intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng phát triển Mobile Money ở Việt Nam và một số khuyến nghị

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

24
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mobile Money đã xuất hiện từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam dịch vụ này chỉ mới được triển khai thí điểm từ cuối năm 2021. Bài viết này phân tích thực trạng phát triển Mobile Money ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các khuyến nghị nhằm phát triển bền vững dịch vụ Mobile Money trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng phát triển Mobile Money ở Việt Nam và một số khuyến nghị

  1. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN MOBILE MONEY Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ THE CURRENT SITUATION OF MOBILE MONEY DEVELOPMENT IN VIETNAM AND SOME RECOMMENDATIONS Ngày nhận bài : 12.4.2022 ThS. Nguyễn Thị Anh Trâm Ngày nhận kết quả phản biện : 16.8.2022 Trường Đại học Tài chính - Kế toán Ngày duyệt đăng : 20.9.2022 TÓM TẮT Mobile Money đã xuất hiện từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam dịch vụ này chỉ mới được triển khai thí điểm từ cuối năm 2021. Bài viết này phân tích thực trạng phát triển Mobile Money ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các khuyến nghị nhằm phát triển bền vững dịch vụ Mobile Money trong thời gian tới. Từ khóa: Mobile Money, thanh toán không dùng tiền mặt, mạng viễn thông, dịch vụ tài chính. ASTRACT Mobile Money has been implemented for along time in many countries around the world, but in Vietnam, this service has only been piloted since the end of 2021. This article analyzes the current situation of Mobile Money development in Vietnam. On that basis, the article proposes some recommendations for sustainable development of Mobile Money in the near future. Keywords: Mobile Money, cashless payment, telecommunications network, financial services. 1. Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ cao. Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai như thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (Quick response code - QR Code), Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã thu hút được một số lượng lớn người dùng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính hiện đại nói trên. Họ là những người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi mà hệ thống ngân hàng cũng như mạng lưới Internet chưa bao phủ tới. Để giúp nhóm khách hàng này có thể tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại, mở rộng TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, ngày 09 tháng 03 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, gọi tắt là Mobile Money. Mobile Money đã chính thức được triển khai tại Việt Nam từ cuối năm 2021. Đây là dịch vụ tài chính khá mới mẻ ở Việt Nam. Bài viết này sẽ tổng hợp một số vấn đề cơ bản về Mobile Money, phân tích thực trạng phát triển, ưu điểm, hạn chế cũng như những rủi ro của Mobile Money ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển bền vững dịch vụ Mobile Money trong thời gian tới. 2. Tổng quan về Mobile Money Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations – GSMA), Mobile Money được 11
  2. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hóa đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động … và những dịch vụ tương tự. Tài khoản Mobile Money là tài khoản gắn liền với SIM thuê bao của thiết bị di động nhưng tách biệt với tài khoản viễn thông. Bản chất của dịch vụ Mobile Money là chuyển đổi hình thức tiền mặt sang tiền điện tử theo tỷ lệ 1:1. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng phải nộp tiền mặt vào tài khoản và số tiền trong tài khoản có giá trị tương đương với giá trị tiền mặt khách hàng đã nộp. Do vậy, các đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử vì không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông mà chỉ chuyển đổi hình thức của tiền từ tiền mặt sang tiền điện tử. Dịch vụ Mobile Money cho phép người dùng thực hiện TTKDTM cho các giao dịch chuyển tiền, thanh toán cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ ở bất kỳ đâu mà không cần có tài khoản ngân hàng, không cần Internet. Đây là dịch vụ phù hợp với những khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng và những