intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập tự chủ Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập tự chủ Việt Nam" đã khảo sát và phát hiện một số vấn đề tồn tại để từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện mô hình tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập tự chủ tại Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập tự chủ Việt Nam

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 TÍNH GIÁ DỊCH VỤ ĐÀO TẠO TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP TỰ CHỦ VIỆT NAM PRICING EDUCATION SERVICE IN VIETNAM AUTONOMOUS PUBLIC UNIVERSITIES TS. Hoàng Thị Bích Ngọc Trường Đại học Thương Mại Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Cân bằng quyền tự chủ tăng lên với trách nhiệm giải trình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các chính phủ quốc gia về hiệu quả chi phí và công khai đảm bảo chất lượng có lẽ là thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Quyền tự chủ là một động lực, điều kiện tiên quyết để thực hiện chính sách giá dịch vụ đào tạo dựa trên chi phí đầy đủ trong các trường đại học công lập. Dịch vụ đào tạo là loại hàng hóa công đặc biệt và mô hình tính giá phù hợp nhất với loại dịch vụ này là dựa trên chi phí đầy đủ. Cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 16/2015-CP đã quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, xóa bỏ bao cấp qua giá, từng bước tính đủ chi phí hướng tới có tích lũy cho cơ sở giáo dục đại học. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính trên cơ sở kết hợp phương pháp nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn chuyên gia, các nhà quản lý và thực hành kế toán tại 23 trường đại học công lập tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP/2004, tác gỉa đã khảo sát và phát hiện một số vấn đề tồn tại để từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện mô hình tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập tự chủ tại Việt Nam. Từ khóa: giá, dịch vụ đào tạo, tự chủ ABSTRACT Balancing autonomy and accountability to meet growing demands from national governments for cost-effectiveness and quality assurance is perhaps a major challenge for public higher education institutions. Autonomy is a driving force, a prerequisite for the implementation of full cost-based education service pricing policy in public universities. Education services are a special kind of public services, and the pricing model best suited for this type of service is based on full cost. The financial autonomy mechanism under Decree 16/2015-CP specifically stipulates prices, fees and the roadmap for calculating public service prices, eliminating price subsidies, gradually calculating full costs towards having accumulated for higher education institutions. Using qualitative research methods based on a combination of document research methods, interviews with experts, managers and accountants at 23 autonomous public universities due to Resolution 77/NQ- CP/2004, the author has surveyed and discovered some existing problems to make recommendations to improve the pricing model for education services at autonomous public universities in Vietnam. Key words: price, education service, autonomy. 1896
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 1. Giới thiệu Cùng với quá trình hội nhập sâu, rộng, tự chủ đại học cũng trở thành xu thế tất yếu tại Việt Nam. Vấn đề tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt nam đã có những bước phát triển rõ rệt trong thời gian qua, từ chỗ Bộ giáo dục và đào tạo quản lý chặt chẽ mọi hoạt động, các cơ sở giáo dục đại học đã dần được trao quyền tự chủ. Theo Luật giáo dục đại học 2012 “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”. Cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 16/2015-CP đã quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, xóa bỏ bao cấp qua giá, từng bước tính đủ chi phí: Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Trong bối cảnh số lượng học sinh nói chung và sinh viên đại học nói riêng đã và đang tăng lên nhanh chóng