Tel: (617) 495-1134<br />
TRUNG TÂM DOANH NGHIỆP VÀ CHÍNH PHỦ Fax: (617) 496-5245<br />
79 John F. Kennedy Street, Cambridge, MA 02138 e-mail: david_dapice@harvard.edu<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
TÌNH HÌNH BẤT ỔN Ở NHỮNG NỀN KINH TẾ GIÀU:<br />
LIỆU CÓ ẢNH HƯỞNG XẤU RA SAO<br />
ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN?<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Giáo sư David O. Dapice<br />
Đại học Tufts<br />
<br />
<br />
Chương trình Việt Nam<br />
Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy<br />
Đại học Harvard<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Tháng 8 năm 2002<br />
Lời mở đầu<br />
<br />
Trong số ba khu vực kinh tế giàu có quan trọng, mỗi khu vực đều gặp vấn nạn. Rõ<br />
nhất là Nhật, với tỉ lệ tăng trưởng bình quân đầu người trung bình từ năm 1998 đến<br />
2002 bằng 0, và tỉ lệ tăng trưởng lao động đã ở mức âm kể từ năm 1994. Những ngân<br />
hàng yếu kém, thâm hụt ngân sách cao, và dân số đang lão hóa của Nhật gây ra những<br />
thách thức kinh tế mà nếu càng tồn tại dai dẳng thì sẽ càng khó mà đương đầu nổi.<br />
Khu vực dùng đồng euro (bao gồm phần lớn Liên hiệp châu Âu trừ Vương quốc Anh,<br />
Đan Mạch và Thụy Điển) liên tục có tỉ lệ thất nghiệp cao, các phúc lợi xã hội như trợ<br />
cấp hưu trí ở mức không bền vững, và tỉ lệ sinh sản thấp hơn nhiều so với mức đủ<br />
thay thế lực lượng lao động. Những mức thuế cao đánh vào người lao động có việc<br />
làm vĩnh viễn đã hạn chế tạo ra việc làm trong khu vực tư nhân, và góp phần làm tăng<br />
thâm hụt ngân sách. Mỹ đạt kết quả tốt hơn một chút so với khu vực dùng đồng euro<br />
xét về mặt tăng trưởng GDP bình quân đầu người, và tốt hơn nhiều xét về khía cạnh<br />
lao động, nhưng cán cân thanh toán của Mỹ dường như bị thâm hụt triền miên, và<br />
những vấn nạn đã được bàn tán rất nhiều về bong bóng công nghệ và kế toán doanh<br />
nghiệp đã tăng khả năng bị suy thoái nặng.<br />
<br />
Khi các nền kinh tế quá độ đang tìm cách để phát triển, ít ra ta cũng cảm thấy bất an<br />
khi mỗi nền kinh tế trong ba khối kinh tế lớn dường như đều vướng vào những vấn<br />
nạn trầm trọng. Cũng có thể đầy rủi ro cho một quốc gia muốn theo chân những nước<br />
khác trên con đường tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nếu những thị trường lớn trở nên<br />
bất ổn. Nếu những nước nhập khẩu lớn lâm vào cảnh đình trệ kinh tế quá lâu, lượng<br />
nhập khẩu sẽ tăng không bao nhiêu và các thế lực bảo hộ có thể thúc giục các chính<br />
khách dựng lên những rào cản thương mại. Vì thế, khả năng của những nước giàu<br />
trong việc giải quyết những vấn nạn của họ cũng có ý nghĩa đối với những nước<br />
nghèo hy vọng dùng hội nhập toàn cầu để phát triển. Liệu những vấn nạn của họ có<br />
cơ may khắc phục hay không?<br />
<br />
Những vấn nạn mang tính chu kỳ và mang tính cơ cấu<br />
<br />
Điều quan trọng là phải phân biệt giữa những biểu hiện của chu kỳ kinh tế, hiện vẫn<br />
còn hiện diện dù thường dễ chịu hơn nhiều so với thời kỳ ban đầu, và những vấn nạn<br />
mang tính cơ cấu đã ăn sâu. Kinh tế thị trường đôi khi cũng có sai sót. Có thể họ xây<br />
dựng quá dư thừa nhà cửa cơ ngơi hoặc đầu tư quá nhiều vào một số năng lực sản<br />
xuất. Nếu lượng xây dựng dư thừa chiếm tỉ lệ cao so với tổng sản lượng, thì kết quả<br />
thường là suy thoái. Đây là sự giảm sút tạm thời1 về sản lượng giúp cho những lượng<br />
dư thừa được tái định giá, khấu hao hoặc tìm hướng sử dụng khác. Khi những sai lầm<br />
này được chỉnh sửa, kinh tế sẽ tăng trưởng bình thường trở lại. Phần lớn các đợt suy<br />
thoái chấm dứt trong vòng một năm. Các khoản trợ cấp thất nghiệp giảm bớt khó<br />
khăn trong khi người lao động tìm việc làm mới. Một đợt suy thoái là một cách để<br />
vốn và lao động được tái phân bổ đến những nơi thực sự cần chúng. Suy thoái không<br />
phải là điều dễ chịu, nhưng cũng chẳng phải là sai lầm chết người. Qua kinh nghiệm<br />
<br />
1<br />
Một định nghĩa phổ biến của suy thoái, dù không phải là định nghĩa chính thức, là sản lượng tính theo<br />
giá không đổi giảm sút trong ít nhất hai quý liên tiếp. Gần đây nhất vào năm 2001, Mỹ có ba quý sụt<br />
giảm sản lượng, và khoảng chừng một năm sụt giảm lao động. Nhật có năm năm giảm sút lao động<br />
(1998-2002), và hai năm liên tiếp sụt giảm sản lượng bình quân đầu người vào năm 2001 và 2002.<br />
Khu vực dùng đồng euro có mức tăng trưởng sản lượng và lao động trải đều hơn tuy thấp hơn, ít nhất là<br />
so với Mỹ. Tỉ lệ thất nghiệp của khu vực này xê dịch từ 8% đến 11%, so với 4%-6% của Mỹ và Nhật<br />
trong những năm gần đây.<br />
<br />
<br />
1<br />
đau thương, những nền kinh tế giàu sẽ tìm ra những cách sử dụng chính sách tiền tệ<br />
và thu chi ngân sách, cùng với những chính sách bình ổn khác, để giảm bớt tác động<br />
của suy thoái và rút ngắn thời gian suy thoái trong khi chúng vẫn hoàn thành những<br />
chức năng kinh tế của mình.<br />
<br />
Khác với một chu kỳ kinh tế bình thường, một vấn nạn mang tính cơ cấu là vấn nạn vẫn<br />
diễn ra triền miên trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh cũng như tăng trưởng chậm.<br />