khu vực chưa được bao phủ Internet. Theo GSMA, trên thế giới hiện có 3 mô hình cung cấp dịch vụ Mobile Money: Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; Các định chế tài chính; Đối tác cung cấp giải pháp phối hợp chặt chẽ với nhà mạng với một hoặc một số định chế tài chính và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong 3 mô hình trên, mô hình thứ 3 đang chiếm ưu thế. Cũng theo GSMA, tính đến cuối năm 2020, Mobile Money đã xuất hiện gần 15 năm, có mặt tại 96 quốc gia với 310 loại hình giao dịch, phổ biến nhất tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Số tài khoản đăng ký Mobile Money tính đến cuối năm 2020 là 1,21 tỷ, tăng 12,7% so với năm 2019. Giá trị các giao dịch thông qua Mobile Money đạt 2 tỷ USD/ngày. 3. Thực trạng phát triển Mobile Money tại Việt Nam 3.1. Nhà cung cấp dịch vụ Ngày 09 tháng 03 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Thời gian thí điểm là hai năm. Theo quyết định trên, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn tại các điểm kinh doanh để nhận biết và xác thực chính xác khách hàng là người sở hữu SIM khi đăng ký dịch vụ Mobile Money. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thí điểm dịch vụ này còn phải xây dựng cơ chế kiểm soát các giao dịch tiền mặt tại các điểm kinh doanh đảm bảo nhận biết và kiểm soát được chính xác số tiền đã nhận của khách hàng. Trong giai đoạn đầu, Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho 3 đơn vị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money là Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty viễn thông (Mobifone) và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel). Mục tiêu của việc triển khai dịch vụ Mobile Money là góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Tại Việt Nam hiện nay, VNPT, Mobifone và Viettel là 3 nhà mạng có số thuê bao di động nhiều nhất, cơ sở hạ tầng và mạng lưới viễn thông bao phủ cả khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo. Với lợi thế đó, việc cấp phép cho 3 nhà mạng này cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money hứa hẹn sẽ thu hút được đông đảo khách hàng đăng ký sử dụng và đạt được mục tiêu đề ra khi triển khai dịch vụ này. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, ngày 25 tháng 11 năm 2021, VNPT chính thức công bố triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trên cả nước, trở thành nhà mạng đầu tiên ở Việt Nam và là nhà mạng thứ 311 trên thế giới triển khai dịch vụ này. Ngày 1/12/2021, Viettel cũng chính thức ra mắt dịch vụ Mobile Money. Đây là một dịch vụ nằm trong hệ sinh thái tài chính số Viettel Money. Viettel Money là hệ sinh thái tài chính số toàn diện với đa dạng nguồn tiền, phục vụ đầy đủ các nhu cầu của 12
  3. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN khách hàng mọi lúc, mọi nơi trên phạm vi rộng. Ngày 22/01/2022, Mobifone chính thức ra mắt dịch vụ Mobile Money. Hiện tại, dịch vụ Mobile Money của 3 nhà mạng trên tuân thủ theo các quy định trong Quyết định 316/QĐ-TTg. Theo đó, dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam hiện có các đặc điểm sau: Thứ nhất, về đăng ký tài khoản. Để đăng ký tài khoản, khách hàng phải được nhà mạng định danh, xác thực, thuê bao di động có thời hạn kích hoạt và sử dụng liên tục ít nhất 3 tháng tính đến thời điểm đăng ký. Mỗi khách hàng chỉ được đăng ký 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi nhà mạng tham gia thí điểm. Thứ hai, phạm vi sử dụng Mobile Money. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ giao dịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam bằng đồng Việt Nam như: thanh toán tiền điện, nước, Internet; nộp các loại phí; mua sắm hay thanh toán các dịch vụ bảo hiểm, tài chính khác.... Để nạp tiền vào tài khoản Mobile Money, khách hàng có thể nạp tiền mặt trực tiếp tại các điểm kinh doanh, nạp tiền từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử của khách hàng. Khách hàng có thể rút tiền mặt từ tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ tài khoản Mobile Money về tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc rút về ví điện tử. Mobile Money cũng cho phép khách hàng chuyển tiền giữa các tài khoản cùng mạng di động. Thứ ba, về hạn mức sử dụng dịch vụ Mobile Money. Hiện tại, mỗi tài khoản được cấp hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng cho tổng các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. 