TRAO ĐỔI VỀ QUYỀN TÁC GIẢ<br />
VÀ SAO CHÉP TÀI LIỆU Ở THƯ VIỆN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC<br />
Đoàn Ngọc Vân<br />
Tóm tắt: Thư viện của các trường đại học có nhiệm vụ xây dựng vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu<br />
nghiên cứu, giảng dạy và học tập của bạn đọc. Sao chép tài liệu là một biện pháp cần thiết của thư<br />
viện các trường đại học nhằm nhân bản, lưu giữ và cung cấp thông tin cho bạn đọc. Việc sao chép<br />
tài liệu thư viện phải tôn trọng và tuân theo quy định pháp luật về quyền tác giả. Qua bài viết này<br />
chúng tôi muốn trao đổi về quyền tác giả và bảo hộ quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ (2005) từ<br />
đó có thể xác định các trường hợp sao chép tài liệu hợp pháp và bất hợp pháp ở thư viện các trường<br />
đại học, đặc biệt là đối với nguồn tài liệu được tạo nên từ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học<br />
của trường.<br />
Thư viện của các trường đại học có nhiệm vụ xây dựng vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu nghiên<br />
cứu, giảng dạy và học tập của cán bộ giáo viên và sinh viên. Có thể khẳng định rằng không một thư<br />
viện nào có đầy đủ tài liệu để đáp ứng nhu cầu bạn đọc vì vậy việc sao chép, nhân bản tài liệu cũng<br />
là một biện pháp cần thiết của mỗi thư viện:<br />
- Thư viện có chức năng thu thập, tàng trữ, tổ chức khai thác sử dụng vốn tài liệu nhằm<br />
truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của bạn đọc. Đó là thiên<br />
chức xã hội luôn gắn liền với sự ra đời và phát triển của thư viện. Sao chép tài liệu nhằm bổ sung<br />
nguồn vốn tài liệu và cung cấp thông tin cho bạn đọc.<br />
- Cho dù thư viện có được đầu tư thì cũng không thể đảm bảo thu thập đầy đủ vốn tài liệu.<br />
Đối với trường đại học nhu cầu người dùng tin có đặc điểm là thường tập trung vào cùng loại tài liệu<br />
có cùng nội dung, chủ đề với số lượng người sử dụng lớn và trong khoảng thời gian nhất định.<br />
- Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ tài liệu điện tử ngày càng nhiều và đa<br />
dạng, thư viện điện tử và thư viện số là kết quả tất yếu của sự phát triển thư viện. Tài liệu được số<br />
hoá, lưu trữ và cung cấp trên mạng sẽ đáp ứng nhu cầu người sử dụng không giới hạn về không gian<br />
và thời gian.<br />
- Thư viện hoạt động bằng ngân sách nhà nước được thu phí đối với dịch vụ sao chụp, nhân<br />
bản tài liệu, biên dịch phù hợp với pháp luật về bảo hộ quyền tác giả (Pháp lệnh Thư viện).<br />
Thư viện trường đại học thực hiện sao chụp, nhân bản tài liệu truyền thống (in trên giấy) là<br />
chủ yếu, một số thư viện đang trong quá trình số hoá tài liệu và tạo lập cơ sở dữ liệu toàn văn. Bên<br />
cạnh việc sao chép, nhân bản để lưu giữ, một số thư viện thực hiện dịch vụ sao chép tài liệu cung cấp<br />
cho bạn đọc:<br />
- Thư viện phục vụ nhu cầu in, sao tài liệu cho bạn đọc tại các bộ phận phục vụ.<br />
- Bạn đọc được phép đăng ký phôtô tối đa là 10% hoặc một (1) chương sách (đối với sách có<br />
từ hai (2) chương trở lên), hoặc một (1) bài tạp chí cho mỗi số tạp chí xuất bản.<br />
- Trung tâm thông tin thư viện có tổ chức 2 hình thức photocopy: độc giả sử dụng tiền xu tự<br />
photocopy hoặc yêu cầu nhân viên kỹ thuật photocopy (trường hợp photo từ 40 trang trở lên).<br />
Sao chép, nhân bản tài liệu là cần thiết nhưng phải tôn trọng quyền tác giả, tuân thủ các quy<br />
định pháp luật về quyền tác giả, vì vậy cần xác định rõ các trường hợp sao chép hợp pháp và bất hợp<br />
pháp.<br />
Quyền tác giả và bảo hộ quyền tác giả đã được quy định trong một số văn bản pháp luật của<br />
nhà nước ta như Luật dân sự, Luật xuất bản, Luật Báo chí... cho đến tháng 11 năm 2005 Quốc hội<br />
ban hành một luật riêng về sở hữu trí tuệ đó là Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT), trong đó phần thứ hai<br />
quy định về quyền tác giả.<br />
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở<br />
hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản:<br />
<br />
Điều 19. Quyền nhân thân<br />
1. Đặt tên cho tác phẩm;<br />
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm<br />
được công bố, sử dụng;<br />
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;<br />
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc<br />
tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.<br />
Điều 20. Quyền tài sản<br />
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:<br />
a) Làm tác phẩm phái sinh;<br />
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;<br />
c) Sao chép tác phẩm;<br />
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;<br />
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông<br />
tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;<br />
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.<br />
Quyền nhân thân là quyền gắn liền với cá nhân và thuộc về tác giả, các quyền này không<br />
được chuyển giao và được pháp luật bảo hộ vô thời hạn (trừ khoản 3 Đ.19). Quyền tài sản và quyền<br />
công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là các quyền của tác giả, chủ sở hữu<br />
quyền tác giả có thể chuyển giao hoặc cho phép người khác thực hiện, các quyền này được bảo hộ có<br />
thời hạn theo quy định của pháp luật.<br />
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và<br />
khoa học. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền<br />
tài sản. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả là việc xác lập quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả<br />
đối với tác phẩm nhằm chống lại bất kỳ hành vi xâm phạm của người khác.<br />
Đối tượng bảo hộ quyền tác giả là tác phẩm được sáng tạo ra trong lĩnh vực văn học, nghệ<br />
thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Tài liệu thư viện bao gồm các<br />
tác phẩm, xuất bản phẩm và các tài liệu do cán bộ giáo viên, sinh viên tạo nên từ hoạt động đào tạo<br />
và nghiên cứu khoa học của trường được thu thập, xử lý, bảo quản và tổ chức cho bạn đọc sử dụng.<br />
Vì vậy các tài liệu này đều thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả.<br />
Sao chép tác phẩm là một trong những quyền thuộc quyền tài sản, khái niệm này được nêu rõ:<br />
Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ<br />
phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới<br />
hình thức điện tử.<br />
Quyền sao chép là quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho<br />
phép người khác thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định Nhà<br />
nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc<br />
chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền.<br />
Để hạn chế quyền của chủ sở hữu tác phẩm đồng thời tạo điều kiện cho việc phổ biến và sử dụng tác<br />
phẩm vào mục đích nghiên cứu, giảng dạy không nhằm mục đích thương mại, LSHTT quy định cho<br />
phép mọi người có thể sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận<br />
bút, thù lao trong trường hợp sau:<br />
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;<br />
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.<br />
Ngày nay, sự ra đời của thư viện điện tử, thư viện số... tài liệu được lưu giữ và phổ biến trên<br />
mạng thì không gian thư viện mở rộng ra trên phạm vi toàn cầu. Đây là thách thức lớn đối với thư<br />
<br />
viện khi số hoá tài liệu, đưa tài liệu lên mạng.<br />
Đối với các tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả hoặc không thuộc phạm vi bảo hộ<br />
quyền tác giả thì người sử dụng có quyền sao chép, sử dụng:<br />
- Tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ: Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trong một thời hạn<br />
nhất định, khi hết thời hạn bảo hộ thì tác phẩm thuộc về công chúng và được sử dụng, sao chép tự<br />
do.<br />
- Các đối tượng không thuộc phạm vị bảo hộ quyền tác giả gồm: Tin tức thời sự thuần tuý<br />
đưa tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và<br />
bản dịch chính thức của văn bản đó; quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên<br />
lý, số liệu.<br />
Mặc dù các trường hợp sao chép tác phẩm được pháp luật cho phép nhưng người sử dụng<br />
phải tôn trọng quyền tác giả, không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm,<br />
không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác<br />
giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.<br />
Vốn tài liệu của thư viện trường đại học còn có các tài liệu được hình thành từ hoạt động đào<br />
tạo và nghiên cứu khoa học của trường, còn gọi là nguồn tin khoa học nội sinh. Nguồn tài liệu này<br />
gồm có giáo trình, bài giảng, đề tài nghiên cứu khoa học, kỷ yếu hội thảo, luận án... do đội ngũ cán<br />
bộ giáo viên và sinh viên của trường sáng tạo trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa<br />
học. Đối với các tài liệu này cần phân biệt và xác định rõ chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả hay chủ<br />
sở hữu quyền tác giả là trường đại học.<br />
Khi tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác<br />
phẩm thì chủ sở hữu tác phẩm là tác giả, tác giả có các quyền nhân thân và các quyền tài sản.<br />
Chủ sở hữu quyền tác giả là trường đại học trong trường hợp:<br />
- Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở<br />
hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận<br />
khác.<br />
- Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các<br />
quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.<br />
Việc xác định chủ sở hữu quyền là cần thiết và quan trọng vì liên quan đến các quyền thuộc<br />
về chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm, các quyền đó bao gồm quyền tài sản và quyền công<br />
bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm. Trong trường hợp nhà trường ký kết với tác giả<br />
thì việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả tương đối dễ dàng, nhưng đối với trường hợp nhà trường<br />
giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả sẽ khó khăn nếu không được quy định cụ thể. Do vậy<br />
trong trường hợp giao nhiệm vụ cho tác giả nên cần được thể hiện bằng văn bản hay quy chế.<br />
Trường hợp cá nhân cũng như tổ chức sử dụng tài liệu này phải xin phép và trả tiền nhuận<br />
bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.<br />
Hầu hết ở các trường chưa có quy định về quản lý khai thác sử dụng tài liệu này, vì vậy dễ<br />
dẫn đến tình trạng sử dụng và sao chép trái phép, tác động xấu đến quá trình sáng tạo đổi mới trong<br />
nghiên cứu khoa học.<br />
Hành vi xâm phạm quyền tác giả trong sao chép tác phẩm là việc sao chép mà không được<br />
phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (trừ những trường hợp sao chép đã nêu ở phần trên).<br />
Các đề tài nghiên cứu khoa học sau khi được nghiệm thu, được lưu trữ mà không được khai<br />
thác sử dụng nên dẫn đến tình trạng "đóng băng" và gây lãng phí nguồn tài nguyên này. Có thể vì e<br />
ngại vấn đề quyền tác giả, nên có nhiều thư viện quy định nhằm hạn chế sử dụng nguồn tài liệu này,<br />
như không cho sao chép toàn bộ, mà chỉ cho sao chép một hoặc một vài trang của luận án, luận văn.<br />
Biện pháp nêu trên cũng không thể ngăn chặn có hiệu quả hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trong<br />
<br />
những điều kiện có thể, để tránh sự trùng lặp và thúc đẩy sự sáng tạo trong nghiên cứu khoa học điều<br />
nên làm trước hết là cần công bố tác giả, danh mục đề tài nghiên cứu, đề tài luận án, sau đó công bố<br />
toàn văn trên website của trường và tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung các trường đại học. Tác giả,<br />
nhà trường cần thực hiện đầy đủ quy định về việc đăng ký quyền tác giả đối với các tác phẩm được<br />
sáng tạo trong nhà trường, tuy không phải là quy định bắt buộc nhưng rất cần thiết.<br />
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên vừa là người sử dụng tài liệu thư viện mặt khác họ lại là<br />
tác giả của những tác phẩm sáng tạo trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập ở<br />
trường. Quá trình sử dụng tài liệu thư viện và sáng tạo tác phẩm của họ luôn gắn liền với vấn đề<br />
quyền tác giả. Cho dù luật pháp quy định chặt chẽ, biện pháp xử lý hành vi xâm phạm có nghiêm<br />
khắc thì công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về quyền tác giả là rất quan trọng nhằm nâng cao ý<br />
thức chấp hành pháp luật, ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo<br />
tác phẩm.<br />
-----------------------------------------------------------------------------------------Tài liệu tham khảo:<br />
- Tìm hiểu Luật Sở hữu trí tuệ. H.: Lao động xã hội, 2006.<br />
- Tìm hiểu Luật khoa học công nghệ.-H. : Lao động xã hội, 2005.<br />
- Pháp lệnh thư viện. Hà nội; Chính trị Quốc gia, 2001.<br />
- Lê Xuân Thảo. Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ.- H.: Tư pháp, 2005.<br />
- http://www.cov.gov.vn/Vietnam/home.asp<br />
- http://www.vnulib.edu.vn/<br />
- http://library.hut.edu.vn/content/view/85/<br />
- http://www.hsph.edu.vn/library/<br />
<br />