intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tính mơ hồ đa nghĩa của Truyện Kiều nhìn từ góc độ tiếp nhận

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

9
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Tính mơ hồ đa nghĩa của Truyện Kiều nhìn từ góc độ tiếp nhận tìm hiểu tính mơ hồ đa nghĩa của Truyện Kiều biểu hiện trong quá trình tiếp nhận. Đây là quá trình mà người đọc có vai trò rất quan trọng. Người đọc, trong các ngữ cảnh xã hội khác nhau, có năng lực, tầm đón nhận, phương pháp tiếp nhận khác nhau sẽ có những cảm nhận, đánh giá khác nhau về Truyện Kiều.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tính mơ hồ đa nghĩa của Truyện Kiều nhìn từ góc độ tiếp nhận

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 63/2022 5 TÍNH MƠ HỒ ĐA NGHĨA CỦA TRUYỆN KIỀU NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TIẾP NHẬN Nguyễn Hồng Hạnh Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Tóm tắt: Mơ hồ vừa là một thuộc tính vừa là phẩm chất của văn học. Khi một thành tố nghệ thuật trong tác phẩm văn học đa nghĩa, mờ nghĩa hay vận động biến đổi về nghĩa cũng chính là lúc nó trở nên mơ hồ. Bài viết tìm hiểu tính mơ hồ đa nghĩa của Truyện Kiều biểu hiện trong quá trình tiếp nhận. Đây là quá trình mà người đọc có vai trò rất quan trọng. Người đọc, trong các ngữ cảnh xã hội khác nhau, có năng lực, tầm đón nhận, phương pháp tiếp nhận khác nhau sẽ có những cảm nhận, đánh giá khác nhau về Truyện Kiều. Sự tiếp nhận của người đọc là một trong những cơ chế quan trọng tạo nên chất mơ hồ, đa nghĩa cho tác phẩm, khiến Truyện Kiều luôn mới, luôn vận động, mở rộng theo thời gian. Từ khóa: Mơ hồ, đa nghĩa, Truyện Kiều, quá trình tiếp nhận. Nhận bài ngày 2.7.2022; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 23.8.2022 Liên hệ tác giả: Nguyễn Hồng Hạnh; Email: nhhanh@daihocthudo.edu.vn 1. MỞ ĐẦU Từ xa xưa, trí tuệ nhân loại đã ý thức được mơ hồ như là một trạng thái bao trùm mọi sự vật, hiện tượng của đời sống. Trải qua rất nhiều cách định danh khác nhau như: “tính đa nghĩa”, “nghĩa trượt”, “nghĩa ngoài lời”, “tính đa thanh”, “tính đối thoại”, “tác phẩm mở”, “kết cấu vẫy gọi”,… đến năm 1930, trong công trình Bảy loại hình nghĩa mơ hồ, W.Empson lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ “tính mơ hồ” (Ambiguity). Kể từ đây, Ambiguity được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, từ những ngành khoa học coi trọng sự chính xác như: Sinh học, Toán học, Vật lý cho đến các ngành nghệ thuật sử dụng và đề cao tính mơ hồ như: Âm nhạc, Hội họa, Điện ảnh,… Bản chất của văn học nghệ thuật là tưởng tượng, hư cấu, sáng tạo. Trong bảy loại hình nghệ thuật, Văn học sử dụng tưởng tượng, hư cấu vừa như nguyên lý, vừa như thủ pháp ở nhiều cấp độ và bình diện hơn cả nên nội hàm, tần suất và ý nghĩa của tính mơ hồ cũng đậm đặc hơn. Tính mơ hồ trong văn học là hiện tượng một bối cảnh, một hình tượng, một chi tiết hay một từ ngữ,… nào đó trong tác phẩm, do nhà văn sáng tạo một cách có chủ ý hay vô tình, tạo ra nhiều cách hiểu, cách cắt nghĩa, sự tưởng tượng hình dung khác nhau từ phía
  2. 6 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI người tiếp nhận. Tuy nhiên, sự mơ hồ về ý nghĩa của tư tưởng, hình tượng, ngôn từ trong tác phẩm, xét từ phía người sáng tạo - nhà văn là rất hiếm, vì hầu hết họ đều có chủ ý; có chăng như đã nói, chủ yếu từ cách hiểu, vị thế và năng lực thẩm thấu, suy diễn, đồng sáng tạo của độc giả. Tính mơ hồ trong văn học khá đa dạng và phức tạp nhưng tựu trung, có thể quy về hai dạng thức cơ bản là: Mơ hồ đa nghĩa và mơ hồ mờ nghĩa. Trong đó, tính mơ hồ đa nghĩa vừa là thuộc tính tất yếu, vừa là phẩm chất được biểu hiện phổ biến trong văn học. Ý nghĩa của tính mơ hồ trong tiến trình vận động của văn học rất quan trọng. Mơ hồ góp phần biểu hiện tài năng của người nghệ sĩ trong việc tạo nên sự đột phá của ngôn từ và ý thức cách tân nghệ thuật; biểu đạt thế giới đời sống và tinh thần của con người một cách phong phú, sâu sắc; là dấu hiệu nhận diện một tác phẩm hay, mê hoặc, quyến rũ và khả năng tạo nghĩa bất tận; do vậy, nó dẫn dắt và thúc đẩy khả năng đồng sáng tạo của người đọc. Ở bài viết này, chúng tôi tìm hiểu tính mơ hồ đa nghĩa trong Truyện Kiều biểu hiện trong quá trình tiếp nhận của độc giả. Truyện Kiều là truyện thơ Nôm, từ lâu đã trở thành tinh hoa văn hóa, niềm tự hào của dân tộc. Theo nhà ngôn ngữ học, lý luận văn học người Mỹ gốc Nga R.Jakobson, quá trình tiếp nhận là quá trình tương tác giữa các mã, “có sự khác biệt giữa mã của người phát ngôn và mã của người tiếp nhận…”[9, tr.298]. Sự “đọc” của độc giả dao động giữa kiến tạo và phá vỡ, tổ chức và tái tổ chức những dữ liệu được văn bản cung cấp. Người đọc với những ngữ cảnh tiếp nhận, phương pháp đọc khác nhau trên cơ sở liên kết tri thức về mã văn hóa với người sáng tạo sẽ làm sống dậy sản phẩm tinh thần của nhà văn. Cứ như vậy, qua sự tiếp nhận khác nhau của người đọc, tính mơ hồ đa nghĩa của văn bản ngôn từ được nhân lên rất nhiều. R.Barthes cũng nhận thấy: “Tác phẩm sở dĩ vĩnh hằng không phải là do nó đem cái ý nghĩa đơn nhất của nó gán cho những người đọc khác nhau, mà là do nó bộc lộ với người đọc riêng lẻ những ý nghĩa khác nhau” [10, tr.212]. Với quan điểm trên, đọc, tiếp cận và tiếp nhận tác phẩm là cấp cho tác phẩm giá trị, là làm cho tác phẩm bộc lộ cái giá trị mà người đọc chờ đợi, tìm kiếm chứ không chỉ đơn thuần cung cấp những gì nhà văn đã chuẩn bị sẵn. 2. NỘI DUNG Tính mơ hồ đa nghĩa của Truyện Kiều phát sinh trong quá trình tiếp nhận bị chi phối bởi ba yếu tố cơ bản là ngữ cảnh lịch sử xã hội, tầm đón nhận của mỗi cá nhân (kinh nghiệm, vốn kiến thức, tâm lý, mức độ thẩm thấu, khả năng tưởng tượng, sáng tạo,…) và phương pháp tiếp nhận của người đọc. Từ rất sớm, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đã nhận thấy: “Dù từ xưa đến nay, các thế hệ nhà văn, nhà thơ đều có thể đồng thanh về giá trị văn nghệ của Truyện Kiều, thì mỗi một thời đại, mỗi một giai tầng xã hội đều đã nhận xét tác phẩm của Nguyễn Du theo một quan niệm riêng biệt” [6, tr.216]. Chính vốn kinh nghiệm, đặc biệt là quá trình đọc, khả năng liên kết từ, liên kết tri thức, đồng sáng tạo của người đọc cùng với sự chi phối của ngữ cảnh, sự vận động ý nghĩa ngôn từ trong không gian và thời gian,… đã góp phần tạo nên tính mơ hồ đa nghĩa của Truyện Kiều trong quá trình tiếp nhận. 2.1. Tính mơ hồ đa nghĩa được tạo bởi sự thay đổi ngữ cảnh tiếp nhận Tiếp nhận văn học là một quá trình, bắt đầu từ việc giải mã ngôn từ đến kiến tạo ý nghĩa của hình tượng văn học. Trong quá trình kiến tạo ý nghĩa, điều đầu tiên chi phối người đọc chính là ngữ cảnh. Đọc Truyện Kiều, người tiếp nhận ở ngữ cảnh văn hóa nào, nghĩa là bị chi
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 63/2022 7 phối bởi hệ tư tưởng, tinh thần và quan niệm thẩm mĩ của thời đại, giai tầng nào thì cắt nghĩa, giải thích theo cảm quan và năng lực tri nhận của thời đại, tầng lớp ấy. Chẳng hạn, sẽ không ai phản đối tình yêu của Kim Trọng và Thúy Kiều, bởi chàng Kim là một văn nhân thư sinh nho nhã, Thúy Kiều cũng là con gái nhà lành “gia thế thường thường bậc trung”. Bảo rằng xã hội phong kiến tuyệt đối cấm đoán yêu đương, áp đặt khuôn phép cứng nhắc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” e cũng là quá khắt khe kì thị. Lễ giáo phong kiến quả là nghiệt ngã, nhưng đâu cấm và đâu ngăn cản được việc nam nữ, trai gái gặp nhau, xét trong trường hợp Kim - Kiều, nếu không phải là tạm “môn đăng hộ đối” thì cũng chẳng có gì quá vênh lệch. Những người có đầu óc phong kiến gia trưởng bảo thủ có thể phản đối bất cứ thứ tình cảm hay cuộc hôn nhân nào không phải do sắp đặt, coi đó là thứ tình cảm trai gái vụng trộm cũng không tìm thấy lý do xác đáng nào để ngăn cấm tình yêu này. Điều người ta ngạc nhiên, chê trách hay lưỡng lự, ngẫm nghĩ chính là sự chủ động, liều lĩnh “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Thúy Kiều, người con gái vốn dĩ bấy lâu nay vẫn “Êm đềm trướng rủ màn che” đi gặp người yêu. Hành vi này là nỗi hổ thẹn và nhục nhã với phái nữ, đáng chê trách hay là sự nổi loạn tất yếu đáng cảm thông, đáng ủng hộ với những cô gái mới lớn, mới biết yêu?... Mỗi người, tùy tư tưởng hệ, từ cách nhìn sự việc và từ kinh nghiệm bản thân, sẽ có ý kiến và sự đánh giá khác nhau. Dù chê trách hay ủng hộ; lên án hay đồng tình thì rốt cuộc sự liều lĩnh ấy, bước chân “xăm xăm” ấy của Thúy Kiều vẫn khiến người ta sững sờ, bởi nó làm nứt rạn nền tảng giáo lý, kỉ cương phong kiến hủ lậu, kìm hãm nhân tính, nhân quyền của người phụ nữ. Đây là suy nghĩ của Thúy Kiều khi bán mình chuộc cha: “Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên Tình, bên Hiếu, bên nào nặng hơn?