho phương pháp sư phạm, cách soạn bài giảng cho 182
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 các giảng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tổ chức lấy phiếu nhận xét của sinh viên nhằm giúp giảng viên tự rút kinh nghiệm cho bản thân để không ngừng đổi mới, tìm tòi các phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả cao. Hàng năm các sáng kiến kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy và quản lý đào tạo của giảng viên và cán bộ quản lý được các trường đại học khuyến khích và đưa vào làm một trong những tiêu chí bình xét các danh hiệu thi đua. Do đó có nhiều sáng kiến hay nâng cao nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp cho giảng viên được đề xuất và triển khai áp dụng. 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CHO GIẢNG VIÊN Trên cơ sở các phân tích thực trạng về đội ngũ giảng viên đại học và công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên Việt Nam hiện nay, bài viết xin đề xuất một số giải pháp khắc phục những vấn đề tồn tại và nâng cao hơn chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên các trường đại học. Thứ nhất, các trường đại học cần lập kế hoạch dài hạn trong việc tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng giảng viên. Việc tuyển dụng cần có lộ trình để trong một tương lai không xa đảm bảo đội ngũ giảng viên đủ về số lượng nhưng vẫn có được sự kết nối giữa các thế hệ, tránh tình trạng tuyển ồ ạt cũng một thời điểm sau đó dừng lại một thời gian dài mới tuyển trở lại gây ra sự khó khăn cho việc chuyển giao giữa các thế hệ và việc bố trí học tập, bồi dưỡng cho giảng viên, tránh việc các giảng viên phải “xếp hàng” đợi đến lượt được đi học tập, nâng cao bồi dưỡng. Thứ hai, thực hiện nghiêm túc và có chất lượng các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp, mới được ban hành tháng 5 năm 2016. Các chương trình có nội dung rất hay và rất bổ ích cho giảng viên nhằm nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, và các kiến thức trong công tác quản lý giáo dục. Tuy nhiên, do chương trình khá mới nên việc triển khai các chương trình một cách hiệu quả, các cơ sở giáo dục đại học được phép triển khai giảng dạy, cấp chứng chỉ cho các chương trình cần chuẩn bị tốt về cả nhân lực và vật lực. Thứ ba, đề nghị các trường đại học có quy định về định mức giờ nghiên cứu khoa học phù hợp với từng chuyên môn của giảng viên. Coi trọng chất lượng hơn số lượng, từng bước xây dựng và hoàn thiện quy trình đánh giá, kiểm định, nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học sao cho đảm bảo chất lượng các công trình ngày một nâng lên và có thể được công bố rộng rãi. Đối với các học phần đại cương như thể dục, ngoại ngữ và toán... họ thường dạy cho sinh viên toàn trường với số lượng lớp nhiều, sinh viên một lớp thường rất đông và do đặc thù chuyên ngành, các trường nên giảm định mức giờ khoa học đối với các học phần chung để tạo điều kiện cho giảng viên đầu tư nhiều thời gian và công sức để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy. Để nâng cao chất lượng các bài báo, các đề tài nghiên cứu khoa học các trường cần xây dựng các 183
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 nhóm nghiên cứu nhằm tăng cường trao đổi học thuật, sáng kiến kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Các cơ sở giáo dục đại học nên hỗ trợ kinh phí cho giảng viên trong các hoạt động này nhằm khuyến khích họ. Bên cạnh đó, các trường cần có những phần thưởng thích đáng cho các công trình khoa học có tính ứng dụng cao và các bài báo đăng được trên các tạp chí ISI. Đó cũng là một cách nâng vị thế nhà trường. Với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở cần gắn chặt các nghiên cứu khoa học với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; Thứ tư, đề nghị quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên phải cao hơn một cấp so với chương trình đào tạo mà giảng viên tham gia giảng dạy, tránh tình trạng cử nhân dạy cử nhân. Đó là động lực quan trọng cho tất cả các giảng viên tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Thứ năm, các trường đại học dựa trên các nguồn thu hàng năm, cần xây dựng một cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên đại học tương xứng với thành tích và năng lực cá nhân; điều chỉnh chính sách lương, phụ cấp ưu đãi, cơ chế đãi ngộ phù hợp để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo động lực và điều kiện cho đội ngũ giảng viên đại học nâng cao năng lực và trình độ. 4. KẾT LUẬN Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các trường đại học không ngừng đổi mới trong công tác đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng được sự phát triển của đất nước và bắt kịp xu thế hội nhập. Việc không ngừng phát triển đội ngũ giảng viên, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp cho các giảng viên là một nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học và rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Thị Phương Nam, Hoàng Văn Lợi, 2012, “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giai đoạn 2010 - 2015”, http://vnclp.gov.vn/ct/cms/Lists/ DeTaiNghienCuu. [2] Lê Văn, 2016, “Công bố quốc tế của Việt Nam: lượng tăng nhưng chất giảm”, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/308651/cong-bo-quoc-te-cua-viet-nam-luong- tang-nhung-chat-giam.html [3] Lê Văn, 2016, “Độ tuổi trung bình của giáo sư Việt Nam là hơn 57”, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/do-tuoi-trung-binh-cua-gs-viet-nam-la-hon-57- tuoi-338057.html [4] Số liệu thống kê giáo dục đại học năm học 2015 - 2016, http://www.moet.gov.vn/ thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx [5] Daniel Boffey, 2012, “Lecturers should need a teaching qualification, says NUS president.”, https://www.theguardian.com/education/2012/apr/22/liam-burn-nus- academics-lecturers. 184
  9. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Title: REALITY OF TRAINING, FOSTERING FOR LECTURERS IN VIETNAM NOWADAYS Abstract: Training quality of universities depends much on teaching staff. So the training related to professional qualifications, skills for lecturers are particularly concerned of universities and the Ministry of Education and Training. This article outlined the reality of training and fostering university lecturers in Vietnam these days. After that, we proposes some solutions to further improve the quality of training and retraining for lecturers to meet requirements of education and training innovation. Keywords: training, fostering for lecturers. ThS. NGUYỄN THỊ HIÊN Bộ môn Kinh tế lượng - Trường Đại học Thương mại. Địa chỉ: 79 Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy - Hà Nội. Email: hienvcu83@gmail.com - Điện thoại: 0984 032 636. 185
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2