intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ý tưởng mô hình liên kết trong phát triển không gian đô thị khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

24
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Ý tưởng mô hình liên kết trong phát triển không gian đô thị khu vực miền Trung - Tây Nguyên" là kết quả bước đầu của ý tưởng nghiên cứu mô hình liên kết trong phát triển không gian đô thị khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Người đọc sẽ tìm thấy trong bài viết này 3 ý tưởng mô hình liên kết được đề xuất gồm: mô hình liên kết phát triển du lịch; mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm và mô hình liên kết bảo vệ môi trường và ứng phó dịch bệnh. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ý tưởng mô hình liên kết trong phát triển không gian đô thị khu vực miền Trung - Tây Nguyên

  1. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT Ý TƯỞNG MÔ HÌNH LIÊN KẾT TRONG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN Trần Quyết Thắng* Tóm tắt: Bài viết là kết quả bước đầu của ý tưởng nghiên cứu mô hình liên kết trong phát triển không gian đô thị khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Người đọc sẽ tìm thấy trong bài viết này 3 ý tưởng mô hình liên kết được đề xuất gồm: (1) mô hình liên kết phát triển du lịch; (2) mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm và (3) mô hình liên kết bảo vệ môi trường và ứng phó dịch bệnh. Mỗi một mô hình hàm chứa hai vấn đề nội dung quan trọng: (i) sự cần thiết và (ii) cấu trúc mô hình. Ngoài ra, vì bài viết chỉ mới là một dạng dự thảo của ý tưởng khoa học lớn hơn sau đó, do vậy đoạn cuối của bài viết, tác giả bàn luận và khuyến nghị 4 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ để hiện thực hoá ý tưởng lớn này. Từ khoá: Không gian đô thị; Miền Trung - Tây Nguyên; Mô hình liên kết. 1. Bối cảnh nghiên cứu Mặc dù bối cảnh Việt Nam hiện thời, dịch bệnh đang ở trong trạng thái phức tạp và có xu hướng khó kiểm soát hơn. Nhưng điều đó không phải là một nhân tố làm thay đổi bối cảnh kinh tế - xã hội chung của Việt Nam ở cả quá khứ lẫn tương lai. Chính vì thế, bối cảnh nghiên cứu của đề tài tác giả đặt trong cả một lộ trình, bao gồm cả khoảng thời gian tạo ra những di sản ở hiện tại và những dư địa phát triển trong tương lai. Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới nhiều thuận lợi với dân số vàng; trung điểm của xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu; các bệ đỡ hạ tầng dần được hoàn thiện nhờ kết quả triển khai trong khoảng 20 năm trở lại và một đội ngũ lãnh đạo ngày càng chuyên nghiệp. Di sản của một giai đoạn tương đối ngắn phát triển thị trường tự do bao gồm: chính trị ổn định; nền kinh tế phát triển nhanh chóng và tương đối toàn diện; nền tảng xã hội bền vững; địa vị quốc gia trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; công nghệ thông tin ngày càng được chú trọng phát triển và hứa hẹn về một nền kinh tế số trong tương lai gần; tốc độ đô thị hoá cao. Tuy nhiên, cũng như các nền kinh tế khác, Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là tình trạng mất cân đối tỷ trọng ngành; tính bền vững trong ngành nông * Tiến sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, email: tranquyetthang.101090@gmail.com. 515
  2. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG nghiệp còn thấp; kinh tế còn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài; tỷ lệ đô thị hoá chưa cao; chính sách còn nhiều bất cập và những vấn đề thuộc về thiên tai, dịch bệnh ngày một trầm trọng hơn. Ở khía cạnh khác, với cơ chế phi tập trung hoá ngày càng rõ nét, chính quyền địa phương có nhiều quyền chủ động hơn, do đó đã thúc đẩy hoạt động khai thác tiềm năng của từng vùng lãnh thổ, mang đến nhiều kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng. Đặc biệt, vấn đề phát triển đô thị đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, diện mạo đô thị nhỏ đang thay đổi từng ngày theo hướng đồng bộ, khang trang hơn. Tuy nhiên, khía cạnh khác của phi tập trung lại cho thấy những mặt hạn chế. Xu hướng phát triển độc lập của từng địa phương đã dẫn đến nguy cơ mỗi tỉnh là “một pháo đài” và mỗi đô thị là một không gian riêng lẻ. Hệ quả là, trong việc đối mặt với những vấn đề mang tính “không của riêng ai” như cạnh tranh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,… các địa phương không có tiếng nói và hành động chung. Mục tiêu về một mạng lưới đô thị có tính liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch đô thị, đào tạo nhân lực theo nhu cầu hay hình thành chuỗi cung ứng khép kín vì thế cũng chưa được xác lập trên thực tế. Chính vì thế, thực tiễn đòi hỏi phải có những nghiên cứu đề xướng các cơ chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và các vùng trong khu vực để tạo ra một địa thế phát triển hiệu quả và hài hoà hơn. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là một không gian tự nhiên rộng lớn có sự xen kẻ của nhiều đô thị với đa dạng về văn hoá, quy mô và lĩnh vực thế mạnh khác nhau. Những đặc tính này hứa hẹn tiềm năng liên kết để tạo ra một không gian đô thị có tính tương hỗ cùng phát triển theo hướng bền vững. Chính điều đó thúc đẩy tác giả hình thành ý tưởng về mô hình liên kết không gian đô thị cho khu vực này. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu Mô hình liên kết trong phát triển vùng nói chung và các địa phương trong phát triển không gian đô thị nói riêng đã được một số tác giả nghiên cứu trên các khía cạnh cụ thể sau: Ở khía cạnh về không gian đô thị, đã có một số nghiên cứu tiếp cận các cách thức xác lập không gian đô thị tại Việt Nam. Trong đó, đáng kể tới nhất là nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hồng Tiến (2020). Theo đó, tác giả đã xác lập các khái niệm quan trọng như: (1) Chùm đô thị: Chùm đô thị được tạo nên bởi một đô thị trung tâm và vùng ảnh hưởng của nó. Đô thị trung tâm được quyết định trước hết bởi vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện, có kinh tế phát triển. Sự phát triển kinh tế xã hội của đô thị này thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác trong vùng; (2) Vùng ảnh hường (của đô thị trung tâm): Đây là vùng không gian lãnh thổ có liên kết chặt chẽ với đô thị trung tâm bằng mức độ quan hệ không gian mạnh mẽ, tạo nên một thể thống nhất giữa các điểm dân cư. Mức độ của quan hệ phải là sự tổng hòa các chức năng cao nhất mà nó có tác dụng thúc đẩy đô thị hóa toàn vùng; (3) Đô thị vệ tinh là những đô thị nằm trong vùng ảnh hưởng của đô thị cực lớn, chịu ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của đô thị này mặc dù về mặt địa lý tự nhiên và quản lý về hành chính nó tách rời khỏi đô thị đó; và (4) Đô thị đối trọng là một phần hợp nhất của chiến lược phát triển vùng và của chùm đô thị. Các đô thị này trong thời gian đầu sẽ là những đơn vị phụ thuộc và chúng sẽ phát triển độc lập ở giai đoạn sau. Kết quả nghiên cứu này 516
  3. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT đóng vai trò quan trọng trong cung cấp một cơ sở lý luận vững chắc cho xác định các cấu thành của mô hình liên kết đô thị. Ở khía cạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị cụ thể, đã có nhiều nghiên cứu đề xuất những mô hình chi tiết ứng với từng địa phương trong phát triển đô thị. Tác giả Lê Kiều Thanh (2020) đã tổng kết một số những lý thuyết căn bản về mô hình đô thị nén như: (1) Mô hình phát triển đô thị nén “tập trung phân tán”: Tất cả mọi người tiếp cận bằng đi bộ, bằng xe đạp và giao thông công cộng và tôn trọng thế giới tự nhiên hoang dã. Ưu điểm mô hình này là tạo ra hình thái dân cư không chỉ môi trường bền vững mà còn thích hợp với nhu cầu phát triển kinh tế; (2) Mô hình đô thị nén Churchman: Tăng mật độ sử dụng đất thông qua 2 tiêu chí mật độ dân cư cao và tập trung với sử dụng đất hỗn hợp và hạn chế phát triển nằm ngoài khu vực kiểm soát đô thị hóa; (3) Mô hình đô thị nén của Burton: Chỉ ra 3 khía cạnh của đô thi nén: mật độ cao, sử dụng đất hỗn hợp (mật độ dân cư và mật độ xây dựng cao, nhà ở mật độ cao và có giá trị cao, sử dụng đất hỗn hợp, sử dụng hỗn hợp theo chiều dọc và chiều cao) và tần suất cao (dân số tăng, trung tâm thứ cấp có mật độ cao, phát triển mới sử dụng hỗn hợp); (4) Mô hình đô thị nén Âu-Mỹ-OECD: Phương thức phát triển dày đặc và tập trung (mật độ cao, khoảng cách, ranh giới), các khu vực đô thị liên kết bằng giao thông công cộng (sử dụng đất theo định hướng GTCC), khả năng tiếp cận dịch vụ và việc làm (sử dụng đất và công trình đều có tính hỗn hợp, dân cư tiếp cận xe đạp, đi bộ), chính quyền đô thị có năng lực và phối hợp ở cấp đô thị và cấp vùng; và (5) Mô hình đô thị nén của UN Habitat: Không gian thích hợp cho các đường phố và mạng đường phố hiệu quả, mật độ cao, sử dụng đất hỗn hợp, các tầng lớp thu nhập khác nhau sống gần nhau, khu nhà ở dành cho nhà giá thấp và hạn chế đất, các tòa nhà đơn chức năng. Ở khía cạnh về liên kết đô thị và liên kết vùng, một số nghiên cứu đã làm rõ được nhu cầu và lợi thế mang lại của sự liên kết. Tiêu biểu có thể kể tới một số nghiên cứu như Lại Trần Tùng (2020), Nguyễn Mạnh Tưởng (2020) và Nguyễn Như Bình (2020). Các nghiên cứu đã làm rõ được tính cần thiết của xây dựng các liên kết nhằm giải quyết những vấn đề chung của các vùng hoặc các địa phương trong vùng. Các giả thuyết liên kết cũng đã được đưa ra chủ yếu tập trung vào liên kết du lịch biển trong khu vực Trung Bộ nói chung. Các nghiên cứu ở ba khía cạnh liên quan đến bài viết này được liệt kê ở trên đã đạt được những giá trị khoa học rất lớn; đồng thời cũng là những nội dung được tác giả kế thừa trong nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, việc đề xuất các ý tưởng liên kết dường như còn đang bị bỏ ngỏ và trở thành “khoảng trống nghiên cứu” mà tác giả lựa chọn khi tiếp cận vấn đề này. 3. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng trong bài viết gồm nghiên cứu tài liệu thứ cấp và quan sát khoa học. Nếu nghiên cứu tài liệu thứ cấp chủ yếu được sử dụng để mang về các thông tin thứ cấp về cơ sở khoa học và thực tiễn cho đề xuất xác lập các mô hình liên kết trong phát triển không gian đô thị thì quan sát khoa học lại cung cấp các thông tin sơ cấp về nội dung và cấu trúc các mô hình liên kết được thể hiện trong bài viết. 517
  4. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG 4. Kết quả nghiên cứu Dựa trên kết quả nghiên cứu tài liệu thứ cấp và quan sát khoa học, tác giả bước đầu đề xuất 03 ý tưởng mô hình liên kết sau: 4.1. Mô hình liên kết phát triển du lịch Nhu cầu hình thành mô hình liên kết Du lịch nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng đang là ngành có được sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất ở các địa phương thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều địa danh là “ngôi sao mới” trong ngành du lịch quốc gia thuộc khu vực này như Quảng Bình, Phú Yên, Gia Lai và Bình Thuận; cùng với các địa danh quen thuộc như Huế, Hội An, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang đã tạo nên bức tranh du lịch sinh động, đa màu sắc. Đặc biệt, xu hướng “du lịch đô thị” (Urban tourism) đang ngày một được định hình trong phát triển không gian đô thị ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể đó, rất dễ nhận thấy việc phát triển du lịch nói chung và du lịch đô thị nói riêng của khu vực này thiếu sự liên kết mang tính cộng sinh1. Trong đó, mỗi địa phương phát triển du lịch theo một hướng và thậm chí còn góp phần cản trở hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch của địa phương khác. Ở đây, tác giả phân tích trường hợp điển hình giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An. Kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch năm 2019 cho thấy Hội An đón hơn 5,3 triệu lượt khách du lịch bao gồm cả nội địa và quốc tế. Tuy nhiên chỉ có 1.450.065 lượt lưu trú (khách quốc tế là 1.153.790 lượt và khách Việt Nam là 296.275 lượt) với trung bình chỉ 2,07 ngày/lượt. Tỷ lệ khách lưu trú trên tổng lượt khách chỉ đạt 32,8%. Như vậy, với 527 cơ sở lưu trú các loại, công suất sử dụng phòng chỉ đạt 54,52% (Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Nam, 2020). Trong khi đó, cùng kỳ Đà Nẵng luôn trong tình trạng kín phòng. Điều này được lý giải bởi, Hội An vẫn luôn bị gắn mác “Đà Nẵng +” nhiều năm qua - tức là, khách du lịch có kế hoạch tham quan miền Trung, cụ thể là Đà Nẵng thì thường đi kèm thêm Hội An. Thậm chí du khách không có kế hoạch du lịch Hội An vì không tìm thấy thông tin trên các trang thông tin du lịch của Đà Nẵng; hoặc nếu có kế hoạch du lịch cả hai thì khi lựa chọn nơi lưu trú không có gợi ý về lưu trú tại Hội An ngay trên các trang du lịch của Đà Nẵng. Ví dụ này mặc dù chỉ mới mang tính đơn lẻ, nhưng có thể thấy, thiếu liên kết trong hoạt động du lịch, tất yếu sẽ không thể đem đến lợi ích toàn diện cho vùng. Cấu trúc mô hình Để giải quyết vấn đề phân mảnh về du lịch giữa các đô thị nói riêng và chính quyền địa phơng nói chung, trên cơ sở quan sát khoa học, tác giả đề xuất cấu trúc mô hình liên kết mô hình mang 1 Trên thực tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã có chính sách liên kết du lịch mang tên: "Miền Di sản diệu kỳ" để kết nối dung lịch của các địa phương. Song chỉ mới dừng lại ở việc thống nhất ưu đãi giảm giá vé máy bay và lưu trú tại các khách sạn, resort và có hiệu lực trong một thời gian nhất định nên hiệu quả thu lại chưa cao. Cơ chế kiểm soát sự liên kết này chưa đủ mạnh. 518
  5. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT tên: Con đường du lịch cho khu vực miền Trung kéo dài từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận. Cấu trúc cơ bản của mô hình này như sau: - Mục tiêu của mô hình: Liên kết này hướng tới tạo ra một bức tranh du lịch vùng đa dạng trong thống nhất, với mỗi địa phương là một mảnh ghép không thể thay thế trong bức tranh chung đó. - Các địa phương trong mô hình liên kết này gồm: Đồng Hới (Quảng Bình), Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hoà (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hoà), Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận). Trong đó, Đà Nẵng và Nha Trang với lợi thế cảng biển và cảng hàng không quốc tế là điểm đầu mối đón khách du khách cả trong và ngoài nước. - Nội dung liên kết gồm: Hình thành các tour liên kết1; liên kết trong quảng bá du lịch2; liên kết trong nội dung và hạ tầng cung ứng dịch vụ du lịch3; liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch4; liên kết trong chia sẻ dữ liệu du lịch5… - Tổ chức và vận hành: Mô hình liên kết này cần có một cơ quan điều phối chung dưới dạng đại diện của các địa phương. Chủ tịch của cơ quan này có thể thực hiện theo hình thức luân phiên theo từng giai đoạn, sau đó sẽ quay vòng. Cơ quan điều phối này phải hoạt động thường trực thay vì chỉ theo chuyên đề, phong trào6. - Kĩ thuật duy trì cơ chế liên kết: Các thông tin phục vụ liên kết cần được số hoá trên nền tảng của Big Data. 4.2. Mô hình liên kết quảng bá và tiêu thụ nông sản Nhu cầu hình thành mô hình liên kết 1 Có thể bao gồm tour du lịch biển – tất cả các thành phố trong mô hình đều giáp biển hoặc tour Con đường di sản chặng ngắn với Quảng Bình – Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam 2 Đưa ra các gợi ý chặng tiếp theo trong phạm vi các địa phương liên kết hoặc đăng tải các thông tin du lịch của các địa phương khác lên trang truyền thông của địa phương mình chính là cách thức quảng bá hình ảnh cho nhau đơn giản và hiệu quả nhất. 3 Bao gồm cả xác định thế mạnh cung ứng dịch vụ du lịch để loại trừ việc trùng lắp loại hình cung ứng. Ví dụ: Đà Nẵng có thể mạnh của Condotel thì Hội An không phát triển loại hình này. Ngược lại, Hội An có thế mạnh Homestay thì Đà Nẵng cũng không thúc đẩy phát triển loại hình lưu trú này. Hạ tầng cung ứng dịch vụ du lịch là sự liên kết cùng cung ứng một chuỗi dịch vụ du lịch thông qua xây dựng hạ tầng chung. Ví dụ Đà Nẵng và Huế xây dựng đường sắt du lịch (tàu lửa chậm) hoặc Đà Nẵng – Đồng Hới hợp tác cung ứng dịch vụ E-Taxi với trực thăng hoặc thuỷ phi cơ. 4 Xác định địa bàn trọng điểm đào tạo du lịch để cung ứng nguồn nhân lực cho các địa phương còn lại. Ví dụ Đà Nẵng hoặc Huế có thể đào tạo nhân lực ngành du lịch cho Quảng Nam trở ra. Trong khi Nha Trang có thể làm điều tương tự cho phần còn lại của mô hình liên kết. 5 Hình thành trung tâm dữ liệu du lịch chung để dễ dàng khai thác, chia sẻ. 6 Cũng cần phải làm rõ rằng tất cả các Uỷ ban được đề cập trong nghiên cứu này đều tổ chức và vận hành dưới hình thức công – tư. Trong đó nhà nước đóng vai trò là kết nối mang tính hành chính, doanh nghiệp kết nối mang tính chuyên môn. 519
  6. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Tây Nguyên đang có thế mạnh ngày càng rõ nét về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao. Nông sản của các tỉnh Tây Nguyên có tính cạnh tranh bền vững, tính nhận diện cao và ngày càng tăng cả sản lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, dù có những thế mạnh như vậy kinh tế nông nghiệp ở Tây Nguyên vẫn chưa thoát ra được vấn đề chung của nông nghiệp Việt Nam “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nguyên nhân của nó nằm ở chỗ thiếu đầu ra vững chắc cho các sản phẩm nông nghiệp và nguyên nhân của việc thiếu đầu ra vững chắc chính là sự hạn chế trong xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đối tác tiêu thụ nông sản. Ví dụ cuối năm 2020, người trồng rau tại Cư M'Gar, Buôn Đôn (Đắk Lắk), Đắk Song, Tuy Đức (Đắk Nông), một số vùng của tỉnh Gia Lai,... đã phải vứt bỏ hàng ngàn tấn rau quả do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Ngay cả những nông sản có thương hiệu như xoài Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cũng chỉ bán với giá 5-6 ngàn đồng/kg hay bơ sáp, bơ 034 - giống cây chủ lực mới tại các tỉnh Tây Nguyên cũng vào chính vụ cũng chỉ được thu mua với giá dưới 5 ngàn đồng/kg và số lượng được thu mua chỉ đạt khoảng 65% tổng sản lượng. Trong khi đó, cũng mốc thời gian trên, tại các địa điểm du lịch thuộc nhóm các địa phương trong mô hình liên kết phát triển du lịch, các loại nông sản kể trên có giá gấp từ 10 đến 15 lần giá thu mua tại vườn ở vùng Tây Nguyên. Như vậy, rõ ràng vấn đề ùn ứ hay rớt giá của nông sản không phải đến từ nguồn cầu thấp và nguồn cung vượt quá cầu, mà cốt yếu nằm ở chỗ hai nguồn này đã không tìm thấy nhau. Cấu trúc mô hình Trên cơ sở thực tiễn đó, tác giả đề xuất nội dung mô hình liên kết quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cấu trúc cơ bản của mô hình này như sau: - Mục tiêu của mô hình: Mô hình hướng tới xây dựng cơ chế liên kết để quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản cho vùng Tây Nguyên. - Các địa phương trong mô hình này gồm: (1) Nhóm liên kết nội bộ vùng Tây Nguyên - bao gồm 5 địa phương và (2) Nhóm vùng Tây Nguyên với các đô thị du lịch ở mô hình thứ nhất. Trong đó, (1) lấy Buôn Mê Thuột làm trung tâm vì đây là đô thị duy nhất trong vùng tiến hành thường niên Festival Cà phê và gây được nhiều sự chú ý của cộng đồng trong nước và thế giới; và (2) được dựa trên cơ chế liên kết của Uỷ ban điều phối của hai vùng. - Nội dung liên kết: Trong nhóm liên kết nội bộ vùng Tây Nguyên, nội dung liên kết xoay quanh vấn đề xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản vùng. Theo đó, có hai nội dung chính gồm: liên kết chuỗi nông sản thế mạnh của Tây Nguyên 1 và tổ chức festival nông sản chung cho vùng Tây Nguyên tại một địa điểm được luân phiên giữa năm đô thị thuộc năm địa phương của Vùng. Trong nhóm liên kết giữa vùng Tây Nguyên và các đô thị trong mô hình Con đường du lịch, các nội dung chủ yếu gồm: liên kết tiêu thụ nông sản thông qua các kênh phân phối tại các đô thị 1 Mỗi địa phương của vùng Tây Nguyên đều có những nông sản mang tính đặc sản. Chính vì thế, sự liên kết của các đặc sản này sẽ tạo ra được chuỗi đặc sản của Tây Nguyên. Chuỗi này sẽ tạo ra tính cạnh tranh cao hơn, nhận diện thương hiệu tối ưu hơn và chỉ dẫn địa lý dễ dàng hơn là để ở dạng đơn lẻ. 520
  7. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT du lịch1; thiết lập chuỗi bao tiêu cung ứng theo mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” giữa các doanh nghiệp phân phối tại các đô thị kể trên với những hợp tác xã, tổ chức sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên; liên kết trong điều tra nhu cầu thị trường tiêu thụ; liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao; liên kết trong quảng bá sản phẩm nông nghiệp; liên kết trong tổ chức tour Du lịch nông nghiệp (hứa hẹn sẽ rất có giá trị trong tương lai). - Tổ chức và vận hành: Để vận hành mô hình đòi hỏi phải có điều phối chung trong từng phạm vi mô hình. Trong nội bộ 05 tỉnh Tây Nguyên cần có Uỷ ban điều phối hợp tác sản xuất nông nghiệp với trung tâm có thể ở Buôn Mê Thuột hoặc Pleiku. Trong khi đó ở phạm vi liên kết liên vùng lại cần sự hợp tác giữa Uỷ ban điều phối hợp tác sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên với Uỷ ban điều phối Con đường du lịch. - Kĩ thuật duy trì cơ chế liên kết: Kĩ thuật hỗ trợ cho mô hình liên kết này vẫn là công nghệ thông tin dựa trên nền tảng của Big Data. Bên cạnh đó cần có sự hiện diện của dịch vụ Logitics. 4.3. Mô hình liên kết bảo vệ môi trường và ứng phó dịch bệnh Nhu cầu hình thành mô hình liên kết Các vấn đề của môi trường tự nhiên và dịch bệnh đang uy hiếp đến sự phát triển của Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng ở cả hiện tại và trong tương lai. Nếu như dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến khu vực này với quy mô như các vùng khác trên cả nước, thì các vấn đề của môi trường tự nhiên như biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn,…); thiên tai (lũ lụt, sạt lở, bão,…) đã tác động rất tiêu cực đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cả dịch bệnh và vấn đề môi trường đều không có tính biên giới (chỉ xảy ra trong một phạm vi lãnh thổ). Do đó, nếu thiếu tính liên kết sẽ rất khó để ứng phó một cách đơn lẻ hiệu quả. Đơn cử hai vấn đề tiêu biểu sau: Vấn đề giải quyết rác thải đại dương: Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa với tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương ước tính từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm. Rác thải đại dương (trong đó chủ yếu là rác thải nhựa) cũng là vấn đề của tất cả các đô thị ven biển miền Trung. Trung bình trên mỗi 100 m chiều dài bãi biển tại Nha Trang có 94,58 kg (tương đương với 1 m chiều dài chứa gần 1 kg) với 7.374 mảnh rác thải. Trong đó, rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác, trung bình 330,6 mảnh/MC và 3,06 kg/MC, chiếm 92,2% về số lượng và 64,8% về khối lượng. Thành phần chủ yếu gồm phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ với tỷ lệ khoảng 47% số lượng và 46% về khối lượng rác thải. Số lượng còn lại tuy chiếm tỷ lệ ít nhưng cũng thuộc danh mục rất khó phân huỷ như cao su, thuỷ tinh, kim loại và rác hỗn hợp (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021, tr. 52). 1 Nông sản sẽ được định hình bằng hai dòng: Tiêu dùng tại chỗ của người dân đô thị và khách du lịch (chủ yếu là trái cây tươi), và mặt hàng quà tặng (chủ yếu nông sản khô hoặc phải qua chế biến). Sự liên kết này có tính hài hoà lợi ích vì nông sản được bán tại điểm du lịch luôn có giá thành cao hơn ở những địa điểm thông thường khác. 521
  8. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Tuy nhiên, vấn đề rác thải đại dương tại Nha Trang không phải chỉ do người dân ở đây phát thải. Bằng chứng là khi áp dụng chính sách Đại dương không rác thải nhựa, giai đoạn 2019-2020, nhằm xử lý lượng rác thải trên đường bở biển và ngăn chặn hành vi phát thải ra môi trường biển của người dân trên địa bàn, lượng rác thải đại dương dạt vào bờ biển của Nha Trang không thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng khi có các hiện tượng thời tiết biển cực đoan. Giải thích điều này bằng cách quan sát dòng hải lưu là lựa chọn tối ưu. Theo đó, dòng hải lưu biển Đông có xu hướng dịch chuyển hướng Bắc - Nam, đặc biệt vào tháng 4 hàng năm. Sự dịch chuyển này đồng nghĩa với việc hình thành dòng chảy từ từ Bắc và Nam trên dọc chiều dài biển miền Trung. Điều này cũng được chứng minh bằng trường hợp Formosa Hà Tỉnh xả thải, nhưng tỉnh Nghệ An lại không chịu ảnh hưởng mà thiệt hại lớn nhất lại thuộc về ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Do đó, vấn đề rác thải đại dương tại Nha Trang là vấn đề thuộc về dòng hải lưu, lượng rác thải bổ sung hàng năm thực chất bao gồm cả lượng rác thải của các địa phương nằm ở phía bắc. Nha Trang tập trung xử lý chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Phòng chống dịch bệnh Covid 19 giữa các địa phương cũng gặp vấn đề trong phối hợp, đặc biệt là trong thông tin và tiếp nhận người dân hồi hương từ các đô thị lớn. Điển hình như tỉnh Thừa Thiên Huế trong đợt bùng dịch tháng 7/2020 đã từ chối tiếp nhận công dân về từ Đà Nẵng và địa phương này cũng từ chối nhận 26 người dân của mình về từ Tp. Hồ Chí Minh, khiến cho thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị phải tiếp nhận trong đợt dịch tháng 7/2021. Như vậy, nếu thiếu sự liên kết trong ứng phó với vấn đề môi trường và dịch bệnh, rất dễ sẽ biến mỗi địa phương thành một pháp đài và khi đó các hoạt động khắc phục chỉ có thể thực hiện ở phần ngọn, đồng thời đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và kinh doanh cũng là nguy cơ rõ ràng. Cấu trúc mô hình - Mục tiêu của mô hình: Mô hình hướng tới mục tiêu thiết lập một cơ chế liên kết trong xử lý khủng hoảng môi trường và ứng phó với dịch bệnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo đó, tiêu chí là phối hợp cùng giải quyết dứt điểm các khủng hoảng. - Các địa phương trong mô hình này gồm: Đối với liên kết xử lý vấn đề môi trường biển với mô hình Đại dương xanh cần có sự liên kết của tất cả các địa phương giáp biển của khu vực miền Trung. Trong khi đó, mô hình ứng phó dịch bệnh đòi hỏi phối hợp giữa tất cả các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó lấy các đô thị lớn làm trung tâm. - Nội dung liên kết gồm: Trong vấn đề môi trường biển: liên kết tuyên truyền, vận động người dân ; liên kết đấu tranh, phòng ngừa các hành vi gây ô nhiễm môi trường; liên kết trong xử lý rác 1 thải hiện hữu; liên kết trong thẩm định và phê duyệt các chủ trương đầu tư có tác động đến môi trường. Trong vấn đề ứng phó dịch bệnh: liên kết phòng ngừa; liên kết tiếp nhận người hồi hương 1 Thực tế giai đoạn 2018-2019, Đà Nẵng đã thực hiện chiến dịch truyền thông mang tên “Cuộc xâm chiếm của rác”, nhưng chỉ triển khai đơn lẻ trong địa phương và mang tính phòng trào, thời điểm nên chưa kết quả mang lại kết quả như kỳ vọng. 522
  9. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT để giảm thiểu áp lực phòng, chống dịch cho các đô thị; liên kết truy vết bằng công nghệ cao; liên kết ứng phó với khủng hoảng lương thực, thực phẩm khi giãn cách xã hội; liên kết trong thống nhất di chuyển qua các địa bàn. - Tổ chức và vận hành: Mô hình liên kết này không cần thiết phải có Uỷ ban điều phối, tuy nhiên mỗi địa phương cần cử cơ quan hữu quan chuyên trách làm đầu mối liên kết. - Kĩ thuật duy trì cơ chế liên kết: Vấn đề kĩ thuật quan trọng nhất trong mô hình liên kết này chính là hệ thống dữ liệu Big Data liên vùng về các vấn đề liên quan và thống nhất trong sử dụng các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ khai thác dữ liệu đó. 5. Bàn luận và khuyến nghị Kết quả nghiên cứu trên đang chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng về hình thành các khung liên kết trong phát triển không gian đô thị khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, mà chưa phải là những phân tích mang tính kỷ thuật về tổ chức các mô hình đó. Việc đề xuất ý tưởng này còn mấy vấn đề cần làm rõ như sau: Thứ nhất, vấn đề địa vị pháp lý trong mối quan hệ liên kết giữa các đô thị: Tham gia mô hình liên kết trong phát triển không gian đô thị vùng có sự tham gia của cả thành phố trực thuộc Trung ương (đơn vị cấp tỉnh) và thành phố trực thuộc cấp tỉnh (đơn vị cấp huyện), do đó việc tạo lập một vị thế hay một cơ chế của mối liên kết là bản lề của mô hình này. Việc hai thành phố trực thuộc cấp tỉnh liên kết với nhau nằm trong hay ngoài quy mô liên kết của hai tỉnh mà nó trực thuộc? Việc một thành phố trực thuộc trung ương và một thành phố trực thuộc cấp tỉnh liên kết với nhau liệu có bình đẳng hay cần có sự đại diện của một cấp tương đương? Đó là những câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu để giải quyết. Thứ hai, về một Uỷ ban điều phối chung của mô hình liên kết: Tôn chỉ của liên kết trong phát triển không gian đô thị vùng là “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”1. Theo đó, khách thể lớn nhất của mối quan hệ này là những lợi ích to lớn có được nhờ sự tương trợ trong mô hình liên kết, bao gồm cả lợi ích đạt được và lợi ích từ sự chia sẻ rủi ro. Khi nào vẫn còn khách thể này, mô hình liên kết vẫn còn giá trị và sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về sự điều phối. Lẽ dĩ nhiên, cuộc chơi này không có phép một ai đó mạnh lên để dẫn dắt lợi ích của người khác - khi đó mối quan hệ này sẽ trở thành mạng lưới hạt nhân và các vệ tinh - thứ không được bàn tới trong nghiên cứu này. Ngược lại, ngay cả khi có ai đó mạnh lên, thì bổn phận của họ vẫn chỉ là sự điều phối để có sự hài hoà về lợi ích và chia sẻ các rủi ro. Sự hiện diện của một Uỷ ban điều phối là điều tất yếu, song địa vị pháp lý của nó như thế nào thì vẫn cần phải làm rõ. 1 Ý tưởng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tác giả cho rằng, ý tưởng này cũng rất phù hợp với tôn chỉ liên kết trong phát triển không gian đô thị vùng và các dạng liên kết khác nữa. 523
  10. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Thứ ba, các vấn đề thuộc về kỹ thuật xây dựng và vận hành mô hình là xương sống quyết định sự thành bại của sự liên kết: Những câu hỏi nghiên cứu cho nội dung này: mức độ của sự liên kết?; công nghệ hỗ trợ liên kết?; nguyên tắc hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro?; quy mô của từng mô hình?,… Tất cả những nội dung cần được làm rõ để định ra một khung liên kết thật chi tiết trước khi triển khai trên thực tiễn. Hình tượng về hệ vận động (gồm xương và khớp nối) và hệ thần kinh của con người là lý tưởng cho sự ví von này. Vấn đề lớn ở đây là, ứng với mô hình liên kết lại cần có những vấn đề thuộc về kỹ thuật xây dựng và vận hành khác nhau. Do đó, đây được xác định là vấn đề nghiên cứu tiếp theo có khối lượng lớn nhất về quy mô và phức tạp nhất về tính chất. Thứ tư, mô hình liên kết giữa các địa phương đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới với cả thành công lẫn thất bại: Nghiên cứu các mô hình này sẽ cho chúng ta thấy được không chỉ ý nghĩa của thành công mà còn cả bài học của sự thất bại. Tất nhiên, không phải mọi mô hình đều có ý nghĩa với Việt Nam, nhưng ít nhất như ngạn ngữ của người Việt - “đãi cát tìm vàng”, những giá trị có được khi nghiên cứu mô hình này hứa hẹn sẽ cho người nghiên cứu những lời khuyên hữu ích, thậm chí là quý giá khi tính toán các vấn đề thuộc về kỹ thuật xây dựng và vận hành mô hình liên kết trong phát triển không gian đô thị ở Việt Nam. Tổng kết thực tế cho thấy, trong phạm vi khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung đều đã có những sáng kiến mô hình liên kết được ra đời. Tuy nhiên, trong qúa trình thực thi, hầu hết chỉ dừng lại ở mức “diễn đàn” hoặc “rầm rộ ban đầu, nguội lạnh về sau”. Nguyên do của thực tế này tới từ kế hoạch triển khai ý tưởng thiếu rõ ràng, cốt lõi của sự liên kết chưa phải là lợi ích của các bên mà đơn thuần chỉ là ý chí của các lãnh đạo địa phương, do đó tính kết dính thấp. Cơ chế điều phối cũng thiếu sự hỗ trợ của công nghệ nên không kịp thời và rất khó để định lượng được hiệu quả. Bản thân các chủ thể sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ cũng thiếu mặn mà với sự liên kết này do chưa thực sự thấy được lợi ích của họ. Chính vì thế, với ý tưởng về các mô hình mang tính chuyên sâu, xác định rõ đối tượng liên kết, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin hứa hẹn sẽ giúp cơ chế điều phối trở nên dễ dàng, liên tục và có thể định lượng được hiệu quả tức thì. Đặc biệt, tác giả có những mường tượng tương đối rõ ràng về các phương pháp liên kết theo mô hình Ống dẫn và mô hình Ngôi sao hứa hẹn sẽ đem đến những bệ đỡ chắc chắn cho sự thành công của ý tưởng. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, để đạt được toàn bộ mục tiêu nghiên cứu còn rất nhiều điều phải thực hiện. Bốn luận điểm tác giả bàn luận thêm ở trên cho thấy những nhiệm vụ nghiên cứu trong tương lai, đồng thời cũng là cầu nối để tác giả khuyến nghị việc tham gia nghiên cứu những khía cạnh khác nhau đó đến quý học giới. Tác giả tin chắc rằng, kết quả nghiên cứu này sẽ có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn. 6. Kết luận Thế kỷ XXI và xa hơn thế lấy chuỗi cung ứng làm nền tảng của kinh tế và lấy liên kết làm cơ chế trọng yếu cho sự phát triển bền vững. Do đó, liên kết trong phát triển không gian đô thị cũng thuận theo xu hướng ấy. 524
  11. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT Kết quả nghiên cứu tựu chung lại mới chỉ ở dạng ý tưởng. Tác giả ý thức được rằng vấn đề xây dựng mô hình là rất phức tạp và tính phực tạp còn gấp nhiều lần hơn nữa khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, vạn dặm luôn bắt đầu từ những bước đi đầu tiên - đó là chân lý để chỉ mọi lộ trình và trong trường hợp này cũng vậy. Ý tưởng về ba mô hình kể trên có thể chưa chỉ ra được nhiều những giá trị hứa hẹn trong tương lai, nhưng là cơ sở xác lập sự mở đầu cho một nghiên cứu dài hơi với quy mô lớn. Với dự định đó, tác giả mong muốn nhận được nhiều sự phản hồi, trao đổi của quý học giới về chủ đề kể trên để gia tăng thêm góc độ tiếp cận, qua đó làm tốt hơn ý tưởng của mình. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Như Bình, 2020, “Thực trạng và giải pháp liên kết phát triển du lịch văn hoá tâm linh vùng Bắc Trung Bộ”, trong Phát triển bền vững Vùng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021, Báo cáo Hiện trạng môi trường Biển và Hải đảo Quốc gia giai đoạn 2016-2020, Hà Nội. 3. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, 2021, Báo cáo tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020, Quảng Nam. 4. Lê Kiều Thanh. 2020. “Nghiên cứu, đề xuất mô hình và giải pháp quản lý phát triển đô thị nén phát triển bền vững”, https://www.viup.vn/vn/Cap-bo-nc43-Nghien-cuu-de-xuat-mo-hinh-va- giai-phap-quan-ly-phat-trien-do-thi-nen-phat-trien-ben-vung-d11955.html,. 5. Nguyễn Hồng Tiến 2020, “Chùm đô thị với các mô hình tổ chức không gian”, https://thuvienxaydung.net/quy-hoach/chum-do-thi-voi-cac-mo-hinh-to-chuc-khong-gian.html, . 6. Lại Trần Tùng, 2020, “Tăng cường hợp tác, liên kết về kinh tế trong phát triển bền vững vùng ở Việt Nam hiện nay”, trong Phát triển bền vững Vùng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 7. Nguyễn Mạnh Tưởng, 2020, “Giải pháp liên kết khai thác giá trị di tích văn hoá - lịch sử trong phát triển du lịch khu vực Trung Bộ”, trong Phát triển bền vững Vùng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 525
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2