intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vương triều Cảnh Thịnh (1792 - 1801)

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:17

159
lượt xem
23
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sự băng hà đột ngột của vua Quang Trung đã đẩy vương triều Tây Sơn sang một ngã rẽ: Vương triều Tây Sơn khủng hoảng trầm trọng và sụp đổ. Khi xét về nguyên nhân sụp đổ của vương triều Tây Sơn, Đặng Văn Long - cựu tướng của nhà Tây Sơn cho rằng: “Còn về nhà Tây Sơn, chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu Vũ Hoàng không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi nước này?!” [6; 196]. Trong bài viết này, tác giả muốn chỉ rõ hoàn cảnh kế vị của vua Cảnh Thịnh, những...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vương triều Cảnh Thịnh (1792 - 1801)

  1. Vương triều Cảnh Thịnh (1792 - 1801) Sự băng hà đột ngột của vua Quang Trung đã đẩy vương triều Tây Sơn sang một ngã rẽ: Vương triều Tây Sơn khủng hoảng trầm trọng và sụp đổ. Khi xét về nguyên nhân sụp đổ của vương triều Tây Sơn, Đặng Văn Long - cựu tướng của nhà Tây Sơn cho rằng: “Còn về nhà Tây Sơn, chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu Vũ Hoàng không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi nước này?!” [6; 196]. Trong bài viết này, tác giả muốn chỉ rõ hoàn cảnh kế vị của vua Cảnh Thịnh, những đóng góp cũng như quá trình khủng hoảng, sụp đổ của vương triều Cảnh Thịnh, qua đó làm rõ tác động của vương triều này đến sự sụp đổ của nhà Tây Sơn. 1. Sự thành lập của vương triều Cảnh Thịnh Khi sự nghiệp đang có tiền đồ xán lạn thì vua Quang Trung đột ngột băng hà. Trước khi mất, Quang Trung còn trăng trối lại rằng: “Ta mở mang đất nước gồm có miền Nam, nay bệnh nặng chắc không khỏi. Thái tử tư chất cũng tốt nhưng tuổi còn thơ ấu, mà bên ngoài thì có người thù ở Gia Định, ông Thái Đức chỉ ham vui chơi, cẩu thả cầu yên, không lo việc tai hoạ về sau, sau khi ta chết, trong một tháng phải chôn táng cho xong… các anh nên hết lòng giúp đỡ Thái tử, phải dời gấp kinh đô ra tỉnh Nghệ An để khống chế trong nước, nếu không thì quân thù ở Gia Định lại, các anh sẽ không có đất mà chôn thân” [1; 31]. Điều mà vua Quang Trung lo lắng trước khi băng hà chính là một mối nguy lớn đối với vận mệnh nhà Tây Sơn: Thái tử Quang Toản lên ngôi kế vị, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh, may mắn được kế thừa một nền móng vững chắc, một tiền đồ đầy hứa hẹn của vua Quang Trung, nhưng bi kịch của “ấu Đế” cũng từ đó mà ra. Thứ nhất, Cảnh Thịnh lên ngôi mang trên vai một trách nhiệm nặng nề: Vận mệnh sơn hà xã tắc, thế thịnh hay suy của vương triều phụ thuộc vào vị Ấu đế này. Thứ hai, Cuộc chiến tranh huynh đệ năm 1787 đã được giải quyết, nhưng hệ lụy của cuộc phân tranh đó đã in dấu những rạn nứt trong nội bộ nhà Tây Sơn, giang sơn chia ba. Năm 1787, Nguyễn Lữ để mất Gia Định, từ đó thực tế Tây Sơn chia
  2. đôi: Từ Bến Ván trở ra Bắc là của hoàng đế Quang Trung, từ Bến Ván trở vào Gia Định là của hoàng đế Thái Đức. Rạn nứt huynh đệ được hàn gắn nhưng giang sơn lại bị chia cắt, nước nào lo phận nước ấy. Đến khi vua Quang Trung định đem quân vào cứu Gia Định thì mất đột ngột, bỏ lại một sự nghiệp thống nhất còn dang dở. Cảnh Thịnh lên ngôi kế vị, thừa hưởng cả dư âm chói lọi của triều Quang Trung, đồng thời cũng mang cả gánh nặng của sự chia rẽ, rạn nứt ấy của nhà Tây Sơn. Tác giả Văn Tân khi nhận xét về hậu quả của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn năm 1787 cho rằng: “Cuộc xung đột võ trang đến đây tuy đã chấm dứt nhưng hai bên Nhạc và Huệ sau đó vẫn nghi nhau. Sự nghi ngờ này không những tồn tại suốt thời Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, mà còn tồn tại mãi trong thời con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo và con Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Toản nữa” [5; 79]. Có điều nguy hại hơn, trước đây hào quang của vương triều Quang Trung đã tạo nên sức mạnh áp đảo sự rạn nứt đó, nay Quang Trung đột ngột qua đời, tấm lá chắn đó không còn nên lộ rõ sự chia rẽ, rạn nứt. Thứ ba, năm 1788, nhân khi anh em Tây Sơn chia rẽ thì Nguyễn Ánh chiếm thành Gia Định, uy thế ngày một vang dội. Nếu ở thời vua Quang Trung, Nguyễn Ánh phải lẩn trốn hết đảo Phú Quốc đến Xiêm, góp nhặt và xây dựng lực lượng, thì đến thời Cảnh Thịnh, Nguyễn Ánh đã có một chỗ dựa vững chắc ở vùng đất Gia Định. Có một nơi trú chân chắc chắn, an toàn để gây dựng lực lượng, Nguyễn Ánh ráo riết chuẩn bị Bắc tiến. Quang Trung trước khi mất đã nhận rõ mối nguy ấy, cho nên mới căn dặn: “Bên ngoài có người thù ở Gia Định… phải dời kinh đô ra tỉnh Nghệ An để khống chế trong nước, nếu không thì quân thù ở Gia Định lại, các anh sẽ không có đất mà chôn thân” [1; 31]. Thứ tư, dưới triều Quang Trung, văn thần, võ tướng đều hướng về hoàng đế Quang Trung mà hết lòng phò tá. Tuy nhiên, đến thời Cảnh Thịnh, hoàng đế còn nhỏ tuổi, chưa lập công danh trận mạc, sức mạnh quy tụ giảm dần, xu thế li tâm đe doạ triều chính. Nhất là khi rạn nứt trong nội bộ nhà Tây Sơn đã để lại hậu quả là Tây Sơn bị chia thành hai nước. “Thượng bất chính”, ắt “hạ tắc loạn”. Trước khi
  3. mất, Quang Trung đã thấy rõ nguy cơ đó, cho nên dặn lại: “Các anh nên hết lòng giúp đỡ Thái tử” [1; 31]. Thứ năm, triều Quang Trung đã gây dựng được thanh thế trong quan hệ bang giao với nhà Thanh. Bị đánh bại năm Kỷ Dậu, hơn nữa trước khi mất, Quang Trung còn có ý định đòi lại vùng đất Lưỡng Quảng, cho nên rõ ràng, nhà Thanh luôn nuôi ý định trả thù và bành trướng. Trước đây, vì uy thế và những chính sách ngoại giao khéo léo của Quang Trung mà nhà Thanh tạm gác lại ý định đó. Nay, Quang Trung mất, lợi dụng khi Quang Toản còn nhỏ tuổi, triều đình còn ngổn ngang việc đổi thay triều chính, vua Càn Long không giấu giếm ý định “mượn gió bẻ măng” do thám tình hình nước ta. Như vậy, Quang Toản kế vị, được kế thừa cả sự nghiệp lẫy lừng của vua Quang Trung, đồng thời cũng phải mang gánh nặng của những rạn nứt trong nội bộ Tây Sơn, những hệ lụy của sự rạn nứt đó với đại cục và tất yếu Cảnh Thịnh lại phải đối mặt cả với những rạn nứt mới của vương triều Tây Sơn. Tất cả đặt lên vai một vị “ấu Đế” mới 13 tuổi. Những khó khăn đó thể hiện rất rõ trong: “Chiếu cầu lời nói thẳng” của Cảnh Thịnh: “Trẫm tuổi trẻ, đức mọn, từng trải còn ít. Đức tiên hoàng đế lại sớm băng hà, phó thác sự nghiệp lớn lao mà khó khăn vào thân trẫm. Khoảng hai, ba năm nay vận nước khó khăn, ngoại thích trộm giữ quyền bính, điềm trời luôn hiện, việc binh không ngớt” [8; 291]. Sau khi vừa dẹp xong giặc Thanh, đất nước còn ngổn ngang trăm mối, vua Quang Trung tạ thế đột ngột, ấu Đế còn ít tuổi cho nên: “Trong thì triều đình, ngoài thì châu quận xa tới nơi biên cương quan ải, kỷ cương chưa được vững, quản lí còn nhiều thiếu sót. Việc quan lại, việc binh dân, mọi việc đều có sai trái, hễ lấp chỗ này lại lòi ra chỗ khác” [8; 291]. Mặt khác, âm vang của chiến thắng Kỷ Dậu đã tạo thanh thế vững chắc cho vương triều Quang Trung trong quan hệ bang giao, tuy nhiên chiến thắng đó cũng gây nên tâm lí tự mãn trong quân sĩ: “Đại để tệ nạn lơi lỏng biếng nhác, đều do lòng tự mãn, tự túc mà sinh ra, tật nhiễm chứa chất thành quen, khó mà kể hết” [8, 291].
  4. 2. Những đóng góp của vương triều Cảnh Thịnh Từ năm 1792-1794, vua Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, mọi quyền hành tập trung trong tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Đến sự biến năm 1794, Bùi Đắc Tuyên bị giết, vua Cảnh Thịnh mới thực sự nắm quyền. Vậy, trong khoảng 10 năm tồn tại của vương triều thì Cảnh Thịnh thực sự làm vua được 6 năm. Trong 6 năm đó, triều Cảnh Thịnh có một số đóng góp đáng ghi nhận: Về chính trị: Sau khi vua Quang Trung mất, các công thần thời khai quốc vẫn được triều Cảnh Thịnh trọng dụng. Sau khi lên ngôi, Cảnh Thịnh phong cho em là Quang Thuỳ làm Khang Công, tiết chế các doanh thủy bộ ở ngoài Bắc; Quang Bàn làm Tuyên công, Tổng đốc trấn Thanh Hoa; Cậu là Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư, trông nom mọi việc trong ngoài; Hạ Sơn công thần, Thái uý Phạm Công Hưng làm Đồng Chưởng quân quốc trọng sự; Quan Trung phụng chính Trần Văn Kỷ làm Hành trung thư cơ mật sự vụ; Hạ sơn luân thần hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Thiếu phó Nguyễn Quang Diệu, Nội thần Nguyễn Thế Tứ, Tư lệnh Lê Trung được trấn thủ ở Nghệ An; Đại tư khấu Vũ Dũng, Đại tư hội Nguyễn Văn Phụng, Thiếu bảo Nguyễn Quang Danh, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Hình bộ thượng thư Lê Xuân Tàu, Tuần kiểm Chu Ngọc Uyển, Tiết độ Nguyễn Công Tuyết đều trấn thủ ở Bắc Thành. Như vậy đầu triều Cảnh Thịnh, triều đình vẫn giữ những văn thần, võ tướng của triều Quang Trung. Khi Thái sư Bùi Đ ắc Tuyên bị giết, để nắm lại triều chính, vua Cảnh Thịnh sai Ngô Thì Nhậm viết “Chiếu cầu lời nói thẳng” chỉ rõ vận nước khó khăn lúc này và nói rõ ý nguyện của mình: “Kinh thư có câu: “Dân không vua th ì nhờ cậy vào đâu, vua không dân th ì cùng ai giữ nước”… Trẫm đang mở lòng lắng nghe, để điều hành chính sự, ngõ hầu từ bỏ tệ nạn, thực hiện điều hay, vượt qua khó khăn lúc này” [8; 292], “Trẫm đang nghĩ cách bổ cứu tệ nạn, lỗi lầm, nhưng cái nào làm trước, cái nào làm sau, cái nào thư thả, cái nào gấp rút, trẫm cùng các đại thần mưu tìm đường ra, mà vẫn chưa thấy cách nào thích h ợp” vậy nên: “Phàm những người có chức vụ, hãy nên thể hội ý trẫm, ai nấy hãy dâng thư lên, bày tỏ
  5. sáng kiến nói hết đừng giấu diếm. Lời nào có thể dùng được thì dùng, không dùng được thì để đấy, không bắt lỗi” [8; 293]. “Chiếu cầu lời nói thẳng” một mặt thể hiện đức hạnh của vua Cảnh Thịnh, mặt nữa cũng cho thấy cái thế “ngổn ngang trăm mối” của vị ấu Đế 13 tuổi lên ngôi khi vua cha băng hà đột ngột, chưa chuẩn bị đầy đủ cho sự kế vị của mình lên ngôi trong điều kiện đất nước vừa đánh tan ngoại xâm, còn nhiều việc dang dở chưa giải quyết, “cái tệ trễ biếng” là do cái lòng tự mãn tự túc sinh ra, một số triều thần mang tâm lý hưởng lạc, trong “Chiếu cầu lời nói thẳng” vua Cảnh Thịnh cũng nói rõ: “Hỡi thần dân các ngươi, các ngươi h ãy dâng thư lên nói hết, đừng giấu giếm. Ở kinh thì nộp tại triều đình, ở ngoài thì nộp cho các quan trấn để chuyển đệ lên” [8; 291]. Về giáo dục: Để đào tạo một đội ngũ quan lại, tháng 3 năm Cảnh Thịnh thứ 8, vua bắt đầu mở khoa thi Hương ở Phú Xuân, khảo xét khoá sinh bậc thượng và bậc hạ ở Bắc Thành. Nhất trường kinh, truyện nghĩa, Nhị trường cả sách văn, phúc hạch bằng thơ, phú. Loại thượng khoá thì được miễn sai dịch suốt đời, loại hạ khoá thì miễn 3 năm. Về kinh tế: Sử sách không nói nhi ều đến chính sách kinh tế thời Cảnh Thịnh nhưng qua một số tư liệu còn lại, có thể phác qua tình hình kinh t ế thời kỳ này. Trong Tây Sơn thuật lược, tác giả viết: “Tây Sơn từ năm Canh Tuất trở lại thì mùa lúa so sánh có trúng hơn, trong nư ớc bình yên, thóc 1 quan ti ền được 100 đấu, dân chúng đều có chứa trữ, tiếng sáo lời ca có được nghe đó đây” [2; 18]. Để thúc đẩy buôn bán, Cảnh Thịnh cho đúc tiền: “Cảnh Thịnh thông bảo”, hình dáng, kích thước, chữ viết đều giống như tiền Quang Trung nhưng tiền đúc dày hơn, chất lượng kim loại tốt hơn. Trong tờ truyền Đại Đô đốc Định quận công gửi Hộ quân sư Sấm Thành hầu ở đồn Quy Hợp (19/4/1795) có đo ạn: “Trước đây định thuế trâu nhất loạt mỗi con giá 15 quan, thu thu ế 1 quan 5 tiền. Nay định lại. Trâu chia hai h ạng: Trâu lớn giá mỗi con 10 quan, trâu choai giá mỗi con 8 hoặc 7 quan. Mức thuế mười phần lấy một. Còn trâu nghé đang theo mẹ thì miễn thuế để nới rộng nghề buôn”
  6. [3; 9]. Như vậy, vua Cảnh Thịnh đã thực hiện chính sách giảm thuế để mở mang buôn bán với nước Vạn Tượng. Việc buôn bán với nhà Thanh được mở rộng. Trong tờ tấu của Tuần phủ Quách Thế Huấn (ngày 1/8 năm Càn Long 58) có viết: “Việc thông thị buôn bán với An Nam đã tâu lên và chuẩn cho sử dụng 2 quan ải Bình Nhi và Thuỷ Khẩu... Nay nước này mới lập thêm phố trạm tại vùng Hoa Sơn của trấn Lạng Sơn để đón thương nhân từ ải Bình Nhi đến buôn bán… lập thêm phố thị, dân và thương nhân cả hai đều có lợi… chuẩn cho đặt thêm phố trạm” [7; 237]. Như vậy, việc đặt thêm trạm Hoa Sơn đã chứng tỏ thời Cảnh Thịnh, giao thương buôn bán hai nước phát triển. Cùng với việc bãi bỏ tín bài, bỏ lệnh lùng bắt dân lậu thẻ tín bài, năm Cảnh Thịnh thứ 2, Cảnh Thịnh lệnh cho các nơi trong nước làm sổ thường hành chiếu theo sổ đinh, cứ 5 người lấy một lính, người còn sống không kể, người đã chết không trừ, ghi như vậy thành lệ. Về đối ngoại: Trên cơ sở nền tảng quan hệ bang giao tốt đẹp thời Quang Trung, vua Cảnh Thịnh giữ gìn và phát triển mối quan hệ bang giao đó. Trước hết với nhà Thanh, sau khi vua Quang Trung băng hà, triều đình mai táng tại phía Nam sông Hương, Thụy là Thái Tổ Vũ Hoàng đế, rồi cử người sang Trung Quốc cáo tang, nói dối rằng vua Quang Trung trối lại: “Bất tất chôn tại Nghệ An, hãy đem đến Tây Hồ an táng… ngõ hầu hồn phách linh thiêng có thể được gần cung khuyết của Thiên tử” [7; 234]. Vua Thanh tưởng thật, tứ thuỵ là “Trung thần” ngự chế một bài thi: Ai Thuật, soạn một bài điếu văn, cấp một tượng Phật bằng ngọc, sai sứ sang Thăng Long phúng điếu. Sứ giả làm lễ trước mộ giả vua Quang Trung tại Linh Đường, huyện Thanh Trì. Sở dĩ vua Cảnh Thịnh cho làm mộ giả ở Thăng Long, không để sứ giả vào Phú Xuân phúng điếu là vì: Sau thất bại năm Kỷ Dậu, nhà Thanh vẫn không từ bỏ ý định xâm lược nước ta. Lúc Quang Trung còn sống, uy thế của Quang Trung tạo thanh thế lẫy lừng khiến vua Thanh phải nể sợ. Nay Quang Trung đột ngột qua đời, Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, đó là cơ
  7. hội để nhà Thanh thực hiện ý định đó. Trong chỉ dụ vua Càn Long (3/4/1793) ghi rõ: “Nước này mới lập, lòng người chưa hẳn được mười phần ổn định, huống hồ anh em không hoà mục, Nguyễn Nhạc tại Quảng Nam không khỏi có ý đồ dòm ngó… Nguyễn Quang Toản tuổi còn nhỏ nên hiện nay mọi việc trong nước giao cho Ngô Văn Sở quản lý... Nay Trần Dụng Phu đem chỉ dụ này hiển thị mật cho Thành Lâm rằng: Sau khi đến Nghệ An, chớ động thanh sắc, hãy bí mật dò tìm quan sát. Nếu như Ngô Văn Sở quả thực thuỷ chung như nhất, Trẫm đáng ưu đãi tưởng lộ, nếu hành động có nhiều điều ngang ngược, Thành Lâm hãy tâu gấp, đợi Trẫm liệu biên” [7; 230] và vua Thanh đã vạch kế hoạch sẵn: “Ngoại việc ban chỉ dụ riêng cho Phúc Khang An từ Tứ Xuyên di chuyển gấp đến Việt Tây (Quảng Tây) để lo việc trấn áp bên ngoài, hãy mang d ụ này từ 600 dặm cấp tốc truyền cho Trần Dụng Phu cùng Thành Lâm” [7; 230]. Dịch giả Hồ Bạch Thảo có lời bàn rằng: “Hay tin vua Quang Trung vừa mới mất, vua Càn Long sai Thành Lâm sang phúng điếu với mật lệnh dò xét tình hình nội bộ nước ta, cùng ra lệnh cho Phúc Khang An từ tỉnh Tứ Xuyên đến biên giới gấp, với ý đồ chờ nước ta có biến sẽ ra tay can thiệp. Dã tâm của kẻ thù phương Bắc, đời nối đời vẫn không thay đổi!... Xây mộ giả đất Bắc, bề ngoài nói khéo rằng tuy mất mà vẫn quyến luyến Thiên triều, nhưng thực sự phải chăng triều đình Tây Sơn lúc bấy giờ biết rõ bụng dạ nhà Thanh, nên không muốn cho bọn gián điệp đội lốt ngoại giao… để dò la bí mật nội bộ của ta” [7; 231]. Vì vậy, để giữ hoà hiếu giữa hai nước, làm mộ giả tránh việc sứ thần nhà Thanh vào Phú Xuân do thám, Cảnh Thịnh đã ngăn chặn được nguy cơ nhà Thanh “thừa gió bẻ măng”, lợi dụng việc Quang Trung băng hà để do thám nước ta. Tuy vậy, vua nhà Thanh vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lược. Chỉ dụ ngày 22 tháng giêng năm Càn Long thứ 58 viết: “Ngày hôm nay, được biết Nguyễn Quang Bình bị bệnh mất vào ngày 29 tháng 9 năm ngoái, Nguyễn Quang Bình không hoà mục với anh em, viên bồi thần nước này là Ngô Văn Sở quản lý việc nước đã lâu, cũng e rằng không phải là bọn yên phận… Lúc này công việc tại biên ải, riêng bọn Quách Thế Huân, Trần Dụng Phu không đủ khả năng lo liệu, cần một đại thần đến nơi... Phúc Khang An nhận được chỉ dụ này, lập tức… đến
  8. ngay Quảng Tây… nếu nghe được sự động tĩnh gì thì đừng ngại trú tại đó một vài tháng, bí mật quân sự, tuỳ thời mà liệu biện” [7; 233]. Như vậy, rõ ràng nhà Thanh vẫn nuôi ý đồ xâm chiếm Đại Việt. Trước ý đồ đó, Cảnh Thịnh sau khi lên ngôi, một mặt gây dựng vững chắc thế nước, một mặt thực hiện chính sách vừa cương vừa nhu với Đại Thanh: Quang Trung mất, Quang Toản cử người sang báo tang và xin vua Thanh phong vương. Đó là sự nhún nhường cần thiết của một vị ấu Đế trước một Đại Thanh lớn mạnh. Tờ tấu của Án sát sứ Thành Lâm gửi về triều đình đã khẳng định: “Vào ngày mồng 8 tháng 4 đến địa phương Gia Quất nước An Nam, Nguyễn Quang Toản đưa văn võ bồi thần lớn nhỏ quỳ đón long đình” [7; 234]. Vào ngày 10, sứ thần đến thành Thăng Long, phong Quang Toản làm An Nam quốc vương. Cảnh Thịnh mượn người khác đi thay để thụ phong. Về việc thụ phong lần này, nhà Thanh tỏ ra vội vã: “Sau khi Nguyễn Quang Bình mất, nước này đã gửi riêng sứ thần đến báo, nay vẫn chưa tới kinh đô; An Nam đường sá xa xôi, lại gửi thêm sứ thần đến, không khỏi phiền hà mệt nhọc phải lặn lội đi về... vậy... không cần phải gửi Bồi thần Ngô Đình Phụng đến kinh đô tấu thay… Còn Nguyễn Quang Toản xưng rằng muốn đích thân đến kinh đô, lại cũng không cần” [7; 236-237]. Ngày trước, vua Quang Trung uy thế lừng lẫy vậy mà vẫn phải cử người sang kinh đô nhà Thanh nhận sắc phong. Nay Quang Toản tuổi còn nhỏ, uy thế chưa lập mà Càn Long đích thân sai người sang Bắc thành phong vương, phải chăng phong vương chỉ là cái cớ, còn thực chất là sai sứ sang để do thám Đại Việt, lựa thời thực hiện ý đồ xâm chiếm. Việc Quang Toản cho người đóng thế, ra Bắc thành nhận sắc phong đã ngăn chặn được sứ thần nhà Thanh vào Phú Xuân khi vận nước đang trăm mối ngổn ngang. Triều Cảnh Thịnh nhận sắc phong, dâng cống vật, giữ quan hệ hoà hiếu hai nước. Mặt khác, những chính sách khôn khéo của triều Cảnh Thịnh đã ngăn chặn được âm mưu thừa cơ triều chính thay đổi mà xâm lược của Thanh triều. Hơn nữa, giữa lúc cuộc chiến tranh Tây Sơn và Nguyễn Ánh chưa phân định rõ ràng, Nguyễn Ánh dựng nghiệp ở Gia Định, chờ thời xin sắc phong của nhà Thanh, định
  9. vị chính thống, thì mối quan hệ hoà hiếu giữa triều Thanh và triều Cảnh Thịnh đã tạo tấm chắn ngăn chặn nhà Thanh công nhận Nguyễn Ánh. Cho nên, triều Thanh chỉ dụ: “Hiện nay Nguyễn Quang Toản đang phụng nhận lịch Chính… nước này và bọn Di (Nguyễn Ánh) kia là hai phe thù địch... Việc họ Lê, họ Nguyễn ai sai, ai đúng lúc này không cần bàn luận, chỉ biết rằng họ Nguyễn quy phục Thiên triều đã mấy năm, còn vùng đất Nông Nại thì nghe rằng bọn cướp biển thường trốn tránh tại đó, vậy chúng không phải là kẻ tốt”[7; 239] và “Nông Nại và An Nam (nhà Tây Sơn) hiện nay tranh đoạt chưa chấm dứt… không thiên vị phe nào” [7; 240]. Vậy, để được Thanh triều công nhận, sắc phong, có được địa vị chính thống thay nhà Lê, công lớn lao ấy Quang Trung đã tạo dựng, còn trong thế phân tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh nghiêng ngả, giữ được vị trí chính thống, được Thanh triều công nhận, âu đó cũng là công lao lớn của Cảnh Thịnh. Tạo lập vị thế của nước là một việc không dễ, trong thế phân tranh đó mà giữ được vị thế của quốc gia lại cũng là một việc khó hơn. Vương triều Cảnh Thịnh đã thành công trong việc đó, ít ra là cho đến 1801. Đối với Vạn Tượng, tập hồ sơ Quy Hợp cho thấy: Chiến dịch đánh Xiêm khỏi đất Lào năm 1793 với mục tiêu: Tiễu trừ ngoại xâm để nhân dân Lào được “yên mường, yên nước” [3; 13] đã thắng lợi lớn. Vậy, kể cả chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút 1785, chiến thắng Vạn Tượng 1791 thì quân Tây Sơn đã đánh bại quân Xiêm tất cả 3 lần. Đánh xong, Tây Sơn rút hết quân chứ không chiếm đất cho nên rất được lòng dân. Như vậy, sau khi vua Quang Trung băng hà, năm 1794, C ảnh Thịnh thực sự cầm quyền. Những thành tựu của triều Cảnh Thịnh không nhiều, không làm thay đổi hẳn đại cục như triều Quang Trung, nhưng trong th ế nghiêng ngả của triều chính, những thành tựu mà Cảnh Thịnh làm được là một cố gắng lớn, kéo dài được sự nghiệp của nhà Tây Sơn thêm 10 năm. 3. Quá trình khủng hoảng của triều Cảnh Thịnh
  10. 3.1. Sự chuyên quyền của Bùi Đắc Tuyên Sau năm 1792, những mâu thuẫn, rạn nứt trong nội bộ Tây Sơn ngày một khắc sâu hơn. Khi được tin Quang Trung tạ thế, vua Thái Đức cùng em gái và bộ thuộc ra phúng viếng, không ngờ ra đến địa đầu Quảng Nam, bị đồn tướng Phú Xuân ngăn lại. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng hành động này của Phú Xuân đã khắc sâu mâu thuẫn nội bộ nhà Tây Sơn, bỏ lỡ một cơ hội thống nhất cho nhà Tây Sơn. Về triều chính, vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh kế thừa một đội ngũ văn quan, võ quan trung thành, những bậc công thần thời khai quốc vẫn một lòng phò tá Tây Sơn. Tuy nhiên, trong tổ chức triều chính đã xuất hiện mầm hoạ, đó là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Vua Cảnh Thịnh mới 13 tuổi, mọi việc đều do Bùi Đắc Tuyên quyết đoán. Cảnh “quyền thần, ấu chúa” lạitái diễn. Thế lực của Tuyên ngày càng lấn át, quan nào theo Tuyên thì được ưu đãi, quan nào ra mặt chống thì bị hại. Triều đình sinh bè cánh, chống báng lẫn nhau, gốc nước lung lay: Với Ngô Thì Nhậm, trụ cột chính của triều Tây Sơn, Tuyên lấy cớ việc ngoại giao đã ổn, đưa Nhậm về làm Tổng tài Quốc sử quán, rồi cho ông về trí sĩ, xếp ngồi không giữa lúc nước nhà đang cần kíp. Với Trần Văn Kỷ - người được xếp vào hàng “mưu sĩ” của vua Quang Trung, là đầu mối của triều Quang Trung - Tuyên không muốn các quan tập trung xung quanh Kỉ, nên yêu cầu các quan định kỳ đến gặp quan phụ chính báo cáo mọi việc. Trần Văn Kỷ bị đặt vào cái thế: chức thì có mà quyền hành thì không, cho nên ông trở thành người thừa trong khi việc nước đang ngổn ngang trăm mối. Thời Quang Trung, Lê Văn Hưng là quan gi ỏi võ, hiệu lệnh ba quân đều do ông ban bố, uy thế mạnh. Đến thời Cảnh Thịnh, sợ Hưng khuynh bát ba quân, nên Tuyên xúi vua Cảnh Thịnh giết chết. Các văn thần, võ tướng cùng nhau dựng nghiệp nhà Tây Sơn, kẻ bị giáng chức, người bị đuổi về, kẻ chán cảnh triều chính đành tự rút khỏi chính sự, kẻ bị đẩy đi trấn thủ nơi xa xôi. Việc nước đang trăm mối, bờ cõi chưa yên, vậy mà văn thần,
  11. võ tướng không được trọng dụng. Vậy, các văn thần, võ tướng bị thanh lọc, Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, Tuyên một mình tác oai, tác quái. Đến đây, cảnh Thăng Long thời vua Lê - chúa Trịnh lại tái diễn ở Phú Xuân. “Quyền thần - ấu chúa” làm cho Phú Xuân chia rẽ, cơ nghiệp nhà Tây Sơn có nguy cơ sụp đổ. 3.2. Quá trình khủng hoảng, sụp đổ của triều Cảnh Thịnh Sự khủng hoảng của triều Cảnh Thịnh được chia làm 3 giai đoạn: 1793 -1796; 1797-1799; 1800-1801 * Giai đoạn 1793 -1796 Nhân khi triều Tây Sơn đang bộn bề việc kế vị,tháng 3/1793, Nguyễn Ánh tiến công ra Bắc: thành Đồ Bàn lâm nguy. Liệu thế không cự nổi, cùng kế, vua Thái Đức phải cầu Phú Xuân. Cảnh Thịnh sai quân vào cứu nguy cho Quy Nhơn. Nguyễn Ánh liệu thế không chống nổi, rút quân về Gia Định. Đây là cơ hội để Tây Sơn lật lại thế cờ. Tuy nhiên, cùng với sự rút lui của quân Nguyễn thì sự chia rẽ trong nội bộ Tây Sơn lại tái diễn. Vốn là, khi quân Nguyễn Ánh rút lui, quân Phú Xuân tiến vào thì thành Quy Nhơn đóng kín. Quân Phú Xuân đòi mở thành vào yết kiến Trung ương hoàng đế. Vua Thái Đức thấy khí thế quân Cảnh Thịnh mạnh thì lo sợ. Cuối cùng, cực chẳng đã, vua Thái Đức buộc phải mở cửa thành, quân Cảnh Thịnh tràn vào, giải giáp quân đội, chiếm giữ kho tàng. Vua Thái Đức “uy thế chẳng còn, kho tàng bị vét sạch, không dám một lời kháng cự, chỉ còn uất lên rồi chết” [4; 207]. Khi quân Nguyễn Ánh rút lui, Quy Nhơn được bảo vệ, nhưng vua Thái Đức băng hà. Bi kịch nhà Tây Sơn là ở đó. Vua Thái Đức không chết dưới tay kẻ thù mà bị chính quân Phú Xuân bức vào chỗ phải chết. Tây Sơn đã thống nhất sau hơn 6 năm chia nước, tuy nhiên ngay trong sự thống nhất này cũng đã ẩn chứa nhiều yếu tố rạn nứt mới. Sau khi sắp đặt công việc ở Quy Nhơn, nhân thế thắng, Cảnh Thịnh sai Trần Quang Diệu vào đánh Diên Khánh. Diên Khánh đứng trước nguy cơ mất thành. Đây là cơ hội để Tây Sơn đánh bật quân Nguyễn Ánh khỏi Diên Khánh, song cơ
  12. hội đó không được tận dụng để lật lại thế cờ vì Phú Xuân có biến. Vốn là, ở Phú Xuân, Bùi Đắc Tuyên nắm giữ quyền hành tác oai, tác quái nên Vũ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ, Nguyễn Văn Huấn, Phạm Công Hưng lập mưu hạ gục Tuyên, rồi bắt con Tuyên là Bùi Đắc Trụ, lại giả chiếu giải Ngô Văn Sở về Phú Xuân rồi quy tội mưu phản, đem dìm xuống sông. Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền thì bắt Tuyên là một lẽ, nhưng nhân việc bắt Tuyên mà hạ chết Bùi Đắc Trụ và đại thần Ngô Văn Sở thì quả là: Lấy việc chung nhân thể mà giải quyết thù riêng vậy. Lúc này ở Diên Khánh, Trần Quang Diệu đang ở thế làm chủ. Tuy nhiên, nghe tin có biến ở Phú Xuân, Trần Quang Diệu nói với tướng tá: “Lúc này các đại thần giết hại nhau, chúa thượng lại quá mềm yếu, trong không yên thì đối phó thế nào được với người ngoài” [4; 212], rồi rút quân về Phú Xuân. Vì vậy, thành Diên Khánh bị vây hãm 9 tháng liền, nhưng cuối cùng vì biến ở triều đình mà Diệu đành bỏ Diên Khánh, rút quân về cứu vãn tình thế, quân Nguyễn nhân đó mà giải vây được Diên Khánh. Trần Quang Diệu về đến Phú Xuân, đóng quân ở bờ Nam sông Hương. Võ Văn Dũng đem quân bản bộ giữ mé Bắc sông, ỷ mệnh vua ra đối phó với Diệu. Cuối cùng, vua Cảnh Thịnh phải mở cuộc giảng hoà, sắp đặt lại các địa vị trọng yếu, lập ra Tứ trụ đại thần: Trần Quang Diệu làm Thái phó, Nguyễn Văn Huấn làm Thái bảo, Võ Văn Dũng làm Đại tư đồ, Nguyễn Văn Danh làm Đại tư mã. Tứ trụ đại thần thực ra là một biện pháp tình thế để giải quyết tình trạng vua mới cầm quyền, không điều khiển nổi việc nước mà quần thần thì tranh giành ảnh hưởng với nhau. Diệu về Phú Xuân, triều chính ổn định xong, nhưng cũng không thấy đem quân trở lại Diên Khánh nữa. Loạn trong triều đình vừa dẹp yên, Tứ trụ đại thần đã chấm dứt sự phân tranh trong nội bộ quần thần, song tình hình phân quyền đó lại báo hiệu một đợt biến loạn mới. Vốn Diệu là người có uy quyền lớn, nắm đại binh, quyền thần lại buông lời dèm pha cùng vua Cảnh Thịnh rằng: Diệu nắm uy quyền lớn, sợ có ý khác. Cảnh Thịnh bèn thu hết binh quyền, để Diệu giữ hư vị trong triều. Diệu sinh nghi kỵ, cáo bệnh không vào chầu, ngày đêm cắt 200 thủ hạ phòng vệ. Cảnh Thịnh lại
  13. sợ Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng là bạn cố giao, gần nhau sẽ sinh biến, cho nên cử Võ Đình Tú vào Quy Nhơn. Phạm Công Hưng bị bệnh mất, Nguyễn Thế Tứ bị thất sủng, đi khỏi Phú Xuân. Nguyễn Văn Huấn bị vu tội mưu thông cùng giặc, rồi bị giết. Bàn về những biến cố ở Phú Xuân, tác giả Quách Tấn viết rằng: “Dưới triều Thái Đức, Quang Trung, vua tôi tin cậy nhau, bạn bằng yêu kính nhau. T ừ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài, đều lấy nghĩa mà đối đãi nhau. Quan văn cũng như tướng võ, ai nấy đều làm trong nghĩa vụ, quyền không ham, lợi không tham. Nh ờ vậy mà nước được mạnh, dân được yên. Sang triều Cảnh Thịnh, vua tôi nghi kỵ nhau, đình thần hãm hại nhau. Ai nấy đều lo quyền lợi riêng của mình, không nghĩ đến quyền lợi chung của dân của nước, khiến thế nước càng ngày càng đảo khuynh, lòng ng ười càng ngày càng ly tán” [6; 168]. Quả vậy, tính từ lúc vua Quang Trung băng hà đ ến năm 1797 là 4 năm. Trong 4 năm đó, Tây Sơn chìm trong chia rẽ, sát hại lẫn nhau. Sự biến Quy Nhơn vừa yên thì sự biến Phú Xuân lại nổi lên. Bùi Đắc Tuyên bị giết, triều chính toan trở lại yên ổn thì đến nạn đình thần khuynh đảo. Vua Cảnh Thịnh nhỏ tuổi, chưa đủ nắm cán cân triều chính, bè phái thì nhiều, hậu quả là: công thần kẻ thì bất mãn bỏ đi, kẻ bị giết hại, kẻ vào hàng Nguyễn Ánh. * Giai đoạn 1797 - 1799 Khi Nguyễn Ánh rút về Gia Định, thì ở Quy Nhơn xảy ra sự biến: Tiểu triều Nguyễn Bảo đánh úp Quy Nhơn. Nguyên do của biến loạn này là: Sau khi Thái Đức băng hà, vua Cảnh Thịnh phong cho Nguyễn Bảo làm Hiến công coi giữ một huyện. Nguyễn Bảo bị tước quyền kế vị, lại chỉ được ăn lộc một huyện nên bất bình, nuôi chí phục thù. Năm 1798, nghe tin Diệu và các tướng bất hoà, Bảo nhân đó đánh úp Quy Nhơn, hàng Nguyễn Ánh. Vua Cảnh Thịnh sai quân bắt Bảo, đồng thời bắt giết Lê Trung. Con của Lê Trung là Lê Chất nổi giận, quy hàng Nguyễn Ánh. Biến loạn Nguyễn Bảo bị dẹp, songNguyễn Ánh đã lợi dụng được sự rối loạn trong nội bộ Tây Sơn. Tháng 3 năm 1799, Nguyễn Ánh cho quân vây thành Quy
  14. Nhơn. Quy Nhơn nguy ngập. Viện binh từ Phú Xuân kéo vào đến Quảng Ngãi thì bị chặn lại. Lê Văn Thanh đợi không thấy viện binh tới, đành mở cửa ra hàng. Như vậy, mất Gia Định đánh dấu một bước sụp đổ của Tây Sơn, mất Quy Nhơn, Tây Sơn đứng trước nguy cơ mất toàn bộ cơ đồ. Quy Nhơn là nền tảng của khởi nghĩa Tây Sơn, Quy Nhơn mất, Tây Sơn lâm vào tình trạng rối loạn: Đình thần đổ lỗi cho nhau, Kiểm điểm Trần Viết Kết, Phụng chính Trần Văn Kỷ, Thượng thư Hồ Công Diệu giả thư vua Cảnh Thịnh quy kết việc mất Quy Nhơn là tại Trần Quang Diệu, rồi đưa thư bảo Vũ Văn Dũng giết Diệu. Dũng lại là người mang ơn Diệu nên đưa thư cho Diệu xem. Diệu kéo binh về vây thành. Vua đành sai bắt Hồ Công Diệu và Trần Văn Kỷ giao cho Diệu, sự việc mới yên ổn. Quần thần khuynh đảo, vua Cảnh Thịnh không phải không thấy rõ mối nguy đó nhưng bất lực. Quy Nhơn mất, quân Nguyễn ở cửa ngõ Phú Xuân, biến cố dồn dập mà đình thần cứ lo khuynh loát lẫn nhau, mối nước càng rối rắm, quần thần, nhân dân li tán. * Giai đoạn 1800 - 1801 Loạn triều chính vừa dẹp yên, Trần Quang Diệu lại lãnh đại binh đến vây thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh nghe tin Quy Nhơn nguy kh ốn, cử đại binh ra cứu viện. Song gần một năm mà quân Nguyễn vẫn không giải vây được. Trong thế cùng, theo kế của Võ Tánh, Nguyễn Ánh đành bỏ Quy Nhơn, kéo đại quân ra đánh Phú Xuân. Nhân đó, Di ệu hạ thành Quy Nhơn. Tuy lấy được Quy Nhơn, nhưng Diệu rơi vào thế cô lập, bị bao vây tứ phía, quân Tây Sơn d ốc hết sức chống đỡ chờ viện binh, song tình hìn h Phú Xuân ngày càng nguy ngập. Quân Nguyễn Ánh ồ ạt tiến đánh Phú Xuân. Vua C ảnh Thịnh phải tự mình kéo quân ra cự địch. Cuối cùng, không chống đỡ nổi, Cảnh Thịnh cùng cung quyến chạy khỏi kinh thành. Ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh vào thành Phú Xuân. Nguyễn Ánh chiếm Gia Định mất 11 năm, chiếm Quy Nhơn mất 9 năm, còn chiếm Phú Xuân chỉ mất 10 ngày. Thảm kịch ở Phú Xuân cũng chính là kết cục
  15. cuối cùng của quá trình suy yếu của Tây Sơn từ sau khi vua Quang Trung mất. Và tất yếu sự sụp đổ ở Phú Xuân sẽ dẫn đến một chuỗi sự tan rã ở những phần còn lại trên lãnh thổ của triều Tây Sơn. Sau thắng lợi ở Nhật Lệ, Trấn Ninh đất Thuận Hoá đã hoàn toàn về tay nhà Nguyễn. Họ Nguyễn đã giành lại được nguyên vẹn đất của các vị tiên chúa thuở trước. Ngày 2 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh xưng Đế, đặt niên hiệu Gia Long. Thực tế đến đây, cơ đồ họ Nguyễn đã được khôi phục, đại cục nghiêng hẳn về phía nhà Nguyễn, việc thu phục nốt Bắc thành chỉ còn là vấn đề thời gian. Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Thành cố gắng vực lại vương triều, song Tây Sơn, người hàng, người bị bắt, người bị giết, không còn hy vọng hưng phục. Nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh vào Thăng Long. Cục diện phân tranh chấm dứt. Như vậy,sau năm 1792, s ự kiện Quang Trung đột ngột băng hà đã đẩy nhà Tây Sơn sang một ngã rẽ. Từ đây, Tây Sơn lâm vào c ảnh triều chính loạn lạc, hết cảnh ấu chúa - quyền thần lại đến cảnh quần thần tranh chấp, triều chính chia rẽ, hoạ tương tranh ngày một lớn. Tây Sơn trượt dài trên con đường khủng hoảng. Thế cuộc Tây Sơ n - Nguyễn Ánh cũng thay đổi:Nếu trước năm 1792, thế cuộc Tây Sơn - Nguyễn Ánh luôn bị chi phối bởi các cuộc tấn công của Tây Sơn thì sau năm 1792, lại bị chi phối bởi các trận “giặc mùa” của Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh chủ động tấn công Tây Sơn từ cơ sở vững chắc ở Gia Định. Mặc dù triều Cảnh Thịnh có nhiều cố gắng để xoay chuyển tình thế song trước những đợt tấn công của Nguyễn Ánh, nội bộ Tây Sơn không những không giải quyết được những mâu thuẫn cũ mà còn nảy sinh thêm nhiều mâu thuẫn mới. Quá trình phát triển của những rạn nứt trong nhà Tây Sơn song song với quá trình Nguy ễn Ánh từng bước phục hưng cơ đồ họ Nguyễn. Cho nên, Nguyễn Ánh chiếm Gia Định mất 11 năm, chiếm Quy Nhơn mất 9 năm, chiếm Phú Xuân chỉ mất 10 ngày, một tháng sau chiếm Thăng Long và hoàn thành sự nghiệp nhất thống. Mặt khác, quá trình Nguyễn Ánh phục hưng và quá trình triều Cảnh Thịnh để mất cả cơ đồ cũng diễn ra song song với một quá trình khác: Triều Cảnh Thịnh
  16. mất dần sự ủng hộ của nhân dân. Cảnh Thịnh không giữ được sự ủng hộ của nhân dân như thời kì Quang Trung cho nên trong b ước đường suy vong của triều Cảnh Thịnh không thấy bóng dáng của những đội dân binh ứng nghĩa cứu nguy, ngay cả một số quần thần ở Phú Xuân hay Thăng Long, khi Nguy ễn Ánh tấn công cũng bỏ rơi vua, tôi Cảnh Thịnh. Tóm lại, trước năm 1792, trong nội bộ vương triều Tây Sơn đã xuất hiện những vết rạn nứt, song những mâu thuẫn tạm thời được hoá giải nhưng hệ lụy của sự chia rẽ đó đã di căn mãi cho đến đời Cảnh Thịnh. Sự kiện vua Quang Trung băng hà (1792) đã đẩy vương triều Tây Sơn sang một bước rẽ, Tây Sơn từ đó lâm vào thế nghiêng ngả, chao đảo bởi những biến loạn triều chính. Quá trình phong kiến hoá trong nội bộ Tây Sơn ngày càng sâu sắc thì càng xa dần với nền tảng đã dựng nên sự nghiệp nhà Tây Sơn là quần chúng nhân dân. Hậu quả lớn nhất là Nguyễn Ánh đã tranh thủ được những thất lợi đó, từ chỗ dựa vững chắc ở Gia Định, tiến nhanh ra Bắc, lật đổ Tây Sơn, dựng lại cơ đồ. Cảnh Thịnh lên kế vị trong bối cảnh lịch sử đó cho nên, mặc dù đã có nhiều cố gắng để phục dựng lại vương triều nhưng triều Cảnh Thịnh vẫn không ngăn được đà khủng hoảng, suy yếu của vương triều Tây Sơn. Cuối cùng vương triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh phục hưng lại cơ đồ họ Nguyễn./.
  17. Tài liệu tham khảo 1. Đào Nguyên Phổ (1984), Tây Sơn thuỷ mạt khảo, bản dịch lưu tại kho địa chí Thư viện Bình Định. 2. Nguyễn Phương, Những bước đầu của anh em Tây Sơn, tư liệu kho địa chí Thư viện Bình Định. 3. Trần Văn Quý (1986), Những hiểu biết mới nhất về quân sự, chính trị, kinh tế thời Tây Sơn qua “tư liệu Quy Hợp”, tài liệu địa chí Thư viện Bình Định. 4. Phạm Văn Sơn (1961), Việt sử tân biên, quyển IV, NXB Sài Gòn. 5. Văn Tân (1958), Cách mạng Tây Sơn, NXB Văn - Sử - Địa, Hà Nội. 6. Quách Tấn, Quách Giao (2008), Nhà Tây Sơn, NXB Trẻ. 7. Hồ Bạch Thảo (2007), Thanh thực lục, sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn, NXB Hà Nội. 8. Trung tâm Nghiên cứu quốc học (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, NXB Văn học.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2