intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thuốc ngủ - Dùng sao cho an toàn?

Chia sẻ: Mi Sa | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:3

115
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thuốc ngủ - Dùng sao cho an toàn? Ai cũng biết thuốc ngủ là thuốc giúp chúng ta đi vào giấc ngủ khi bị mất ngủ. Tuy nhiên, có phải ai cũng có thể sử dụng thuốc ngủ hay không và sử dụng thuốc ngủ như thế nào cho an toàn, hợp lý và hiệu quả thì lại chưa được người sử dụng quan tâm một cách đầy đủ. Cùng với sự phát triển của xã hội, những áp lực về vấn đề học hành, công việc cũng như gia đình đối với mỗi người ngày càng tăng lên dẫn đến...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thuốc ngủ - Dùng sao cho an toàn?

  1. Thuốc ngủ - Dùng sao cho an toàn? Ai cũng biết thuốc ngủ là thuốc giúp chúng ta đi vào giấc ngủ khi bị mất ngủ. Tuy nhiên, có phải ai cũng có thể sử dụng thuốc ngủ hay không và sử dụng thuốc ngủ như thế nào cho an toàn, hợp lý và hiệu quả thì lại chưa được người sử dụng quan tâm một cách đầy đủ. Cùng với sự phát triển của xã hội, những áp lực về vấn đề học hành, công việc cũng như gia đình đối với mỗi người ngày càng tăng lên dẫn đến ngày càng nhiều những trường hợp bị rối loạn giấc ngủ, mà hay gặp nhất là mất ngủ. Giấc ngủ tự nhiên của con người không phải là sự ngừng hoạt động hoàn toàn mà nó là một dạng hoạt động đặc biệt của cơ thể, giúp phục hồi năng lượng tiêu hao khi thức. Do vậy, khi mất ngủ kéo dài sẽ gây ra sự suy sụp về thể chất lẫn tinh thần và đòi hỏi phải có những biện pháp để khôi phục giấc ngủ. Mất ngủ Có nhiều cách để phân loại mất ngủ. Nếu chia theo thời gian có 2 loại: mất ngủ tạm thời (1-2 ngày) và mất ngủ mạn tính. Nếu chia theo giai đoạn giấc ngủ thì có mất ngủ đầu giấc (khó bắt đầu giấc ngủ), mất ngủ giữa giấc (khó duy trì giấc ngủ) và mất ngủ cuối giấc (thức dậy sớm). Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số người bị mất ngủ do tác động của ngoại cảnh (tiếng ồn, lạ chỗ, du lịch đến nơi có múi giờ thay đổi) hay do thói quen ăn uống không hợp lý (ăn no quá hoặc đói quá). Việc sử dụng các chất kích thích (chè, cà phê), một số loại thuốc (thuốc điều trị trầm cảm, thuốc kích thích thần kinh trung ương…) cũng gây mất ngủ. Nhiều trường hợp bị mất ngủ do phiền muộn, stress hay tình trạng bệnh lý. Khi nào cần gặp bác sĩ? Nếu mất ngủ do những tác động bên ngoài, do thói quen ăn uống, do sử dụng thuốc, chất kích thích thì nên loại bỏ những yếu tố tác động đó. Nếu chỉ mất ngủ 1-2 đêm, việc uống thuốc ngủ có thể giải quyết tốt tình trạng này. Khi bị sang chấn tinh thần nặng nề hoặc căng thẳng, thuốc ngủ có thể thích hợp trong một thời
  2. gian ngắn nhằm giúp chúng ta vượt qua căng thẳng và tránh các hậu quả về tâm lý sau một đêm không ngủ. Nhưng nếu mất ngủ kéo dài (trên 1 tuần) thì nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân mất ngủ và được tư vấn biện pháp điều trị hợp lý, không nên tự ý sử dụng thuốc ngủ kéo dài theo kinh nghiệm. Chỉ sử dụng thuốc ngủ khi không còn biện pháp điều trị nào khác. Thuốc ngủ có thể gây rối loạn về tuần hoàn và hô hấp. Tác hại của thuốc ngủ Thuốc ngủ giúp khôi phục giấc ngủ nhanh, tạo giấc ngủ sâu nhưng thường là ngủ mê mệt và sau khi tỉnh dậy người bệnh thường cảm thấy đầu óc nặng nề, đau đầu và mỏi người. Ngoài những hậu quả có thể thấy ngay đó thì thuốc ngủ còn có rất nhiều tác dụng không mong muốn khác. Chính vì vậy, đa số các loại thuốc ngủ đều là thuốc phải kê đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Ngay cả với một số thuốc không cần kê đơn (như thuốc ngủ từ thảo dược chẳng hạn) cũng không có nghĩa là những thuốc đó an toàn. Đa số thuốc ngủ (bacbiturat, benzodiazepine) khi dùng kéo dài sẽ gây “lờn” thuốc, người bệnh dùng liều hiện tại không có tác dụng mà phải tăng liều liên tục. Các thuốc này cũng có thể gây nghiện cho bệnh nhân nếu sử dụng không đúng chỉ định như dùng quá liều hay dùng quá thời gian; bệnh nhân bị phụ thuộc vào thuốc, không có thuốc thì không thể ngủ lại được. Nếu ngừng thuốc đột ngột, sẽ gây hội chứng cai thuốc: đau đầu, chóng mặt, dễ bị kích thích, mất ngủ, run cơ, đau nhức xương khớp… Để tránh hiện tượng này thì không nên dùng thuốc kéo dài, phải có thời gian nghỉ trong khi dùng thuốc, khi ngừng thuốc cần giảm liều từ từ.
  3. Thuốc ngủ được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua thận; vì vậy, nếu chức năng gan, thận càng suy yếu, thuốc ngủ sẽ tồn tại trong cơ thể càng lâu. Do đó người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc bệnh gan, thận nên hạn chế dùng loại dược phẩm này. Và chỉ nên dùng liều thấp, không dùng kéo dài. Thuốc ngủ gây ức chế hô hấp và dễ gây rối loạn hô hấp, rất nguy hiểm với những bệnh nhân có bệnh về hô hấp (bệnh phổi mạn tính, bèo phì…). Thuốc ngủ đa số đều gây hại cho thai nhi khi sử dụng cho phụ nữ có thai, một số thuốc còn gây dị dạng, quái thai. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những đứa trẻ sinh ra bởi những bà mẹ lạm dụng thuốc ngủ có chỉ số IQ thấp hơn nhiều những đứa trẻ bình thường cùng lứa tuổi. Trung bình cứ 10 trẻ em bị tác động bởi việc người mẹ lạm dụng thuốc ngủ, thì có ít nhất một trẻ bị mắc chứng tự kỷ, ngoài ra còn có nhiều nguy cơ mắc các chứng bệnh khác chẳng hạn như: động kinh, bệnh đau nửa đầu... Mất ngủ là biểu hiện của một bệnh nào đó, chứ không phải là nguyên nhân. Sử dụng thuốc ngủ chỉ giúp điều trị triệu chứng, không giúp tìm ra nguyên nhân của bệnh. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc ngủ không hợp lý còn dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do vậy, muốn có giấc ngủ ngon, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để có được liệu pháp điều trị hiệu quả. DS.Ngô Thị Thu Trang
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2