intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tục lệ thờ Họ ở xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Công Thành là một xã thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nước Việt Nam. Xã Công Thành có rất nhiều Họ. Tuy nhiên tác giả chỉ chọn ba dòng họ lớn để nghiên cứu đó là họ Trần, họ Hồ, họ Phạm. Từ đó nghiên cứu và phân tích về nguồn gốc, phong tục,… của các dòng họ. Đưa ra một số ý kiến về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa tục lệ thờ Họ trong Văn hóa làng – xã Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tục lệ thờ Họ ở xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

  1. TỤC LỆ THỜ HỌ Ở XÃ CÔNG THÀNH, HUYỆN YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN Trần Thị Minh Anh1 1. Trường Đại học Thủ Dầu Một. Email: minhanhct12@gmail.com TÓM TẮT Công Thành là một xã thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nước Việt Nam. Xã Công Thành có rất nhiều Họ. Tuy nhiên tác giả chỉ chọn ba dòng họ lớn để nghiên cứu đó là họ Trần, họ Hồ, họ Phạm. Từ đó nghiên cứu và phân tích về nguồn gốc, phong tục,… của các dòng họ. Đưa ra một số ý kiến về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa tục lệ thờ Họ trong Văn hóa làng – xã Việt Nam. Từ khóa: Tục lệ thờ họ, gia phả 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Ngày nay xã hội ngày càng một phát triển, đời sống con người cũng được nâng cao, nhưng chúng ta vẫn không bao giờ quên đi đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đạo lý này được thể hiện rõ ràng nhất trong tục lệ thờ cúng tổ tiên, biết ơn tổ tiên ông bà, cha mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng. Thờ cúng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm bày tỏ lòng tôn kính của các thế hệ sau, thế hệ con cháu với những người thuộc thế hệ trước của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời. Từ lâu, thờ cúng tổ tiên ông bà là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, đặc biệt là cuộc sống ở các làng quê. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các hình thức nghi lễ thờ cúng và các dạng sinh hoạt tín ngưỡng khác có liên quan cũng được phát triển và góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Chính vì thế, nghiên cứu tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng trên tất cả các mặt biểu hiện của nó không chỉ phác họa nên đời sống tín ngưỡng mà còn bổ sung tư liệu cho việc nhận thức về bản chất và sắc thái đa dạng của đời sống tâm linh người Việt. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trong làng lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc: “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”; Các gia đình có mối quan hệ huyết thống hoặc có nguồn gốc cùng dòng họ (theo gia phả). Hằng năm, mỗi dòng họ sẽ có cúng giỗ Họ ở nhà thờ Họ để thể hiện lòng biết ơn các tổ tiên của dòng tộc và kết nối các con cháu trong họ tộc quan hệ với nhau, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Do vậy, dòng họ và văn hóa dòng họ còn là nhân tố nội sinh thúc đẩy sự phát triển văn hóa và xã hội Việt Nam. Trong thời kỳ hiện nay, văn minh phải được dựa trên cơ sở sự trân trọng, bảo tồn di sản văn hóa, trước hết là phát huy được truyền thống của gia đình, dòng họ. Mỗi dòng họ đều có truyền thống văn hóa riêng. Việc nghiên cứu về dòng họ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Nghiên cứu qua trường hợp tục lệ thờ Họ ở xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An để khái quát cho tục lệ thờ Họ ở khu vực Bắc Trung Bộ, so sánh với tục lệ thờ Họ ở các vùng miền khác trong cả nước. 453
  2. Tìm hiểu về dòng họ, tục lệ thờ Họ đã có một số tác giả tìm hiểu và nghiên cứu, tuy nhiên còn khá ít, chỉ có một số bài viết liên quan. Giáo trình: “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” của tác giả Trần Ngọc Thêm cho biết những kiến thức cơ bản về gia tộc. Tạp chí: “Gia đình, dòng họ - Những giá trị cơ bản của văn hóa làng, xã Việt Nam”, tạp chí Cộng sản số 18 (130) năm 2007 giúp tôi tham khảo được những quan niệm về gia đình, dòng họ, vai trò của gia đình và dòng họ trong đời sống làng xã Việt Nam. Sách “Văn hóa dòng họ Việt Nam” của tác giả Đỗ Trọng Am nêu lên được nguồn cội, lai lịch của các dòng họ Việt Nam, giới thiệu văn hóa, gia phong của các dòng họ. Sách “Việt Nam văn hóa sử cương” của tác giả Đào Duy Anh cung cấp những kiến thức cơ bản về văn hóa Việt Nam: Gia tộc, xã thôn, quốc gia, phong tục tập quán...Sách “100 điều cần biết về phong