intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Trà đạo Nhật Bản

Chia sẻ: Nguyen Dung | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:19

611
lượt xem
146
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trà đạo hay còn gọi là Sado được biết đến như một loại nghệ thuật, thú vui thưởng thức thẩm mĩ độc đáo của nghệ thuật truyền thống nhật bản. Trà đạo được hình thành và phát triển do ảnh hưởng của phật giáo (phái thiền). Lúc đầu, trà được coi như một loại thuốc dùng để chữa bệnh. Mãi đến thế kỉ thứ XII, nó mới bắt đầu được sử dụng phổ biến. Mời các bạn tham khảo tài liệu để hiểu thêm về văn hóa trà đạo của Nhật Bản

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Trà đạo Nhật Bản

  1. PHỤ LỤC I. Giới thiệu chung 1. Nguồn gốc trà đạo Nhật Bản 2. Trà với cuộc sống II. Lịch sử hình thành 1. Giai đoạn 1 2. Giai đoạn 2 3. Giai đoạn 3 III. Không gian trà đạo 1. Trà thất và cách bày trí đạo cụ trong trà thất 2. Trà viên 3. Tokonoma 4. Chabana 5. Kakejiku IV. Những đạo cụ được dùng trong việc pha chế và thưởng thức trà V. Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản VI. Nghệ thuật pha trà VII. Kết luận 1
  2. I. GIỚI THIỆU CHUNG 1. Nguồn gốc của trà đạo Nhật Bản Từ xưa tới nay, uống trà là một sinh hoạt hàng ngày của nhiều dân tộc trên thế giới. Uống trà không những có lợi cho sức khoẻ mà còn là một thú vui tinh thần khi ngôi yên lặng để thưởng thức chén trà, ngẫm nghĩ về cuộc sống nhân sinh. Dần dần, việc thưởng thức trà trở thành một cách thức giúp con người trở lại với bản tính tự nhiên của mình. Đó là khái niệm cơ bản của trà đạo. Trà đạo hay còn gọi là sado được biết đến như một loại nghệ thuật, thú vui thưởng thức thẩm mĩ độc đáo của nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Trong văn hoá Nhật Bản, trà đạo được hình thành và phát triển do ảnh hưởng của Phật giáo (phái Thiền), từ những nghi lễ dâng trà cho đức Phật nhằm thể hiện sự thành kính và sự thư thái của tâm hồn. Lúc đầu, trà được coi như một loại thuốc dùng để chữa bệnh. Mãi đến thế kỉ thứ XII, nó mới bắt đầu được sử dụng phổ biến. Theo truyền thuyết của Nhật Bản, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141 - 1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai đã sáng tác ra cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" ( Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. Từ đó, dần dần công dụng giúp thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (chado), một sản phầm đặc sắc thuần Nhật. 2. Trà với cuộc sống Từ uống trà, cách uống trà, rồi nghi thức uống trà cho đến trà đạo là một tiến trình không ngưng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình, một đạo với ý nghĩa đích thực của từ này. Hiển nhiên ở đây trà đạo, không đơn thuần là con đường, phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên 2
  3. nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ. Tinh thần của trà đạo được biết đến thông qua bốn nguyên tắc: Hoà, kính, tinh, mịch( wa-kei-sei-jaku). Đây được coi là những tư tưởng căn bản của trà đạo. Hoà (wa) có nguồn gốc từ Khổng Giáo, là đức của con người và cuộc đời. Đó là sự thuận hòa, hài hòa, hòa bình, hòa hợp, hòa đồng..., chúng ta ai cũng đều rõ nội dung song quan niệm về hòa của trà đạo nhấn mạnh một số nét riêng. Hòa đòi hỏi mọi người trong trà thất tự chuẩn bị cho mình một tâm thế hài hòa với khung cảnh, kiềm chế lòng vị kỷ và sự nóng giận, làm sao cho tư duy và hành xử của mình hòa hợp với mọi người. Chữ hòa của trà đạo đề cao tính trang trọng và nét thanh bần vốn là tinh chất của cuộc đời bình dị, nhờ vậy tạo nên được khoảnh khắc tách biệt hẳn cuộc sống xô bồ hiện hữu bên ngoài. Mặt khác, hoà cũng đòi hỏi mọi người đồng thuận thực hành một số quy định như cúi người đến mức nào khi chào nhau, chuyện trò trong trà thất nên hướng vào những chủ đề gì, khách dự cần giữ im lặng đến lúc nào mới nên cất lời phá bầu không khí tĩnh mịch.... Ý nghĩa sâu xa của chữ hòa đó là sự bình đẳng xã hội của mọi người trong trà thất. Đã vào đây thì ai cũng như ai, không cần biết thân thế của mỗi người cao sang hay hèn kém. Sự bình đẳng này giúp cho mọi người ít nhất trong chốc lát cảm thấy mình hoàn toàn tự do, không chịu bất cứ sức ép nào và từ đâu đến. Bình đẳng không có nghĩa là hỗn độn mà đã thỏa thuận giữa các khách mời với nhau trước khi bước vào trà thất: Ai sẽ là người ngồi vào chỗ danh dự, mỗi người sẽ có phần việc gì...Do vậy, để tạo nên khung cảnh và tâm thế ấy, trà thất - cho dù làm riêng biệt hoặc thu xếp một nơi ngay trong nhà ở - đều phải tạo cho được vẻ giản dị, thanh bần. Do đó, có quy ước trà thất chỉ rộng bằng 4, 5 chiếc chiếu, trong một túp lều tranh là tốt nhất. Khách đến dự nếu là võ sĩ phải tự mình tháo kiếm gác ngoài hiên; những người quyền lực, giàu sang được khuyến cáo nên ăn mặc giản dị. Kính (Kei) thể hiện hòa trên bình diện ứng xử cá nhân. Nó cũng đòi hỏi trước hết trang trọng và khiêm cung. Tại chương Thưởng ngoạn nghệ thuật tác giả Kazuko Okakura minh họa rất khéo chữ kính của Trà đạo bằng một biểu tượng rút từ tích xưa về Cây đàn đợi chủ. Tư duy nghệ thuật của Đạo cho rằng cái đẹp tồn tại ở cái nhìn của người thưởng ngoạn nghệ thuật. Kính thể hiện ở chỗ người và người thật lòng tôn kính lẫn nhau; mọi người phải tôn kính thiên nhiên như tự nó tồn tại, 3
  4. chớ nên can thiệp thô bạo vào. Giai thoại sau đây về Sen Sotan, một đại trà sư trứ danh khác thời xưa, minh họa điểm này. Một hôm, nhà sư trụ trì chùa Daito sai một chú tiểu mang tặng ông bạn trà một cành hoa trà rất đẹp. Dọc đường chú tiểu sơ ý làm rụng mất đóa hoa lớn nhất. Cân nhắc hồi lâu, chú quyết định mang cành hoa cùng với đóa hoa rụng đến dâng trà sư với lời tạ lỗi. Cách ứng xử của chú tiểu chứng tỏ chú biết tôn kính một vật tầm thường là bông hoa rụng. Trà sư Sen Sotan đón nhận cành hoa, cho vào cái lọ đẹp nhất và treo nơi trang trọng trong trà thất, rồi đặt bông hoa rụng xuống dưới sàn. Nhờ chữ kính của cả hai thầy trò, cành trà hoa vẫn tự nhiên như nhiên trong trà thất, tựa không có chuyện gì xảy ra. Về bản chất, trà đạo là sự thực hành quan niệm “hãy cố gắng nhìn đời cho đúng thực chất của nó”. Con người phải vứt bỏ cái lăng kính được tạo nên bởi những tập tục và định kiến xã hội làm méo mó vạn vật. Trong thực tế, các dụng cụ dùng vào lễ thức trà đều có vẻ đẹp tinh tế, song không một vật nào vốn là những sản phẩm được tạo nên để trở thành “tác phẩm mỹ thuật”, chúng không được làm ra để phô trương nghệ thuật mà chỉ để dùng sao cho hài hòa với cái đẹp chung quanh. Quan sát kỹ, ta sẽ thấy dụng cụ pha trà những dịp trang trọng nhất cũng vẫn là những vật dụng thông thường của cuộc sống thường ngày. Biết coi trọng những vật dụng tầm thường nhất, con người sẽ nhận ra cái đẹp nơi chúng. Trong quan hệ xã hội, kính đòi hỏi con người trân trọng người khác, không nuôi ác ý, tà tâm đối với đồng loại, cố gắng vượt qua mọi toan tính ganh đua. Mỗi lần tiếp khách, là mỗi lần chủ nhân phải tự coi như đây là cơ hội duy nhất trong đời có được vinh dự này. Còn khách, khi đón nhận chén trà từ tay cung kính của chủ nhân, hãy xoay chiếc chén đúng một vòng trong đôi bàn tay khum lại của mình, cử chỉ này không chỉ tỏ lòng kính trọng chủ nhân mà là tôn kính cả chiếc chén đang cầm, trong khi lòng dặn lòng hôm nay ta có được niệm vui uống ngụm chè này, trong chiếc chén này, tại trà thất này, cùng với những người bạn này, đây là cơ hội duy nhất của đời ta; niềm vui này, vinh dự này, khung cảnh này sẽ không lặp lại lần thứ hai. Tương truyền chính sư phụ của đại trà sư Rikyiu đã dạy ông điều đó, qua mấy câu thơ mà cụ vẫn thích ngâm nga, có thể dịch ý như sau: 4
  5. Từ lúc đặt chân lên lối đi trong vườn(roji) để tới trà thất Cho đến khi giã từ Bạn hãy hết sức kính nhường chủ nhân Không một phút được quên Cuộc gặp gỡ hôm nay Là cơ hội duy nhất của đời mình. Tinh (Sei) không chỉ là đặc điểm quán xuyến Lễ thức trà mà là một nét đẹp rất đặc trưng trong lối sống của người Nhật, bắt nguồn từ ảnh hưởng của Thần đạo. Trà thất trông thô sơ, thanh bần vậy mà cực kỳ sạch sẽ. Khi tiến hành Lễ thức trà, tuyệt nhiên không thể tìm thấy ở đâu trong trà thất hay mọi vật dụng một hạt bụi. Hơn thế, còn phải đốt trầm thơm xông gian phòng cho tinh khiết trước khi rước khách vào. Con đường roji băng qua vườn dẫn tới trà thất cũng hết sức sạch sẽ, sạch sẽ mà vẫn tự nhiên như tác giả Kakuzo Okakura đã mô tả và cụ thể hóa qua giai thoại vị đại trà sư với người con trai được giao nhiệm vụ quét con đường. Bởi con đường ấy còn tượng trưng cái nẻo mà người đời ai cũng sẽ phải trải qua để đi vào một thế giới khác. Và muốn vào được chốn tinh khiết vĩnh hằng, lẽ đương nhiên con người phải gột sạch bụi trần. Mịch (Jaku) không chỉ là cảnh tịch mịch tạo nên nơi trà thất. Phòng trà dù làm riêng tại một góc khiêm nhường trong một khuôn viên tòa lâu đài lộng lẫy, hay chỉ một ngăn nhỏ giản đơn trong ngôi nhà ở bình thường đều phải làm sao tạo được sự tĩnh mịch. Khách cũng phải cùng tạo nên môi trường ấy. Không ai nói to trong trà thất. Không ai ngỏ lời khi một bạn đang thưởng thức chén trà. Mọi cử chỉ đều có sự cân nhắc. Mịch của Trà đạo không chỉ là sự thể hiện trong khoảnh khắc ngắn ngủi tại một nơi gặp gỡ tạm thời, mà là ước vọng tạo nên một cuộc sống luôn yên tĩnh, thanh bình. Nó thể hiện quan niệm Phật giáo về Niết bàn. Tổ sư Rikyiu nói rõ điểm này: “Lễ thức Trà trước hết phải tiến hành cho đúng lời Phật dạy. Vui thích vì được sống trong dinh thự cao sang hay thường xuyên thưởng thức của ngon vật lạ, những 5
  6. chuyện ấy đều thuộc về cuộc sống trần tục. Mọi nơi ở đều tốt chỉ cần có được một tấm mái che năng mưa, không bị gió thổi bay, mọi thức ăn đều là đủ nếu nó giúp con người không phải chết đói. Môn đồ Trà đạo gom mấy khúc củi và đun sôi nước. Rồi dâng cúng Phật, sau đó mời bạn bè, và mình là người thưởng thức sau cùng. Trước đó, hãy bày mấy cành hoa và đốt lên mấy mảnh trầm...” Tại chương nói về Phòng trà, Kakuzo Okakura đã luận rất hay về nếp nhà Không Hoàn hảo. Theo tinh thần Đạo cũng như Thiền, người ta chỉ có thể nhìn thấy cái đẹp đích thực nơi cái không hoàn hảo, cái dở dang. Bởi sinh lực của đời và của cái đẹp là ở khả năng tiếp tục phát triển của nó, ở chỗ nó luôn vươn tới sự hoàn thiện. Vẫn theo lý giải của trà sư Sen Soshitsu XV, từ thế kỷ XIV, tác phẩm Luận về nhàn (1331) đã viết: “Làm bất kỳ vật gì, không nên chuộng sự hoàn tất. Chỉ những gì còn dở dang mới khiến người ta lưu ý”. Bốn chữ vàng“ hoà, kính, tinh, mịch” như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường trà đạo. Mỗi chúng ta muốn hiểu rõ về trà đạo, cần phải đi từ quá trình hình thành của trà đạo cho đến các dụng cụ được sử dụng trong pha trà; từ trà thất cho tới cách pha trà; từ cách phục vụ trà cho tới cách uống trà… Tất cả sẽ làm cho việc thưởng thức trà của chúng ta trở nên sống động và trọn vẹn hơn. II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH 1. Giai đoạn 1 Vào thế kỉ thứ VIII – XIV trà bắt đầu được sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc. Lúc đó có rất nhiều cuộc thi đấu được tổ chức để đoán tên trà. Văn hóa uống trà giai đoạn đó giống như những trò chơi xa xỉ và các người quý tộc rất thích dụng cụ uống trà Trung Quốc. Trong hoàn cảnh như vậy, có một nhà sư tên là Murata Juko tìm thấy vẻ đẹp giản dị trong văn hóa uống trà. Ông đến với trà với tư cách là một nhà sư, rất coi trọng cuộc sống tinh thần. Và trà đạo đã được ra đời như thế. Tuy nhiên, vào thời kì đó trà đạo vẫn còn chưa được nhiều người biết đến. Sau đó Takeno Jyoo là người đã đưa trà đạo phát triển lên cao hơn, và được nhiều người biết tới hơn. Jyoo quan niệm: "Mặc dù xung quanh chúng ta chẳng có gì cả: không hoa, không lá; nhưng có cảnh hoàng hôn chiều tà với một mái nhà tranh." 6
  7. 2. Giai đoạn 2 Sau thời Jyoo thế kỉ XVI là Senno Rikyu. Ông mới chính là người đưa ra bước ngoặt quan trọng, tạo nên một nền văn hóa trà đạo trong giới võ sĩ samurai. Senno Rikyu đã là thầy dạy trà đạo cho Oda Nobunaga (Shogun - người đứng đầu giới võ sĩ) của thời Azuchi. Sau khi Oda Nobunaga chết, Toyotomi Hideyoshi lên (thời Momoyama) thì Senno Rikyu tiếp tục dạy cho ông này. Như vậy, hoạt động của Senno Rikyu khá phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng trong tầng lớp võ sĩ, ảnh hưởng mạnh đến chính trị thời đó.Cùng thời với Senrikyu, còn có Yabunnouchi Jyochi, cũng là học trò của Takeno Jyoo. Yabunouchi Jyochi là trà sư của chùa Honganji, ngôi chùa lớn nhất ở Nhật Bản. Yabunouchi chú trọng vào việc thực hành Trà đạo ở chính bản thân mỗi người. Ngoài ra còn có nhiều trà nhân khác nữa. Mỗi trà nhân đều pha trà theo cách riêng của mình. Nếu các phái khác nhau cũng chỉ khác nhau ở trên bề mặt nghi thức pha trà, còn đạo là duy nhất. 3. Giai đoạn 3: Trà đạo trong thời hội nhập Cùng với tiến trình hội nhập, trà đạo hiện nay cũng dần được biến đổi, trong mỗi phòng trà đều có một số bàn ghế gỗ cho khách ngồi. Nếu như khách không thể quen với kiểu ngồi truyền thống của Nhật thì sự biến đổi này cho phép người phương Tây với thói quen hiện đại cũng có thể tham gia được những buổi trà đạo mà không hề làm mất đi không khí tôn nghiêm trong phòng uống trà. Dần dần, trà đạo được đưa vào phòng khách theo phong cách phương Tây. Người đến không cần phải gò bó theo kiểu ngồi hay cách uống trà của người Nhật vẫn có thể mặc áo theo kiểu Tây phương. III. KHÔNG GIAN TRÀ ĐẠO 1.Trà thất và cách bày trí đạo cụ trong trà thất Trà thất là một căn phòng nhỏ dành riêng cho việc uống trà, nó còn được gọi là "nhà không".Đó là một căn nhà mỏng manh với một mái tranh đơn sơ ẩn sau một khu vườn.Căn phòng có kích thước nhỏ nhất khoảng 3x3m. Trong phòng có trải những tấm tatami hay chiếu tre được sắp xếp thành hình vuông bởi 8 mảnh 0.75x1.5m, 7
  8. trông rất đẹp và trang nhã. Cảnh sắc trong vườn không loè loẹt mà chỉ có màu nhạt, gợi lên sự tĩnh lặng. Trong khu vườn nhỏ có thể bố trí một vài nét chấm phá để tạo nên một ấn tượng về một miền thung lũng hay cảnh núi non cô tịch, thanh bình. Nó như một bức tranh thủy mặc gợi lên bầu không khí mà Kobiri Emshiu đã tả: “Một chòm cây mùa hạ, một nét biển xa, một vừng trăng chiếu mờ nhạt.” Trên con đường dẫn đến trà thất, có một tảng đá lớn, mặt tảng đá được khoét thành một cái chén đựng đầy nước từ một cành tre rót xuống. Ở đây người ta "rửa tay" trước khi vào ngôi nhà nằm ở cuối con đường, chỗ tịch liêu nhất: Tôi nhìn ra, không có hoa, cũng không có lá. Trên bờ biển, một chòi tranh đứng trơ trọi, trong ánh nắng nhạt chiều thu. Ngôi nhà uống trà làm bằng những nguyên liệu mong manh làm cho ta nghĩ đến cái vô thường và trống rỗng của mọi sự. Không có một vẻ gì là chắc chắn hay cân đối trong lối kiến trúc, vì đối với thiền, sự cân đối là chết, là thiếu tự nhiên, nó quá toàn bích không còn chỗ nào cho sự phát triển và đổi thay. Điều thiết yếu là ngôi trà thất phải hòa nhịp với cảnh vật chung quanh, tự nhiên như cây cối và những tảng đá. Lối vào nhà nhỏ và thấp đến nỗi người nào bước vào nhà cần phải cúi đầu xuống trong vẻ khiêm cung, trong khi người võ sĩ đạo thì phải để lại bên ngoài cây kiếm dài. Tranh, thơ, câu liễn: Là những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên hay những bài thơ, câu liễn được treo, dán trong Trà Thất. Nó sẽ làm tăng thêm phần trang trọng 8
  9. cho Trà Thất. Hoa: Thường được cắm trong bình, lọ hay dĩa nhỏ, được đặt ở giữa phòng hay đặt dưới bức tranh trong phòng. Nó có tác dụng làm cho căn phòng thêm sinh động, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên cho người tham gia. Lư trầm: Được đặt ở góc phòng hay dưới bức tranh hoặc giữa phòng. Nhưng thường lư trầm được đặt ở góc phòng. Trầm hương có tác dụng làm cho căn phòng có được mùi hương thoang thoảng phảng phất nhẹ nhàng, khiến cho mọi người được thư giãn tinh thần, thoải mái dễ chịu. Các đạo cụ trên được xếp rất gọn gàng, không chiếm diện tích của phòng trà, tạo sự cân bằng, hòa hợp theo phong thủy Ngay trong phòng trà cũng ngự trị một bầu không khí lặng lẽ cô tịch, không có màu sắc rực rỡ, chỉ có màu vàng nhạt của tấm thảm rơm và màu tro nhạt của những bức vách bằng giấy. 2. Trà viên Trà Viên là một khu vườn được thiết kế phù hợp với việc ngắm hoa, và thưởng thức trà. Trà viên đòi hỏi bố cục khu vườn phải tinh tế, làm cho khu vườn vẫn giữ được nét tự nhiên. Trong trà viên thường có hoa, lư trầm. Những loại này thường được đặt ở giữa chỗ ngồi họp nhóm của những người tham gia. Trong vườn thì có rất nhiều các loài cây như hoa anh đào, hoa mai, hoa mơ, tùng, liễu. Những loài cây này dễ tạo cảm hứng thi phú cho người xem trong quá trình đàm đạo, đối ẩm. Bên cạnh đó là các hòn non bộ, những tảng đá lớn, chậu nước cũng được sắp xếp theo bố cục chặt chẽ, thể hiện sự cân đối Âm – Dương trong phong thủy 3. Tokonoma Tokonoma là một góc phòng được trang trí và hơi thụt vào trong so với vách tường. Tokonoma là một trong bốn nhân tố thiết yếu tạo nên phòng khách chính của một căn nhà. Bản thân từ "tokonoma" ám chỉ góc phòng thụt vào hoặc căn phòng có góc như nó. Có một vài dấu hiệu để biết đâu là tokonoma. Thông thường, có một khu vực để treo tranh hoặc một bức thư pháp. Hay có một cái giá nhỏ để đặt hoa, có thể là một chiếc bình, có thể nhìn thấy một hộp hương trầm. 9
  10. Một gia đình truyền thống Nhật có nhiều cuộn giấy và các vật dụng khác mà họ trưng bày ở tokonoma tuỳ từng mùa hoặc ngày lễ gần nhất. Khi bước vào một trà thất, người ta thường quỳ và ngắm tokonoma một lát. Cũng có thể xem các vật được trưng bày. Thiền gây ảnh hưởng đến tokonoma lẫn chabana... chỉ khi chúng ta chú tâm đến những chi tiết nhỏ bé trong cuộc sống thì mới thấy vẻ đẹp trong những điều giản dị. d. Chabana Chabana là phong cách cắm hoa đơn giản mà thanh lịch của Trà đạo, có nguồn gốc sâu xa từ việc nghi thức hóa Ikebana. “Cha” theo nghĩa đen, là "trà" và ban, biến âm của từ hana, có nghĩa là "hoa". Phong cách của chabana là không có bất kỳ qui tắc chính thức nào để trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật cắm hoa trong trà thất. Hoa thể hiện tình cảm của chủ nhà trong một buổi tiệc trà. Hoa được cắm trong một chiếc bình hoặc một cái lọ mộc mạc với phong cách thay đổi theo mùa. Lọ hoa có thể được làm từ bất kỳ chất liệu nào, từ đồng, gốm tráng men hoặc không tráng men, cho đến tre, thuỷ tinh và các vật liệu khác. Khi cắm hoa cho một bữa tiệc trà, đầu tiên chủ nhà phải chọn hoa và lọ tương ứng. Hoa trong phòng trà gợi được cho người ngắm cảm giác như đang đứng giữa khu vườn tự nhiên. 5. Kakejiku Kakejiku có thể hiểu chỉ là một tấm vải trống trơn, nó có thể cuộn vào hoặc mở ra để treo trên vách tường tokonoma. Lúc thì gắn vào Kakejiku một bức tranh nhỏ, lúc khác một bức thư pháp hoặc là sự kết hợp cả tranh và chữ gọi là thư hoạ. Những nội dung khi xuất hiện trên Kakejiku thường mang ý nghĩa sâu xa, có thể là một công án Thiền tông, ... Chẳng hạn, một câu nói đã được nhắc đến nhiều trong Thiền:"Bình thường tâm thị đạo", hoặc một câu văn dường như là riêng biệt của Trà đạo:" Nhất kỳ Nhất hội", hay đơn giản chỉ là một chữ “V” IV. NHỮNG ĐẠO CỤ ĐƯỢC DÙNG TRONG VIỆC PHA CHẾ VÀ THƯỞNG THỨC TRÀ 1.Lò nấu nước là một loại bếp lò bằng đồng thường dùng than để nấu. Nhưng ngày nay người Nhật đã thay than bằng một bếp điện để bên trong lò đồng 10
  11. 2.Kama còn gọi là nồi đun nước, có quai xách rời sẽ tháo ra khi vào buổi trà đạo. Nước từ ấm sẽ được lấy ra bằng Shaku để rót vào bát 3. Tetsubin có nghĩa là ấm đun nước, thích hợp với kiểu pha trà rót nước trực tiếp từ ấm đun vào bát, thường được làm bằng đồng để giữ độ nóng cao 4. Kensui là chậu đựng nước rửa chén khi pha trà, được làm bằng men và to hơn chén trà một chút. 5. Chawan là bát trà, có thể nói là thứ đặc trưng và giành được sự yêu quý và quan trọng nhất của Trà đạo. Có rất nhiều loại bát khác nhau, nhưng với những trà nhân Nhật Bản xưa kia cũng như ngày nay, bát trà gắn liền với tên tuổi của họ, bên cạnh sự yêu thích về nghệ thuật còn là sự ngưỡng mộ về lịch sử và văn hoá. Bát trà được các trà nhân yêu quý như chính bản thân họ vậy. Bởi vậy việc một bát trà có giá trị bằng một căn nhà đối với người hiểu về bát, cũng không có gì là lạ. Bát trà được làm bằng gốm. Chất liệu được ưa thích không phải là những chiếc bát tròn vẹn bóng bẩy kiểu Trung quốc, mà là những chiếc bát thô sơ giản dị, và hơn nữa là được làm bằng tay. Chiếc bát trà thậm chí lại không tròn, phù hợp với lý tưởng của trà đạo là “ tìm kiếm sự toàn vẹn trong cái bất toàn”. Ở Nhật bản có rất nhiều dòng gốm nổi tiếng theo từng vùng, nhưng với các trà nhân Nhật Bản thì : “nhất Raku, nhì Hazi, ba là Karatsu”. Hagiyaki là lò gốm nổi tiếng tại huyện Yamaguchi của Nhật. Bát của Hazi có đặc trưng là màu hồng nhạt, chân đế thường được cắt hình tam giác Karu: do dòng họ Karu tại Kyoto sản xuất, bằng tay và không dùng bàn xoay. Đặc trưng là được phủ men đậm hoặc nâu đỏ, xương gốm mềm và thô. Karatsu: sản xuất tại saga và nagasaki trong đảo Kyashu. đặc trưng là xương gốm phủ áo trắng, trang trí hoa văn đơn giản bằng sắc màu nâu. Ngoài ra có rất nhiều loại bát khác nhau, mang những đặc trưng riêng đã được đặt tên như: Mishima, Kohiki, Hakeme,Tenmokuyu… Gốm sứ Việt nam cũng rất được các trà nhân ưa chuộng ngay từ thế kỉ 15, là thế kỷ phát triển rực rỡ của Trà đạo. Khi đưa một bát trà cho khách, nếu bát có khắc hoa văn thì hoa văn luôn được hướng 11
  12. về phía khách chính để tỏ lòng hiếu khách. Đây cũng là một trong những nét lễ nghi đặc trưng của Trà đạo: “Hoà-kính- thanh- tịnh” 6. Chén trà là loại chén dùng để dựng trà cho khách thưởng thức. Chén được làm bằng men, công phu, tỉ mỉ và mỗi chén có những họa tiết độc đáo riêng. Vì thế mà trong khi làm một buổi tiệc trà, không có hai chén trà giống nhau. Các nghê nhân làm chén cũng đưa chủ đề thiên nhiên, thời tiết vào trong tác phầm của mình, vậy nên có thể dùng chén phù hợp cho 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Vào mùa xuân, chén có những hoa văn mùa xuân như hoa anh đào. Còn vào mùa hạ vì là mùa nóng nên chén trà có độ cao thấp hơn, miệng rộng hơn chén trà mùa xuân để dễ thoát hơi nóng. Vào mùa thu, chén có hình dạng giống chén mùa xuân, có hoa văn đặc trưng cho mùa thu như lá phong, lá momizi. Đến mùa đông là mùa lạnh nên chén có độ dày và cao hơn các chén mùa khác để giữ nóng lâu hơn. Màu sắc của men cũng mang gam màu lạnh 7. Natsume là hộp đựng trà được làm từ gỗ sơn mài, cũng mang những nét đặc trưng riêng của từng trà nhân giống như bát vậy. Hộp đựng trà có thể được trang trí hoa văn bên ngoài và trong buổi trà đạo hoa văn này được quay về phía những nơi trang trọng nhất. Trà trước khi cho vào, hộp phải được lọc cẩn thận để không vón cục ảnh hưởng đến hương vị. Trà trong hộp được trình bày theo hình núi Phú Sỹ, vốn là biểu tượng của Nhật bản. Mặt khác, cũng có hũ, lọ trà dùng để đựng trà bột, được trang trí họa tiết rất đẹp, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt nhưng cũng mang tính thẫm mĩ cao. Trên nắp hũ, đôi khi bắt gặp hình quạt giấy, hình hoa lá, tre, trúc,… 8. Chasen (dụng cụ pha trà): Được làm bằng tre một cách công phu và cũng là một dụng cụ đặc trưng cho cách pha trà bát, hay trà bột. Chasen mới và các tua tre phải đều, thì bát trà pha ra mới ngon, đều và đẹp mắt. 9. Chasaku (thìa xúc trà): Làm bằng tre, dùng để múc trà ra bát. Giữa cán Chasaku là khấc tre, và người cầm Chasaku không được cầm quá khấc này, để đảm bảo tính vệ sinh của trà. Cũng là một nét đặc trưng trong tính lễ nghi của Trà đạo. 10· Chakin (khăn lau): Làm từ vải trắng, để lau hủ,lọ,bát trà và muỗng trà khi pha trà. Chakin luôn phải sạch và ẩm, nhưng không được ướt, 12
  13. Khăn kobukusa là loại khăn dùng để kê chén trà. Khi đem trà cho khách thưởng thức, dùng khăn để lên tay, sau đó đặt chén trà lên để giảm bớt độ nóng từ chén trà xuống tay, sau đó mang chén trà cho khách. 11. Shaku (gáo múc nước): Dùng để múc nước nóng từ kama vào bát, hoặc châm thêm nước lạnh từ ngoài vào nồi. Các quy tắc sử dụng Shaku đã tạo ra những nét hấp dẫn rất đặc trưng cho kiểu pha trà này, từ cách cầm dụng cụ, cách di chuyển đến tiếng nước róc rách chảy từ Shaku xuống bát trà 12. Futaoki: Đi kèm shaku là futaoki, là dụng cụ kê nắp kama khi mở. 13. Kensui: Là dụng cụ để nước bẩn, có thể làm bằng các chất liệu như tre, gốm… nhưng trong phòng trà luôn nằm ở vị trí sau để đảm bảo sạch sẽ 14. Nước pha trà: thường là nước suối, nước giếng, nước mưa, hay nước đã qua khâu tinh lọc. 15. Trà: Tùy theo hệ phái nào mà trà được sử dụng có sự khác biệt. Maccha(trà bột). Người ta hái những lá trà non đem đi rữa sạch, phơi ráo nước và xay nhuyễn thành bột. Vì thế trà có màu xanh tươi và độ ẩm nhất định chứ không khô như các loại trà lá. Khi uống, bột trà được đánh tan với nưới sôi. Trà nguyên lá: chỉ lấy nước tinh chất từ lá trà. Lá trà được phơi khô, pha chế trong bình trà, lấy tinh chất, bỏ xác. Thường sử dụng loại trà cho nước màu vàng tươi hay màu xanh nhẹ. Phụ liệu: ngoài nguyên liệu chính là trà bột hay trà lá, người pha chế còn cho thêm một số thảo dược, các loại củ quả phơi khô, đậu để làm tăng thêm hương vị cho chén trà, hay quan trọng hơn là mang tính trị liệu, rất có lợi cho sức khỏe, giúp người bệnh mau hồi phục thể chất lẫn tinh thần. 16. Bánh ngọt: dùng bánh trước khi uống trà sẽ làm cho khách cảm nhận hương vị đậm đà đặc sắc của trà. V. NGHỆ THUẬT TRÀ ĐẠO NHẬT BẢN Thông thường những người Nhật thích uống trà thường thành lập những nhóm nhỏ, chọn ngày mời nhau cùng thưởng thức. Số người tham gia mỗi lần không vượt 13
  14. quá 4 người và hoàn cảnh tổ chức một buổi trà đạo cũng có những quy định đặc biệt. Những gia đình khá giả thường cho xây ba căn phòng nhỏ trong vườn riêng nhà mình, hai phòng nối liền nhau, trong đó một phòng là phòng trà - nơi tổ chức trà đạo, phòng kia đặt than, bộ đồ trà và vòi nước. Phòng còn lại là nơi nghỉ ngơi của khách, phải cách hai phòng kia một khoảng nhất định. Trong vườn có những con đường nhỏ lát đá, quanh co với hai bên trồng hoa và cây cảnh làm cho không gian trong vườn yên tĩnh và thanh nhã. Bố trí trong phòng trà cũng rất được chú ý. Thông thường là treo tranh của các danh họa nổi tiếng, có hoa cắm nghệ thuật để khách mời được thưởng thức nghệ thuật mang hương sắc cổ kính. Thời gian tổ chức trà đạo chia ra làm 4 loại: trà sáng (7h sáng), sau ăn cơm (8h sáng), giữa trưa (12h trưa) và câu chuyện buổi tối (6h tối). Khách mời đúng giờ đến phòng nghỉ, gõ vào chiếc chuông gỗ báo hiệu đã đến. Chủ nhà nghe tiếng chuông sẽ từ phòng trà ra đón khách. Trước cửa phòng trà có đặt một chiếc cối đá đựng đầy nước, khách phải rửa sạch tay trước khi vào phòng. Cửa ra vào có một ô cửa cao gần 3 thước để khách tháo giày đi vào. Khi bước vào phòng phải khom mình tỏ ý khiêm tốn. Nếu khách là võ sĩ thì phải tháo kiếm trước mới được bước vào để biểu thị không khí hòa bình. Trong số khách, người tinh thông trà đạo được cử làm người chủ trì. Người chủ trì phải cạo trọc đầu để biểu thị sạch sẽ, thanh khiết. Trong phòng trà, một góc chiếu có đặt bếp lò và nồi nước bằng gốm, trước bếp đặt bộ đồ trà. Bộ đồ trà phải thô, nặng có men màu cam hoặc đen đậm dáng vẻ cổ kính. Trong khi chủ nhân đun nước thì khách dùng điểm tâm. Món điểm tâm này hết sức tinh tế phải được làm căn cứ vào thời tiết. Ví dụ: tổ chức trà đạo vào mùa thu thì món điểm tâm phải làm giống như lá phong hoặc hoa cúc.Trà để pha là loại bột trà xanh được chế biến cẩn thận bằng cách giã nát trongcối đá - người Nhật gọi là nghiền trà Tiệc trà chính: Khi bước vào phòng trà, khách ngồi tựa người trên hai gót chân, quỳ gối trên chiếu cói (tatami), chăm chú theo dõi tiến trình của buổi tiệc trà. Trong các buổi tiệc trà lớn (chaji) khách được phục vụ một bữa ăn nhẹ như soup hoặc một ít cơm và cá kho. Bữa ăn này thường kéo dài hơn một tiềng đồng hồ mặc dầu đây chỉ là phần khởi đầu của buổi tiệc trà. Những buổi tiệc trà kiểu này thường kéo dài 14
  15. hơn bốn tiếng đồng hồ. Trong các buổi tiệc trà nhỏ, khách thường chỉ đến để ngắm cảnh khu vườn, nói chuyện và thưởng thức một bát trà xanh trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ. Trước mỗi tiệc trà, khách được phục vụ một chiếc bánh ngọt xinh xắn có hình dạng và màu sắc tùy theo từng dịp lễ hay theo mùa, chẳng hạn như hình lá momiji (một loại lá đỏ vào mùa thu), hay hình hoa sakura (hoa anh đào vào mùa xuân). Khách thường dùng bánh ngọt bằng một cây tăm gỗ trước khi uống trà. Trong thời gian này, ngọn lửa than được chỉnh nhỏ lại và trong khi chờ nước sôi, chủ nhà hướng tất cả những người khách vào những câu chuỵện nhỏ mang tính chất nâng cao giá trị của cuộc sống tinh thần. VI. NGHỆ THUẬT PHA TRÀ Thông thường có hai cách pha trà gồm pha đặc và pha loãng. Trà đặc thông thường ba người thay nhau uống một bát, mỗi người ba hớp rưỡi hết 1/3 bát. Trà loãng mỗi người uống riêng một bát. Trà đặc có màu xanh đậm, hương thơm hơi chát. Chủ nhân múc hai muôi gỗ trà cho vào bát, đổ nước sôi, dùng que trúc khuấy đều để trà có nước đặc như bột đậu. Bát đầu tiên mời người chủ trì, người chủ trì nâng bát trà ngang trán rồi mới uống. Khi uống phải chép miệng để tỏ ý thực sự được thưởng thức trà ngon của chủ nhân. Khi tất cả khách uống xong thì nghi thức trà đạo cũng kết thúc. Nhưng đôi khi còn một nghi lễ cao hơn là ăn cơm , thường sau khi uống trà. Tuy gọi là cơm thường nhưng cũng thịnh soạn. 1. Nước pha trà Tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi để pha trà , có nghĩa là không thể nào dùng nước đang sôi trong bình đổ vào bình pha trà. Lý do là trông không đẹp mắt và nhất là tất cả các loại trà Nhật bản (trà xanh, trà bột dùng trong lễ dâng trà (Sadoo) không bao giờ dùng nước đang sôi. Nước pha trà phải được đựng trong một bình thủy (uống trà thông thường) hay nước được nấu trong một cái ấm kim khí không nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoảng 80-90oC.. 2. Làm ấm dụng cụ Ấm pha trà và tách uống trà được tráng bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ , sau đó dùng khăn lau khô trước khi sử dụng. 15
  16. 3. Cho trà vào ấm pha trà Thường với lọai trà ngon cỡ trung bình người ta thuờng tính cho mỗi một người khách khoảng một muỗng cà phê trà xanh. Tuy nhiên nếu dưới 3 người khách, nên cho hơn một tí để tránh quá nhạt. Dĩ nhiên với những người ghiền trà, thích uống đậm lại là vấn đề khác! 4. Pha trà: Với loại trà xanh cỡ trung bình, người ta thường pha trà 3 lần khác nhau như sau */ Lần thứ nhất: Pha với nước nóng ở khoảng 60 độ C, để trà ngấm khoảng 2 phút đồng hồ trước khi rót cho khách. Nước sôi từ bình thủy được rót ra một cái bình Trà khác (hay chén tổng) để giảm nhiệt độ trước khi cho vào bình pha trà (lý do tại sao sẽ được giải thích ở phần sau). */ Lần thứ hai: pha với nước nóng khoảng 80 độ trong khoảng 30-40 giây, có nghĩa là cho nước vào ấm pha trà , hơi lắc nhẹ và rót ra tách cho khách ngay. Nước cũng được rót qua bình trung gian nhưng mau lẹ hơn để có nhiệt độ mong muốn. (Tuy nhiên, những người pha trà quen thuộc, khéo tay họ có thể điều chỉnh nhiệt độ từ bình thủy rót vào bình pha trà bằng các thủ thuật như rót nuớc thật chậm, để cao vòi nước trên bình pha trà...) */ Lần thứ ba: Nước pha ở nhiệt độ khoảng 90 độ C, cũng khoảng 30- 40 giây. Nước có thể tuôn trực tiếp từ bình thủy vào ấm trà, vì nước sôi khi qua các giai đoạn rót vào bình thủy, rồi từ bình thủy rót vào ấm pha trà đã có nhiệt độ khoảng 90 độ C . Với những loại Trà ngon đặc biệt, người ta có thể pha trà lần thứ 4 hay lần thứ 5 (cách thức pha như lần thứ 3) mà nước trà vẫn xanh và còn mùi vị. Nhưng những loại trà xanh hạ phẩm, rẻ tiền việc pha trà hơi khác hơn chút đỉnh. Chẳng hạn lần thứ nhất phải ở nhiệt độ cao hơn (70- 80 độ, 2 phút), lần thứ hai (90 độ, khoảng 1- 2 phút) và không có lần thứ 3 vì hết mùi vị rồi (giải thích ở phần dưới). 5. Lượng nước pha trà Người pha trà phải biết ước lượng cho bao nhiêu nước pha vào bình trà, không thể pha trà xanh Nhật bản bằng cách cứ cho nước vào đầy bình rồi rót cho khách theo lối pha trà của Trung Quốc hay Việt Nam . Mà phải biết dung tích của tách 16
  17. uống trà và số tách để cho đúng lượng nước để mỗi lần rót trà cho khách phải hết trọn vẹn nước trong bình pha trà. Nếu còn sót lại sẽ làm giảm phẩm chất của lần uống trà kế tiếp vì sai nhiệt độ, vì oxy hoá làm mất mầu xanh đẹp của trà… 6. Cách rót trà Không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người khách kế tiếp! Làm như vậy sẽ có sự khác biệt về độ đậm nhạt của nước trà trong mỗi tách, cũng như không đều về lượng trong mỗi tách (tách đầu tiên quá nhiều, tách cuối cùng rất ít, quá đậm vì thời gian trà ngấm ra nhiều hơn hay không còn nước cho người kế tiếp)! Vì vậy tất cả các tách của khách đều được để trong khay trà rồi rót theo thứ tự 1, 2, 3, 4... rót lần đầu khoảng 30ml (cho mỗi tách, cỡ lớn 70ml), sau đó rót lần thứ hai với thứ tự ngược lại 4, 3, 2 ,1 mỗi lần khoảng 20ml (cho mỗi tách có tổng cộng 50ml nước trà) nếu còn dư chút ít trong bình , nên co dãn để phân đều cho các tách, sau đó mới đưa mời khách. Chính vì lý do này, người pha trà phải căn làm sao cho đủ, không thiếu cũng không thừa cho tất cả khách, mỗi người khoảng 50ml tương ứng với loại tách uống trà cỡ 70-80 ml. 7. Cách uống trà Cách thức uống trà của khách cũng được quy định nghiêm ngặt. Trước khi uống, khách để hai tay xuống sàn nhà, cúi đầu chào mọi người, rồi cung kính nâng bát trà lên, xoay bát ba lần theo hướng kim đồng hồ, sau đó từ từ uống. Khi uống trà xanh Nhật Bản cũng như uống trà bột trong lễ dâng trà, người Nhật phải ăn một vài loại bánh ngọt để làm gia tăng hương vị của trà. Có thể nói bánh truyền thống của Nhật Bản đã phát triển cùng thói quen uống trà của người Nhật. Trong những lễ hội 4 mùa, người Nhật làm những chiếc bánh hình dáng nhỏ nhắn để thể hiện phong vị thiên nhiên, và bánh thường được thưởng thức cùng với Trà. Bánh truyền thống nổi tiếng được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên, bốn mùa, từ thơ Waka, Haiku, đây là các thể thơ cổ của Nhật Bản và cảm hứng từ quê hương. Trước khi uống trà, người ta ăn vài miếng bánh. Điểm cần lưu ý là phải ăn hết bánh trong miệng rồi mới uống trà, không nên vừa ăn vừa uống để thể hiện sự sạch sẽ và tôn trọng gia chủ. Sau đó thỉnh thoảng ăn thêm bánh và uống trà tiếp theo. Vớí cách này sẽ làm gia tăng hương vị của trà xanh một cách lạ kỳ. Uống trà xanh Nhật 17
  18. bản hoàn toàn khác với lối uống nhâm nhi từng tí một trong lối uống trà Tàu của những vị nhà Nho Việt Nam. Người Nhật uống thành ngụm đàng hoàng để có đủ lượng nước trà thấm vào tất cả các màng niêm của miệng. Với những loại trà xanh hảo hạng hay trên trung bình, người Nhật cho rằng nước pha trà lần đầu tiên được coi là đậm đà nhất, làm mùi ngon của trà thấm vào vị giác nhiều nhất. Nước thứ hai, có một khoái cảm khác nhờ nhiệt độ nóng của lần pha này, nước trà mất đi khá nhiều vị đặc biệt của trà nhưng lại có mùi rất thơm bốc lên, kích xúc vào khứu giác. Cả hai lần pha trà này được coi là quan trọng nhất và độc đáo nhất của trà xanh Nhật bản. Với loại trà thượng hạng người ta có thể uống đến lần thứ 4 hay thứ 5 nước trà vẫn xanh và mùi vị vẫn còn. Tuy nhiên loại trà hạ phẩm, người ta bỏ qua lần thứ nhất và bước sang cách pha lần thứ hai hơi đổi khác đôi chút Khi uống xong, khách xoay bát theo hướng ngược lại về chỗ cũ, rồi lại nhẹ nhàng đặt bát xuống. Khi tất cả đã uống xong, mọi người lại cúi mình chào nhau một cách kính cẩn rồi mới lần lượt ra về. Điều đáng chú ý ở đây là những thao tác, ngôn từ không những của chủ nhà mà kể cả của khách đều được hướng dẫn, luyện tập nhiều qua một trường lớp dạy trà đạo chính quy. VIII. KẾT LUẬN Qua việc tìm hiểu về trà đạo mỗi người trong chúng ta có cơ hôi để hiểu hơn về nền văn hoá truyền thống đặc trưng của Nhật Bản cũng như tính cách của người dân xứ hoa anh đào. Mọi người Nhật đều được hưởng một nền giáo dục rất hoàn thiện ngay từ bậc tiểu học. Ngoài các giờ học văn hóa chính quy tại trường, họ còn tham gia các khóa học để rèn luyện kỹ năng, tính cách và những điều cần thiết trong cuộc sống hằng ngày như nghệ thuật viết chữ đẹp, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật cắm hoa, chăm sóc vườn, nội trợ, làm gốm, trà đạo. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu thấy chương trình của đứa trẻ học cấp một có cả học cách làm các loại bánh dân tộc mà buổi học này bắt buộc phải có bố hoặc mẹ tham gia. Trẻ em Nhật còn được dạy các lễ nghi trong sinh hoạt trong gia đình, phong tục và truyền thống dân tộc. Chính vì vậy, người Nhật có một phong cách và tính cách có thể nói là khá đặc biệt, khác với những người ở các quốc gia khác. Lấy việc học trà đạo làm ví dụ: mỗi người trong quá trình luyện tập các bước của một buổi tiệc trà phải tỏ ra rất 18
  19. cung kính, lễ nghi như cúi gập mình khi chào hỏi, lễ phép, khiêm nhường khi nói chuyện. Thêm vào đó, họ học được tính cẩn thận, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, khéo léo và ngăn nắp khi thực hiện từng hành động một trong một chuỗi thao tác nhỏ của một buổi tiệc trà. Ngoài ra, người học trà đòi hỏi phải có khiếu thẫm mỹ cao, có sự cảm nhận nghệ thuật để có thể trang trí phòng trà. Vì thế, việc học trà đạo, ngoài việc thư giãn tinh thần, còn mang tính giáo dục rất cao. Nền giáo dục mang đậm tính truyền thống này đã tạo cho người Nhật có ý thức và niềm tự hào cao độ về dân tộc mình. Trong lịch sử, chính sự hội nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc của người Nhật đã góp phần phục hưng đất nước Nhật. Đó chính là bài học bổ ích cho mỗi người Việt Nam chúng ta noi theo để xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh với một nền văn hóa lâu đời của lịch sử 4000 năm. Thông qua việc tìm hiểu trà đạo Nhật Bản, mỗi người trong có cơ hội làm phong phú vốn hiểu biết của bản thân, biết cách làm cho mình thấy thư thái giữa cuộc sống náo nhiệt, ồn ào như ngày nay, đồng thời thông qua trà đạo chúng ta phần nào hiểu được một cách khái quát những bước cơ bản trong việc pha chế và thưởng thức trà - một sở thích của nhiều người dân thế giới nói chung và Châu Á nói riêng 19
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2