3.2. Quy mô dịch vụ Mobile Money và tiềm năng phát triển Về số lượng tài khoản Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6 năm 2022, sau hơn 6 tháng triển khai, dịch vụ Mobile Money hiện có hơn 1,72 triệu tài khoản đang hoạt động (có phát sinh giao dịch trong vòng 6 tháng) tăng 4 lần so với tháng 1/2022, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 20%. Trong đó, số lượng người dùng Mobile Money ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo chiếm 67% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ. Viettel là nhà mạng có số lượng tài khoản Mobile Money nhiều nhất với hơn 1 triệu tài khoản, tiếp theo là VNPT có khoảng 500.000 tài khoản. Biểu đồ: Số thuê bao điện thoại di động sử dụng Mobile Money năm 2022 (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông) Báo cáo tóm tắt sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến hết tháng 6/2022, Việt Nam có khoảng 124 triệu thuê bao di động đang hoạt động. So với số thuê bao di động đang hoạt động thì số lượng tài khoản Mobile Money đăng ký còn khá thấp, chỉ chiếm chưa tới 1,4%. Mobile Money là dịch vụ mới được triển khai tại Việt Nam nên để thu hút được khách hàng sử dụng cần phải có một quá trình. Do vậy, với thời gian triển khai ngắn nên tỷ lệ số thuê bao di động đăng ký tài khoản Mobile Money thấp như trên cũng không phải là điều đáng lo ngại. Mặt khác, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam là khoảng 70%, 30% người trưởng thành còn lại chưa có tài khoản ngân hàng – đây là nhóm sẽ bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ, ví điện tử... Như vậy Mobile Money vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Về số điểm kinh doanh Sau hơn 6 tháng triển khai, các nhà mạng đã xây dựng được 7.834 điểm kinh doanh phủ khắp 63 tỉnh, 13
  4. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN thành phố trong cả nước, trong đó có 3.757 điểm kinh doanh (chiếm gần 48%) thuộc vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo. Để đưa dịch vụ này đến gần hơn với người dân, Viettel đã tổ chức mô hình “Chợ 4.0 – Chợ không tiền mặt” tại tất cả các tỉnh, thành phố với 122 chợ, tổng số điểm công nghệ thông tin phát triển tại dự án chợ đạt 12.132 điểm. VNPT đã phát triển hơn 2.400 điểm kinh doanh và hơn 10.000 điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money trên cả nước. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng đã triển khai hàng ngàn điểm tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ cập dịch vụ đến người dân. Về giá trị giao dịch Tính đến hết tháng 3/2022 đã có hơn 8,5 triệu giao dịch thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ bằng Mobile Money được thực hiện với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng. Thông tin thống kê từ các nhà mạng cho thấy Mobile Money mới chỉ được dùng chủ yếu trong các dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia, một số dịch vụ hành chính công, các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông, giáo dục, nhiều giao dịch thanh toán khác chưa sử dụng đến dịch vụ này. Mobile Money được triển khai ở Việt Nam khi hình thức thanh toán di động đã phát triển với nhiều phương thức như ví điện tử, quét mã QR... Tuy nhiên, để sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại trên đòi hỏi người dùng phải có một khối lượng kiến thức nhất định về công nghệ, tài chính…, phải có điện thoại thông minh và có kết nối Internet. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. Số lượng người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa không được phủ Internet vẫn còn nhiều và đây chính là nhóm khách hàng tiềm năng cho Mobile Money. 