Xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế
lượt xem 2
download
Bài viết Xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế bước đầu đưa ra những phân tích nguyên nhân, nguy cơ về xung đột môi trường trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Hương cùng với những đề xuất khắc phục và giảm thiểu.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế
- XUNG ĐỘT MÔI TRƯỜNG TRONG SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT LƯU VỰC SÔNG HƯƠNG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẬU NGỌC HẢI – NGUYỄN HOÀNG SƠN Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Sông Hương là con sông lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn các di sản văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh. Hiện nay, trên lưu vực có nhiều hoạt động liên quan đến phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên nước mặt từ thủy lợi tưới tiêu và cấp nước, đến thủy điện, giao thông, du lịch... Tuy nhiên, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt trên lưu vực đã và đang nảy sinh những vấn đề mâu thuẫn gay gắt có khả năng gây ra các xung đột môi trường. Trên quan điểm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, trong nghiên cứu này, bước đầu đưa ra những phân tích nguyên nhân, nguy cơ về xung đột môi trường trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Hương cùng với những đề xuất khắc phục và giảm thiểu. Từ khóa: xung đột môi trường, tài nguyên nước mặt, sông Hương, thủy điện, thủy lợi. 1. TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT LƯU VỰC SÔNG HƯƠNG VÀ HIỆN TRẠNG KHAI THÁC SỬ DỤNG 1.1. Tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương Sông Hương là con sông nội tỉnh Thừa Thiên Huế, bắt nguồn từ các núi cao của dãy Trường Sơn, có diện tích lưu vực khoảng 2.830km2 [1], chiếm gần 3/5 diện tích toàn tỉnh. Hệ thống sông Hương được tạo thành từ 3 nhánh sông chính là sông Bồ, sông Hữu Trạch, sông Tả Trạch. Hai nhánh Hữu Trạch và Tả Trạch gặp nhau ở ngã ba Tuần hợp thành dòng chính sông Hương, rồi hội lưu sông Bồ ở ngã ba Sình và đổ vào phá Tam Giang theo hướng Đông Bắc trước khi chảy ra biển ở cửa Thuận An. Bảng 1/ Đặc trưng hình thái ba nhánh sông chính lưu vực sông Hương Sông nhánh F (km2) Ls (km) Hbq lv (m) Mật độ sông suối (km/km2) Sông Tả Trạch 799 54 400 1 - 1,3 Sông Hữu Trạch 729 47 700 1,2 Sông Bồ 938 94 380 0,64 Do đặc điểm địa hình và sự tương tác giữa các hoàn lưu đã quy định chế độ mưa ở lưu vực sông Hương. Lượng mưa mang đến lưu vực lớn, trung bình 3.160mm, tương ứng với tổng lượng nước mưa là 10,8 tỷ m3 [1]. Lượng mưa có xu hướng tăng dần từ Đông sang Tây, từ Bắc vào Nam theo sự tăng cao của độ cao địa hình, như tại trạm Nam Đông 3.642mm, Bình Điền 3.166mm, xuống đến Huế lượng mưa còn 2.796mm. Lượng mưa lớn nhất tập trung ở khu vực Tây A Lưới - Động Ngại - Nam Đông - Bạch Mã với lượng mưa trung bình năm từ 3.400 - 4.000mm, lượng mưa nhỏ nhất ở Ka Kút với lượng mưa trung bình năm khoảng 2.515mm, các nơi khác thường đạt 2.700 - 2.900mm [1]. Trong năm lượng mưa trên lưu vực sông Hương được phân hóa thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa ít mưa. Lượng mưa lớn tập trung trong 4 tháng (9 - 12) chiếm tới 74,4% lượng mưa năm, trong đó tháng 10 có lượng mưa lớn nhất chiếm 25,5% lượng mưa năm. Còn 3 tháng (2 - 4) có lượng mưa trung bình tháng đạt xấp xỉ 50mm, tổng lượng mưa 3 tháng thấp nhất chỉ đạt 4,89% lượng mưa năm. 127
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 Lưu vực sông Hương nằm trong vùng có lượng mưa lớn nên lượng dòng chảy hàng năm khá phong phú. Trên cơ sở các trạm quan trắc thủy văn và tài liệu dòng chảy tính toán từ mưa cho thấy hàng năm trên lưu vực sông Hương đã sinh ra 7,9 tỷ m3 nước đổ vào mạng lưới sông suối tương ứng với lớp dòng chảy trung bình đạt 2.306mm và hệ số dòng chảy của lưu vực cao đến 0,73 [1]. Do đặc điểm địa hình lưu vực, sông hầu như không có vùng trung lưu, chỉ có vùng thượng lưu là miền núi và hạ lưu là vùng đồng bằng tiếp giáp với biển cho nên chế độ dòng chảy ở đây rất phức tạp. Lượng dòng chảy ở lưu vực sông Hương không những phân bố không đồng đều theo không gian mà còn rất không đồng đều theo thời gian. Lượng dòng chảy năm nhiều nước có thể gấp 3 lần lượng dòng chảy trong năm ít nước. Lượng dòng chảy tập trung chủ yếu vào 3 tháng mùa lũ, từ tháng 10 đến tháng 12 đã chiếm tới 70 - 75% tổng lượng dòng chảy năm. Trong khi thời gian mùa kiệt dài tới 9 tháng lại chỉ có lượng dòng chảy chiếm 25 - 30% lượng dòng chảy năm. Như vậy, có thể đánh giá tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương khá phong phú nhưng phân phối không đồng đều theo không gian và thời gian. 1.2. Khai thác và sử dụng tài nguyên nước mặt Nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông Hương có thể chia thành hai nhóm gồm: (i) - nhóm sử dụng làm tiêu hao lượng nước như: tưới nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp; (ii) - nhóm sử dụng không tiêu hao nước như: thủy điện, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ. Thực tế trên lưu vực chủ yếu tiêu hao nguồn nước là sử dụng cho tưới trong nông nghiệp, nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp còn hạn chế, nên trong nghiên cứu này chỉ phân tích và đánh giá hai ngành chủ yếu là thủy lợi tưới và thủy điện. Khai thác và sử dụng nước cho nông nghiệp, trên toàn bộ lưu vực đã xây dựng trên 500 công trình thủy lợi để chủ động ngăn mặn, giữ ngọt, cấp nước tưới cho 17.032 ha/vụ và tiêu úng cho 8.000 ha/vụ. Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có 7 hồ chứa loại lớn, 49 hồ chứa nước loại nhỏ; 321 đập dâng; 285 trạm bơm điện. Để tiến hành ngăn mặt giữ ngọt phục vụ tưới trong nông nghiệp, nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng, trong đó có các công trình lớn như: đập Thảo Long, đập cống La Ỷ, cống Thanh Hà, cống Phú Cam, cống ba cửa ở đầu kênh 5 xã và 7 xã [4]... Trên thượng nguồn đã xây dựng các hồ chứa nước lớn, có vai trò tổng hợp như: hồ chứa nước Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, A Lưới, A Roàng [3], [4]. Tuy nhiên, có nhiều công trình được xây dựng từ khá lâu, phần lớn và công trình vừa và nhỏ, tưới từ vài ha đến vài trăm ha, sử dụng chủ yếu nguồn nước cơ bản, do đó hiệu quả tưới bấp bênh, thiếu chủ động nguồn nước. Nhu cầu nguồn năng lượng phục vụ phát triển các ngành kinh tế có xu hướng ngày càng tăng, theo quy hoạch toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 21 dự án thủy điện [5], trong đó quy hoạch bậc thang thủy điện sông Hương có 5 dự án đã đi vào khai thác, vận hành, gồm: - Nhà máy Thủy điện Bình Điền: Nằm trên sông Hữu Trạch, công suất lắp máy 44 MW, điện năng trung bình năm 181,656 triệu kWh, đưa vào vận hành tháng 5/2009. - Nhà máy Thủy điện Hương Điền: Nằm trên sông Bồ, công suất lắp máy 81 MW, điện năng trung bình năm 305,4 triệu kWh, đưa vào vận hành tháng 10/2010. - Nhà máy thủy điện A Lưới: Xây dựng trên thượng nguồn lưu vực sông Hương, thuộc sông A Sáp, công suất lắp máy 170 MW, điện năng trung bình năm 649,7 triệu kWh, đưa vào vận hành tháng 6/2012. 128
- KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 - Nhà máy Thủy điện Tả Trạch: Nằm trên sông Tả Trạch, công suất lắp máy 21 MW, điện năng trung bình năm 84,79 triệu kWh, đưa vào vận hành năm 2014. - Nhà máy Thủy điện A Roàng: Nằm trên thượng nguồn Bồ, nhánh sông A Sáp, công suất lắp máy 7,2 MW, điện năng trung bình năm 30 triệu kWh, đưa vào vận hành tháng 01/2016. 2. XUNG ĐỘT MÔI TRƯỜNG TRONG SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT LƯU VỰC SÔNG HƯƠNG Tài nguyên nước trên lưu vực sông Hương đang chịu áp lực ngày càng lớn do sự phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số, làm phát sinh những mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước. 2.1. Xung đột trong khai thác giữa thượng lưu với hạ lưu lưu vực sông Hương Khi khai thác dòng sông đồng nghĩa với việc xây dựng các công trình trữ nước, lấy nước, ngăn lũ, ngăn mặn... trên sông. Khi các công trình vận hành, chế độ dòng chảy sông sẽ thay đổi, quy luật vận chuyển và lắng đọng bùn cát cũng thay đổi theo. Mâu thuẫn trong khai thác giữa các khu vực thượng lưu, hạ lưu của một lưu vực sông thường xảy ra khi phát triển các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng. Thông thường, vùng thượng lưu có thảm phủ rừng đặc biệt quan trọng trong bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở đất… nếu rừng bị khai thác quá mức để xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện sẽ dẫn tới ô nhiễm nước do bùn cát xói mòn trên bề mặt lưu vực. Bên cạnh việc mang lại những lợi ích về kinh tế - dân sinh, hạn chế những thiệt hại do lũ lụt hạn hán gây ra, thì các công trình thủy điện cũng gây ra những thay đổi khôn lường về điều kiện tự nhiên và môi trường trên lưu vực. Các công trình thủy điện thượng lưu đã làm thay đổi đáng kể chế độ thủy văn, thủy lực của sông, nhất là ở khu vực hạ lưu từ đó gây ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác như khai thác và sử dụng nước để phát điện và cấp nước tưới và sinh hoạt, khai thác cát sỏi, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, khai thác các vùng bãi ven sông... Thủy điện có nhiệm vụ phủ đỉnh trong biểu đồ phụ tải nên trong thời gian cao điểm các hồ thủy điện sẽ phát điện tối đa, còn trong thời gian thấp điểm dường như đóng hoàn toàn dẫn đến chế độ dòng chảy hạ lưu các sông có hồ thủy điện trên dòng chính thay đổi hoàn toàn. Hồ chứa thủy điện luôn hoạt động theo cơ chế điều tiết theo nhu cầu phụ tải điện năng hàng ngày, tức trữ nước vào hồ khi nhu cầu điện giảm thấp và xả nước khỏi hồ qua nhà máy phát điện khi nhu cầu điện tăng cao. Do vậy việc trữ nước vào hồ để tăng thêm cột nước cho phát điện sẽ làm giảm mực nước ở dòng chính và các nhánh sông ở hạ lưu, đặc biệt trong mùa khô. Ngược lại, nếu xả nước từ hồ quá nhiều và quá nhanh sẽ tạo nên sự dâng cao mực nước hạ lưu, thậm chí gây thiệt hại trong mùa lũ lớn khi ở hạ lưu đã có lũ cao, ngoài ra trong mùa khô nếu xả nước quá nhiều sẽ làm giảm đáng kể công suất phát điện về sau do cột nước phát điện giảm, khi đó lại tạo ra sự thiếu nước cho hạ lưu. Việc phát triển nhiều công trình thủy điện cùng lúc cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm lũ cho vùng hạ lưu lưu vực sông Hương nhưng cũng giảm bớt lượng phù sa bồi đắp cho vùng này, độ phì nhiêu của đất ở đây sẽ bị hạn chế. Các công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền đều không có thiết kế cống xả cát đáy nên một lượng lớn bùn cát, phù sa bị giữ lại trong lòng hồ. Điều đó không chỉ làm giảm tuổi thọ của hồ chứa mà còn gây ra tình trạng thiếu hụt phù sa, bùn cát ở hạ lưu, gây ảnh hưởng đến hình thái sông và sinh kế của người dân làm nghề khai thác cát, sỏi trên sông Hương, sông Bồ. Đối với vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, sự thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu các hồ chứa tác động làm cho quá trình bồi lắng và nông hóa vực nước diễn ra nhanh hơn. Sau khi xây dựng các hồ chứa trên các con sông, tổng lượng nước từ thượng nguồn đưa vào vùng đầm phá được xem là không thay đổi, nhưng do các hồ đập làm nhiệm vụ cắt giảm lũ và điều tiết dòng chảy, nên tốc độ dòng chảy từ các cửa sông vào vùng đầm phá ra biển hạn 129
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 chế đi rất nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra các đụn cát làm cản trở dòng chảy và gây khó khăn cho giao thông thủy trên đầm phá. 2.2. Xung đột giữa các ngành dùng nước Giữa các ngành sử dụng nước có yêu cầu về chất lượng khác nhau trên cùng một nguồn nước. Ví dụ giao thông thủy thường không có nhu cầu khắt khe về chất lượng nước nhưng nước cho tưới, đặc biệt cho công nghiệp hay dân sinh lại yêu cầu chất lượng nước phải theo tiêu chuẩn quốc gia. Mâu thuẫn này trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi nguồn nước bị gây ô nhiễm từ một ngành kinh tế nào đó (công nghiệp, du lịch, dịch vụ). - Xung đột sử dụng nước trong ngành nông nghiệp (tưới và thủy sản) Nông nghiệp là ngành có vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế của các huyện trên lưu vực sông Hương. Định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để đưa lại hiệu quả kinh tế cao là hướng đi quan trọng. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp, nước tưới luôn đóng vai trò quyết định đến sản lượng, chất lượng của cây trồng, nước sử dụng cho tưới tiêu luôn chiếm tỷ trọng cao so với nước sử dụng của các ngành khác. Sự gia tăng diện tích đất canh tác, diện tích nuôi trồng thủy hải sản càng tạo thêm áp lực cho các con sông trên lưu vực sông Hương. Đặc biệt vào mùa kiệt thì nhu cầu sử dụng nước càng lớn. Do nguồn nước hạn chế, nhu cầu cao nên dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, giữa việc sử dụng nước cho lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày hay sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy hải sản. - Xung đột sử dụng nước giữa ngành thủy điện và thủy lợi (tưới tiêu và cấp nước) Đặc tính của thủy điện là không làm tiêu hao nước mà chỉ làm thay đổi chế độ dòng chảy trong sông, trong khi đó thủy lợi là ngành sử dụng nước có tiêu hao và cũng làm thay đổi chế độ dòng chảy, thậm chí cả chất lượng nước. Thủy điện với mục tiêu năng lượng là chính do vậy vào mùa khô thường vẫn tích nước để phát điện theo nhu cầu phụ tải, trong khi đó mùa khô là mùa cần nước cho các nhu cầu nông nghiệp. Mặc dù những công trình thủy điện như Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch, A Lưới, A Roàng được xây dựng với nhiệm vụ tổng hợp, vừa phát điện vừa cấp nước cho nông nghiệp, nhưng những khác biệt trong nhu cầu của hai ngành này cũng dẫn đến những mâu thuẫn nhất định. Vào thời điểm mùa kiệt, khu vực hạ lưu sản xuất nông nghiệp cần nhu cầu tưới nước nhiều thì chỉ nhận được lượng nước xả rất ít từ hệ thống các hồ chứa thủy điện. Ngược lại, vào mùa lũ các hồ chứa thủy điện xả quá nhiều nước, mặc dù trong giai đoạn này nông nghiệp không cần nhu cầu tưới lớn và hậu quả đã gây ra các tác động tiêu cực cho ngành nông nghiệp, như làm ngập lụt nhiều diện tích lương thực, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản... - Xung đột sử dụng nước giữa thủy điện, thủy lợi với du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, nhân văn, di tích lịch sử để phát triển du lịch, một trong những biểu tượng khi nói về Thừa Thiên Huế chính là dòng sông Hương hiền hòa, thơ mộng. Để phục vụ cho thủy điện, thủy lợi, trên lưu vực sông Hương chảy qua địa phận thành phố Huế, hiện có nhiều con đập được xây dựng, như: Đập Đá, Đập Hậu, Đập Phú Cam, Đập La Ỷ, Đập Thảo Long... tuy rằng đạt được mục đích về thủy lợi, ngăn mặn, chống lũ tiểu mãn, mặt khác lại phá vỡ quy hoạch trị thủy trước đây, biến nhiều dòng sông đào trước đây thành sông chết vì ô nhiễm cũng như không còn nhiều khả năng thoát lũ chính mùa, thuyền bè không thể đi lại trên các sông này, bỏ phí hàng chục tuyến giao thông đường thủy có thể nối thông tất cả vùng đồng bằng của Thừa Thiên Huế lại với nhau. Hiện nay, ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng do nhiều khu vực dòng sông Hương đang bị ô nhiễm trầm trọng. 130
- KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 2.3. Xung đột trong việc vận hành, khai thác các công trình trên lưu vực sông Hương Hầu hết các cống đập xây dựng dọc theo sông Hương đều có nhiệm vụ chính yếu là ngăn ngừa sự xâm nhập mặn và giảm nhẹ mực nước lũ từ sông Hương vào các sông nhánh. Cống Phú Cam ngăn mặn cho sông Lợi Nông, cống La Ỷ cho sông Phổ Lợi, Đập Đá cho sông Như Ý. Các công trình này đã phát huy hiệu quả việc đảm bảo nước ngọt cho các sông nhánh khi sông Hương bị nhiễm mặn, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Để ngăn ngừa triệt để sự xâm nhập mặn trên sông Hương, dự án đập Thảo Long đã được xây dựng, vận hành từ năm 2008. Với sự hiện hữu của đập Thảo Long, việc xâm nhập mặn trên sông Hương hầu như không còn nữa, công trình này đã kiểm soát hoàn toàn nguồn nước mặn từ phá Tam Giang đi ngược vào sông Hương và bảo vệ sông Hương được ngọt hóa. Do đó, vai trò ngăn mặn của các cống đập khác dọc theo sông Hương đến các sông nhánh không còn cần thiết nữa, các công trình này chỉ còn vai trò ngăn lũ tiểu mãn và lũ sớm mà thôi, tuy nhiên lại biến các sông nhánh thành các đoạn sông cụt, dòng nước bị tù đọng gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Hương. 2.4. Xung đột môi trường trong quản lý nguồn nước thải Những cơ sở sản xuất công nghiệp trên lưu vực sông Hương chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống. Mặc dù đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng vẫn còn tình trạng xả thải ra ngoài môi trường, làm ô nhiễm nguồn tài nguyên nước mặt trên lưu vực. Những xung đột trong sử dụng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế - xã hội và môi trường như: Thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp làm giảm diện tích canh tác, giảm năng suất cây trồng, đặc biệt những năm hạn hán còn gây mất mùa; gây ô nhiễm môi trường dọc sông hạ lưu... Sử dụng nước quá mức dẫn đến dòng chảy sông suối bị cạn kiệt, chế độ dòng chảy trên sông bị thay đổi. Nước xả thải từ các cơ sở chế biến không qua xử lý làm ô nhiễm nguồn nước trên các sông suối, dẫn đến nguồn thủy sinh, thủy sản trên các sông, suối bị hủy hoại, chất lượng nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người trên lưu vực. 3. NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY XUNG ĐỘT MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT LƯU VỰC SÔNG HƯƠNG 3.1. Phân bố tài nguyên nước không đều Phân bố tài nguyên nước không đều theo không gian của một khu vực, một quốc gia, một lưu vực sông. Phân bố này phông phù hợp với nhu cầu sử dụng nước, và đó chính là nguyên nhân gây ra các mâu thuẫn theo không gian. Tài nguyên nước trên lưu vực sông Hương cũng biến đổi theo thời gian trong năm rất lớn do điều kiện tự nhiên và điều này tạo ra sự mất cân bằng đối với nhu cầu sử dụng gây ra mâu thuẫn trong dùng nước. 3.2. Hệ thống công trình phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn nhiều hạn chế Những công trình thủy lợi được Nhà nước và Nhân dân cùng làm, phân cấp cho địa phương quản lý, do khả năng quản lý chưa cao nên nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng cân đối nguồn vốn để nâng cấp sửa chữa. Hệ thống công trình thủy lợi xây dựng đã lâu, không đồng bộ, kênh mương bị bồi lấp, nhiều trạm bơm đã hết hạn sử dụng thiếu thiết bị thay thế. Các công trình thủy điện, chưa phát huy hiệu quả tổng hợp trong khai thác, sử dụng nguồn nước. 3.3. Quản lý nhà nước về tài nguyên nước phân tán và chưa phù hợp Quản lý tài nguyên nước bao gồm quản lý số lượng, chất lượng nước; quản lý khai thác các mặt lợi, phòng chống và hạn chế các mặt hại của nước; phát triển, khai thác và bảo vệ nguồn 131
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 nước... có quan hệ hữu cơ, tương hỗ nhau. Hiện nay, chức năng và nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước đang được phân chia cho nhiều cơ quan. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý nhà nước về công trình thủy lợi, cấp nước nông thôn, phòng chống lũ lụt, úng ngập, hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển; Sở Công thương quản lý nhà nước về thủy điện; Sở Xây dựng quản lý về cấp nước đô thị, công nghiệp… Như vậy, tổ chức, chức năng nhiệm vụ trong quản lý ngành nước hiện nay không phù hợp với đặc điểm tài nguyên nước. Cơ quan đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý không nắm các công cụ quản lý đã dẫn đến chồng chéo và nhiều hoạt động không kiểm soát được. Hiệp hội Nước Quốc tế đã nhận định: “Thế giới đang khủng hoảng nước, không phải do có quá ít nước không đảm bảo được nhu cầu của chúng ta mà là cuộc khủng hoảng quản trị ngành nước”. 3.4. Nhận thức và kiến thức của cộng đồng còn thấp Nhận thức của đại đa số người dân trong vấn đề sử dụng tài nguyên nước mặt còn thấp, năng lực của đội ngũ những người làm công tác từ quy hoạch đến vận hành khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện không được cập nhật thường xuyên, đặc biệt là kiến thức về quản lý tổng hợp tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước theo lưu vực sông. Đây là những cản trở trong giảm thiểu các xung đột. 4. NHỮNG ĐỀ XUẤT NHẰM GIẢM THIỂU XUNG ĐỘT Trên cơ sở những phân tích các nguyên nhân và các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hộ i liên quan đến sử dụng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương cho thấy hiện nay tài nguyên nước mặt trên lưu vực đang chịu những áp lực ngày càng lớn, dẫn đến các xung đột môi trường trong sử dụng nước mặt ngày càng gay gắt. Qua các kết quả nghiên cứu và đánh giá, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu các xung đột sau đây: 4.1. Quá trình quy hoạch phát triển, quản lý khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt phải xuất phát từ quan điểm tổng hợp, đa mục tiêu theo lưu vực sông Cần có sự phối hợp giữa các ngành từ khi quy hoạch và xây dựng công trình, trong quá trình khai thác cần cân đối giữa các mục tiêu phát điện và cấp nước. Cụ thể đối với các hồ chứa thủy điện lớn đã xây dựng và khai thác thì cần thiết phải xây dựng quy trình điều hành liên hồ trong đó có các điều kiện ràng buộc về cấp nước, phòng chống thiên tai (lũ, hạn). Đồng thời cần có sự điều hành chung trong khai thác sử dụng nước, đặc biệt đối với các ngành dùng nước tiêu hao như tưới. Tăng cường quản lý phát triển sản xuất công nghiệp xả thải để bảo vệ môi trường [6]. 