Tỉ lệ thất nghiệp cao ở khu vực dùng đồng euro là một ví dụ. Một ví dụ khác là Nhật<br />
thất bại không tạo ra được việc làm mới hoặc không giải quyết được các khoản nợ vay<br />
ngân hàng khó đòi (hiện đã lên đến hơn 1000 tỉ đô-la) trong suốt nhiều năm. Thâm hụt<br />
cán cân thanh toán triền miên của Mỹ là ví dụ thứ ba. Cần phải nói là thâm hụt cán cân<br />
thanh toán không nhất thiết luôn là một vấn nạn. Nếu các dòng nhập vốn để trang trải<br />
cho khoản thâm hụt được dùng để đầu tư vào hàng xuất khẩu hoặc hàng thay thế nhập<br />
khẩu hiệu quả tạo ra thu nhập để trả nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, thì chẳng có vấn đề<br />
gì cả. Tuy nhiên, thâm hụt của Mỹ trong những năm gần đây không thuộc loại “vô hại”<br />
này, bởi bong bóng công nghệ của Mỹ đã thu hút những nhà đầu tư cổ phiếu và công ty<br />
nước ngoài. Những nguồn vốn này đã đẩy giá trị của đồng đô-la lên đến mức không<br />
bền vững, mà từ đó giá trị đồng đô-la đang giảm xuống.<br />
<br />
Khi một vấn nạn kéo dài dai dẳng, thường là do người ta chẳng làm gì để giải quyết<br />
nó và những cơ chế chỉnh sửa “tự nhiên” khác thì yếu kém hoặc không được phép<br />
hoạt động. Đây chính là điều được gọi là một vấn nạn mang tính cơ cấu. Nó thường<br />
là do thất bại thể chế - một tình huống trong đó chính phủ, các ngân hàng, các công<br />
ty, và những nhóm khác không làm đúng vai trò của họ. Tất cả các hệ thống thỉnh<br />
thoảng cũng gặp thất bại thể chế. Câu hỏi lý thú là một hệ thống nên giải quyết nó<br />
như thế nào. Đôi khi vấn nạn được xác định khá nhanh, các biện pháp khắc phục<br />
được áp dụng, và tổn thất được hạn chế. Trong những trường hợp khác, việc giải<br />
quyết vấn nạn gây ra tổn thương quá lớn – ít ra là đối với một số nhóm quyền lợi nào<br />
đó – đến nỗi người ta liên tục trì hoãn hành động. Khi đó, vấn nạn trở nên trầm trọng<br />
hơn, và việc điều chỉnh cuối cùng có thể rất đau đớn.<br />
<br />
Các thất bại thể chế làm phức tạp hơn việc bình ổn hóa các chu kỳ kinh tế<br />
<br />
Cũng nên hiểu rằng một thất bại thể chế có thể gây cản trở cho khả năng của chính<br />
phủ trong việc bình ổn hóa nền kinh tế vĩ mô. Ta có thể thấy điều này rõ nhất ở Nhật,<br />
dù nó chí ít cũng là một nỗi lo ở Mỹ và khu vực dùng đồng euro. Hãy xét đến một<br />
nước đang bị suy thoái. Phản ứng “bình thường” là hạ lãi suất và giảm thuế, và/hoặc<br />
tăng chi tiêu chính phủ để tổng chi tiêu tăng lên. (Lãi suất thấp khuyến khích đầu tư;<br />
còn giảm thuế giúp cho các hộ gia đình có thu nhập sau thuế cao hơn nên cũng có thể<br />
chi tiêu nhiều hơn). Nhưng nếu các ngân hàng yếu kém, và có nhiều nợ khó đòi, thì<br />
dù lãi suất có giảm các ngân hàng cũng không tăng lượng cho vay. Thay vì thế, họ<br />
dùng nguồn vốn để nuôi sống những doanh nghiệp “đã chết”, và không chịu cấp vốn<br />
vay cho những công ty có thể làm ăn tốt hơn. Để tránh công nhận những khoản nợ<br />
khó đòi, họ làm cho kênh tiền tệ trở nên chậm chạp hoặc vô dụng. Tương tự, nếu một<br />
chính phủ tích lũy gánh nặng nợ vay khổng lồ, người dân bắt đầu thắc mắc liệu họ sẽ<br />
có khả năng trả nợ hay không, hoặc trang trải những khoản trợ cấp hưu trí công cộng<br />
mà họ đã được hứa hay không. Như vậy, giảm thuế hay tăng chi tiêu chỉ khiến cho họ<br />
càng thêm lo lắng. Họ tiết kiệm nhiều hơn phòng khi thuế sẽ tăng lên hoặc các khoản<br />
trợ cấp sẽ bị cắt giảm trong tương lai. Kết quả là nợ vay của nhà nước chèn ép bất lợi<br />
đối với cầu tư nhân, nhưng lại không làm tăng tổng cầu. Những cơ chế này giải thích<br />
<br />
<br />
2<br />
tại sao Nhật có tỉ lệ tăng trưởng thấp như thế dù đã có lãi suất rất thấp và thâm hụt<br />
chính phủ rất cao trong nhiều năm.2<br />
<br />
Làm sao để xác định được thất bại thể chế? Về cơ bản, nếu một vấn nạn trầm trọng<br />
được phép tồn tại mà không ai quan tâm đến, ta có thể đoán rằng có thất bại thể chế.<br />
Phần lớn những vấn nạn đều có thể khắc phục được. Nếu không, có nghĩa là có<br />
những ưu tiên khác quan trọng hơn. Trong một số trường hợp, những người ra quyết<br />
định có thể không tập trung vào một vấn đề cụ thể, và do vậy không nhận ra ngay<br />
chuyện gì đang xảy ra. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy trong nhiều năm, thì rất có thể<br />
không phải là như thế. Nếu họ thực sự nhận ra vấn nạn, nhưng vẫn không chịu giải<br />
quyết nó, thì thường là do giải pháp sẽ gây ra những vấn nạn khác - thường mang tính<br />
chất chính trị. Trong trường hợp Nhật, nhiều công ty yếu kém cung cấp tiền cho chính<br />
đảng cầm quyền, trong khi cử tri nông thôn có ảnh hưởng lớn hơn cử tri thành thị và<br />
cũng nhận được những khoản trợ cấp lớn.3 Kết quả là hệ thống chính trị rất khó thay<br />
đổi tình hình, và thay vì thực hiện những cải cách căn bản, chính phủ chỉ biết vay<br />
mượn và chi tiêu nhiều hơn nữa. Kết quả là một mức nợ chính phủ nặng nề bằng<br />
150% GDP. Những nghĩa vụ nợ khác liên quan đến những đợt bảo lãnh cứu nguy<br />
ngân hàng trong tương lai, các chi phí trợ cấp hưu trí, và những vấn nạn của hệ thống<br />