3.3. Ưu điểm của dịch vụ Mobile Money Mobile Money ra đời mang đến cho người dùng một phương thức TTKDTM mới bên cạnh các phương thức thanh toán đã phổ biến như thẻ, ví điện tử, quét mã QR… Tuy ra đời muộn hơn nhưng phương thức thanh toán này có những ưu điểm có thể thu hút người dùng. Một số ưu điểm nổi bật là: Thứ nhất, cách đăng ký và sử dụng đơn giản, người dùng có thể đăng ký, nạp tiền, chuyển tiền, rút tiền tại các điểm giao dịch của nhà mạng hoặc ngay trên điện thoại. Thứ hai, người dùng có thể sử dụng Mobile Money trên mọi loại điện thoại di động, không nhất thiết phải có điện thoại thông minh. Nhờ vậy, những người dân nghèo không đủ điều kiện để sở hữu điện thoại thông minh vẫn có thể sử dụng dịch vụ này trên những chiếc điện thoại bình dân của họ. Thứ ba, Mobile Money không yêu cầu liên kết với tài khoản ngân hàng nên những người không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền qua điện thoại di động. Điều này mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ TTKDTM cho những người dân không có tài khoản ngân hàng, những người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi còn hạn chế về Internet, mạng lưới ngân hàng chưa phát triển, góp phần đạt được mục tiêu mà Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã đề ra. Thứ tư, Mobile Money ra đời làm tăng thêm hình thức TTKDTM cho các khoản thanh toán nhỏ lẻ để người dân lựa chọn, góp phần giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Thứ năm, Mobile Money với các giao dịch tài chính nhỏ, đơn giản sẽ giúp người dân quen dần với hình thức thanh toán mới, quen dần với việc sử dụng công nghệ trong thanh toán. Đây sẽ là bước đệm để nhóm khách hàng này chuyển sang làm quen và sử dụng các dịch vụ ngân hàng trong tương lai. 3.4. Hạn chế và rủi ro của Mobile Money Bên cạnh các ưu điểm kể trên, Mobile Money cũng còn một số hạn chế, rủi ro. Cụ thể là: Thứ nhất, quy trình giao dịch chưa thuận tiện. Để nộp tiền hoặc rút tiền người dân phải đến các điểm kinh doanh của nhà mạng, nộp/rút tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng, nộp/ rút tiền từ tài khoản thanh toán ví điện tử của khách hàng. Như vậy khách hàng phải thực hiện nhiều 14
  5. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN thao tác, điều này làm cho việc sử dụng Mobile Money trở nên phức tạp hơn so với một số ứng dụng thanh toán hiện nay. Bên cạnh đó, khách hàng không được nạp tiền vào tài khoản Mobile Money bằng thẻ nạp tiền điện thoại mà các nhà mạng đã phát hành. Đây cũng là một hạn chế của Mobile Money. Thứ hai, Mobile Money là phương thức TTKDTM mới được triển khai ở Việt Nam. So với các phương thức TTKDTM khác như thẻ, ví điện tử, quét mã QR… thì nó ra đời khá muộn. Phần lớn người dân đã quen với các phương thức thanh toán không tiền mặt ra đời trước đó nên thị phần của Mobile Money còn lại nhỏ và sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn. Thứ ba, thị phần chính của Mobile Money là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thói quen thanh toán tiền mặt cũng như những hạn chế về kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ như chỉ biết sử dụng điện thoại di động để nghe, gọi, không biết nhắn tin, không biết đọc tin nhắn … cũng là rào cản lớn khi các nhà mạng tiếp cận nhóm khách hàng này. Thứ tư, theo quy định hiện hành, các tài khoản Mobile Money chỉ được phép chuyển tiền giữa các tài khoản cùng mạng di động, chưa cho phép chuyển tiền giữa các tài khoản khác mạng nên việc thanh toán gặp nhiều khó khăn vì không phải tất cả khách hàng đều sử dụng một mạng di động. Đây cũng là một điểm trừ lớn đối với dịch vụ Mobile Money. Bên cạnh những khó khăn trên, khi sử dụng dịch vụ Mobile Money, khách hàng còn có thể gặp một số rủi ro như: Giao dịch bị lặp. Rủi ro này xảy ra khi tin nhắn SMS của một giao dịch qua Mobile Money gửi nhiều bản sao đến nhà mạng và hệ thống có thể hiểu là nhiều giao dịch từ khách hàng. Số điện thoại di động của khách hàng bị chiếm đoạt bằng các thủ đoạn của kẻ gian, sau đó kẻ gian thực hiện giao dịch bất hợp pháp thông qua tài khoản Mobile Money gắn với số điện thoại này. Việc gửi tin nhắn lừa đảo nhằm chiếm đoạt số điện thoại của người khác đang có dấu hiệu tăng lên thời gian gần đây. Điều này khiến cho một số người dân có tâm lý e ngại trong việc đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money. Nhân viên nhà mạng lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để truy cập và khai thác thông tin khách hàng, sử dụng các thông tin này vào mục đích khác. 4. Một số đề xuất nhằm phát triển Mobile Money Dịch vụ Mobile Money đã được triển khai thí điểm tại Việt Nam và được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia. Để dịch vụ Mobile Money được triển khai thành công và có thể hoàn thành sứ mệnh của mình, tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị sau: Đối với các nhà mạng Một là, việc sử dụng dịch