JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0137<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8, pp. 3-9<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
YÊU CẦU CỦA XÃ HỘI THẾ KỈ 21 VÀ NHỮNG NĂNG LỰC CỐT LÕI<br />
CẦN CÓ ĐỐI VỚI HỌC SINH PHỔ THÔNG VIỆT NAM SAU 2015<br />
<br />
Nguyễn Thị Kim Dung<br />
Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Bài báo đề cập đến một vấn đề không mới, nhưng rất cần trong điều kiện hiện<br />
nay nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kì công nghiệp<br />
hóa, hiện đại hóa đất nước – đó là các năng lực cốt lõi cần có ở học sinh phổ thông Việt<br />
Nam sau 2015. Bài báo đi sâu phân tích những đặc điểm nổi bật về kinh tế - xã hội thế kỉ<br />
21 và những yêu cầu đặt ra cho giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, bài báo đã đề xuất 11<br />
năng lực chung, cơ bản mà giáo dục phổ thông phải hướng đến hình thành ở học sinh. Đó<br />
là năng lực đọc- viết và tính toán, năng lực tự học và làm chủ bản thân, năng lực công nghệ<br />
thông tin và truyền thông; năng lực sáng tạo và tư duy phản biện; năng lực giải quyết vấn<br />
đề, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực công dân.<br />
Từ khóa: Yêu cầu xã hội, Thế kỉ 21, Năng lực cốt lõi, Học sinh phổ thông.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Chúng ta hiện đang sống trong một xã hội (XH) ngày càng đa dạng, toàn cầu hóa và thấm<br />
đậm các phương tiện truyền thông hiện đại. Những thay đổi và phát triển liên tục ở mọi khía cạnh<br />
của cuộc sống đã xác định rõ con đường mà loài người bước vào thế kỉ mới: con đường phát triển<br />
một nền kinh tế mới, một xã hội mới dựa chủ yếu vào các nguồn lực thông tin và tri thức, với xu<br />
thế toàn cầu hóa lôi cuốn sự hội nhập của mọi quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những thành tựu,<br />
những lợi ích to lớn mà nó mang lại cho toàn thể nhân loại thì con người nói chung và thế hệ trẻ<br />
nói riêng hiện đang và sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh như nóng lên toàn cầu, nghèo<br />
đói, hạn hán, các vấn đề về sức khỏe và các vấn đề môi trường và xã hội khác. Những vấn đề này<br />
đòi hỏi thế hệ trẻ phải có khả năng giao tiếp, hành động và sáng tạo ra những thay đổi mang tính<br />
cá nhân, xã hội, kinh tế và chính trị ở các cấp độ: địa phương, quốc gia và toàn cầu [3, 7].<br />
Tuy nhiên, những vấn đề công nghệ nổi lên và những vấn đề toàn cầu cũng tạo nhiều cơ hội<br />
cho việc tồn tại những phát hiện và phát triển mới như những hình thức năng lượng mới, những<br />
tiến bộ y học, sự khôi phục những khía cạnh môi trường bị tàn phá, giao lưu, và khám phá vũ trụ...<br />
Chính vì vậy, giáo dục phải chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ tham gia vào quá trình toàn cầu hóa<br />
này, sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ của kinh tế - XH [6].<br />
Tất cả những điều này đòi hỏi ở người học phải có những năng lực mới để đáp ứng nguồn<br />
nhân lực cho XH hiện đại. Bài báo đi sâu phân tích những đặc trưng nổi bật của thế kỉ 21 có liên<br />
quan đến việc xác lập các năng lực cốt lõi cho học sinh (HS) phổ thông Việt Nam sau 2015.<br />
Ngày nhận bài: 10/6/2015. Ngày nhận đăng: 20/10/2015.<br />
Liên hệ: Nguyễn Thị Kim Dung, e-mail: kimdung28863@gmail.com<br />