tiết kiệm bưu điện sẽ đòi hỏi phải có mức lạm phát rất cao hoặc những khoản thanh<br />
toán tính theo giá không đổi thấp hơn nhiều so với những khoản hiện nay đã hứa.<br />
Chính mối nguy hiểm này đã khiến cho mức xếp hạng tín dụng dành cho nợ vay của<br />
chính phủ Nhật bị giáng cấp nhiều lần, hiện nay còn thấp hơn cả Botswana, một nước<br />
ở miền trung nam châu Phi. Trong tất cả những phương án hiện nay, chẳng có<br />
phương án nào dễ dàng cả. Nếu cứ tiếp tục tốc độ cải cách chậm như hiện nay, có thể<br />
sản lượng của Nhật sẽ bị giảm mạnh trong mấy năm tới. (Điều này sẽ có tác động lớn<br />
đối với Việt Nam vì Nhật là một thị trường xuất khẩu lớn và cũng là nước cung cấp<br />
vốn.)<br />
<br />
Tất cả các nước giàu đều gặp phải những vấn nạn thể chế, và chúng lan tràn qua biên<br />
giới các quốc gia<br />
<br />
Trường hợp, hay ví dụ, này minh họa làm thế nào ngay cả một nền kinh tế giàu và<br />
thành công cũng có thể gặp thất bại thể chế trầm trọng. Những tác động (của thất bại<br />
thể chế) có thể nghiêm trọng, thậm chí vượt ra ngoài biên giới của quốc gia gặp thất<br />
bại. Ví dụ, nền kinh tế toàn cầu xưa nay quá phụ thuộc vào cầu (tiêu dùng) từ Mỹ vốn<br />
được xem là “đầu tàu (tăng trưởng)”. Nếu Nhật tăng trưởng như trước đây, hay thậm<br />
chí nhanh bằng châu Âu, Nhật sẽ ca tụng Mỹ là nguồn cầu tiêu dùng, và nền kinh tế<br />
toàn cầu sẽ an toàn hơn. Nhật không tạo ra được một môi trường đầu tư nội địa có khả<br />
năng sinh lợi, nên đã dẫn tới những dòng xuất vốn lớn đã góp phần tạo ra vụ bùng nổ<br />
đầu tư gây ra cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997. Như vậy, trong một thế giới hội<br />
nhập kinh tế, thất bại ở nơi này thường có tác động đến những nơi khác.<br />
<br />
2<br />
Tiếp tục nuôi sống những công ty “ốm yếu” có nghĩa là những công ty vững mạnh hơn phải cạnh<br />
tranh với những đối thủ được trợ cấp một cách không công bằng. Vì thế, ngay cả những doanh nghiệp<br />
mạnh cũng suy yếu do các khoản trợ cấp cho những doanh nghiệp suy sụp. Điều này dẫn tới tình trạng<br />
giảm bớt những công ty vững mạnh chịu cải tiến sáng tạo và nâng cao năng suất. Nguồn lực bị sử dụng<br />
kém hiệu quả.<br />
3<br />
Nghị sĩ được bầu cử theo một khu vực bầu cử, chứ không phải bởi số cử tri bằng nhau. Các khu vực<br />
nông thôn có thể có số cử tri chỉ bằng 1/5 so với khu vực thành thị, thế nhưng mỗi khu vực bầu một<br />
nghị sĩ. Các cử tri nông thôn được hưởng chi tiêu cao hơn dành cho các công trình công cộng, được trợ<br />
cấp nông nghiệp nhiều hơn, và nhiều ưu đãi khác. Họ cũng già và bảo thủ.<br />
<br />
<br />
3<br />
Những vấn nạn ở khu vực dùng đồng euro ít trầm trọng hơn, và khó thấy hơn. Trên<br />
nhiều phương diện, khu vực dùng đồng euro xưa nay đã có thành quả kinh tế rất thành<br />
công – một số khía cạnh còn ưu việt hơn cả Mỹ. Khu vực này đã có tỉ lệ tăng trưởng<br />
sản lượng bình quân đầu người khoảng 2% trong suốt hai mươi năm, và khá ổn định,<br />
ít khi tăng vọt quá cao hay giảm xuống quá thấp. Khu vực này có tài khoản nước<br />
ngoài cân bằng, chi tiêu xã hội cao hơn, và các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội toàn<br />
diện hơn so với ở Mỹ. Năng suất mỗi giờ làm việc nói chung tương đương với Mỹ.<br />
<br />
Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với Mỹ vì có tỉ lệ dân số trong<br />
độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động thấp hơn, và những ai tham gia vào<br />
lực lượng lao động thì lại làm việc ít giờ hơn hoặc dễ bị thất nghiệp hơn. Kết quả là có<br />
số giờ làm việc ít hơn với một mức dân số nhất định trong độ tuổi lao động. Điều này<br />
có ý nghĩa quan trọng vì sẽ không thể trả những khoản trợ cấp xã hội hào phóng như<br />
lương hưu nếu lực lượng lao động không tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, khu vực này lại<br />
không ủng hộ cho dân nhập cư, và tỉ lệ sinh sản lại thấp hơn nhiều so với mức đủ thay<br />
thế lao động. Như vậy, dần dà, lực lượng lao động sẽ – và hiện ở Đức đã xảy ra tình<br />
trạng này – thực sự giảm xuống. Điều này có nghĩa là sẽ ngày càng có ít người lao<br />
động hỗ trợ cho số lượng ngày càng nhiều những người hưu trí hy vọng sẽ nhận được<br />
những khoản lương hưu cao từ chính phủ. Thuế hiện đã rất cao, và tỉ lệ thất nghiệp của<br />
những người trẻ tuổi cũng rất cao. (Mức lương tối thiểu cao, cùng với thuế cao đánh<br />
vào lao động, và khó khăn trong việc tuyển dụng khiến cho chuyện tạo thêm việc làm<br />
mới trong khu vực tư nhân trở nên rất rủi ro.) Như vậy, hệ thống này về lâu về dài<br />
không bền vững. Giải pháp là cắt giảm mức hứa hẹn trợ cấp hưu trí, buộc thêm nhiều<br />
người làm việc cho đến một độ tuổi già hơn, và yêu cầu bắt buộc người lao động phải<br />
tiết kiệm cho lúc về hưu. Ngoài ra, nếu luật lệ về lao động linh hoạt hơn, thì sẽ tạo<br />
thêm được nhiều công việc hơn, và tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn. Tuy nhiên, những biện<br />
pháp này không được công chúng ủng hộ và gặp sự phản đối kịch liệt của những ai hiện<br />
đã hưởng trợ cấp hưu trí và các trợ cấp khác. (Ở Ý, một giáo sư kinh tế ủng hộ cải cách<br />
thị trường lao động đã bị ám sát vì những quan điểm của ông.)<br />
<br />
Điều này thì nhiều người đã hiểu, và ta sẽ cho rằng người ta sẽ có biện pháp hữu hiệu.<br />
Điều chỉnh càng sớm thì càng ít đau đớn. Một vài quốc gia, chẳng hạn như Hà Lan,<br />
đã chuyển sang tình trạng có mức tiết kiệm hưu trí cao hơn, và tỉ lệ thất nghiệp thấp<br />
hơn. Những nước lớn trong khu vực dùng đồng euro như Pháp, Đức, và Ý thì chưa.<br />
Vẫn còn phải đợi xem liệu những liên minh ủng hộ các chính phủ khác nhau có thể<br />
tìm ra được một cách để chuẩn y những cải cách cần thiết hay không, hay liệu họ tiếp<br />
tục phản đối những thay đổi tất yếu. Nhưng phát biểu của các chính phủ châu Âu<br />
hiện tại cho thấy rằng họ sắp sửa công nhận một cách muộn màng rằng cần phải ra tay<br />
giải quyết, và có thể họ sắp bắt đầu hành động. Tuy nhiên, nếu để lỡ mất cơ hội, có<br />
thể họ khó mà nắm bắt lại được vì những biện pháp cần thiết sẽ trở nên khắc nghiệt<br />
hơn do tình hình ngân sách và dân số trở nên tồi tệ hơn.<br />
<br />
Có vẻ như là các nước nghèo chẳng cần quan tâm liệu các nước giàu có phải cắt giảm<br />
trợ cấp hưu trí cho người già hay không. Tuy nhiên, một giải pháp cho vấn nạn của<br />
họ là cho phép nhiều người nhập cư hơn. Nếu người ta làm như vậy, đó có thể là một<br />
trong những biện pháp chính sách độc nhất, lớn nhất nhằm tạo bình đẳng thu nhập<br />
giữa các quốc gia. Những nhân công thuộc diện khiếm dụng lao động sẽ kiếm được<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
4<br />
và gởi về quê hương hàng tỉ đô-la4, học hỏi được nhiều kỹ năng và tạo được nhiều<br />
mối liên hệ, và cuối cùng quay về nước có thể mở các doanh nghiệp mới. Tuy nhiên,<br />
một phản ứng khác có thể là chống nhập cư do tình trạng thất nghiệp tạo ra bởi những<br />
điều kiện lao động đầy hạn chế. Hoặc có thể họ ra tay bảo hộ cho những ngành đang<br />
sa sút như nông nghiệp, thép và dệt. Đó là những mặt hàng mà các nước nghèo<br />
thường có hiệu quả sản xuất rất cao – nhưng một lực lượng lao động đang lão hóa thì<br />
thường không muốn thay đổi công việc. Như vậy, một lần nữa thất bại (ở nước giàu)<br />
cũng có thể tác động đến các nước nghèo.<br />
<br />
Tỉ giá hối đoái biến động và gây khó khăn ở nhiều nơi.<br />
<br />
Một khía cạnh khác của những thất bại chính sách kinh tế này có thể biểu hiện qua<br />
các tỉ giá hối đoái biến động. Trong những năm vừa qua, tỉ giá hối đoái giữa tiền tệ<br />
của các khối kinh tế lớn đã dao động rất mạnh. Đồng yên đã biến động từ điểm mạnh<br />
nhất với chỉ 80 yên ăn một đô-la xuống đến điểm yếu nhất với 145 yên ăn một đô-la -<br />
tất cả chỉ diễn ra trong năm 1995. Kể từ năm 1998, giá của đồng euro biến động từ<br />
1,2 đô xuống còn 0,8 đô. Thật đáng ngạc nhiên là những thay đổi này có tác động rất<br />
nhỏ đối với Mỹ, nước có 80% sản lượng là dịch vụ, ngoại trừ ở hai thái cực của giá trị<br />
đồng đô-la các ngành sản xuất hàng hóa có thể trao đổi ngoại thương (nông sản và<br />
hàng chế tạo công nghiệp) sẽ được hổ trợ rất nhiều hoặc bị cản trở nhiều.5 Tuy nhiên,<br />
những biến động về tỉ giá hối đoái có thể có tác động lớn đối với Nhật và khu vực<br />
dùng đồng euro. Khi giá trị đồng đô-la giảm nhẹ trong năm nay, triển vọng tăng<br />
trưởng của cả hai khu vực đó đã giảm sút vì mỗi khu vực dường như đều dựa vào xuất<br />
khẩu, nhất là xuất sang Mỹ, để đạt được mức tăng trưởng GDP thỏa đáng. Đồng đô-<br />
la không thể đủ mạnh để hỗ trợ cho tăng trưởng của khu vực dùng đồng euro và Nhật<br />
trong khi còn yếu chưa đủ để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai quá lớn của Mỹ, hiện ở<br />
mức khoảng 400 tỉ đô-la hay 4% GDP. Những biến động tỉ giá hối đoái này cũng có<br />
thể gây khó khăn cho các nước nghèo, trong đó có nhiều nước đã khánh kiệt vì vay<br />
mượn bằng loại tiền tệ này nhưng có thu nhập bằng loại tiền tệ khác. Kết quả có thể<br />
là những điều chỉnh đau đớn vì các gánh nặng nợ vay biến đổi không lường trước<br />
được.<br />
<br />
Một số nước nghèo thậm chí ràng buộc đồng nội tệ của mình với đồng đô-la, để rồi<br />
thấy đồng nội tệ có giá trị quá cao khi đô-la mạnh, và có giá trị quá thấp khi đô-la yếu.<br />
Một phần – nhưng chỉ là một phần thôi – trong những vấn nạn của Argentina xuất<br />
phát từ việc gắn chặt đồng nội tệ với đô-la. Một phiên bản hơi khác của việc “gắn<br />
chặt” với đô-la – như Thái Lan và Malaysia đã làm – đã dẫn đến những kiểu vay và<br />
cho vay không an toàn góp phần gây ra khủng hoảng châu Á. Sẽ dễ dàng hơn nhiều<br />
cho các nhà quản lý kinh tế ở các nước nghèo nếu tỉ giá hối đoái giữa các khối kinh tế<br />
lớn ổn định hơn.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
4<br />
Một ước tính cho thấy hiện nay lượng tiền gởi về các nước đang phát triển là gần 100 tỉ đô-la - gần<br />
gấp đôi lượng viện trợ chính thức ròng đã cấp! Việc người lao động từ các nước nghèo có thể hưởng<br />
lương tại nước giàu với mức cao ít nhất gấp năm lần (so với ở quê nhà) cho thấy ở các nước nghèo<br />
cũng có thất bại thể chế.<br />
5<br />
Khi đồng đô-la “mạnh”, hàng nhập khẩu rẻ, và hàng xuất khẩu của Mỹ không có lãi. Điều này<br />
thường làm tăng thâm hụt thương mại. Khi đồng đô-la yếu – và nó đã yếu đi trong những tháng gần<br />
đây – giá hàng nhập khẩu tính bằng đô-la sẽ tăng lên, làm hạn chế lượng nhập khẩu, và khả năng sinh<br />
lợi của hàng xuất khẩu của Mỹ tăng lên.<br />
<br />
<br />
5<br />
Các thất bại của Mỹ rất đáng kể nhưng nhanh chóng được chỉnh sửa<br />
<br />
Các thất bại thể chế quan trọng ở Mỹ đã được nêu ra nhưng chưa được phân tích. Về<br />
cơ bản, các thị trường chứng khoán ở Mỹ đã sôi động quá mức cần thiết (overheated)<br />
và được định giá quá cao so với thực tế (overvalued) trong giai đoạn 1998-2000 do<br />
một nhiều kiểu thất bại. Một kiểu thất bại (và là một thất bại rất đáng kinh ngạc) là<br />
nhiều nhà quản trị, hội đồng quản trị, và các hãng kế toán không kê khai đúng sổ sách<br />
tài khoản. Tổng giám đốc và các giám đốc phụ trách tài chính trong một công ty chịu<br />
trách nhiệm chính trong việc báo cáo trung thực kết quả tài chính cho cổ đông. Hội<br />
đồng quản trị có một ủy ban kiểm toán với nhiệm vụ giám sát họ, đó là một phần<br />
trong bổn phận của họ đại diện cho quyền lợi của cổ đông. Các hãng kế toán độc lập<br />
có nhiệm vụ kiểm tra những tài khoản này, và chứng nhận rằng chúng đã được người<br />
có năng lực kê khai đúng luật lệ. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) của chính<br />
phủ trung ương có nhiệm vụ xem xét những trường hợp gian lận. TẤT CẢ các cơ<br />
quan và cá nhân này đã thất bại vì lý do này hay lý do khác. Những nhà quản trị được<br />
hưởng các quyền chọn cổ phiếu để mua cổ phần với giá thấp. Nếu có thể báo cáo kết<br />
quả tốt, họ có thể bán cổ phần với giá thổi phồng. Hội đồng quản trị thường quá tự<br />
mãn và quá thân thiện với các nhà quản trị. Các hãng kế toán thường cung cấp dịch<br />
vụ tư vấn với lệ phí rất đáng giá đến nỗi họ miễn cưỡng phê phán những tập quán kế<br />
toán đáng nghi ngờ. SEC không có đủ kinh phí hoạt động, và bị các chính khách chỉ<br />
trích nếu có vẻ làm mạnh tay quá. Các hãng môi giới và ngân hàng đầu tư dường như<br />
đã hợp tác trong những hoạt động này bằng cách làm ngơ trước những dấu hiệu cho<br />
thấy hoạt động kém cỏi, và đưa ra những đề xuất “Mua” cổ phiếu của những công ty<br />
mà họ biết là dưới mức trung bình. Tất cả những cơ chế chế ngự và kiểm tra lẫn nhau<br />
đã thất bại. Nhiều nhà đầu tư đã mất lượng tiền rất lớn khi thực trạng cuối cùng được<br />
phơi bày.<br />
<br />
Đây là những thất bại cực kỳ trầm trọng và căn bản. Nếu các công ty không báo cáo<br />
chính xác sổ sách tài khoản, thì vốn không thể được phân bổ một cách hợp lý. Toàn<br />
bộ lý do cơ bản cho sự tồn tại của các thị trường tài chính là chúng tạo nên “bộ não”<br />
của một nền kinh tế thị trường, đưa các nguồn vốn đến những nơi sử dụng có hiệu quả<br />
nhất. Quá trình này đòi hỏi phải có thông tin tốt. Không những điều này đã không<br />
xảy ra, mà còn có những dòng vốn quốc tế - cũng một phần dựa vào dữ liệu xấu – gây<br />
ra những tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô (một đồng đô-la quá mạnh) và đầu tư dư<br />
thừa mà hiện nay cần phải được giải quyết để có thể tăng trưởng bình thường trở lại.<br />
Quá nhiều dòng vốn nước ngoài đổ vào Mỹ đã tạo nên thâm hụt thương mại lớn.<br />
<br />
Tính đến nay đã có nhiều phản ứng đáng kể trước các thất bại này. Một vài công ty<br />
rất lớn và một hãng kế toán lớn đã buộc phải phá sản. Những nhà quản trị của một số<br />
công ty đã bị bắt và tống giam. Một số khác đã bị sa thải. Quốc hội Mỹ đã thông qua<br />
một luật mạnh tay chống gian lận nhắm vào những tập quán như thế, và tổng thống<br />
Bush đã ký ban hành luật đó. Luật mới này lập ra một ban giám sát kiểm toán độc<br />
lập, tách biệt dịch vụ tư vấn và kiểm toán, và quy định phạt đến 20 năm tù cho hành vi<br />
gian lận trong doanh nghiệp. Luật này cũng giúp cho nhà đầu tư dễ dàng hơn trong<br />
việc thu hồi những khoản mất mát do các nhà quản trị gian lận, và yêu cầu các nhà<br />
quản trị phải báo cáo kịp thời những đợt bán cổ phiếu của mình.<br />
<br />
Giá cổ phiếu của những công ty chỉ mới bị nghi ngờ kế toán không minh bạch đã<br />
giảm mạnh, khiến cho ngay cả những công ty trung thực cũng phải làm sổ sách kế<br />
toán minh bạch hơn. SEC đã yêu cầu tất cả các nhà quản trị trong 1000 công ty hàng<br />
<br />
<br />
6<br />
đầu phải đích thân chứng minh các tài khoản công ty của họ trước ngày 14 tháng 8.<br />
Các hãng môi giới lớn đã bị phạt những khoản tiền lớn vì đã tư vấn thiên vị, còn<br />
những ngân hàng đầu tư lớn đang bị Quốc hội điều tra. Nhiều ngân hàng và hãng môi<br />
giới bị những nhà đầu tư phẫn nộ kiện ra tòa. Các phóng viên chuyên về tài chính bây<br />
giờ phải xác định các khía cạnh có thể có xung đột quyền lợi khi phỏng vấn một nhà<br />
môi giới hay nguồn tin khác về một công ty.6 Những tổ chức đầu tư trung gian lớn,<br />
chẳng hạn như các quỹ hưu bổng hay quỹ đầu tư chung, đã bắt đầu thúc giục các công<br />
ty tính quyền chọn cổ phiếu vào chi phí kinh doanh - thể hiện chi phí của chúng khi<br />