vụ Mobile Money tuy đơn giản hơn so với các dịch vụ qua thẻ hoặc ví điện tử nhưng đây là dịch vụ tương đối mới. Do vậy, các nhà mạng cần hướng dẫn thật kỹ cho khách hàng, đặc biệt là đối với khách hàng lần đầu sử dụng công nghệ trong giao dịch tài chính, về cách sử dụng, thông tin cho khách hàng biết những lợi tích và rủi ro họ có thể gặp khi sử dụng dịch vụ này. Hai là, các nhà mạng cần thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo khách hàng về việc bảo mật các thông tin cá nhân liên quan đến dịch vụ, kịp thời cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo mới của bọn tội phạm cho khách hàng. Ba là, các nhà mạng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các đại lý trong quá trình cung ứng dịch vụ nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận từ đại lý. Điều này vừa giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng vừa bảo vệ danh tiếng cho nhà cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, các nhà mạng cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, xây dựng hệ thống cung 15
  6. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN cấp dịch vụ có tính bảo mật cao để đề phòng tấn công, xử lý triệt để tình trạng SIM rác. Các nhà mạng cũng cần có hệ thống ghi nhận các rủi ro, đánh giá các nguy cơ, các phương án có thể xảy ra để ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. Đối với các cơ quan chức năng Thứ nhất, cần nới hạn mức giao dịch. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có gần 40% số người đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money là ở khu vực thành thị nên hạn mức giao dịch 10 triệu đồng/tháng cho các giao dịch thiết yếu vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu người dùng. Thứ hai, cho phép liên thông dịch vụ Mobile Money giữa các nhà mạng. Các cơ quan chức năng cần sớm cho phép chuyển tiền bằng Mobile Money giữa các nhà mạng để tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ này, từ đó thu hút nhiều người sử dụng dịch vụ Mobile Money. Thứ ba, cần thay đổi quy định thuê bao di động đã được nhà mạng định danh, xác thực phải có thời hạn kích hoạt và sử dụng liên tục ít nhất 3 tháng mới được đăng ký tài khoản Mobile Money. Khi thuê bao di động đã được nhà mạng định danh, xác thực thì nên cho đăng ký sử dụng dịch vụ ngay để không gây khó khăn cho người dân. Thứ tư, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia để tạo thuận lợi cho việc kết nối liên thông giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản Mobile Money. Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế giám sát chéo để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa tình trạng các nhà mạng sử dụng tiền trong tài khoản Mobile Money của khách hàng để sử dụng vào mục đích khác. 5. Kết luận Nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính là một trong những mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc triển khai thí điểm Mobile Money được kỳ vọng sẽ góp phần đạt được mục tiêu trên. Mặc dù vậy việc triển khai dịch vụ Mobile Money hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Qua phần phân tích thực trạng và những khuyến nghị ở trên hy vọng bài viết này sẽ góp phần phát triển bền vững dịch vụ Mobile Money trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2021), Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. 2. Hữu Tuấn (2022), Nhà mạng đề xuất giải pháp để Mobile Money bứt tốc, Báo điện tử truy cập tại: https:// baodautu.vn/nha-mang-de-xuat-giai-phap-de-mobile-money-but-toc-d170070.html. 3. Nguy cơ bảo mật và rủi ro trong triển khai Mobile Money, Báo điện tử truy cập tại: vn/vi/nguy-co-bao-mat-va-rui-ro-trong-trien-khai-mobile-money. 4. TS. Phùng Thế Hùng (2019), Xu hướng phát triển dịch vụ Mobile Money trên thế giới – thời cơ và thách thức đối với Việt Nam, Báo điện tử truy cập tại: dich-vu-mobile-money-tren-the-gioi-thoi-co-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-25391.html. 5. TS. Trần Hùng Sơn – ThS. Huỳnh Thị Ngọc Lý (2020), Mobile Money: Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam, Báo điện tử truy cập tại: nghiem-the-gioi-va-ham-y-cho-viet-nam-81013.html. 6. Website: https://vnpt.com.vn/ https://vietteltelecom.vn/ https://www.mobifone.vn/ https://mic.gov.vn 16
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2