<br />
<br />
<br />
3<br />
Nguyễn Thị Kim Dung<br />
<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Những yêu cầu của kinh tế - xã hội thế kỉ 21 đối với giáo dục phổ thông<br />
Nhiều học giả và các nhà giáo dục trên thế giới đều nhất trí cho rằng giáo dục (GD) của thế<br />
kỉ 21 chịu sự tác động mạnh mẽ của ba nhân tố quan trọng: kinh tế tri thức, công nghệ thông tin<br />
và toàn cầu hóa.<br />
i. Công nghệ thông tin<br />
Công nghệ thông tin (CNTT) là yếu tố quan trọng nhất có tác động sâu sắc đến mọi khía<br />
cạnh, mọi lĩnh vực của đời sống XH. CNTT có tác động làm cho tri thức, sức sáng tạo của con<br />
người trở thành yếu tố có ý nghĩa quyết định và nguồn lực có giá trị nhất - không phải là vốn mà là<br />
trí lực, để tạo nên những giá trị gia tăng của các sản phẩm và dịch vụ. Sự phát triển của CNTT đòi<br />
hỏi những năng lực về CNTT và tính toán, những cách tư duy mới [5, 7].<br />
Thời đại thông tin dựa vào công nghệ đã làm thay đổi vai trò của thông tin trong XH và<br />
thay đổi cấu trúc lực lượng lao động. Nhiều ngành nghề phụ thuộc trực tiếp vào việc sử dụng lực<br />
lượng lao động mất đi, nhiều ngành nghề khác phụ thuộc vào các kĩ năng thông tin xuất hiện. Kinh<br />
tế tri thức và thời đại thông tin đòi hỏi những ngành nghề dựa vào sản phẩm, phân phối và tiêu<br />
thụ thông tin. Bên cạnh đó, CNTT cũng làm thay đổi bản chất của nhiều ngành nghề. Các nhiệm<br />
vụ/công việc đòi hỏi lao động chân tay, hay làm theo thói quen, đều đặn hàng ngày sẽ dần ít đi<br />
và được thay thế bằng những công việc/nhiệm vụ trừu tượng, đòi hỏi phải có tư duy phản biện, sự<br />
sáng tạo, kĩ năng làm việc đồng đội mới giải quyết được (xem sơ đồ) [5].<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Sơ đồ: Xu hướng thay đổi nhiệm vụ/công việc của ngành nghề<br />
(Dựa trên mô hình của Autor và đồng nghiệp, 2003 – trích dẫn trong sách của P.Griffin, 2013)<br />
<br />
Công nghệ thông tin được ứng dụng nhanh và rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống<br />
kinh tế- xã hội, trong đó có giáo dục: Máy vi tính, thiết bị video và các thiết bị truyền dẫn thông<br />
tin khác, những nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo dựa vào máy tính đã tạo ra được những hệ<br />
thống có thể nhận ra được giọng nói, đọc được nét chữ và chẩn đoán được bệnh tật... đã làm thay<br />
đổi không những cách chúng ta học, cái chúng ta phải học mà nó còn buộc chúng ta phải nhận ra<br />
rằng tương lai sẽ đòi hỏi tất cả chúng ta phải là những người học liên tục và suốt đời.... Bên cạnh<br />
đó, GD còn có nhiệm vụ giúp người học biết cách lựa chọn thông tin phù hợp, tiếp thu có chọn lọc<br />
tinh hoa văn hóa của thế giới [2, 5].<br />
Tất cả những thay đổi này đã tác động rất lớn đến GD. Hệ thống GD cần phải điều chỉnh,<br />
đổi mới tư duy. Trong thế giới biến động ấy mỗi người nói riêng và mỗi dân tộc nói chung muốn<br />
tồn tại và phát triển được thì điều đầu tiên là phải biết thích nghi, chủ động thích nghi, chủ động<br />
tham gia một cách sáng tạo vào sự phát triển và góp phần thúc đẩy sự phát triển. Thích nghi và<br />
<br />
4<br />
Yêu cầu của xã hội thế kỉ 21 và những năng lực cốt lõi cần có đối với học sinh phổ thông...<br />
<br />
<br />
sáng tạo là hai phẩm chất năng lực quan trọng của con người trong thời đại ngày nay. Bên cạnh<br />