4.2. Tăng cường các cơ chế chính sách và nguồn lực cho quản lý tài nguyên nước Trước hết cần xây dựng các văn bản pháp lý để giải quyết các mâu thuẫn sử dụng nước và các quy định hỗ trợ khác nhau từ khi đưa ra các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước với sự đúng đắn về hệ thống công trình, mô hình sản xuất, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện trên cơ sở đặc thù của lưu vực sông Hương. Một tổ chức lưu vực sông thống nhất cần phải có để quản lý, điều hành chung. Tiếp theo là phát triển nguồn nhân lực bao gồm cán bộ quản lý, kỹ thuật từ cấp lưu vực, cấp tỉnh, cấp huyện với các trang thiết bị và công cụ để có thể quản lý thống nhất, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành một cách bền vững. 4.3. Các giải pháp công trình và phi công trình Các giải pháp công trình bao gồm: Xây dựng, cải tạo hệ thống đê, hồ chứa nước; nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp; tận dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng 132
- KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 nước; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; tưới luân phiên; áp dụng các biện pháp thu trữ nước [2]. Các giải pháp phi công trình, bao gồm: Đảm bảo vận hành hiệu quả cao khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi; biện pháp quản lý và tăng cường lớp phủ thực vật; chuyển đổi cơ cấu kinh tế; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; các giải pháp về chính sách; các giải pháp về khoa học công nghệ; tăng cường vai trò của cộng đồng. 4.4. Thành lập Ban Quản lý dự án sông Hương Văn phòng Ban Quản lý dự án sông Hương là đơn vị sự nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều phối hoạt động của các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông Hương, đề xuất các chính sách, kiến nghị các giải pháp bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên, phòng, chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra và phát triển bền vững lưu vực sông Hương. Thực tế, mỗi giải pháp đề cập ở trên đều có điều kiện ứng dụng và thường chỉ giải quyết được một số có hạn các mặt trong xung đột môi trường. Vì vậy, để có thể nâng cao hiệu quả giải quyết và giảm thiểu các xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương, cần phải áp dụng đồng thời nhiều giải pháp để hỗ trợ nhau. 5. KẾT LUẬN Lưu vực Sông Hương nằm trong khu vực tâm mưa của các nước nên có lượng mưa lớn, lượng nước mặt rất dồi dào, chất lượng nước khá tốt, đảm bảo cho nhu cầu sử dụng hiện tại. Tuy nhiên, những bất cập trong việc khai thác, sử dụng nước trong các ngành kinh tế như: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch... xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc vận hành liên hồ chứa thì trong tương lai số lượng nước sẽ không đủ để đáp ứng cho nhu cầu, chất lượng nước sẽ bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Các xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước mặt trên lưu vực gay gắt nhất là giữa thủy điện và thủy lợi, phòng chống lũ, giữa sử dụng nước thượng lưu và hạ lưu, giữa xả nước thải và bảo vệ môi trường. Các nguyên nhân gây ra xung đột này chủ yếu là do điều kiện và đặc điểm tự nhiên về tài nguyên nước, do quản lý tài nguyên nước chưa có tính tổng hợp theo lưu vực sông từ khâu quy hoạch phát triển (theo từng ngành) đến khâu khai thác vận hành thiếu tính đa mục tiêu của các công trình thủy lợi, thủy điện trên lưu vực. Để giải quyết và giảm thiểu các xung đột và hậu quả của chúng cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể từ cơ chế, chính sách đến quy hoạch phát triển, vận hành hiệu quả, nâng cao nhận thức, kiến thức của cộng đồng và đội ngũ quản lý, đồng thời kết hợp cả các biện pháp công trình và phi công trình để nâng cao hiệu quả và có thể sử dụng lâu dài, bền vững tài nguyên nước là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Hoàng Sơn (2009), “Phát triển bền vững tài nguyên và môi trường nước lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên - Huế”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, 16(50.) [2] Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Thám, Nguyễn Văn Cư (2008), “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khai thác bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hương tỉnh Thừa Thiên - Huế”, Hội nghị Khoa học Địa lí toàn quốc lần thứ III, Hà Nội. [3] Nguyễn Thám, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Đăng Độ (2010), “Vai trò của các hồ chứa nước ở thượng nguồn trong việc tính toán khả năng cấp nước ở lưu vực sông Hương”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 23(57). 133
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 [4] Nguyễn Thám, Nguyễn Hoàng Sơn, Phan Anh Hằng (2012), “Những tác động địa lí của các công trình khai thác, sử dụng nước trên dòng chính sông Hương”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 33(107). [5] UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2009), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. [6] Ngô Thị Thùy Dương, Lê Đình Thành, Phan Văn Yên (2013), “Xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Srêpok”, Khoa học kỹ thuật thủy lợi và môi trường, 41(114). Title: ENVIRONMENTAL CONFLICTS IN USING THE SURFACE WATER OF HUONG RIVER BASIN Abstract: The Huong River is the biggest river in Thua Thien Hue province, it plays an important role in the socio-economic development, the conservation of cultural heritage and protection of the ecological environment of the province. Nowadays, on the basin, there are many activities related to the development and use of surface water resources from irrigation and water supply for irrigation, hydropower, transportation, tourism... However, mining activities, use of surface water resources on the basin has been causing severe conflicts that have the potential to cause environmental conflicts. In view of sustainable development and environmental protection, in this study, the first step is to give the analysis of the causes, the risk of environmental conflicts in the exploitation and use of water resources on the basin of The Huong river with the proposes that overcome and minimize. Keywords: environmental conflicts, surface water resources, the Huong river, hydropower, irrigation. ĐẬU NGỌC HẢI Học viên Cao học, chuyên ngành Địa lý tự nhiên, khóa 23 (2014-2016), Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế PGS. TS. NGUYỄN HOÀNG SƠN Khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế 134
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
An ninh môi trường
58 p | 431 | 221
-
Việt Nam môi trường và cuộc sống - Phần 26
20 p | 187 | 55
-
Xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Srêpok
7 p | 163 | 15
-
Nghiên cứu khả năng sinh trưởng và hấp thu kim loại nặng của cây cỏ vetiver, dương xỉ và sậy trên đất sau khai thác thiếc tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
4 p | 103 | 6
-
Một số vấn đề môi trường chủ yếu khi phát triển điện gió ở vùng bờ biển
11 p | 80 | 6
-
Đảm bảo an ninh môi trường ở Việt Nam: Vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết
9 p | 75 | 6
-
Lựa chọn chỉ số dự báo hạn hán cho đồng bằng sông Cửu Long
10 p | 80 | 3
-
Đánh giá nhận thức cộng đồng về quản lý tài nguyên, môi trường vùng đới bờ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đề xuất giải pháp cải thiện dựa vào cộng đồng
7 p | 52 | 3
-
Xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông chảy đoạn qua tỉnh Lào Cai
7 p | 93 | 2
-
Chương 6: Những tồn tại và giải pháp
8 p | 16 | 1
-
Nhận diện và phân tích xung đột môi trường trên lưu vực sông Hiến tỉnh Cao Bằng
8 p | 57 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn