intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tôi không đi có được không?

Chia sẻ: G G | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

54
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Người đàn ông ấy buộc tôi phải chú ý. Giữa một không gian chật hẹp, lèn đầy những khuôn mặt háo hức có, hờ hững có, sành điệu hoặc chí ít cũng đang cố tỏ ra không thua kém ai cũng có thì chú là một người lạc lõng nổi trội. Một mặt người đau đớn, không biết nên đi đâu về đâu, thừ lừ chặn những mặt người đang nóng lòng chen tới. Từ phía sau, họ như nước tức bờ, chỉ chực chồm qua gương mặt ngơ ngác chất phác đó. “Ghế của chú số bao nhiêu ạ?”...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tôi không đi có được không?

  1. Tôi không đi có được không? Người đàn ông ấy buộc tôi phải chú ý. Giữa một không gian chật hẹp, lèn đầy những khuôn mặt háo hức có, hờ hững có, sành điệu hoặc chí ít cũng đang cố tỏ ra không thua kém ai cũng có thì chú là một người lạc lõng nổi trội. Một mặt người đau đớn, không biết nên đi đâu về đâu, thừ lừ chặn những mặt người đang nóng lòng chen tới. Từ phía sau, họ như nước tức bờ, chỉ chực chồm qua gương mặt ngơ ngác chất phác đó. “Ghế của chú số bao nhiêu ạ?” - tôi đã cất xong đồ lên ngăn để hành lý, làm như tình cờ quay ra hỏi. Cùng lúc chú bị một gã đeo dây chuyền mặt Phật to tổ bố đẩy tới: “Bố già, đi nhanh lên. Định ỳ ra tới bao giờ?”. Khi đa phần đã yên vị, chú mới lò dò từ cuối khoang ngược lên, vẫn thẫn thờ, tìm được chỗ của mình. Ngay sát tôi, dãy bên, cách có một cái quờ tay là chạm. Mái tóc hoa râm từng đốm rất lạ, chiếc áo đẫm mồ hôi từng mảng trong khoang máy bay phả lạnh thành khói, lạ nốt. Con người cái gì cũng lạ đó vừa chớm ngồi đã bật dậy như ghế với mông tích điện trái dấu. Khuôn mặt mang tâm trạng ngã ba đường, chân dợm bước mà dùng dằng không quyết. Hoang mang cực độ rịn thành hột, tràn những nếp trán. Không cầm được lòng, tôi quay sang hỏi: “Chú có cần gì, con giúp cho!”. “Cậu ơi, bây giờ tôi muốn xuống máy bay người ta có cho không?”. Bao nhiêu tuyệt vọng dồn cả trong câu nói. Bình thường thì đầu óc kỳ quặc của tôi đã dệt nguyên bộ phim viễn tưởng kinh dị về những điều khủng khiếp sẽ xảy ra với chuyến bay khi có người nhất mực đòi xuống. Nhưng âm rung ấy, ánh nhìn ấy quá một lời cầu cứu thảm thiết. Tôi đưa tay ra, chú tức thì bíu lấy. “Con nghĩ nếu chú muốn, không ai có thể bắt chú phải đi cả”. Tay chú cảm ơn tay tôi. “Nhưng sao vậy chú?”. “Con trai bảo lãnh tôi qua Mỹ sống. Mà tôi...”. Lần đầu tiên tôi thấy nước mắt ứa từng hạt, tròn đầy đến vậy. Đó là những giọt hồn, chỉ viễn cảnh lìa bỏ cội rễ mới vắt ra được từ một gương mặt dầu dãi thế kia. Không thành dòng nhưng nhận chìm người đối diện. “Chú chỉ cần đi ra cửa nói với tiếp viên chú muốn ở lại”.
