Tổ ấm
lượt xem 2
download
Tính luôn bữa nay là đã hai năm ba tháng mười sáu ngày kể từ hôm nàng biến mất. Lần cuối cùng anh nhìn thấy nàng là sáng 27 tháng ba. Hôm đó anh dậy trễ, có súc miệng đánh răng nhưng không kịp cạo râu, vừa cài nút áo vừa bước ra cửa vừa càu nhàu chuyện nàng không chịu kêu mình dậy sớm. Nàng lặng lặng không nói gì, anh vừa ra tới cửa thì nàng bất ngờ choàng ôm anh từ phía sau, thật chặt....
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tổ ấm
- Tổ ấm TRUYỆN NGẮN CỦA HẠNH VÂN Tính luôn bữa nay là đã hai năm ba tháng mười sáu ngày kể từ hôm nàng biến mất. Lần cuối cùng anh nhìn thấy nàng là sáng 27 tháng ba. Hôm đó anh dậy trễ, có súc miệng đánh răng nhưng không kịp cạo râu, vừa cài nút áo vừa bước ra cửa vừa càu nhàu chuyện nàng không chịu kêu mình dậy sớm. Nàng lặng lặng không nói gì, anh vừa ra tới cửa thì nàng bất ngờ choàng ôm anh từ phía sau, thật chặt. Chật và vướng víu - anh đã cảm nhận vậy trong lúc ruột gan cồn cào vì sợ trễ cuộc hẹn với đối tác. Nếu biết đó là vòng ôm cuối cùng của nàng, hẳn anh đã không vội vàng gỡ tay nàng ra, dù có phải lỡ một hợp đồng quan trọng. Nhưng nàng đã biến mất, không lời từ biệt, không dấu vết, không tăm tích. Tối đó anh nhậu với tụi bạn tới nửa khuya. Thằng Hoàng dục về mấy lần. Anh cười lạt lẽo, vuốt má đứa con gái đang õng ẹo bên cạnh, giọng hơi ríu lại vì say và buồn ngủ: “Tội nghiệp mấy cha sợ vợ… Ai biểu kết hôn làm chi cho khổ… Ký vào giấy kết hôn có nghĩa là cấp cho người ta cái quyền ghen tuông công khai, đúng hôn cưng?”. Mấy đứa con gái cười hí hí, nói “Tự do muôn năm, anh yêu… muốn nằm, hí hí hí…”. Câu đùa lạt nhách, nhưng khe ngực sâu và vồng ngực lồ lộ rung rung theo cái cười đầy phấn khích thì coi được. Nó làm vợi bớt cơn buồn ngủ rã rượi và đem chút rạo rực ào về… Lúc đó anh không biết nàng đã biến mất, không biết mình cũng có lúc muốn đổi một mớ tiếng cười hí hí vô duyên kia lấy lại một tiếng dạ nhẹ mềm… Cả khi về tới nhà anh cũng chưa ý thức được sự mất mát. Anh chỉ bực bội làu bàu khi phải tra chìa khóa mở cửa trong cơn chếnh choáng ngầy ngật. Sau đó thì ma men lôi tuột anh vào một giấc ngủ mê mệt…
- Chỉ sáng hôm sau, khi mắt vẫn nhắm nghiền và cái đầu nhức bưng bưng còn ép trên gối, anh mới lờ mờ nhận ra một điều gì khác lạ. Không có tiếng bước chân đi lại nhẹ nhàng, không có tiếng xoong chảo chạm khẽ khàng trong bếp, không có tiếng nước chảy rủ rỉ từ buồng tắm… Không thanh âm quen thuộc nào cả. Tuyệt đối câm lặng. Anh trở dậy nhớn nhác tìm kiếm - không thấy nàng. Bấm điện thoại - không liên lạc được. Mở tủ - đồ đạc của nàng vẫn đấy. Chắc nàng đi đâu đó chút về. Anh nghĩ vậy, nhẹ nhõm ùa vào lòng được chút ít trước khi bồn chồn đeo bám dẳng dai… Một ngày rồi mấy trăm ngày sau nữa trôi qua, nàng không về. Giá như nàng để lại một tín hiệu, một lời nhắn nào đó (như một lá thư sướt mướt đầu giường, hay một dòng chữ nguệch ngoạc trên mẩu giấy dán ngay cánh cửa tủ lạnh chẳng hạn) thì có lẽ anh đã không hoang mang đến vậy. Anh cố sắp xếp lại những ý nghĩ đang nhảy nhót lộn xộn trong đầu để tìm coi nguyên do nào khiến nàng đột nhiên biến mất. Chắc chắn không phải bị bắt cóc. Tòa soạn tạp chí Gia đình nói nàng có nộp đơn xin thôi việc. Hỏi vậy chớ cổ đi đâu. Người tòa soạn ngơ ngác, tui hỏi nó không nói, tưởng chuyện này anh phải biết chớ! Câu này anh dịch ra là “Ông làm người yêu kiểu gì mà kỳ cục quá vậy?” khi chạm phải ánh nhìn nghi ngại của người tòa soạn đang dán vào mình. Thằng Hoàng thì không cần thể hiện sự ngạc nhiên bằng mắt, nó độp thẳng vào mặt anh một lúc mấy câu hỏi nhọn hoắt: “Hả? Ông yêu cái kiểu gì vậy? Yêu bao lâu rồi mà nhà nó ở đâu còn chưa biết là sao?” Anh nhăn nhó gãi đầu gãi tai. Trước giờ anh sống đơn giản, quan niệm yêu đương của anh cũng đơn giản. Hợp nhau thì sống chung, hiện tại nhẹ nhõm là được, cần gì phải nhùng nhằng dây nhợ quá khứ hay vẽ vời viễn cảnh tương lai làm chi cho cuộc sống thêm vướng víu phức tạp. Không biết quan niệm của nàng có giống vậy không. Chưa bao giờ anh nghe nàng kể về thời thơ ấu, về gia đình. Cũng chưa bao giờ nàng thủ thỉ với anh chuyện tương lai kiểu như khi nào tụi mình làm đám cưới, anh thích đứa con đầu lòng là con trai hay con gái… Có lẽ nàng cũng không muốn xâm phạm đến hai chữ Tự do mà anh tôn thờ, càng không
- có cái ý định quây nhốt hai chữ thiêng liêng ấy bằng một đám cưới hay một tờ hôn thú như những người phụ nữ bình thường vẫn thường mong muốn. Anh từng hài hòng nhẹ nhõm về điều này. Ngày ấy anh chưa ý thức việc tờ giấy kết hôn còn có một quyền năng to lớn khác - Là ngăn không cho người ta biến mất một cách đột ngột, dễ dàng và không cơn cớ, như nàng. Thì thôi. Cũng có gì ràng buộc đâu mà phải hao hơi tổn sức kiếm tìm. Nhiều lần anh nghĩ vậy nhưng rồi vẫn cứ thấp thỏm bồn chồn. Anh muốn gặp nàng, để hỏi nguyên do tại sao nàng lại biến mất. Không phải là níu kéo, anh chỉ muốn hỏi cho ra lẽ vậy thôi. *** Anh xốc xới mớ ký ức còm nhom của mình và nhớ ra ngôi trường nàng từng học, xốc xới hồ sơ của nàng lưu ở đó và tìm ra làng xóm nơi nàng từng sống, lại xốc xới cái xóm nghèo nàn ấy để tìm ra ngôi nhà nhỏ bé xiêu xiêu từng che mưa nắng cho nàng một thuở ấu thơ… Cuối cùng thì anh cũng gặp được cha nàng, một người đàn ông có dáng đi thập thễnh và ánh nhìn lạnh lẽo. Cả câu nói rớt ra từ đôi môi khô nẻ kia cũng sắc lạnh: “Từ sau ngày mẹ nó mất nó có thò mặt về được bữa nào… Mà bộ hết chuyện làm hay sao lại đi tìm con nhỏ hãm tài đó cho mất công vậy?”. Anh đứng chết trân ngơ ngác trước khi chị của nàng kéo tuột anh vào căn nhà bên cạnh, kể cho anh nghe câu chuyện về “con nhỏ hãm tài”. Chuyện bắt đầu từ khi đài truyền hình chọn gia đình nàng làm đối tượng nhận giúp đỡ trong chương trình truyền hình “Tổ ấm yêu thương”. Tiêu chí của chương trình là tìm kiếm lựa chọn những gia đình nghèo mà hạnh phúc (kiểu một túp lều tranh hai trái tim vàng) để giúp họ thoát nghèo và duy trì hạnh phúc. Người ta nói gia đình nàng hội đủ hai tiêu chí ấy. Đoàn khảo sát hăm hở băng đồng lội suối tìm đến ngôi nhà liêu xiêu trống hoác, họ hình dung ra câu chuyện đặc biệt về một gia đình đặc biệt. Chuyện bắt đầu từ hình ảnh người chồng, người cha thập thễnh trở về nhà sau ngày giải phóng, đón anh là hai đứa con nhỏ và người vợ bụng đã lùm lùm sau áo
- - kết quả sau vụ cưỡng bức của tên đồn trưởng khét tiếng gian ác. Và người chồng đã gạt bỏ những đau đớn bẽ bàng, lặng lẽ chăm sóc vợ con, cưu mang cả giọt máu rơi rớt lạc loài… Câu chuyện chắc chắn sẽ lấy được nhiều nước mắt của khán giả, gia đình nàng sẽ được giúp vốn làm ăn hoặc được xây nhà mới, hoặc có khi được cả hai, nếu không có vụ trả lời phỏng vấn làm vỡ lở tất cả. Khi được hỏi cháu mơ ước điều gì nhất, anh nàng trả lời ước làm bác sĩ để giúp chân ba bớt đau những lúc trở trời, chị nàng trả lời ước có ngôi nhà mới để mẹ không phải thức dậy nửa khuya che chắn chỗ ngủ mấy anh em khỏi dột ướt. Câu trả lời của anh chị nàng khiến một số người trong đoàn khảo sát rưng rưng nước mắt. Nhưng nàng đã lập tức làm cho những rưng rưng ấy trở nên khô khốc bằng một câu nói mười chữ đanh gọn: “Con ước ông ấy không bao giờ đánh mẹ nữa”. Câu nói của đứa trẻ bảy tuổi lem luốc đã bóc trần một sự thật: Người mẹ khốn khổ vẫn thường xuyên chịu những trận đòn đến từ cơn ghen xộc tới bất kỳ lúc nào của chồng, vẫn thường xuyên phải rát mặt bởi câu hỏi đay nghiến lặp đi lặp lại: “Có thật cô bị cưỡng bức?”. Mẹ nàng cắn răng chịu đựng tất cả. Bà trân người nhận thêm những đớn đau để mong xoa dịu cơn đau đớn trong lòng chồng, dù chính bà mới là người đáng thương nhất trong cái trò đùa ác hiểm của một thứ mang tên chiến tranh. Đứa trẻ bảy tuổi chưa thể hiểu được những điều phức tạp. Nó uất ức và phản kháng.
- Vì sự phản kháng ấy mà niềm hy vọng của gia đình nàng chấm hết. Nghèo và hạnh phúc - Hai tiêu chí bắt buộc của chương trình thì gia đình nàng chỉ chứng minh được một, tiêu chí thứ hai rơi vỡ cùng với lời con trẻ. Nên đoàn khảo sát đã lặng lẽ rời đi. Mắt người đàn ông trụ cột của khó nghèo từ đó vằn thêm những tia hằn học. Suốt chặng đường về, anh không sao bứt mình ra khỏi hình ảnh một đứa bé còm nhom luôn lủi thủi một mình trong xó xỉnh nào đó ở cái nơi mà nó gọi là nhà, luôn thu mình lảng tránh tầm mắt của người mà nó gọi là cha. Đứa bé ấy đã làm cách nào để có thể trở thành một người dịu dàng đằm thắm như nàng? Và anh đã làm gì trong suốt thời gian ở cùng một nhà, ăn cùng một mâm, ngủ cùng một giường mà không hề nhìn thấy (dù chỉ là thấp thoáng) hình ảnh đứa bé ấy trong nàng? Nếu có một câu chuyện cổ tích được dựng lên, và nàng hóa thân thành cô bé lọ lem nhem nhuốc (sau trở thành công nương xinh đẹp), thì anh chắc chắn mình không phải là chàng hoàng tử chân thành hào hiệp. Hoàng tử thì đâu có vô tâm như vậy. *** Câu chuyện về đứa bé bất chợt làm anh nhớ tới một buổi tối xem ti vi cùng nàng, hình như cũng chương trình Tổ ấm yêu thương thì phải. Thực ra chỉ có mình nàng xem, còn anh đang bận mơn man da thịt mát rượi của nàng.
- - Không biết nhà đó có thoát được nghèo không… Mà hết nghèo rồi thì họ có còn hạnh phúc nữa không anh nhỉ? Anh chực buột ra miệng cái câu “chuyện thiên hạ mà em” nhưng kịp khựng lại, lời rót vào tai nàng mượt êm: - Thì càng hạnh phúc hơn chứ sao, hạnh phúc như tụi mình vậy nè! Nàng như con mèo ngoan nằm yên dưới bàn tay ve vuốt dịu dàng. Anh chưa kịp vùi vào đôi môi mịn thơm của nàng thì từ đó lại thoảng ra câu hỏi thẻ thọt: - Sao người ta không chọn những nhà-nghèo-mà-không-hạnh-phúc rồi vừa giúp họ thoát nghèo vừa tìm cách giúp mọi người trong gia đình họ hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn... Làm vậy thì chương trình càng có ý nghĩa hơn chứ sao? - Ừ thì… Tiêu chí vậy mới hạn chế được số lượng. Chớ nhà nghèo xứ mình tràn lan vậy chương trình nào kham cho nổi. Nàng trầm ngâm và dạ. Tiếng dạ nhẹ mềm như một bông hoa tuyết, tan vào lòng anh mát rượi. - Em thích chuyển qua làm truyền hình quá! Ước gì em được làm chương trình này… Hình như đó là lần đầu tiên nàng nói về mơ ước. Anh không hào hứng với những dạng câu ở thì tương lai kiểu vậy, nên với tay lấy cái remote tắt ti vi. - Bộ em thích lên truyền hình lắm sao? Nàng im lặng. Ti vi cũng bặt câm. Xem như chấm dứt cái chủ đề mà anh không mấy quan tâm. Sự im lặng cần thiết giúp anh tập trung vào việc mơn trớn vùng tam giác mượt mịn và tìm cách làm cho nó ẩm ướt. Không phải lúc nào anh cũng thành công. Điểm nhạy cảm trên cơ thể nàng dường như không bao giờ ở yên một chỗ giữa các lần yêu, nên bàn tay sành sỏi của anh không phải lúc nào cũng có thể khiến nàng tan ra thành nước... Có lẽ vì con ong chưa thể tỏ được đường đi lối về nên cảm giác khao khát chinh phục như một đốm lửa cứ âm ỉ cháy hoài.
- Nàng biến mất đã hai năm ba tháng mười sáu ngày mà đốm lửa ấy vẫn không chịu nguội tắt. Góc nào trong nhà cũng khiến anh va vào hình bóng của nàng. Bước vào cửa là chạm ngay đôi dép đi trong nhà có con thỏ bông trắng muốt, máng cái áo khoác lên giá lại chạm phải nón vải xanh mềm mại, xuống bếp chạm những bông hoa làm bằng giấy nhún xinh xinh trên nóc tủ lạnh, vào phòng ngủ chạm son dưỡng môi hương dâu và chiếc váy ngủ lụa mềm… Mọi vật dụng của nàng vẫn rải rác đây đó trong nhà, như thể nàng chỉ đi đâu đó chút rồi về. Như thể nàng chưa từng biến mất. Nhiều lần anh lục tung tủ quần áo, cố hình dung xem nàng đã mặc đồ gì lúc ra đi. Nhưng mù mịt. Suốt thời gian sống chung anh có bao giờ để ý trang phục của nàng đâu mà biết trong ngăn tủ đã khuyết mất bộ trang phục nào. Cũng tương tự vậy, anh nhớ rõ ngày nàng biến mất, nhưng lại không thể nhớ ra được ngày nàng bắt đầu dọn đến sống chung một nhà (Giống như việc người ta thường nhớ như in cái ngày người thân của họ qua đời chứ mấy ai nhớ được ngày người ấy sinh ra, nên người ta chỉ nhè ngày kỷ niệm chết chóc mà nhớ tiếc, mà giỗ quảy tưng bừng). Hạnh phúc vốn ít được lưu tâm nhưng nỗi đau lại thường khuyết sâu vào ký ức. Anh nhận ra điều này khi tuyệt vọng nhìn chữ “ấm” đậu trên những vật dụng quen thuộc của nàng cứ ngày một rơi rớt, còn chữ “buồn” và chữ “nhớ” mỗi ngày lại chen chúc chật đầy. Tụi bạn “mất tự do” của anh có lần cự nự: “Nhà ông giờ trông giống viện bảo tàng quá, sao không cất hết ký ức đi mà sống cho vui vẻ?”. Anh chỉ cười trừ. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn như chưa hề mất mát, kể cả cái ổ khóa cũ không còn bảo đảm an toàn anh cũng không dám thay mới. Nàng đã đột ngột biến mất, biết đâu một ngày nào đó nàng sẽ đột ngột trở về. Biết đâu… *** Điện thoại run bần bật sát bên làm người anh nảy lên như lo xo. Từ khi nàng biến mất, tiếng điện thoại rung vào buổi tối luôn khiến anh thon thót giật mình.
- Giọng thằng Hoàng gấp gáp: “Ông bật ti vi kênh 6 nhanh lên, hình như có nhỏ Thương”. Anh chồm đến cái ti vi. Có một chương trình vừa chớm hết. Những dòng chữ trên màn hình nối nhau chạy lên cao, đè lên cảnh quay khái lược hoạt động của ê kíp thực hiện chương trình. Trên màn hình phẳng lỳ, một bóng áo tím thấp thoáng tới lui giữa những người làm chương trình bận rộn… Anh nhận ra nàng, thật quen mà cũng thật lạ, thật gần mà cũng thật xa… “Ông để mất cô ấy nơi nào thì phải tìm lại ở ngay nơi ấy, biết chưa?” - Giọng Hoàng từ chiếc điện thoại rớt vào tai anh chậm rãi, đánh thức mớ ký ức nhộn nhạo trong đầu. Anh nhận ra không phải nàng đột ngột biến mất hôm hai mươi bảy tháng ba mà thực ra nàng đã mòn dần, khuyết dần mỗi ngày một ít trước đó, cho đến ngày rỗng không. Có lẽ niềm tin của nàng đã khuyết đi một ít ở trạm xe buýt - hôm mím môi bước vào hành trình về quê chịu tang mẹ, một mình… Có lẽ sự chờ đợi trong nàng đã bốc hơi một ít ngay ngã ba Cây Gáo - hôm dòng xe kẹt cứng trước một cửa tiệm áo cưới, và mắt nàng dán chặt vào váy áo cô dâu trắng tinh lấp lánh… Có lẽ những chăm chút thương yêu trong nàng đã mòn đi một ít nơi gian bếp thênh thang - những hôm nàng ngủ gục bên mâm cơm tối nguội lạnh… Có lẽ cơ thể nàng đã tan đi một ít trên mớ chăn nệm ấm mềm, hôm anh để mặc mơ ước của nàng lang thang một mình xa xót… Và có lẽ chút mỏng mảnh cuối cùng của tất tật mọi thứ thuộc về nàng đã bốc hơi hết ngay trên bậc cửa - hôm nàng chong mắt thức đợi một cuộc vui tàn… Anh đã không làm gì để ngăn cản sự khuyết mòn của nàng, giờ bỗng hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu cho cuộc hành trình tìm lại những gì đã mất. Có lẽ thằng Hoàng cũng không thể vẽ được một con đường cụ thể đi đến sự “mất tự do” ngọt ngào mà anh đang khao khát. Anh biết mình phải tự tìm thôi.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Yên Cafe - Điểm đến lãng mạn
4 p | 109 | 18
-
Du lịch giá rẻ trong ngày giỗ Tổ
10 p | 131 | 16
-
Lễ hội Văn hóa ẩm thực du lịch thế giới 2010 tại Vũng Tàu
2 p | 144 | 14
-
Tiếng Đàn Trong Bức Tranh Tố Nữ
5 p | 108 | 12
-
Đến Sơn La thăm nhà tù Tô Hiệu
8 p | 112 | 12
-
Để Em Tỏ Tình Trước Anh Nhé!
8 p | 151 | 10
-
'Phiêu' cùng quán cà phê tổ chim Cooku
6 p | 109 | 8
-
12 Ngôi Nhà Bị Ma Ám Nổi Tiếng Nhất Thế Giới
11 p | 118 | 6
-
Tô Canh Bù Ngót
14 p | 60 | 6
-
Phải yêu người như anh.Em không thể trở nên lớn tuổi hơn chị, cũng không thể hứa hẹn cùng chị, nhưng liệu em có thể duy trì niềm cảm mến này âm thầm như vậy mãi không? Chị sẽ dành cho em một cơ hội ở cuối đường chứ?... Kèn cựa giữa những giá sách to oạc
12 p | 80 | 5
-
Bàn về ẩm thực Quảng Châu
6 p | 102 | 4
-
Truyện ngắn Bốn mùa trong tớ là cậu
8 p | 87 | 4
-
Day to day
2 p | 52 | 3
-
Lời tỏ tình cá tháng Tư
10 p | 57 | 3
-
Một số yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch ẩm thực đường phố tại Thành phố Hà Nội
11 p | 5 | 3
-
Phải Hét Thật To
4 p | 46 | 2
-
Tờ lịch nhiệm mầu
5 p | 35 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn