VỊ TRÍ THƯƠNG NHÂN TRUNG QUỐC TRONG TUYẾN<br />
THƯƠNG MẠI THUYỀN BUỒM GIỮA MANILA (PHILIPPINES)<br />
VÀ ACAPULCO (MEXICO) CỦA TÂY BAN NHA (1572 - 1815)<br />
TRẦN THỊ QUẾ CHÂU<br />
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế<br />
Tóm tắt: Thương mại thuyền buồm giữa Manila (Philippines) và Acapulco<br />
(Mexico) của Tây Ban Nha còn được gọi là Manila Galleon1. Tuy nhiên, đối<br />
với người Mexico, Manila Galleon còn được biết đến với tên gọi “Nao de<br />
China” hay “China ship”. Tên gọi này phản ánh thực tế là hầu hết những<br />
hàng hóa trên các Galleon đến với người Tân Tây Ban Nha đều có nguồn<br />
gốc từ Trung Quốc. Từ sự gợi ý đó, chúng tôi khai thác vấn đề vị trí của<br />
thương nhân Trung Quốc trong tuyến thương mại Manila Galleon. Vai trò đó<br />
được thể hiện: các thương nhân Trung Quốc không chỉ cung cấp khối lượng<br />
hàng hóa chủ yếu cho Manila Galleon mà còn nhập khẩu khối lượng bạc<br />
trắng khổng lồ từ Châu Mĩ vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra lực lượng<br />
thương nhân người Hoa ở Philippines đóng vai trò vô cùng cần thiết đối với<br />
việc duy trì sự ổn định cho tuyến thương mại này.<br />
Từ khóa: Thương mại thuyền buồm, Manila, Acapulco, thương nhân Trung<br />
Quốc<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
Trong suốt thời kì đầu chinh phục và cai trị ở Philippines, Tây Ban Nha đã có nhiều nổ<br />
lực để tìm hiểu, khai thác tiềm năng kinh tế của ở quần đảo này nhưng họ dường như thất<br />
vọng. Gia vị - thứ tài sản quí giá của Moluccas không thể phát triển ở Philippines. Ngoài<br />
ra, Philippines không có nhiều nguồn tài nguyên, nông nghiệp lạc hậu và không có công<br />
nghiệp khai mỏ như thuộc địa Tây Ban Nha ở Châu Mỹ. Lợi tức mà Tây Ban Nha thu<br />
được hằng năm không đủ chi trả cho bộ máy cai trị và những phí tổn khác ở thuộc địa.<br />
Thiết lập thương mại với Trung Quốc là giải pháp duy nhất mà người Tây Ban Nha tính<br />
đến để tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ ở Philippines và Châu Á. Tuy nhiên, do sự<br />
cạnh tranh và đối chọi mạnh mẽ của người Bồ Đào Nha, mục tiêu của họ đã nhanh chóng<br />
thất bại, thay vì thiết lập quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc, họ buộc phải<br />
chuyển sang chính sách thu hút thương nhân Trung Quốc đến Manila trao đổi hàng hóa.<br />
Từ 1572 đến 1815, các thương nhân Trung Quốc có vị trí quan trọng đối với hoạt động<br />
thương mại Tây Ban Nha ở Philippines nói chung và Manila Galleon nói riêng.<br />
1<br />
<br />
Galleon theo tiếng Tây Ban Nha nghĩa là thuyền buồm lớn. Một chuyến tàu từ Manila đi Acapulco hay<br />
ngược lại được gọi là một Galleon. Hoạt động thương mại này tồn tại trong gần 2,5 thế kỉ từ 1572 – 1815<br />
(năm Mexico giành được độc lập). Tàu từ Acapulco cập bến ở Manila thường mang theo một số lượng<br />
lớn bạc trắng từ Châu Mĩ để đối lấy những hàng hóa có giá trị từ Châu Á: hương liệu từ Moluccas, gốm<br />
sứ, ngọc bích và tơ lụa từ Trung Quốc, hàng sơn mài từ Nhật Bản, cây quế ở Philippines.<br />
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế<br />
ISSN 1859-1612, Số 02(30)/2014: tr. 98-106<br />
<br />
VỊ TRÍ THƯƠNG NHÂN TRUNG QUỐC TRONG TUYẾN THƯƠNG MẠI…<br />
<br />
99<br />
<br />
2. QUÁ TRÌNH TÂY BAN NHA THIẾT LẬP QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VỚI<br />
TRUNG QUỐC VÀ THƯƠNG NHÂN TRUNG QUỐC<br />
Đối với người Tây Ban Nha, tài sản duy nhất có gía trị của thuộc địa Philippines lúc<br />
bấy giờ chỉ là cây quế ở Mindanao và một số vùng ở Luzon. Để khai thác nguồn tài<br />
nguyên này, Tây Ban Nha đã mở ra tuyến thương mại thuyền buồm lớn giữa Philippines<br />
và Mexico. 6/1565, tàu San Pablo dưới sự chỉ huy của Filipe de Salcedo nhổ neo ở cảng<br />
Cebu, đi về phía Bắc Thái Bình Dương, giữa 37 - 39 vĩ độ Bắc, cập bến ở Acapulco vào<br />
8/9/1565. Tàu San Pablo chỉ chở một ít số lượng quế ở Mindanao, sáp ong và một số<br />
sản phẩm địa phương khác ở Philippines. “Năm 1568, tàu San Pablo tiếp tục cuộc hành<br />
trình vượt Thái Bình Dương của mình mang theo 15.000 pounds quế cho nhà vua Tây<br />
Ban Nha và 25.000 pounds cho nhu cầu của cá nhân nhưng không may chuyến tàu đó bị<br />
lạc mất ở Ladrones” [6, tr. 345-346]. Năm 1569, Lagaspi phàn nàn với Phó vương ở<br />
Mexico rằng chúng ta sẽ chỉ kiếm được rất ít lợi nhuận từ cây quế của Philippines. Sự<br />
nghèo nàn của thuộc địa Philippines là thách thức lớn đối với sự cai trị của Tây Ban<br />
Nha thời kì đầu. Lợi tức hằng năm không đủ chi trả cho phí tổn của chính quyền thuộc<br />
địa. Do đó, vua Tây Ban Nha, trực tiếp là Phó vương Mexico gửi viện trợ đến Manila<br />
hằng năm. “Số tiền viện trợ không cố định, phụ thuộc vào nhu cầu của chính quyền<br />
Philippines, trung bình P.250.000/năm. Trong đó, số tiền viện trợ cao nhất là<br />
P.1.200.000 (1799), thấp nhất là P.72.801 (1752) [8, tr. 196].<br />
Trong quá trình chinh phục Philippines, Miguel Legaspi nhận thấy tàu buôn của người<br />
Moro xuất hiện ở Cebu chất đầy gốm sứ và lụa từ phía Bắc, hoàn toàn không phải có<br />
nguồn gốc ở địa phương. Điều này có lẽ là sự gợi ý đầu tiên cho người Tây Ban Nha về<br />
khả năng buôn bán với người Trung Quốc. Ngay lập tức, người Tây Ban Nha đưa<br />
thuyền đến Canton trong nổ lực thiết lập một thương điếm để tiến hành buôn bán những<br />
hàng hóa Phương Đông. Nhưng kế hoạch này đã gặp phải cản trở lớn, người Bồ Đào<br />
Nha đã phản đối sự hiện diện của họ ở khu vực này. Người Bồ Đào Nha đã cố gắng<br />
thuyết phục người Trung Quốc rằng “Tây Ban Nha không đáng tin cậy” và cuối cùng họ<br />
đã thành công. Người Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Tây Ban Nha về việc thiết lập<br />
thương điếm và chỉ cho phép họ đem thuyền đến Canton để mua hàng hóa. Tuy nhiên,<br />
người Tây Ban Nha nhận thấy rằng họ phải trả giá quá cao cho những hàng hóa mà họ<br />
mua ở Canton, những hàng hóa này khi xuất khẩu sang Tân Tây Ban Nha thì giá của nó<br />
sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Năm 1593, Vua Philipp II ban hành sắc lệnh Hoàng gia cấm<br />
người Tây Ban Nha đưa thuyền đến Canton và Macau để mua hàng hóa. Năm 1598,<br />
Toàn quyền Francisco Tello de Guzman (1595-1602) cho phép phục hồi lại hoạt động<br />
thương mại của Philippines với những quốc gia ở khu vực bởi vì thương mại được xem<br />
là sự thuận lợi của thuộc địa. Juan Zammudio được cử đến Canton một lần nữa để thỉnh<br />
cầu người Trung Quốc cho phép thiết lập một thương điếm 1 .Người Trung Quốc đã cho<br />
1<br />
<br />
Người Tây Ban Nha có những động cơ khác trong việc thiết lập thương điếm ở Canton. Họ có giấc mơ về việc cải<br />
đạo cho toàn bộ Trung Quốc. Trong suốt thời kì của toàn quyền Diego Gonzalo Ronquillo de Penalosa (1580-1583),<br />
Ông và Giám mục Domingo de Salazaz thảo luận kế hoạch xâm chiếm Trung Quốc và buộc mọi người dân ở đó<br />
chấp nhận Thiên chúa giáo. Kế hoạch đó được biết với tên gọi “China enterpise” or “La empresa de China”. Kế<br />
hoạch này cuối cùng bị từ bỏ vì những thành viên của cộng đồng tôn giáo phản đối.<br />
<br />
100<br />
<br />
TRẦN THỊ QUẾ CHÂU<br />
<br />
phép người Tây Ban Nha xây dựng kho hàng ở Canton gọi là El Pinal (The Pine tree).<br />
Khi hoạt động thương mại của người Tây Ban Nha ở Trung Quốc ngày càng phát triển,<br />
người Bồ Đào Nha ở Macau bắt đầu chiến dịch hất cẳng người Tây Ban Nha khỏi El<br />
Pinal. Trước những khó khăn gây ra bởi người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha quyết<br />
định trở lại Manila và suy nghĩ có một thương điếm ở Trung Quốc đã hoàn toàn tan biến.<br />
Từ thời điểm này trở về sau (đến 1815 khi Mexico giành được độc lập) người Tây Ban<br />
Nha phải dựa vào thương nhân Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào Manila để chở<br />
sang Acapulco và Seville (Tây Ban Nha).<br />
3. SỰ KẾT NỐI THƯƠNG MẠI TRUNG QUỐC – MANILA – ACAPULCO QUA<br />
MANILA GALLEON<br />
Để thu hút hoạt động thương mại của khu vực và đối chọi với sự cạnh tranh của Bồ Đào<br />
Nha ở Đông Nam Á, chính quyền Tây Ban Nha đã đề ra những chính sách khuyến<br />
khích thương nhân Châu Á đến Philippines buôn bán. “Manila trở thành điểm đến của<br />
các nhà buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Siam, Cambodia và quần đảo Spice” [3, tr. 393].<br />
Với vị trí không xa các thương cảng vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc, Manila đã<br />
thu hút số lượng lớn thương thuyền từ đại lục và có thể nói những chuyến thuyền mành<br />
(junks) chất đầy hàng hóa đến từ Trung Quốc là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng<br />
của Manila Galleon.<br />
Từ Canton hoặc Amoy thuộc tỉnh Phúc Kiến hàng hóa trực tiếp mang đến Manila qua<br />
đường biển, khoảng cách từ 650 – 700 miles. Trên những chiếc thuyền mành lớn đến<br />
Philippines thường chở từ 200 – 400 người. Theo sự miêu tả của Tổng đốc Tây Ban<br />
Nha ở Manila là Antonio de Morga “những thuyền buôn Trung Quốc thường đi theo<br />
đoàn, thường vào đầu tháng 3 khi thời tiết ổn định, hành trình đến Manila mất khoảng<br />
từ 15-20 ngày, sau khi bán xong hàng hóa của họ, họ mua hàng hóa và để không bị<br />
nguy hiểm, họ đã quay trở về trước khi gió mùa đổi vào cuối tháng 6” [7, tr. 71].<br />
Trong những hoạt động thương mại từ Trung Quốc đại lục đến Manila, các thuyền buôn<br />
đến từ các cảng của Phúc Kiến luôn chiếm đa số và là lực lượng thuyền buôn chủ yếu.<br />
“Chỉ từ năm 1571 đến năm 1600, đã có khoảng 630 thương thuyền từ cảng Nguyệt<br />
Chương Châu xuất hành đến Manila”[4, tr. 24]. Tuy nhiên, con số thuyền buôn từ<br />
Trung Quốc đến buôn bán hàng năm ở Manila rất thất thường do những biến động về<br />
chính trị, kinh tế, xã hội từ cả hai phía. Những năm cuối thế kỉ XVI số lượng thuyền<br />
buôn từ Trung Quốc được ghi lại như sau: “Năm 1572 có 3 thuyền cập bến Manila và 5<br />
thuyền đến buôn bán ở những vùng khác. Năm 1574, có 6 thuyền đến Manila, và năm<br />
1575 có từ 12 đến 15 thuyền. Những năm sau đó trao đổi buôn bán được củng cố và<br />
năm 1580 có từ 40 đến 50 thuyền đến Philippines hằng năm” [6, tr. 347]. Vào nửa đầu<br />
thế kỉ XVII, được xem là thời kì hoàng kim của thương mại Manila Galleon, số lượng<br />
thuyền buôn Trung Quốc có sự gia tăng ổn định về số lượng, mỗi năm có 40-50 thuyền<br />
đến Manila, đặc biệt vào năm 1626 có đến 100 thương thuyền đến Manila 1.<br />
1<br />
<br />
Xem thêm Dương Văn Huy (2010), Thương cảng Manila (Philippin) thế kỉ XVII, Nghiên cứu Đông<br />
Nam Á, số 3-2010.<br />
<br />
VỊ TRÍ THƯƠNG NHÂN TRUNG QUỐC TRONG TUYẾN THƯƠNG MẠI…<br />
<br />
101<br />
<br />
Trên mỗi chiếc thuyền mành đến từ Phúc Kiến, ngoài thủy thủ, thương nhân còn lại<br />
được dành để chở số lượng lớn sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc. Theo Antonio de<br />
Morga, người đã chứng kiến thời kì hoàng kim của thương mại thuyền buồm đã đưa ra<br />
một danh sách các loại hàng hóa được thương nhân Trung Quốc mang đến Manila như<br />
sau: “những cuộn tơ sống, những tấm vải lụa tinh tế với nhiều màu sắc khác nhau, lụa<br />
nhung trơn và một số được thêu rực rỡ và thời trang, các loại lụa bóng như satins,<br />
taffetas với đủ màu sắc, vải lanh dệt từ cây cỏ, vải bông trắng. Họ còn mang cả xạ<br />
hương, cánh kiến trắng và ngà voi, đồ trang trí giường ngủ, màn treo, khăn phủ giường<br />
và thảm nhung thêu… ngọc trai và đá quí, pha lê, chậu bằng kim loại, ấm đun nước<br />
bằng đồng, thiếc, chì và thuốc súng… và những thứ quí hiếm khác” và Morga đã nhấn<br />
mạnh rằng: “Tôi sẽ không bao giờ có thể kể hết hoặc không bao giờ đủ giấy để viết về<br />
những loại hàng hóa đó” [7, tr. 72].<br />
Theo những chuyến thuyền buôn, nhiều người Trung Quốc từ các tỉnh miền Nam đã đến<br />
sống định cư ở Philippines. Trong bức thư Tổng giám mục Tây Ban Nha ở Manila gửi<br />
cho nhà Vua Tây Ban Nha Fillip II vào năm 1588 thì có “30 thương thuyền Trung<br />
Quốc đến đây mang theo rất nhiều người, khiến cho số lượng người Trung Quốc ở đây<br />
tăng lên. Hiện thời con số đó ở Manila đã lên tới hơn 10.000 người” [4, tr. 27]. Mặc dù<br />
chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Tây Ban Nha nhưng số lượng người Hoa ở<br />
Philippines tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo, đến năm 1748 là 40.000 người.<br />
Người Hoa ở Philippines sống tập trung trong khu cư trú gọi là Parian1, họ hoạt động<br />
trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chủ yếu là thương nghiệp và dịch vụ và họ có vai<br />
trò đáng kể trong hoạt động của Manila Galleon trong nhiều thế kỉ. Thương nhân người<br />
Hoa đóng vai trò như những người trung gian/môi giới (middle - men), xây dựng mối<br />
quan hệ cộng sinh với các thuyền buôn Trung Quốc để làm nhiệm vụ giao hàng, gom<br />
hàng phục vụ cho Manila Galleon và các nhu cầu khác ở thuộc địa Philippines. Theo ghi<br />
chép của mục sư Richard Walter trong thời gian ông ở Manila những năm 1740-1745<br />
“Khu vực này là nơi giao dịch các thương phẩm chủ yếu từ Trung Quốc cho đến các<br />
vùng của Ấn Độ để cung cấp cho thị trường Mexico và Peru. Những thương phẩm này<br />
là hương liệu, các loại tơ lụa và đồ chế tác của Trung Quốc, đặc biệt là bí tất lụa dài<br />
tay. Về thứ này chúng tôi nghe nói số lượng mỗi lần vận chuyển thông thường không ít<br />
hơn 50.000 đôi… Cho đến nhiều loại thương phẩm nhỏ khác như các trang sức bằng<br />
vàng. Những Hoa thương ở Manila thường thu mua những loại hàng hóa này, rồi chúng<br />
được chở đến Acapulco của Mexico” [5, tr. 26-27].<br />
<br />
1<br />
<br />
Hiện nay có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của từ Parian (Xem Dương Văn Huy, người<br />
Hoa ở Philippin dưới thời thuộc Tây Ban Nha, nghiên cứu Đông Nam Á 2/2011). Tác giả đã đưa ra cách<br />
hiểu theo tiếng Tagalog, tiếng Mexico, tiếng Tây Ban Nha với nhiều nghĩa khác nhau. Gần đây có một<br />
cách giải thích thuật ngữ này theo tiếng Trung Quốc, từ Parian có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc là<br />
“Palien” có nghĩa là “organization” (Sự tổ chức). Theo nghĩa này, khu vực người Hoa được chính quyền<br />
Tây Ban Nha tổ chức chặt chẽ để có thể dễ dàng quản lí và thu thuế (Shirley Fish, The Manila – Acapulco<br />
Galleons: the treasure ships of the Pacific, Authorhouse, 2011, p. 115).<br />
<br />
102<br />
<br />
TRẦN THỊ QUẾ CHÂU<br />
<br />
Phương thức thanh toán cho những thương nhân Trung Quốc<br />
Khi những thương thuyền chở đầy hàng hóa từ Trung Quốc đến Manila, những quan<br />
chức địa phương định giá hàng hóa và thu thuế nhập khẩu (3-6% tùy thời điểm) và thuế<br />
thả neo. Sau khi thương nhân Trung Quốc trả xong các khoản thuế cho người Tây Ban<br />
Nha, giữa họ bắt đầu diễn ra cuộc thương lượng về giá cả của các loại hàng hóa trên<br />
thuyền. “Toàn quyền Tây Ban Nha và chính quyền thành phố Manila chọn 2-3 người<br />
phù hợp để đứng ra đàm phán với đại diện những người nhập hàng Trung Quốc về giá<br />
cả phải trả cho những hàng hóa trên mỗi chiếc thuyền. Để ngăn chặn sự tham nhũng,<br />
thành viên của hội đồng này (gọi là Pancada) chỉ có thể giữ chức vụ của họ trong vòng<br />
2 năm và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt” [6, tr. 348]. Mục đích của hệ thống Pancada là<br />
nhằm hạn chế việc bán lẻ hàng hóa cũng như việc tăng giá bán một cách tùy tiện khi<br />
chúng được nhập vào Manila. Nhờ đó hoạt động thương mại Manila Galleon trở thành<br />
độc quyền khống chế bởi người Tây Ban Nha.<br />
Khác với những hàng hóa đến từ Nhật Bản và một số quốc gia Châu Á khác được thanh<br />
toán theo phương thức đổi hàng lấy hàng (barter), những hàng hóa từ Trung Quốc được<br />
thanh toán theo phương thức “đổi hàng lấy bạc trắng”. Bạc trắng được chở từ Mexico,<br />
Peru qua Manila Galleon hằng năm ngoài mục đích trả lương cho bộ máy cai trị thuộc<br />
địa Philippines, phần còn lại chủ yếu dùng để thanh toán cho những hàng nhập khẩu từ<br />
Trung Quốc. Theo ghi chép của Don Francisco Tello gửi cho Vua Tây Ban Nha Fillip<br />
II: “Người Trung Quốc đến đây buôn bán mỗi năm đem bạc đi 80 vạn pesos, có lúc<br />
vượt quá 100 vạn pesos”. Hay như tuyên bố của Tổng Giám mục Pedro de Baeza ở<br />
Manila năm 1609 “bình quân mỗi năm khoảng 30-40 thuyền Phúc Kiến từ Manila vận<br />
chuyển đi 250-300 vạn rial bạc trắng, số bạc trắng này chủ yếu dùng để mua hàng hóa<br />
tơ sống và lụa tấm của Trung Quốc” [4, tr. 22].<br />
Sau khi thanh toán xong, hàng hóa được dở xuống thuyền và chuyển vào kho hàng của<br />
Tây Ban Nha ở Manila. Hầu hết những hàng hóa này được dành riêng để đóng gói chất<br />
lên Galleon để chở sang Acapulco, trong khi phần còn lại thường được bán bởi thương<br />
nhân ở Parian (khu định cư người Hoa ở ngoại thành Manila) cho những người mua ở<br />
địa phương.<br />
Lợi nhuận từ hoạt động thương mại Manila Galleon<br />
Như vậy, hiểu một cách đơn giản, thương mại Manila Galleon là cầu nối giữa thị trường<br />
Trung Quốc với Mexico qua cảng Manila. Bạc trắng từ Châu Mĩ rời Acapulco đến<br />
Manila, hàng hóa từ Trung Quốc (có giá trị nhất là tơ lụa) đến Manila và ở đây bạc và tơ<br />
lụa sẽ được trao đổi, thương nhân Trung Quốc sẽ đem bạc trắng về đại lục, trong khi<br />
thương nhân Tây Ban Nha sẽ mang tơ lụa về Mexico. Sự trao đối này đã mang lại cho<br />
thương nhân Tây Ban Nha và thương nhân Trung Quốc những món lợi nhuận khổng lồ.<br />
Đây chính là sức hút mãnh liệt của Manila Galleon.<br />
<br />