đó, các năng lực học, hợp tác và giải quyết vấn đề trong môi trường thông tin số trở thành nổi bật.<br />
Trong thời đại công nghiệp, sự thống trị và ảnh hưởng của nguồn vốn vật chất (physical capital) là<br />
chính thì trong thời đại thông tin, vốn con người được coi là giá trị nhất. Và như vậy việc đánh giá<br />
nguồn vốn con người bằng số năm học đã kết thúc mà thay vào đó là đánh giá các năng lực đọc,<br />
viết, tính toán và nhiều năng lực khác như năng lực tiếp cận, xử lí, đánh giá và sử dụng thông tin<br />
để giải quyết vấn đề [1, 7, 8].<br />
ii. Kinh tế tri thức<br />
Các nhà nghiên cứu kinh tế và GD đều cho rằng kinh tế tri thức có những đặc trưng cơ bản<br />
sau có liên quan chặt chẽ với GD [3, 7]:<br />
Tri thức là vốn quý nhất, là yếu tố then chốt của lực lượng kiến tạo xã hội hiện đại, của<br />
lực lượng sản xuất và tăng trưởng kinh tế, quan trọng hơn cả vốn, lao động, tài nguyên và đất đai.<br />
Quyền sở hữu đối với tri thức trở thành quan trọng nhất. Việc chiếm hữu nhân tài và tri thức quan<br />
trọng hơn nhiều so với chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên.<br />
Sự chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch chuyển từ sản xuất vật chất sang hoạt<br />
động dịch vụ, xử lí thông tin là chủ đạo. Trong nền kinh tế tri thức, các ngành kinh tế dựa vào tri<br />
thức, dựa vào các thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ chiếm tỉ lệ cao. Chính vì thế, GD<br />
nhà trường chỉ là một phần, một giai đoạn ngắn trong toàn bộ cuộc sống của mỗi con người. Trong<br />
nền kinh tế tri thức, mô hình GD truyền thống (đào tạo xong rồi mới ra làm việc) không còn phù<br />
hợp nữa, mà phải đào tạo cơ bản, ra làm việc và tiếp tục đào tạo, vừa học, vừa làm việc. Trong<br />
kinh tế tri thức mỗi người có được bao nhiêu tri thức là do việc học tập tri thức và năng lực chuyển<br />
hóa tri thức của cá nhân. Để không ngừng trau dồi kĩ năng, phát triển trí sáng tạo, mọi người đều<br />
phải học tập, học thường xuyên, học suốt đời, học ở trường, học trên mạng, cả xã hội học tập –<br />
Năng lực học suốt đời và biết cách học là những năng lực cốt lõi trong nền kinh tế tri thức.<br />
Sản xuất tri thức, sản xuất công nghệ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất và luôn<br />
biến đổi. Do đó đòi hỏi người lao động luôn phải thích nghi với những tri thức và công nghệ mới<br />
và phải có tính sáng tạo cao. Phát triển năng lực tư duy sáng tạo và năng lực hành động phải trở<br />
thành mục tiêu hàng đầu của GD. Các lí thuyết khoa học sáng tạo khẳng định năng lực sáng tạo<br />
là thuộc tính nhân cách thiết yếu, là điều kiện bên trong cốt tử để một người có thể sáng tạo cái<br />
mới trên bình diện cá nhân hay bình diện xã hội. Ngoài ra, môi trường lao động chứa đầy công<br />
nghệ, nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng khó xác định rõ ràng đòi hỏi con người làm việc mang<br />
tính đồng đội, thường là các đội đa chuyên môn, đa lĩnh vực mới giải quyết được.<br />
iii. Toàn cầu hóa<br />
Toàn cầu hóa là quá trình đa diện của sự tăng cường trao đổi, hòa nhập mang tính toàn cầu<br />
về kinh tế, văn hóa và xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực tự do hóa thương mại quốc tế và sản phẩm<br />
của công nghiệp và GD cũng như của các lĩnh vực khác phải đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc<br />
tế. Toàn cầu hóa đặt ra những vấn đề sau đối với GD:<br />
- Thị trường thế giới thay đổi rất nhanh nên nó đòi hỏi phải có thông tin cập nhật, chính xác,<br />
đủ và thích hợp.<br />
- Học sinh sẽ phải học lịch sử, địa lí thế giới và phải giao lưu với bạn bè ở các nước khác<br />
trên thế giới.<br />
- Xây dựng nền móng học tập vững chắc để học sinh có thể xử lí được khối lượng tri thức<br />
khổng lồ và phức tạp, luôn biến động.<br />
- Phải có những cố gắng mới để hiện đại hoá và nâng cao khả năng làm chủ tiếng Anh với<br />
<br />
<br />
5<br />
Nguyễn Thị Kim Dung<br />
<br />
<br />
tư cách là một ngôn ngữ quốc tế.<br />
- Tăng cường giao lưu điện tử, truyền tin qua vệ tinh, viễn thông đường dài vô tuyến.<br />
- Tăng cường sự hiểu biết những giá trị quốc gia và quốc tế [4, 6].<br />
Từ những tác động và đòi hỏi trên đây của sự phát triển kinh tế XH trong điều kiện toàn cầu<br />
hóa và kinh tế tri thức có thể khẳng định rằng mô hình GD "hàn lâm kinh viện" đào tạo ra những<br />
con người thụ động, chạy theo bằng cấp, chú trọng việc truyền thụ những kiến thức lí thuyết xa rời<br />
thực tiễn, còn gọi là "kiến thức chết" không còn thích hợp với những yêu cầu mới của XH và thị<br />
trường lao động. Giáo dục cần đổi mới để đáp ứng được những yêu cầu hiện đại của sự phát triển<br />
kinh tế, xã hội và thị trường lao động phạm vi quốc gia và khu vực. Giao tiếp, hợp tác, quản lí làm<br />
việc với thông tin và khả năng học tập suốt đời là các mục tiêu nhân văn cơ bản bên cạnh những<br />
mục tiêu GD truyền thống mà bất kì chương trình GD đào tạo nguồn nhân lực thế kỉ 21 nào cũng<br />
phải hướng tới.<br />
<br />
2.2. Đề xuất những năng lực cốt lõi đối với học sinh phổ thông Việt Nam<br />
sau 2015<br />
Năng lực cốt lõi (key competencies) là những năng lực cần thiết để cá nhân có thể tham gia<br />
hiệu quả trong nhiều loại hoạt động và các bối cảnh khác nhau của đời sống xã hội. Đó là những<br />
năng lực chung cần thiết cho mọi người. Trên cơ sở phân tích đặc điểm kinh tế - xã hội của thế kỉ<br />
21, chúng tôi xác định hệ thống 11 năng lực chung cần có ở HS phổ thông Việt Nam sau 2015 như<br />
sau [4, 5, 6, 9]:<br />
Năng lực đọc - viết<br />
HS phải có năng lực sử dụng cả ngôn ngữ đọc, viết và nói để thể hiện và diễn giải các khái<br />
niệm, suy nghĩ, cảm xúc, các sự kiện và quan điểm/ý kiến một cách tự tin, rõ ràng và súc tích. Bên<br />
cạnh đó, các em phải biết sử dụng ngôn ngữ có hiệu quả trong giao tiếp với người khác và tham<br />
gia vào đời sống xã hội. HS phải biết nghe, đọc, nhìn thấy, nói, viết và sáng tạo bằng lời, viết ra<br />
những bài học bằng thị giác hoặc số hóa, sử dụng, chỉnh sửa ngôn ngữ phù hợp với những mục<br />
đích và trong các ngữ cảnh khác nhau. Các em cần phải biết đặt câu hỏi, phân tích các tình huống,<br />
giải thích và minh họa kết quả. . .<br />
Năng lực tính toán<br />
HS phải có kiến thức và kĩ năng sử dụng toán học một cách tự tin thông qua toàn bộ các<br />
lĩnh vực học tập trong nhà trường và trong cuộc sống của chúng. HS thừa nhận và hiểu vai trò của<br />
toán học trong đời sống và có thái độ, cũng như năng lực sử dụng kiến thức và kĩ năng toán có<br />
mục đích. Các em cần phải biết áp dụng những khái niệm toán và khoa học vào việc giải những<br />
bài toán mới trong học tập và cuộc sống, biết áp dụng những quy tắc, định lí và phép tính vào cuộc<br />
sống hàng ngày. . . . .<br />
Năng lực tự học<br />
Đây được xem là ưu tiên chủ yếu, cốt lõi mà giáo dục cần phải hướng đến hình thành ở HS<br />
trong quá trình học ở trường – “học cách học” phải là một trong những mục đích hàng đầu của GD<br />
nhà trường. Đó là khả năng xác định được nhiệm vụ học tập của cá nhân một cách tự giác, chủ<br />
động; tự đặt được mục tiêu học tập và nỗ lực phấn đấu thực hiện; lập và thực hiện kế hoạch học<br />
tập nghiêm túc, nền nếp; thực hiện các phương pháp học tập hiệu quả; . . .<br />
Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông<br />
HS cần phải hiểu những tiềm năng to lớn cũng như những hạn chế của những công nghệ<br />
dựa vào máy vi tính. Tất cả HS cần phải có những kĩ năng cần thiết để đánh giá các kho thông tin<br />
<br />
6<br />
Yêu cầu của xã hội thế kỉ 21 và những năng lực cốt lõi cần có đối với học sinh phổ thông...<br />
<br />
<br />
mà khả năng máy tính ngày nay có thể xử lí được. HS phải có khả năng sử dụng thiết bị kĩ thuật<br />
số, máy tính, phần mềm. . . để tìm kiếm thông tin phù hợp, phục vụ có hiệu quả cho các lĩnh vực<br />
học tập ở nhà trường, và trong cuộc sống của các em ở ngoài trường học. Năng lực CNTT đòi hỏi<br />
HS phải biết quản lí thông tin, sử dụng thông tin một cách có phê phán và chọn lọc, khả năng đánh<br />
giá tài nguyên, độ tin cậy, chính xác và giá trị của thông tin mang lại và hạn chế những rủi ro đối<br />
với chính các em và những người khác trong môi trường số. . .<br />
Năng lực tư duy phản biện<br />
HS phát triển năng lực tư duy phản biện bởi vì các em học để phát triển và đánh giá kiến<br />
thức, làm rõ những khái niệm và ý tưởng, tìm kiếm các khả năng, quan tâm đến những phương<br />
pháp thay thế, giải quyết vấn đề và ra quyết định, phát triển lập luận và sử dụng các minh chứng<br />
chứng minh cho lập luận của mình. Tư duy phản biện đòi hỏi HS suy nghĩ rộng và sâu hơn khi sử<br />
dụng các kĩ năng, hành vi và thái độ như lập luận, logich, trí tưởng tượng và sáng tạo trong tất cả<br />
các lĩnh vực học tập ở trường học và trong cuộc sống của chúng ở ngoài nhà trường.<br />
Năng lực sáng tạo<br />
HS phải có khả năng đưa ra ý tưởng nào đó là mới đối với cá nhân, xử lí các tình huống<br />
hiện hành với một phương pháp mới, nhận biết những giải thích khác, thiết lập các mối liên hệ và<br />
tìm ra các cách thức mới nhằm vận dụng những ý tưởng để tạo ra được kết quả tích cực. Sáng tạo<br />
đòi hỏi những đặc điểm như tư duy linh hoạt, mềm dẻo, tâm hồn phóng khoáng, khả năng thích<br />
ứng và sẵn sàng thử nghiệm các phương pháp mới và tạo ra sản phẩm độc đáo, thích làm những<br />
việc đòi hỏi phải suy nghĩ, tìm tòi. . .<br />
Năng lực giải quyết vấn đề<br />
HS phải có khả năng phát hiện và nêu được các tình huống có vấn đề xảy ra trong học tập<br />
và cuộc sống; phân tích, tiên lượng được diễn biến có thể xảy ra khi giải quyết vấn đề theo những<br />
cách khác nhau và xử lí được các tình huống xảy ra trong cuộc sống, trong học tập. . . cũng như<br />
thấy trước được những khó khăn nảy sinh và tìm cách để vượt qua;<br />
Năng lực giao tiếp<br />
HS phải có khả năng lựa chọn mục đích, nội dung, cách thức và thái độ giao tiếp phù hợp<br />
với đối tượng và bối cảnh khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, HS phải biết giao tiếp<br />
với những người thuộc các nền văn hoá khác nhau thông qua hình thức và phương tiện giao tiếp<br />
đa dạng giúp cho việc mọi người hiểu lẫn nhau và dẫn tới các quan hệ xã hội thân thiện và tốt đẹp<br />
hơn. Các em phải biết lắng nghe/ phản hồi tích cực, thể hiện sự tôn trọng, thiện chí, cảm thông..<br />
với người khác trong giao tiếp. . .<br />
Năng lực hợp tác<br />
HS phải có khả năng làm việc hòa thuận với người khác để giải quyết các vấn đề nhằm<br />
mang lại lợi ích cho tất cả các bên và góp phần vào mục đích chung; nhận rõ và chấp nhận vai trò<br />
của cá nhân và tập thể, có tinh thần trách nhiệm, có mối quan hệ với cá nhân và nhóm khác nhau,<br />
nhận biết được sức mạnh của các thành viên trong nhóm và xây dựng được các mối quan hệ XH<br />
tích cực. . . .<br />
Năng lực làm chủ bản thân<br />
HS phải có khả năng tự nhận thức được bản thân như xác định điểm mạnh, điểm yếu, thời<br />
cơ và thách thức. . . hay xác định giá trị bản thân; phải làm chủ được bản thân bằng cách tự đặt<br />
mục tiêu, quản lí thời gian, hành vi và kế hoạch của cá nhân, dám nhận trách nhiệm về hành vi<br />
và việc thực hiện của mình; biết học từ những thành công và thất bại; nhận biết và điều tiết cảm<br />
xúc, xây dựng mối thiện cảm và hiểu người khác, thiết lập các mối quan hệ tích cực, đưa ra những<br />
<br />
7<br />
Nguyễn Thị Kim Dung<br />
<br />
<br />
quyết định có trách nhiệm, làm việc hiệu quả trong nhóm và giải quyết các xung đột mang tính xây<br />
dựng. HS phải biết tự đánh giá, tự điều chỉnh được hành động của bản thân trong học tập và cuộc<br />
sống hàng ngày, thích nghi với sự thay đổi. . .<br />
Năng lực công dân<br />
Năng lực công dân bao gồm năng lực cá nhân, liên nhân cách, liên văn hóa và gồm tất cả<br />
các dạng hành vi trang bị cho cá nhân tham gia theo cách có hiệu quả và mang tính xây dựng vào<br />
cuộc sống xã hội và công việc, đặc biệt trong xã hội ngày càng đa dạng và trong việc giải quyết<br />
mâu thuẫn khi cần. Năng lực công dân trang bị cho cá nhân tham gia đầy đủ vào cuộc sống công<br />
dân dựa trên những kiến thức về khái niệm và cấu trúc xã hội và chính trị, và cam kết tham gia<br />
tích cực và dân chủ. HS phải biết tôn trọng kỉ cương, tôn trọng sự cam kết vàhHành động có trách<br />
nhiệm và đạo đức. Các em phải tham gia tích cực các hoạt động xã hội – cộng đồng dựa trên một<br />
lợi ích hay văn hoá chung, đồng thời phải biết giữ gìn bản sắc văn hoa dân tộc, nhận thức và nhạy<br />
cảm với các vấn đề văn hóa xã hội. . .<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật và<br />
công nghệ là xu hướng đã và đang diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội ở mọi quốc gia, trong<br />
đó có Việt Nam. Điều này đòi hỏi người học phải có được những năng lực cần thiết đáp ứng những<br />
đòi hỏi về nguồn nhân lực thế kỉ 21. Đó là các năng lực về đọc – viết – tính toán, năng lực tự học,<br />
tư duy phản biện, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực<br />
công dân. Sự phân chia các năng lực có tính tương đối vì nhiều năng lực gối lên nhau hoặc đan<br />
xen vào nhau. Có những năng lực là nền tảng để hình thành năng lực khác. Như năng lực với các<br />
kĩ năng nền tảng về đọc, viết, tính toán và công nghệ thông tin, truyền thông là nền tảng cho việc<br />
học, tự học, giao tiếp. Còn năng lực giao tiếp lại là nền tảng cho năng lực hợp tác và giải quyết vấn<br />
đề. . .<br />
Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc<br />
gia (NAFOSTED ) trong đề tải: “Tiếp cận giá trị và kĩ năng sống trong xây dựng chương trình<br />
hoạt động giáo dục cho học sinh phổ thông trong đổi mới giáo dục sau 2015”. MS V12.1-2013.25.<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
<br />
[1] Nguyễn Thị Kim Dung, 2010. Nhà trường phổ thông hiện đại và yêu cầu đặt ra đối với người<br />
giáo viên tương lai. Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt, tháng 6 năm 2010, Tr. 20-22.<br />
[2] Nguyễn Thị Kim Dung, 2011. Xác định những yêu cầu sư phạm đối với sinh viên tốt nghiệp<br />
nhằm đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông hiện nay ở nước ta. Đề tài khoa học<br />
cấp bộ Giáo dục và Đào tạo, B2009-17-177.<br />
[3] Trần Khánh Đức, 2009. Xã hội hiện đại, kinh tế tri thức và nhà trường tương lai. Kỉ yếu Hội<br />
thảo: Phát triển nhà trường trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Hội đồng quốc<br />
gia Giáo dục, Hà Nội, Tr. 30-43.<br />
[4] Trần Khánh Đức, 2010. Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỉ XXI. Nxb Giáo<br />
dục Việt Nam, Hà Nội.<br />
[5] P.Griffin, B.McGraw, E.Care, 2013. Assessment and teaching of 21st century skills. Springer.<br />
[6] Phạm Minh Hạc (chủ biên), 2002. Giáo dục thế giới đi vào thế kỉ 21. Nxb Chính trị quốc gia,<br />
Hà Nội.<br />
<br />
8<br />
Yêu cầu của xã hội thế kỉ 21 và những năng lực cốt lõi cần có đối với học sinh phổ thông...<br />
<br />
<br />
[7] Đặng Hữu (chủ biên), 2001. Phát triển kinh tế tri thức - rút ngắn quá trình công nghiệp hóa<br />
– hiện đại hóa. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.<br />
[8] Raja Roy Singh. Nền giáo dục cho thế kỉ 21: những triển vọng của châu Á - Thái Bình Dương<br />
- UNESCO- Băng Cốc, 1991. Tài liệu dịch của Viện Khoa học Giáo dục, 1996.<br />
[9] J. Solland, L.S. Haminton & B.M. Stecher, 2013. Measuring 21st century competencies –<br />
Guidance for educators. A Global cities education Network, RAND Corporation.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
Social requirements in the 21st Century and key competencies<br />
for Vietnamese students after 2015<br />
<br />
This article refers to a problem is not new but which is very important at this time.In order<br />
to improve the quality of human resources which are key to theindustrialization and modernization<br />
of the country - core competences for Vietnamese students is to improve after 2015. The article<br />
provides an in-depth analysis of features of the 21st century economy and society and requirements<br />
for general education. There are 11 key, basic competencies are proposed that must become<br />
a part of basic general education. The competencies are: literacy and numeracy competency;<br />
self-learning and self-management, information and communication technology skills; creative<br />
and critical thinking; problem solving, communication and cooperation competency, and civic<br />
competency.<br />
Keywords: Social requirement, 21st Century, key competencies.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
9<br />