Tối lạ
lượt xem 2
download
Từ công an phường về, Mỹ thay cái áo vấy bẩn kia ra. Trước gương, Mỹ ngắm cơ thể mình, tự hào vì những đường cong vun đầy gợi cảm. Dù đầu Mỹ đang muốn tung ra với bao cảm giác đan xen vào nhau, lẫn lộn. Lẽ ra giờ này cô đang ngồi tính sổ nợ bên cạnh thằng Hào, hoặc có khi đang ngồi ăn ốc ngoài đầu hẻm như mọi khi. Buổi tối chết tiệt. Đương không lại có chuyện ngoài dự kiến. Mỹ cũng thoáng một chút lo, nhưng không nhiều lắm. Lũ kia làm sao...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tối lạ
- Tối lạ TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG MY Từ công an phường về, Mỹ thay cái áo vấy bẩn kia ra. Trước gương, Mỹ ngắm cơ thể mình, tự hào vì những đường cong vun đầy gợi cảm. Dù đầu Mỹ đang muốn tung ra với bao cảm giác đan xen vào nhau, lẫn lộn. Lẽ ra giờ này cô đang ngồi tính sổ nợ bên cạnh thằng Hào, hoặc có khi đang ngồi ăn ốc ngoài đầu hẻm như mọi khi. Buổi tối chết tiệt. Đương không lại có chuyện ngoài dự kiến. Mỹ cũng thoáng một chút lo, nhưng không nhiều lắm. Lũ kia làm sao dám động vào Mỹ. Có thể chúng nó có học, chắc cũng có tiền, nhưng kinh nghiệm “trận mạc” kém cỏi, dễ gì có thể làm khó Mỹ được. Thực tâm, Mỹ cũng vẫn còn khó hiểu trước hành động của chính mình. Ngay lúc đó, chẳng biết cái gì đã thôi thúc cô cúi xuống lượm cái xà gồ kia, liệng về phía thằng chồng con Hoa nữa. Mỹ vốn không ghét thằng đó. Thậm chí đôi lúc hứng chí, Mỹ còn thích cười nói lả lơi với nó, để chọc tức con vợ. Không dưới một lần Mỹ từng ao ước thằng chồng mình “có hiếu” với vợ được một phần như nó. Nhưng hôm nay lòng Mỹ đang tức bực, cáu bẳn, chỉ muốn đập phá cái gì đó cho hạ hỏa. Thằng kia lại chàng ràng ra vô ngứa mắt, lại còn cắc cớ khi Mỹ buột miệng văng tục. Có thể do câu hỏi “Bộ chửi thề là hay ho lắm sao?” của nó làm Mỹ cảm thấy mình bị xỏ xiên sỉ nhục. Cục tức bùng lên không kiểm soát nổi. Mỹ dư biết mình được thừa hưởng dòng máu hung hăng côn đồ từ cha, nhưng từ bé đến giờ, ngoại trừ thỉnh thoảng đánh lộn với mấy đứa con gái khác, những lúc xa xả mạnh miệng để giành chút quyền lợi cỏn con nào đó, Mỹ cũng chưa từng làm đổ máu ai thực sự. Có chăng là nắm tóc, xé áo, cào cấu loạn xạ, xô đẩy giẫm đạp nhau mà thôi.
- Nên việc tối nay quả là sự kiện. Thằng chồng con Hoa, dường như bàng hoàng trước việc bị Mỹ đả thương, nên chẳng kịp phản kháng gì. Con vợ của nó mặt mũi xanh lè, lập cập lấy điện thoại ra gọi 113. Và nhanh chóng như khi bắt đầu, mọi người tiếc rẻ giải tán, vợ chồng con Hoa dắt díu nhau ra trạm y tế băng bó vết thương, còn Mỹ, tất nhiên được “mời” lên công an làm việc, giữ nguyên hiện trạng mình mẩy quần áo te tua sau cơn xô xát bất ngờ. Hào vẫn còn đang thức đợi mẹ. Nó sợ sệt nhìn Mỹ, ánh mắt thật giống thằng cha nó, nhỏ, dài, có đuôi, dài dại một thứ ý nghĩ đểu giả nào đó. Mỗi khi chăm chú nhìn thằng Hào, Mỹ lại tự hỏi, nó là con Mỹ hay đây chính là thằng chồng Mỹ thu nhỏ lại nhỉ? Là thằng chồng Mỹ hồi còn con nít đây sao? Vì sao biết Mỹ ghét cay ghét đắng cái thằng khốn nạn đó mà thằng Hào lại có vẻ bề ngoài y khuôn như vậy? Dù thâm tâm Mỹ cũng thương con. Nhưng biểu hiện tình yêu thương đó như thế nào thì Mỹ không biết cách. Có lẽ bởi vì Mỹ nhận được quá ít tình cảm từ mẹ. Bà ấy chết sớm, bỏ mặc mấy chị em Mỹ tự sinh tự diệt, tự tìm cách để tồn tại trong cái hẻm này. Mỹ chỉ biết thi thoảng trúng mánh thì mua cho thằng Hào đồ chơi, dắt nó đi ăn đùi gà, cho nó được uống cà phê đá, món mà nó được cho thử từ lúc chưa thôi nôi và đâm ghiền. Và những khi tức giận, Mỹ trút mọi bực dọc lên nó. Như một giải pháp để giảm bớt khó chịu hữu hiệu vô cùng. Mỹ thích đánh con liên tục, để thấy nó khóc ngất lên từng hồi, đến độ roi đã giáng xuống từ rất lâu mà mới nghe được tiếng nó khóc. Cảm giác lúc đó thật khó tả. Mỹ càng thích đánh con khi bên kia tiếng con Lam đang dỗ dành lũ con nó ăn cháo, uống sữa. Vớ vẩn. Giọng điệu ẽo ượt của nó làm Mỹ không sao chịu nổi. Thằng Hào vốn nhanh nhẹn và ngỗ nghịch, được bên ngoại kêu là “đầu bò”, hay biểu diễn giúp vui cho cả nhà bằng mấy bài nhạc chế. Ngay từ lúc bé xíu thằng Hào đã thường hay bị đòn. Khi thì Mỹ phát vào mông nó liên tục do ọc sữa, do khóc dỗ hoài không nín, có khi do nó quấy vì đau bệnh. Rồi thằng bé chập chững tập đi, tập quen dần với những cái tát tai do vướng vào đồ đạc trong nhà làm đổ bể, do tiện tay lôi kéo những thứ trên cao. Mỹ đánh thằng Hào theo thói quen, theo quan niệm “đánh cho chừa, cho nhớ”. Bữa cơm của thằng Hào thường diễn ra trong tràn đầy tiếng chửi rủa, đòn roi và tiếng khóc.
- Ngay từ miếng ăn đầu tiên. Bởi vì nó hay ngậm. Bởi vì đã quá quen với những câu la mắng “mày tao” kèm tiếng đệm được Mỹ tuôn ra liên tục. Nên nó không sợ. Không nghe lời. Và bởi vì bận khóc nên nó càng không sao có thể nhai nuốt được theo yêu cầu. Nhìn thái độ của Mỹ, người ngoài không biết có thể tưởng là cô đang tra tấn kẻ thù hoặc ít ra là đang hành hạ ai đó cho bõ ghét. Những trận đòn được tăng dần cường độ âm thanh và nặng nề hơn mỗi ngày. Cần thiết phải như vậy, vì thằng Hào càng ngày càng chai đòn. Có lẽ, mỗi buổi tối đến bữa ăn là nó đã đủ hoảng kinh hồn vía khi nhìn cây roi được để sẵn. Rồi muỗng đầu tiên. Rồi roi, rồi khóc. Rồi ngậm. Rồi roi, roi và roi. Những ngọn roi quất xuống chan chát, đổi lại là tiếng khóc thét, ngằn ngặt. Có khi nhiều ngọn roi vút xuống cùng lúc, mãi đến một lúc sau mới nghe được tiếng òa lên nức nở của thằng Hào vì đau đớn. Bây giờ thì thằng Hào hay đánh bạn ở nhà trẻ, hay nắm tóc những trẻ con hàng xóm nhỏ hơn mình. Đối tượng mà nó thèm nhất chính là đứa nhỏ con của vợ chồng con Hoa kế bên, có thể bởi vì Hào cũng ít khi có cơ hội thực hiện “mơ ước”. Mỗi khi không vừa ý chuyện gì, nó cũng đã biết trừng ánh mắt lên hằn học đầy đe dọa. Và những câu chửi thề quen miệng có khi được nó nói với chính Mỹ. Thi thoảng rảnh rỗi ế khách, ế việc, ba Mỹ, tức ông ngoại thằng Hào, lại kêu nó đến gần, quỳ gối khoanh tay để ông dạy dỗ. Kết luận sau cùng là thằng Hào ngày càng khó dạy, ngày càng cần ăn đòn nhiều hơn mới biết sợ. Mỹ hãnh diện khi nghĩ tới rồi đây sẽ có một chàng trai tên Hào lì đòn, chửi thề xoi xói và đầy bản lĩnh giang hồ. Mỹ sẽ có chỗ dựa vững vàng, bõ công cô khó nhọc kiếm tiền nuôi nó bây giờ. Không dưng Mỹ nhìn con và nghĩ mông lung. Lỡ như thằng chồng con Hoa có bề gì, biết đâu Mỹ phải xộ khám, đi tù. Một thoáng rùng mình, Mỹ gạt mớ tóc được nhuộm vàng của mình sang một bên vai, tự nhủ: việc quái gì mình phải lo. Thằng kia chẳng chết được đâu. Nhiêu đó máu thì ăn thua gì kia chứ. Nó càng chẳng dám thưa kiện gì Mỹ đâu. Ông già Mỹ vừa chủ động hăm dọa thẳng thừng, xem nó có dám lấy giấy chứng thương về hay không kia chứ. Mỹ mở cửa, nghiêng về bên trái nhà, gào lên:
- - Bữa nay tao mới đánh thằng chồng thôi, còn con đĩ vợ nó, còn cả nhà nó, bữa nào có hứng tao sẽ đập cho một trận! Nói xong, Mỹ ngồi bệt xuống ngay cửa, mở cuốn sổ nợ, cầm cái máy tính tay ra bấm bấm. Lão Thành còn nợ gần một triệu, trả góp ngày bảy chục, như vậy phải hơn tháng nữa mới kết. Nó là chúa hay tính gian, đưa tiền ngày có ngày không, rồi cãi. Mỹ phải nghĩ ra chiêu gì chơi nó mới được. Mà cái con mẹ Lùn bán ốc ngoài đầu hẻm nữa. Ngon ngọt để mượn tiền Mỹ, giờ cứ than thở khất lần khất lữa mãi. Tiền chứ có phải giấy đâu. Đứa nào cũng như tụi này thì Mỹ lấy cám mà ăn à? Giờ này mà chồng Mỹ vẫn chưa về. Nhà có chuyện mà nó vẫn thản nhiên như không, vẫn về trễ. Không ngày nào là không nhậu nhẹt chơi bời. Mà nó chưa về, thì làm sao biết được nhà có chuyện kia chứ! Mỹ đâu có thèm gọi điện nói gì với nó, bởi có báo cũng vậy thôi. Mỹ gặp bất trắc không chừng nó còn mừng là khác. Tự dưng cô thấy tưng tức khó thở. Mỹ vơ tờ báo cũ dưới sàn, đọc cho lòng đỡ ngột ngạt. Một cái tít giật gân đập vào mắt cô. Một câu chuyện cũng thuộc loại giật gân được báo chí khai thác đến từng chi tiết nhỏ. Mụ đàn bà ghen với tình địch, lừa cách đâm kim khâu lốp vào đứa con riêng của chồng mới hơn tháng tuổi. Mà thằng chồng cũng danh giá gì cho cam, chỉ là tay thợ hồ làm ăn xa nhà. Nói làm ăn cho nó sang, chứ đúng ra là làm thuê cho người ta. Chứ đâu phải được là chủ nợ như Mỹ. Vừa chăm chú đọc Mỹ vừa thầm nghĩ. Ít ra biết chữ cũng có chút lợi. Mà biết ít ít thôi, đàn bà chủ yếu phải biết tận dụng vốn tự có của mình. Chứ như con Liên em Mỹ, học cho lắm vào cũng chưa chắc kiếm nổi miếng ăn đổ vào miệng, không khéo càng chẳng kiếm nổi một thằng đàn ông cho riêng mình. Cứ như Mỹ vậy mà khỏe. Buông tờ báo xuống, Mỹ thở dốc. Đọc cũng mệt thiệt. Không dưng lại nghĩ ngợi về thằng chồng “đương kim” của mình. Nó cũng như tay thợ hồ kia. Nghèo mà ham trống bỏi. Ham đạp mái khắp nơi. Chắc khối đứa con gái đã bị miệng lưỡi nó dụ dỗ. Biết đâu bữa nào đó Mỹ phát giác ra nó có con rơi thì sao nhỉ? Một cảm xúc man rợ kích thích không sao kềm chế nổi bốc lên trong đầu Mỹ. Thôi thúc tưởng tượng. Cây kim khâu lốp là kim gì ta? Chắc là cây kim to bằng thép, ngày trước thỉnh thoảng thấy mẹ mang ra may mấy
- cái bao tải. Chắc vậy. Đầu một đứa con nít thì mềm, mềm lắm. Nhất là thóp nó. Mỹ vẫn còn nhớ cái cảm giác rờn rợn ghê tay khi rờ vào thóp thằng Hào lúc nhỏ. Nó phập phồng, phập phồng. Ấn cây kim vào, ấn vào, từ thóp đến cằm… Mỹ hình dung thử cảnh đó, cũng hơi bạo lực một tý, nhưng thâm tâm Mỹ có thể hiểu được. Chị ta đã liều và muốn trừng trị thứ mà người đời gọi là mầm hạnh phúc cứ sờ sờ ra trong khi mình và các con danh chính ngôn thuận. Làm đàn bà lắm nỗi uất hận, nhất là khi liên quan đến người đàn ông thuộc sở hữu của mình. Ai đó đã nói rằng, một phụ nữ có gia đình mà xuất hiện kẻ thứ ba mới thấm thía hết nỗi đau tột cùng của nó. Còn hơn đói cơm, khát nước, mất tài sản. Mỹ không ghen. Nhưng tức. Nó dám ngang nhiên ăn phở. Nó cặp kè với con bán quán kia à. Mỹ đọc bài báo, cảm thấy máu chảy rần rật trong người… Nếu như thằng chồng Mỹ bây giờ mà có con rơi con rớt ở đâu đó thì sao nhỉ? Mỹ lại nghĩ về cây kim khâu lốp. Một cảm giác man dại dấy lên trong lòng Mỹ đầy ám ảnh. Mỹ chợt nhớ đến con bồ vừa rồi của thằng chồng mình. Nó có phải tiểu thư lá ngọc cành vàng gì. Cũng từ ngoài kia vào đây phụ bán quán, lả lơi kiếm chút tiền xu từ những thằng đàn ông ham của lạ như chồng Mỹ. Nó làm sao sánh được với Mỹ. Dù vậy, Mỹ vẫn thấy mình lồng lộn với ý nghĩ bị lừa đảo, bị ăn cướp, ăn trộm, bị mất mát. Tất nhiên chẳng liên quan gì đến chuyện yêu thương. Những thứ cảm xúc đó từ lâu xa lạ với Mỹ. Cái quan trọng bây giờ là tiền, làm sao để có tiền. Còn đàn ông ư? Phải chu toàn được bữa ăn thừa mứa ở một nhà hàng sang trọng, một căn phòng khách sạn đầy đủ tiện nghi, và đàn ông với Mỹ bây giờ đồng nghĩa với “giống đực”, phải làm Mỹ hài lòng thỏa mãn. Chứ không thể bèo nhèo như thằng chồng Mỹ. Cũng có thể nó yếu bởi bao nhiêu vốn liếng đã mang nộp ở nơi khác mất rồi. Dạo đó, thằng chồng Mỹ đi làm về dám ghé phòng trọ con kia ăn cơm. Khi Mỹ dẫn theo con em kế ập bắt quả tang tại trận, hai đứa nó đang gắp gắp ăn ăn, toàn rau với cá, có gì ngon lành đâu kia chứ. Vậy mà bây giờ nhớ lại, Mỹ bỗng nghiệm ra, khoảng thời gian đó thằng chồng Mỹ hay xa gần việc nổi lửa nấu cơm ăn. Nhưng Mỹ gạt đi, đói khát gì thì kêu cơm sườn, bưng mỗi người một hộp cho gọn. Khỏi phải dọn rửa. Nhìn thử trong hẻm mà xem, giờ cơm chiều chẳng phải nhà nào cũng vậy. Họa hoằn lắm, như cái ổ khuất
- trong góc của vợ chồng con Hoa, cái gai trong mắt Mỹ kia nó mới bày đặt xào xào nấu nấu. Chồng Mỹ chiều nào về sớm, nằm khểnh xem tivi cũng suýt xoa khen mùi tỏi thơm, mùi chanh nồng quá, thèm quá. Mỹ nghe mà ngứa lỗ tai, nhưng nó khinh không thèm nói. Đồ ngu. Cả cái con Hoa cuối hẻm kia cũng vậy. Nó càng không có gì hơn Mỹ. Một đứa nhà quê ở đâu dọn về xóm. Nó ít nói, lầm lì như một con ma cuối cái hẻm này. Nó chẳng đẹp đẽ sang trọng gì, thế mà thằng chồng nó, và hình như cả thằng chồng Mỹ đều sùng bái ngưỡng mộ. Đã vài lần Mỹ bắt gặp thằng chồng mình len lén gật đầu chào nó, cái nhìn khác hẳn ánh mắt vẫn dành cho Mỹ. Hay cho những con đàn bà khác. Mỗi khi tiếng xe nó vang lên là thằng chồng vội chạy ra, vồn vã dắt xe, có khi Mỹ nằm trong nhà nghe thấy nó hỏi vợ có mệt lắm không. Em về sớm vậy, mừng quá… Mỹ không dưng khó chịu trong lòng. Cảm giác gì đó, gần giống như là ghen tức trào lên. Chồng Mỹ không bao giờ nói với Mỹ được một câu dịu dàng tử tế như vậy. Nhìn cảnh hai vợ chồng con Hoa sáng sáng đưa con đi học rồi đi làm mà ngứa mắt. Cả cái hẻm này hầu như chẳng ai như vậy. Lớp chạy xe ôm, ba gác, sang hơn thì lái taxi. Lớp buôn bán quần áo xôn, lớp đẩy xe thức ăn đi bán dạo. Lớp bán xôi mặn, xôi ngọt. Lớp làm nhà hàng, quán bia. Lớp kinh doanh vốn tự có. Lớp cho vay, cho góp. Lớp chơi bài kiếm cơm. Lớp chửi thuê chém mướn. Thượng vàng hạ cám đều đủ cả. Hai thằng đàn ông đó hình như là đồng hương trọ trẹ. Cái thứ miếng muối ớt ăn dư cũng tiếc, mang cất đi. Mỹ căm ghét cả dòng họ tổ tiên nhà nó, tất cả những thứ có liên quan đến thằng chồng mình. Mỹ hận. Tại sao đời Mỹ lại vướng vào cái thằng đàn ông chẳng ra gì như thế, lại thêm đứa con như cái cục nợ đời. Mỹ không biết dùng ngôn từ nào để tả hết nỗi khó ưa của mình với chúng. Chồng Mỹ. Thằng đàn ông đẹp mã, dẻo miệng. Mỹ quen trên chuyến xe xuôi miền Trung đi chơi với mấy đứa bạn. Khi đó Mỹ còn quá trẻ. Quá mơ mộng. Quá khao khát một sự đổi thay nào đó bất kỳ. Mỹ đã quá ngán ngẩm với cuộc sống hiện tại rồi. Nên cả hai nhanh chóng vập vào nhau theo kiểu tiếng sét ái tình. Mỹ không phải là đứa con gái quá xinh đẹp hay dễ thương, càng kém hơn nếu so với vẻ bảnh bao phong trần của thằng
- chồng Mỹ lúc đó. Nhưng thằng chồng Mỹ vẫn vồn vã vồ vập. Nó theo Mỹ vào Sài Gòn ngay sau lần tình cờ gặp gỡ trên xe. Mỹ ngủ khách sạn với nó. Rồi hối cưới. Lẹ làng. Bao nhiêu là mơ mộng hứa hẹn. Mỹ đã quá ngây thơ. Đã quá ngu si mà. Đó chẳng phải là lần đầu tiên Mỹ biết mùi đàn ông. Thằng chồng Mỹ cũng vậy. Nó rành rẽ, nó cởi áo ngực cho Mỹ nhanh gọn vô cùng. Khi Mỹ ôm xiết lấy nó, rên lên quằn quại vì sướng, thằng kia ngọt ngào vào tai Mỹ: - Anh cưới em rồi dọn vào đây ở nhé. Một câu nói đầy yêu thương trách nhiệm mà một đứa con gái sớm mồ côi mẹ như Mỹ đã tưởng bở. Nên mãi mãi, Mỹ không sao quên được. Dù sau này, đời dạy cho Mỹ cái gì cũng phải dè chừng, cũng phải xem rõ động cơ của nó. Không nên vội vàng tin ai, càng phải nhớ nằm lòng nguyên tắc sống: Đời chẳng cho không ai cái gì. Hóa ra thằng chồng Mỹ cũng mơ đổi đời. Nó thấy Mỹ có nhà, có hộ khẩu. Nó tưởng có thể nương nhờ chắc. Nó nghĩ ít ra cũng kiếm được một chỗ ổn định khi vào đây. Chao ơi! Hóa ra nó cũng chỉ là thằng lông bông vô nghề nghiệp, hy vọng bám váy đàn bà mà no thân ấm cật. Chỉ được cái đĩ miệng. Ừ, đĩ miệng. Nên bây giờ, nó đi làm phụ hồ để nuôi thằng Hào. Mỹ cũng làm, tiền cô cất riêng. Nó đẻ được thì phải nuôi được. Hai vợ chồng Mỹ từng dắt díu nhau về quê nó. Rồi chịu không nổi cuộc sống buồn tẻ thiếu thốn ngoài đó, lại vô. Rồi lại ra. Cứ xoành xoạch ra vô Sài Gòn, rồi về quê nội, chịu không nổi cảnh quê đói nghèo lại lếch thếch đi vô. Cứ thế, bữa nay bữa mai, hai đứa cãi cọ mạt sát nhau thậm tệ. Cứ như thế. Mỹ không muốn bỏ nó. Mỹ vẫn muốn nó phải trả giá vì đã dám lừa Mỹ. Cho đời nó biết thế nào là địa ngục. Mỹ có mất gì thêm đâu kia chứ. Cho nó đừng hòng tự do thoải mái. Lỗi của nó là đã làm Mỹ ngộ nhận rằng có một thằng đàn ông yêu thương và muốn cưới mình làm vợ. Danh chính ngôn thuận. Nhà Mỹ bốn chị em gái thì đã có đứa nào có được cái đám cưới như Mỹ đâu. Nó làm sao biết được Mỹ đã từng trải qua không biết bao nhiêu ngày cơ cực. Nó làm sao biết Mỹ cũng khao khát một hạnh phúc bình thường như bao nhiêu đàn bà con gái khác. Nó làm sao hiểu được những suy nghĩ thầm kín trong lòng Mỹ. Nó chỉ nhìn ra rằng hình
- như Mỹ có tiền. Tiền đó do Mỹ tự kiếm được. Mà một con đàn bà biết kiếm tiền thì đúng là hấp dẫn thật. Nên nó vập vào Mỹ, như một kẻ đi buôn đánh hơi được món hàng hời. Chẳng biết khi dốc hết vốn liếng “đầu tư” vào Mỹ, thằng chồng cô có lúc nào cảm thấy bị lỗ lã hay không? Trong cùng một buổi tối điên khùng, Mỹ chợt muốn hỏi rõ chồng mình như vậy, khi khuya trờ khuya trật anh ta về dừng xe ngay trước cửa, ngạc nhiên nhìn Mỹ đang trừng trừng ngó mình không chớp. Bởi buổi tối đáng lẽ đã trôi qua từ rất lâu rồi.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tôi Hay Mà Em Đâu Có Thương?
5 p | 105 | 8
-
Chúng tôi là những thằng ngu
5 p | 84 | 6
-
Của tôi và gió
12 p | 65 | 5
-
Chị tôi
4 p | 110 | 4
-
Hay là tôi không còn yêu em nữa?
5 p | 81 | 4
-
Chúng Tôi Là Chó
4 p | 75 | 4
-
Người yêu tôi là thần chết
9 p | 64 | 4
-
Đêm qua tôi mơ
5 p | 55 | 3
-
Người yêu tôi là gã đàn ông xấu xa
11 p | 83 | 3
-
Nếu tôi là cha mẹ
10 p | 67 | 3
-
Màu Tím Mồng Tơi
5 p | 75 | 3
-
Thú tội
8 p | 55 | 3
-
Không chỉ là ký ức
4 p | 67 | 3
-
Mẹ Chồng Tôi
4 p | 131 | 2
-
Chúng tôi là A5
4 p | 40 | 2
-
Nếu tôi là cha mẹ
8 p | 96 | 2
-
TÔI LÀ LES!
15 p | 62 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn