42 Xã hội học, số 1 - 2009<br />
<br />
<br />
<br />
VỐN XÃ HỘI, MẠNG LƯỚI XÃ HỘI VÀ NHỮNG PHÍ TỔN<br />
<br />
HOÀNG BÁ THỊNH<br />
<br />
1. Quan niệm về vốn xã hội và mạng lưới xã hội<br />
Vốn xã hội (Social Captial), là một thuật ngữ đã được sử dụng từ đầu thế kỷ<br />
XX, nhưng nó chỉ được sử dụng một cách rộng rãi sau công trình của Coleman,<br />
Bourdieu và Putnam vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Thuật ngữ<br />
này liên quan đến mạng lưới xã hội, các chuẩn mực và sự tán thành/thừa nhận khiến<br />
cho hành động hợp tác giữa các cá nhân và các cộng động được dễ dàng. Từ năm<br />
1995, đã có một sự bùng nổ trong các chủ đề nghiên cứu về vốn xã hội với phạm vi<br />
rộng ở các ngành khoa học hàn lâm. Điều này cho thấy rằng các nhà hoạch định<br />
chính sách, các thể chế quốc gia và quốc tế đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng<br />
về nhận thức và những ảnh hưởng của vốn xã hội.<br />
Ở Châu Âu, Pierre Bourdieu đưa ra định nghĩa về vốn xã hội: “Là tổng hợp các<br />
nguồn lực, hữu hình hay vô hình hoặc sự tích luỹ của một cá nhân hay một nhóm bởi<br />
một mạng lưới bền vững của các mối quan hệ qua lại có mức độ thể chế hoá nhiều<br />
hay ít đã được thừa nhận. Phải thừa nhận rằng vốn có thể mang đến một sự khác<br />
biệt về các hình thức mà không thể thiếu được trong việc giải thích cấu trúc và<br />
những động lực về sự khác biệt giữa các xã hội” (Boundier và Wacquant, 1992,<br />
p.119)<br />
Cũng vào thời gian với Boundier, nhà xã hội học người Mỹ Jame Coleman,<br />
tương tự như Boundier, đưa ra một khái niệm rất rộng về vốn xã hội mà không dựa<br />
vào cơ sở nghiên cứu lĩnh vực hẹp “Vốn xã hội được định nghĩa bằng chức năng của<br />
nó. Nó không phải là những thực thể riêng lẻ mà là những thực thể đa dạng, với hai<br />
thành tố chung: chúng bao gồm một số khía cạnh của cấu trúc xã hội và tất nhiên là<br />
chúng linh hoạt trong các hành động của các tác nhân - dù các cá nhân hoặc liên kết<br />
các tác nhân - trong cấu trúc đó. Cũng giống như các hình thức khác của vốn, nhờ<br />
vốn xã hội có thể đạt được những mục tiêu cụ thể mà nếu không có vốn xã hội thì<br />
không thể đạt được”.(Halpern, 2005:39)<br />
Ngân hàng Thế giới, một tổ chức quốc tế đã rất tích cực trong việc nghiên cứu<br />
và đưa vào hoạt động khái niệm này và đã đưa ra một định nghĩa về vốn xã hội bao<br />
hàm cả các thể chế xã hội: “Vốn xã hội liên quan đến những thể chế, những mối quan<br />
hệ, những chuẩn mực làm định hình chất lượng và số lượng của các tương tác xã hội<br />
trong xã hội. Có nhiều bằng chứng cho thấy tính gắn kết xã hội là rất quan trọng đối<br />
với các xã hội có thể trở nên phồn thịnh về kinh tế và phát triển một cách bền vững.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Hoàng Bá Thịnh 43<br />
<br />
Vốn xã hội không chỉ là tổng số đơn thuần các thể chế tạo nên một xã hội - nó còn là<br />
chất keo dính gắn kết chúng lại với nhau”.(World Bank 1999, dẫn theo Halpern,<br />
2005: 16)<br />
Khác với các định nghĩa trên đề cập đến cấp độ vĩ mô của vốn xã hội, thì<br />
Putnam, một giáo sư xã hội học ở Đại học Harvard lại nhấn mạnh khía cạnh vi mô<br />
của vốn xã hội: “Những mối liên hệ trong mạng kết nối giữa các cá thể từng con<br />
người với nhau, giữa cá thể con người và xã hội, về những mối quan hệ tạo ra sự có<br />
đi có lại, sự tin cậy nhau, về những chuẩn mực hình thành từ những mối quan hệ này.<br />
Với nghĩa như vậy, vốn xã hội liên quan mật thiết đến phẩm chất công dân” (Putnam,<br />
2000, dẫn theo Nguyễn Trung, 2006).<br />
Thậm chí, Fukuyama - một nhà khoa học có tên tuổi và có nhiều bài viết về vốn<br />
xã hội, nhưng cũng có những định nghĩa khác nhau khi bàn đến vốn xã hội và vai trò<br />
