Trả lời thắc mắc về thuốc – Kỳ 1
lượt xem 10
download
Cháu nhà em hay bị ngạt mũi, nhất là khi thời tiết lạnh. Mỗi lần cháu ngạt mũi em thường nhỏ thuốc naphazolin cho cháu và thấy rất hiệu nghiệm, cháu thở được ngay. Xin hỏi dùng thường xuyên thuốc này có được không? Lê Khang (Nam Định) Chị thường xuyên dùng thuốc naphazolin nhỏ mũi cho cháu là không nên. Vì naphazolin cũng như các thuốc co mạch khác dùng trong điều trị ngạt mũi tuy cho kết quả tức thời, người bệnh giảm nhanh các triệu chứng ngạt mũi, nhưng thuốc thường gây lệ thuộc thuốc. Khi dùng lâu...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Trả lời thắc mắc về thuốc – Kỳ 1
- Trả lời thắc mắc về thuốc – Kỳ 1: Dùng thuốc nhỏ mũi thường xuyên, nên không? Cháu nhà em hay bị ngạt mũi, nhất là khi thời tiết lạnh. Mỗi lần cháu ngạt mũi em thường nhỏ thuốc naphazolin cho cháu và thấy rất hiệu nghiệm, cháu thở được ngay. Xin hỏi dùng thường xuyên thuốc này có được không? Lê Khang (Nam Định)
- Chị thường xuyên dùng thuốc naphazolin nhỏ mũi cho cháu là không nên. Vì naphazolin cũng như các thuốc co mạch khác dùng trong điều trị ngạt mũi tuy cho kết quả tức thời, người bệnh giảm nhanh các triệu chứng ngạt mũi, nhưng thuốc thường gây lệ thuộc thuốc. Khi dùng lâu dài dẫn đến viêm mũi do thuốc, làm cho bệnh càng nặng hơn. Khi đó không thể chữa bằng các phương pháp nội khoa thông thường mà phải can thiệp ngoại khoa. Những tác dụng có hại này nghiêm trọng hơn ở trẻ em. Nhỏ thuốc co mạch chỉ có tính chất tạm thời, chữa được triệu chứng chứ không chữa được tận gốc nguyên nhân gây khó thở của cháu. Chị cần đưa cháu đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để tìm căn nguyên gây nghẹt mũi cho con. Chị cũng giống như nhiều bà mẹ hiện nay khi thấy con bị nghẹt mũi rất ưa dùng các loại thuốc nhỏ mũi dạng co mạch vì khi nhỏ loại thuốc này trẻ sẽ lập tức thở được dễ dàng hơn, mũi thông từ 6 - 10 giờ. Tuy nhiên sau đó tác dụng của thuốc sẽ giảm dần và nếu vẫn dùng liều như ban đầu sẽ không thấy hiệu quả. Vì vậy thường phải tăng liều hoặc dùng thuốc mạnh hơn, dùng lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng phì đại cuốn mũi và lệ thuộc vào thuốc. Khi thấy con bị nghẹt mũi, tốt nhất chị nên nhỏ nước muối sinh lý 0,09% hoặc nước muối biển cho cháu và sớm đưa cháu đến các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín. Chúc chị nuôi con khỏe?
- Sử dụng thuốc trung hòa acid dịch dạ dày Tôi 45 tuổi, bị đau thượng vị nhiều năm nay, mỗi lần như vậy tôi thường ra hiệu thuốc mua thuốc natribicarbonat về uống, có đỡ đau lúc dùng nhưng bệnh không khỏi. Vừa rồi tôi đi khám và được bác sĩ giải thích natribicarbonat là thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch dạ dày nên làm giảm đau, nhưng nếu dùng lâu ngày sẽ làm bệnh nặng hơn. Xin cho biết tại sao lại như vậy và tôi nên sử dụng thuốc gì? Hoàng Thạch (Hà Nội) Các thuốc có tác dụng tương tác với HCl tạo nên những loại muối không được hấp thu hoặc ít hấp thu do đó làm tăng pH dạ dày, hạn chế khả năng hoạt động của pepsin được gọi là các thuốc trung hòa dịch dạ dày (hay còn gọi là thuốc antacid). Bicarbonat natri và calci carbonat là các antacid tác dụng nhanh, mạnh và rẻ, nhưng bicarbonat natri có khuynh hướng gây nhiễm kiềm toàn thân và chứa nhiều natri đồng thời nó gây một ức chế ngược làm tăng tiết gastrin dẫn đến HCl lại được tiết nhiều hơn trước. Calci carbonat cũng gây nên hội chứng sữa kiềm và calci còn kích thích trực tiếp lên tế bào thành gây tăng tiết HCl. Do đó các thuốc này hiện nay hầu như không dùng trong điều trị loét tiêu hóa.
- Hydroxit nhôm trung hòa HCl tạo ra clorua nhôm và nước. Dùng hydroxit nhôm xu hướng gây táo bón, nhôm bám chặt vào phosphat trong dạ dày ruột, do đó phosphat dễ dàng bị bài tiết ra ngoài; dùng hydroxit nhôm kéo dài có nguy cơ cạn kiệt phosphat, kết quả bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, chán ăn. Hydroxit magie là một antacid hiệu quả hơn hydroxit nhôm, trung hòa HCl tạo clorua magie và nước. Hydroxit magie có thể làm phân lỏng, magie bị ruột non hấp thu vào máu từ hydroxit khoảng 5 - 15% và thải qua thận. Do vậy khi sử dụng các chế phẩm có magie cần thận trọng với bệnh nhân suy thận. Tác dụng nhuận tràng của hydroxit magie và tác dụng gây táo bón của hydroxit nhôm được khắc phục bằng cách phối hợp hai antacid này với nhau. Thuốc được sử dụng rộng rãi hiện nay là hỗn hợp hai chất này. Các thuốc này tương đối an toàn, ít hấp thu tại niêm mạc dạ dày ruột, tác dụng trung hoà HCl mạnh. Các chế phẩm loại này trên thị trường có rất nhiều loại như maalox, gastrofulgit, phosphalugel, noigel... Tuy nhiên khi sử dụng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc trị đau quanh khớp vai Năm nay tôi 57 tuổi, thời gian gần đây tôi thường bị đau quanh khớp vai, về đêm thường bị đau nhiều hơn. Đặc biệt mỗi khi phải giơ tay lên thì rất khó khăn. Xin cho biết tôi bị làm sao và có thuốc gì để chữa? Trần Ngọc Minh (Hà Nội) Đau khớp vai là một hội chứng đau ở vùng khớp vai gồm rất nhiều nguyên nhân, bao gồm các nguyên nhân do tổn thương xương, khớp vai và phần mềm quanh khớp vai. Thuật ngữ đau quanh khớp vai chỉ tổn thương phần mềm quanh khớp gồm cơ, gân, bao gân, dây chằng, thần kinh, mạch máu, hay gặp hơn và không bao gồm các tổn thương của xương và diện khớp vai (ổ chảo và đầu trên xương cánh tay). Bệnh nhân thường cảm thấy đau âm ỉ quanh khớp, đau tăng về đêm. Đau gây hạn chế vận động khớp vai, thậm chí không nhấc tay lên được, lâu ngày không vận động dẫn đến teo cơ quanh khớp vai. Ấn tại chỗ có thể thấy đau nhiều nơi quanh khớp vai hoặc có điểm đau rõ rệt như điểm bám gân nhị đầu, gân trên gai, mỏm cùng vai. Chụp Xquang khớp vai không thấy tổn thương tại xương và diện khớp vai, có thể thấy vôi hóa dây chằng, bao khớp. Xét nghiệm máu không có gì đặc biệt. Siêu âm khớp
- vai hoặc chụp cộng hưởng có thể thấy một số hình ảnh như có dịch quanh gân, vôi hóa, xơ hóa bao gân, teo cơ quanh khớp... Về điều trị, viêm quanh khớp vai không có điều trị đặc hiệu, thường phối hợp nhiều biện pháp như điều trị nguyên nhân (nếu tìm thấy); tránh các vận động mạnh tại vùng khớp vai; phục hồi chức năng khớp bằng các bài tập vận động, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn. Có thể tiêm thuốc corticoid tại chỗ trong một số trường hợp nhất định như viêm điểm bám gân cơ nhị đầu, gân trên gai, mỏm cùng vai... nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp và trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn. Các thuốc uống có thể dùng như giảm đau đơn thuần paracetamol và/hoặc giảm đau chống viêm không steroid (aspirin, diclofenac, meloxicam); thuốc giãn cơ; thuốc bổ thần kinh, an thần... Bệnh nhân viêm quanh khớp vai thể đông cứng giả liệt cần được chụp khớp vai cản quang bằng cách tiêm một lượng thuốc cản quang vào bao khớp dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng vừa để chẩn đoán xác định bệnh vừa để điều trị bệnh thông qua giải phóng bao khớp bị dính. Trường hợp của bác có thể gợi ý tới bệnh viêm quanh khớp vai thể đơn thuần. Tuy nhiên để chẩn đoán và điều trị bệnh một cách chính xác, bác nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa khớp, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể để điều trị bệnh cho bác.
- Thuốc trị hen phế quản Con tôi hiện 5 tuổi. Khi cháu được 1 tuổi, cháu bị ho, sốt và khó thở, thở rít. Tôi cho cháu đi cấp cứu và được chẩn đoán là hen phế quản. Từ đó đến nay, mỗi khi trở trời, nhất là vào mùa xuân thì cháu rất hay lên cơn hen. Xin cho biết bệnh này có chữa khỏi hoàn toàn được không và chữa như thế nào? Hoàng Mai Phương (Hà Nội) Cho đến nay, hen phế quản vẫn là bệnh lý hô hấp phổ biến nhất đối với trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt tỷ lệ gặp rất cao ở các nước phát triển. Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở có sự tham gia của nhiều loại tế bào viêm và các thành phần của tế bào: chủ yếu là tế bào mast, bạch cầu ái toan, Lympho T, đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính và các tế bào biểu mô phế quản. Ở những cơ địa nhạy cảm, quá trình viêm này gây khó thở, thở rít, ho, đau tức ngực từng đợt tái diễn thường bị về đêm và sáng sớm. Người bệnh thường bị tắc nghẽn đường thở có thể tự hồi phục hoặc do điều trị. Quá trình viêm hay đi kèm với tăng tính phản ứng phế quản với nhiều tác nhân kích thích khác nhau. Để tránh cho trẻ có những cơn hen gây nguy hiểm, bạn nên cho con đi tiêm phòng cúm hằng năm vào mùa thu kết hợp với điều trị dự phòng hoặc cắt cơn hen với các loại thuốc sau:
- - Điều trị dự phòng tốt nhất bằng thuốc nhóm corticoid dạng hít (pulmicort, flixotide) với liều ban đầu dùng liều thấp, sau đó tăng dần. Sau đó, cứ 3 tháng cho con đi khám lại một lần, nếu bệnh được kiểm soát tốt, thầy thuốc chuyên khoa sẽ chỉ định hạ liều dần. Tuy nhiên, khi con bạn đã dùng thuốc hạ liều, bạn phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc, nếu không rất có thể hen không được kiểm soát thì con bạn phải dùng thuốc tăng liều lại. Khi điều trị 1 năm mà bệnh hen phế quản được kiểm soát hoàn toàn thì có thể ngừng điều trị dự phòng, tránh ngừng thuốc điều trị dự phòng đột ngột vì triệu chứng của bệnh có thể tái phát nặng. - Thuốc nhóm chủ vận bêta 2 tác dụng kéo dài chỉ nên dùng dưới dạng phối hợp với thuốc nhóm corticoid dạng hít như seretid, symbicort. Dùng dự phòng trong trường hợp hen phế quản trẻ em đã dùng liều trung bình corticoid dạng hít không kiểm soát được. - Có thể dùng các thuốc nhóm kháng leucotrien ở những bệnh nhi mắc hen phế quản nặng khó kiểm soát khi đã hít liều cao corticoid. - Điều trị cắt cơn hen tốt nhất là dùng thuốc nhóm chủ vận bêta 2 tác dụng nhanh. Cha mẹ của bệnh nhi bị hen phế quản cần thường xuyên có thuốc đó dự trữ để dùng cắt cơn hen cho trẻ khi cần. Tuy nhiên, nếu trẻ phải dùng thường xuyên các thuốc cắt cơn này thì phải chú ý tăng liều thuốc dự phòng.
- - Do có nhiều tác dụng phụ do vậy các thuốc nhóm corticoid cần rất hạn chế khi dùng đường toàn thân (uống hoặc tiêm) chỉ dùng trong đợt kịch phát nặng. Thuốc cắt cơn nhóm xanthin không nên dùng cho trẻ em vì nhiều tác dụng phụ.
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn