intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ, lịch sử của tỉnh Đắk Nông: Giải pháp phát triển du lịch gắn với yêu cầu chuyển đổi số

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở chủ trương, chính sách phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số trong du lịch của nước ta và thực thế triển khai ở một số địa phương, bài viết nghiên cứu về trường hợp của tỉnh Đắk Nông. Từ thực trạng phát triển du lịch Đắk Nông gắn với chuyển đổi số, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý, khai thác, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch bền vững, trước nhất là xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ, lịch sử, văn hóa của tỉnh.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ, lịch sử của tỉnh Đắk Nông: Giải pháp phát triển du lịch gắn với yêu cầu chuyển đổi số

  1. Xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ, lịch sử của tỉnh Đắk Nông: Giải pháp phát triển du lịch gắn với yêu cầu chuyển đổi số Đào Vĩnh Hợp Tóm tắt: Đắk Nông là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Tỉnh có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý tự nhiên và nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Bài viết nghiên cứu về tiềm năng phát triển du lịch của Đắk Nông, đặc biệt là hệ thống di tích và di vật khảo cổ, lịch sử. Trên cơ sở chủ trương, chính sách phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số trong du lịch của nước ta và thực thế triển khai ở một số địa phương, bài viết nghiên cứu về trường hợp của tỉnh Đắk Nông. Từ thực trạng phát triển du lịch Đắk Nông gắn với chuyển đổi số, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý, khai thác, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch bền vững, trước nhất là xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ, lịch sử, văn hóa của tỉnh. Từ khóa: Bản đồ số; chuyển đổi số; di tích và di vật; du lịch; Đắk Nông. Khái lược về tỉnh Đắk Nông và hệ thống di tích, di vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Tỉnh Đắk Nông Tỉnh Đắk Nông được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội trên cơ sở tách ra từ một phần diện tích và dân số của tỉnh Đắk Lắk. Diện tích hiện nay của tỉnh 6.509,27 km2. Về vị trí địa lý: Tỉnh Đắk Nông nằm trong vùng tọa độ từ 11°45 đến 12°50 vĩ độ Bắc và từ 107°12 đến 108°07 kinh độ Đông. Phía Đông và phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk; Phía Tây giáp tỉnh Bình Phước và tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài khoảng 141 km; Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng. Về hành chính: Tỉnh Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 7 huyện với 71 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường, 5 thị trấn và 60 xã. Về dân số: Dân số đến năm 2019 của tỉnh là 622.168 người (Tổng cục thống kê, 2020, 32), năm 2021: 666.416 người. Về văn hóa: Đăk Nông là địa bàn sinh sống từ hàng ngàn đời của đồng bào các dân tộc tại chỗ, đồng thời cũng là vùng đất quần tụ của cư dân từ nhiều vùng miền về sinh cơ, lập nghiệp nên đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng cũng vô cùng phong phú (Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông, 2023). Không ảnh và bản đồ hành chính tỉnh Đắk Nông năm 2023 (Nguồn: https://bandovietnam.com.vn và https://www.google.com/maps) Di tích và di vật khảo cổ, lịch sử, văn hóa của tỉnh Đắk Nông đã được công nhận Về di tích 362
  2. Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông, đến hết năm 2021 toàn tỉnh Đắk Nông có 13 di tích lịch sử, trong đó có 9 di tích lịch sử cấp quốc gia và 4 di tích lịch sử cấp tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, 2021). Toàn tỉnh hiện có 1 di tích Quốc gia đặc biệt là di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Song và huyện Tuy Đức. Một số di tích tiêu biểu xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như: Căn cứ địa Nâm Nung Còn gọi là Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV, nằm trên địa phận xã Nâm Nung, huyện Krông Nô và xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng 50km. Nơi đây có địa thế hiểm trở, nhiều đồi núi, rừng rậm nguyên sinh thuận lợi cho việc xây dựng, đóng quân và bảo toàn lực lượng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc của quân và dân tỉnh Quảng Đức. Căn cứ địa cách mạng huyền thoại Nâm Nung hiện còn các dấu tích như nền nhà Văn phòng Tỉnh ủy B4 - Liên tỉnh IV, Văn phòng Ban cán sự B4, địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ, giao thông hào chiến đấu, hầm trú ẩn... Căn cứ địa Nâm Nung được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 17/5/2005. Nhà ngục Đắk Mil Nằm trên địa phận Thôn 9, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil. Nhà ngục Đắk Mil được thực dân Pháp xây dựng đầu năm 1940 trong một khu rừng già để làm nơi giam giữ, đày ải những chiến sỹ cộng sản cốt cán không thu phục được đang bị giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tại nơi đây, thực dân Pháp đã thực hiện chế độ giam giữ đầy khắc nghiệt với các chiến sỹ của ta; với ý chí và niềm tin mãnh liệt vào cách mạng, các chiến sỹ của ta đã thành lập chi bộ đầu tiên của vùng Cao Nguyên Mnông. Nhờ mưu trí, các chiến sỹ đã tổ chức thành công hai cuộc vượt ngục, gây tiếng vang lớn trong phong trào cách mạng. Mặc dù nhà ngục Đắk Mil được xây dựng để giam cầm các chiến sỹ cách mạng nhưng địch vẫn không thể nào giam cầm được ý chí, nghị lực và niềm tin vững chắc của các chiến sỹ với cách mạng. Nhà ngục Đắk Mil được xây dựng gồm 9 gian, vách gỗ, mái lợp tranh, xung quanh là hàng rào dây thép gai, bên trong có hai dãy sàn gỗ làm chỗ ngủ cho tù nhân, có cùm chân, xiềng tay, nằm biệt lập với bên ngoài. Tháng 05/2005, nhà ngục Đắk Mil đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. • Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’trang Gưh Địa điểm lưu dấu phần mộ của N’Trang Gưh, buôn làng, cánh đồng và căn cứ địa của nghĩa quân do thủ lĩnh N’Trang Gưh lãnh đạo chống quân Xiêm năm 1884 - 1887 và thực dân Pháp năm 1900 – 1914 nay thuộc địa bàn xã Buôn Choáh (Krông Nô). Tại đây, N’Trang Gưh đã kêu gọi tập hợp hơn 600 thanh niên thuộc 20 buôn trên lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana đứng lên khởi nghĩa tiêu diệt toàn bộ quân Xiêm tại cánh đồng buôn Tur và buôn Phok vào cuối thế kỷ 19. Năm 1900, một lần nữa N’Trang Gưh đã đứng lên tập hợp dân làng khởi nghĩa chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của N’Trang Gưh, cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn một thập kỷ, giành được nhiều chiến công vẻ vang, gây chấn động toàn Đông Dương và giới cầm quyền Pháp. 363
  3. Ngày 2/8/2011, di tích được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch công nhận là di tích lịch sử Quốc gia theo quyết định số 2366/QĐ-BVHTTDL. • Đồi 722 - Đăk Săk Di tích lịch sử đồi 722 – Đăk Săk cao 722m so với mực nước biển, rộng gần 4ha nằm tại thôn 4, Thổ Hoàng, xã Đăk Săk, huyện Đăk Mil. Nơi đây ghi dấu những mốc son lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân tỉnh Đăk Nông với nhiều trận đánh ác liệt. Hiện nay, một số di vật, quân trang, quân dụng như giày, mũ, vỏ đạn... vẫn còn được lưu giữ, bảo quản tại khu di tích đồi 722. Ngày 24/10/2012, di tích đồi 722 - Đăk Săk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài ra, Khu di tích căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV nằm ở địa bàn thôn Tân Tiến, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), không những là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng mà còn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn bởi cảnh quan hùng vĩ. Đây là nơi đưa đón các đồng chí Lãnh đạo từ Trung ương vào thành lập chủ lực Miền, để chỉ đạo cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đồng thời là hành lang chiến lược đưa sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến đóng vai trò như bản lề nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, miền Bắc với miền Nam. Di tích khảo cổ Hang C6-1 Tại công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, các nhà khảo cổ lần đầu tiên phát hiện và khai quật được di cốt người tiền sử niên đại 6000-7000 năm BP16. Trong hệ thống hang động núi lửa của công viên địa chất, hang C6.1 nằm ở xã Đắk Sôr, Krông Nô được đào thám sát năm 2017 và khai quật 2 lần năm 2018, 2019. Các nhà khoa học phát hiện và khai quật được 3 di tích mộ táng, dấu vết của 10 cá thể. Quan trọng nhất khi phát hiện một bộ xương và hộp sọ của bé gái khoảng 4 tuổi, được chôn theo tư thế ngồi bó gối. Lần đầu tiên di cốt người tiền sử được phát hiện trong hang núi lửa được đánh giá là di sản độc đáo ở Việt Nam và Đông Nam Á. Qua khai quật tại Hang C6-1 và C6, các nhà khảo cổ còn phát hiện vết tích của bếp lửa. Hàng chục nghìn mẫu vật được tìm thấy như hiện vật đồ đá với các công cụ lao động và đồ gốm, xương, vỏ nhuyễn thể và 1 mũi tên đồng (Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam, 2023) Ngày 20/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 701/QĐ- BVHTTDL về việc xếp hạng di tích Quốc gia đối với Di tích khảo cổ Hang C6-1. Việc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận các di tích cấp quốc gia chính là cơ sở pháp lý khẳng định giá trị di sản và giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Riêng về kết quả nghiên cứu khảo cổ học tiền sử, từ năm 1975 đến 2008, trên đất Đắk Nông đã phát hiện 21 địa điểm khảo cổ học tiền sử, trong đó 1 địa điểm đã được khai quật, đó là Đồi Nghĩa Trang (Nguyễn Khắc Sử, 2008, 10). 16BP: có nghĩa là “số năm cách ngày nay”. years Before the Present. Đây là chữ viết tắt thường dùng cho chuyên ngành khảo cổ học. 364
  4. Về di vật Tỉnh Đắk Nông đã ban hành Đề án “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” theo Quyết định số 1080 của UBND Tỉnh. Qua nhiều năm thực hiện, đề án đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, bảo tàng Đắk Nông đã thu được và lưu giữ hàng trăm ngàn tư liệu ảnh, hiện vật, cổ vật. Trong đó có 2 cổ vật được xếp hạng bảo vật cấp quốc gia (Hệ thống Quản lý Di sản Văn hóa Sở VHTT & du lịch tỉnh Đắk Nông, 2023). Kết quả khảo cổ học những năm gần đây đã phát hiện thêm lượng lớn cổ vật trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như trường hợp di tích thôn 12 xã Đắk Sin. Bảo tàng tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di tích trên từ đầu tháng 5/2023. Kết quả khai quật điểm cho biết đây là một di chỉ khảo cổ học thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí và có niên đại 3.500-3.000 năm BP. Các nhà khảo cổ đã phát hiện và thu được tổ hợp di vật gồm đồ đá và đồ gốm. Đồ đá có 85 hiện vật như rìu, mảnh lưỡi dao, bàn mài, mảnh tước, cưa đá... Đồ gốm số lượng khá lớn, với 6.300 mảnh. Gốm tại di chỉ thôn 12 có độ dày trung bình từ 0,5-0,8cm, xương gốm thô màu đen có tỷ lệ bã thực vật cao, hai mặt miết láng, phần miệng trong ngoài có màu đen xám kiểu ánh chì... Toàn bộ hiện vật thu được được bàn giao và lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông (Mỹ Hằng, 2023). Nhà trưng bày đán đá tại tỉnh Đắk Nông khánh thành năm 2019, trưng bày 57 loại nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới, các loại đàn đá của người đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông. Các loại nhạc cụ này được làm từ một số loại đá và xương động vật. Nơi đây hứa hẹn sẽ là một trong những điểm đến của các nhà khoa học cũng như khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với tỉnh. Chuyển đổi số trong phát triển Du lịch: lý luận và thực tiễn Du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ “Du lịch thông minh” (Smart Tourism) ra đời dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là sự phát triển rất mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông. Qua đó sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch. Cùng với du lịch thông minh, sẽ xuất hiện các điểm đến du lịch thông minh. Điểm đến du lịch thông minh là một thành phần của du lịch thông minh và là một trường hợp đặc biệt của thành phố thông minh (Buhalis, D., & Amaranggana, A., 2014). Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”17. Mục tiêu chung của Đề án nhằm ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh. Kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. 17 Bộ VHTTDL. 2022. Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. 365
  5. Trước mắt, đề án ưu tiên phát triển du lịch thông minh đồng bộ tại 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng ), Hà Giang, Quảng Trị, An Giang và Kiên Giang. Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình du lịch thông minh. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch, Đà Nẵng đã xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang,” “Go! Đà Nẵng,” “Da Nang Bus.” Đặc biệt, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity”. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore) (Thanh Trà, 2022). TP.Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn thành phố năm 2023. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 203018. Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/5/2023 Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững19. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, triển khai Đề án Phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; phát triển trang mạng du lịch quốc gia, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, thẻ Việt - thẻ du lịch thông minh phục vụ khách du lịch; phát triển nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch” (Trung tâm Thông tin du lịch, 2023). Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành du lịch (Nguồn:https://baochinhphu.vn) Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển du lịch, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và được đưa vào các Quyết định, Nghị quyết cụ 18 Thủ tướng Chính phủ. 2020. Quyết định số 749/QD-TTg, ngày 03/6/2020 Vv Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ https://vanban.chinhphu.vn. 19 Chính phủ. 2023. Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Từ https://vanban.chinhphu.vn. 366
  6. thể. Đặc biệt nhất là Quyết định số 2026/QĐ-TTg Vv Phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ20 . Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho nhiều địa phương triển khai chương trình số hóa di sản. Đến nay, nhiều tỉnh đã có kế hoạch triển khai cụ thể Chương trình số hóa Di sản văn hóa. Tiêu biểu như: Ngày 23/02/2023, UBND Sơn La tỉnh ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch số 45/KH-UBND, ngày 14/3/2023 về thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Bình Định ban hành kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 25/04/2022 Thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Du lịch Đắk Nông và vấn đề chuyển đổi số Tiềm năng du lịch của Đắk Nông Đắk Nông là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch. Hệ thống di tích, di vật có trị khảo cổ, lịch sử, văn hóa đặc sắc sẽ hợp với các giá trị văn hóa khác để tạo thành hệ thống di sản văn hóa có giá trị. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông còn có cảnh quan thiên nhiên, các nguồn tài nguyên rừng, danh thắng đẹp,... có giá trị bảo tồn, lịch sử, văn hóa, nghiên cứu khoa học. Đắk Nông còn là vùng đất có nền văn hoá lâu đời của dân tộc Mnông rất phong phú và đa dạng như bộ sử thi Ót N’drông, kể khan, sinh hoạt cồng chiêng và các điệu múa dân gian độc đáo, có nhiều lễ hội gắn với đời sống tâm linh huyền bí: lễ mừng lúa mới, Tục cưới, lễ sum họp cộng đồng, lễ kết nghĩa anh em… thực sự hấp dẫn, lôi cuốn khách du lịch. Là quê hương của người anh hùng dân tộc M’nông – N’Trang Lơng, N’Trang Gưh, với những chiến công vang dội khắp núi rừng Tây Nguyên hay những chứng tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: ngục Đắk Mil, chiến khu B4 liên tỉnh IV và các kỷ vật trên đường Hồ Chí Minh. Vùng đất hội tụ của nền văn hoá 40 dân tộc anh em, còn lưu giữ những nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu của núi rừng, những điệu múa, lời ca của cộng đồng các dân tộc Mnông, Mạ, Ê đê, Mông… gắn liền với tập quán sinh hoạt văn hóa và ẩm thực truyền thống mang tính đặc trưng riêng, đã tạo nên một Tây Nguyên huyền bí (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, 2023). Căn cứ theo Luật Di sản Văn hóa năm 2001:“Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 1, Chương 1) (NXB Tổng hợp, 2001, 7 – 9). Điều 15, Chương 3 của Luật Du lịch đã định nghĩa rõ: Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Trong đó, tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2017, 7). Tỉnh Đắk Nông có nhiều tiềm năng khảo cổ, lịch sử, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt hơn cả là những giá trị khảo cổ từ Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Tại hang C6-1 đã tìm thấy những dấu tích người tiền sử trong các tầng văn hóa. Đây là 20 Thủ tướng Chính phủ. 2021. Quyết định số 2026/QĐ-TTg Vv Phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Từ https://vanban.chinhphu.vn. 367
  7. dấu tích văn hóa của cư dân trung kỳ Đá mới có niên đại từ 4.000 đến 7.000 năm BP. Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa được phát hiện (năm 2007) có tính độc đáo và quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Đây cũng là những phát hiện khảo cổ học Tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Việt Nam. Từ đây mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Công viên địa chất Đắk Nông được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO từ tháng 7 năm 2020 với diện tích là 4.760 km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và thành phố Gia Nghĩa. Ứng dụng chuyển đổi số và chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết nhằm ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam. Từ đó sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Rõ ràng, với các giá trị đặc trưng, hệ thống di tích và di vật khảo cổ, lịch sử, văn hóa đã tạo ra tiềm năng đặc biệt - tài nguyên du lịch văn hóa cho hoạt động du lịch. Đắk Nông có thể triển khai đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa, di sản; Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; Du lịch thể thao mạo hiểm; Du lịch nghỉ dưỡng; Du lịch thông minh... theo hướng có trách nhiệm và bền vững. Tỉnh hoàn toàn có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và khai thác ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch. Chính sách phát triển du lịch Đắk Nông gắn với chuyển đổi số Tại tỉnh Đắk Nông, nhiều văn bản được ban hành hướng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch. Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND, ngày 15-6-2010, của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về “Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Lễ hội - Hoa văn - Cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2010 - 2015”; Quyết định số 1270/QĐ-TTg, ngày 27-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ, về Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Đề án “Tổng thể phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật tỉnh Đắk Nông từ năm 2012 đến năm 2020”; Đề án “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Ngày 08 tháng 9 năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Kế hoạch Số: 476/KH-UBND) Năm 2021, tỉnh Đắk Nông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá của dân tộc Mạ trong khuôn khổ Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030. Gần đây nhất, ngày 04/4/2023, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 428/QĐ- UBND về việc phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; trong đó có 65 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. 368
  8. Thực trạng phát triển du lịch Đắk Nông gắn với chuyển đổi số Tỉnh Đắk Nông đã xác định du lịch là 1 trong 3 trụ cột trong phát triển kinh tế tỉnh nhà. Do đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch. Thực tế cho thấy gần đây du lịch của tỉnh Đắk Nông đạt kết quả khả quan, Tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông năm ước thực hiện cả năm 2022 đạt 480.000 lượt, tăng 280,6% so với cùng kỳ. Theo điều 3 Luật Du lịch năm 2017 thì: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Luật này cũng đề ra “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị DSVH dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng” (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2017, 1 – 3). Thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 về Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 179/KH- UBND thực hiện Chương trình số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-203021. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về di sản văn hóa đồng bộ với quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, đảm bảo đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu triển khai thực hiện như: 100% các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia (nếu có), các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại bảo tàng, các di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số. Thực tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông đã triển khai các ứng dụng internet, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhất là gắn với hoạt động du lịch. Một số hoạt động tiêu biểu như: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có tổng số 44 điểm đến. Trong đó, Nhà triển lãm âm thanh (hay còn gọi là Bảo tàng âm thanh) là điểm đến số 32, nằm trong lòng TP. Gia Nghĩa và được xây dựng hoàn thành, chính thức hoạt động từ tháng 8/2019. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là các bạn trẻ đến để tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu, học tập. Khu trưng bày Nhà triển lãm âm thanh có diện tích khoảng 200m2, được thiết kế thành 8 phòng, với 7 chủ đề mang đặc trưng âm thanh đến từ những chất liệu khác nhau cũng như cách thức diễn tấu riêng biệt như âm thanh từ đá, gió, nước, gỗ, lửa, âm thanh của ánh sáng và âm thanh của chúng ta (Đặng Hiền, 2023). Tỉnh Đắk Nông hiện đang xây dựng các điểm du lịch thuộc Công viên địa chất Đắk Nông với định hướng là “Xứ sở của những âm thanh và giai điệu”. Du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, mở ra hướng phát triển bền vững dựa trên các giá trị bản sắc văn hóa, sự kỳ vĩ của cảnh quan thiên nhiên, các di sản độc đáo về địa chất. 21 UBND tỉnh Đắk Nông. 2022. “Kế hoạch thực hiện chương trình số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2030”, Số: 179/KH-UBND, ngày 06 tháng 4 năm 2022. 369
  9. Huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông là địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Nông xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ điều hành, kết nối cung cấp dịch vụ du lịch. Huyện đang hoàn thiện dự án Cổng du lịch văn hóa Đắk Song, trong đó có số hóa các điểm du lịch bằng công nghệ 3D (H’Loan- Xuân Trí, 2023). Tỉnh Đắk Nông cũng đã và đang xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành, kết nối cung cấp dịch vụ du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu 3D về tài nguyên văn hóa, du lịch. Hệ thống du lịch thông minh có tên miền truy cập: “dulich.daknong.gov.vn” đang trong giai đoạn thử nghiệm. Hệ thống quản lý điều hành du lịch thông minh được triển khai đa nền tảng qua website và ứng dụng cài đặt qua điện thoại cung cấp chức năng quản lý, điều hành, du lịch trên nền tảng số, liên kết chặt chẽ cơ quan nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, qua đó dễ dàng cung cấp thông tin người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Hỗ trợ khách đặt dịch vụ trực tuyến, đánh giá dịch vụ trực tuyến, xem tour, gợi ý tạo tour. Hệ thống xây dựng dữ liệu số 3D tài nguyên văn hóa du lịch tỉnh Đắk Nông, số hóa 3D chi tiết di tích lịch sử, số hóa tổng quan 3D trên di tích lịch sử chưa được xếp hạng danh lam thắng cảnh, điểm tham quan tiêu biểu. Sau khi thử nghiệm thành công, dự kiến sẽ áp dụng chính thức trong giai đoạn 2023- 2025 (Gia Bình, 2023) Đến thời điểm này, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch với 44 điểm di sản gồm: “Trường ca của lửa và nước”; “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất”. Theo lộ trình triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch từ 2020-2025, tỉnh Đắk Nông ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quảng bá du lịch, tạo sức hút đối với du khách và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đề xuất xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích, di vật khảo cổ, lịch sử Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững du lịch tỉnh Đắk Nông , đặc biệt là gắn với yêu cầu chuyển đổi, việc xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ, lịch sử, văn hóa của tỉnh trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau: Trước nhất, cần ưu tiên tối đa cho công tác nghiên cứu khoa học xác định giá trị khảo cổ, lịch sử, di sản của tỉnh Để quản lý, bảo tồn những thành quả nghiên cứu về khảo cổ học, di tích, di vật phản ánh các giai đoạn lịch sử trong quá khứ của vùng đất Đắk Nông cần thiết phải có những nghiên cứu dài hơi, kỹ lưỡng nhằm nhận diện một cách đầy đủ và khoa học. Cụ thể cần: - Hệ thống hóa, thống kê, phân loại di tích, di vật khảo cổ, lịch sử trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; - Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để làm rõ hơn và xác định giá trị cơ bản của hệ thống di tích và di vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhất là các kết quả nghiên cứu khảo cổ học và tỉnh đã phát hiện và công bố trong những năm gần đây; - Khảo sát, đánh giá, nhận diện thực trạng bảo tồn và phát huy hệ thống di tích và di vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tất cả nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giáo dục, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh (nhất là các di sản đã xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh). Thứ hai, xây dựng chương trình số hóa hệ thống di tích, di vật trên địa bàn tỉnh 370
  10. Với tiềm năng lợi thế về di sản, để khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, việc nghiên cứu xây dựng bản đồ số giới thiệu những thành tựu về di tích và di vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là hết thức cấp bách và cần thiết. Đây chính là bước đầu tạo tiền đề cho phát triển du lịch thông minh của tỉnh. Qua đó sẽ góp phần trực tiếp vào sự thành công của các đề án đã được UBND tỉnh Đắk Nông ban hành gắn với số hóa di sản và phát triển du lịch. Trên cơ sở khai thác hệ thống hồ sơ, tư liệu di tích, di vật khảo cổ học thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông, Tỉnh có thể nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ di tích bằng công nghệ GIS tỉ lệ 1/100.000, xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đề xuất xây dựng mô hình ứng dụng bản đồ số tại một số địa chỉ cụ thể. Về bản đồ số, có thể tham khảo một số địa phương như “bản đồ số” của trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã ra mắt năm 2022, giúp du khách không bị lạc đường khi tham quan di tích Hoàng cung Huế. Đồng thời có thể xây dựng tổ hợp các bài thuyết minh về các di tích di vật khảo cổ học ở Đắk Nông, phục vụ cho các điểm du lịch, khu di tích, bảo tàng; xuất bản sách giới thiệu (dạng cataloge), bằng song ngữ Việt - Anh, giới thiệu tóm tắt các di tích khảo cổ và một số hiện vật khảo cổ tiêu biểu, có hình ảnh minh họa. Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích, di vật khảo cổ học gắn với triển khai mô hình ứng dụng bản đồ số tại một số địa chỉ tiếp nhận cụ thể. Cuối cùng, giải pháp tổng hợp khác cho bảo tồn phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, du lịch thông minh Để du lịch tỉnh Đắk Nông có thể phát triển bền vững gắn với CMCN 4.0, rất cần có sự hỗ trợ, giúp sức, phối kết hợp của các cơ quan, tổ chức như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông; Bảo tàng tỉnh Đắk Nông; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Đắk Nông; các đơn vị lữ hành du lịch và cả cộng đồng (người dân và du khách). Du lịch tỉnh Đắk Nông cũng cần tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 để số hóa một số sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tình hình địa phương. Cùng với phát triển “du lịch thông minh” (Smart Tourism) có thể triển khai công nghệ số, các ứng dụng trên thiết bị di động (phầm mềm quản lý HDVDL, thuyết minh tự động), các ứng dụng hỗ trợ kết nối khách du lịch, HDVDL, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và hoạt động du lịch như các Website, Facebook, Youtube, TikTok, Instagram,… trong giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các thông tin du lịch nhanh chóng và chính xác nhất đến người dân và du khách. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, yếu tố con người – nguồn nhân lực của một quốc gia, dân tộc đang được đặt lên hàng đầu. “Nguồn lực con người là dân số và chất lượng con người, bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khỏe, trí tuệ, năng lực và phẩm chất” (Phạm Minh Hạc và nnk, 1996: 328). Trong phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số, nhân tố con người càng đóng vai trò quan trọng hơn hết. Cần ưu tiên tối đa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Bảo tàng tỉnh, Sở văn hóa, các đơn vị du lịch. Đặc biệt là về công nghệ số và việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công tác chuyểnđổi số. Thực hiện Trong kế hoạch triển khai đạt hiệu quả “Chương trình số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2030”, tỉnh cũng đưa 06 nhiệm vụ cần triển khai. Trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Song song đó, dù có ứng dụng công nghệ số, phát triển 371
  11. du lịch thông minh nhưng cũng cần đặc biệt chú ý đến nhân tố con người, bởi vì con người mới chính là những người tạo nên cảm xúc du lịch thật sự. Ngoài ra, để thực hiện chuyển đổi số và mang lại hiệu quả cao, tỉnh Đắk Nông cần nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh khác như TPHCM, Huế, Đà Nẵng,... nhất là về xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh, cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng, ban quản lý di tích các địa phương. Kết luận Đắk Nông có nhiều tiềm năng và lợi thế về khảo cổ, lịch sử, văn hóa. Những năm gần đây, tỉnh đã và đang thực hiện khá tốt công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với du lịch. Nghiên cứu xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông góp phần quản lý, bảo tồn những thành quả nghiên cứu về khảo cổ học, di sản của tỉnh nhà và phát huy giá trị di sản văn hóa tại chỗ ở Đắk Nông trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay. Hy vọng những nghiên cứu đưa ra trong bài sẽ góp phần bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di sản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhất là du lịch bền vững và gắn với yêu cầu chuyển đổi số. Từ đó, thu hút và “giữ chân” du khách về tham quan, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học khám phá “Đất và Người Đắk Nông”, để Đắk Nông mãi là điểm đến ấn tượng trong hành trình về với Tây Nguyên đại ngàn./. TÀI LIỆU THAM KHẢO Buhalis, D., & Amaranggana, A. 2014. Smart tourism destinations. In Z. Xiang, & I. Tussyadiah Eds., Information and communication technologies in tourism 2014, 553–564. Cham: Springer. doi:10.1007/978-3-319-03973-2. Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông. 2023. Từ https://daknong.gov.vn. Truy cập ngày 10/09/2023. Đặng Hiền. 2023. Nhà triển lãm âm thanh, điểm đến thú vị của bạn trẻ. Từ: baodaknong.vn. Truy cập ngày 10/09/2023. Gia Bình. 2023. Xây dựng cơ sở dữ liệu 3D về tài nguyên văn hóa, du lịch . Từ https://baodaknong.vn (Báo Đắk Nông điện tử) . Truy cập ngày 10/09/2023. H’Loan- Xuân Trí. 2023. Đắk Song số hóa các điểm du lịch bằng công nghệ 3D. Từ https://truyenhinhdaknong.vn đài phát thanh và truyền hình Đắk Nông Hệ thống Quản lý Di sản Văn hóa Sở VHTT & du lịch tỉnh Đắk Nông. 2023. Từ https://qldsvh.daknong.gov.vn/bao-vat. Truy cập ngày 10/09/2023. Mỹ Hằng. 2023. Phát hiện nhiều di vật của cư dân nguyên thủy tại di chỉ khảo cổ ở Đắk Sin. Từ https://baodaknong.vn (Báo Đắk Nông điện tử). Truy cập ngày 10/08/2023. Nguyễn Khắc Sử. 2008. Khảo Cổ Học Tiền Sử Tây Nguyên. NXB Giáo Dục. Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. 2008. Tìm hiểu Luật Di sản Văn hóa năm 2001. Phạm Minh Hạc Chủ biên 1996. Vấn đề con người trong sự nghiệp CNH. HĐH. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. 2017. Luật Du Lịch, Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017. Thanh Trà. 2022. Phát triển du lịch thông minh - Xu hướng tất yếu. https://vnews.gov.vn/Longform.htm Truyền hình Thông tấn, truy cập ngày 10/09/2023. Tổng cục thống kê. 2020. Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Hà Nội: Nxb. Thống kê. Trang tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông. 2023. Từ http://svhttdl.daknong.gov.vn, truy cập ngày 18/04/2023. Trung tâm Thông tin du lịch. 2023. Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Từ https://vietnamtourism.gov.vn Tổng Cục Du Lịch, truy cập ngày 20/04/2023. Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam. 2023. Giá trị khảo cổ từ Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Từ: https://quochoitv.vn. Truy cập ngày 10/08/2023. 372
  12. ––––––––––––––––––––––––––––– THÔNG TIN TÁC GIẢ – Tên tác giả: TS. Đào Vĩnh Hợp – Tổ chức công tác: Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn; – Thông tin liên lạc: Địa chỉ liên lạc: 273 An Dương Vương, P. 3, Q. 5, Tp. Hồ Chí Minh; Email: daovinhhop.dhsg@gmail.com / dvhop@sgu.edu.vn Số điện thoại: 0916.676.603; 373
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2