tục thờ cúng của người Việt” của tác giả Minh Đường cung cấp nguồn gốc, ý nghĩa, nghi thức, việc sắm lễ vật và văn khấn cụ thể trong ngày giỗ, phong tục thờ cúng trong gia đình và dòng họ Việt Nam… Chính vì nguồn tư liệu thành văn ít ỏi và đề tài chưa có ai nghiên cứu sâu, tác giả phải dựa vào tư liệu do chính mình thu thập là chủ yếu, đó là tư liệu điền dã với những hình ảnh tác giả tự chụp, biên bản phỏng vấn các nhân vật liên quan đến 3 dòng họ Trần, Hồ, Phạm ở xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An để viết thêm tư liệu, bổ sung hình ảnh cho đề tài được phong phú, tăng giá trị. Trên cơ sở kế thừa lý thuyết, phương pháp tiếp cận và kết quả các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước, đề tài sử dụng các phương pháp chính như phương pháp điền dã phỏng vấn sâu, phương pháp lịch sử và phương pháp logic để thu thập thông tin lần đầu tiên hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học toàn diện và chi tiết về tục lệ thờ họ của ba họ Trần, Hồ, Phạm ở xã Công Thành. 2. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TỤC LỆ THỜ HỌ Dòng họ là bao gồm những người cùng huyết thống, từ một thủy tổ - thường là người có công “khai sơn phá thạch”, khởi đầu cho dòng họ tại một địa vực nhất định. Dòng họ có nhiều chi, phái, tiểu chi, có trưởng họ. Người con trưởng của chi trưởng làm trưởng họ. Mỗi dòng họ có nhà thờ họ, nhà thờ chung gọi là từ đường, nhà thờ tổ. Đôi khi cũng có nhiều họ không có nhà thờ. Theo sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm thì có thể nói việc liên kết theo nhóm huyết thống là một trong ba hình thức tập hợp sớm nhất trong lịch sử loài người. Trong sách “Vấn đề thờ cúng và lễ bái” của Hòa thượng Thích Thắng Hoan có viết: Con người sanh ra ở đời, ắt phải có tôn ti trật tự, có trước có sau, có trên có dưới, có lớn có nhỏ, có thứ lớp giai tầng, đó là một quy luật tự nhiên, không ai có thể chối cãi, phủ nhận hay từ bỏ. Đó là một đạo lý tuyệt đối là căn bản đạo đức, là cương kỷ, nề nếp mà các những thế hệ trước đứng lên lập đạo phải lấy nó làm nền tảng, chủ đích để dạy tập con người bảo giữ nguồn gốc tôn ti trật tự, để quy định cho sự hòa hiệp sống chung, thái bình an lạc trong cõi đời. Ta thấy có rất nhiều yếu tố hình thành “tục lệ thờ Họ”, thứ nhất phải nói tới đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đã ảnh hưởng sâu sắc tới nếp sống của từng làng quê trên mọi miền Tổ quốc, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Con người sinh ra có trên có dưới, có trước có sau, đó là quy luật tự nhiên không thể chối cãi, chính vì lẽ đó và những đạo lí người đi trước để lại cho người sau mà con người Việt Nam luôn có truyền thống nhớ về nguồn cội của mình, luôn luôn biết ơn tổ tiên và “thờ cúng” chính là tục lệ mà con người dùng để thể hiện thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho 454
  3. con cháu – những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời.. Thứ hai, nguồn gốc “tục lệ thờ họ” là do “sự liên quan truyền nối giữa kẻ còn người mất của nhân loại” - Khi con người bắt đầu khám phá về bản thân mình, mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và vô hình, nhất là giữa sự sống và cái chết khiến con người quan tâm, muốn lý giải. Thứ ba, trong xã hội phụ quyền xưa, khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc. Gia đình, gia tộc được đề cao. 3. NHỮNG PHONG TỤC, LỄ NGHI VÀ NÉT ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA CỦA CÁC HỌ TRẦN, HỒ, PHẠM Ở XÃ CÔNG THÀNH Các dòng họ Trần, Hồ, Phạm đều là những dòng họ lớn và lâu đời nhất của xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. 3.1. Nhà thờ họ Trần và tục lệ thờ họ của dòng họ Trần ở xã Công Thành Kiến trúc: Dòng họ Trần Khắc đã sinh sống ở xã Công Thành tại làng Ngọc Hạ (nay là Ủy ban nhân dân xã Công Thành) từ thế kỷ XVI, đến năm 1968, do chiến tranh nên đã chuyển về xóm Bùi Bùi. Đến năm 2020 con cháu góp sức góp của cùng nhau tu sửa lại nhà thờ như hiện nay. Nhà thờ được xây trong một khuôn viên có hàng rào bao quanh. Có lối kiến trúc cầu kỳ, theo phong cách Trung Hoa gồm hai gian, mái cong, hình rồng, phượng được lợp bằng ngói. Bên ngoài cổng làm bằng gạch phủ một lớp sơn, bên trong làm bằng gỗ lim. Từ ngoài nhà thờ nổi lên hai tông màu xanh và đỏ hài hòa với tường bao bằng gạch kiên cố. Được thiết kế theo kiểu tháp chỉ thiên, với bốn cột chân quỳ. Phía trên hai cột chính phía trong là tháp lửa hình đấu phượng, phía trên hai cột phụ bên ngoài là hai con nghê chầu vào. Sân gạch trước nhà là nơi tiến hành lễ nghi và con cháu tụ họp. Ở thềm bước lên sảnh chính nhà thờ có chiếu đá dựng nghiêng trang trí được đục chạm tinh xảo, trông rất đẹp mắt. Trên chiếu đá có ghi chữ 福 (“Phúc”) với mong muốn sự tốt lành, phú quý, may mắn sẽ đến với con cháu trong dòng họ. Ở thềm trước có đặt một lư hương và hai con rồng bằng đồng được đúc nổi hoa văn rồng tinh xảo, mềm mại. Nhà thờ kiểu chữ Nhị nằm ngang với 2 mái trước và sau theo kiểu “thu hồi bít đốc”. Có 2 gian song song với nhau, gian ngoài là nơi bái đường hoặc để tiếp khách, gian sau là nơi thờ phụng. Ở bên trong nhà thờ linh điện cao nhất là nơi đặt thần chủ và thờ Thần linh, được đặt tách riêng ở vị trí bên trái nhà thờ họ và cao hơn Thượng điện một chút. Trong điện thờ gồm ba cấp hương án: Thượng điện là nơi đặt thần chủ và thờ Thủy Tổ (đời thứ nhất của dòng họ), Trung điện là nơi đặt thần chủ và thờ Tiên Tổ (tính từ đời thứ hai cho đến vị thân sinh của cao tổ khảo được tôn vinh là tiên tổ), Hạ điện là nơi đặt thần chủ và thờ các vị Cao Tổ không có con cháu thờ tự (đối với các vị cao tổ có con cháu thì sẽ được thờ tại các nhà thờ họ chi tộc theo phân cấp). Ngoài ra còn có bát hương thờ bà Cô ông Mãnh (là những người chết trẻ, chưa có gia đình trong dòng họ) được đặt ở vị trí thấp nhất trên hương án và thấp hơn các bậc tiên tổ khác. Mộ Tổ: Việc xây dựng nghĩa trang dòng họ là một truyền thống tốt đẹp nhằm duy trì và gắn kết tình thân giữa con cháu trong họ đồng thời thể hiện sự tôn kính của đối với nơi yên giấc ngàn thu của tổ tiên ông bà. Nghĩa trang dòng họ Trần Khắc được đặt ở nghĩa trang của xóm Bùi Bùi, được xây bằng đá khối tự nhiên. Vùng đất Nghệ An có nguyên liệu đá tự nhiên dồi dào cho nên được sử dụng trong xây dựng khá phổ biến. Lăng mộ được sắp xếp trang nghiêm, thể hiện những vị trí về các bậc trên dưới trong dòng họ. Bên trong có các nấm mộ được thiết kế theo phong cách tối giản nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi, một điện thờ là điểm nhấn tạo nên 455
  4. sự bề thế cho lăng mộ. Có các họa tiết hoa văn, câu đối tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Quần thể lăng mộ được xây dựng khá cầu kỳ thể hiện văn hóa vùng Bắc bộ quan điểm trọng hình thức “sống có nhà, chết có mồ” cho nên khi sống nhà phải to đẹp, khi chết thì mồ yên mả đẹp. Gia phả: Gia phả họ Trần Khắc được truyền đến nay là 22 đời, do Tộc trưởng thân phụ Trần Khắc Đại, Thúc phụ Trần Khắc Toản, Trần Khắc Quản biên dịch và ông Trần Khắc Tuấn ghi chép biên soạn ngày 10 tháng 2 năm 1983, gồm ba phần: phần mở đầu, phần thế thứ và phần phụ lục. Gia phả họ Trần Khắc chép theo từng đời, nói rõ tên húy, tên hiệu, ngày tháng mất, phần mộ ở đâu. Phần các con ghi cả vợ, con trai, con gái. Con trai chỉ chép theo thứ tự từng người vì sau này sẽ chép cụ thể gia đình: vợ, con vào các đời kế tiếp. Cuốn gia phả còn có phần phụ lục ghi lại một số câu đối, áng thơ của tổ tiên, danh sách các cụ đỗ đạt cao,… các ảnh chụp từ đường, phần mộ, bài văn cúng tế, một số nội quy của dòng họ. Phần cuối là phụ lục nhưng rất quan trọng vì làm sáng công đức của các bậc danh nhân dòng họ. Cuốn gia phả được trình bày rõ ràng, không ghi chung chung hay dài dòng, nhìn vào có thể hiểu được. Sơ đồ gia phả được trình bày theo dạng sơ đồ dễ hiểu, vẽ từ đời đầu cho tới các đời về sau. Hiện nay cuốn gia phả gốc do tộc trưởng là ông Trần Khắc Lệnh giữ cuốn gốc và mỗi chi giữ bản sao. Đối với gia đình, quyển gia phả là tài sản quý giá nên được giữ gìn cẩn thận và truyền qua nhiều đời cho đến ngày nay. Nghi lễ: Trong việc thờ cúng tổ tiên thì ngày giỗ rất quan trọng. Trước ngày giỗ tộc trưởng làm lễ cáo với thổ công để xin phép cho hương hồn người đã khuất được về phối hưởng bởi vì người ta cho rằng “đất có Thổ công, sông có Hà bá”, chỉ khi có phép của Thổ công thì hương hồn người đã khuất mới vào được. Tộc trưởng họ là ông Trần Khắc Lệnh có nói: “Vào ngày giỗ họ thì ông là người có trách nhiệm phải lo việc làm giỗ, tuy nhiên, với việc hỗ trợ cho trưởng họ về mặt kinh phí và cũng là thể hiện tấm lòng biết ơn với tổ tiên nên có quy định trong ngày giỗ là con cháu trong họ đều phải có trách nhiệm và chuẩn bị chu đáo cho ngày giỗ. Trong ngày này thì trừ trường hợp bất khả kháng, các trưởng chi họ và con cháu đều phải có mặt. Ngày cúng giỗ cần sắm: mâm lễ mặn, trầu cau, trái cây, nhang, phẩm oản, vàng mã, tiền giấy, quần áo, xe cộ, nhà cửa bằng giấy mã,… Còn vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng hoặc lễ Tết, việc lễ bái sẽ do ông đứng ra chăm lo”8. Vào ngày giỗ thì mỗi đinh sẽ tự chuẩn bị ở nhà một cỗ xôi gà hoặc một mâm lễ mặn rồi đem đến nhà thờ cúng, sau đó thì dọn xuống ăn luôn ở nhà thờ. Món cúng do người trong dòng họ chế biến thức ăn theo công thức cổ truyền, không thể thiếu xôi gà, món xào, món mặn, món chiên, canh,… Quan trọng nhất là ngọn lửa,bàn thờ lúc nào cũng bố trí thắp đèn cháy sáng tượng trưng cho ngọn lửa bất diệt của dòng họ, không bao giờ để tắt. Con cháu khi đến nhà thờ phải ăn mặc chỉnh tề. Về nghi lễ, những người trong ban cúng tế sẽ mặc lễ phục là áo dài, quần, khăn xếp, thắp hương khấn vái, có nhạc, có đánh trống. Tiếp đến khi mọi người trong họ thắp nhang, tùy ngôi thứ vai vế mà lần lượt thắp nhang sau rồi đến lượt trẻ con. Sau khi cháy hết hương thì sẽ đốt vàng mã. Hóa vàng là để con cháu gửi đồ dùng, tiền vàng đã chuẩn bị trên bàn thờ gia tiên để đốt cho tổ tiên, sẽ mang vàng hướng ra trước cửa để tốt. Đốt xong sẽ đổ một chén rượu cúng vào đống tro để đồ được chuyển đến đúng người nhận. Sau đó thì xin mâm cỗ xuống con cháu ăn uống với nhau. 8 Tư liệu phỏng vấn ông Trần Khắc Lệnh là tộc trưởng họ Trần vào lúc 9 giờ ngày 28 tháng 7 năm 2021. 456
  5. 2.2. Nhà thờ họ Hồ và tục lệ thờ họ của dòng họ Trần ở xã Công Thành Kiến trúc: Nhà thờ họ Hồ Phi được xây dựng từ những năm 1945, 1946 tại xóm Đồng Hiền, xã Công Thành, tuy đã nhiều lần tu sửa nhưng do thời gian quá lâu nên hư hỏng, xuống cấp. Đến năm 2014 họ đã phát động kêu gọi con cháu nội ngoại đoàn kết người góp sức, người góp của để tu tạo lại Mộ tổ, xây dựng lại từ đường. Từ đường được xây dựng mới khang trang, đẹp đẽ tọa lạc trên diện tích gần 500 mét vuông với ba tòa nhà Hạ điện, Trung điện, Thượng điện. Đến ngày 20 tháng 9 năm 2015 âm lịch thì Từ đường được khánh thành. Cổng nhà thờ họ kiến trúc kiểu tam quan. Cổng nhà thờ họ Hồ Phi được thiết kế 3 cổng nhà thờ với 2 tầng mái. Cổng giữa có diện tích lớn hơn, cao hơn hai bên còn lại. Trên mái của cổng được trang trí bởi các linh vật long, phượng uốn lượn hình vân mây tạo sự cách điệu. Cánh cổng nhà thờ được làm bằng sắt phủ một lớp sơn, thiết kế các họa tiết hoa văn tinh tế phù hợp với không gian thờ tự. Sau cánh cổng là tấm biển đỏ treo lên cao “uống nước nhớ nguồn” để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về dòng họ, về tổ tiên ông bà. Tiếp đó là một lư hương chung của nhà thờ, còn có khoảng sân gạch để bàn ghế, thuận tiện cho việc tiếp khách và con cháu về có chỗ ngồi chơi. Bên trong là nơi thờ tự, chủ yếu làm bằng gỗ, mái lợp ngói, sàn lát gạch. Các cột trong nhà thờ được sử dụng là cột gỗ dưới chân được kê bởi các viên đá kê cột vì chịu lực nén tốt và manng kiến trúc cổ phù hợp với nhà thờ họ. Các bàn thờ được bố trí theo chiều ngang: Bàn thờ vị tổ cao nhất đặt tại gian chính giữa, bàn thờ các vị tổ thấp hơn được bài trí đăng đối ở các gian hai bên. Ngoài ra còn có một bàn thờ chung và hai bàn thờ để hai bên là để thờ những người mới mất trong họ. Mộ Tổ: Dòng họ Hồ Phi đã xây dựng lăng mộ cho cụ tổ Hồ Phi Tuấn, tu tạo lại năm 2014. Trên lăng mộ có ghi 4 chữ Nôm được dịch là “Nhân sinh do Tổ”. Ở ngoài lăng mộ được xây bằng gạch, xi măng và một lớp sơn, vẽ lên các họa tiết nổi hình ngựa thể hiện cho sự uy linh, tôn nghiêm, hình hạc thể hiện sự cao quý, còn có một tượng hổ nằm ngay giữa ngụ ý rằng hổ có thể bảo vệ lăng mộ, chốn yên nghỉ cho linh hồn tổ tiên. Am thờ bên trong lăng mộ thì làm bằng đá tự nhiên. Ở đây còn có phần mộ của các vị tổ trong họ, có ý nghĩa đoàn viên người quá cố về với tổ tiên ở thế giới bên kia. Gia phả: Cuốn gia phả họ Hồ Phi được ban Biên tập của họ soạn lại vào năm 2016 gồm ba phần mở đầu, nội dung và phụ lục. Mỗi chi của dòng sẽ giữ một cuốn, cuốn gốc được đặt tại nhà thờ họ. Gia phả được trình bày trong cuốn sổ đỏ nhìn vào thấy được sự trang nghiêm của dòng họ, viền sổ được may lại chắc chắn, bên trong được đánh máy trình bày rõ ràng, mực in đậm, các hình ảnh in màu rõ nét. Dòng họ Hồ Phi vẽ theo sơ đồ tổ chức theo chiều dọc, đời thứ nhất đặt ở trên cùng, xuống dưới là đời thứ hai, thứ ba, thứ tư...theo hàng ngang tương ứng phía dưới. Trong mỗi hàng, người phía trái là anh chị, người phía phải là em. Mối quan hệ trực tiếp được biểu thị bằng đường dẫn nối. Gia phả là lịch sử tổ tiên truyền lại, gửi gắm cho đời sau. Dù có tài giỏi đến đâu thì một cá nhân cũng không thể tự viết được một cuốn gia phả, mà chỉ có thể kế thừa và truyền mãi đời sau. Nghi lễ: Khổng Tử nói rằng: “Người ta phải thờ người chết cũng như thờ người sống”9. Trong ngày giỗ họ sẽ cúng cỗ xôi gà, mâm lễ mặn, có khi mấy năm một lần, họ mời khách thì sẽ tổ chức lớn hơn, mổ thêm cả con heo hay trâu bò. Trước ngày giỗ, là chiều hôm trước sẽ có 9 Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa – Thông tin. 457
  6. lễ gọi là lễ Tiên thường. Trong hôm đó một người trong họ sẽ đứng ra cúng làm lễ báo với Thổ Thần, xin phép cho vong linh người đã khuất được về phối hưởng và cho phép vong hồn nội ngoại gia tiên trong họ về cùng dự giỗ. Ban cán sự của họ Hồ là ông Hồ Phi Minh nói: “Hôm sau thì đầu tiên là nghi thức thắp hương, khấn vái, dâng tửu, đọc chúc văn, có nhạc, trống chiêng, mọi động tác phải theo đúng lời xướng và tiếng trống. Thời gian hành lễ từ 1 đến 2 tiếng mới xong, sau đó từng chi một, từ bậc cha chú đến con cháu lần lượt làm lễ thắp hương, cúng và bái tổ họ”10. Các bước trong lễ giỗ được diễn ra, những người trong ban nghi lễ sẽ mặc đồ cúng gồm áo dài, quần, khăn đóng, khi thắp hương thì chỉ vái ba vái. Trong thời gian đó mọi thứ diễn ra trong sự trang nghiêm, hạn chế nói chuyện. Trong lễ giỗ còn có quỹ khuyến học để động viên con cháu trong họ học tập tốt hơn. Sau khi các nghi lễ được hoàn thành, mọi người sẽ dọn mâm cỗ xuống mọi người quân quần ăn uống, trò chuyện, hỏi han công việc của nhau. 2.3. Nhà thờ họ Phạm và tục lệ thờ họ của dòng họ Trần ở xã Công Thành Kiến trúc: Nhà thờ họ Phạm Xuân được xây dựng từ những năm 1976. Do thời gian nên nhà thờ cũng bị xuống cấp. Được sự ủng hộ và đóng góp của con cháu nội ngoại, dâu rể trong họ thì đến tháng 6 năm 2012 bắt đầu khởi công tôn tạo lại, đến rằm tháng giêng năm 2013 thì khánh thành. Nhà thờ được xây theo lối kiến trúc cung đình từ xưa gồm 2 gian, nằm ngang với 2 mái trước và sau, lợp ngói dân dã. Bên ngoài cổng làm từ bê tông cốt thép. Bên trong chủ yếu làm bằng gỗ và gạch đỏ. Cổng nhà thờ họ Phạm Xuân được thiết kế giao thoa phong cách Á-Âu. Trên nóc cổng có chạm khắc “lưỡng long” tức hình tượng rồng là văn hóa Cung đình của Việt Nam, có câu đối ở hai cột ghi bằng chữ Hán-Nôm nhưng hình dạng cổng chỉ có một cửa hình chữ nhật rất giống kiến trúc “Khải hoàn môn” của Pháp.Cánh cửa cổng được làm bằng sắt, lối vào hai bên là tường xi-măng có hoa văn trang trí nhiều cột tròn song song theo phong cách kiến trúc Doric của Hy Lạp-La Mã cổ đại nhìn rất mỹ thuật. Kiến trúc nhà thờ theo phong cách cổ xưa với mái ngói. Bước vào nhà thờ là một chiếu đá dựng trang trí, trên có ghi chữ “Phúc” với mong muốn những điều may mắn và sự tốt lành. Chiếu đá được chạm trổ tinh xảo chứng tỏ tay nghề thợ điêu khắc đá ở Nghệ An rất cao. Chất liệu đá vốn tồn tại dồi dào trong thiên nhiên miền Bắc cho nên hay được sử dụng trong hầu hết các công trình. Bên trong là nơi thờ có bàn thờ, lư hương… Mộ Tổ: Mộ Tổ dòng họ Phạm đặt ở mảnh đất gần với nhà thờ Họ. Được xây bằng đá tự nhiên, trang trí họa tiết hoa sen, vân mây, có câu đối. Mộ đơn giản nhưng vòng rào và cổng Mộ thì rất hoành tráng vì được xây bằng đá và điêu khắc chạm trổ cầu kỳ, toát lên sự uy nghiêm của dòng họ. Gia phả: Cuốn gia phả họ Phạm Xuân được tổng hợp lại bởi Ban biên tập của Họ vào năm 2016. Tộc trưởng là người giữ cuốn gia phả. Gia phả gồm ba phần: Mở đầu, Nội dung, Phụ lục. Gia phả dòng họ Phạm được vẽ theo kiểu sơ đồ, hay còn gọi là cây Phả hệ. Sơ đồ được vẽ từ đời thứ nhất cho tới hiện tại, vẽ theo chiều dọc trên xuống, nhìn vào dễ hình dung, dễ hiểu. Tuy nhiên, vì là ghi chép rất nhiều đời nên không thể nhớ nổi. Nghi lễ: Giỗ họ vào ngày 15 tháng giêng. Tộc trưởng là người có trách nhiệm lớn nhất trong họ. Trước ngày giỗ sẽ có cúng cơm hôm. Con dâu của họ Phạm là dì Trần Thị Lý nói: “Mỗi gia đình sẽ chịu trách nhiệm nấu một mâm cơm hoặc một cỗ xôi gà đưa đến nhà thờ Họ, nhưng vì có một số gia đình ở xa nên thường tập trung ở nhà dì nấu luôn để thuận tiện đưa qua 10 Tư liệu phỏng vấn ông Hồ Phi Minh, người trông coi nhà thờ họ Hồ vào lúc 15 giờ ngày 21 tháng 7 năm 2021. 458
  7. nhà thờ. Làm dâu thì theo nhà chồng rồi nên tụi dì sẽ là người nấu. Hôm trước thì phân công người mua cái này, người mua các kia trước để mai đỡ tốn thời gian. Hôm sau thì mọi người có mặt rất sớm, đi mua thêm một số thứ nữa là bắt đầu nấu, vừa làm vừa nói chuyện nên nấu mấy mâm cơm cũng không thấy mệt”11. Mỗi gia đình trong họ sẽ tự chuẩn bị lễ trước ở nhà rồi chỉ đem tới nhà thờ Họ và đặt lên cúng. Về thức cúng: Ông Phạm Xuân Ngà nói: “Các gia đình là con trai trưởng sẽ chuẩn bị ở nhà một cỗ xôi gà hoặc một mâm cơm rồi đưa đến nhà thờ cúng, cúng xong thì đem xuống mọi người ăn ở nhà thờ luôn”12. Trên bàn thờ cúng xôi gà, mâm lễ mặn như các món thịt, món chiên, món xào, canh,… Tuy nhiên lễ vật sẽ đặt ở một bàn phụ thấp hơn bàn thờ chính. “Người Việt quan niệm dương sao âm vậy cho nên cúng tổ tiên bằng hương hoa, trà rượu và đồ ăn lẫn đồ mặc, đồ dùng, tiền nong (làm bằng giấy, gọi là vàng mã)”13. Bởi vậy, mọi thứ trong ngày giỗ luôn được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Về nghi lễ: Sau khi bày đồ cúng lên bàn thờ, mọi người trong Ban nghi lễ của họ sẽ bắt đầu thực hiện cúng. Các ông sẽ mặc áo tấc, đội khăn đóng, thực hiện các nghi lễ. Rồi từng người trong dòng họ sẽ lên thắp hương cho tổ tiên, theo vai vế mà lần lượt lên. Tiếp đó thì sẽ đốt những đồ mã đã chuẩn bị, với hi vọng tổ tiên nhận được, ở thế giới khác vẫn có một cuộc sống ấm no. Sau khi xong sẽ dọn thức ăn vừa cúng xuống, coi như hưởng lộc của tổ tiên, con cháu trong họ cùng nhau ăn. 3. Ý NGHĨA CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở NHÀ THỜ HỌ “Nhà thờ họ được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ”14. Nhà thờ họ luôn giữ một vị trí tâm linh đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt, là công trình văn hóa lớn của dòng họ. Xét về kiến trúc, nhà thờ họ mang đặc điểm vừa gần gũi với người dân, vừa có nét giống các đền, miếu, mang ý nghĩa tâm linh, truyền thống cao. Xét về công năng, nhà thờ họ là nơi thờ cúng tổ tiên, tỏ lòng biết ơn của con cháu. Nhà thờ họ là nơi chúng ta luôn nhớ đến, khắc ghi trong tâm trí dù cho cho có đi đâu, ở đâu đi nữa. Phỏng vấn chú Trần Khắc Hiếu, là một người mang lại danh dự cho họ Trần, chú nói: “Hồi đó nhà chú khó khăn, chú vẫn nhớ mọi người trong họ không những không khinh thường mà còn giúp đỡ gia đình chú rất nhiều. Chú ra Hà Nội học có khi bố mẹ ốm đau chưa về kịp thì đã các cô chú sẵn sàng chạy qua chạy lại lo cho bố mẹ chú. Chú rất biết ơn mọi người nên sau này các em trong họ ai chưa có công việc mà muốn ra Hà Nội thì chú luôn giúp đỡ hết sức có thể, ai khó khăn mà chú giúp được thì chú luôn sẵn lòng. Mỗi dịp giỗ họ hay họ tu sửa lại thì chú cũng đóng góp, chú còn góp thêm vào quỹ khuyến học của họ, mong rằng đó món quà động viên con em trong họ cố gắng học tập tốt hơn để mai sau thật thành đạt”15. Mọi người trong dòng họ luôn có một mối gắn kết, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Dù giàu có, dù thành đạt thì con người ta vẫn không bao giờ quên đi quê hương, quên đi tình cảm gắn bó giữa con cháu trong cùng một dòng máu được. 11 Tư liệu phỏng vấn dì Trần Thị Lý là người nấu mâm lễ giỗ họ Phạm vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 5 tháng 8 năm 2021. 12 Tư liệu phỏng vấn ông Phạm Xuân Ngà là tộc trưởng họ Phạm vào lúc 9 giờ ngày 2 tháng 8 năm 2021. 13 Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 14 Dương Văn Khá (2020), “Tìm hiểu về ý nghĩa của gia phả, đền thờ, nhà thờ họ và cách lập gia phả”. Tại địa chỉ: http://hoduongvietnam.com.vn/tim-hieu-ve-y-nghia-cuagia-pha-den-tho-nha-tho-ho-va-cach-lap-gia- pha-p14068, truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2021. 15 Tư liệu phỏng vấn chú Trần Khắc Hiếu là người mang lại danh dự cho họ Trần vào lúc 8 giờ 15 phút giờ ngày 29 tháng 7 năm 2021. 459
  8. Việc thờ cúng tổ tiên dòng họ có ý nghĩa thiết thực, sâu sắc, giúp cha mẹ giáo dục có cháu lòng biết ơn tổ tiên, dòng họ của mình: học tập những tấm gương tốt, nhân cách trong sáng của họ, tinh thần lao động cần cù, vượt qua bao khó khăn, gian khổ mới nuôi dưỡng được thế hệ con cháu cho đến ngày nay. Tục lệ thờ họ là cơ hội để phát triển mối quan hệ anh em, họ hàng cùng dòng họ, cùng nguồn gốc máu mủ. Củng cố mối quan hệ anh em họ hàng. Ý nghĩa lâu dài của phong tục thờ họ chính ca ngợi công lao của tổ tiên đã khuất qua đó chúng ta cần suy nghĩ về cuộc sống của bản thân, cố gắng làm tròn trách nhiệm. Điều quan trọng nhất của ý nghĩa việc xây dựng nhà thờ họ đã tạo nên công trình mang dấu ấn tốt đẹp về nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, và để nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, đạo lý gia phong tốt đẹp của tổ tiên ông bà truyền lại. 4. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT PHÁT HUY TỤC LỆ THỜ HỌ TRÊN XÃ CÔNG THÀNH Với số lượng các nhà thờ họ trên xã công Thành, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là điều thật sự cần thiết. Xã Công Thành cũng gắn liền với bao thăng trầm biến động của lịch sử. Chính vì vậy cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà thờ họ trên địa bàn xã. Trong những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo lại các nhờ thờ họ được cơ quan các cấp, toàn xã hội quan tâm. Cụ thể họ Trần tu tạo lại năm 2020, họ Hồ vào năm 2015 và họ Phạm năm 2013. Cùng với sự đóng góp của con cháu trong họ, ở địa phương cũng có hỗ trợ cho các họ. Các nhà thờ họ được tu sửa lại khang trang, uy nghi hơn nhưng vẫn giữ nguyên giá trị. Như nhà thờ họ Phạm được ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ký quyết định công nhận Nhà thờ họ Phạm là Di tích Lịch sử. Nhà thờ họ Trần, họ Hồ cũng được khẳng định là có giá trị về lịch sử, văn hóa. Đây là điều đáng tự hào của dòng họ nói riêng và xã Công Thành nói chung. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của tục lệ thờ họ đang đặt ra một số vấn đề về thực tiễn cần phải có hướng giải quyết tích cực: Đầu tiên, là nhận thức của các cấp, các ngành, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc giữ gìn tục lệ thờ Họ được nâng cao nhưng chưa sâu sắc, toàn diện. Cần cụ thể hóa trong việc xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị trong quá trình xã hội đổi mới và hội nhập. Một số dòng họ vẫn còn thiếu chính sách, chưa có định hướng để phát huy một cách hiệu quả nhất. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp với trường học có các buổi học cho học sinh về giá trị của dòng họ. Mỗi chúng ta luôn phải ý thức bảo vệ và giữ gìn những giá trị truyền thống quý giá của dòng họ mình. Đời sống của cư dân vẫn còn nhiều khó khăn nên ít nhiều tác động đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị dòng họ. Tục lệ thờ Họ thời nào cũng có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của chính gia đình, dòng tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với đặc trưng nổi bật là quan hệ giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa, giữa truyền thống và hiện đại thì tục lệ thờ họ lại càng có ý nghĩa hơn, nhất là việc luôn phải giữ gìn truyền thống ấy. Qua đó khẳng định: Quốc tổ thiêng liêng, Dòng họ vĩnh tuyền, Gia đình hạnh phúc. 5. VÀI NÉT SO SÁNH TỤC LỆ THỜ HỌ Ở MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM Ta cũng có thể thấy tục lệ thờ Họ miền Bắc rất khác ở miền Nam. Ở miền Nam chủ yếu là lưu dân bỏ xứ mà đi nên có rất ít nhà thờ Họ, nghĩa trang dòng Họ cũng rất hiếm. Nếu có thì cũng 460
  9. được xây rất đơn giản, không cầu kỳ như ở miền Bắc, miền Trung. Các nhà thờ tuy được xây dựng, thiết kế đơn giản, song vẫn thể hiện sự trang nghiêm, thể hiện kiến trúc đinh Nam Bộ. Người ở miền Nam trọng láng giềng hơn dòng họ vì ở đây họ không sống cùng dòng họ, bởi vậy dân miền Nam có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Người trong xóm làng tối lửa tắt đèn có chuyện gì đều nhờ vào lối xóm, họ sống bên cạnh nhau, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau. Người miền Nam hầu như không có gia phả vì đây là vùng đất mới. Lưu dân vùng Ngũ Quảng khi bỏ xứ đi vào Nam họ tên có khi đã bị thay đổi. Người miền Nam vì không sống cùng dòng họ nên qua đời ông Cố là có khi không truy được nguồn gốc nữa. “Ở Nam Bộ thì tộc trưởng lại là người lớn tuổi hoặc có đức vọng hơn hết trong họ, chứ không theo nguyên tắc đích trưởng như ở Bắc Bộ và Trung Bộ”16. Đám giỗ Họ ở miền Nam (nếu có) cũng được tổ chức đơn giản, khi có lễ giỗ thì người cao tuổi và có uy tín nhất trong Họ ăn mặc chỉnh tề thắp hương khấn tổ tiên là xong, có khi cũng không phân ra ai là tộc trưởng, người trông coi nhà thờ sẽ cúng luôn. Các món cúng trong đám giỗ Họ cũng rất khác, đó là các món ăn “bản địa” của Nam Bộ. “Đó là các loại mắm đủ loại của người Việt, các món ăn mang đậm hương vị cây dừa Nam Bộ, các món từ con sâu dừa, chuột đồng, ếch, rắn... các món ăn còn in dấu lịch sử của những người di dân trong lễ cúng Đất Đai, cúng Việc Lề”17. Cúng Việc Lề là một nghi thức cúng truyền thống lâu dần thành lề thói, thành lệ (thói quen). Đây là tín ngưỡng đặc trưng của người Việt ở Nam Bộ, nó được hình thành khi lưu dân từ miền Trung vào Nam khai hoang, mở cõi. Cúng Việc Lề thực ra là đám giỗ Họ của người Việt ở Nam Bộ, tuy là dân lưu tán nhưng luôn hướng về cố hương, trên vùng đất mới họ lập nhà thờ Họ, căn cứ theo gia phả hoặc cùng một họ thì lập nhà thờ của riêng họ đó (nhà thờ họ Nguyễn, họ Phạm...), hàng năm có ngày cúng giỗ của dòng họ, những người cùng họ cùng nhau ăn uống, thăm hỏi thắt chặt tình cảm, thậm chí, qua một số món cúng đã được quy ước trong họ tộc, người Nam Bộ có thể truy tìm những Chi họ cũng đang sinh sống ở miền Nam để nhận ra cùng dòng họ, mỗi họ sẽ quy định vài món cúng khác nhau là những con vật thời khẩn hoang với số lượng khác nhau như 3 con ốc, 7 con cua… Về thức cúng: thức cúng là những món ăn hoang dã phổ biến thời khẩn hoang và cách chế biến cũng mang dấu ấn thời khẩn hoang: nướng, luộc, hấp… Có một số món cúng khác như: thịt phay, rắn nướng mọi, gà luộc, gỏi cá, mắm sống, ốc luộc, bí hay bầu luộc, bộ tam sên (thịt luộc, tôm, trứng)… Dù phong tục tập quán, truyền thống mỗi nơi có khác nhau, nhưng vẫn thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo đối với tổ tiên ông bà cha mẹ, thể hiện nét đẹp văn hóa với truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt. KẾT LUẬN Tục lệ thờ họ rất giản dị: tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, phù hộ con cháu khi gặp khó khăn. Tục lệ thờ cúng tổ tiên đã trở thành đạo lý gốc của người Việt: “Uống nước nhớ nguồn”. Chữ hiếu đối với công ơn sinh Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa –Thông tin. 16 Ngô Đức Thịnh (2004), Vùng Văn hóa Gia Định - Nam Bộ, Nam Bộ đất & người, tập II, thành phố Hồ Chí 17 Minh, Nxb Trẻ. 461
  10. thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên… không những là đạo lý cao cả mà còn là tình cảm sâu sắc của mọi người, mọi nhà suốt thế hệ này đến thế hệ khác. Qua việc tìm hiểu những khái niệm về dòng họ, nguồn gốc ra đời tục lệ thờ họ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tìm hiểu cụ thể về ba dòng họ Trần, họ Hồ, họ Phạm ở xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An về nhà thờ họ, kiến trúc, lễ giỗ, mộ Tổ, các phong tục tập quán và lễ nghi. Chúng ta thấy tục thờ họ đã có từ rất lâu và luôn giữ được những nét đẹp trong phong tục tập quán cho tới ngày hôm nay. Dòng họ giúp liên kết các thành viên trong cùng một dòng máu lại với nhau, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn. Biết tri ân, biết ghi lòng tạc dạ công đức tổ tiên ông cha của mình, biết giữ gìn và phát huy nghĩa tình tôn tộc. Tục lệ thờ họ mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần người dân Việt Nam, là sợi dây liên kết những người trong một dòng họ gắn bó với nhau hơn, hun đúc tình yêu quê hương đất nước. Đây là một tục lệ thiết thực và cao quý nhất trong việc thể hiện chữ hiếu và tinh thần đoàn kết của gia tộc, cần được giữ gìn và phát huy cho mãi về sau. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Trọng Am (2011), Văn hóa dòng họ Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin. 2. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Văn hóa – Thông tin. 3. Nguyễn Tuấn Anh (2016), “Dòng họ trong đời sống làng xã hiện nay”, Tạp chí Tâm lý học số 2 (tháng 4/2021). 4. Mai Văn Hai (2007), “Gia đình, dòng họ - Những giá trị cơ bản của văn hóa làng, xã Việt Nam”, Tạp chí cộng sản số 18 (130) năm 2007. 5. Dương Văn Khá (2020), “Tìm hiểu về ý nghĩa của gia phả, đền thờ, nhà thờ họ và cách lập gia phả”. 6. Tại địa chỉ: http://hoduongvietnam.com.vn/tim-hieu-ve-y-nghia-cua-gia-pha-den-tho-nha-tho-ho- va-cach-lap-gia-pha-p14068, truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2021. 7. Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 8. Ngô Đức Thịnh (2004), Vùng Văn hóa Gia Định - Nam Bộ, Nam Bộ đất & người, tập II, thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ. 9. Diệu Tuệ (2018), Tìm hiểu gia đình và dòng họ người Việt – Cẩm nang ghi chép gia phả và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, Nxb. Dân trí. 10. Trương Quốc Tùng (2017), “Vài nét về dòng họ Việt Nam”. Tại địa chỉ: http://truongtoc.com.vn/vai- net-ve-dong-ho-viet-nam, truy cập ngày 20/07/2021. 11. “Ý nghĩa của việc xây dựng nhà thờ họ”. Tại địa chỉ: https://acchome.com.vn/xay-dung-nha-tho- ho/, truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2021. Tư liệu điền dã: 12. Tư liệu phỏng vấn chú Trần Khắc Hiếu là người mang lại danh dự cho họ Trần vào lúc 8 giờ 15 phút giờ ngày 29 tháng 7 năm 2021. 13. Tư liệu phỏng vấn ông Trần Khắc Lệnh là tộc trưởng họ Trần vào lúc 9 giờ ngày 28 tháng 7 năm 2021. 14. Tư liệu phỏng vấn dì Trần Thị Lý là người nấu mâm lễ giỗ họ Phạm vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 5 tháng 8 năm 2021. 15. Tư liệu phỏng vấn ông Hồ Phi Minh, người trông coi nhà thờ họ Hồ vào lúc 15 giờ ngày 21 tháng 7 năm 2021. 16. Tư liệu phỏng vấn ông Phạm Xuân Ngà là tộc trưởng họ Phạm vào lúc 9 giờ ngày 2 tháng 8 năm 2021. 462
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2