Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
Sự kiện thứ nhất: Cách đây vài ba năm, hàng tuần, Đài Truyền hình Việt Nam<br />
phát một chương trình với cái tên rất “hot”: “Làm giàu không khó”. Một cái “tít”<br />
mang tính cổ động cao, truyền cảm hứng mạnh. Và có phần nào đó nhạo báng<br />
(những cá nhân, và cả những dân tộc mãi chưa thoát được nghèo). Khoảng một<br />
năm nay, không hiểu vì lý do gì, chương trình đó không thấy được phát sóng nữa.<br />
Thật đáng tiếc. Khán giả mất một chương trình hiếm có trên đời (có lẽ chỉ có ở Việt<br />
Nam) dạy cách làm giàu mà không phải tốn công, tốn sức, đặc biệt là ít phải động<br />
não (vì các mẹo làm giàu đã có sẵn, cứ thế mà dùng).<br />
Sự kiện thứ hai: Nền kinh tế thế giới hiện đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm<br />
trọng “trăm năm có một”, như nhiều nhà kinh tế hạng nhất, cỡ như Alan<br />
Greensphan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hay GS. Paul Krugman, nhà<br />
kinh tế vừa đoạt giải Noben, người được mệnh danh là “nhà cảnh báo khủng hoảng<br />
của thế giới” xếp hạng.<br />
Sau khi chịu tổn thất nhiều ngàn tỷ USD, cả thế giới đang phải hè nhau hợp sức,<br />
góp hàng mấy chục ngàn tỷ USD để “cứu nạn”. Nhưng kết quả cho đến bây giờ vẫn<br />
còn khá mờ mịt. Đến mức hình dạng chu kỳ khủng hoảng, người thì dự đoán dạng<br />
chữ V (nghĩa là một khi kinh tế thế giới xuống đến đáy thì sẽ vọt lên ngay), người<br />
thì dự đoán dạng chữ U (kinh tế thế giới sẽ nằm bẹp ở đáy một thời gian rồi mới<br />
ngóc lên được); còn không ít kẻ “bi quan” thì dự đoán dạng chữ L (sẽ nằm bẹp rất<br />
lâu).<br />
Khi đặt hai sự kiện đó gần nhau, bật lên chủ đề cuốn sách mà các bạn đang cầm<br />
trên tay – cuốn Truy tìm căn nguyên tăng trưởng: Làm giàu thật sự dễ hay khó?<br />
Tại sao nhân loại ngàn đời loay hoay với bài toán tăng trưởng kinh tế mà cho đến<br />
nay, trong số hơn 200 quốc gia trên trái đất, chỉ có chừng hơn ba chục quốc gia, với<br />
chừng ¼ dân số thế giới được coi là đã trở thành giàu? Căn nguyên là ở đâu?<br />
Tinh thần của cuốn sách là rõ ràng: tăng trưởng là một bài toán khó, thậm chí<br />
rất khó. Giải nó, trật dễ hơn trúng.<br />
Tinh thần là vậy, song thông điệp của cuốn sách lại không bi quan: tăng trưởng<br />
“đàng hoàng”, nghĩa là tăng trưởng không trồi sụt, không “chộp giật”, tăng trưởng<br />
đủ lâu bền, là thứ mà mỗi nước đều có thể đạt được, miễn là …<br />
Và toàn bộ nội dung cuốn sách ẩn sau chữ “miễn là” đó.<br />
Tác giả cuốn sách, William Easterly, một nhà kinh tế học khá nổi tiếng trên thế<br />
giới, từng nhiều năm làm việc cho Ngân hàng Thế giới, do vậy, cũng biết khá nhiều<br />
về nền kinh tế Việt Nam, đặt cho mình nhiệm vụ “truy tìm căn nguyên tăng<br />
trưởng”. Nghĩa là ông phải lật lại ít nhất là các lý thuyết, các mô hình tăng trưởng<br />
chủ yếu có trên thế giới, trong đó có nhiều cái đã trở thành “kinh điển”. Khi làm<br />
<br />
công việc đó, ông phải mổ xẻ từng yếu tố được các lý thuyết và kinh nghiệm coi là<br />
“lực lượng quyết định tăng trưởng” – vốn, viện trợ, giáo dục, công nghệ, kiểm soát<br />
dân số, v.v. – để xem có thực vậy không. Và thật oái oăm là trong hầu như tất cả các<br />
trường hợp, câu trả lời đều là “tưởng ‘dậy’ mà không phải ‘dậy’”.<br />
Easterly viết: “Không có một công thức thần kỳ nào có thể biến một người nghèo<br />
trở nên giàu có. Viện trợ, đầu tư, giáo dục, kiểm soát dân số, điều chỉnh chính sách<br />
cho vay hay xóa nợ đều không phải là liều thuốc tiên cho tăng trưởng”. Và chính<br />
ông tự trả lời: “Nguyên nhân là do các công thức nêu trên đã không dựa trên<br />
nguyên tắc cơ bản của kinh tế học: đó là con người hành động vì động cơ”.<br />
Động cơ đó ở đâu ra? Tại sao mọi người, mọi dân tộc đều có khát vọng thoát<br />
nghèo mà lại không có động cơ tăng trưởng “đàng hoàng”? Cái gì làm cho quá trình<br />
chuyển hóa khát vọng làm giàu thành động cơ tăng trưởng không thể thực hiện<br />
được?<br />
Những câu hỏi này mới đích thực là trọng tâm của cuốn sách.<br />
Các bạn hãy tự tìm câu trả lời trong cuốn sách. Chắc chắn đó là việc rất đáng<br />
làm. Tôi cho rằng nhiều gợi ý quan trọng, thậm chí, có những gợi ý mang tính khai<br />
mở đã được đưa ra. Easterly đã khảo sát cách thức một số chính phủ ngăn cản thị<br />
trường tự do, tạo ra những động lực hủy hoại tăng trưởng – như tham nhũng và hối<br />
lộ, sự thao túng của các nhóm lợi ích, sự bất bình đẳng và tình trạng phân biệt đối<br />
xử, v.v. Ông cho rằng đây chính là những yếu tố “bóp chết tăng trưởng”, làm cho<br />
nhiều nền kinh tế, dù có rất nhiều nỗ lực, vẫn mãi không ngóc đầu lên được.<br />
Nhưng đúng như chính tác giả cuốn sách trần tình, “chỉ ra thất bại rất dễ dàng,<br />
nhưng để đưa ra ý tưởng thành công thì lại là một việc không đơn giản”. Nhiều thế<br />
hệ các nhà kinh tế đã vật lộn với thách thức này. Thất bại có vẻ nhiều hơn. Song<br />
không thể nghi ngờ xu hướng chủ đạo lại nghiêng về thắng lợi.<br />
Đơn giản vì loài người ngày càng thông minh hơn. Vì ngay cả đối với những dân<br />
tộc còn kém phát triển ngày hôm nay, như tác giả viết “cũng có những lợi thế hơn<br />
người đi trước, vì (i) chúng ta đã có 40 năm kinh nghiệm để có thể rút ra thành<br />
công và thất bại; (ii) khoa học kinh tế đã xây dựng thành công các công cụ phân<br />
tích, giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn vào tăng trưởng”.<br />
Một cái nhìn lạc quan. Nhưng không hoang tưởng.<br />
Cuốn sách này được dịch ra tiếng Việt tại thời điểm này là rất đúng lúc. Chúng<br />
ta đang vật lộn với mục tiêu tăng trưởng. Nền kinh tế nước ta đã trải qua giai đoạn<br />
tăng trưởng được coi là “đáng tự hào” – hay khiêm tốn cũng là “đáng khích lệ”<br />
trong hơn vài chục năm đổi mới vừa qua. Nhưng hai năm thử thách trong môi<br />
trường hội nhập kinh tế quốc tế với tư cách thành viên WTO vừa qua cho thấy rõ đó<br />
là sự tăng trưởng còn nặng về chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên và lao động<br />
thiếu kỹ năng, chưa định hướng chất lượng và do đó, còn thiếu bền vững. Giữa một<br />
thế giới cạnh tranh khốc liệt, thách thức tăng trưởng đối với nền kinh tế lạc hậu đi<br />
sau nặng gấp bội phần. Có thể nói nền kinh tế nước ta đang bước vào một giai đoạn<br />
thách thức mới.<br />
<br />
Hy vọng – và – tin rằng cuốn sách Truy tìm căn nguyên tăng trưởng sẽ là một<br />
người bạn tốt của chúng ta, sẽ đồng hành “vượt qua thử thách” cùng với chúng ta<br />
trong giai đoạn đầy cam go trước mặt.<br />
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn!<br />
Hà Nội, tháng 3 năm 2009<br />
PGS.TS. Trần Đình Thiên<br />
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam<br />
<br />