VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN KỊCH TÀO NGU Ở VIỆT NAM<br />
Vương Hoài Lâm1<br />
<br />
<br />
Đặt vấn đề<br />
Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, mối quan hệ Việt Nam - Trung<br />
Quốc đã sớm định hình và biểu hiện khăng khít với nhau trên nhiều phương diện đời<br />
sống văn hóa, văn học. Từ thời kỳ trung đại, văn học Việt Nam đã học tập và tiếp thu ở<br />
Trung Hoa nhiều luồng tư tưởng triết học - văn học, nhiều hình thức thể loại văn chương.<br />
Chúng ta dễ dàng nhận thấy tinh hoa của thơ ca Trung Hoa thời trung đại là thơ<br />
Đường luật đã được vận dụng rộng rãi bởi nhiều thế hệ văn nhân Việt Nam. Trong đó, có<br />
những sáng tác đảm bảo tính chuẩn mực thi luật gốc mẫu, song cũng có những hình thức<br />
sáng tạo riêng dựa theo phong cách cá nhân cũng như thể hiện tinh thần dân tộc. Văn học<br />
cổ điển Việt Nam càng không thể không công nhận ảnh hưởng của các thể văn xuôi<br />
Trung Quốc như Phú, Chiếu, Biểu, Cáo, Hịch, Tựa, Truyền kỳ, Tiểu thuyết chương hồi…<br />
đến văn học dân tộc. Không những vậy, ta còn nhận thấy mối quan hệ tiếp biến sâu sắc<br />
của Hý khúc Trung Quốc ở các thời kỳ Nam Tống, Liêu, Kim, đặc biệt là Hý khúc<br />
Nguyên - Minh đến thể loại sân khấu cổ điển dân tộc: Tuồng - Hát bội.<br />
Sự tương giao về mặt loại thể nêu trên cho ta thấy tác động ảnh hưởng qua lại và<br />
mối liên hệ mật thiết giữa hai nền văn học Việt Nam - Trung Quốc trên cả ba phương<br />
diện: thơ, văn xuôi và kịch văn học. Tuy nhiên, trong sinh hoạt học thuật và nghiên cứu<br />
văn học, trước nay vẫn còn tình trạng chú trọng nhiều hai mảng thơ và văn xuôi. Trong<br />
khi đó, kịch văn học, một loại thể văn học khác lại thiếu sự quan tâm thích đáng. Kịch nói<br />
Trung Quốc với tuổi đời gần 100 năm, trong thời kỳ giao lưu mở cửa đã có ít nhiều ảnh<br />
hưởng đến sự sôi động của kịch nói dân tộc. Đó là một tình trạng đáng để lưu tâm tìm<br />
hiểu.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
1<br />
NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM<br />
<br />
1/11<br />
Vấn đề tiếp nhận kịch Tào Ngu ở Việt Nam là những nghiên cứu phác thảo ban đầu,<br />
về giá trị và tầm ảnh hưởng của kịch tác gia Tào Ngu - một trong những ngọn cờ tiên<br />
phong của văn học kịch Trung Quốc hiện đại - đối với nền kịch nói Việt Nam.<br />
<br />
<br />
Kịch tác gia Tào Ngu trong tiến trình văn học kịch Trung Quốc hiện đại<br />
Kịch tác gia Tào Ngu (1910 - 1996) là một nhà nghiên cứu, một nhà cách tân sân<br />
khấu hiện đại của Trung Quốc. Ông được mệnh danh là “Shakespeare của Trung Hoa”.<br />
Nhiều kịch bản văn học của ông đã đi sâu vào lòng bao thế hệ khán giả Trung Quốc cũng<br />
như trên thế giới. Trong đó, Lôi vũ (雷雨 - 1933) được xem là đỉnh cao nghệ thuật kịch<br />
nói hiện đại Trung Quốc, được công diễn nhiều nhất trong các thời kỳ.<br />
Tài năng và sức sáng tạo sâu rộng của Tào Ngu trong lĩnh vực văn học kịch Trung<br />
Quốc hiện đại là kết quả của sự hun đúc nhiều nhân tố khách quan và chủ quan. Từ thời<br />
niên thiếu, Tào Ngu đã sớm tiếp xúc với nghệ thuật sân khấu truyền thống và bộc lộ<br />
những thiên bẩm sân khấu đầy tiềm năng. Thời Trung học ông từng tham gia hoạt động<br />
của đoàn Tân kịch Trung học Nam Khai, tổ chức cách tân sân khấu theo khuynh hướng<br />
Tây phương, hoạt động vững mạnh ở miền bắc Trung Quốc. Vai trò của một người diễn<br />
viên đã trang bị cho Tào Ngu có được những nhận thức sắc bén về đời sống sân khấu<br />
rộng lớn của một nhà soạn kịch.<br />
Sau đó, khi theo học Văn học phương Tây ở Đại học Thanh Hoa - Bắc Kinh. Tào<br />
Ngu say mê thưởng thức các tác phẩm kịch của những kịch tác gia vĩ đại trên thế giới<br />
như Aeschylus, Shakespeare, Chekhov, Henrik Ibsen, George Bernard Shaw và Eugene<br />
O’ Neill. Ông đặc biệt ngưỡng mộ lý tưởng dùng kịch nói như là một công cụ để phơi<br />
bày hiện thực xã hội của các nhà soạn kịch trên và hướng bản thân theo khuynh hướng đó<br />
để xây dựng những tác phẩm đầu tay của mình.<br />
Xuất thân trong một gia đình phong kiến suy sụp, bản thân từng trải qua những<br />
biến động thăng trầm của lịch sử, công thêm một tâm hồn bén nhạy mẫn cảm với những<br />
biến đổi của thời cuộc, ông có điều kiện “mắt thấy tai nghe” hiện thực cực kỳ hủ bại, thối<br />
nát của xã hội đương thời. Diện mạo ấy đã được ông đưa vào trong những tác phẩm kịch<br />
của mình. Những trăn trở về thời thế, về con người, về đời sống nhân văn đã nhanh chóng<br />
2/11<br />
được thai nghén và cho ra đời kiệt tác Lôi vũ (雷雨 - 1933) và theo sau đó là những kịch<br />
bản có nội dung sâu sắc như Nhật xuất (日出 - 1935), Nguyên dã (原野 - 1936), Thuế<br />
biến (蜕变 - 1940), Bắc Kinh nhân (北京人 - 1941), vở kịch chuyển thể từ tiểu thuyết<br />
<br />
Kích lưu tam bộ khúc của Ba Kim: Gia (家 - 1942)…<br />
Khởi nguồn văn học kịch Trung Quốc là loại hình sân khấu kịch hát truyền thống<br />
đặc trưng: thể loại hý khúc. Nghệ thuật sân khấu hý khúc Trung Quốc là một loại hình<br />
nghệ thuật có bề dày lịch sử lâu đời gần 800 năm thăng trầm, không ngừng biến đổi. Đầu<br />
thế kỷ XX, do đế quốc Đại Thanh đang trên đường suy tàn, một loạt những nguyên nhân<br />
khách quan và chủ quan đã tạo điều kiện cho kịch nói phương Tây thâm nhập vào đời<br />
sống văn nghệ Trung Quốc. Trong sự va chạm quyết liệt giữa văn hóa Trung Quốc và<br />
phương Tây, một hiện tượng văn học nghệ thuật nảy sinh như biểu hiện của một hình<br />
thức quá độ, đó là sự xuất hiện của “kịch văn minh”. Dần dần “kịch văn minh” tạo tiền đề<br />
cho sự ra đời của tân kịch “Ngũ Tứ”. Năm 1928, nhà soạn kịch Hồng Thâm đã định danh<br />
tân kịch này là “thoại kịch” (tức kịch nói). Sự xuất hiện của kịch nói hiện đại đã xác lập<br />
một nền văn học kịch hiện đại trong đó kịch nói đóng vai trò chủ thể.<br />
Là một kịch tác gia trưởng thành từ những ngày đầu kịch nói Trung Quốc ra đời,<br />
Tào Ngu đã đóng vai trò không nhỏ trong tiến trình văn học kịch hiện đại Trung Quốc.<br />
Với những tác phẩm kịch của mình, Tào Ngu đã tham gia vào việc định hình và phát triển<br />
một nền văn học kịch mang dáng dấp Trung Hoa, có ý nghĩa hiện thực sâu rộng.<br />
<br />
<br />
Kịch Tào Ngu trong hoạt động dịch thuật ở Việt Nam<br />
“Khi nhà văn kết thúc trang viết cuối cùng của tác phẩm thì lúc đó tác phẩm mới<br />
bắt đầu vòng đời của nó, như đứa con được cắt rốn khỏi lòng mẹ”(Huỳnh Như Phương<br />
(2010), Lý luận văn học (Nhập môn), NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ<br />
Chí Minh, tr. 188), đó chính là quan niệm của lý thuyết tiếp nhận hiện đại về tác phẩm<br />
văn học. Ra đời từ những năm thập niên 30, 40 của thế kỷ XX trong bối cảnh xã hội giao<br />
thời ở Trung Quốc, những kịch bản của Tào Ngu đã thực hiện cuộc du hành qua không<br />
gian và thời gian để khẳng định vị trí của mình trong một nền văn học khác. Quá trình<br />
<br />
3/11<br />
tiếp thu và tri nhận đó đòi hỏi sự tham gia tích cực của hoạt động dịch thuật văn học nước<br />
ngoài, cụ thể là văn học Trung Quốc, ở Việt Nam.<br />
Bắt đầu sự nghiệp sáng tác kịch nói từ những ngày còn là sinh viên, cho đến cuối<br />
đời tác giả Tào Ngu đã để lại một số lượng không nhỏ các kịch bản văn học. Sau ngày<br />
chiến tranh giải phóng thành công, Nhân dân văn học xuất bản xã đã cho tập họp và xuất<br />
bản một tập Tào Ngu kịch bản tuyển. Tuyển tập này đã lựa chọn ba kịch bản quan trọng<br />
trong sự nghiệp sáng tác của Tào Ngu là Lôi vũ, Nhật xuất và Bắc Kinh nhân. Sự lựa<br />
chọn ngẫu nhiên hai tác phẩm thời kỳ đầu (Lôi vũ - 1933, Nhật xuất - 1935) và một tác<br />
phẩm sáng tác trong giai đoạn cao trào kháng Nhật (Bắc Kinh nhân - 1941) của tác giả đã<br />
cho thấy tầm quan trọng và giá trị tương đồng của cả ba. Tuy nhiên, các kịch bản trên dù<br />
mang những nội hàm nghệ thuật tinh tế, sâu sắc nhưng hẳn là chúng sẽ không thể xác lập<br />
vị trí của mình trong lòng nhiều độc giả, khán giả Việt Nam nếu không có công lao đóng<br />
góp to lớn của dịch giả Đặng Thai Mai và dịch giả Nguyễn Kim Thản. Thông qua hoạt<br />
động dịch thuật có trách nhiệm của các dịch giả, ba kịch bản này đã được đem đến cho<br />
người tiếp nhận Việt Nam, đặt được nền tảng về chất lượng nội dung trong tổng quan văn<br />
học nước ngoài ở Việt Nam.<br />
Giáo sư Đặng Thai Mai là một nhà cách mạng, nhà nghiên cứu đồng thời cũng là<br />
một nhà văn hóa có sự quan tâm đặc biệt đối với nền văn học - nghệ thuật Trung Quốc,<br />
nhất là nền văn học mới sau cuộc vận động Ngũ Tứ (1919). Bởi lẽ, nền văn học thời kỳ<br />
này là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng do giai cấp vô sản lãnh<br />
đạo. Giới thiệu văn học Trung Quốc từ Ngũ Tứ vận động chính là cách mà người chiến sĩ<br />
Đặng Thai Mai trình bày quan điểm của giai cấp vô sản về văn học và cách mạng trên<br />
báo chí công khai.<br />
Từ những luận giải nêu trên, chúng ta đã ngầm đoán định được những động cơ<br />
tiếp nhận của dịch giả Đặng Thai Mai khi lựa chọn kịch Tào Ngu để dịch và giới thiệu tại<br />
Việt Nam. Chỉ riêng kịch bản Lôi vũ, dịch giả Đặng Thai Mai đã có đến hai lần đọc,<br />
chỉnh lý và viết lời nói đầu cho bản dịch. Tương tự thế, kịch bản Nhật xuất của Tào Ngu<br />
cũng đã được ông dịch, chỉnh lý và viết lời nói đầu. Đồng thời ông còn đảm nhiệm vai trò<br />
<br />
<br />
4/11<br />
duyệt và viết lời giới thiệu cho kịch bản Người Bắc Kinh (Bắc Kinh nhân) mà dịch giả<br />
Nguyễn Kim Thản đã phiên dịch.<br />
Khoảng cuối năm 1955, trong dịp được tham gia cùng đoàn nhà văn, nhà báo<br />
Việt Nam sang thăm Trung Quốc, dịch giả Đặng Thai Mai đã có điều kiện gặp gỡ, đối<br />
thoại với chính nhà soạn kịch Tào Ngu tại Bắc Kinh. Cuộc gặp gỡ này đã góp phần giúp<br />
cho dịch giả tiệm cận được với tư tưởng, thiên hướng sáng tạo của tác giả Tào Ngu. Đây<br />
chính là một kênh giao lưu thiết thực để Đặng Thai Mai có thể hình dung chính xác hơn<br />
nữa chân trời đón đợi mà Tào Ngu cụ thể hóa trong những kịch bản của mình, giúp kết<br />
quả của thao tác phiên dịch đạt hiệu quả cao hơn trong các lần chỉnh lý.<br />
Dưới góc độ lý thuyết tiếp nhận, khi dịch kịch bản Lôi vũ, lẫn Nhật xuất Đặng<br />
Thai Mai phải đảm bảo quy tắc sự “song trùng thân phận”. Theo đó, dịch giả tất yếu phải<br />
đối diện cùng lúc với hai lần tiếp nhận. Thứ nhất là dịch giả phải tham gia thể nghiệm vai<br />
trò người đọc tiềm ẩn của tác giả, tìm kiếm một tần số cộng hưởng tinh thần với tác giả,<br />
để phát hiện và chuyển tải được ý tưởng của nguyên tác vào trong bản dịch. Thứ hai, dịch<br />
giả phải định hướng được tầm đón của công chúng. Bởi “việc họ chọn dịch tác phẩm nào<br />
thể hiện hứng thú, mối quan tâm không chỉ của họ mà cả của công chúng” (Trần Thị<br />
Quỳnh Nga (2010), Tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỷ XIX ở Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà<br />
Nội, tr. 13).<br />
Trong các bản dịch của Đặng Thai Mai, bút pháp nghệ thuật ở thời kỳ đầu của<br />
Tào Ngu hiện ra rõ ràng. Ra đời trong khoảng thời gian còn là sinh viên năng lực phác<br />
họa của tác giả còn hằn sâu dấu vết của văn chương. Trong Luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật<br />
kịch Tào Ngu, Lưu Thu Hương đã từng đánh giá: “kịch bản của Tào Ngu vừa thích hợp<br />
để diễn xuất, vừa thích ứng với người đọc… là những áng văn chương, những tác phẩm<br />
văn học đích thực” (Lưu Thu Hương (2006), Nghệ thuật kịch Tào Ngu, NXB Khoa học<br />
Xã hội, Hà Nội, tr. 19-20).<br />
Về phong cách dịch, ngôn ngữ dịch giả sử dụng hoàn toàn thuần chất Bắc bộ. Từ<br />
địa phương đậm đặc tính vùng miền. Trong một sự ngẫu nhiên, chất “bắc” lại phù hợp<br />
hơn cả với hai kịch bản vốn lấy bối cảnh miền Bắc Trung Quốc. Tùy theo từng bối cảnh,<br />
<br />
<br />
5/11<br />
từng đối tượng sử dụng, trong mỗi kịch bản, dịch giả đã có sự linh hoạt dịch trung thành<br />
hay dịch thoát ý sao cho bản dịch đạt được hiệu quả chuyển tải kịch bản gốc cao nhất.<br />
“Vở kịch đã làm sôi nổi dư luận lên một dạo. Làng kịch của ta vốn rời rạc, bỗng<br />
hoạt động hẳn lên như một con bệnh được tiếp máu. Tôi vẫn thường nói với mình rằng,<br />
sở dĩ công chúng Việt Nam hoan nghênh nhiệt liệt Tào Ngu như thế là có phần đóng góp<br />
của ông Đặng Thai Mai. Và phần đóng góp đó không phải là nhỏ”. Đó là những nhận xét<br />
của Giáo sư Trương Chính khi bàn về vở kịch Lôi vũ. (Dẫn theo Nguyễn Văn Hiệu, “Tìm<br />
hiểu nghiên cứu, giới thiệu văn học Trung Quốc hiện đại ở Việt Nam trước Cách mạng<br />
tháng Tám 1945”).<br />
Năm 2006, nhà xuất bản Sân khấu xây dựng một kế hoạch và cho ra mắt Tủ sách<br />
kiệt tác sân khấu thế giới. Trong đó bao gồm 100 tác phẩm sân khấu, có ảnh hưởng lớn<br />
không chỉ về sân khấu mà còn đến sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong số<br />
những tác phẩm sân khấu hiện đại Trung Quốc được nêu tên trong Tủ sách, hai tác phẩm<br />
của Tào Ngu là Lôi vũ và Nhật xuất cũng được vinh dự giới thiệu, thông qua hai bản dịch<br />
của dịch giả Đặng Thai Mai.<br />
Chính tầm ảnh hưởng và sức sống dài lâu đó của hai bản dịch đã cho thấy hiệu quả<br />
sự tiếp nhận kịch Tào Ngu trong lòng công chúng Việt Nam.<br />
Tương tự như thế đối với kịch bản Bắc Kinh nhân, thông qua việc phân tích những<br />
sáng tạo thẩm mỹ của bản dịch, chúng ta vẫn xác định được vai trò “song trùng thân phận”<br />
của dịch giả dựa trên góc độ lý thuyết tiếp nhận.<br />
Tuy nhiên, riêng với bản dịch Bắc Kinh nhân này, chúng tôi còn đề xuất thêm<br />
nhân tố quán tính của sự tiếp nhận những bản dịch trước (Lôi vũ và Nhật xuất). Như vậy,<br />
chúng tôi có cơ sở tin rằng Nguyễn Kim Thản dịch Bắc Kinh nhân cũng có phần dựa trên<br />
sự kế thừa hoạt động dịch của Đặng Thai Mai ở Lôi vũ và Nhật xuất. Trong thực tế, bản<br />
dịch này được chính Giáo sư Đặng Thai Mai duyệt, vì vậy dấu ấn tiếp nhận của Đặng<br />
Thai Mai không thể không có.<br />
Trong bối cảnh lịch sử những năm 40, 50 của thế kỷ trước, kịch nói cũng như văn<br />
học Việt Nam thường chú ý đến mặt nội dung của tác phẩm nói được điều gì, chứ không<br />
quan tâm nhiều đến mạch nghệ thuật trừu tượng của tác phẩm. Đó chính là lý do vì sao<br />
<br />
6/11<br />
Bắc Kinh nhân ra đời từ năm 1941, năm 1955 giáo sư Đặng Thai Mai đã có nguyên tác<br />
kịch bản trong tập Tào Ngu kịch bản tuyển, nhưng mãi đến năm 1963 mới có bản dịch<br />
xuất hiện ở Việt Nam.<br />
Hơn nữa, kịch bản Bắc Kinh nhân phức tạp hơn Lôi vũ và Nhật xuất ở chỗ kịch<br />
bản này chứa đựng khá nhiều những nhân tố biểu tượng thuộc loại thể kịch văn học. Lý<br />
thuyết tiếp nhận cho rằng loại hình tác phẩm được tiếp nhận quyết định quan trọng đến<br />
phương thức tiếp nhận. Như vậy, tiếp nhận kịch bản Bắc Kinh nhân còn phải chú trọng<br />
giá trị của hệ thống những yếu tố mang đặc trưng động hình hoá, trực quan hóa của loại<br />
thể kịch văn học.<br />
Về phong cách dịch, bản dịch vẫn đậm dấu ấn Bắc bộ, nhưng đó lại là màu sắc<br />
Bắc bộ hiện đại, vốn từ đã thuộc vào toàn dân. Ngoài ra, vì không phải là người làm văn<br />
chương nên văn phong của ông gãy gọn, khúc chiết, từ ngữ vận dụng linh hoạt nhưng vẫn<br />
không làm mất đi màu sắc “lý tính” vốn có ở một kịch bản thuần thục của Tào Ngu.<br />
Với ba bản dịch Lôi vũ, Nhật xuất và Bắc Kinh nhân, chúng ta đã nhận thấy một<br />
sự tiếp nhân tinh tế, có chiều sâu, có trách nhiệm về kịch Tào Ngu. Những bản dịch này<br />
đã thực sự khẳng định vai trò không nhỏ của nó trong việc giới thiệu và nghiên cứu kịch<br />
Tào Ngu ở Việt Nam. Hơn thế nữa, điều đó còn là một sự định hướng khả quan cho việc<br />
tiếp nhân các kịch bản có gia trị khác của Tào Ngu.<br />
<br />
<br />
Kịch Tào Ngu trong đời sống sân khấu ở Việt Nam<br />
“Tác giả mơ thấy một tác phẩm, ông viết ra một tác phẩm thứ hai, các diễn viên<br />
trình diễn một tác phẩm thứ ba và khán giả được xem một tác phẩm thứ tư” (Đình Quang<br />
tuyển dịch (2003), Về mỹ học và văn học kịch (theo các tác giả phương Tây), NXB Sân<br />
khấu, Hà Nội, tr. 16). Từ trước đến nay cả những nhà soạn kịch lẫn những người nghiên<br />
cứu sân khấu đều công nhận mối liên hệ mật thiết giữa kịch bản và nghệ thuật sân khấu.<br />
Tuy nhiên, kịch bản không thể thay thế và bộc lộ được đầy đủ vẻ đẹp của một tác phẩm<br />
kịch như khi được trình diễn trên sân khấu. Và đối tượng kịch Tào Ngu cũng không phải<br />
là một ngoại lệ. Trên sân khấu kịch nói Việt Nam, có lẽ kịch Tào Ngu được biết đến<br />
<br />
<br />
7/11<br />
nhiều nhất là chính là Lôi vũ. Hầu như mọi cứ liệu về dàn dựng kịch Tào Ngu ở Việt<br />
Nam mà chúng tôi thu thập đều xoay quanh kịch bản Lôi vũ.<br />
Cũng như các quốc gia phương Đông khác, kịch nói bắt đầu du nhập vào Việt<br />
Nam từ đầu thế kỷ XX. Ban đầu, loại hình này được gọi là “kịch Tây”, “kịch Thái Tây”,<br />
“kịch drame”, dần dần mới được chung là “thoại kịch” (kịch nói), để phân biệt với các<br />
loại hình kịch hát bản địa. Sở dĩ có tên gọi “Thái Tây” vì kịch nói Việt Nam ra đời, về cơ<br />
bản, trên nền tảng nghệ thuật sân khấu phương Tây, mà kịch nói là chủ thể. Kịch nói Việt<br />
Nam xem cột mốc năm 1921 là thời điểm khai sinh kịch nói dân tộc, và vở diễn Chén<br />
thuốc độc của Vũ Đình Long là vở kịch đánh dấu sự mở đầu cho kịch nghệ Việt Nam. Từ<br />
đó đến nay, kịch nói Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển dài lâu, qua nhiều giai đoạn,<br />
chặng đường. Sự phân kỳ lịch sử kịch nói cũng tương tự sự phân kỳ văn học sử chia làm<br />
ba thời kỳ cơ bản: trước Cách mạng tháng Tám 1945, 1945 - 1975, từ 1975 đến nay. Đời<br />
sống của kịch bản Lôi vũ trên sân khấu kịch nói Việt Nam bắt đầu nở rộ trong bối cảnh<br />
chặng đường từ năm 1985 (sau Hội diễn sân khấu toàn quốc) đến nay.<br />
Phác họa khung cảnh kịch nói chặng đường này, tác giả Phan Trọng Thưởng<br />
(“Tổng quan tiến trình văn học kịch Việt Nam nửa sau thế kỷ XX”, Nhìn lại văn học Việt<br />
Nam thế kỷ XX, tr. 586) nhận định: “Công chúng bắt đầu đến sân khấu để giải trí chứ<br />
không còn đến với sân khấu để tìm kiếm câu trả lời như trước đây. Thậm chí có người<br />
còn tỏ ra ghẻ lạnh với sân khấu. Trong cơ chế thị trường, trước sức mạnh ồ ạt của của các<br />
loại hình nghệ thuật và các phương tiện thông tin đại chúng khác, sân khấu kịch lâm vào<br />
cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 5 năm cuối thế kỷ XX”. Sự tiếp nhận kịch Tào Ngu trên<br />
sân khấu đã diễn ra trong một hoàn cảnh đầy “vấn đề” như thế.<br />
Sự thành công của kịch bản Lôi vũ trên sân khấu Việt Nam thường gắn liền với<br />
một hiện tượng sân khấu nảy sinh vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX: loại<br />
hình sân khấu nhỏ. Một cách khái quát, khái niệm “sân khấu nhỏ” được đặt ra để phân<br />
biệt với loại hình “sân khấu lớn” vẫn tồn tại xưa nay, xuất hiện đầu tiên tại thành phố Hồ<br />
Chí Minh, cụ thể là tại Câu lạc bộ thể nghiệm của Hội Sân khấu thành phố. Về phương<br />
diện hình thức, không gian diễn của sân khấu nhỏ chỉ là một gian phòng. Về phương diện<br />
nghệ thuật biểu diễn, người diễn viên phải tập trung trau dồi diễn xuất để đảm bảo sao<br />
<br />
8/11<br />
cho khán giả nghe thật rõ những điều họ nói, thấy thật rõ những cử chỉ nhằm biểu đạt nội<br />
dung, thể hiện nội tâm, tình cảm nhân vật.<br />
Làm công tác đạo diễn cho vở kịch, đạo diễn Hoa Hạ phải đầu tư nhiều vào việc<br />
rút gọn nội dung trong thời lượng một vở kịch hiện đại cho phép. Chủ yếu trong việc thu<br />
gọn chính là lược bớt những đoạn lời thoại dung lượng lớn. Bên cạnh đó, đạo diễn Hoa<br />
Hạ đã có những sáng tạo nghệ thuật hết sức tài tình đối với kịch bản này, đó là sự sân<br />
khấu hóa cuộc tình của Chu Bình và Phồn Y, Chu Bình và Lỗ Tứ Phượng bằng những<br />
đoạn cảnh vũ đạo. Không những vậy, trong kịch bản của Tào Ngu, so với Nhật xuất hay<br />
Bắc Kinh nhân, Lôi vũ chưa có một cái kết kịch tính. Hoa Hạ đã mạnh dạn rút bỏ những<br />
lối “diễn” dông dài mà tăng mức độ dồn dập của sự kiện cuối vở kịch, tạo độ căng tuyệt<br />
đối cho một kết thúc hấp dẫn. Chính ý định táo bạo, đúng đắn đó đã giúp kịch bản thành<br />
công và có sức gợi cao, tạo dấu ấn sâu đậm ở người xem.<br />
Những thành công trong khâu dàn dựng của đạo diễn và khâu diễn xuất của người<br />
diễn viên mà chúng tôi trình bày ở trên cho thấy con đường tiếp nhận Lôi vũ của đội ngũ<br />
làm công tác chuyển ngữ từ kịch bản sang vở diễn trên sân khấu. Ở đó, chúng ta vừa<br />
nhận thấy sự dung hợp tầm nhìn giữa văn bản tác phẩm với tầm đón của người đọc, theo<br />
quan niệm Mỹ học tiếp nhận hiện đại. Hơn nữa, người đọc cụ thể ở đây (đạo diễn Hoa Hạ<br />
và đội ngũ diễn viên Lôi vũ) đã phát huy được cá tính sáng tạo để bổ sung những điểm<br />
chưa xác định trong kịch bản.<br />
Bên cạnh các phiên bản dàn dựng Lôi vũ trong mô hình sân khấu nhỏ, chúng tôi<br />
còn đi vào khảo sát và mô tả những phiên bản dàn dựng của những nghệ sĩ cải lương, của<br />
nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua những phiên bản dàn dựng này, chúng tôi<br />
phân tích những điểm hợp lý và chưa hợp lý trên bình diện diễn xuất, dàn dựng do những<br />
khác biệt về tầm đón nhận của mỗi đối tượng tạo ra. Đặc biệt, mặc dù từ trước đến nay,<br />
kịch Tào Ngu chưa bao giờ được giới thiệu đến cho sinh viên, học sinh ở các cấp Phổ<br />
thông cũng như môi trường Đại học. Tuy nhiên, trong qua trình tìm hiểu chúng tôi nhận<br />
thấy một tín hiệu đáng mừng là kịch Tào Ngu đang dần dần chiếm được sự quan tâm nhất<br />
định của sinh viên Việt Nam.<br />
<br />
<br />
9/11<br />
Không dừng lại ở loại hình kịch nói, sự tiếp nhận kịch Tào Ngu ở Việt Nam còn<br />
diễn ra trong đời sống của một loại hình sân khấu đặc trưng của vùng Nam bộ Việt Nam<br />
– sân khấu cải lương. Sự tiếp nhận gắn liền với một vấn đề: Vấn đề “cải lương hóa” kịch<br />
bản kịch nói. “Cải lương hóa” kịch bản kịch nói mà chúng tôi đặt ra ở đây thực ra có bản<br />
chất là sự chuyển thể tác phẩm kịch nói sang loại hình cải lương. Sở dĩ chúng tôi không<br />
dùng “vấn đề chuyển thể” bởi vì chúng tôi quan niệm quá trình chuyển thể là một bình<br />
diện chuyển ngữ văn hóa loại hình nghệ thuật. Mà tiêu chí phân loại nghệ thuật xưa nay<br />
vẫn lấy chất liệu tạo dựng làm cơ sở phân chia. Theo đó, văn học là nghệ thuật của ngôn<br />
từ, âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, điện ảnh là nghệ thuật của hình ảnh và những<br />
hiệu ứng hình ảnh, hội họa là nghệ thuật của màu sắc - đường nét, và sân khấu là nghệ<br />
thuật của sự trình diễn. Nói như vậy, hoạt động chuyển thể chính là công tác đem một tác<br />
phẩm thuộc loại hình nghệ thuật này biến đổi thành một loại hình nghệ thuật khác. Tức là<br />
hình thái biểu hiện ở đây đi từ ngôn ngữ biểu hiện này sang biểu hiện ngôn ngữ khác.<br />
Trong khi đó, cả kịch nói lẫn cải lương đều thuộc phạm vi nghệ thuật sân khấu, nên cách<br />
đặt “vấn đề chuyển thể” là không phù hợp. Do vậy, chúng tôi chỉ xem xét việc biến đổi<br />
ngôn ngữ của tác phẩm kịch thành tác phẩm cải lương ở mức độ “cải lương hóa” kịch bản<br />
kịch nói mà thôi.<br />
Thông qua sự phân tích về tác động tương quan, tương hỗ giữa cải lương và kịch<br />
nói nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng giữa hai loại hình sân khấu này, ngoài mối<br />
liên hệ mật thiết, còn bao hàm trong đó tính độc lập cơ bản về hình thức biểu hiện. Nói<br />
như vậy, “cải lương hóa” kịch bản kịch nói là một hoạt động đòi hỏi nhiều yếu tố cần và<br />
đủ để nó có thể khả thi. Dựa vào các tiền đề trình bày trên, chúng tôi có thể xác định<br />
những điều kiện cần và đủ đó là biểu hiện tính ổn định tương đối trên ba phương diện<br />
phương thức biểu hiện, hình thái thẩm mỹ và phương thức tiếp nhận.<br />
Trên cơ sở những lập luận trên cũng như phân tích những động năng tiềm ẩn của<br />
kịch bản Lôi vũ, chúng tôi đã trình bày những tiền đề “cải lương hóa” kịch bản vốn đã<br />
“thành danh” trên sân khấu kịch nói này. Tiếp đến chúng tôi khảo sát và mô tả những<br />
phiên bản dàn dựng cải lương Nam và cải lương Bắc để đưa ra một vài nhận định sơ bộ.<br />
Không những vậy, sự tiếp nhận kịch bản Lôi vũ trong sân khấu cải lương còn hé mở một<br />
<br />
10/11<br />
hình thức tiếp nhận đặc biệt – tiếp nhận qua kênh gián tiếp là điện ảnh Trung Quốc. Kịch<br />
bản Lôi vũ, với cấu trúc vẫn gọi hấp dẫn của nó đã thu hút đạo diễn nổi tiếng Trương<br />
Nghệ Mưu thực hiện bộ phim Hoàng kim giáp. Với Hoàng kim giáp, kịch bản Lôi vũ của<br />
Tào Ngu từ thời hiện đại đã thực hiện cuộc dịch chuyển bối cảnh lùi về thời Ngũ đại<br />
trong lịch sử Trung Quốc. Lấy ý tưởng từ bộ phim điện ảnh này, soạn giả Phạm Thái<br />
Nguyên và đạo diễn Nguyễn Minh Phương đã dàn dựng bộ DVD cải lương nhan đề Điểu<br />
nhi - Địa ngục môn. Trên thực tế, kịch bản Điểu nhi - Địa ngục môn chỉ mô phỏng hình<br />
thức biểu hiện và không khí xã hội của bộ phim Hoàng kim giáp, còn nội dung cốt truyện,<br />
hệ thống tình tiết không khác kịch bản Lôi vũ là mấy. Tiếp nhận kịch Tào Ngu qua một<br />
kênh trung gian như vậy càng cho thấy tầm ảnh hưởng của kịch và khả năng tìm kiếm<br />
một chân trời đón đợi mới của nó.<br />
Một loạt những hình thức tiếp nhận phong phú nêu trên cho thấy tầm phổ quát<br />
rộng rãi của kịch Tào Ngu trên sân khấu Việt Nam. Chỉ riêng một kịch bản Lôi vũ thôi,<br />
khi bước lên sàn diễn Việt Nam đã biến hóa thành nhiều diện mạo khác nhau. Điều đó<br />
khẳng định khả năng biểu hiện của kịch Tào Ngu trên phương diện đời sống sân khấu<br />
không thua kém gì kịch bản dịch của ông.<br />
Kết luận<br />
Trong tiến trình kịch nghệ Trung Quốc, kịch tác gia Tào Ngu xuất hiện và nổi lên<br />
như một hiện tượng đặc biệt. Ông là nhà cách tân sân khấu, có nhiều tâm huyết đóng góp<br />
cho nền sân khấu hiện đại Trung Quốc. Vượt ra khỏi ranh giới đại Trung Hoa, kịch Tào<br />
Ngu với một nội lực tiến bộ, đã nhanh chóng lan ra phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn.<br />
Một mặt, kịch Tào Ngu đặc trưng cho dấu ấn thời đại lịch sử - xã hội Trung Quốc, một<br />
mặt nó có tầm phổ quát sâu sắc đối với nhiều bối cảnh xã hội khác, trong đó có Việt Nam.<br />
Trong quá trình giao lưu giữa văn học Việt Nam và Trung Quốc giữa thế kỷ XX,<br />
kịch Tào Ngu đã du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quan và khách<br />
quan, những sáng tác của kịch tác gia trẻ này chưa nhận được sự quan tâm thích đáng.<br />
Vận dụng lý thuyết tiếp nhận trong nghiên cứu tiếp nhận kịch Tào Ngu đã bù đắp nhiều<br />
thiếu sót khi nhìn nhận hiện tượng văn học tiến bộ này trước nay.<br />
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 07/10/2013<br />
<br />
11/11<br />