được cấp cho nhân viên công ty. Điều này sẽ có xu hướng làm giảm số lượng quyền<br />
chọn cổ phiếu được cấp, vì lợi nhuận báo cáo sẽ giảm khi chi phí này được ghi nhận<br />
đúng. Kinh phí hoạt động cho SEC đã được tăng lên đáng kể. Tất cả những điều này<br />
diễn ra trong vòng hai, ba quý vừa qua. Chắc chắn những nhà quản trị doanh nghiệp<br />
sẽ khó khăn hơn và sẽ nguy hiểm hơn nếu muốn lường gạt cổ đông.<br />
<br />
Xin nhắc lại là thỉnh thoảng các thể chế có thể thất bại. Cơ sở để kiểm tra xem một hệ<br />
thống có tốt hay không là những vấn nạn này được xác định, chẩn đoán, và xử lý kịp<br />
thời và hiệu quả sao cho tác hại có thể được hạn chế và không tái diễn.<br />
<br />
Tăng trưởng kinh tế hiện đại là một hiện tượng tương đối gần đây. Nó thật sự bắt đầu<br />
cách đây hai trăm năm ở Vương quốc Anh, và từ từ lan tràn sang những vùng khác<br />
của châu Âu, và những khu vực định cư của người châu Âu trong thế kỷ tiếp theo đó.<br />
(Nhật cũng gia nhập, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19.) Chỉ sau Chiến tranh thế giới thứ hai<br />
mới có một số đáng kể các nước “thế giới thứ ba” cũng bắt đầu tăng trưởng bền vững<br />
với tỉ lệ bình quân đầu người khá cao. Chúng ta biết rằng nhiều nước có thể tăng<br />
trưởng mạnh trong một thời gian, sau đó có thể sụt giảm thê thảm, chẳng hạn như<br />
Argentina gần đây với thu nhập bình quân đầu người gần 10.000 đô-la trước khi sụp<br />
đổ. Nhưng ta chưa thấy trường hợp một nước đứng vào hàng “đã phát triển” trong số<br />
những nền kinh tế hàng đầu, rồi sau đó thực sự suy sụp trong nhiều năm, trừ những<br />
trường hợp lâm vào các cuộc chiến tranh tàn hại. Đúng là bước tiến kinh tế của Anh<br />
và Mỹ có bị chậm đi trong một số giai đoạn, nhưng họ chưa hề thoái lui lâu đến một<br />
thập niên. Tại sao như thế? Có thể là ta chưa chứng kiến đủ để thấy những kết quả<br />
tồi tệ như vậy xảy ra. Hoặc có thể những nước đã vươn lên đến hạng đầu phải xác<br />
định và khắc phục các vấn nạn trong suốt quá trình phát triển của mình, và kỹ năng<br />
này cũng giúp họ khắc phục những thất bại thể chế. Chí ít thì nó cũng có thể giúp cho<br />
họ ít bị thất bại hơn.<br />
<br />
Thông tin và Cạnh tranh thể chế<br />
<br />
Cho đến đây bài viết chủ yếu nhấn mạnh đến các thất bại kinh tế và tài chính, nhưng ý<br />
nghĩa không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực đó. Ví dụ việc quản lý điều tiết các<br />
nhà máy điện hạt nhân, thuốc men hay các hãng hàng không cũng chịu nhiều áp lực<br />
tương tự. Thông thường ngành bị quản lý sẽ “khống chế” cơ quan quản lý và làm suy<br />
giảm tính nghiêm khắc của việc giám sát. Kết quả là hoạt động không an toàn.<br />
Tương tự, các thể chế y tế và giáo dục cũng thường bị thất bại. Vì các thể chế này<br />
thường là độc quyền hoặc gặp đối thủ cạnh tranh yếu, họ cần phải cung cấp cho người<br />
<br />
6<br />
Ví dụ, nếu một chuyên viên phân tích cổ phiếu làm việc cho một hãng môi giới thuộc một công ty có<br />
ngân hàng đầu tư làm ăn với công ty mà anh ta đang phân tích, có thể anh ta sẽ bị áp lực nói những<br />
điều tốt đẹp về cổ phiếu của công ty đó, để giữ mối kinh doanh chứng khoán cho hãng của mình.<br />
Chuyện này bây giờ đã được nêu rõ ràng, chứ không phải ngầm hiểu trong các cuộc phỏng vấn truyền<br />
hình hay trên báo chí.<br />
<br />
<br />
7<br />
tiêu dùng thông tin tốt về hoạt động của họ. Nếu có lợi thế nhờ đạt được danh tiếng<br />
(một cách xứng đáng), một thể chế sẽ cố gắng nhiều hơn là khi thể chế đó không chịu<br />
áp lực phải cải tiến. Điều này dẫn đến việc công bố điểm thi của các trường học hoặc<br />
tỉ lệ bệnh nhân được cứu sống đối với các loại hoạt động khác nhau của các bệnh<br />
viện. Chừng nào các bậc phụ huynh hay học sinh chọn trường theo điểm thi, hoặc<br />
chọn bệnh viện theo tỉ lệ thành công, thì vẫn còn áp lực buộc thể chế đó phấn đấu đạt<br />
kết quả tốt hơn. Một cách khác là cố gắng cải tiến bằng biện pháp quản lý nghiêm<br />
ngặt hơn, nhưng cách này thường có hiệu quả kém.<br />
<br />
Một cách khác để các thể chế cải thiện thành quả của chúng là tạo ra cạnh tranh thể<br />
chế. Thoạt tiên điều này nghe có vẻ kỳ quặc. Các thể chế có thể cạnh tranh như thế<br />
nào? Chuyện đó tùy thuộc một phần vào cách ta nghĩ về một thể chế. Nếu thể chế đó<br />
là một trường đại học, thì một sinh viên có thể chọn trong số nhiều khả năng khác<br />
nhau – mặc dù có thể có nhiều hơn nữa nếu có nhiều tiền. Một lập luận tương tự có<br />
thể áp dụng cho các bệnh viện hay bác sĩ. Thậm chí tất cả các bác sĩ có thể được xem<br />
chung như một thể chế, và họ cạnh tranh với các thầy thuốc cổ truyền, các y tá, và các<br />
dược sĩ. Chính quyền một thành phố hay tỉnh có thể cạnh tranh với các công ty để thu<br />
hút vốn đầu tư, và có lẽ để thu hút người dân chọn đến sinh sống tại địa bàn pháp lý<br />
đó. Từ xưa đến nay Mỹ đã thu hút nhiều dân nhập cư không thích điều kiện ở nước<br />
họ. Như vậy, ngay cả các nhà nước quốc gia rốt cuộc cũng cạnh tranh với nhau dưới<br />
hình thức này hay hình thức khác.<br />
<br />
Trở lại tình hình bất ổn và phát triển<br />
<br />
Bây giờ ta có thể quay trở lại câu hỏi trong tựa đề: tình hình bất ổn ở các nước giàu sẽ<br />
ảnh hưởng xấu ra sao đối với các nước nghèo đang cố gắng phát triển thông qua xuất<br />
khẩu? Nếu chỉ dùng số đo đơn giản về tình hình bất ổn của sản lượng tính theo giá<br />
không đổi hay thương mại, thì tất cả các bằng chứng cho thấy rằng các chu kỳ kinh tế<br />
đang trở nên bớt trầm trọng đi, chứ không phải trầm trọng hơn. Đã hơn một phần tư<br />
thế kỷ kể từ khi GDP tính theo giá không đổi của Mỹ hay châu Âu (tuy không phải<br />
Nhật) sụt giảm hai năm liên tiếp. Thương mại trên thế giới đã tăng khá liên tục kể từ<br />
năm 1950, ngoại trừ một vài cú sốc dầu hỏa. Chắc chắn là không có gì giống với giai<br />
đoạn đại suy thoái 1929-1939 trong nửa thế kỷ vừa qua. Tuy mức tăng trưởng các thị<br />
trường nhập khẩu ở các nước giàu có thể không đều đặn hay nhanh chóng, hiếm khi<br />
tổng kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường này giảm trong vòng hơn một năm,<br />
và nếu có giảm thì không giảm bao nhiêu.7 Tất nhiên, một số loại mặt hàng cụ thể –<br />
đặc biệt là hàng điện tử – đã cho thấy là có nhiều biến động. Nhưng nhìn chung, khó<br />
mà lập luận rằng tình hình bất ổn ở các nước giàu là một cản trở lớn cho việc xuất<br />
khẩu.<br />
<br />
Một lập luận khác là các dòng vốn có tính bất ổn. Đúng vậy. Các dòng vốn ngắn hạn<br />
hết sức bất ổn. Các dòng vốn dài hạn nhìn chung ít dao động hơn, nhưng vẫn có thể<br />
biến thiên rất nhiều đối với một quốc gia riêng rẽ. Vì các nước nghèo chỉ thu hút<br />
được một phần nhỏ trong lượng tiết kiệm của các nước giàu, biến số quan trọng<br />
thường nằm ở điều kiện thay đổi ở các nước nghèo, chứ không phải những thay đổi<br />
lớn về các nguồn vốn có thể đầu tư của các nước giàu. (Các nước giàu mỗi năm tiết<br />
<br />
7<br />
Tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu ở các nước giàu đạt 6-7% mỗi năm trong vòng 20 năm qua. Mức<br />
sụt giảm lớn nhất là vào năm 2001 khi kim ngạch nhập khẩu của các nước giàu giảm 1,5%, và 2,7% ở<br />
Mỹ. Theo IMF, tăng trưởng sẽ chậm nhưng sẽ là số dương trong năm 2002, và dự kiến lại vượt mức<br />
6% vào năm 2003.<br />
<br />
<br />
8<br />
kiệm hơn 4000 tỉ đô-la, trong khi toàn bộ các dòng vốn ròng đổ vào các nước nghèo<br />
hiếm khi đạt đến mức 5-6% của con số đó, ngay cả vào năm 1996 trước khủng hoảng<br />
châu Á. Năm 2001, tỉ số này là 2%.) Một vấn đề ít được chú ý hơn là: thông thường<br />
tiết kiệm chảy từ nước nghèo sang nước giàu! Điều này cho thấy là các cơ hội đầu tư<br />
tốt không phải luôn có sẵn, dù có thể có đủ nguyên nhân từ bảo vệ tài sản kiếm được<br />
một cách phi pháp, cho đến việc tránh thuế hay đơn giản chỉ là ẩn náu để khỏi bị tịch<br />
thu. Lượng đô-la hay vàng được cất giữ ở một nước nghèo tương đương lượng vốn di<br />
tản ra nước ngoài, ít nhất là xét về khía cạnh kinh tế. Tức là, lượng tiền tiết kiệm đó<br />
không dùng để cấp vốn cho đầu tư trong nước. Số tiền ấy cũng có thể được gởi ở<br />
nước ngoài.<br />
<br />
Có nhiều cách để giải quyết tình trạng bất ổn tài khoản vốn. Cách thứ nhất là hoàn<br />
toàn không dựa vào vốn nước ngoài. Tuy nhiên, vốn nước ngoài thường mang theo<br />
công nghệ, kỹ năng quản trị, hay cơ hội tiếp cận các thị trường khiến cho vốn nước<br />
ngoài trở nên hấp dẫn. Những đặc tính khác này ít khi có ở các khoản vay ngân hàng<br />
ngắn hạn, và những dòng vốn ngắn hạn như thế là những nguồn vốn biến động nhiều<br />
nhất. Tránh hay bớt sử dụng chúng sẽ làm giảm khả năng bị tác hại của tình trạng di<br />
tản vốn. Phần lớn các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dài hạn, và nếu đầu<br />
tư đó có khả năng cạnh tranh và chi phí thấp, thì rất có thể vừa ổn định vừa có lợi.<br />
Một chiến lược khác là phụ thuộc rất nhiều vào các dòng vốn chính thức, nhưng rất<br />
hiếm ví dụ về những nền kinh tế đạt kết quả tốt về lâu về dài với phương pháp này.<br />
Viện trợ có ích để “làm nóng máy tăng trưởng”, nhưng không phải là một nguồn vốn<br />
đầu tư chính về lâu về dài. Các loại hình tài chính tư nhân khác, ví như đầu tư chứng<br />
khoán, thường có vị trí đứng giữa FDI và vốn vay ngân hàng. Tức là, chúng có độ<br />
biến động vừa phải, và có khả năng mang đến những nhập lượng khác. Cần phải nói<br />
rằng thông thường các dòng vốn tư nhân nước ngoài gấp nhiều lần so với các dòng<br />
vốn chính thức. Nhưng tất cả các dòng vốn nước ngoài thường chỉ cấp vốn cho 10-<br />
20% tổng đầu tư, nếu đó là mức ở hầu hết các nước đang phát triển.<br />
<br />
Phần thảo luận tổng quát này không bàn kỹ lắm về kết quả có thể có tình trạng sụp đổ<br />
của các ngân hàng lớn ở Nhật (không phải là có lẽ, mà là có thể) hay tình trạng bất<br />
ngờ thẩm định lại rủi ro của nợ vay của các nước đang phát triển như vẫn thường xảy<br />
ra – gần đây nhất là với cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997. Một bài học rút ra từ<br />
giai đoạn đó là sức mạnh của các hệ thống ngân hàng trong nước có ý nghĩa rất quan<br />
trọng trong việc tránh tình trạng người dân trong nước di tản vốn ra nước ngoài. Tuy<br />
các nhà đầu cơ nước ngoài chắc chắn là đã gây ra sự mất giá ban đầu của đồng baht<br />
Thái, chính việc người tiết kiệm và người vay tiền trong nước đổ xô chuyển đồng nội<br />
tệ sang đô-la đã khiến cho cuộc khủng hoảng châu Á lan rộng và ăn sâu. Một tỉ giá<br />
hối đoái linh hoạt, một chính sách cẩn thận về vay nợ bằng đô-la, và việc báo cáo<br />
trung thực các dữ liệu kinh tế vĩ mô và tài chính – tất cả các biện pháp này đã được<br />
thực hiện sau đó – có xu hướng làm giảm các dòng vốn của người dân trong nước đổ<br />
ra nước ngoài.<br />
<br />
Hình thành khả năng mau chóng hồi phục thể chế<br />
<br />
Làm sao có thể thiết kế một hệ thống sao cho thất bại thể chế ít có cơ may xảy ra, hay ít<br />
nhất là được công nhận sớm hơn và giải quyết hiệu quả hơn? Một nguyên tắc đầu tiên<br />
là cần phải có thông tin. Nếu người ta không biết chuyện gì đang xảy ra, khó mà đánh<br />
giá được tình thế hay biết liệu có cần thay đổi hay không. Những hệ thống nào cung<br />
cấp được thông tin có chất lượng tốt một cách rộng rãi thì thường sẽ đạt kết quả tốt hơn<br />
<br />
<br />
9<br />
những hệ thống không làm được chuyện đó. Như kinh nghiệm của các doanh nghiệp<br />
Mỹ cho thấy, tham nhũng cũng hoành hành khi thông tin bị bưng bít hay bóp méo. Như<br />
tục ngữ đã nói, “ánh nắng mặt trời diệt vi trùng” và hệ thống càng minh bạch thì càng<br />
dễ phát hiện và xử lý vấn đề.<br />
<br />
Một khía cạnh thứ hai của thất bại thể chế là thông thường những nhóm tương đối nhỏ<br />
nhưng có thế lực có khả năng cản trở các biện pháp chỉnh sửa. Hệ thống nào có thể<br />
hình thành các liên minh tập hợp từ đại đa số và chế ngự được những đặc quyền hạn<br />
hẹp thì thường có khả năng tự cải cách dễ dàng hơn. Tại Nhật, điều này đã bị cản trở<br />
bởi ảnh hưởng quá lớn của các cử tri nông thôn. Tại châu Âu, tỉ lệ người già ngày càng<br />
tăng và tình trạng lớp trẻ tương đối thụ động về chính trị cộng lại khiến cho khó thực<br />
hiện được cải cách cần thiết. Nói chung, hệ thống nào cho phép các thiểu số có thế lực<br />
cản trở hành động thì đạt kết quả kém hơn hệ thống nào biến sự đồng thuận chung thành<br />
hành động. Tuy đa số đôi khi sai lầm, nhưng ít ra thì đa số cũng bảo đảm rằng quyền<br />
lợi của chính mình thống nhất với quyền lợi chung hay dài hạn của quốc gia một cách<br />
thường xuyên hơn các nhóm thiểu số.<br />
<br />
Một khía cạnh thứ ba của các hệ thống vận hành tốt là chúng phải chịu, và biết phản<br />
ứng trước, cạnh tranh. Tuy cạnh tranh có thể có tính hủy diệt nếu được thực hiện theo<br />
cách không có luật lệ hay bạo lực8, thông thường đó là một cách có trật tự để tạo ra thay<br />
đổi tích cực. Nếu một thể chế thường xuyên nhìn vào các thể chế khác để tìm ra những<br />
cách thức hoạt động tốt nhất và tự cải thiện mình, điều này sẽ tạo ra thay đổi giúp ngăn<br />
ngừa tình trạng bất ổn. Hệ thống nào càng tách biệt và cách ly thì càng ít có cơ may<br />
hưởng lợi từ thành công của các hệ thống khác. Nếu cạnh tranh dẫn đến các quy định<br />
quản lý và chính sách tốt hơn và năng suất cao hơn, thì tất cả các nhóm đều có lợi từ<br />
quá trình này. Có thể thấy rất rõ điều này qua một cuộc chạy đua – các đối thủ sẽ cải<br />
thiện nếu họ cạnh tranh với nhau. Điều này không được thấy rõ lắm xét về khía cạnh<br />
các chính phủ hay các nền kinh tế, nhưng nó có thể vẫn đúng như thế.<br />
<br />
Tóm lại, không có quốc gia nào tránh khỏi mắc những thói quen xấu. Trong những<br />
trường hợp thái cực, những sai lầm này có thể gây ra tổn thất rất lớn cho người dân của<br />
quốc gia đó và cũng thỉnh thoảng tác hại cho người dân khắp thế giới. Dần dà theo thời<br />
gian, người ta có thể thậm chí từ bỏ một nền kinh tế, vùng hay quốc gia được quản lý<br />
kém. Toàn cầu hóa là một quá trình có cả hợp tác lẫn cạnh tranh với nhiều rủi ro,<br />
nhưng cũng có nhiều lợi ích tiềm tàng lớn lao. Những quốc gia nào có các thể chế tự<br />
cải tiến thì sẽ tăng trưởng nhanh hơn, ổn định hơn, và năng động hơn. Những quốc gia<br />
đó thường sẽ hưởng lợi từ hội nhập toàn cầu và quản lý tốt các rủi ro đó. Nền kinh tế<br />
toàn cầu hiện tại gặp nhiều thách thức, nhưng không phải là quá bất ổn nếu so với tình<br />
hình hồi đầu thế kỷ 20 hay thậm chí trong thập niên 1970. Tình hình bất ổn và những<br />
rủi ro hiện đang tồn tại cần phải được quản lý. Phương án tránh hoàn toàn các rủi ro<br />
không phải là phương án tốt, nếu như Bắc Triều Tiên hay Myanmar có thể cho ta thấy<br />
điều gì. Nếu xe gắn máy là nguy hiểm, giải pháp là đội mũ bảo hộ và lái xe cẩn thận,<br />
chứ không phải chọn cách đi bộ. Đi bộ thì chẳng tiến được bao xa trong khi người khác<br />
cưỡi xe phía trước!<br />
<br />
<br />
<br />
8<br />
Từ cạnh tranh có thể hiểu theo bất cứ nghĩa gì từ cuộc tranh giành đầy bạo lực của các doanh nghiệp<br />
mafia ở Nga cho đến việc những nhà hàng gần nhau nỗ lực cải thiện thức ăn và cung cách phục vụ<br />
khách hàng. Hiểu được khi nào cạnh tranh cải thiện nền kinh tế, và khi nào nó không công bằng hay có<br />
tính phá hoại là một phần của chính sách đúng đắn.<br />
<br />
<br />
10<br />