  2. Chú không tìm thấy điều chú cần trong giọng nói của tôi. Ánh mắt ấy nói “Cậu giúp tôi một lời khuyên!”. Phải rồi, chú cần một lời khuyên trong khi tôi chỉ đưa ra được một chỉ dẫn. Thủ tục đóng cửa máy bay chuẩn bị được tiến hành. Hai thứ tình giằng xé, tôi khuyên chú sao giờ? Một là tôi phải níu để chú quay về tựa quê mà canh cánh thương con, hai là tôi sẽ đẩy để chú đoàn tụ con cháu mà đau đáu xứ người ư? Cả hai đều quá sức, ngay cả khi tôi với chú là tri kỷ. Huống chi... “Thôi cứ đi một lần cho biết chú ạ. Qua đó nếu không thích chú lại về”. Tôi, lúc đó hai mươi tám tuổi, chưa đủ dày dạn để hiểu nhiều khi đi đồng nghĩa với chết, không thích tương đương với phản bội nên quay đầu chỉ thấy trở núi ngăn sông, làm sao mà về. Nhìn mạch máu cánh tay chú nổi lên theo năm ngón riết tay ghế khi chiếc phi cơ bốc đầu, tôi có cảm tưởng bánh máy bay không thể rời nổi đất mẹ. Suốt chặng bay tới Singapore để trung chuyển qua Mỹ chú tái nhợt, những đốm bạc trên tóc loang rộng, ngay trước mắt tôi. Máy bay đáp, chú lại hỏi một câu làm tôi ớ ra. “Tôi không xuống có được không cậu?”. Tim tôi rớt nhịp. Bằng linh cảm chắc chú nghĩ còn trên chiếc máy bay Vietnam Airlines là còn ở lãnh thổ quê nhà. Bước xuống kia đã là đất lạ. “Mình phải đổi máy bay hãng khác chú à!”. Chú dời chân, cúi gằm. *** Trước hôm chú Tư lên Sài Gòn phỏng vấn đi Mỹ, mấy ông bạn già trong nhóm tài tử có đến, ngồi thừ cả tối rồi ôm đờn về, chẳng gẩy tiếng nào. Mãi khuya lắc ông mới lọ mọ trở dậy, thắp đèn, lôi cây đờn kìm ra, nỉ non. Đàn nhủ “Đừng đi!”, tay chú than thở “Thằng con trai van ba cứ phỏng vấn, chắc gì đã được”. Đàn hờ “Nếu được?”, tay rên trên đàn “Cầu cho không được!”. Tơ đàn đứt phím, thôi không ép nữa, chỉ để lại một dây hằn đỏ trên năm đầu ngón tay.
  3. Thằng Phước mười lăm năm trời đằng đẵng chạy giấy tờ để bảo lãnh ông qua. Từng ấy thời gian ông gàn con mà không được. Với tấm lòng của nó, lẽ nào ông không thương con? Lặng lẽ, chú thay một sợi dây mới. Đờn lại ngân, đau đớn. Chú tấu lên một cung sầu thảm “Thôi thì vẫn đi phỏng vấn cho con thỏa lòng. Nếu bị bác, âu cũng là ý trời”. *** Sảnh chờ phỏng vấn tại Đại sứ quán Mỹ, lắm chuyện. Khôi hài. Bi lụy. Sung sướng. Thất vọng. Đủ cả. Một bà son phấn, chắc gần năm chục, quay ra, rấm rứt: “Con gái tôi sắp lập gia đình bên bển mà họ không cho tôi qua dự cưới”. Một bà khác chép miệng: “Bà ơi, lần trước tôi phỏng vấn hỏng, thấy có ông nói con ổng bệnh thập tử nhất sinh vẫn không được kìa”. Hai cô đài các xòe ba cái bìa sổ đỏ, quạt khinh rẻ thứ quy định phải chứng minh tài sản mới cho qua Mỹ xài tiền du lịch. Một ông, trông cũng cứng tuổi, được xướng tên lại cửa số 6. Comlê, cà vạt, giày tây, tay ngả mũ đứng xa một thước, cúi người chào, nghiêm cẩn, trí thức. Không biết có được không? Nhiều con mắt dán vào, hồi hộp. Tên của chú Tư được gọi vào cửa số 4. Cửa tử rồi! Phấp phỏng, chú đi tới. Chẳng chào hỏi gì sất. Cũng không buồn nhìn tay người Mỹ. Chỉ nhát gừng đáp lại cô phiên dịch. Mong họ ghét cái mặt ông mà đánh hỏng. Cầm giấy hẹn, quay lại chào ông bạn mới quen lúc chờ. Đến khi ông ta vỗ vai “Mừng cho ông”, chú mới hay mình phỏng vấn đậu. Đã cưỡng mà trời muốn vầy sao? Hả trời! *** Mấy ông bạn già, cơm đùm lặn lội đưa chú từ Rạch Giá tới tận sân bay. Bảo rằng “Cũng là dịp lên Sài Gòn. Lâu quá rồi”. Lần này thì họ cười. Cho chú nguôi. Chú không cười. Đau sao cười!
  4. *** Nghe chuyện chú mà tôi thấy như chính mình chân đi tim ở lại. Sau này tôi vẫn nghĩ năm tiếng đồng hồ đợi nối chuyến đó đã biến chàng thanh niên trong tôi thành triết gia trước mỗi hành động của mình. “Bố ơi, bố bỏ quá khi con nghe chuyện bố nãy giờ”. Cái giọng Bắc gốc đồng bằng sông Hồng dù đã tạp lai vẫn giữ được âm gốc của gã Dây Chuyền Mặt Phật từ phía sau xen vào. “Bố trông gì cái ngữ trí thức kia!” - gã hất đầu vào tôi rồi ngồi xuống trên lối đi, cạnh chú Tư, đường hoàng. “Bố đừng đi nữa bố ạ. Con vừa đưa bố con về trong một cái hũ”. Giọng gã lạc đi. “Trong một cái hũ, bố hiểu không? Dù con đã hứa trong phút lâm chung. Nhưng... ánh mắt cuối cùng của bố con... chà, biết nói sao nhỉ? Bố con đã phải ra đi với nỗi sợ không biết có được đưa về với quê cha đất tổ không!”. Mọi âm thanh hỗn tạp của cái sân bay quốc tế không lách được vào quầng không khí đặc quánh chỗ chúng tôi ngồi lúc đó. Gã Dây Chuyền Mặt Phật gằm mặt, lắc lư vì bỗng dưng nhớ bố. Không ai nói gì thêm nhưng trái tim chúng tôi bảo nhau: Tha phương là hồn chết dù tim đập. Khi tim chết, hồn lại đau nỗi cách trở ông bà tổ tiên. Chú Tư là người đầu tiên lên tiếng, mắt đỏ hoe. “Thằng Phước nó sẽ hiểu. Chỉ cần nó về, cha con nhìn mặt lần cuối khi trời kêu tôi dạ là vẹn tình rồi”. Dáng người chú như cây khô hồi lại sau đợt hạn, như lá xanh đang rũ được truyền sinh lực, ngỏng dậy. “Cậu!”. Dây Chuyền Mặt Phật chỉ tôi ra lệnh. “Đi hỏi thủ tục cho bố bay về Việt Nam. Ngay!”. Tôi phóng đi luôn. “Hết có hơn ba trăm đô thôi bố ạ”. Bỗng nhiên tôi bị nhiễm gã Dây Chuyền Mặt Phật, hổn hển kêu chú Tư bằng bố. “Nếu bố không đủ tiền con biếu bố luôn”. Tôi bốc đồng, nhưng cảm nhận sâu sắc rằng nếu chú Tư chấp nhận thì đó sẽ là những đồng tiêu xứng đáng nhất trong cuộc đời không ít lần phung phí của tôi. “Không đến lượt chú, nhé!”. Gã kia hất mặt. Tôi thành em của Dây Chuyền Mặt Phật từ bao giờ? “Cảm ơn hai cậu. Tôi có tiền mà”. “Bố có phải đợi ở đây lâu không em?”. Một chị giọng Huế cùng dãy ghế với chúng tôi cất tiếng.
  5. “Tám tiếng nữa mới được bay chị ạ”. “Con có cặp bánh dày kẹp chả đây. Bố cầm ăn khi đói”. Chị mở giỏ, dúi cặp bánh vào tay chú Tư. “Ông giữ mấy hộp mì gói này. Cần thì dùng”. Một người phụ nữ nhiều tuổi góp thêm. “Cảm ơn! Cảm ơn!”. Chú Tư chỉ lắp bắp được có vậy. Đưa chú Tư đến tận cửa chờ số 32, tôi dặn dò cẩn thận: “Con đã trả phí để họ gửi ngược hành lý của bố về Tân Sơn Nhứt. Bố khỏi lo, con sẽ gặp anh Phước tại sân bay bên kia và nói với ảnh đúng những lời bố dặn”. “Cậu nhắc lại lần nữa được không?”. “Dạ. Bố nói không ai sống hộ cho ai được. Tấm lòng của ảnh, bố đã thấu, và bố tin rằng ảnh cũng hiểu cho lòng bố. Vậy phải không bố?”. *** Chúng tôi lên máy bay đi tiếp. Lúc này gã Dây Chuyền Mặt Phật mới khẩu xà cho tôi một phát. “Thằng em hứa lãnh trách nhiệm trước anh Phước của bố. Không phải anh đâu nhé!”. Đồ đểu. Tôi nhe răng. Mà sao mình theo Dây Chuyền Mặt Phật kêu bố nhỉ. Gọi ba mới phải chứ. Rõ khỉ! Mới hai tháng trước thôi, trên chuyến công tác từ châu Âu về, tôi ngồi cạnh một cặp trí thức ngoại quốc, đứng tuổi, mới cưới. Suốt đêm họ rúc rích xem đoạn phim hoạt hình tự chế trên máy tính xách tay. Dấu chân họ vòng vèo in khắp quả địa cầu mới tìm được nhau ở một nơi xa lắc và định cư xây tổ ấm. Tôi đã nghĩ đó mới là cuộc sống. Đâu cũng là nhà. Giờ qua chú Tư mà hồn Việt trong tôi lên tiếng, rằng không ở đâu bằng quê nhà.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2