của nó đối với sự phát triển. Ông nhận xét rằng, có rất nhiều định nghĩa quy vốn xã<br />
hội vào những biểu hiện của nó hơn là chính bản thân vốn xã hội. Fukuyama quan<br />
niệm “vốn xã hội là những chuẩn mực không chính thức có tác dụng thúc đẩy sự hợp<br />
tác giữa hai hay nhiều các cá nhân” (Fukuyama, 2001). Theo ông, những chuẩn mực<br />
cấu thành vốn xã hội có thể được kể từ những chuẩn mực của sự tương tác giữa hai<br />
người bạn đến cả những học thuyết phức tạp, tỉ mỉ, quy củ như Thiên Chúa giáo hay<br />
Nho giáo. Chúng phải được giải thích bằng một mối quan hệ thực tế của con người:<br />
chuẩn mực của sự tương tác tồn tại tiềm tàng trong cách cư xử của tôi với tất cả mọi<br />
người, nhưng nó chỉ được thực hiện một cách thực sự trong cách cư xử của tôi với<br />
những người bạn của tôi. Bằng định nghĩa này, lòng tin, mạng lưới, xã hội dân sự và<br />
những thứ tương tự, những thứ gắn vốn xã hội, là tất cả các sản phẩm phụ, nảy sinh<br />
như là kết quả của vốn xã hội nhưng không cấu thành bản thân vốn xã hội. Một năm<br />
sau, trong một bài viết khác, Fukuyama lại đưa ra một định nghĩa khác: “Vốn xã hội<br />
là các chuẩn mực, giá trị được chia sẻ để thúc đẩy sự hợp tác xã hội, điều này được<br />
chứng minh bằng các mối quan hệ xã hội thực sự” (Fukuyama, 2002).<br />
Khi tìm hiểu về vốn xã hội, người ta không thể không nhắc đến Coleman, nhà<br />
xã hội học giải thích vốn xã hội theo quan điểm chức năng, ông định nghĩa vốn xã<br />
hội là “các nguồn lực cấu trúc xã hội mà cá nhân có thể sử dụng như là nguồn vốn tài<br />
sản”(Coleman,1994 :302). Đồng thời, ông cũng chỉ ra một số hình thái của vốn xã<br />
hội, như sau:<br />
• Lòng tin, sự kỳ vọng, trách nhiệm được thể hiện trong quan hệ xã hội và nhờ<br />
chúng mà hành động được thực hiện đều là những hình thái của vốn xã hội.<br />
• Thông tin được phát triển và trao đổi trong quan hệ giữa người này với người<br />
khác mà nhờ nó hành động được thực hiện cũng là hình thái của vốn xã hội.<br />
• Những chuẩn mực xã hội có hiệu lực mà nhờ nó hành động được thực hiện.<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
44 Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn<br />
<br />
Dưới hình thái là những chuẩn mực, vốn xã hội có thể khuyến khích hoặc kiềm chế<br />
hành động của các cá nhân, nhóm xã hội.<br />
• Quyền lực hay uy tín cũng được xem là một hình thái của vốn xã hội, bởi vì<br />
khi giao quyền kiểm soát hành động cho một người nào đó, điều này cũng có nghĩa là<br />
đã tạo ra vốn xã hội cho người đó. (Coleman, 1994 : 306, 313)<br />
Trong khi còn có những sự khác nhau giữa các nhà nghiên cứu về cách định<br />
nghĩa và cách vận dụng vốn xã hội, nhưng nhìn chung hệ thống các loại hình về vốn<br />
xã hội có thể được xác định. Hệ thống các loại hình này kết hợp chặt chẽ ba khía<br />
cạnh khác nhau của vốn xã hội: những thành tố chính của nó là (các mạng lưới,<br />
chuẩn mực và và sự tán thành/thừa nhận); các cấp độ phân tích được thực hiện (cấp<br />
độ cá nhân, cấp độ trung gian và vĩ mô) và đặc trưng hay chức năng của vốn xã hội<br />
(mối quan hệ ràng buộc, tính chất bắc cầu, sự liên kết) (Halpern, 2005:39).<br />
Mức độ phổ biến nghiên cứu về vốn xã hội không chỉ thể hiện ở việc nghiên<br />
cứu lý thuyết mà còn nghiên cứu vốn xã hội trong hoạt động thực tiễn. Nhiều quốc<br />
gia trên thế giới đã nghiên cứu về vốn xã hội và điều đó đã dẫn đến sự hiểu biết các<br />
thông tin cụ thể hơn về nhiều dạng vốn xã hội khác nhau và hệ quả của nó.<br />
Mạng lưới xã hội (Social Network), trước khi đề cập đến mạng lưới xã hội, để<br />
hiểu về vốn xã hội một cách đơn giản, tốt nhất là đưa ra một vài ví dụ. Nhiều người<br />
đã tham gia vào những tổ chức và mạng lưới xã hội khác nhau. Chúng ta là bạn bè, là<br />
đồng nghiệp. Chúng ta có thể thuộc một tổ chức xã hội hay nghề nghiệp ngoài nơi<br />
làm việc. Trong thời gian rỗi, chúng ta có thể chơi thể thao với một nhóm riêng biệt<br />
nào đó hay một câu lạc bộ, trở thành thành viên của một nhóm có lợi ích cơ bản khác,<br />
như những nhóm chứng khoán, buôn bán bất động sản, hoặc nhóm tín dụng. Chúng<br />
ta cũng có thể thuộc về một tổ chức chính trị - xã hội. Và trong cuộc sống gia đình,<br />
chúng ta là một phần của gia đình, chúng ta có mối quan hệ láng giềng, v.v. Những<br />
mạng lưới hàng ngày, bao gồm rất nhiều các loại quy chế, khế ước xã hội mà việc<br />
định nghĩa chúng và thực hiện chúng chính là những ý nghĩa mà chúng ta nói về vốn<br />
xã hội.<br />
Thuyết mạng lưới xã hội là một nhánh của khoa học xã hội đã được ứng dụng<br />
cho một phạm vi rộng của tổ chức con người, từ những nhóm nhỏ cho đến toàn bộ<br />
quốc gia. Thuật ngữ “mạng lưới” liên quan đến chuỗi các vật thể, điểm mấu chốt, và<br />
một bản đồ miêu tả về mối quan hệ giữa các vật thể. Theo cách thức của mạng lưới<br />
xã hội thì các vật thể liên quan đến con người hoặc những nhóm người. Ví dụ, một<br />
mạng lưới có thể bao gồm một con người và quan hệ của người đó với mỗi một<br />
người bạn cũng như người thân của anh/chị đấy. Mối quan hệ đó có thể có định<br />
hướng một chiều hoặc hai chiều. Do vậy, có thể định nghĩa một cách đơn giản, mạng<br />
lưới bao gồm tập hợp các đối tượng (trong toán học: giao điểm) và một lược đồ hoặc<br />
sự miêu tả của mối quan hệ giữa các đối tượng đó. Mạng lưới đơn giản nhất bao gồm<br />
hai đối tượng, A và B và một mối quan hệ kết nối giữa chúng, khi có nhiều hơn một<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Hoàng Bá Thịnh 45<br />
<br />
mối quan hệ, mạng lưới xã hội được gọi theo thuật ngữ là quan hệ đa thành phần.<br />
Một trong những lý do mà thuyết về mạng lưới xã hội được nghiên cứu là bằng sự<br />
hiểu biết về mối quan hệ giữa một cá nhân đối với người khác, chúng ta có thể đánh<br />
giá được vốn xã hội của cá nhân đó. Bởi vì, vốn xã hội liên quan đến vị trí mạng lưới<br />
của khách thể và bao gồm khả năng đạt được các nguồn lực có trong các thành viên<br />
của mạng xã hội đó. Nói cách khác, mạng lưới các quan hệ là sản phẩm của các chiến<br />
lược đầu tư, của các cá nhân hoặc tập thể, có ý thức hay không có ý thức nhằm thiết<br />
lập hoặc tái tạo các quan hệ xã hội được sử dụng trực tiếp trong giai đoạn ngắn hạn<br />
hoặc lâu dài.<br />
Mạng lưới xã hội có thể chia theo những cấp độ khác nhau (vi mô, trung gian,<br />
vĩ mô) và mạng lưới xã hội của các cá nhân cũng có thể khác nhau. Điều này tuỳ<br />
thuộc vào vốn xã hội và vốn con người của cá nhân như thế nào, ví dụ: mạng lưới xã<br />
hội của Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn kinh tế sẽ khác với mạng lưới xã hội<br />
của một giáo sư xã hội học, tương tự mạng lưới xã hội của người dân nông thôn cũng<br />
có những khác biệt so với người dân đô thị. Ở tầm quốc tế, mạng lưới xã hội của Bill<br />
Gate sẽ khác xa với mạng lưới xã hội của một người theo thuyết nữ quyền,..v..v<br />
Mạng lưới xã hội có thể đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng danh tiếng<br />
cho một người. Điều này đặc biệt rõ ràng tại các thị trường mua bán trên mạng, đây<br />
là một ví dụ về một hệ thống lớn nhiều người sử dụng, tại đó việc giao tiếp cá nhân<br />
qua lại giữa các thành viên là rất ít. Trong những hệ thống như thế, có thể rất khó cho<br />
các thành viên xây dựng uy tín mà không có sự trợ giúp của các công cụ cụ thể cho<br />
mục đích này. Uy tín có thể được định nghĩa như là sự đánh giá chung và khái quát<br />
về một người với sự kính trọng tính cách hoặc các phẩm chất khác. Việc đánh giá<br />