rất khó có thể tăng mức đầu tư bình quân cho mỗi sinh viên từ NSNN và hoạt động đào tạo ngày càng tiếp cận gần hơn với cơ chế thị trường nên muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì xu hướng tất yếu là phải tăng thu học phí. Vì thế, cơ chế tự chủ là giải pháp thích hợp để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tăng tính tự chủ, tự chịu trách cho các trường đại học công lập. Thực hiện cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng đòi hỏi các trường đại học công lập cần xác định giá dịch vụ giáo dục để chủ động nguồn thu, trang trải chi phí và có tích lũy hợp lý nhằm mở rộng qui mô và nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Vì thế nghiên cứu mô hình tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập tự chủ là cấp thiết trong điều kiện hiện nay. 2. Cơ sở lý thuyết về dịch vụ đào tạo và mô hình tính giá dịch vụ đào tạo Tổng quan nghiên cứu về mô hình tính giá dịch vụ đào tạo Tính giá dịch vụ đào tạo trong các trường Đại học nói chung và các trường Đại học công lập tự chủ nói riêng là vấn đề phức tạp xuất phát từ sự phức tạp trong định nghĩa về giá dịch vụ đào tạo. Nghiên cứu về mô hình tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập đã thu hút được sự tham gia của giới học giả và những người hành nghề kế toán. Nghiên cứu của Nguyễn Bá Nhẫm, Đàm Văn Huệ (2014) về học phí và lộ trình tính đủ chi phí đối với đào tạo trong học phí đào tạo đại học tại Đại học Kinh tế quốc dân trong điều kiện tự chủ về tài chính, đã nêu ra sự khác nhau giữa học phí và giá phí dịch vụ đào tạo, đã xác định và nhận diện các khoản chi thường xuyên tính vào kinh phí đào tạo của trường, từ đó làm cơ sở xây dựng dự toán kinh phí đào tạo (trung bình) cho một sinh viên hệ đại học chính quy đại trà. Bài viết cũng đưa ra quan điểm và đề xuất về lộ trình tính đủ chi phí đào tạo trong học phí đào tạo đại học trường Đại học Kinh tế quốc dân giai đoạn 2014 – 2015. Nghiên cứu về chính sách giá học phí của Phùng Xuân Nhạ và cộng sự (2012, 2016), Trần Quang Hùng (2016), Lê Văn Dụng (2017) đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về chính sách học phí đại học công lập tại Việt Nam, kinh nghiệm xây dựng giá học phí tại một số quốc gia trên thế giới làm cơ sở khảo sát thực trạng giá học phí tại một số trường đại học công lập tại Việt nam từ đó phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách học phí giáo dục đại học công lập. Nghiên cứu của Phạm Văn Trường, Ngô Thanh Hoàng (2016), Nguyễn Thị Hồng Nga (2018) về xác định chi phí hình thành giá dịch vụ đào tạo. Các tác giả đã xây dựng qui trình tính giá thành đơn vị dịch vụ đào tạo là cơ sở để tính giá học phí dịch vụ đào tạo tại một số trường đại học công lập tự chủ tại Việt Nam. Trên cơ sở những đánh giá về thực trạng xác định giá học phí, nhóm các tác giả đề xuất các giải pháp về tính giá học phí tại khối các trường kinh tế, trường đại học công nghiệp Hà nội. Tổng quan các công trình nghiên cứu trong nước cho thấy các nghiên cứu về tính giá dịch vụ đào tạo trong các trường đại học công lập tự chủ Việt Nam đang 1897
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 thu hút được đông đảo sự quan tâm của các nhà khoa học, cơ quan chính sách... Các công trình nghiên cứu đã giải quyết được các vấn đề có liên quan đến tính giá dịch vụ đào tạo như: Phân tích các yếu tố chi phí cấu thành giá dịch vụ đào tạo, phương pháp xác định chi phí và tính giá dịch vụ đào tạo. Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu về tính giá dịch vụ đào tạo, thuật ngữ phương pháp tính giá và mô hình tính giá còn chưa được sử dụng nhất quán. Kết quả từ các công trình nghiên cứu mang tính chuyên biệt về phương pháp tính giá dịch vụ đào tạo tại một trường đại học công lập hoặc một nhóm trường đại học công lập nhưng ở trong bối cảnh tự chủ tài chính ở mức độ thấp. Còn thiếu vắng những nghiên cứu có tính khái quát về mô hình tính giá dịch vụ đào tạo trong các trường đại học công lập tự chủ có mức độ tự chủ cao . Do đó, cần thiết bổ sung các nghiên cứu về mô hình tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập tự chủ tại Việt Nam. Dịch vụ đào tạo Đào tạo là nhiệm vụ chính của trường đại học bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Dịch vụ giáo dục đào tạo là loại hàng hóa công đặc biệt. Thật vậy: Xét trên khía cạnh kinh tế học việc xác định hàng hóa công cộng hay cá nhân dựa trên tính loại trừ và cạnh tranh. Tính loại trừ thể hiện khả năng ngăn cản việc sử dụng hàng hóa của ai đó hay không khi nó được cung cấp tức là quá trình tiêu dùng hàng hóa cá nhân này có ảnh hưởng tới việc hưởng thụ hàng hóa hay dịch vụ đó của người khác hay không. Tính cạnh tranh được thể hiện ở chỗ quá trình tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của cá nhân này có ảnh hưởng tới việc hưởng thụ hàng hóa và dịch vụ đó của người khác hay không. Theo quan điểm UNESCO (2015), giáo dục đại học có đặc trưng của hàng hóa công cộng vì nó không có tính cạnh tranh và loại trừ. Theo đó, mọi người đều có thể sử dụng hàng hóa và dịch vụ chung với nhau và rất khó hoặc không thể thu tiền đối với hàng hóa này khi nó được cung cấp. Theo (Cohen & Henry, 2001), giáo dục đại học là lĩnh vực đồng thời thỏa mãn hai tiêu chí cơ bản của một hàng hóa công cộng. Tiêu chí một là tính thiết yếu của dịch vụ, là tiền đề cho việc phát triển kinh tế xã hội và còn để tạo nên mối liên kết xã hội. Tiêu chí hai là nó bị rơi vào vùng cơ chế thị trường bị thất bại mà biểu hiện rõ nhất của nó là tác động ngoại biên cũng như tác động lan tỏa dương đối với xã hội và thông tin bất đối xứng. Tác động ngoại biên thể hiện ở việc nếu có trình độ giáo dục cao hơn thì sẽ hạn chế được tội phạm, tăng năng suất lao động, tuổi thọ cao hơn, ít phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước hơn. Theo quan điểm của WB (2018) thì giáo dục đại học chứa đựng nhiều yếu tố của hàng hóa tư nhân vì nó có cả 2 tính chất lọai trừ và cạnh tranh. Tính loại trừ còn được thể hiện khi một sinh viên này giành được chỗ học trong trường đại học thì đương nhiên sẽ loại trừ và ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của một cá nhân khác. Dịch vụ giáo dục đại học nên được coi là hàng hóa tư nhân được thụ hưởng trực tiếp từ người tiêu dùng nên hoàn toàn có thể được cung cấp bởi bộ phận tư nhân vì thế chúng hoàn toàn có thể thu tiền khi nó được cung cấp. Hơn nữa vì là hàng hóa cá nhân nên nó có thể được cung cấp theo cơ chế thị trường dựa trên quan hệ cung cầu. Như vậy, dịch vụ giáo dục đại học có nhiều đặc trưng của hàng hóa công nhưng chứa đựng nhiều yếu tố của hàng hóa tư. Lauglo (1995) cho rằng giáo dục được coi là hàng hóa công không thuần túy. Các mô hình tính giá dịch vụ đào tạo Giá dịch vụ sự nghiệp công là giá mà đơn vị sự nghiệp đưa ra hoặc cơ quan có thẩm quyền qui định được người sử dụng dịch vụ chấp nhận và phù hợp với mục tiêu quản lý kinh tế xã hội của nhà nước mỗi thời kỳ. Tùy theo từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, mức độ bao cấp từ ngân sách nhà nước cho dịch vụ sự nghiệp công đó có hay không mà giá dịch vụ sự nghiệp công được xác định theo quan hệ cung cầu thị trường hay theo giá nhà nước qui định. Đối với các dịch 1898
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 vụ công có tính chất xã hội hóa cao không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thì giá dịch vụ có tính chất như giá cả trong cơ chế thị trường, giá dịch vụ công bù đắp mọi chi phí và có tích lũy hợp lý cho cơ sở cung cấp dịch vụ công. Đối với dịch vụ có các tính chất xã hội hóa không cao, thường sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, thì nhà nước xác định giá cho loại hình này theo chi phí cung ứng dịch vụ cung và khả năng trợ cấp từ ngân sách (qui định khung giá trần và giá sàn). Lúc này giá dịch vụ sự nghiệp công có thể bù đắp chi phí hoặc không bù đắp được chi phí. Khi đó nhà nước cấp bù theo dự toán, nhiệm vụ được giao hoặc nhà nước có thể trợ cấp cho người thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công. Dịch vụ đào tạo được cung cấp bởi các trường đại học công lập là dịch vụ sự nghiệp công. Dưới góc độ trường đại học là nhà cung cấp dịch vụ đào tạo