intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vấn đề bảo tồn và phát triển giá trị nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm

Chia sẻ: AtaruMoroboshi _AtaruMoroboshi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

52
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết bàn về nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm đang giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần trong cộng đồng người Chăm. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa vào việc đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm, góp phần vào việc củng cố nền tảng tinh thần xã hội của các dân tộc Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vấn đề bảo tồn và phát triển giá trị nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm

  1. 550 VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CA MÚA NHẠC DÂN GIAN CHĂM PGS.TS. Nhạc sĩ PHAN QUỐC ANH D ân tộc Chăm là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam. Người Chăm ngày nay là con cháu của cư dân Chămpa xưa, sinh sống lâu đời trên mảnh đất Việt Nam. Về nguồn gốc tộc người, các nhà khoa học xếp người Chăm vào tiểu chủng Mongoloid phương Nam, nhóm loại hình Nam Đảo. Về ngôn ngữ, tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Austronesian (Nam Đảo), đại chi Malayo - Polynesian (Mã lai - Đa đảo), chi Westen Malays - Polynesian, tiểu chi Sundic, nhóm Malayic, nhóm Achinese - Chamic, tiểu nhóm Chamic. Cùng chung tiểu nhóm này, ở Việt Nam còn có các dân tộc Êđê, Giarai, Churu, Raglai... Có thuyết cho rằng các tộc người này là con cháu của cư dân đến từ Thế giới đảo. Cũng có ý kiến khác cho đó là cư dân ở vùng phía Nam Trung Quốc di chuyển vào1. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Chăm đứng thứ 17 về dân số ở Việt Nam, có 178.948 người, cư trú ở một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam. Trong đó, đông nhất là ở tỉnh Ninh Thuận 67.517 người, Bình Thuận 39.557 người, Phú Yên 22.813 người, tiếp đến là An Giang 11.171 người, Thành phố Hồ Chí Minh 10.509 người, Đồng Nai 8.603 người và Tây Ninh 4.014 người2. Có thể thấy, người Chăm cư trú đông nhất ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ gồm Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây cũng là nơi người Chăm đang lưu giữ những tinh hoa quý báu nhất, lâu đời nhất của kho tàng di sản văn hóa Chăm nói chung, di sản nghệ thuật ca múa nhạc dân gian nói riêng. Bên cạnh di sản nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đồ sộ, phong phú, người Chăm hiện đang lưu giữ kho tàng ca múa nhạc dân gian đặc sắc. Ở đó chứa đựng những lớp _______________ 1. Xem Bùi Đức Hùng, Phan Quốc Anh, Võ Công Nguyện, Phú Văn Hẳn (Đồng chủ biên): 40 năm nghiên cứu văn hóa Chăm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015. 2. Tổng cục Thống kê: Kết quả toàn bộ tổng điểu tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020.
  2. Phần thứ hai: THAM LUẬN CỦA CÁC BAN, BỘ, NGÀNH, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM... 551 văn hóa ngoại sinh và nội sinh, vừa có dấu ấn của văn hóa Ấn Độ, vừa đậm nét văn hóa bản địa trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Trải qua quá trình lịch sử đầy biến động, thời gian và chiến tranh đã tàn phá các di tích và làm mai một khá nhiều kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể Chăm. Chỉ từ sau năm 1975, với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn hóa Chăm mới được tập trung nghiên cứu để bảo tồn và phát huy. Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa. Năm 2014, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là những nghị quyết thể hiện rất rõ chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc, các địa phương có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện. Việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào Chăm có những nét đặc thù riêng, nhất là vùng đồng bào Chăm ở các tỉnh vùng cực Nam Trung Bộ. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách riêng đối với đồng bào dân tộc Chăm, trong đó có Chỉ thị số 121-CT/TW ngày 26/1/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tri số 03-TT/TW ngày 17/10/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Công tác đối với vùng đồng bào Chăm và Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Trong quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh lĩnh vực kinh tế - xã hội, các địa phương đã tập trung sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chăm, trong đó có nghệ thuật ca múa nhạc dân gian. Qua quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người Chăm được nâng lên rõ rệt. Các chỉ số phát triển kinh tế, xã hội được nâng lên rất nhanh. Từ những làng quê nghèo khổ trên vùng đất khô hạn ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ, vùng đồng bào Chăm sinh sống hôm nay thực sự đã thay da đổi thịt, phát triển mạnh mẽ. Văn hóa Chăm được quan tâm bảo tồn và phát huy, các lễ hội dân gian được tổ chức ngày càng lớn, đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện. Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm ngày càng được tôn vinh và phát triển mạnh mẽ. Người Chăm cũng tự hào về những nét đặc sắc của di sản văn hóa quý báu của mình.
  3. 552 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... 1. Khái quát về quá trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm 1.1. Việc sưu tầm, nghiên cứu Văn hóa Chăm độc đáo, đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả trong và ngoài nước trong vài thế kỷ qua. Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học người Pháp từ thế kỷ XIX như J.Crawford, A.Bastian, E.Aymonier, H.Parmentier, E.M.Durand, L.Finot, A.Cabaton, G.L.Maspéro... Các công trình của người Pháp tập trung nhiều vào lĩnh vực ngôn ngữ, văn bia, khảo cổ học, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đền tháp, lịch sử, bang giao, tín ngưỡng, tôn giáo. Sau năm 1975, các công trình nghiên cứu về người Chăm được giới khoa học quan tâm nghiên cứu ngày càng nhiều. Đặc biệt là các nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ). Việc tái lập Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận1, thành lập Trung tâm Văn hóa Chăm huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một sự đầu tư đúng trọng điểm về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chăm. Nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian Chăm trước đây chỉ tồn tại trong các lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng, hầu như không được phổ biến. Từ năm 1975, văn hóa Chăm nói chung, nghệ thuật ca múa nhạc dân gian nói riêng được đầu tư sưu tầm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển. Hệ thống lễ hội được khôi phục và kèm theo đó là sự phục hồi các đội nhạc lễ, múa lễ và hát lễ. Từ đây, nghệ thuật dân gian Chăm không chỉ bó hẹp trong các nghi lễ mà đã bước ra đời sống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng. Ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ Việt Nam - nơi có đông người Chăm cư trú lâu đời nhất đã hình thành nên các đoàn nghệ thuật dân gian Chăm chuyên nghiệp. Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian của người Chăm Phú Yên (Chăm H’roi) được sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng các tiết mục cho Nhà hát Sao Biển. Trong đó, đáng chú ý là nghệ thuật “trống đôi, cồng năm, chiêng ba”, một nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc và múa đặc sắc2. 1.2. Âm nhạc dân gian Chăm Âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. “Âm nhạc và múa của người Chăm vừa có lớp văn hóa tôn giáo vừa có lớp bản địa, tạo nên một nghệ thuật dân gian đặc sắc”3. Âm nhạc luôn gắn chặt với múa trong các nghi lễ dân gian và nghi lễ tôn giáo. Âm nhạc và múa đều mang nặng tính thiêng. _______________ 1. Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận là trung tâm nghiên cứu về văn hóa một dân tộc cấp tỉnh duy nhất trong cả nước. 2. Xem Phan Quốc Anh: Giáo trình văn hóa Chăm, Nxb. Đại học Quốc Gia, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2019. 3. Phan Quốc Anh: Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr.119.
  4. Phần thứ hai: THAM LUẬN CỦA CÁC BAN, BỘ, NGÀNH, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM... 553 Hệ thống nhạc cụ Chăm tương đối phong phú và đủ các bộ cho một dàn nhạc. Bộ gõ có trống basanưng, trống ghi năng, chiêng, chũm chóe, đàn đá, mõ, kà rồng (dây lục lạc); bộ dây có đàn ka nhi (nhị mu rùa), đàn chămpi, bộ hơi có kèn saranai, tù và bằng sừng trâu, khèn bầu, sáo... Các vị chức sắc giải thích rằng những nhạc cụ chính trong dàn nhạc lễ Chăm là biểu tượng của một thể thống nhất các bộ phận của vị thần Brahma. Trong đó, kèn Saranai là biểu tượng cho phần đầu, trống basanưng là phần bụng (ôm vào bụng ngồi vỗ), đôi trống ghi năng là hai chân (luôn để bắt chéo và ngồi biểu diễn, một tay vỗ vào mặt trống phía trên và một tay cầm dùi để đánh phía dưới)1. Nếu so sánh với những nhạc cụ thể hiện trên các mảng điêu khắc của người Chăm còn lại đến hôm nay, chúng ta thấy ngày nay đã thất truyền một số nhạc cụ như sáo dài nhiều lỗ, đàn “Harpe”, trống lớn, trống nhỏ Hagar2. Âm nhạc Chăm có tiết tấu rất phong phú, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận đã sưu tầm, ký âm và thống kê được 75 điệu trống ghi năng, có các tiết tấu nhanh, thuận phách và nghịch phách, sôi nổi bốc lửa nhưng cũng có những tiết tấu chậm, trữ tình, tự sự. Dân ca, dân nhạc: Người Chăm đang lưu giữ một kho tàng dân ca với những làn điệu, cung bậc có quan hệ mật thiết với dân ca người Việt và các làn điệu dân ca của các dân tộc sống cộng cư, cận cư khác. Nhiều điệu hát trữ tình, đằm thắm như “thay mai”, “ainich lo”, “lekdiphik” (tình yêu đôi lứa), hay những làn điệu như “dohdamdara” (hát đối đáp), klaymrailopan (sợi chỉ đủ màu) đều mang những âm hưởng trữ tình, đặc sắc. Người Chăm còn có các làn điệu Ariya, là hình thức hát trường ca theo dạng kể chuyện, hát lối bằng thơ và có một kho tàng các làn điệu hát ru. Kho tàng nhạc lễ, hát lễ được các tu sĩ Bàlamôn lưu truyền và hát ở các nghi lễ, đây là nhạc lễ có nguồn gốc tôn giáo Bàlamôn từ Ấn Độ xa xưa: “Trong kinh Vêđa từ thế kỷ XX trước Công nguyên có “Samma Vêđa” là tập ca khúc dùng để hát xướng khi cúng bái, tổng cộng 1.549 bài, nội dung chủ yếu của Phuốc Vêđa là nói rõ trong khi cúng tế nên dùng các thi ca này và tiến hành cúng tế như thế nào”3. 1.3. Múa truyền thống Chăm Múa truyền thống Chăm là một kho tàng các điệu múa dân gian rất đa dạng, phong phú và có bản sắc riêng tồn tại và phát triển từ lâu đời. Ngoài những điệu _______________ 1. Tham khảo thêm Lê Ngọc Canh: Văn hóa dân gian, những thành tố, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.52. 2. Trống có dáng hình trụ dài làm bằng một khúc gỗ nguyên khoét rỗng, mặt trống làm bằng da bò hoặc da trâu. 3. Hoàng Tâm Xuyên (Chủ biên): Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.158.
  5. 554 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... múa dân gian hiện còn lưu giữ trong cộng đồng đồng bào Chăm, các di sản văn hóa vật thể rải rác khắp miền Trung cho chúng ta thấy nghệ thuật múa Chăm đã từng phát triển rực rỡ trong lịch sử, thể hiện trên các phù điêu, tượng đá, là các vũ nữ Trà Kiệu, vũ nữ Apsara và các vị thần được điêu khắc trong dáng múa. Nghệ sĩ Nhân dân, biên đạo múa Đặng Hùng cho rằng: “... múa dân gian của dân tộc Chăm trước ngày thống nhất đất nước chưa tách khỏi mối quan hệ sinh hoạt của dân tộc, chưa phải là loại hình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu”1.  Múa sinh hoạt Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ thiếu nữ hay phụ nữ Chăm nào cũng biết múa. Các vũ nữ dùng những chiếc quạt vải có rua nhiều màu sắc và khăn dài, tượng trưng cho những cánh chim như những điệu múa Pi dền - Pi điềng (chim công), Kamang (galôi), Marai (chim trĩ)... Múa Chăm luôn đi đôi với âm nhạc, tên các tiết điệu trống đồng thời cũng là tên các điệu múa. Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng đã tổng kết: “Múa và âm nhạc Chăm luôn đồng điệu với nhau giữa động tác và nhịp trống, điệu nhạc Piđiềng thì có động tác múa Piđiềng, điệu trống Patra thì có điệu múa Patra, điệu trống Tiong thì có múa Tiong”2. Múa Đoa pụ: Đoa pụ có nghĩa là đội bình gốm, có thể múa đơn, cũng có thể là múa tập thể. Các động tác tạo hình của đôi tay chủ yếu là tiếp thu từ các kiểu múa quạt như Pi diên, Kmăng, Btra mà ra.  Múa thiêng Trong các lễ hội, các nghi lễ của người Chăm đều có múa, có hát, có nhạc. Thậm chí có cả một hệ thống lễ múa Rija (Rija Nưgar - lễ múa xứ sở, Rija Praung - lễ múa lớn, Rija Harei - lễ múa ban ngày, Rija Dayaud - lễ múa ban đêm). Trong hệ thống nghi lễ, vai trò của bà múa bóng là rất quan trọng. Những điệu múa trong các nghi lễ do các vũ sư múa gồm ông bóng (On Kaing) và bà bóng (Muk Pajuw - bà bóng khu vực tôn giáo; Muk Rija - bà bóng dòng họ). Múa Rija được trình diễn trong các lễ hội Rija. Lễ Rija Praung (còn gọi là múa vải chài) là lễ múa nhiều nhất. Múa Rija trong lễ Rija Praung là hình thức tổng hợp giữa nghệ thuật múa và nghệ thuật sân khấu (diễn tả lại cảnh gặp nhau giữa người Chăm và người Java trên biển). Trong lễ hội Rija Nưgar, On Kaing có các điệu múa gồm múa kiếm, múa roi, múa chèo thuyền, múa đạp lửa.  Múa Chăm hiện đại Sau ngày giải phóng, phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng vùng đồng bào Chăm phát triển mạnh. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ _______________ 1. NSND. Đặng Hùng: Nghệ thuật múa Việt Nam trong tôi, Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr.25. 2. Đặng Hùng: Bước đầu tìm hiểu, phục hồi múa cung đình Chăm, Trung tâm Văn hóa dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.106.
  6. Phần thứ hai: THAM LUẬN CỦA CÁC BAN, BỘ, NGÀNH, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM... 555 chức các đoàn nghiên cứu về các lĩnh vực của văn hóa, xã hội Chăm. Các biên đạo múa cũng tìm về nghiên cứu văn nghệ dân gian, diễn xướng dân gian Chăm. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Canh và Tô Đông Hải công bố công trình “Nghệ thuật diễn xướng dân gian Chăm”1. Để phát triển múa Chăm, các biên đạo múa đã kết hợp các động tác múa dân gian Chăm với hình ảnh, đường cong của các vũ nữ trên các phù điêu tượng đá Chăm để sáng tạo ra những tác phẩm múa hiện đại Chăm. Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng cho ra đời một loạt các tác phẩm múa Chăm gây tiếng vang lớn ở các kỳ hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp những năm 1980 - 1990 như “Múa quạt”, “Được mùa”, “Niềm vui mới”, “Đoa pụ” (đội nước), múa “Khát vọng”, “Ước mơ”2. Biên đạo Thọ Thái với tác phẩm “Gốm thắm tình người”, kịch múa “Lửa tình yêu”,... Biên đạo Đàng Quang Dũng, Dương Tấn Đức, Trung Kiên, Thu Vân tiếp tục sáng tác nên các tác phẩm múa Chăm cho Đoàn Ca múa nhạc Ninh Thuận, Bình Thuận; Đoàn Nghệ thuật Dân gian Chăm, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 5. Tuy nhiên, đây là những sáng tạo mới có dựa trên các mô típ phù điêu, tượng đá của các vị thần Ấn Độ giáo và các động tác múa dân gian Chăm nên nếu gọi đó là múa cung đình cũng cần cân nhắc. Múa của người Chăm H’roi có đặc điểm chung là động tác khỏe, vận động toàn cơ thể. Múa Chăm H’roi có ba loại: Múa hội làng (Mo chư rung cô), múa đâm trâu (Krông pao), múa đám cưới (Nhung prui). Về thể loại múa xoang có samơk, xoang Pơ Sat, xoang Grong, xoang Khieel, xoang Tưnôi. Múa tôm tắc thường được dùng trong các lễ đâm trâu xoáy cột, đám cưới. Ngoài ra còn có các điệu múa như múa đinh chinh, múa pakua đinh chinh, múa tahara, múa trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Hoạt động nghệ thuật của người Chăm Hồi giáo ở Nam Bộ bị hạn chế bởi tín ngưỡng Islam nên những hoạt động nghệ thuật như ca, múa, kịch,... chỉ được cộng đồng Chăm Islam ủng hộ trong những ngày Raya kết thúc tháng Ramadan, sinh nhật Mohammed, hoặc nhân dịp cưới hỏi,... cộng đồng. Người Chăm có nền nghệ thuật múa dân gian đặc sắc. Trong nghệ thuật múa dân gian Chăm, múa “thiêng” chiếm giữ một vị trí quan trọng. Thậm chí, có cả một hệ thống lễ hội mang tên lễ múa như: Rija Nưgar - lễ múa xứ sở đầu năm; lễ Rija Harei - lễ múa ban ngày; lễ Rija Dayau - lễ múa ban đêm; lễ Rija Praung - lễ múa lớn. Hầu hết các lễ hội Chăm đều có sự tham gia của các vũ sư như On Kaing (ông bóng), bà Muk Pajuw (bà bóng khu vực tôn giáo), bà bóng Muk Rija (bà bóng của dòng họ - bản thân tên gọi chức sắc cũng đã là “bà múa”, Rija trong tiếng Chăm có nghĩa là múa). _______________ 1. Lê Ngọc Canh, Tô Đông Hải: Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995. 2. NSND. Đặng Hùng: Nghệ thuật múa Việt Nam trong tôi, Sđd, tr.30.
  7. 556 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... Những phong cách múa truyền thống Chăm còn thể hiện trên các mảng điêu khắc như Vũ nữ Trà Kiệu, Apsara và các tượng thần Ấn Độ giáo như Siva, Uma, Brahma, Visnu... Các nhà biên đạo đã từng bước nghiên cứu những động tác múa cơ bản của múa dân gian, múa lễ Chăm và sử dụng vào các tác phẩm múa và gọi đó là múa cung đình. Tuy nhiên, để hiểu và để có những tác phẩm múa đích thực phát triển từ tâm hồn Chăm, các nhà biên đạo cần đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu tín ngưỡng của những điệu múa thiêng như các điệu múa phồn thực cầu mưa trong lễ Rija Nưgar, múa lên đồng đạp lửa của ông bóng (On Kaing), bà bóng (Muk Rija và Muk Pajuw), múa chèo thuyền (Po Tanghoh) trong các nghi lễ như Rija Nưgar, Rija Praung, Rija Djau, Rija Harei, v.v.. Tiếc rằng, đến nay, chưa có một nhà biên đạo múa nào nghiên cứu sâu và phát triển các điệu múa thiêng trong nghi lễ của người Chăm. 2. Quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Căn cứ vào những quan điểm, chỉ đạo của Trung ương, các địa phương vùng đồng bào Chăm sinh sống đã phát triển rõ rệt trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có nghệ thuật ca múa nhạc dân gian, các địa phương đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những vấn đề cần được bàn thảo, nghiên cứu và đầu tư các nguồn lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm tốt hơn. 2.1. Một số thành tựu Với đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những giá trị văn hóa dân gian Chăm đã được sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Các đoàn nghệ thuật và nhà hát ca múa nhạc chuyên nghiệp từ Trung ương đến các tỉnh miền Trung như Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận1, Nhà hát Ca múa Nhạc Biển Xanh (tỉnh Bình Thuận)2, Đoàn Hải Đăng (tỉnh Khánh Hòa), Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển (Phú Yên), Đoàn Ca múa nhạc Chim Yến (Quảng Ngãi), Đoàn Nghệ thuật Quân khu 5... đều có sử dụng chất liệu ca múa nhạc dân gian Chăm. Sự hình thành Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận, Đội văn nghệ Chăm huyện Bắc Bình với những nghệ nhân, diễn viên người Chăm là điều kiện tốt để khai thác, bảo lưu kho _______________ 1. Hiện nay Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận đã sáp nhập với Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Ninh Thuận, lấy tên là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận. 2. Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh tỉnh Bình Thuận có hai đoàn là Đoàn Ca múa nhạc và Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm.
  8. Phần thứ hai: THAM LUẬN CỦA CÁC BAN, BỘ, NGÀNH, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM... 557 tư liệu quý giá này, làm nơi sưu tầm khai thác và cung cấp tư liệu ca múa dân gian cho nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhà biên đạo múa, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng, Nghệ sĩ Ưu tú Thọ Thái, Nghệ sĩ Ưu tú Thu Vân, Đàng Quang Dũng, Dương Tấn Đức là những người có công đầu trong việc khai thác chất liệu múa dân gian Chăm và chuyên nghiệp hóa ngôn ngữ múa dân gian. Nhiều nhạc sĩ đã thành công trong việc sử dụng các cung bậc, âm hưởng của âm nhạc dân gian Chăm để làm chất liệu sáng tác như nhạc sĩ Amư Nhân, Hoài Sơn, Phan Quốc Anh, v.v. và gặt hái được những thành công nhất định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đã tổ chức định kỳ ba năm một lần Ngày hội Văn hóa Chăm toàn quốc. Đây là dịp để các địa phương có người Chăm sinh sống báo cáo những việc đã làm được trong những năm qua về việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chăm, là dịp để các vị chức sắc, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ dân gian Chăm có dịp gặp nhau trao đổi, thảo luận và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống Chăm. 2.2. Một số vấn đề cần quan tâm  Vấn đề “sáng tạo, cải biên” trong xây dựng tác phẩm ca múa nhạc dân gian Chăm ở các đoàn nghệ thuật Những năm gần đây xuất hiện xu hướng các nhà biên đạo múa sáng tạo nên những tác phẩm múa bằng cách biến tấu các phù điêu, tượng đá, hóa thân thành những vũ nữ bằng xương, bằng thịt bước ra khỏi đền đài tháp cổ như các điệu múa “Shiva”, “Apsara, vũ nữ Chăm”. Những điệu múa này có nhiều động tác, hình tượng mô phỏng các tư thế, dáng dấp của các vị thần Ấn Độ giáo nhưng lại chưa nghiên cứu sâu về tín ngưỡng tôn giáo. Thậm chí, trang phục và các động tác của các vũ nữ (tượng Shiva cách điệu và bước ra sân khấu) không bảo đảm được tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người Chăm và đã từng bị các nhà nghiên cứu văn hóa người Chăm lên tiếng phản đối. Một số đoàn nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương, từ chuyên nghiệp đến không chuyên, dàn dựng nhiều tác phẩm múa Chăm, nhưng những động tác múa (thậm chí cả trang phục, âm nhạc) không dựa trên ngôn ngữ cơ bản của múa và âm nhạc dân gian Chăm mà do các biên đạo, nhạc sĩ “nghĩ ra - bịa ra” hoàn toàn mới. Điều nghịch lý là đa số những tác phẩm “múa Chăm” này lại thường đoạt những giải cao, vì đó là múa “mang màu sắc dân gian, dân tộc”, và vì các giám khảo cũng không am tường thấu đáo về nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm, nên cứ thấy có màu sắc dân gian, dân tộc là cho điểm cao. Vì vậy, theo chúng tôi, cần có những công trình khoa học chuyên ngành nghiên cứu sâu và phổ biến rộng rãi các lĩnh vực của nghệ thuật dân gian Chăm (và của cả các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam) về âm nhạc, múa. Trong đó cần chú trọng đến yếu tố “thiêng”
  9. 558 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... trong tín ngưỡng tôn giáo của từng dân tộc. Có như vậy, chúng ta mới bảo tồn và phát huy đúng hướng di sản văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc.  Việc bảo tồn tư liệu và nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực nghệ thuật Các địa phương nơi đồng bào Chăm sinh sống đã có nhiều cố gắng để thực hiện việc bảo tồn; thành lập các thiết chế văn hóa như Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận và có thể thấy hiệu quả rất rõ trong quá trình hoạt động của các thiết chế văn hóa này. Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật dân gian các dân tộc cần có kế hoạch ứng dụng những tư liệu này vào việc xây dựng các chương trình ca múa nhạc vừa hiện đại, vừa mang đậm tính dân tộc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi ở các thiết chế văn hóa cấp tỉnh. Ở các làng Chăm hiện nay, có một thực tế là những tư liệu văn hóa dân gian Chăm, trong đó có ca múa nhạc dân gian đang thất truyền hằng ngày, hằng giờ. Những nghệ nhân tài giỏi - người mang trong mình kho tàng tri thức dân gian, hay những nghệ nhân hát dân ca, chế tác và sử dụng điêu luyện nhạc cụ truyền thống đã và đang dần ra đi. Nguy cơ mai một những tư liệu ca múa nhạc dân gian Chăm là rất lớn. Những chính sách hiện nay về bảo tồn tư liệu gốc, và ưu đãi các nghệ nhân trong việc trao truyền các “bí truyền” trong nghệ thuật dân gian đã có nhưng còn rất khiêm tốn. 3. Một số đề xuất, khuyến nghị 3.1. Tăng cường các đề tài nghiên cứu sâu về ngôn ngữ cơ bản của các loại hình âm nhạc và múa của các dân tộc, trong đó có dân tộc Chăm. Những tư liệu nghiên cứu cần được bổ sung vào giáo trình của các trường văn hóa nghệ thuật. Ví dụ như, giáo trình của nhạc viện cần có những ngôn ngữ cơ bản của âm nhạc dân gian Chăm, các làn điệu dân ca, các điệu trống, v.v. trường múa cần bổ sung những động tác cơ bản của múa dân gian Chăm. 3.2. Các nhạc sĩ, biên đạo cần có những đợt điền dã, đi sâu vào các vùng đồng bào Chăm để nghiên cứu cơ bản về nghệ thuật âm nhạc và múa dân gian Chăm, từ đó sẽ chọn lọc và sử dụng những cung bậc, động tác cơ bản của gốc rễ đích thực dân gian Chăm vào việc sáng tác những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật (mang tính hàn lâm, bác học), mang hơi thở của thời đại. 3.3. Tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật dân gian Chăm ở các tỉnh Nam Trung Bộ, đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng trong các palei Chăm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để góp phần vào xây dựng đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Phong trào này sẽ là cái nôi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống Chăm.
  10. Phần thứ hai: THAM LUẬN CỦA CÁC BAN, BỘ, NGÀNH, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM... 559 3.4. Tăng cường đầu tư xây dựng, củng cố Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận để Trung tâm thực sự trở thành nơi nghiên cứu, cung cấp tư liệu văn hóa dân gian Chăm về mọi mặt. * * * Văn hóa được coi như cái van để điều chỉnh sự phát triển cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Xã hội muốn phát triển, trước hết phải ổn định. Muốn ổn định phải xây dựng được đời sống/nền tảng vật chất và tinh thần xã hội ổn định. Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm đang giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần trong cộng đồng người Chăm. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa vào việc đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm, góp phần vào việc củng cố nền tảng tinh thần xã hội của các dân tộc Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Quốc Anh: Giáo trình văn hóa Chăm, Nxb. Đại học Quốc gia, Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2019. [2] Phan Quốc Anh: Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010. [3] Lê Ngọc Canh: Văn hóa dân gian, những thành tố, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999. [4] Lê Ngọc Canh, Tô Đông Hải: Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995. [5] Đặng Hùng: Bước đầu tìm hiểu, phục hồi múa cung đình Chăm, Trung tâm Văn hóa dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, 1998. [6] NSND. Đặng Hùng: Nghệ thuật múa Việt Nam trong tôi, Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2010. [7] Bùi Đức Hùng, Phan Quốc Anh, Võ Công Nguyện, Phú Văn Hẳn (Đồng chủ biên): 40 năm nghiên cứu văn hóa Chăm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015. [8] Hoàng Tâm Xuyên (Chủ biên): Mười tôn giáo lớn trên thế giới. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. [9] Thông tri số 03-TT/TW ngày 17/10/1991 về Công tác đối với vùng đồng bào Chăm. [10] Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 16/7/1998. [11] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
  11. 560 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... [12] Chỉ thị số 121-CT/TW ngày 26/1/1981 về Công tác đối với vùng đồng bào Chăm. [13] Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận: Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, 2021. [14] Tổng cục Thống kê: Kết quả toàn bộ tổng điểu tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb. Thống kê, 2020. [15] Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2