intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ứng dụng hợp đồng thông minh “smart contract” trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế - Phân tích pháp lý

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

62
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong bài viết này, phạm vi nghiên cứu về hợp đồng thông minh sẽ giới hạn lại trong khung pháp lý quốc tế dành cho các giao dịch mua bán hàng hóa - Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL).

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ứng dụng hợp đồng thông minh “smart contract” trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế - Phân tích pháp lý

  1. Ứng dụng hợp đồng thông minh “smart contract” trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế - Phân tích pháp lý ThS Trần Diệu My1 Tóm tắt: Chúng ta đang ở một thời kỳ mà khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và đem lại những sự thay đổi lớn lao cho các quan hệ kinh tế chính trị xã hội. Điều này không chỉ dừng lại trong phạm vi một quốc gia mà đã và đang hiện hữu trong các mối quan hệ xuyên biên giới. Mặc dù ý tưởng smart contract đã tồn tại từ những năm 90, khi học giả Nick Szabo lần đầu tiên định nghĩa thuật ngữ này, việc thực thi nó vẫn còn không rõ ràng về mặt pháp lý đặc biệt trong bối cảnh mua bán hàng hóa quốc tế, đơn giản vì vẫn chưa có đủ công nghệ và môi trường thích hợp để hiện thực hóa nó. Hiện nay, khái niệm hợp đồng thông minh (smart contract) ngày càng được nhấc tới và ngày càng có xu hướng được cân nhắc ứng dụng hơn vào những giao dịch quốc tế truyền thống. Câu hỏi đặt ra rằng, liệu các quy định pháp lý quốc tế hiện hành có thể điều chỉnh những biến đổi, cũng như những tranh chấp nảy sinh trong các mối quan hệ thương mại do công nghệ mới này đem lại không? Để trả lời cho vấn đề này, trước tiên, tác giả sẽ khái quát cũng như định nghĩa rõ ràng “hợp đồng thông minh” là gì, sau đó phân tích dưới góc độ pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, và chỉ ra các vấn đề pháp lý sẽ phát sinh khi áp dụng hợp đồng thông minh theo Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG). Như vậy, trong bài viết này, phạm vi nghiên cứu về hợp đồng thông minh sẽ giới hạn lại trong khung pháp lý quốc tế dành cho các giao dịch mua bán hàng hóa - Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL). Ngoài ra, nghiên cứu cũng mặc định đối tượng tham gia smart contract nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 1 CISG và các bên đã chọn CISG làm luật hiện hành. Abstract: We are in a period when science and technology develop strongly and bring significant changes to socio-economic relations. This is not limited to only one country, but has been and is existing in cross-border relationships. Although the idea of smart contracts has existed since the 90s, its implementation is still legally unclear 1 Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) 92
  2. especially in the international context of buying and selling of goods, simply because there are still not enough suitable technologies and environments to realize it. Currently, the concept of the smart contract is increasingly picked up and tends to be considered more and more applied to traditional international transactions. The question is whether current international legal regulations regulate the changes and disputes arising in commercial relationships brought about by this new technology? Firstly, the author will give a clear definition of “smart contract”, then thoroughly analyze it from a legal perspective on international contracts for the sale of goods, as well as legal problems arising when applying smart contracts under CISG. The scope of the study will place smart contracts within the international legal framework for the sale of goods - the United Nations Convention on the International Sale of Goods 1980 (CISG), developed by the United Nations Commission on International Trade Law (UNCITRAL). In addition, the research setting limits itself to the subject matter of smart contracts that fall within the scope of Article 1 of the CISG, and to the parties who have chosen CISG as the current law. Keywords: blockchain, digital trade, international trade, smart contract 1. Giới thiệu về Smart Contract Vậy “smart contract” là gì? Theo Szabo (1996), hợp đồng thông minh là một tập hợp các hứa hẹn, thỏa thuận mà các bên trong hợp đồng thực thi thông qua các chương trình phần mềm trên mạng máy tính. Vào cuối thế kỷ XX, Szabo đã nêu ra những nguyên tắc hoạt động chính nhưng khái niệm “hợp đồng thông minh” chỉ thực sự được chú trọng khi công nghệ Blockchain ra đời và phát triển. Thuật ngữ “smart contract” trở nên phổ biến hơn từ năm 2015 khi mạng lưới Ethereum chính thức ra đời (Buterin, 2014). Ethereum (ETH) là một nền tảng điện toán có tính chất phân tán, công cộng, mã nguồn mở dựa trên công nghệ Blockchain. Nó có tính năng hợp đồng thông minh (kịch bản), tạo thuận lợi cho các thỏa thuận hợp đồng trực tuyến. Nền tảng này bao gồm một máy ảo hoàn toàn Turing - Ethereum Virtual Machine (EVM), có thể thực thi các kịch bản bằng cách sử dụng một mạng lưới máy tính Ethereum. Việc phát 93
  3. triển ETH ban đầu được tài trợ qua hình thức crowd funding (hay còn gọi là tài trợ đám đông) và hệ thống này được khởi tạo vào tháng 7 năm 2015. (Lê Anh, 2021) Từ khi Ethereum xuất hiện, hợp đồng thông minh được ứng dụng nhiều hơn vào đời sống. Tuy nhiên, đến hiện tại, trên thực tế vẫn chưa có một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi về hợp đồng thông minh. Dưới góc độ kỹ thuật, nó được định nghĩa là một “computerized transaction protocol that executes the terms of a contract” (Shaikh & Lashari, 2017), có thể hiểu như là một công thức giao dịch được máy tính hóa, và máy tính sẽ thực thi các điều khoản của hợp đồng. Đơn giản hơn, hợp đồng thông minh là các điều khoản và điều kiện của hợp đồng được mã hóa và được thực thi một phần một cách tự động hoặc hoàn toàn tự động (Hourani, 2017). Nói cách khác nữa, đây là các mã phần mềm hoặc thuật toán được nhúng vào các điều khoản và điều kiện của hợp đồng sử dụng cho nhiều loại giao dịch điện tử tự thực hiện một phần hoặc hoàn toàn tự động. Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh chiếc máy bán hàng tự động để hiểu hơn về cơ chế hoạt động của smart contract. Khi người mua hàng nhập lệnh lựa chọn sản phẩm và đút tiền vào khe nhận tiền, sản phẩm mà người khách mong muốn sẽ được tự động chuyển ra. Có nghĩa là hợp đồng thông minh chỉ tự động thực hiện những điều khoản đã được lập trình sẵn từ trước khi được điều khoản đó đã đáp ứng đủ những yêu cầu cần thiết, trong trường hợp máy bán hàng tự động thì cần nhấn chọn sản phẩm và số tiền tối thiều cần để mua sản phẩm đó. Ở một mức độ phức tạp hơn, có thể lấy giao dịch mua bán giữa anh A và công ty B để làm ví dụ minh họa. Giả sử anh A có nhu cầu mua một lô hàng thủ công mỹ nghệ, và quyết định mua hàng từ công ty B, nhưng cả hai bên, vì chưa từng hợp tác nên không tin tưởng nhau. Anh A băn khoăn rằng liệu công ty B có bảo quản tốt hàng hóa và chuyển hàng tới đúng thời hạn không? Công ty B thì đặt ra câu hỏi là liệu khi giao hàng đến nơi, anh A có thanh toán tiền vận chuyển đầy đủ và đúng hạn không? Để giải quyết những khúc mắc này, anh A và công ty B phải giao kết một hợp đồng thỏa thuận mua bán hàng hóa để phòng ngừa các rủi ro pháp lý. Một giao dịch càng lớn, càng có giá trị thì các điều khoản, điều kiện bên trong hợp đồng cũng sẽ càng phức tạp. Vậy cách nào để đơn giản hóa quy trình thỏa thuận giữa anh A và công ty B không? Hợp đồng thông minh có thể giải quyết vấn đề này. Khi hai bên tham gia giao kết một bản Hợp đồng thông minh, anh A chỉ cần xây dựng một mã lệnh thanh toán phí hàng hóa và phí vận chuyển cho công ty B. Lệnh thanh toán này sẽ được mã hóa theo ngôn ngữ 94
  4. máy tính và chỉ được thực hiện khi công ty B hoàn thành nghĩa vụ chuyển hàng kèm theo sự xác nhận của khách hàng về việc nhận hàng. Hiện đại hơn thì có thể ứng dụng hỗ trợ GPRS (General Packet Radio Service) được tích hợp vào Hợp đồng thông minh thì không cần tới sự xác nhận của khách hàng, tại thời điểm lô hàng đặt đúng vào vị trí kho hàng (nơi hàng cần được chuyển tới) thì khoản tiền thanh toán dịch vụ cũng tự động chuyển vào tài khoản của công ty B. Dựa trên cơ chế trên, một smart contract cần thỏa mãn tối thiểu một vài yếu tố. Thứ nhất, smart contract phải được cấp khả năng truy cập đến sản phẩm/dịch vụ được liệt kê trong hợp đồng để có thể tự động khóa hay mở khóa chúng. Một điều kiện khác là tất cả các bên tham gia vào smart contract đều phải sở hữu private key - khóa cá nhân, tức là chữ kí điện tử của họ để kích hoạt các smart contract. Vì điều khoản trong hợp đồng thông minh có dạng là một chuỗi các mã lệnh, các bên tham gia hợp đồng đều phải “ký” chấp nhận nó thì nó mới có thể tiến hành thực thi. Cuối cùng là nền tảng phân quyền (distributed ledger – hiểu một cách đơn giản là không gian cơ sở để chứa đựng và cho phép hợp đồng thông minh hoạt động một cách phân tán, mà không tập trung như cách thực thi hợp đồng truyền thống), smart contract sau khi hoàn tất sẽ được tải lên Blockchain của nền tảng phân quyền tương ứng và được phân phối về cho các “node” của nền tảng ấy (node – nút thắt, hiểu cách đơn giản là một nhóm hệ thống mã điện tử liên kết với nhau, là địa điểm tiếp nhận thông tin và đồng thời giám sát hoạt động các mã lệnh của smart contract). Một trong những lợi ích khi sử dụng smart contract là tính năng tự động của nó. Hợp đồng thông minh sẽ tự động kích hoạt sau khi các điều kiện tiên quyết liên quan được hoàn thành, vì vậy chúng ta có thể hiểu nội dung các mã lệnh thường có dưới dạng “if… then…” (nếu… thì). Điều này phụ thuộc vào nội dung các điều khoản mà các bên ký kết đã thỏa thuận. Việc sử dụng mã phần mềm để tự động hoá những hoạt động mà trước đây thường phải thực hiện thủ công (như việc xác nhận đơn hàng), dữ liệu sẽ tự động cập nhật theo một qui trình đã được định nghĩa sẵn và điều này sẽ giúp thúc đẩy tốc độ của quy trình kinh doanh. Ngoài ra, các mã lệnh cũng đem lại sự đảm bảo về độ chính xác của giao dịch cao hơn, ít lỗi thủ công hơn, từ đó giảm thiểu đáng kể rủi ro khi thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó là việc tối thiểu hóa sự tham gia của các bên thứ ba/bên trung gian vào quá trình thực hiện hợp đồng, và sự tinh giản này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí kinh doanh. Tuy nhiên, yêu cầu cho tính năng này hoạt động là cần một hệ thống cơ sở hạ tầng máy tính quy mô, và các lập trình viên giỏi để triển khai. 95
  5. Một đặc điểm khác là không tồn tại cơ quan trung ương quản lý nào điều chỉnh các giao dịch và các bên tham gia hợp đồng có quyền truy cập an toàn vào blockchain. Điều này có lợi cho các bên tham gia hợp đồng vì một bên không có quyền đơn phương thay đổi các quyền và nghĩa vụ, cũng như tiến trình thực hiện hợp đồng mà bên còn lại không hề hay biết. Sự thay đổi các thông tin phải được các bên đồng thuận và các node (giải thích ở trên) đóng vai trò hỗ trợ các bên đồng thời giám sát hoạt động của các dữ liệu thông tin. Tất cả thao tác trên nền tảng blockchain đều được theo dõi và ghi vào hệ thống một cách tự động. Điều này sẽ giúp trong việc truy xuất theo thời gian thực, nghĩa là có thể truy xuất bất cứ lúc nào, các dữ liệu thông tin điện tử, như vậy hỗ trợ người dùng có thể quản trị, và xem xét các thông tin thay đổi khi cần thiết. Ngoài ra, các hợp đồng thông minh có tính bảo mật cao theo nghĩa là chỉ những bên tham gia hợp đồng hoặc các bên được ủy quyền mới được phép tham gia các giao dịch bằng cách sử dụng các khóa mật mã độc quyền (các keys) – dưới dạng chữ ký điện tử, và nền tảng điện toán sẽ phân biệt các bên giao dịch thông qua nó. Với những hiệu quả đem lại, hợp đồng thông minh cho thấy nó có thể hỗ trợ giải quyết rất nhiều những rào cản trong hoạt động kinh tế hiện nay. Chẳng hạn, ngôn ngữ trong các hợp đồng văn bản bình thường, nhất là hợp đồng quốc tế, có thể được soạn thảo bằng một ngôn ngữ trung gian, bên ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ của các bên tham gia để đạt đến sự thống nhất chung trong cách giải thích hợp đồng. Dù vậy, sự diễn giải của các bên đôi khi vẫn có thể có sự khác biệt, và tranh chấp vẫn có thể diễn ra. Dó đó, các mã lệnh điện tử, một khi được lập trình một cách chính xác, thể hiện ưu điểm nội trổi với ngôn ngữ lập trình chỉ có một cách hiểu, được lý giải một cách chủ quan bởi máy tính. Tuy nhiên, bất chấp các lợi thế kể trên, vẫn còn câu hỏi về mặt pháp lý còn bỏ ngỏ cho khả năng ứng dụng hợp đồng thông minh trong các giao dịch thương mại quốc tế. 2. Phân tích Smart Contract dưới góc độ pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế Một trong những vấn đề đặt ra trong việc phổ biến ứng dụng smart contract vào các giao dịch thương mại, trong trường hợp này là giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, thì nó có phải là một hợp đồng hợp lệ theo luật quốc tế hay không. 96
  6. Nếu nhìn dưới góc độ của nhà tạo lập nền tảng chuỗi khối, các hợp đồng thông minh, mặc dù chúng bao gồm cụm từ “hợp đồng”, thực chất không nhất thiết được coi là một vấn đề pháp lý. Như trong nền tảng blockchain Ethereum, hợp đồng thông minh được môt tả đơn giản chỉ là một chương trình chạy trên chuỗi khối, bao gồm một tập hợp mã (các chức năng của nó) và dữ liệu (trạng thái của nó) nằm tại một địa chỉ cụ thể trên chuỗi khối Ethereum (https://ethereum.org/en/developers/docs/smart-contracts/). Luồng quan điểm này tiếp cận vấn đề từ góc độ mục đích sử dụng, cho rằng hợp đồng thông minh chỉ được coi là một phương tiện dùng để thúc đẩy hoặc tự động hóa quy trình thực hiện hợp đồng. Đây là cách hiểu mang tính kỹ thuật của Szabo – nhà khoa học đã sáng tạo ra khái niệm smart contract. Szabo nhấn mạnh chức năng tăng mạnh của các hợp đồng thông minh so với các hợp đồng truyền thống không được mã hóa, và smart contract thực chất là sự mã hóa hoặc ghi nhớ điện tử hợp đồng hoặc một phần hợp đồng truyền thống (Wright & De Filippi, 2018). Trong trường hợp này, các bên đã có những thỏa thuận trước và smart contract chỉ là một chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện chính xác các nội dung đã được thỏa thuận đó. Như vậy, vấn đề đánh giá tính hợp pháp của hợp đồng thông minh sẽ phụ thuộc vào pháp luật áp dụng cho hợp đồng mà nó phụ trợ (Woebbeking, 2019). Ở góc độ khác, khi tiếp cận vấn đề từ các yếu tố pháp lý cấu thành nên hợp đồng theo phạm trù của CISG, để xác định xem các hợp đồng thông minh có được coi là hợp đồng hợp lệ theo Công ước hay không thì việc thoả mãn các điều khoản của CISG liên quan đến việc giao kết hợp đồng là điều kiện tiên quyết. Liệu trong trường hợp của smart contract, các tiêu chí về đề nghị giao kết và chấp nhận đề nghị có được thỏa mãn hay không. Giống với phần lớn học thuyết về luật hợp đồng truyền thống, việc hình thành hợp đồng theo CISG cũng dựa trên các yếu tố quan trọng là “đề nghị” (offer) và “chấp nhận” (acceptance). Tuy nhiên, mỗi loại hành vi đều có những điều kiện cần được tuân thủ. Theo Điều 14(1) của CISG, một đề nghị được định nghĩa như sau: “Một đề nghị về việc giao kết hợp đồng được gửi đến một hay nhiều người xác định sẽ cấu thành một chào hàng nếu nó đủ rõ ràng và thể hiện ý định chịu sự ràng buộc của bên chào hàng trong trường hợp được chấp nhận. Một đề nghị là đủ rõ ràng khi nó nêu rõ hàng hóa và ấn định số lượng và giá cả một cách cụ thể hoặc ngầm định hoặc quy định thể thức xác định những nội dung này.” Như vậy, một đề nghị hợp lệ phải bao gồm ba yếu tố chính: (i) một hoặc nhiều người được đề nghị xác định; (ii) nội dung có thể xác định và xác định được, chỉ ra 97
  7. loại hàng hóa, số lượng và giá cả của nó; và (iii) ý định của bên chào bán đồng ý chịu ràng buộc bởi đề nghị này. Để đơn giản, chúng ta ví dụ giả định về hợp đồng thông minh được mã hóa hoàn toàn. Công ty A muốn bán 100 vật dụng cho Công ty B để đổi lại 10.000 USD và hứa sẽ hoàn thành việc giao hàng vào ngày 31 tháng 12 năm 2020. Bắt đầu với điều kiện về sự tồn tại của một hoặc nhiều người được đề nghị được xác định trong hợp đồng, trong ví dụ trên là công ty B, nền tảng blockchain không tạo thành một trở ngại lớn. Yếu tố này dễ dàng được đáp ứng bởi chuỗi blockchain, dựa trên cơ sở hạ tầng mã hóa khóa công khai bao gồm hai khóa - một khóa xác định địa chỉ tài khoản của một bên (Public key - khóa công khai) và khóa còn lại hoạt động như chữ ký điện tử (Private key - khóa riêng tư) (Bayramoğlu, 2020). Việc xác định các khóa tương ứng, thông qua việc sử dụng chữ ký điện tử (private key) tạo điều kiện nhận dạng người được đề nghị (công ty B) trên không gian mã hóa. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về điều này thông qua Luật mẫu về thương mại điện tử (Model Law on Electronic Commerce - MLEC) của UNCITRAL, quy định trong luật này đặt ra cơ chế theo dõi, truy xuất nguồn gốc của thông điệp dữ liệu được tạo bởi thực thể tiến hành thuật toán có liên quan đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý cho thao tác đó, và như vậy thông qua sự truy xuất ngược trở về nguồn gốc dữ liệu điện tử, sẽ tìm ra người được đề nghị nói trên. Luật này cũng quy định rằng các thông điệp dữ liệu — được định nghĩa là bao gồm “tất cả các loại thông điệp… ở dạng hình thức không phải giấy tờ” và được tạo ra tự động bởi máy tính thì nên được coi là “có nguồn gốc từ thực thể được đại diện bởi máy tính đang vận hành” (UNCITRAL, 1996, 26- 27). Như vậy, không giống như một số ý kiến cho rằng các bên thực sự của hợp đồng thông minh là các khóa mật mã và giao dịch được hoàn tất thông qua sự trao đổi thông điệp dữ liệu giữa các máy, các nhà lập pháp của UNCITRAL áp dụng một cách tiếp cận khác. Tóm lại, một đề nghị có thể được viết hoàn toàn bằng các mã điện tử và gửi cho một người cụ thể thông qua e-mail hoặc blockchain. Về điều kiện liên quan đến nội dung hợp đồng, do bản chất thuật toán mã hóa của máy tính, một hợp đồng thông minh hoàn toàn được viết bằng mã có thể bao gồm tất cả các thông tin tối thiểu cần thiết - các điều khoản cơ bản cần phải có, như danh tính của các bên, loại hàng hóa, đặc điểm của hàng hóa, thời gian và địa chỉ giao hàng. Trong ví dụ nêu trên, có thể dễ dàng mã hóa các thông tin về số lượng hàng hóa (100), giá trị hàng hóa 98
  8. (10.000 USD) và thời hạn giao hàng (ngày 31 tháng 12 năm 2020). Việc chuyển một hợp đồng từ ngôn ngữ của con người thành dạng mã điện tử sẽ trở thành một vấn đề nếu trong trường hợp nếu hợp đồng có chứa các yếu tố mang tính chủ quan như “thời gian hợp lý” hoặc “trong mọi khả năng có thể”. Tuy nhiên, đây không phải là các yếu tố bắt buộc của hợp đồng mua bán và do đó có thể thiết kế một đề nghị được viết hoàn toàn bằng mã đủ để đáp ứng các diều kiện theo CISG. Điều kiện thứ ba là người đề nghị có ý định chịu ràng buộc bởi lời đề nghị của mình, yếu tố không thể thiếu trong một đề nghị. Ý định của các bên là rất quan trọng đối với việc xác lập một hợp đồng theo định nghĩa của CISG. Theo Điều 8 của CISG, “mọi hoàn cảnh liên quan, bao gồm các cuộc đàm phán, các thói quen do các bên tự xác lập, các tập quán và các hành vi sau đó của các bên” cũng là các yếu tố có thể được xem xét để xác định ý định của các bên. CISG quy định một cách tiếp cận linh hoạt trong vấn đề này, khi loại trừ áp dụng quy tắc bằng chứng parol để xác định ý định của bên tham gia hợp đồng (Flechtner, 1998). Theo nguyên tắc này, các chứng cứ do các bên đệ trình được thiết lập ở giai đoạn tiền hợp đồng hoặc sau khi hợp đồng được ký kết mà trái với các câu từ của hợp đồng thì các chứng cứ này sẽ không được xem xét (Hillman, 2014, 268). Vậy, dựa trên việc xem xét thích đáng các yếu tố bên ngoài (hoàn cảnh liên quan, thói quen, hành vi của các bên,…) theo Điều 8(3) của CISG, ý định thực thi hợp đồng thông minh có thể dễ dàng xác định: hành vi chia sẻ các chìa khóa điện tử là một phương thức thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng (Werbach & Cornell, 2017). Như vậy, có thể xác định ý định giao kết hợp đồng thông minh hợp lệ theo CISG. Quay trở lại ví dụ ở trên, nếu Công ty A biết cơ chế tự thực thi của smart contct, thì việc công ty này thiết lập một smart contract (không có cơ chế điểm dừng khẩn cấp, nghĩa là không mã hóa khả năng thu hồi đề nghị trong hợp đồng) sẽ là bằng chứng đầy đủ về ý định của Công ty A đồng ý chịu ràng buộc. Trong hợp đồng truyền thống, nếu các bên đã thực hiện thành công cùng một giao dịch bán vật dụng trước đó, thì các giao dịch lặp lại nhiều lần trước đó có thể tạo thành bằng chứng về việc Công ty A có ý định ràng buộc với các thỏa thuận tương tự. Do đó, nếu các bên có lịch sử thực thi các hợp đồng được viết bằng mã, thì có thể suy diễn tương tự về sự tồn tại của ý định chịu ràng buộc các của bên. Mặt khác, về khái niệm “chấp nhận”, thì theo Điều 18(1) của CISG: “Tuyên bố hoặc hành vi khác của bên được chào hàng thể hiện sự chấp nhận đối với chào hàng được xem là chấp nhận chào hàng đó. Bản thân sự im lặng hoặc không hành động không cấu thành 99