thì giá dịch vụ đào tạo chính là giá trị bằng tiền mà người nhận cung ứng dịch vụ đào tạo (người học) phải trả cho người cung cấp dịch vụ (cơ sở giáo dục đào tạo) hay giá dịch vụ đào tạo chính là Học phí. Theo điều 65 Luật 34- Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học thì Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Dịch vụ giáo dục đại học là hàng hóa công không thuần túy. Các trường đại học công lập là người cung cấp dịch vụ không phải là các doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn vì lợi nhuận nhưng trên thị trường việc cung cầu các hàng hoá, dịch vụ này vẫn chịu sự điều tiết của quy luật cung cầu. Với những tính chất đặc biệt của dịch vụ giáo dục đại học, học phí đại học công lập không phải là một loại giá cả thông thường được trả cho một loại hàng hóa hoặc dịch vụ tư nhân (Giá cả luôn lớn hơn so với chi phí sản xuất). Giáo dục đại học công lập là một khu vực phi lợi nhuận, thường nhận được kinh phí từ Ngân sách nhà nước để có thể cung cấp dịch vụ giáo dục với mức giá rẻ hơn chi phí bình quân. Bên cạnh đó, các trường đại học công lập cũng có thể nhận được các khoản tài trợ từ cá nhân, tổ chức để có thể cung ứng dịch vụ đào tạo với giá thấp hơn giá thành cung cấp dịch vụ. Như vậy, học phí là một loại giá cả đặc biệt (Jongbloed, 2004) Theo Louise Mancy Smith (2001), Jobber & Fahy (2006) các tổ chức thường định giá dựa trên cơ sở 3 mô hình là mô hình giá dựa trên chi phí; mô hình giá dựa trên nhu cầu và mô hình giá dựa trên cạnh tranh. (1) Định giá dựa trên chi phí: Theo mô hình này định giá chủ yếu dựa vào dữ liệu từ hệ thống kế toán chi phí, ít quan tâm đến sự cạnh tranh và phương diện khách hàng. Theo Miller & Layton (2000) và Dibb & Simkin (2001) giải thích rằng định giá dựa trên chi phí là sử dụng chi phí của một sản phẩm/dịch vụ là điểm khởi đầu trong việc thiết lập giá. Khi chi phí của sản phẩm / dịch vụ đã được xác định thì giá bán sản phẩm cuối cùng được xác định bằng cách tính phần tiền cộng thêm vào chi phí ban đầu. Theo Louise Mancy Smith (2001), định giá trên cơ sở chi phí có thể áp dụng các phương pháp sau (theo tổng chi phí hay chi phí đầy đủ, theo chi phí sản phẩm, theo biến phí). (2) Định giá dựa trên nhu cầu của khách hàng: Theo mô hình này định giá dựa vào giá trị sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Mô hình này quan tâm đến phương diện khách hàng nhưng dữ liệu khó thu thập, có thể định giá quá cao trong ngắn hạn ảnh hưởng tới khả năng sinh lời dài hạn (Hinterhuber, 2008). Theo mô hình này, cấu trúc chi phí của một tổ chức và cạnh tranh trên thị trường ít có vai trò trong định giá. (3) Định giá dựa trên cạnh tranh: Theo mô hình này này định giá dựa trên mức giá dự kiến của đối thủ cạnh tranh nhưng cấu trúc chi phí của một tổ chức và nhu cầu của khách hàng trên thị trường thì ít quan trọng. 1899
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Lambin (2000) cho rằng phương pháp được sử dụng trong việc thiết lập giá trước hết phải tôn trọng các ràng buộc về chi phí và lợi nhuận, nhưng cũng phải phù hợp với độ nhạy cảm về giá của khách hàng cũng như giá của các đối thủ cạnh tranh. Brink (2005: 58) và Kotler (2000) đồng ý và giải thích rằng giá bán đặt ra cho một sản phẩm / dịch vụ phải thỏa mãn cả khách hàng và mục tiêu lợi nhuận của một tổ chức, và rằng các nhà quản lý không thể bỏ qua các lực lượng thị trường khi thiết lập giá của một sản phẩm / dịch vụ, cũng như không thể bỏ qua chi phí. Nghiên cứu của (Filiz Gölpek, 2012) về giá của dịch dụ đào tạo đại học và cầu cá nhân đã phát hiện ra rằng: Việc cung cấp giáo dục đại học chủ yếu được bảo đảm phù hợp với nhu cầu công cộng cũng như nguồn lực sẵn có. Ngoài ra, thực tế là các dịch vụ giáo dục đại học đã tạo ra những lợi ích đáng kể tác động đến nhu cầu của cá nhân. Tuy nhiên, trong giáo dục khó xác định theo cung và cầu và cân bằng giá như được quan sát trong lý thuyết kinh tế. Vì thế định giá dịch vụ đào tạo dựa trên các nguồn lực sẵn có (chi phí) thì sẽ phù hợp. Từ những phân tích ở trên cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, mô hình định giá dựa trên chi phí là phù hợp hơn cả. Thêm vào đó, Tại Việt nam, theo tinh thần nghị định 16 và hướng dẫn về tính giá dịch vụ đào tạo tại thông tư 14/2019, mô hình xác định giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập phù hợp là mô hình định giá trên cơ sở chi phí đầy đủ. 3. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là định tính. Tác giả sử dụng pương pháp nghiên cứu tài liệu và thảo luận chuyên gia để tổng quan lý thuyết về dịch vụ đào tạo và mô hình tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường Đại học công lập. Các qui định pháp lý về cơ chế tự chủ, giá dịch vụ đào đạo được tác giả thu thập từ trang web thuvienphapluat.vn, các nghiên cứu về mô hình tính giá được tác giả thu thập và tổng hợp từ các bài tạp chí, hội thảo qua tìm kiếm trên công cụ google schooler, từ các luận án được đăng tải trên trang web luanvan.moet.gov.vn. Thảo luận chuyên gia được tác giả thực hiện với các học giả nghiên cứu, giảng dạy về tài chính, kế toán công tại một số trường đại học như Học viện tài chính, Đại học Thương Mại, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương. Trên cơ sở mô hình lý thuyết, tác giả tiếp cận khảo sát thực trạng mô hình tính giá dịch vụ đào tạo tại 23 trường đại học công lập tự chủ theo Nghị quyết 77/CP-2004. Tác giả thực hiện phương pháp kết hợp nghiên cứu tài liệu (thu thập thông qua web pages chính thức và các tài liệu về tuyển sinh đào tạo, tài liệu về tài chính, kế toán được cung cấp từ bộ phận đào tạo, kế hoạch tài chính của các trường đại học trong phạm vi khảo sát) và phương pháp phỏng vấn (được thực hiện bằng điện thoại hoặc trực tiếp) với 2 nhóm đối tượng là nhà quản lý và nhân viên phòng kế hoạch tài chính tại các trường công lập tự chủ (nội dung phỏng vấn tập trung vào các qui định về tính giá dịch vụ đào tạo, quá trình tính giá dịch vụ đào tạo, những khuyến nghị với Nhà trường và cơ quan nhà nước về tính giá dịch vụ đào tạo). Từ các thông tin thu thập từ kết quả nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn chuyên sâu, tác giả phân tích và đánh giá mô hình tính giá dịch vụ đào tạo tại các trường đại học công lập tự chủ từ đó đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện mô hình. 4. Các phát hiện và khuyến nghị Thông qua kết quả khảo sát về thực trạng tính giá dịch vụ đào tạo tại 23 trường đại học công lập tự chủ theo Nghị quyết 77/CP-2014 cho thấy: Thứ nhất: Trong giai đoạn tính từ thời điểm các đơn vị nhận được quyết định tự chủ của thủ tướng chính phủ đến thời điểm khảo sát 2020 các trường đều xác định giá dịch vụ đào tạo dựa trên các chi phí hình thành giá dịch vụ theo lộ trình tính giá dịch vụ đào tạo được ban hành bởi Nghị định 16/2015-CP. Tuy nhiên, các trường đều không công bố nội dung các thành phần chi phí cấu 1900
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 thành giá và phương pháp xác định chi phí cấu thành giá dịch vụ đào tạo. Các trường đều không tính chi phí đơn vị dịch vụ đào tạo theo từng ngành/nhóm ngành. Từ kết quả phỏng vấn chuyên sâu với trưởng phòng kế hoạch tài chính tại 1 số trường cho thấy có 2 nguyên nhân do: (1) Tại các trường sinh viên thuộc các ngành/ chuyên ngành sử dụng chung cơ sở vật chất nhưng lại chưa xây dựng được phương thức phân bổ chi phí về cơ sở vật chất riêng cho từng ngành và chuyên ngành trong khi chi phí này chiếm tỷ lệ khá lớn trong chi phí đào tạo của các đơn vị; (2) Các trường đào tạo theo tín chỉ nên sinh viên nhiều ngành học chung lớp học phần nên các khoản chi phí trực tiếp cho hoạt động đào tạo không thể bóc tách cho từng ngành đào tạo, chỉ có thể tính ở mức tương đối chi phí đào tạo bình quân theo nhóm ngành của đơn vị đào tạo. Từ các thông tin các trường công bố về chi phí đào tạo đơn vị và học phí rất khó để so sánh chi phí đơn vị và học phí của các trường ở thời điểm hiện tại vì các trường chỉ công bố thông tin chi phí đào tạo đơn vị chung cho toàn trường theo hệ đào tạo chuẩn (đại trà) không phân biệt ngành/ nhóm ngành nhưng học phí dịch vụ đào tạo được công bố theo từng ngành/ nhóm ngành, theo từng hệ đào tạo chuẩn (đại trà)/chất lượng cao/chương trình tiên tiến… Thứ hai: Trong giai đoạn từ 2015-2020 các trường công lập tự chủ đều dựa vào Khung giá phí theo quy định của Nhà nước tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP để xây dựng học phí trong đề án tự chủ. Khi đề án tự chủ được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết 77 thì sử dụng mức học phí được phê duyệt theo đề án làm mức trần học phí cho các năm tuyển sinh tiếp theo. Từ kết quả phỏng vấn chuyên sâu với cán bộ quản lý và trưởng phòng kế hoạch tài chính tại các trường đại học công lập tự chủ cho thấy: (1) Bên cạnh yếu tố chi phí đào tạo, các trường còn căn cứ vào một số yếu tố như qui mô tuyển sinh, khả năng sẵn sàng chi trả của người học, chi phí của Trường bạn trong cùng phân khúc đào tạo để xác định học phí. Tùy thuộc vào trường đào tạo đơn ngành hay đa ngành mà giá học phí có sự điều chỉnh giữa các ngành đào tạo. (2) Yếu tố chi phối đến quyết định giá dịch vụ đào tạo không phải là chi phí đơn vị mà là qui định về giá trần dịch vụ đào tạo đã được qui định về học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Có thể tóm tắt mô hình xác định giá dịch vụ đào tạo hiện đang được các trường áp dụng như sau: Chi phí đơn vị Dự kiến qui Khả năng chi Học phí các đào tạo năm trước mô tuyển sinh trả người học trường lân cận năm nay Học phí được phê Học phí năm duyệt theo Đề án tuyển sinh tự chủ Tự chủ giáo dục đại học là một vấn đề phức tạp đang được áp dụng thử nghiệm cần có thời gian điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều nội dung của cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học chưa được hiểu một cách thống nhất đặc biệt là chính sách giá dịch vụ đào tạo. Giữa các văn bản pháp lý có sự không thống nhất về tính giá dịch vụ đào tạo. Theo tinh thần của Luật 34 luật sửa đổi và bổ sung điều luật giáo dục đại học 2012 có hiệu lực 2019, Nghị định 16/NĐ-CP thì các trường tự chủ tài chính hoàn toàn được tự xác định mức học phí. Tuy nhiên, Nghị định 86/NĐ-CP lại qui định mức trần về học phí cho các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ. Cho tới nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về khái niệm “ học phí” và “ giá dịch vụ đào tạo” vì thế khi triển khai chính 1901
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 sách giá dịch vụ đào tạo tại các Nhà trường còn chậm. Việc qui định mức giá trần học phí là một nguyên nhân khiến cho các Nhà trường không có động lực để tìm ra phương pháp xác định chi phí dịch vụ đào tạo cho từng ngành/ chuyên ngành vì việc xác định thì khó khăn mà không được sử dụng vào việc gì. Do vậy, để đảm bảo thực hiện thực chất cơ chế tự chủ cho các trường đại học, đặc biệt là tự chủ về học phí, một số khuyến nghị được đưa ra với cơ quan chức năng nhà nước và các trường đại học công lập tự chủ như sau: Khuyến nghị với cơ quan chức năng của nhà nước. Thứ nhất: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thực hiện tự chủ trong lĩnh vực giáo dục đại học. Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý hoạt động của các cơ sở đào tạo công lập để ban hành các Nghị định mới đồng bộ với Nghị định 16/2015. Cần gắn với chủ trương đặt hàng của nhà nước về dịch vụ công và tính đầy đủ chi phí trong giá dịch vụ theo cơ chế thị trường. Đồng thời, Nhà nước thực hiện phương thức hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo để "mua" dịch vụ sự nghiệp công từ thị trường, thay vì chế độ miễn giảm giá dịch vụ thông qua các đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai: Hoàn thiện chính sách học phí và chia sẻ học phí. - Đối với vấn đề học phí cần đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Luật 34 là để các trường tự quyết định mức học phí. Từ năm 2017, học phí không có trong danh mục các loại phí (chịu sự điều chỉnh của Luật phí và lệ phí) mà chuyển sang chịu sự điều chỉnh của Luật giá. Khi đã được coi như giá của dịch vụ đào tạo thì Nhà nước cần có những quy định phù hợp hơn đối với học phí, nên để các trường được chủ động trong xây dựng mức học phí trên cơ sở bù đắp chi phí, nhu cầu của người học, mức độ cạnh tranh và thương hiệu của Nhà trường. - Ban hành các qui định về giải trình trách nhiệm đối với các vấn đề của trường đại học nói chung và chính sách học phí nói riêng. Kết quả giải trình là cơ sở để Nhà nước cho phép các trường được áp dụng mức học phí do trường tự xây dựng. Đối với học phí các trường được xác định mức học phí trên cơ sở giải trình được định mức kinh tế kỹ thuật gắn với chất lượng đào tạo được cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá và công bố. - Xây dựng chính sách hỗ trợ sinh viên: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục cần tạo điều kiện để các đối tượng đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học nếu có nhu cầu. Trong điều kiện giá dịch vụ đào tạo dựa trên cơ sở bù đắp đủ chi phí đào tạo và có tích lũy cho cơ sở giáo dục tái đầu tư, sự chia sẻ học phí với người học không thông qua cấp kinh phí ngân sách về các trường thì cần thay đổi bằng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người học thông qua các chính sách như học bổng, tín dụng sinh viên… Chính sách hỗ trợ này đặc biệt cần thiết cho những đối tượng có thu nhập thấp, các đối tượng có công, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng thuộc dân tộc thiểu số, thể hiện sự nhân văn và tính phúc lợi công cộng. Khuyến nghị với các trường đại học công lập tự chủ Thứ nhất: Hoàn thiện hệ thống định mức trong qui chế chi tiêu nội bộ: Chi phí thực tế tại các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt nam phát sinh không thuần túy xuất phát từ quyết định của nhà quản trị các trường đại học phục vụ cho hoạt động đào tạo mà bị ràng buộc bởi các chính sách khác nhau trong hoạt động giáo dục đào tạo do nhà nước ban hành thể hiện ở các định mức về chi phí liên quan đến quá trình đào tạo. Vì thế, khi giá của dịch vụ đào tạo được xác định trên cơ sở chi phí thực tế bị ràng buộc bởi hệ thống định mức đã lỗi thời thì sẽ không phản ánh được chính xác, khách quan chi phí đào tạo. Vì thế cần xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật 1902
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 khoa học, thực tế làm cơ sở xác định giá dịch vụ đào tạo. Thứ hai: Xây dựng lộ trình để chuyển đổi từ tuân thủ giá dịch vụ đào tạo của nhà nước sang xác định giá dịch vụ đào tạo theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc định hướng: Bù đắp mọi chi phí đào tạo và hướng tới có tích lũy cho cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, các trường đại học, với tư cách là người cung cấp dịch vụ là người có quyền định ra mức học phí dựa vào chất lượng các sản phẩm đào tạo, uy tín và thương hiệu của trường, khả năng cung cấp và các yếu tố khác, phù hợp với khả năng thanh toán chung của xã hội. Quá trình xác định mức học phí với tư cách như một loại giá dịch vụ đào tạo, các trường cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: (1) Mức học phí phải được xây dựng dựa trên việc tính toán và phân bổ hợp lý các chi phí đào tạo, phù hợp với chất lượng đào tạo. Đối với các chương trình đào tạo được đầu tư cao hơn, tốn kém hơn, có cùng độ hấp dẫn đối với người học, về nguyên tắc cần có mức học phí cao hơn. (2) Mức học phí phải giúp nhà trường bù đắp được một phần chi phí quan trọng, đặc biệt là các chi phí tác nghiệp thường xuyên của hoạt động đào tạo (đối với các trường tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên), bù đắp toàn bộ chi phí hoạt động (đối với các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư) đảm bảo cho các trường thực hiện tốt hơn các yêu cầu tự chủ tài chính hướng tới có tích lũy. Thứ ba: Nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường đại học công lập tự chủ. Đối với vấn đề học phí, khi các trường thực hiện mô hình học phí trên cơ sở chi phí đầy đủ cần giải trình minh bạch và rõ ràng chi phí đào tạo của Nhà trường gắn với mức chất lượng đào tạo làm cơ sở xác định giá dịch vụ đào tạo. Những thông tin giải trình này phải được công khai cho người học tiếp cận để lựa chọn trường học, cho xã hội đánh giá, cho nhà nước thực hiện quản lý. 5. Kết luận Theo cơ chế tự chủ tài chính, việc huy động nguồn tài chính và các khoản chi tiêu liên quan đến hoạt động không còn bị ràng buộc cứng nhắc bởi định chế ngân sách nhà nước. Nhà nước sẽ không kiểm soát các trường đại học công lập thông qua kiểm soát các khoản chi theo qui định của ngân sách nhà nước mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ hoạt động và giám sát các trường thực hiện đúng trách nhiệm đã cam kết. Cân bằng quyền tự chủ tăng lên với trách nhiệm giải trình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các chính phủ quốc gia về hiệu quả chi phí và công khai đảm bảo chất lượng có lẽ là thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học hôm nay. Quyền tự chủ là một động lực, điều kiện tiên quyết để thực hiện chính sách giá dịch vụ đào tạo dựa trên chi phí đầy đủ trong các trường đại học công lập. Tài liệu tham khảo [1] Bùi Anh Tuấn, Phạm Thu Hương (2017). Đổi mới cơ chế hoạt động tại trường đại học ngoại thương. Truy cập ngày 2/8/2020, từ http://tapchitaichinh.vn [2] Brink, A (2005). Determining the final price. In Cant, M., ed. Pricing management, South Afica [3] Chính phủ (2014). Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/10/2014 về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014- 2017. [4] Dibb, S. & Simkin, (L. 2001). Marketing briefs: A revision and study guide. Oxford: Butterworth-Heinemann, p. 351. [5] European University Asociation. Towards full costing in European universities.Truy cập ngày 18/8/2020, từ www.eua.be [6] 1903
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 [7] Hinterhuber, A. (2008). Customer value‐based pricing strategies: why companies resist. Journal of Business Strategy, Vol. 29 No. 4, pp. 41- https://doi.org/10.1108/02756660810887079 [8] Kotler, P., (2000). Marketing Management. 10th ed., New Jersey, Prentice-Hall [9] Miller K. & Layton, R. (2000). Fundamentals of marketing. 4th Edition. Sydney: McGraw- Hill, [10] Nguyễn Thị Hồng Nga (2018). Nghiên cứu khung giá phí đào tạo Đại học trong điều kiện tự chủ tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Đề tài cấp trường, Đại học Công nghiệp Hà Nội) [11] Nguyễn Bá Nhẫm, Đàm Văn Huệ (2014) . Bàn thêm về học phí và lộ trình tính đủ chi phí đối với đào tạo trong học phí đào tạo đại học tại Đại học Kinh tế quốc dân trong điều kiện tự chủ về tài chính. Tạp chí Kinh tế và phát triển, số 202 (II), tr. 109-116 [12] Nguyễn Thị Thanh Loan (2019). Phương pháp xác định giá phí dịch vụ đào tạo đại học tại trường đại học công nghiệp Hà nội. Truy cập ngày 2/8/2020, từ http://tapchitaichinh.vn [13] Nguyễn Đình Hưng (2018). Bài học kinh nghiệm về tự chủ tài chính ở một số cơ sở giáo dục đại học trên thế giới và ở Việt nam , truy cập ngày 2/8/2020, từ http://tapchicongthuong.vn [14] Phạm Văn Trường và Ngô Thanh Hoàng (2016). Xác định chi phí hình thành giá dịch vụ và công cụ quản lý chi phí dịch vụ đào tạo đại học công lập khối ngành kinh tế trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam. (Đề tài cấp Bộ, Viện chiến lược và chính sách tài chính) [15] Phùng Xuân Nhạ và các cộng sự (2012). Đổi mới cơ chế tài chính hướng tới nền giáo dục đại học tiên tiến, tự chủ. Kỷ yếu hội thảo Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học, Ủy Ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính và UNDP đồng tổ chức, Hà Nội, tháng 11/2012 [16] Phùng Xuân Nhạ và cộng sự (2016). Luận cứ khoa học của việc nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn 2030. (Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, Đại học Quốc gia Hà Nội.) [17] Phùng Xuân Nhạ và Nguyễn Xuân Hoan (2016). Cơ sở khoa học cho việc xác định mức học phí giáo dục đại học: Kết quả từ mô hình Hedonic. Tạp chí Kinh tế và phát triển số 226 tháng 4/2016 [18] UNESCO (2015), Global education digest 2015, Compare education statistics across the world. [19] Quốc hội (2012). Luật Giá. [20] World Bank (2018). Learning to Realize Education’s Promise. Truy cập ngày 2/8/2020, từ http://www.worldbank.org/en/publication/ wdr2018 1904
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2