này được hình thành một cách cần thiết và cập nhật qua thời gian với sự giúp đỡ của<br />
các nguồn thông tin khác nhau. Các nhà xã hội học đã nghiên cứu xem các mạng lưới<br />
xã hội có thể được sử dụng như thế nào để cập nhật và phân tích sự tin cậy và uy tín.<br />
Những nghiên cứu này cho thấy có thể nói rất nhiều về cách ứng xử của các cá nhân<br />
bằng việc sử dụng thông tin có được từ phân tích các mạng lưới xã hội của họ.<br />
Trong mạng xã hội, vốn con người nằm ở các đầu mối còn vốn xã hội nằm ở<br />
các đường liên hệ, quan hệ giữa các đầu mối. Người ta có thể phân chia mạng lưới xã<br />
hội thành mạng lưới xã hội vi mô (quan hệ xã hội trong các nhóm nhỏ) và mạng lưới<br />
xã hội vĩ mô (quan hệ xã hội trong các nhóm lớn, cộng đồng, xã hội).<br />
2. Cấu trúc và chức năng của vốn xã hội<br />
Được hình thành và phát triển dựa trên lòng tin/sự tin cậy,... độ bền vững của<br />
vốn xã hội tuỳ thuộc vào mật độ tương tác/quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm xã<br />
hội. Vốn xã hội sẽ được duy trì và phát triển bền vững nếu mức độ liên hệ giữa các cá<br />
nhân, nhóm diễn ra thường xuyên, không gián đoạn. Có thể dẫn chứng bằng câu ca<br />
dao của cha ông chúng ta, khi nói “Năng mưa thì giếng năng đầy. Anh năng đi lại mẹ<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
46 Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn<br />
<br />
thầy năng thương”. Nếu mức độ quan hệ thưa thì sự gắn kết của mạng xã hội sẽ<br />
mỏng hoặc giảm dần. Cũng có thể vốn xã hội bị gián đoạn, mất đi do sự tác động của<br />
yếu tố khách quan như sự chuyển cư. Chẳng hạn, khi các dự án phát triển cần giải<br />
toả, đề bù và tái định cư cho người dân sinh sống trong khu vực dự án, khi đến khu<br />
tái định cư, những gia đình này đã mất đi môi trường xã hội trước đó mà họ đã có<br />
nguồn vốn xã hội được xây dựng và duy trì bao năm tháng. Nay đến nơi ở mới, khu<br />
tái định cư có thêm những “hàng xóm mới” và họ lại phải xây dựng lại mối quan hệ<br />
xã hội. Có những vốn xã hội mất đi không thể lấy lại được, như trường hợp các gia<br />
đình có cửa hàng kinh doanh ở mặt phố khi bị giải toả mở rộng đường, họ được bố trí<br />
tái định cư ở một khu chung cư, lẽ dĩ nhiên họ không thể mở cửa hàng kinh doanh<br />
như trước, và những bạn hàng - mạng lưới xã hội - mà họ thiết lập trong nhiều năm<br />
đã không còn duy trì được. Với những người dân từ các địa phương ở phía Bắc di cư<br />
vào miền Nam làm kinh tế, họ còn để lại quê cũ các nguồn vốn xã hội khác (phong<br />
tục, văn hoá bản địa, mối quan hệ họ hàng, láng giềng) để rồi cần có thời gian để làm<br />
quen, thích nghi với văn hoá, phong tục và nếp sống của quê hương mới, và xây dựng<br />
vốn xã hội lại từ đầu.<br />
Vốn xã hội cũng có thể mất đi do yếu tố chủ quan, trường hợp này thường xảy<br />
ra khi một ai đó “mất lòng tin” do người khác hay một đối tác đã không thực hiện<br />
đúng cam kết/thoả thuận - phần lớn là bất thành văn - hay nói cách khác, một số<br />
người lợi dụng lòng tin của bạn bè mà có những hành vi sai lệch. Vụ vỡ tín dụng với<br />
vài chục tỷ đồng ở các tỉnh, thành phố như Gia Lai, Đà Nẵng, v.v... gần đây là một<br />
ví dụ và sự lạm dụng lòng tin của các thành viên trong mạng lưới xã hội.<br />
Về cấu trúc của vốn xã hội, tuy có những sự khác nhau trong cách định nghĩa và<br />
cách vận dụng vốn xã hội, nhưng nhìn chung hệ thống các loại hình vốn xã hội có thể<br />
được xác định. Hệ thống các loại hình này kết hợp chặt ba khía cạnh khác nhau của<br />
vốn xã hội: những thành tố chính của nó là (các mạng lưới, chuẩn mực và và sự tán<br />
thành/thừa nhận); các cấp độ phân tích được thực hiện (cấp độ cá nhân, cấp độ trung<br />
gian và vĩ mô) và đặc trưng hay chức năng của vốn xã hội (mối quan hệ ràng buộc,<br />
tính chất bắc cầu, sự liên kết) (Halpern, 2005:39).<br />
Về chức năng, vốn xã hội trong một mạng lưới hay một nhóm đặc thù có thể tạo<br />
ra những chức năng tích cực hoặc tiêu cực. Chức năng tích cực, có thể ví dụ bằng<br />
việc giáo dục cho con người những đức tính xã hội như trung thực, nhường nhịn và<br />
đáng tin - những cái mà sau này họ có thể dùng trong mối quan hệ với những người<br />
khác. Nhưng vốn xã hội cũng có thể tạo nên chức năng tiêu cực (mà các nhà xã hội<br />
học gọi là phản chức năng). Trên thực tế, đa số các quốc gia đang phát triển đều rất<br />
giàu vốn xã hội tồn tại dưới dạng những nhóm người có quan hệ ruột thịt hay những<br />
nhóm xã hội truyền thống như dòng họ, hoặc những hiệp hội, tổ chức làng xã. Có thể<br />
kể ra rất nhiều dẫn chứng về “phản chức năng” của vốn xã hội, như “Một người làm<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Hoàng Bá Thịnh 47<br />
<br />
quan cả họ được nhờ”, “Chi bộ họ nhà ta”, hay chủ nghĩa địa phương, cục bộ, .v.v.<br />
Nói cách khác, khi các liên kết bên trong một mạng lưới các quan hệ không được bổ<br />
sung hay không được kiềm chế bởi các nhu cầu kết nối với những mạng lưới xã hội<br />
khác, thì một khi sự gắn kết và tin cậy bên trong một nhóm xã hội càng lớn thì càng<br />
có khả năng loại trừ những người bên ngoài nhóm đó. Cái mà họ thiếu là những tổ<br />
chức hiện đại, có bán kính rộng để có thể kết nối với những nhóm thiểu số, tầng lớp<br />
hay những ranh giới địa vị và tồn tại với tư cách là những cơ sở cho những tổ chức<br />
kinh tế chính trị hiện đại. Nhìn từ góc độ này, nhiều nhóm truyền thống - hiện thân<br />
như một dạng của vốn xã hội - có thể xem là những vật cản của sự phát triển bởi vì<br />
tính thiển cận và bảo thủ.<br />
Bên cạnh chức năng tích cực và tiêu cực, vốn xã hội còn có chức năng sản<br />
xuất/sinh lợi (có vốn xã hội thì đạt được hiệu quả/mục đích còn nếu thiếu nó thì sẽ<br />
không thể đạt được) và chức năng thay thế/bổ sung cho các loại vốn khác (nó có thể<br />
thay thế vốn tài chính hoặc vốn con người. Ví dụ “Nhất thân, nhì quen...”).<br />
Vốn xã hội có vai trò quan trọng không chỉ đối với phát triển con người (Hoàng<br />
Bá Thịnh, 2003) mà còn quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Khi đo<br />
lường nguồn của cải thế kỷ 21, các chuyên gia cho rằng vốn xã hội là một trong<br />
những thành tố cơ bản của vốn vô hình (bao gồm lao động thô, vốn con người, vốn<br />
xã hội và chất lượng của các thể chế). Nghiên cứu của họ cho thấy gần 85% các nước<br />
trong mẫu nghiên cứu có tỷ trọng vốn vô hình trong tổng của cải lớn hơn 50%, và<br />
vốn vô hình tạo nên 80% tổng của cải của các nước có thu nhập cao. (Ngân hàng Thế<br />
giới, 2008: 31).<br />
3. Những phí tổn để duy trì vốn xã hội và mạng lưới xã hội<br />
Trong xã hội học, có lý thuyết về sự lựa chọn hợp lý đề cập đến hành động của<br />
chủ thể khi quyết định lựa chọn phương án tối ưu, được dựa trên sự phân tích chi phí<br />
- lợi ích. Điều này cũng có nghĩa, giống như sự trao đổi xã hội, tác nhân muốn có<br />
điều mình muốn thì phải “trao đổi” với người khác cái mà họ muốn ở mình, cho dù<br />
không phải bao giờ sự trao đổi cũng là sự trao đổi “ngang giá”. Trong phân tích chi<br />
phí - lợi ích, người ta thường đề cập đến những chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp<br />
(hay chi phí cơ hội) đối với một hành động nào đó. Vận dụng điều này vào xem xét<br />
việc duy trì vốn xã hội và mạng lưới xã hội, chúng ta có thể thấy nhiều điểm sáng tỏ.<br />
Như đã đề cập ở trên, hạt nhân của vốn xã hội là niềm tin/lòng tin. Nói cách<br />