  9. sự chấp nhận.” Điều này được thể hiện dựa trên sự đồng ý của bên được đề nghị thông qua tuyên bố hoặc hành vi thực hiện các nghĩa vụ của mình. Theo Điều 11 của CISG, đề nghị và chấp nhận đề nghị không phải tuân theo bất kỳ yêu cầu nào về hình thức và nó có thể được chứng minh bằng bất kỳ hình thức nào. Như vậy, trong trường hợp của smart contract, sự đồng ý cũng có thể được thể hiện theo nhiều cách. Vì hợp đồng thông minh được thực thi một cách tự động khi một bên liên quan kích hoạt chuỗi mã hóa nên không khó để xác định sự đồng ý được thể hiện, chẳng hạn như cung cấp khóa cá nhân (private key) để chạy hợp đồng thông minh hoặc chỉ bằng cách bắt đầu thực hiện theo các điều khoản của thỏa thuận bằng mã lệnh. Bản thân Blockchain lại cung cấp một phương thức hiệu quả để theo dõi hành vi đó của các bên, thông qua tính năng time-stamp feature cho phép truy xuất theo thời gian thực từng hoạt động diễn ra trong chuỗi mã hóa (Bayramoğlu, 2020), do đó, các bên sẽ có thể truy cập và xác thực thông qua chữ ký số các giao dịch điện tử đã ký. Như vậy, khi chữ ký của Công ty B đến sổ cái phân tán (distributed ledger), hợp đồng sẽ được coi là đã xác lập thành công. 3. Những vấn đề pháp lý nảy sinh khi ứng dụng smart contract theo CISG Mặc dù smart contract có thể là một hợp đồng pháp lý quốc tế dựa theo những giải thích ở trên, chúng ta cũng không thể bỏ qua một thực tế rằng theo CISG, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến việc xác lập hợp đồng như năng lực giao dịch hợp pháp, hay thẩm quyền đại diện còn phải phụ thuộc vào pháp luật trong quốc gia có liên quan (Twigg- Flesner, 2011, 258). Thêm nữa, Điều 4 của CISG quy định rõ ràng rằng “Công ước này chỉ điều chỉnh việc ký kết hợp đồng mua bán và các quyền và nghĩa vụ của người bán và người mua phát sinh từ hợp đồng đó.” Đồng thời, CISG cũng khẳng định “không điều chỉnh hiệu lực của hợp đồng, hoặc bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng, hoặc của bất kỳ tập quán nào”. Vì Điều 4 hoặc các điều khoản khác của CISG không điều chỉnh vấn đề hiệu lực pháp lý của hợp đồng, do đó, pháp luật trong mỗi quốc gia khác nhau sẽ quy định các yếu tố để hợp đồng có hiệu lực. Trong khi đó, vài học giả khác lại cho rằng Điều 4 của CISG phải được đồng thời diễn giải theo mục đích của những người soạn thảo CISG thể hiện trong Điều 7 và điều khoản “trừ khi được quy định rõ ràng khác” trong Điều 4 (Duke, 2019, 160-162), nghĩa là theo một hướng quốc tế hóa, thống nhất hơn các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế trong từng quốc gia khác nhau. Ngoài ra, có quan điểm cho rằng Điều 13 cũng nên được giải thích theo một khía cạnh mới, theo đó các hợp đồng thông minh có thể được định nghĩa là sự giao kết điện tử, dưới dạng một “văn bản” theo 100
  10. nghĩa rộng hơn, nghĩa là hình thức thỏa thuận của các bên không chỉ gói gọn ở bốn góc tờ giấy, không chỉ ở điện tín và telex nữa, mà với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, còn vượt ra ngoài phạm vi của hai hình thức điện tử trên (Meyer & Janssen, 2009). Một khía cạnh quan trọng khác được điều chỉnh bởi CISG liên quan đến nghĩa vụ giữa các bên và các trường hợp vi phạm hợp đồng của họ. Một vấn đề đặt ra là, nếu hợp đồng thông minh là một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, quyền và nghĩa vụ của các bên nên được chuyển dịch sang mã hóa như thế nào? Có thể thấy rằng một văn bản hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng thương mại, sẽ bao gồm nhiều quy định hàm chứa nội dung mang tính chất trừu tượng như: quyền tiếp cận thông tin, quyền bảo mật thông tin, hoặc nghĩa vụ minh bạch trong kinh doanh,… Giả thuyết minh họa đặt ra rằng hai bên tham gia giao kết hợp đồng với điều khoản bảo mật thông tin. Tuy nhiên, một trong hai bên tham gia giao kết hợp đồng tiết lộ thông tin đó kia cho bên thứ ba với mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Trong trường hợp này, nếu thỏa thuận của hai bên được giao kết trên nền tảng hợp đồng thông minh, thì việc quan sát và theo dõi hành vi của các bên sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của chương trình máy tính. Khi đó, việc mã hóa những quy định có tính trừu tượng như thế này trở thành một thách thức lớn, bởi lẽ có những phạm vi công việc mà máy tính hiện nay chưa thể kiểm soát và theo dõi một cách hiệu quả. Một vấn đề khác liên quan đến tính năng tự động thực thi của smart contract - khả năng thực hiện tự động và liên tục các giao dịch mà không cần sự can thiệp của con người, chỉ cần được lập trình một cách chính xác. Đó chính là hợp đồng thông minh không thể dễ dàng bị điều chỉnh hoặc hủy bỏ trừ khi các bên tham gia hợp đồng tích hợp khả năng đó trong quá trình “soạn thảo” smart contract. Ví dụ với các văn bản hợp đồng truyền thống, nếu một khách hàng thân thiết trả tiền trễ, người bán có thể quyết định rằng giữ gìn một quan hệ thương mại lâu dài quan trọng hơn là việc áp dụng ngay lập tức việc chấm dứt hợp đồng hay áp dụng chế tài phạt vi phạm mà hai bên đã thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, trong quan hệ các bên tham gia vào một hợp đồng thông minh, không tồn tại quyền lựa chọn không thực thi chế tài: hành vi trả tiền trễ sẽ dẫn tới việc phí phạt vi phạm được tự động rút khỏi tài khoản của khách hàng nếu smart contract trong trường hợp này được lập trình như vậy. Điều này cho thấy tính năng tự động thực thi của hợp đồng thông minh dường như có phần không phù hợp với cách thức hoạt động của các doanh nghiệp trong giao dịch thực tế. Nói một cách khác, tính khách quan trong cơ chế hoạt động của smart contract 101
  11. không thực sự phản ánh được thực tế cách thức các bên ký kết tương tác với nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, vì các hợp đồng thông minh được hình thành và thực thi trên chuỗi blockchain, do đó, nó không thể bị một bên trong hợp đồng dừng lại có chủ đích trong quá trình thao tác, ngoại trừ một nút dừng khẩn cấp (emergency stop-button) mà rất ít khi được xây dựng bên trong chuỗi mã hóa (Sklaroff, 2017). Nút dừng này ít được thiết lập vì chỉ một bên áp dụng kích hoạt lệnh này thì sẽ dừng lại việc thực thi smart contract, đi ngược lai với tính năng an toàn tự động được đề ra (tuy nhiên, người quản trị hệ thống vẫn có thể can thiệp dừng thao tác khi cần thiết, hay truy cập kiểm tra nhưng không thể thay đổi các dữ liệu). Trường hợp này cũng đặt ra câu hỏi về việc áp dụng trách nhiệm pháp lý cho ai trong trường hợp vi phạm như vậy, vì tính năng giao dịch tự động gây khó khăn cho việc xác định người gánh trách nhiệm pháp lý, trong trường hợp không có các điều khoản cụ thể giải quyết vấn đề này (Hourani, 2017). Vấn đề như vậy có thể được giải quyết thông qua việc thỏa thuận xác lập các điều khoản giải quyết tranh chấp, nhưng như vậy cũng chỉ ra tính năng tự động của hợp đồng vẫn còn hạn chế và cứng nhắc khi rơi vào những trường hợp bất ngờ yêu cầu sự linh hoạt của trí não con người. 4. Kết luận Smart contrac - hợp đồng thông minh, nếu được ứng dụng phổ biến trong các giao dịch thương mại hàng hóa quốc tế, sẽ đem lại một cuộc cách mạng lớn, giúp cho việc bán hàng hóa xuyên biên giới trở nên hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Rào cản lớn nhất trong con đường quốc tế hóa là thiếu luật quốc tế cụ thể để điều chỉnh nó và sự mơ hồ về vị trí của nó trong luật hiện hành. Các vấn đề không được CISG điều chỉnh cụ thể sẽ được quy định bởi pháp luật quốc gia liên quan là một trong những chướng ngại ngăn cản sự quốc tế hóa smart contract trong các giao dịch xuyên quốc gia. Rồi cũng còn các câu hỏi chưa được giải quyết khác như về việc xác định trách nhiệm pháp lý, các biện pháp khắc phục và việc áp dụng các điều khoản miễn trừ của hợp đồng…. Chưa kể đến những vấn đề mà mọi công nghệ mới đều có thể có - khả năng xảy ra lỗi kỹ thuật do công nghệ gây ra và nguy cơ này trong giao dịch quốc tế có thể dẫn đến hậu quả không thể sửa chữa. Hiệu quả của smart contract hoàn toàn phụ thuộc vào các mã điện tử tạo nên nó (Kolber, 2018), vậy nên một lỗi nhỏ trong một mã lệnh và kết quả có thể bị thay đổi đáng kể so với dự định ban đầu của các bên, gây rủi ro không lường trước được. Do đó, câu hỏi về việc liệu smart contract có phù 102
  12. hợp với phạm vi các hợp đồng được điều chỉnh theo CISG hay không là một câu hỏi khó, khi mà hiện tại việc ứng dụng nó chỉ đang là một hiện trạng rải rác ở vài quốc gia trên thế giới. Cũng như với các giao dịch phức tạp, yêu cầu cơ sở vật chất tối thiểu để vận hành smart contract cũng là một khó khăn không nhỏ khi trình độ nền tảng công nghệ ở mỗi quốc gia chênh lệch với nhau. Tuy nhiên, xu hướng tương lai trong một thời đại của cách mạng công nghệ là sự điện tử hóa, sự can thiệp của của máy tính ngày càng mở rộng vào các quan hệ thương mại quốc tế. Sự thay đổi về chất của các mối quan hệ này sẽ không dừng lại, trong khi khung pháp lý điều chỉnh các giao dịch mua bán hàng hóa xuyên biên giới, vẫn còn dừng lại ở những quy định còn mơ hồ, chưa giải quyết được rõ ràng những tranh chấp mới có thể nảy sinh từ việc ứng dụng smart contract. REFERENCES 1. Buterin, V. (2014). A next-generation smart contract and decentralized application platform. white paper, 3(37) 2. Duke, A. (2019). What Does the CISG Have to Say about Smart Contracts: A Legal Analysis. Chi. J. Int'l L., 20, 141. https://chicagounbound.uchicago.edu/cjil/vol20/iss1/4, truy cập ngày 10/08/2021. 3. Emir Bayramoğlu (2020). A Legal Analysis on CISG’s Scope of Application from Smart Contracts’ Perspective, Turkish Law Blog, Tilburg University. https://turkishlawblog.com/read/article/193/a-legal-analysis-on-cisg-s-scope-of- application-from-smart-contracts-perspective, truy cập ngày 12/08/2021 4. Flechtner, H. M. (1998). The UN Sales Convention (CISG) and MCC-Marble Ceramic Center, Inc. v. Ceramica Nuova D'Agostino, SPA: The Eleventh Circuit Weighs in on Interpretation, Subjective Intent, Procedural Limits to the Convention's Scope, and the Parol Evidence Rule. JL & Com., 18, 259. 5. Hourani, S. (2017). Cross-border smart contracts: boosting international digital trade through trust and adequate remedies. https://eprints.mdx.ac.uk/23958/6/11- HOURANI-Cross-Border_Smart_Contracts.pdf, truy cập ngày 10/08/2021 6. Kolber, A. J. (2018). Not-so-smart blockchain contracts and artificial responsibility. Stan. Tech. L. Rev., 21, 198. 103
  13. 7. Lê Anh (2021). Ethereum là gì? Tìm hiểu tổng quan về ETH cho người mới từ A – Z. Link: https://coin98.net/ethereum-la-gi, truy cập ngày 15/08/2021 8. Meyer, O., & Janssen, A. (2009). The Interpretation of the CISG in the Arab World. In Olaf Meyer & André Janssen (eds.), Cisg Methodology. Sellier de Gruyter. 9. UN Comm'n on Int'l Trade Law (UNCITRAL) (1996). UNCITRAL Model Law on Electronic Commerce with Guide to Enactment. https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/en/19- 04970_ebook.pdf 10. Hillman, R. A. (2014). Principles of contract law. West Academic. tr. 268. 11. Twigg-Flesner, C. (2011). Schlechtriem and Schwenzer, Commentary on the UN Convention on the International Sale of Goods (CISG), edited by Ingeborg Schwenzer. Oxford: Oxford University Press, 2010, 3rd edn, xcvi+ 1270+(appendices, bibliography and index) 209pp (£ 225 hardback). ISBN: 978-0-19-956897-0. Legal Studies, 31(1), 166-169. 12. Shaikh, Z. A., & Lashari, I. A. (2017). Blockchain technology: The new internet. International Journal of Management Sciences and Business Research, 6(4), 167-177. 13. Sklaroff, J. M. (2017). Smart contracts and the cost of inflexibility. U. Pa. L. Rev., 166, 263. 14. Szabo, N. (1996). Smart contracts: building blocks for digital markets. EXTROPY: The Journal of Transhumanist Thought,(16), 18(2). https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/L OTwinterschool2006/szabo.best.vwh.net/smart_contracts_2.html, truy cập ngày 05/08/2021 15. Werbach, K., & Cornell, N. (2017). Contracts ex machina. Duke LJ, 67, 313. 16. Woebbeking, M. K. (2019). The impact of smart contracts on traditional concepts of contract law. J. Intell. Prop. Info. Tech. & Elec. Com. L., 10, 105. 17. Wright, A., & De Filippi, P. (2018). Join Co-Authors Aaron Wright and Primavera DE Filippi for the Launch of Blockchain and the Law: The Rule of Code. 104
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2