/ Để lời thệ hải minh sơn,/ Làm con, trước phải đền ơn sinh thành/ Quyết tình, nàng mới hạ tình:/ Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”. Việc hy sinh chữ Tình để vẹn toàn chữ Hiếu của Thúy Kiều, xét trong bối cảnh tiếp nhận trung đại, là hành động hợp đạo lý, đáng trân trọng. Đó là biểu hiện cao nhất của lòng hiếu thảo. Thế nên sau này, dù có chê trách, có khắt khe đến mấy thì ai nấy hẳn cũng đồng tình khi Nguyễn Du đã bênh vực, biện giải, gột rửa cho quãng đời tủi nhục, nhơ nhớp của nàng: Như nàng lấy hiếu làm trinh,/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay?. Việc Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân, xét ở ngữ cảnh truyền thống, trong xã hội phong kiến, hiện tượng thay thế trong hôn nhân, hái hoa hái cả cụm, tình chị duyên em là điều bình thường. Vì vậy, các nhà nho phong kiến cho rằng, việc cậy Thúy Vân kết duyên với chàng Kim là một hành động rất hợp tình, hợp lý, giúp Kiều vẹn nghĩa với chàng và phần nào khiến nàng vơi đi nỗi day dứt khi phải chia xa. Đặt mình vào ngữ cảnh của hệ tư tưởng và lễ giáo phong kiến, học giả Vũ Hạnh bình luận: “Nếu không đạo đức, Kiều có thể quên đi lời hứa hẹn với chàng Kim và coi tình yêu buổi nào như cơn gió thoảng hoặc cũng có thể viện cớ gia đình lâm nạn để mà khước từ trách nhiệm với người yêu. Nhưng Kiều đã yêu và nàng hiểu rõ tình yêu chỉ có giá trị trong nghĩa thủy chung, trong sự thành tín đối với người mình yêu. Khi người con gái ấy xin cô em gái mình ngồi lên để nàng sụp xuống quỳ lạy và giao món nợ ân tình, chúng ta đều thấy rõ hơn tình yêu chân chính cùng với đạo đức hợp thành một thể đồng nhất” [3, tr.44]. Như vậy, chỉ một hành động trao duyên cho Thúy Vân, Kiều lại tiếp tục “ghi điểm” khi cùng một lúc thể hiện hai phẩm chất: tình yêu chung thủy hết mực và đạo đức thành tín với người mình yêu. Tình yêu Kim - Kiều đã được nâng lên mức lý tưởng. Được ca ngợi hết lời là
  4. 8 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI vậy nhưng đặt trong ngữ cảnh tiếp nhận hiện đại, xét trong tình tiết truyện, có vẻ hành động của Kiều là ích kỷ khi nàng biến Thúy Vân thành vật hi sinh, suốt đời làm cái bóng bên Kim Trọng. Tại sao Thúy Kiều luôn sống với tình yêu bằng khát vọng mãnh liệt mà lại trói buộc Thúy Vân vào vòng lễ giáo? Điều đó có thực sự công bằng với Vân, và Kiều có thực sự đáng ca ngợi như quan niệm truyền thống đã đánh giá? Bằng một hành động tưởng sâu sắc, “vẹn nghĩa vẹn tình” của mình, Kiều đã đẩy Kim Trọng và Thúy Vân vào một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, kéo dài dai dẳng suốt cuộc đời. Hôn nhân từ sự “gá nghĩa” trong hoàn cảnh ấy là phúc hay họa, sẽ mang đến sự bình yên hay là sóng gió, bi kịch âm thầm? Tình cảnh “đồng sàng dị mộng” liệu có phải chỉ là tâm trạng của mình chàng Kim hay cũng là của cả Thúy Vân, của cả Thúy Kiều khi ở bên Thúc Sinh hay thậm chí Từ Hải?... Như thế, có khi chỉ từ một ý tứ, một hành động, sức liên tưởng, ám gợi được “kích hoạt” và tính mơ hồ đa nghĩa càng rộng mở, khó xác định. Với người Việt, Thúy Kiều là hiện thân, ẩn dụ của các phạm trù Hiếu - Trinh, Tài - Mệnh, Duyên - Nghiệp,… nằm trong vòng cương tỏa của định mệnh, thì người nước ngoài lại nhìn nhận nàng là một ẩn dụ cho đất nước, cho người phụ nữ Việt Nam. Trong lời giới thiệu bản dịch Truyện Kiều dưới góc nhìn văn học nữ quyền của Marian B.Lam ra tiếng Anh, Huỳnh Sanh Thông gợi ý rằng: “Vị trí là gái lầu xanh của Kiều được giải thích như là một ẩn dụ cho sự phản bội các nguyên tắc trong hoàn cảnh khủng hoảng, sự tuân theo cái lực hút của hoàn cảnh. Khái quát hơn, Kiều đại diện cho chính Việt Nam, một mảnh đất đầy tài nguyên thiên nhiên và con người, nhưng lại buồn bã nhìn những sự trù phú đó bị dùng lãng phí hay bị phá hủy. Và, cho dù những sự bẩn thỉu và chi tiết buồn khổ đó, câu chuyện của Kiều chuyển tải