khác, chữ tín trong quan hệ giữa các cá nhân được xem là chất keo gắn kết và duy trì<br />
mạng lưới các quan hệ xã hội. Và để duy trì, đề cao chữ tín, nhiều khi phải chấp nhận<br />
những tổn thất to lớn, như ví dụ sau đây “Vào tháng 11 năm 1994, đại tập đoàn Intel<br />
đã phải đối mặt với những khách hàng giận dữ yêu cầu đổi lại mạch vi xử lý (chip)<br />
Pentium vốn dĩ được thông báo có lỗi làm ảnh hưởng tới việc tính toán. Phản ứng<br />
đầu tiên của công ty là yêu cầu khách hàng đưa ra các chip bị lỗi, và chỉ sau đó Intel<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
48 Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn<br />
<br />
mới đổi lại cho họ. Dù Intel đã khẳng định rằng lỗi này không thể làm ảnh hưởng tới<br />
mọi khách hàng sử dụng vì nó chỉ có thể xảy ra một lần trong 9 tỉ các phép tính<br />
thông thường, song lòng tin của khách hàng về sản phẩm đã bắt đầu giảm xuống.<br />
Công ty vẫn cứng đầu dậm chân tại chỗ trong vòng hơn một tháng khi đang phải đối<br />
mặt với một làn sóng phản đối. Sau đó IBM, khách hàng chính sử dụng chip Pentium,<br />
cũng đã tạm ngừng việc gửi các máy tính của họ để lắp chip. Cuối cùng thì, trước bờ<br />
vực của một thảm họa về thị trường, Intel đã đưa ra chính sách thu hồi sản phẩm mà<br />
không hề tranh cãi gì nữa. Cái giá phải trả cho việc thu hồi sản phẩm ước tính<br />
khoảng 500 triệu đô la” (Vietnamnet,10:15' 15/01/2008.<br />
Liên hệ với một số “phí tổn” để duy trì “vốn xã hội” ở Việt Nam<br />
Về bản chất, vốn xã hội càng sử dụng thì lại càng được duy trì và phát triển,<br />
nhưng nó sẽ mai một nếu ít hoặc không sử dụng thường xuyên. Điều này có nghĩa,<br />
muốn có được vốn xã hội thì phải có những chi phí hoặc “đầu tư” để nuôi dưỡng và<br />
duy trì. Những phí tổn này, bao gồm cả kinh tế và phi kinh tế. Điều tra mức sống dân<br />
cư Việt Nam 1997 - 1998 cho thấy trong số 11 khoản chi tiêu cho đời sống văn hoá<br />
của các hộ gia đình (như mua sách báo, đồ trang sức, giải trí,..) có nhận xét rằng:<br />
“Đối với những hộ nghèo, chi tiêu cho cưới xin và ma chay lớn gấp 30 lần so với các<br />
khoản chi tiêu cho sách báo và tạp chí. Đây là một chỉ báo mạnh cho thấy ảnh hưởng<br />
của niềm tin vào thần linh, hoặc của áp lực xã hội đã trùm lên lòng ước muốn về tri<br />
thức” (Mức sống trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, 2001: 45)<br />
Song, nếu chúng ta giải thích điều này từ cách tiếp cận vốn xã hội thì sẽ thấy<br />
vấn đề sáng tỏ và có sức thuyết phục hơn. Chúng ta biết rằng, người Việt Nam<br />
thường sống và hành xử theo khuôn mẫu truyền thống, với những cộng đồng nông<br />
thôn thì điều này càng rõ hơn, cuộc sống của những người dân ở nông thôn ứng xử<br />
theo phương châm “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” và những tập tục của cộng<br />
đồng đó mạnh đến mức nhiều khi luật pháp cũng bó tay bởi “Phép vua thua lệ làng”.<br />
Trong đời sống thôn làng, những sự kiện trong sinh hoạt của người dân như việc hiếu<br />
(giỗ chạp, ma chay), việc hỷ (cưới xin, mừng nhà mới, mừng thôi nôi, mừng đầy<br />
tháng, khao con đỗ đại học, khao xe máy mới, v.v.) hay thăm hỏi người khác lúc đau<br />
ốm, hoạn nạn, gặp rủi ro trong cuộc sống v.v... thường có tính cộng đồng rất cao, thu<br />
hút đông đảo người dân trong thôn, xóm tham gia cho dù không phải anh em, họ<br />
hàng. Nếu ai đó không tham gia các hoạt động có tính cộng đồng như vậy, là họ đã tự<br />
tách mình ra khỏi nhịp sống chung, và cũng có nghĩa là họ đã làm mất đi vốn xã hội<br />
trong khi người khác lại đang duy trì, củng cố và làm giàu thêm vốn xã hội. Trong<br />
khi đó, mức chi phí cho sách, báo chiếm tỷ lệ thấp, bởi vì chi phí cho đời sống văn<br />
hoá, tinh thần là chi phí không có tính bắt buộc, còn những chi phí liên quan đến<br />
hiếu, hỷ là chi phí có tính bắt buộc (không hiếm trường hợp người nghèo phải đi vay<br />
mượn để tham gia vào việc hiếu, hỷ). Tuỳ theo nhu cầu về đời sống văn hoá, tinh<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Hoàng Bá Thịnh 49<br />
<br />
thần, và quan trọng hơn, điều kiện kinh tế mà người dân chi phí cho món ăn tinh thần<br />
ra sao. Về cơ bản, người nghèo chưa thể quan tâm hoặc ưu tiên cho đời sống văn hoá,<br />
tinh thần. Đó là chưa nói đến việc trong nhóm dân số nghèo thì thường không có điều<br />
kiện tiếp cận với giáo dục nên học vấn thấp, thậm chí nhiều người chưa biết chữ, vậy<br />
thì trong cơ cấu chi tiêu của hộ nghèo, tỷ lệ dành cho sách báo thấp thì cũng là điều<br />
dễ hiểu. (Hoàng Bá Thịnh, 2007).<br />
Chính vì thế, hầu như không có sự khác biệt giữa người giàu với người nghèo<br />
đối với các công việc liên quan đến ma chay, cúng lễ (35,6% và 37,2%), bởi ai cũng<br />
tham gia không chỉ vì “nghĩa tử là nghĩa tận” mà còn vì muốn san sẻ, giúp đỡ, động<br />
viên gia chủ khi gặp chuyện buồn. Sự giúp đỡ đó bên cạnh thời gian, công sức còn<br />
có giúp đỡ về kinh tế (thường là tiền mặt), đây chính là “phí tổn” cho vốn xã hội.<br />
Nói cách khác, vốn xã hội cũng cần được đầu tư, cho dù gia đình người đó có<br />
nghèo, thiếu thốn.<br />
Khi nghiên cứu xã hội học về mạng lưới xã hội, người ta thường đặt câu hỏi với<br />
nhóm đối tượng được khảo sát, rằng “Khi gặp khó khăn, anh/chị có nhận được sự<br />
giúp đỡ từ người khác hay không?” và “Anh, chị thường nhận được sự giúp như thế<br />
nào?” v.v... Nghiên cứu ở xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) năm 2006 qua khảo sát 642<br />
người cho thấy, riêng về cưới xin, mỗi năm bình quân người dân được hỏi cho biết:<br />
dưới 10 đám cưới (24%), từ 10 - 20 đám cưới (61.2%) và trên 20 đám cưới (14.8%).<br />
Mức tiền mừng trung bình mỗi đám cưới là: dưới 50 ngàn đồng (4.2%); 50 ngàn<br />
(85.7%), từ trên 50 ngàn đến dưới 100 ngàn (4%) và có 6.2% mừng trung bình mỗi<br />
lần 100 ngàn đồng. Tháng 5 năm 2007, khảo sát tại xã Ái Quốc (Nam Sách, Hải<br />
Dương) cho thấy, 94.7% số hộ được hỏi có tham gia các hoạt động liên quan đến việc<br />
hiếu, hỷ; và 10.6% có tham gia lễ mừng sinh nhật. Đáng chú ý là 77.6% nói rằng<br />
việc hiếu hỷ tăng lên so với vài năm trước. Về mức chi, trung bình một năm, 42.4%<br />
chi dưới 1 triệu, 31% chi từ 1 đến 2 triệu; 22.8% chi từ 2 đến 5 triệu; và 3.8% chi trên<br />
5 triệu đồng.<br />
4. Kết luận<br />
Vốn xã hội - một thành tố quan trọng của vốn vô hình - là một mức độ/thước đo<br />
cộng đồng, như các mạng lưới, lòng tin, sự kết hợp và cam kết đối với phúc lợi và<br />
chia sẻ các giá trị của cộng đồng/xã hội. Không chỉ ở vùng nông thôn mà các cộng<br />
đồng đô thị vốn xã hội cũng có tầm quan trọng: “Quá trình đô thị hoá không chỉ làm<br />
thay đổi lối sống của bản thân người dân mà còn làm thay đổi quan hệ của người dân<br />
với cộng đồng. Hơn 2/3 ý kiến cho rằng người Đà Nẵng luôn sẵn sàng tương trợ lẫn<br />
nhau trong lúc khó khăn” (Trịnh Duy Luân, 2008).<br />
Nhìn từ cấp độ vi mô, thì vốn xã hội thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ hàng<br />
xóm láng giềng, là mối quan hệ luôn luôn được đánh giá cao. Không chỉ ở Việt Nam,<br />
mà người dân Thuỵ Sĩ và nhiều nước châu Âu cũng rất coi trọng mối quan hệ này.<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
50 Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn<br />
<br />
Để bù đắp cho những quãng thời gian quá bận rộn của đời sống công nghiệp hiện đại,<br />
chỉ đủ để nói với nhau "Xin chào, anh/chị có khỏe không?" khi mỗi lần gặp tình cờ ở<br />
đâu đó. Từ năm 2004 người dân Thuỵ Sĩ dành riêng một ngày trong năm (ngày 27 -<br />
5) để thiết đãi những người hàng xóm, gọi là “Ngày hội hàng xóm”, đây cũng là dịp<br />
để họ quên đi những phiền phức mà người hàng xóm gây ra cho mình. Sự kiện này<br />
được hưởng ứng nhiệt tình và không ngừng được nhân rộng, trong lãnh thổ Thụy Sĩ<br />
và cả ở một số quốc gia láng giềng của nước này. Trong ngày hội này, người ta<br />
thường tổ chức những bữa tiệc đứng vào chiều tối. Mỗi gia đình mang tới ngày hội<br />
những món ăn mình tự chế biến để "góp vui". Trong năm 2007, có 7 triệu người hàng<br />
xóm trong 28 nước châu Âu cùng nâng ly để chúc nhau sức khỏe (Tuoitreonline,<br />
27/05/2008, 18:21 (GMT+7).<br />
Ví dụ trên đây cho thấy tầm quan trọng của vốn xã hội trong cuộc sống hàng<br />
ngày của cá nhân và cộng đồng, và vốn xã hội không chỉ là tổng số vốn con người<br />
của các thành viên trong một cộng đồng. Vốn xã hội được xác định bằng khả năng<br />
để giảm các cú sốc, khai thác các cơ hội và định hướng tới tương lai của một cộng<br />
đồng. Không có vốn xã hội, một cộng đồng sẽ thiếu sự gắn kết, không thể tổ chức<br />
để duy trì môi trường xã hội hoặc kinh tế và sẽ không hấp dẫn được những người<br />
bên ngoài cộng đồng. Vốn xã hội thường bị thiệt hại do các biểu hiện tiêu<br />
cực/phản chức năng.<br />
Hiểu được những đặc điểm và chức năng của vốn xã hội, chúng ta có thể<br />
phát huy những khía cạnh tích cực (chức năng) của vốn xã hội và hạn chế những<br />
mặt tiêu cực (phản chức năng) của vốn xã hội đối với sự phát triển cộng đồng/xã<br />
hội. Đồng thời có thể tạo điều kiện cho các thành viên của cộng đồng/xã hội<br />
tham gia tích cực hơn vào quá trình dân chủ cơ sở, huy động được các nguồn<br />
lực to lớn, tiềm tàng trong các cá nhân, nhóm và các thể chế xã hội vào sự<br />
nghiệp phát triển đất nước./.<br />
<br />
<br />
Tài liệu tham khảo<br />
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X; Nxb Chính trị quốc gia,<br />
Hà Nội, 2006.<br />
2. Nguyễn Quang A (2006): Vốn và vốn xã hội, Tạp chí Tia sáng, số 14, ngày<br />
20.7.2006<br />
3. Trịnh Duy Luân (2008): Biến đổi tâm lý - xã hội của cộng đồng dân cư đô thị<br />
dưới tác động của đô thị hoá, từ kết quả nghiên cứu tại Đà Nẵng; Tạp chí Xã hội<br />
học, số 1(101)- 2008, tr. 3 - 10.<br />
4. Nguyễn Trung (2006): Bàn về vốn xã hội, Tạp chí Tia sáng, số 14; 20.7.2006<br />
5. Ngân hàng Thế giới (2008): Của cải các quốc gia ở đâu? Đo lường nguồn của<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Hoàng Bá Thịnh 51<br />
<br />
cải thế kỷ 21; Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.<br />
6. Hoàng Bá Thịnh (2008): Về vốn xã hội và mạng lưới xã hội, Tạp chí Dân tộc học,<br />
số 5 (154)/2008.<br />
7. Tổng cục Thống kê - UNDP (2001): Mức sống trong thời kỳ bùng nổ kinh tế,<br />
Nxb Thống kê, Hà Nội.<br />
8. Vũ Minh Việt: Nông dân đang sống như thế, báo Nông nghiệp Việt Nam, số 223,<br />
224, ngày 6 và 7/11/2008<br />
9. Tuoitreonline 27/5/2008.<br />
10. Bourdieu, Pierre (1997) The Forms of Capital, in: A. Halsey, H. Lauder, P.<br />
Brown & A Stuart Wells (Eds.) Education: Culture, Economy and Society,<br />
Oxford: Oxford University Press.<br />
11. Bourdieu, P. and Wacquant, L. (1992): An Introduction to Reflexive Sociology;<br />
University of Chicago Press.<br />
12. David Halpern (2005): Social Capital, Polity Press<br />
13. Coleman, James (1994): Foundations of Social Theory; Harvard University<br />
Press<br />
14. Fukuyama, Francis (2001): Social capital, civil society and development;<br />
15. Kadushin, C (2004): Too much Invesment in Social Capital; Social Networks,<br />
29. pp.75-90<br />
16. Fukuyama, Francis (2002): Social capital and development: The Coming<br />
Agenda.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />