intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vị trí, tầm quan trọng của trường đại học địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương - Thành tựu và thách thức từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

5
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vị trí, tầm quan trọng của trường đại học địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương - Thành tựu và thách thức từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một " trình bày vị trí, tầm quan trọng của đại học địa phương trong việc thực hiện sứ mệnh “đáp ứng nhu cầu học tập và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ” từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vị trí, tầm quan trọng của trường đại học địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương - Thành tựu và thách thức từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một

  1. VỊ TRÍ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỊA PHƯƠNG TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI ĐỊA PHƯƠNG - THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC TỪ THỰC TIỄN TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT Ngô Hồng Điệp1 Tóm tắt: Trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU) được thành lập nhằm “đáp ứng nhu cầu học tập và phát huy nguồn nhân lưc tại chỗ” phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tạo được dấu ấn trong nhóm các trường đại học có tiền thân là các trường cao đẳng sư phạm, chuyển thành cơ sở đào tạo đại học đa ngành, phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, của đất nước. Những kết quả đạt được về cung ứng nhân lực tại chỗ, về góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển biến cơ cấu lao động, tham gia vào đời sống văn hóa xã hội của địa phương từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một là một minh chứng khẳng định chủ trương phát triển trường đại học địa phương của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương, của đất nước. Cũng như các trường đại học địa phương trên cả nước, Trường Đại học Thủ Dầu Một đang đứng trước một số mặt khó khăn, thách thức không nhỏ. Tuy nhiên những khó khăn này hoàn toàn có thể được khắc phục được. Vị trí, tầm quan trọng của đại học địa phương trong việc đào tạo nhân lực, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đã được khẳng định. Từ khóa: đại học địa phương, nguồn nhân lực, thách thức, vai trò THE IMPORTANT ROLE OF A LOCAL UNIVERSITY IN THE PROVINCIAL ECONOMIC, CULTURE, AND SOCIAL DEVELOPMENT - ACHIEVEMENTS AND CHALLENGES FROM THE THU DAU MOT UNIVERSITY CASE Abstract: The goal of Thu Dau Mot University's establishment was to "meet the learning needs and promote local human resources" in response to the industrialization and modernization policies of the Vietnamese Communist Party. After fifteen years of building and development, Thu Dau Mot University has established itself as a multidisciplinary university that addresses regional and national development needs, standing out among the erstwhile group of universities known as pedagogical colleges. The success in supplying local human resources, altering the labor structure and growth model, and engaging in the social and cultural life of Thu Dau University is evidence that the Party and State's policy of establishing local universities is highly appropriate and in line with the local and national realities. Thu Dau Mot University is encountering a variety of challenges and obstacles, just like other regional universities across the nation. These challenges can be fully surmounted, though. It has been and will continue to be confirmed how important local colleges are in developing human capital and contributing to the social, cultural, and economic advancement of the community. Keywords: local university, human resources, challenges, role 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Phát triển trường đại học địa phương là một chủ trương lớn của Đảng, được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 1996 - 2000, thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1996). Qua hơn 20 năm thực hiện chủ trương này, đến nay, cả nước có 26 1. Trường Đại học Thủ Dầu Một (Thu Dau Mot University). Corresponding email: diepnh@tdmu.edu.vn 236
  2. trường đại học địa phương được thành lập và hoạt động, do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố là cơ quan quản lý nhà nước cấp trên; ra đời sớm nhất là Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Quảng Nam (1997), muộn nhất là Trường Đại học Khánh Hòa (2015) (TDMU, 2024); trên 60 trường đại học tư thục do các doanh nghiệp kinh doanh giáo dục và một số tổ chức là chủ sở hữu, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế chuyên môn và chịu sự quản lý của chính quyền cấp tỉnh về nhân sự lãnh đạo. Sứ mệnh của các trường đại học địa phương như đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước là “để đáp ứng nhu cầu học tập và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1996), cung cấp nguồn nhân lực phục cho cho các mục tiêu kinh tế xã hội đặt ra trong các thời kỳ phát triển của địa phương. Qua hơn 1/5 thế kỷ xây dựng và phát triển, đại học địa phương đã phác họa bức tranh nhiều gam màu sáng tối, có trường đã phác dựng dáng dấp của một đại học ưu tú, có trường mới chỉ định hình con đường phát triển, có trường đang phải nỗ lực tái cơ cấu để tồn tại (Nguyễn Kim Sơn, 2023). Tuy còn nhiều thách thức, gập ghềnh, nhưng về cơ bản các trường đại học địa phương đã trở thành thực thể quan trọng, đóng góp vào việc đào tạo nhân lực, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều tỉnh, thành. Bài viết này trình bày vị trí, tầm quan trọng của đại học địa phương trong việc thực hiện sứ mệnh “đáp ứng nhu cầu học tập và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ” từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết này được trình bày dựa trên phương pháp liên ngành lịch sử - kinh tế - chính trị (historical - political - economy), lịch sử giáo dục (history of education), nghiên cứu phát triển (development studies). Cách tiếp cận liên ngành này cho phép trình bày mối quan hệ tương tác giữa đào tạo và thị trường nhân lực theo thời gian. Cách tiếp cận này cũng cho phép phân tích vấn đề tập trung vào nguyên nhân và hậu quả; bối cảnh của sự phát triển luôn mang tính lịch sử và có ý nghĩa với hiện tại. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương TDMU là cơ sở đào tạo đại học công lập của tỉnh Bình Dương, được thành lập năm 2009, trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Căn cứ vào chủ trương của Đảng, sứ mệnh của TDMU là đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trở thành trung tâm giá dục đào tạo, văn hóa, khoa học của tỉnh Bình Dương. Thực hiện sứ mệnh này, qua 15 năm xây dựng và phát triển, TDMU đã nỗ lực xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo gắn chặt với cơ cấu ngành nghề và nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương. Trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ, TDMU có điều kiện thuận lợi là tỉnh Bình Dương nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm, nơi có nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội cao nhất cả nước. Theo số liệu thống kê hiện nay, tỉnh Bình Dương có trên 1,7 triệu lao động, khu vực Đông Nam Bộ có trên 11 triệu lao động; trong đó lao động trẻ chiếm tỷ lệ khá lớn, nhu cầu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhóm này rất cao (TDMU, 2024). Với nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, nhu cầu đào tạo và trang bị bằng cấp cho lực lượng lao động lên tới hàng triệu người mỗi năm với đa dạng ngành nghề và trình độ như: nguồn nhân lực công chức, viên chức; nguồn nhân lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nguồn nhân lực chăm sức sóc sức khỏe, nguồn nhân lực cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế với nhu cầu đa dạng, nhất là đối với các ngành nghề liên quan đến công nghệ 4.0, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số (công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử - vi mạch, quản trị hiện đại, logistics,...). Hầu hết các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã nhận thức sâu sắc vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Các tỉnh, thành hầu hết đã và đang có những chương trình, đề án, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở đào tại tại địa 237
  3. phương. Đối với tỉnh Bình Dương, trong những năm gần đây, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, đề án cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Chương trình Phát triển và nâng cao chất lựợng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Tỉnh ủy Bình Dương, 2021). Từ một cơ sở đào tạo sư phạm phát triển thành trường đại học đa ngành, TDMU có nhiều lợi thế trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ và cả nước. TDMU có khả năng tham gia cung ứng thị trường lao động trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: nhân lực ngành giáo dục đào tạo, công chức - viên chức, chăm sóc sức khỏe, các ngành - lĩnh vực kinh tế. Đối với ngành giáo dục vào đào tạo: TDMU là cơ đào tạo sư phạm có bề dày kinh nghiệm, đầy đủ năng lực để đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc,... đồng thời tham gia chuẩn hóa và nâng cao năng lực - trình độ đội ngũ giáo viên các cấp. Với thế mạnh về đào tạo các ngành sư phạm, trong những năm gần đây, tác động của chính sách đặt hàng, tỷ lệ sinh viên chính quy các ngành sư phạm có giảm sút. Tuy nhiên, nhu cầu chuẩn hóa và nâng cao đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngành giáo dục của tỉnh Bình Dương và khu vực rất phong phú và đa dạng. TDMU đã chuyển hướng đào tạo sư phạm gắn với chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, viên chức ngành giáo dục, mở ra cơ hội cung ứng nguồn nhân lực toàn diện cho ngành giáo dục tỉnh Bình Dương và khu vực miền Đông Nam Bộ. Đối với nguồn nhân lực công chức, viên chức: TDMU đã phát triển khoa học quản lý, có năng lực và kinh nghiệm trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý trên một số lĩnh vực: quản lý tài nguyên môi trường, quản lý nhà nước, quản lý đô thị, quản lý công nghiệp, quản lý đất đai, quy hoạch vùng và đô thị, công nghiệp văn hóa, công tác xã hội, luật, quan hệ quốc tế,... Đối với nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe: TDMU đã chuẩn bị từ nhiều năm cho lĩnh vực khoa học sức khỏe. Năm 2022, TDMU đã thành lập Khoa Y Dược với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu khoa học, cung cấp các sản phẩm khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ, thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực y dược và sức khỏe. Hiện nay, Khoa Y Dược đang nỗ lực tập hợp tiềm lực để mở các ngành đào tạo bác sĩ cộng đồng, kỹ thuật xét nghiệm, dinh dưỡng; cán bộ, giảng viên của khoa đã bước đầu hình thành nhóm nghiên cứu khoa học y dược, gắn với hoạt động cung cấp, chuyển giao khoa học công nghệ của trường. Đối với nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế: Là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, TDMU đã xác lập một số lĩnh vực đào tạo phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên một số lĩnh vực chủ yếu gồm: kinh tế, kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ môi trường. Trong lĩnh vực kinh tế, TDMU có năng lực đào tạo trên 3.000 sinh viên mỗi khóa bao gồm các ngành Tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Logictics và quản lý chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, TDMU đã xác nhập nhóm ngành mạnh gồm: Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa, Kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ điện tử và đang chuẩn bị mở ngành Thiết kế vi mạnh - bán dẫn. Trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng, TDMU đã hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chương trình: Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật xây dựng, Kiến trúc, Kỹ nghệ gỗ. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, TDMU đã và đang triển khai đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ sư phần mềm, Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Hiện nay TDMU đã triển khai xây dựng chương trình chuyển đổi số... (TDMU, 2024). 3.2. Phát triển cơ sở giáo dục đại học gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo của địa phương Tỉnh Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp, có nhịp độ phát triển kinh tế cao. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực thực hiện đề án thành phố thông minh Bình Dương với một số định hướng lớn là quy hoạch đô thị - hạ tầng kỹ thuật giao thông, xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo, phát triển toàn diện kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, thu 238
  4. hút nguồn nhân lực trình độ cao. Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sứ mệnh là thành phố trực thuộc trung ương, sớm vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình để trở thành địa phương có thu nhập cao sớm của cả nước. Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương đặt ra yêu cầu tỉnh cần phát triển một hệ sinh thái giáo dục đáp ứng cho một thời kỳ mới, phát triển toàn diện, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Trong đó giáo dục đại học cần hướng đến mục tiêu thiết lập hệ thống chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học đại học của người dân, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Giáo dục đại học cần trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi Bình Dương, là động lực then chốt thúc đẩy phát triển vùng đổi mới sáng tạo, tạo thế để Bình Dương được xếp vào trung tâm phát triển vùng đẳng cấp cao với chức năng giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Là một cơ sở giáo dục đại học công lập của tỉnh, TDMU đã và đang nỗ lực tham gia gánh vác sứ mệnh này. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, TDMU đã chuẩn bị được các tiềm lực và hành trang để sẵn sàng tham gia vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh, với mục tiêu phát triển theo định hướng ứng dụng, trở thành cơ sở đào tạo đại học trọng điểm, xứng tầm một đại học vùng ở miền Đông Nam Bộ, tiệp cận và hội nhập chuẩn mực quốc tế, trường học thông minh, trường học hạnh phúc, một điểm nhấn toả sáng trong thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương. Với phương châm khám phá tri thức khoa học để cải thiện chất lượng cuộc sống, TDMU tập trung vào bốn lĩnh vực cốt lõi có liên quan với nhau là: 1) Đào tạo đại học, sau đại học đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn giáo dục đại học Việt Nam và tiệm cận chuẩn mực quốc tế; thu hút sinh viên trong nước và nước ngoài trong theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành tham gia học tập, sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp nói chung; 2) Nghiên cứu khoa học theo hướng định hướng ứng dụng và khoa học phát triển, cung cấp các sản phẩm khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ và cả nước. 3) Kiến tạo hạ tầng vật chất, hạ tầng kỹ thuật, môi trường làm việc của TDMU đáp ứng điều kiện để thu hút các được các tổ chức tầm cỡ quốc tế, các định chế giáo dục và khoa học, giới trí thức chuyên môn sâu, các nhà khoa học, nhà văn hóa trong và ngoài nước đến làm việc, hợp tác phát triển, cống hiến cho Bình Dương, cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam. Đến nay, TDMU đã chuẩn bị khá tốt về hành trang để thực hiện những mục tiêu này. Về vị trí và hạ tầng đất đai, TDMU được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm, đầu tư đất đai đảm bảo các tiêu chuẩn cao và phát triển ổn định, lâu dài. Ví trị địa lý và tiềm năng đất đai đảm bảo cho Trường Đại học Thủ Dầu Một xây dựng cơ sở giáo dục đại học đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn đại học trọng điểm của Việt Nam và phù hợp các chuẩn của giáo dục đại học quốc tế. Trong thời gian qua, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã bước đầu quy hoạch, tham khảo tư vấn quốc tế, đề xuất ý tưởng và mô hình cho một dự án đại học đẳng cấp khu vực ASEAN. Về đội ngũ cán bộ, giảng viên, TDMU đã phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên trên 700 người, trong đó có 3 giáo sư, 32 phó giáo sư tiến sĩ, 160 tiến sĩ, trên 500 thạc sĩ. Đây là con số đáng mơ ước của không ít cơ sở giáo dục đại học trong nước cùng bối cảnh và điều kiện như TDMU. Đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện nay đa phần là cán bộ trẻ, được đào tạo từ nhiều nguồn cả trong và ngoài nước, trong đó một số được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng của Newzeland, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường đáp ứng các tiêu chuẩn của giáo dục đại học Việt Nam, một số giảng viên đạt chuẩn mạng lưới các trường đại học ASEAN. Qua 15 năm xây dựng, TDMU đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo. Tính đến năm 2024, TDMU đã xây dựng và tổ chức tuyển sinh, đào tạo 47 chương trình đại học, 11 chương trình thạc sĩ, 1 chương trình tiến sĩ; 50% chương trình đào tạo của TDMU được đánh giá, công nhận bởi các tổ chức kiểm định giáo dục đại học uy tín trong và ngoài nước. Từ năm 2014, TDMU đã tiếp cận kỹ thuật phát triển chương trình theo CDIO, năm 2016 tham gia Mạng lưới các trường đại học ASEAN và trở thành thành viên AUN. Thông qua việc tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, TDMU thường xuyên đổi mới cơ cấu 239
  5. khung chương trình, nhất là trong việc giải quyết mối quan hệ giữa khối lượng kiến thức và thời lượng học tập; kỹ năng gắn kết khung chương trình với phát triển năng lực nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xã hội, tư duy phản biện sáng tạo, năng lực hoạt động trong cộng đồng. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng là một thế mạnh của TDMU. Từ năm 2015, TDMU đã mạnh dạn triển khai đổi mới phương pháp dạy học với ba tiêu chí cốt lõi: trang bị cách học, phát huy tinh thần chủ động của người học, sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học. Về khoa học công nghệ, TDMU đã tập hợp đội ngũ, xác định hướng hoạt động, xây dựng cơ chế, chính sách động lực và đạt được một số thành tựu rất quan trọng về khoa học công nghệ. TDMU có đầy đủ tiềm lực để thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ quốc gia, quốc tế, các đề tài dự án cấp tỉnh, sở ngành, doanh nghiệp. Các định hướng nghiên cứu của TDMU như: nghiên cứu về miền Đông Nam Bộ, thành phố thông minh, cải tiến chất lượng giáo dục được giới khoa học Việt Nam khích lệ (TDMU, 2024). Với sự chuẩn bị và tích lũy trên, TDMU góp phần thúc đẩy phát triển vùng đổi mới sáng tạo, góp phần để Bình Dương được xếp vào trung tâm phát triển vùng với chức năng giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. TDMU tham gia vào hệ sinh thái giáo dục đại học của tỉnh Bình Dương, bao gồm mạng lưới các trường đại học, doanh nghiệp khoa học công nghệ, trung tâm nghiên cứu công nghệ và cơ quan quản lý, tạo một môi trường giáo dục đào tạo toàn diện, bền vững, tạo ra các giá trị kinh tế xã hội có khả năng đóng góp vào cạnh tranh của tỉnh, của vùng. 3.3. Góp phần chuyển biến kết cấu dân cư, phát triển văn hóa xã hội, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc ở địa phương Sau 15 năm xây dựng và phát triển, TDMU có đội ngũ giảng viên, nhân viên phục vụ trên 700 người; hiện nay, trường đang tiếp tục tuyển dụng và dự kiến quy mô đội ngũ trên 800 người vào năm 2025. Đội ngũ giảng viên của TDMU không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của nhà trường mà còn tham gia rất nhiều hoạt động khác của địa phương. Với vị trí của người trí thức có chuyên môn sâu, cán bộ, giảng viên của TDMU tham gia vào đời sống xã hội tại chỗ, làm việc, hợp tác với các cơ quan chính quyền, sở, ngành, các tổ chức doanh nghiệp tại địa phương, đóng góp chung cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh. Với 15 năm xây dựng và phát triển, TDMU đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên phần lớn là người địa phương. Đến nay, một thế hệ cựu sinh viên TDMU đã trưởng thành, làm việc ở nhiều cơ quan chính quyền, các sở ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là giáo viên, cán bộ quản lý doanh nghiệp. Một tỷ lệ lớn trong số hơn 10.000 cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp từ TDMU đang làm việc tại Bình Dương. Đây không chỉ là lợi thế của TDMU trong việc hình thành mối quan hệ tự nhiên, khăng khít, bền chặt với địa phương mà còn là điều kiện thuận lợi để TDMU thiết lập chính sách phục vụ cộng đồng, củng cố và phát triển trách nhiệm xả hội của nhà trường với địa phương, với cộng đồng. Đây cũng là lợi thể để trường đại học liên kết, tham gia phục vụ các hoạt động văn hóa của địa phương; tạo tiền đề để TDMU trở thành trung tâm văn hóa của địa phương. Theo số liệu thống kê qua các năm, tổng số sinh viên, học viên của TDMU có tới 60% là người Bình Dương, nhiều nhất là thành phố Thủ Dầu Một, và các thị xã lân cận như Thuận An, Dĩ An. Đây là con số có ý nghĩa nhiều mặt. Thứ nhất, điều này khẳng định uy tín và thương hiệu của TDMU với nhân dân địa phương. Thứ hai, quan trọng hơn, là TDMU đã mang lại lợi ích to lớn cho người địa phương điều kiện học tập nâng cao trình độ với chi phí thấp, lợi ích xã hội rất lớn. Hàng ngàn sinh viên không phải rời xa gia đình để đi đến các thành phố học tập với chi phí lớn và khó khăn nhiều mặt; hàng trăm cán bộ, viên chức, công chức có điều kiện cập nhật các tiêu chuẩn trình độ kỹ năng trong điều kiện vừa làm việc, vừa học tập rất thuận lợi; đặc biệc là cán bộ, viên chức ngành giáo dục tỉnh hầu tham gia học tập ở bậc sau đại học hay cập nhật kiến thức, kỹ năng mà không gián đoạn công việc tại cơ quan (TDMU, 2019). Bên cạnh sinh viên, học viên là người địa phương chiếm tỷ lệ cao, TDMU cũng thu hút sinh viên, học viên từ nhiều tỉnh thành đến học tập, sinh sống, góp phần thúc đẩy các loại hình dịch vụ đại học như bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng xã hội, phát triển các loại hình ẩm thực, vui chơi, giải trí,… làm chuyển biến không gian văn hóa, đời sống văn hóa ở địa phương. 240
  6. 4. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỊA PHƯƠNG TỪ THỰC TIỄN TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT Thứ nhất là, với xuất phát điểm từ trường cao đẳng sư phạm, thế mạnh của TDMU là đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Tuy nhiên, chính sách “đặt hàng” trong đào tạo sư phạm hiện nay dẫn đến một nguồn lực lớn của TDMU chưa được phát huy hiệu quả. Đây là cũng thách thức chung của nhóm các trường đại học địa phương được hình thành từ các trường cao đẳng sư phạm địa phương. Chính sách đặt hàng trong đào tạo sư phạm có mặt tích cực là đào tạo theo nhu cầu nhưng cũng gây nhiều khó khăn trong chuẩn bị đội ngũ, chương trình; là nguyên nhân thúc đầy tình trạng thừa thiếu cục bộ đối với đội ngũ giảng viên. Trong khi nhà trường có thế mạnh về các ngành sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý,… thì văn bản đặt hàng yêu cầu Sư phạm tiểu học, Tin học, Nhạc, Vẽ,…. Thứ hai là, chính sách tự chủ đại học hiện nay đặt ra môi trường cạnh tranh sòng phẳng về mô hình quản lý, điều kiện mở ngành, duy trì ngành, năng lực tuyển sinh,… Trong bối cảnh phân tầng đại học chưa có bước chuyển biến cụ thể, chính sách mở ngành, duy trì ngành, xác định năng lực tuyển sinh ở các trường đại học địa phương không có bất cứ điều kiện “ưu tiên” nào so với các trường đại học thuộc “tầng trên”. Các điều kiện pháp lý cho tự chủ đại học, nhất là tự chủ mở ngành, duy trì ngành, xác định năng lực tuyển sinh đối với các trường đại học địa phương hiện nay là khá cứng nhắc và chưa có sự mềm dẻo, linh hoạt. Trong điều kiện phát triển khoa học công nghệ hiện nay, chu kỳ sống của một nghề nghiệp đang có xu hướng rút ngắn. Đối với một địa phương thì chu kỳ sống và khả năng bão hòa nguồn nhân lực của một ngành, một lĩnh vực càng ngắn hơn. Vì thế, các điều kiện về tự chủ mở ngành, duy trì ngành, kiểm định chất lượng hiện nay về chủ trương, tầm nhìn đúng là rất khoa học nhưng thực tế áp dụng cho đại học địa phương thì đó là những thách thức không dễ vượt qua. Ngoài ra, thị trường lao động thay đổi, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ, dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây cũng là một trở ngại lớn cho nhà trường (TDMU, 2024). Thứ ba là, thách thức lớn của trường là ngân sách đầu tư còn hạn chế, chủ yếu trông cậy vào học phí. Trước khi có chính sách tự chủ đại học, nhà trường đã phải thực hiện chính sách tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho trường rất hạn chế; hàng năm ngân sách chỉ chỉ bù đắp phần còn thiếu trong các khoản chi thường xuyên (chi cho con người và sửa chữa cơ sở vật chất). Ngân sách nhà nước chưa thể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng phát triển bền vững. 5. KẾT LUẬN Phát triển các trường đại học địa phương để đáp ứng nhu cầu học tập và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ là một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với mô hình đại học địa phương, giáo dục đại học Việt Nam sẽ hướng đến bức tranh đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội và phát triển. Đại học quốc gia, đại học trọng điểm, đại học vùng, đại học địa phương sẽ có những thế mạnh khác nhau, nhiều tiềm năng khác nhau được phát huy. Đại học quốc gia, đại học trọng điểm, đại học vùng đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cả nước. Đại học địa phương thực hiện sứ mệnh của mình trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng của địa phương, giúp sinh viên có cơ hội học tập, giảm bớt tốn kém. Cần tiếp tục khẳng định đại học địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; góp phần thu hẹp khoảng cách các địa phương, vùng miền. Hiện nay, trường đại học địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn về hoạt động tuyển sinh, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tài chính hạn hẹp. Trường đại học địa phương cần được cơ quan quản lý nhà nước chú trọng đầu tư phân bổ nguồn lực, nhất là về cơ sở vật chất, nhằm tạo điều kiện cho các trường phát triển tốt hơn. Đối với chính sách tự chủ đại học, chính sách phân tầng cần định hướng, tạo điều kiện, không gian mở và linh hoạt để các trường địa phương phát triển theo nhu cầu, giúp cho các trường địa phương hoạt động ổn định, đồng thời xây dựng hướng, kế hoạch phát triển lâu dài. 241
  7. TÀI LIỆU THAM KHẢO Quốc hội (2018). Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Số 34/2018/QH14, ngày 19 tháng 11 năm 2018. Chính phủ (2019). Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Số 99/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 1999. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022). Báo cáo Hội nghị tự chủ đại học 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo, tháng 8 năm 2022. Trường Đại học Thủ Dầu Một (2019). 10 năm dấu ấn trường đại học mới 2009 - 2019. Trường Đại học Thủ Dầu Một (2024). Đề án đổi mới phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một 2024 - 2030, tầm nhìn năm 2045. Nguyễn Văn Hiệp, Trần Văn Nam (2022). “Một số điểm nghẽn khi thực hiện cơ chế Hội đồng trường – Nhận thức từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một”. Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 136(197), tháng 7/2022. Ngô Hồng Điệp (chủ biên), Nguyễn Ngọc Dung, Nguyễn Hoàng Huế (2023). Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. NXB Đại học Quốc gia TP HCM. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. NXB Chính trị quốc gia, 1996. Nguyễn Kim Sơn (2023). “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc với Trường Đại học Thủ Dầu Một”. Trường Đại học Thủ Dầu Một. Tỉnh ủy Bình Dương (2019). Chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Số 19-CTr/TU, ngày 31/5/2021. 242
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2