thông điệp về niềm hi vọng cho cả cá nhân và đất nước: Nếu, giống như Kiều, người Việt Nam chấp nhận và bền bỉ với số phận trong bất cứ hoàn cảnh nào, một ngày nào đó, họ sẽ được đền bù cho nghiệp của họ và sẽ đạt được giải thoát cả về dân tộc và cá nhân” [5, tr.3]. Sự liên tưởng này xuất phát từ ngữ cảnh tiếp nhận của người ngoại quốc nên có sự khác biệt văn hóa và tư tưởng rất lớn với tư duy của người Á Đông. Như vậy, ngữ cảnh tiếp nhận là một trong những yếu tố hàng đầu chi phối, tạo nên sự mở rộng về ý nghĩa cho tác phẩm. Ý nghĩa càng mở rộng, đối tượng được tiếp nhận càng trở nên khó nắm bắt, khó xác định và vì thế mà càng mơ hồ. 2.2. Tính mơ hồ đa nghĩa của nhân vật được tạo bởi tầm đón nhận của người đọc Khi người đọc tiếp nhận Truyện Kiều, họ không phải là một chủ thể phi kí ức. Mỗi người là một cá thể riêng biệt bởi vốn sống, vốn kinh nghiệm, hiểu biết, đặc điểm tâm lý, quan niệm thẩm mỹ, văn hóa,… khác nhau. Chúng ta gọi đó là tầm đón nhận của người đọc. Khi bạn đọc giải mã Truyện Kiều, họ sẽ sử dụng tầm đón nhận của mình để tìm hiểu và đánh giá tác phẩm. Hơn nữa, do những động cơ cụ thể nào đó, người đọc sẽ điều chỉnh hướng giải mã theo mục đích nhất định của mình. Vì vậy, khi tiếp nhận Truyện Kiều, sẽ chẳng ai hoàn toàn hiểu giống ai. Chính vì điều này, ý nghĩa của Truyện Kiều ngày càng được mở rộng với những lớp nghĩa vượt ra ngoài sự gửi gắm của nhà văn, mà lớp nghĩa nào nêu ra cũng thuyết phục và hết sức có lý. Đó chính là những biểu hiện rõ ràng nhất của tính mơ hồ trong tiếp nhận. Trước hết, khi tiếp nhận tác phẩm, giải mã ngôn ngữ, hình tượng nhân vật, người đọc sẽ sử dụng tri thức văn hóa và kinh nghiệm sống của mình để tiếp nhận thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Đó có thể là những kiến thức chung nhất của xã hội được kết tinh thành văn hóa hoặc cũng có thể là những kinh nghiệm mang tính cá nhân, tính chuyên môn hay vùng miền. Ví như chân dung nàng Thúy Vân,
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 63/2022 9 khi vận dụng những kinh nghiệm của văn hóa dân gian, kinh nghiệm về nhân tướng học để giải mã, độc giả sẽ thấy sự cộng hưởng về nghĩa rất phong phú. Khi miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du viết: “Vân xem trang trọng khác vời,/ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang,/ Hoa cười, ngọc thốt đoan trang,/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Ở góc độ người tiếp nhận thông thường, những câu thơ trên sẽ vẽ ra một chân dung Thúy Vân với vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu, khuôn mặt tròn như trăng rằm, gắn với dáng vẻ đoan trang, chừng mực, từ tốn trước sau,… Người có dung mạo, thần thái như vậy, chắc hẳn sẽ có một cuộc sống êm đềm, an nhàn, cả đời sung sướng. Với một người có vốn kinh nghiệm văn hóa sâu sắc, có khả năng giải mã nhân tướng học thì chân dung Thúy Vân không đơn giản chỉ dừng lại ở những cảm nhận sơ lược ấy, mà còn hé lộ rất nhiều ý nghĩa về con người, nhân cách, số phận của Thúy Vân. Điểm lại các đặc trưng tướng pháp mà Nguyễn Du dùng để miêu tả Thúy Vân: khuôn mặt, ngọa tằm, môi miệng, lời nói, giọng nói, mái tóc, làn da,… đều mang những đặc điểm của kiểu người phụ nữ “vượng phu ích tử”, gắn với phẩm chất ung dung tự tại, đĩnh đạc từ tốn, không xốc nổi, sống bằng lý trí, bằng trách nhiệm, biết nhường nhịn, sẻ chia. Trong câu chuyện, Vân không bán mình chuộc cha như Thúy Kiều nhưng bù lại, nàng bình tĩnh, chấp nhận ở lại gánh vác gia đình và thay chị trả nghĩa cho chàng Kim. Trong buổi đoàn viên, Vân chủ động là cầu nối hàn gắn tình cảm Kim - Kiều,… Với những phẩm chất được hé lộ qua dung mạo và hành động như vậy, Thúy Vân trở thành chỗ dựa, là hậu phương vững chắc lo lắng gia đình thay Thúy Kiều, là ân nhân của cuộc đời Kiều chứ không phải là một Thúy Vân vô lo, vô nghĩ, chỉ thụ động chờ người ta chỉ việc, sống một cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị như nhiều người đọc bình dân khi cảm nhận về nhân vật này. Chúng ta sẽ thấy ở Thúy Vân hội tụ đủ tứ đức: công - dung - ngôn - hạnh, là mẫu người làm chỗ dựa cho gia đình trong lúc gian nan, là điểm tựa, nhịp cầu cho người thân vươn tới sự thành đạt. Ở góc nhìn này, ta thấy Thúy Vân hiện lên là con người có chiều sâu hơn hẳn cách nhìn thông thường. Bên cạnh vốn sống, vốn kinh nghiệm, độc giả có thể dùng tri thức chuyên ngành về ngôn ngữ và văn học của mình để giải mã tác phẩm. Đối với người đọc thông thường, do hiểu biết ngôn ngữ và văn học còn nhiều hạn chế, nên lớp ý nghĩa họ kiến tạo được từ hình tượng văn học có khi chỉ dừng lại ở bề nổi. Trong khi đó, với những độc giả có trình độ, họ lại có những cách kiến giải mới lạ và sâu sắc. Ví như trong đoạn khắc họa chân dung Mã Giám Sinh, Nguyễn Du viết: “Quá niên trạc ngoại tứ tuần/Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Tiếp nhận chân dung họ Mã, mỗi người sẽ có một tưởng tượng khác nhau nhưng đa phần đều có cảm nhận chung, trong bức chân dung đó Mã Giám Sinh không có râu bởi ta hiểu “nhẵn nhụi” là nhẵn thín. Ở đây có hai giả thuyết đặt ra: hoặc họ Mã đã cố tình cạo râu nhẵn thín để làm dáng cho ra vẻ trẻ trai, cho xứng với vị trí chú rể đi hỏi cưới mỹ nhân hoặc cũng có thể hắn không có râu để mọc nên nhìn khuôn mặt lúc nào cũng nhẵn nhụi, dị hợm. Không có râu theo nhân tướng học chỉ bọn tiểu nhân, hoặc bọn bất nhân chứ không phải là kẻ có học, trượng phu như những gì hắn giới thiệu (là sinh viên trường Quốc Tử Giám). Thậm chí nhiều người còn tưởng tượng họ Mã cả lông mày lẫn râu đều sạch trơn nhẵn nhụi theo đúng nghĩa đen của câu thơ “mày râu nhẵn nhụi”. Là một chuyên gia về ngôn ngữ, học giả An Chi trong Câu chữ Truyện Kiều có cái nhìn khác với cách hiểu thông thường. Ông đã đưa ra cách giải thích hoàn toàn khác nhưng rất hợp lý về hai chữ “nhẵn nhụi”. Theo Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên thì mày râu “nhẵn
  6. 10 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI nhụi” là mày râu được “dọn sửa cho sạch sẽ, gọn gàng, không còn lởm chởm” [1, tr.109]. Vậy hiểu theo nghĩa này, câu thơ ý nói Mã Giám Sinh đã chăm chút ngoại hình của mình một cách cẩn thận từ việc tỉa tót mày râu đến việc trưng diện quần áo. Tác giả An Chi khẳng định họ Mã hoàn toàn có râu và râu được tỉa tót rất công phu, cầu kì chứ mặt không hề nhẵn thín, dị hợm như cách hiểu bình dân. Có thể thấy, do có trình độ về ngôn ngữ và cách tiếp nhận dò đến ngọn nguồn câu chữ, An Chi đã vẽ ra một hình dung hoàn toàn khác so với hình dung thông thường về tay buôn họ Mã, khiến cho chân dung Mã Giám Sinh vốn dĩ đã khó xác định rồi nay càng mơ hồ, khó nắm bắt hơn bởi hình dung theo kiểu gì cũng có cái lý của nó. Trong quá trình tiếp nhận văn học, quan điểm thẩm mỹ và tâm lý của người đọc chi phối rất lớn đến cách hiểu (giải mã) văn bản nghệ thuật. Quan điểm thẩm mỹ là quan điểm về cái đẹp, như thế nào được xem là đẹp? mỗi người sẽ có một cách lý giải, không ai là hoàn toàn giống nhau. Điều này tác động không nhỏ đến quá trình cảm thụ và cắt nghĩa cái đẹp trong nghệ thuật nói chung và trong văn học nói riêng. Ví như: đoạn Kiều vào lầu xanh, Thúc Sinh đến mua vui rồi đam mê ở mãi không muốn rời, vì sắc diện Kiều có sức hấp dẫn làm Thúc đắm đuối mê mẩn. Tình tiết trong đoạn này được Nguyễn Du thể hiện bằng mấy câu: “Buồng the phải buổi thong dong,/ Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa./ Rõ màu trong ngọc trắng ngà,/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên./ Sinh càng tỏ nét càng khen”. Trước giờ, độc giả khi đọc đến đây đều cho là Nguyễn Du tả Thúy Kiều tắm “nude”, “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Đó là câu thơ tụng ca thân thể người đẹp duy nhất trong văn học trung đại Việt Nam, không có trong nguyên tác của Thanh Tâm Tài nhân. Chữ “tòa thiên nhiên” đã gợi lên một công trình, một kiến tạo, một kiến trúc mà chỉ có thiên nhiên mới làm được. Thúc Sinh tình cờ bắt gặp, được chiêm ngưỡng những đường nét trên thân thể nàng, thấy hoàn hảo giống như một viên ngọc hiếm có mà tạo hóa, thiên nhiên hun đúc: từ làn da trắng thơm tinh khiết đến cơ thể nảy nở tròn trịa, căng tràn,… tất cả khiến Thúc Sinh si mê, tấm tắc khen thầm và quyết chiếm nàng làm của riêng để thỏa ước ao thanh sắc. Tuy nhiên, cách hiểu trên vừa phản ánh một thứ “mĩ cảm” lệch lạc, vừa không hiểu nguyên tắc ước lệ trong tư duy và phương thức phản ánh của văn học trung đại. Ngay đến các sư thầy, những người theo Phật giáo cũng hiểu và cắt nghĩa theo một ý khác, thanh thoát chứ không phồn thực, nhục cảm như thế. Theo tác giả Huyễn Ý, đoạn thơ trên không phải là tả cảnh Kiều tắm và hai câu thơ “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên” cũng không phải là hai câu thơ miêu tả vẻ đẹp hình thể của Thúy Kiều. Vì sư thầy có đối chiếu đoạn này ở hai quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân, một là do Mộng Bình Sơn dịch, hai là Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân dịch, chỉ thấy tả cái đẹp của Kiều khi đã tắm xong ra phòng khách, Thúc Sinh thấy vậy làm mấy bài thơ khen dung mạo nàng mà thôi. Sư thầy cho rằng Nguyễn Du tả Kiều qua mấy vần thơ này là có chủ ý muốn nói về sự việc gì đó nằm ở đằng sau ngôn ngữ. Ông cho rằng “nếu tư tưởng ta hướng về đạo pháp thì ý nghĩa của văn tự đó theo cái nghĩa đạo pháp; còn tư tưởng thế tình thì cũng văn tự đó ta nhận định theo nghĩa thế tình, thế thì văn tự nào cũng có ba, bảy đường ý nghĩa” [11, tr.26]. Ý trên của tác giả Huyễn Ý rất hợp với lý thuyết tính mơ hồ từ góc độ tiếp nhận mà chúng tôi đưa ra. Nếu theo cái nhìn của con mắt người học Phật thì hai câu thơ trên là hình ảnh ẩn dụ để chỉ “con người chân thật” của Thúy Kiều. Nhân vật Kiều là hình ảnh tượng trưng chỉ cho Tâm. Dù ở trong nhơ bẩn xấu xa ô trọc, nhưng Tâm vẫn trong sáng như ngọc, trắng như ngà, rỡ ràng hiện
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 63/2022 11 sờ sờ trước mặt mà con người do mê lầm quên lãng không biết nhận lấy để sống. “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà” là chỉ cho sự nguyên vẹn trong sáng, là Tâm thanh khiết không nhiễm lấm bụi trần, đó là Tâm chân thật. Ý câu thơ ở đây là: Thúc Sinh đã nhận ra, nhìn thấy cái tâm thanh cao, thuần khiết của Thúy Kiều mà đem lòng cảm phục, si mê chứ không đơn thuần chỉ là chiếm nàng về để thỏa thú vui thanh sắc. Có vậy, Nguyễn Du mới nói “Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng”. 2.3. Tính mơ hồ đa nghĩa của nhân vật đươc tạo từ điểm nhìn và cách tiếp nhận Truyện Kiều và bản thân nhân vật Thúy Kiều từng là trung tâm của một trong mười cuộc tranh luận lớn trong đời sống văn chương nước nhà nửa đầu thế kỉ XX, người chê trách Kiều cũng nhiều mà người bênh vực Kiều cũng không ít. Căn cứ vào mối quan hệ với bốn người đàn ông có mặt trong cuộc đời nàng (Kim Trọng, Thúc Sinh, Sở Khanh và Từ Hải) và quãng đời nhơ nhớp đọa đày ở lầu xanh, cụ nghè Ngô Đức Kế đã coi Kiều là một con đĩ, là nỗi điếm nhục, là đồ bỏ đi; trong khi đó các học giả khác đương thời như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh lại rất cảm thông và trân trọng cả tác giả lẫn nhân vật. Xét cho cùng, với thân phận của một người con gái phải bán mình chuộc cha, Thúy Kiều đâu có sự lựa chọn khi lâm vào tình cảnh ấy. Hành trình mười lăm năm lưu lạc chìm nổi, muốn chết mà không chết được đã biến nàng thành một người “khổ nhất”, đáng thương chứ không đáng trách. Tương tự như thế, tiếp nhận hình tượng nhân vật Thúc Sinh, từ xưa đến nay, đã có nhiều ý kiến cho rằng Thúc Sinh là một gã đàn ông ăn chơi trác táng, ươn hèn, sợ vợ, sống bạc bẽo, thủ đoạn và giả dối với Kiều. Thậm chí học giả Lê Đình Kỵ còn cho rằng “sự việc xảy ra biến y thành một tên Sở Khanh không hơn không kém” [8, tr.35]. Còn Võ Hồng với quan điểm thẩm mỹ cá nhân, dựa vào câu chữ trong văn bản thì nhận định “Thúc Sinh là môt nhân cách rất đỗi tầm thường” [8, tr.36]. Trong êm đềm, chàng say mê, hăng hái, hứa hẹn “Đường xa chớ ngại Ngô, Lào/ Trăm điều hãy cứ trông vào một ta” nhưng khi tình yêu bước vào gian nan thử thách thì chàng rụt cổ, thu vòi, sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc để rồi cuối cùng phủi tay một cách vô trách nhiệm “Liệu mà cao chạy xa bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi”. Tác giả Phan Thị Thanh Thủy với điểm nhìn khách quan của một người phụ nữ nhìn về một người đàn ông, vốn nhiều trải nghiệm, gắn chặt hình tượng với đời sống, đã có những nhận xét rất sâu sắc, mới mẻ về nhân vật Thúc Sinh. Nhìn từ góc độ đạo đức phong kiến, chàng Thúc là một cậu ấm xuất thân gia giáo nhưng “có lối sống thác loạn không có điểm dừng đến mức đánh mất danh giá của bản thân và làm tổn hại đến thanh danh của cả dòng tộc” [8, tr.27]. Trong cách đối xử với Kiều, Thúc Sinh thể hiện là một kẻ “hèn hạ, đốn mạt, bỉ ổi” [8, tr.27]. Khi say mê thì tìm đủ cách chiếm đoạt Kiều về làm của riêng nhưng khi bị vợ cả Hoạn Thư phát hiện thì hèn hạ đổ lỗi cho người khác “lòng người nham hiểm khó lường” rồi cạn tình phủi tay rũ áo. Hơn nữa, mặc dù đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tình của mình nhưng anh ta vẫn tham lam, trơ trẽn, nuôi hi vọng “Biết bao giờ lại nối lời nước non”. Không chỉ phân tích hình tượng Thúc Sinh dựa trên văn bản, bám sát câu chữ Truyện Kiều, tác giả Phan Thị Thanh Thủy còn đặt nhân vật trong sự so sánh, đối chiếu với chàng Thúc trong Kim Vân Kiều truyện trên các phương diện như lối sống, cách xử sự của Thúc Sinh trong mối liên quan đến Kiều. Qua đó, tác giả khẳng định: “chàng Thúc trong Kim Vân Kiều truyện vẫn còn chất người và tử tế hơn chàng Thúc của Nguyễn Du” [8, tr.33]. Đối lập với thái độ gay gắt của những nhà phê bình chuyên
  8. 12 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI nghiệp về Truyện Kiều như Vũ Hồng, Lê Đình Kỵ (nhìn từ điểm nhìn đạo đức phong kiến) hay ý kiến phê phán rất mới mẻ của Phan Thị Thanh Thủy (nhìn từ điểm nhìn đời sống hiện đại), tác giả Nguyễn Văn Khánh, một người đọc không chuyên với tầm đón nhận phổ thông và tư duy hiện đại lại dành rất nhiều những lời ưu ái cho nhân vật Thúc Sinh. Với những lý lẽ rất riêng của mình, ông cho rằng “cách đặt tên cho chàng sinh viên họ Thúc là Kì Tâm chứa đựng ẩn ý sâu xa của Nguyễn Du” [4, tr.46]. Cái tên đó một lần cũng được tác giả nhắc đến khi miêu tả tâm trạng Thúy Kiều thương nhớ chàng Thúc đang trên đường về thăm Hoạn Thư: “Đêm thu gió lọt song đào,/ Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”. Theo như ý ông, câu thơ chỉ ngôi sao Khuê (hay còn gọi là sao Tâm) ẩn dụ chỉ Thúc Sinh. Sao Khuê là ngôi sao sáng, đẹp trên bầu trời, ý chỉ chàng thư sinh họ Thúc là người có tâm, có đức. Một ý kiến đáng chú ý nữa khi tác giả cho rằng không phải Thúc Sinh quen thói ra vào lầu xanh, ăn chơi trác táng mà chỉ vì nghe đồn có Kiều ở đó, chàng đã gửi thư xin gặp chỉ để thưởng thức, chiêm ngưỡng dung nhan của nàng “Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi/ Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào”. Không chỉ vậy, ông đánh giá tình yêu của Thúc Sinh dành cho Kiều là chân thành, sâu sắc bởi chàng sẵn sàng quyên sinh nếu Thúc Ông không thương tình nàng Kiều “Lượng trên quyết chẳng thương tình,/ Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi”. Ngay cả câu nói gây bức xúc bao người của chàng Thúc: “Liệu mà cao chạy xa bay,/ Ái ân ta có ngần này mà thôi” cũng được ông nhận định không phải là bạc bẽo, ươn hèn mà đó là lời khuyên thượng sách. Bởi Thúc Sinh thấy rõ những điều nguy hiểm sẽ ập đến với Kiều nếu chàng thừa nhận danh phận của nàng. Với một người sâu sắc nước đời như Hoạn Thư lại là con quan Bộ Lại, khi nổi máu ghen lên thì chàng Thúc và nàng Kiều không thể là đối thủ, nên xét về cả lý lẫn tình, việc khuyên Kiều bỏ trốn là vì Thúc Sinh nghĩ cho Kiều. Chính vì nhìn thấu tấm lòng của chàng mà sau này khi gặp lại, công lao, đức độ của Thúc Sinh được Kiều đánh giá cao và trả ơn rất hậu: “Nàng rằng nghĩa trọng nghìn non,/ Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân,/ Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”. Vì những lý do trên, tác giả đánh giá Kì Tâm là “chàng thư sinh đa tình, có đức, có tài và giàu lòng nhân ái” [4, tr.66]. Tác giả Nguyễn Văn Khánh cho rằng những ẩn ý trên là một trong những điều sâu xa trong tư tưởng nhân văn Nguyễn Du mà không phải ai cũng hiểu được. Cùng chung phương pháp tiếp cận (bám vào câu chữ trong sự đối chiếu, so sánh với nguyên mẫu) với tác giả Phan Thị Thanh Thủy, học giả Vũ Nho trong Từ Kim Vân Kiều truyện đến Truyện Kiều nhìn nhân vật Thúc Sinh trong sự dung hòa cả hai ý kiến khen chê. Ông vừa khách quan đánh giá vừa nhập thân vào nhân vật để đồng cảm và cho rằng: “Nguyễn Du cảm thông, cảm tình với Thúc Sinh hơn là chê trách” [7, tr.163]. Điều này được thể hiện rõ qua đoạn giới thiệu nhân vật có phần ưu ái hơn chàng Thúc trong nguyên mẫu. Nguyễn Du diễn tả Thúc say mê Kiều thanh tao hơn chàng Thúc của Thanh Tâm Tài nhân (cùng nhau uống rượu, làm thơ, đánh cờ, chơi nhạc). Chàng là người yêu thương Kiều thật lòng chứ không phải qua cầu rút ván như người đọc hời hợt vẫn thường quy tội (thể hiện qua cảnh chia tay bịn rịn và tâm trạng ngày được trở về với người yêu đầy phấn khởi của chàng). Tác giả cho rằng Thúc Sinh là nhân vật kí thác một phần tâm sự của Nguyễn Du: “Nhà thơ không thể bẻ gãy bạo quyền; đối với cái ác, ông bất lực; nhưng ông thấu hiểu và đề cao nhân phẩm” [7, tr.168]. Thúc Sinh yêu mến Kiều, yêu mến cái đẹp, nâng niu, trân trọng cái đẹp nhưng chàng nhu nhược và bất lực. Chàng chỉ có thể bó tay mà “trông vào đau ruột, nói ra ngại lời”. Nguyễn Du cũng có một chàng Thúc ở
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 63/2022 13 trong lòng. Chính vì thế mà nhà thơ cảm thông, thương mến, và làm cho hình ảnh chàng Thúc có phần đáng trách, nhiều phần đáng thương. 3. KẾT LUẬN Sở dĩ Truyện Kiều được tôn vinh là kiệt tác của dân tộc và có sức sống lâu bền với thời gian là bởi cho đến nay tác phẩm vẫn được xem là một thế giới chứa đựng vô vàn những điều bí ẩn, mơ hồ, không ngừng thu hút người đọc tìm hiểu, khám phá. Để “đốn ngộ” được những điều sâu xa mà Nguyễn Du gửi gắm qua từng câu chữ, qua cuộc đời, số phận các nhân vật trong Truyện Kiều thật không dễ dàng. Tuy nhiên, mỗi thời đại, mỗi người đều có quyền đưa ra các cách hiểu của riêng mình. Trong quá trình tiếp nhận, những khác biệt về ngữ cảnh, về tầm đón nhận, về phương pháp tiếp nhận,… đã chi phối đến cách cảm, cách nghĩ của độc giả, làm cho quá trình tương tác và giải mã có độ vênh nhất định, thậm chí có người bằng những góc nhìn mới, đưa ra những cách phân tích, đánh giá hoàn toàn khác biệt, lạ nhưng cũng rất hợp lý về một hình tượng, một sự việc dường như đã quá quen thuộc. Nhờ quá trình tiếp nhận chủ động, đầy sáng tạo của người đọc, thế giới nghệ thuật Truyện Kiều không ngừng được hoàn thiện, ngày càng mơ hồ, lung linh, đa sắc với những trường ngữ nghĩa được mở ra vô tận. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. An Chi (2017), Câu chữ Truyện Kiều, Nxb. Tổng hợp, Hồ Chí Minh. 2. Lê Nguyên Cẩn (2018), Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội. 3. Vũ Hạnh (2015), Đọc lại Truyện Kiều, Nxb. Văn học, Hà Nội. 4. Nguyễn Văn Khánh (2014), Phát hiện mới về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. 5. Marian B.Lam (1997), Truyện Kiều dưới góc nhìn văn học nữ quyền, trên trang http://vanhoanghean.com.vn, đăng ngày 24/9/2014, truy nhập ngày 20/07/2021. 6. Đặng Thai Mai (2002), Trên đường nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn chương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 7. Vũ Nho (2016), Từ Kim Vân Kiều truyện đến Truyện Kiều, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. 8. Phan Thị Thanh Thủy (2016), Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. 9. Trần Đình Sử (2005), Trần Đình Sử tuyển tập, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 10. Trần Đình Sử (2019), Tài liệu chuyên văn, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 11. Huyễn Ý (2007), Truyện Kiều qua khía cạnh tâm linh, Nxb. Tôn giáo, Đà Lạt. THE AMBIGUITY OF TRUYEN KIEU IN THE RECEPTION PROCESS Abstract: Ambiguity is both an attribute and a quality of literature. When an art unit in a literary work with multiple meanings, ambiguity or movement changes in meaning is also the time when it becomes ambiguous. The article explores the multifaceted ambiguity of Truyen Kieu which manifested in the reception process. This is the process by which the reader has a very important role. Readers with social context, the level received and different reception methods have led to rich and different feeling about Truyen Kieu. This is one of the important mechanisms to create ambiguity and shimmering for the work, making the meaning of Truyen Kieu to constantly move, change and expand over time. Keywords: Ambiguity, multi meaning, Truyen Kieu, the reception process.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2