intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ảnh hưởng của các nhân tố trí tuệ xúc cảm và kỹ năng giải quyết vấn đề đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa: Trường hợp nghiên cứu sinh viên trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

4
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết nhằm kiểm định sự ảnh hưởng của các nhân tố trí tuệ xúc cảm lên quyết định của sinh viên. Bên cạnh bốn nhân tố xúc cảm bao gồm nhận biết xúc cảm, sử dụng xúc cảm, thấu hiểu xúc cảm và quản lý xúc cảm, nghiên cứu đã bổ sung một nhân tố mới là kỹ năng giải quyết vấn đề.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ảnh hưởng của các nhân tố trí tuệ xúc cảm và kỹ năng giải quyết vấn đề đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa: Trường hợp nghiên cứu sinh viên trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

  1. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế Trang chủ: http://tapchi.ftu.edu.vn ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NHÂN TỐ TRÍ TUỆ XÚC CẢM VÀ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ ĐẾN QUYẾT ĐỊNH THAM GIA HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA: TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Trần Dục Thức Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam Trương Đình Thái Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam Trần Anh Quang Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam Ngày nhận: 17/05/2022; Ngày hoàn thành biên tập: 19/09/2022; Ngày duyệt đăng: 26/09/2022 Tóm tắt: Bài viết nhằm kiểm định sự ảnh hưởng của các nhân tố trí tuệ xúc cảm lên quyết định của sinh viên. Bên cạnh bốn nhân tố xúc cảm bao gồm nhận biết xúc cảm, sử dụng xúc cảm, thấu hiểu xúc cảm và quản lý xúc cảm, nghiên cứu đã bổ sung một nhân tố mới là kỹ năng giải quyết vấn đề. Dữ liệu trong nghiên cứu được thu thập thông qua khảo sát trực tuyến 459 sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Các phương pháp phân tích nhân tố khám phá, phân tích nhân tố khẳng định và mô hình cấu trúc tuyến tính được sử dụng để phân tích dữ liệu và kiểm định sự phù hợp của mô hình với các giả thuyết nghiên cứu đề xuất. Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng kỹ năng giải quyết vấn đề có ảnh hưởng đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa của sinh viên. Kết quả này mở ra một hướng nghiên cứu về các nhân tố có tính ý thức cao. Từ khóa: Trí tuệ xúc cảm, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Quyết định, Hoạt động ngoại khóa THE IMPACT OF FACTORS OF EMOTIONAL INTELLIGENCE AND PROBLEM-SOLVING SKILLS ON THE DECISION TO PARTICIPATE IN EXTRACURRICULAR ACTIVITIES: A CASE STUDY ON STUDENTS OF HO CHI MINH UNIVERSITY OF BANKING Abstract: The paper aims to test the influence of emotional intelligence factors on students’ decision behavior. In addition to four emotional factors including emotion recognition, using emotions, understanding emotions, and emotion management, 1 Tác giả liên hệ, Email: thuctd@buh.edu.vn Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022) 81
  2. the study has added a new factor, namely problem-solving skills. The data were collected from 459 students of Ho Chi Minh University of Banking by surveying online. The exploratory factor analysis, confirmatory factor analysis, and structural equation modeling were employed to analyze the data and test the fit of the model with the proposed research hypotheses. The research results confirm that the problem-solving skills factor affects the decision of students to participate in extracurricular activities. This finding opens up a research direction regarding high consciousness factors. Keywords: Emotional Intelligence, Problem-Solving Skills, Decision Making, Extracurricular Activities 1. Giới thiệu Việc hiểu rõ hành vi ra quyết định của con người là cơ sở cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, hành vi ra quyết định của con người được xem xét dưới hai góc độ cảm tính và lý tính. Về cảm tính, trí tuệ xúc cảm (Emotional Quotient - EQ) đôi khi đóng vai trò rất quan trọng khi con người ra một quyết định nào đó. Về lý tính, rõ ràng sự hiểu biết và kinh nghiệm sống ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ và chất lượng ra quyết định, hay nói cách khác, kỹ năng giải quyết vấn đề có ảnh hưởng đến hành vi quyết định. Những năm gần đây, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều đơn vị đầu mối, tổ chức hơn 25 hoạt động ngoại khoá hàng năm cho sinh viên, đôi khi sinh viên gặp khó khăn trong việc lựa chọn tham gia hoạt động nào trong số này. Một số sinh viên sau một thời gian tham gia các hoạt động tại trường đã nhận ra quyết định tham gia hoạt động của mình đã đúng và một số khác lại thấy chưa phù hợp. Trong tổ chức, quyết định đôi khi là một hành vi có tính chất rất quan trọng mang ý nghĩa sống còn trong cạnh tranh, do vậy tính chính xác của việc ra quyết định luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Kết quả nghiên cứu giúp hiểu biết rõ hơn về các mặt của quá trình ra quyết định của sinh viên khi tham gia hoạt động ngoại khoá. Về thực tiễn, đây là cơ sở để phát triển các chương trình đào tạo phát triển năng lực xúc cảm và phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề cho sinh viên. Về mặt học thuật, nghiên cứu mở ra một hướng nghiên cứu đặc biệt về các nhân tố trí thông minh có tính chất lý tính ảnh hưởng hành vi con người. Tiếp theo, phần 2 trình bày giả thuyết và mô hình nghiên cứu. Phần 3 mô tả phương pháp nghiên cứu. Phần 4 trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu. Cuối cùng, phần 5 trình bày kết luận. 2. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu 2.1 Giả thuyết nghiên cứu Mối quan hệ giữa nhận biết xúc cảm và việc ra quyết định Nhận biết xúc cảm là khả năng nhận biết chính xác những xúc cảm của chính bản thân sinh viên và của người khác, khả năng bày tỏ xúc cảm của mình và phân biệt được những xúc cảm của người khác (Nguyễn, 2013). Mayer & Salovey (1997) 82 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022)
  3. cho rằng thông qua nhận biết xúc cảm, các cá nhân nhận biết các thông tin từ hệ thống xúc cảm dưới hai hình thức có lời và không lời. Quá trình thu nhận thông tin này giúp hình thành những thông tin xúc cảm sau này để giải quyết vấn đề. Từ nhận định trên, có thể thấy rằng việc nhận biết xúc cảm vô cùng quan trọng, bởi nó là điều kiện tiên quyết giúp ta nhận ra được những thông tin xúc cảm như thích thú, chán ghét để từ đó hiểu rõ bản thân đang mong muốn điều gì và đưa ra quyết định giải quyết vấn đề. Trên cơ sở đó, giả thuyết sau được đề xuất: H1: Nhận biết xúc cảm tác động cùng chiều đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa. Mối quan hệ giữa sử dụng xúc cảm và việc ra quyết định Sử dụng xúc cảm là khả năng sinh viên sử dụng xúc cảm của mình để hỗ trợ cho quá trình phân tích, tư duy, phán đoán và điều khiển, sử dụng những xúc cảm nhằm hướng đến sự nhận thức và giải quyết các vấn đề (Mayer & Salovey, 1997; Goleman, 1995). Lý thuyết phán xét xã hội (Social Judgment Theory) của Sherif & Hovland (1980) đã chỉ ra những đóng góp có ý nghĩa của tâm lý học tới lý thuyết hành vi quyết định. Lý thuyết này tập trung phân tích về cách thức của các cá nhân khi xử lý các tín hiệu trong việc ra các quyết định. Lý thuyết phán xét xã hội không tập trung tới các kết quả có thể xảy ra trong các quyết định. Từ đó, ta có thể thấy được rằng mỗi cá nhân thường phải sử dụng xúc cảm để phân tích, xử lý các thông tin liên quan các mặt của vấn đề để từ đó đưa ra quyết định cuối cùng. Trạng thái xúc cảm khác nhau sẽ đưa đến việc lựa chọn quyết định khác nhau trong cùng một tình huống. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người cần phải giải quyết rất nhiều công việc và vấn đề phát sinh, cần phải đưa ra quyết định cho mỗi việc đó. Trên cơ sở đó, giả thuyết sau được đề xuất: H2: Sử dụng xúc cảm ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khoá. Mối quan hệ giữa thấu hiểu xúc cảm và việc ra quyết định Thấu hiểu xúc cảm là khả năng thấu hiểu các xúc cảm, các trạng thái bên trong cũng như nguyên nhân và tiến trình phát triển của xúc cảm để từ đó rút ra những quy luật vận hành của các xúc cảm trong mình và của người khác (Schutte & cộng sự, 1998; Mayer & Salovey, 1997). Theo Đoàn (2016), chúng ta dễ dàng nhận ra sinh viên có năng lực thấu hiểu xúc cảm là người có khả năng hiểu được xúc cảm của mình cũng như của người khác, hiểu được quy luật vận hành của xúc cảm và đó là những bước trên việc thấu hiểu chính mình và người khác. Với năng lực này, sinh viên có khả năng phân tích được những mong muốn, nguyện vọng, khát khao, nhu cầu,… của bản thân. Từ đó, sinh viên có thể đưa ra quyết định với hiệu quả cao hơn những người có năng lực thấu hiểu xúc cảm thấp. Trên cơ sở đó, giả thuyết sau được đề xuất: H3: Thấu hiểu xúc cảm ảnh hưởng cùng chiều lên quyết định tham gia hoạt động ngoại khoá. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022) 83
  4. Mối quan hệ giữa quản lý xúc cảm và việc ra quyết định Quản lý xúc cảm là khả năng của sinh viên trong việc kiểm soát và tự điều chỉnh xúc cảm của cá nhân nhằm thúc đẩy, hỗ trợ đạt một mục tiêu công việc đề ra; khả năng điều khiển/tác động đến xúc cảm của người khác (Mayer & Salovey, 1997). Vũ & Phan (2015) nghiên cứu về tác động của trí tuệ xúc cảm ảnh hướng đến căng thẳng trong công việc của nhân viên kế toán tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng khả năng biết lắng nghe người khác và tập trung chú ý, chế ngự được những xung lực, cảm thấy có trách nhiệm về công việc của bản thân chính là những kỹ năng cần thiết để có được kết quả cao trong công việc. Trên cơ sở đó, giả thuyết sau được đề xuất: H4: Quản lý xúc cảm ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khoá. Mối quan hệ giữa kỹ năng giải quyết vấn đề và việc ra quyết định Theo Heppner & cộng sự (1982), kỹ năng giải quyết vấn đề của một cá nhân thể hiện sự khác biệt quan trọng giữa các cá nhân. Khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định một cách sáng tạo đã trở thành điều tối quan trọng đối với sinh viên đại học, vì những kỹ năng này giúp họ nhận biết và đánh giá các tình huống một cách kịp thời (Lindeman, 2000). Kỹ năng giải quyết vấn đề có hiệu quả còn có mối quan hệ với thói quen và thái độ học tập, tự tin hơn vào khả năng ra quyết định (Elliott & cộng sự, 1990). Sinh viên cần có kỹ năng giải quyết vấn đề để có thể ra quyết định một cách hiệu quả và chính xác nhằm đạt được các mục tiêu học tập của mình. Trên cơ sở đó, giả thuyết sau được đề xuất: H5: Kỹ năng giải quyết vấn đề ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định. 2.2 Mô hình nghiên cứu Dựa vào mô hình xúc cảm của Mayer & Salovey (1997), mô hình giải quyết vấn đề của Basadur & cộng sự (2013) cũng như tham khảo thêm các mô hình nghiên cứu trước, nhóm tác giả đề xuất mô hình năm thành phần như sau: Hình 1. Mô hình lý thuyết đề xuất Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả 84 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022)
  5. 3. Phương pháp nghiên cứu 3.1 Phương pháp thu thập dữ liệu Dữ liệu nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp khảo sát online từ 11/04/2022-24/04/2022 thông qua bảng hỏi cấu trúc và sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Đối tượng khảo sát là các sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình đề xuất gồm 32 biến quan sát, số mẫu khảo sát thu thập đưa vào phân tích là 459, đạt yêu cầu (Kline, 2011). Bảng 1 mô tả thang đo các biến nghiên cứu. Bảng 1. Thang đo chính thức sau khi loại các biến quan sát không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Ký hiệu Biến quan sát Nguồn Nhận biết xúc cảm (NBXC) NBXC3 Tôi dễ dàng nhận biết cảm xúc thật sự của mình một Schutte & cộng sự cách tức thời (vui vẻ/khó chịu/căng thẳng...). (1998); Nguyễn (2018); NBXC4 Tôi luôn nhận ra được ẩn ý đằng sau các cử chỉ và Mayer & cộng sự hành động của người khác đối với mình (họ đang (2004); MacCann & cảm thấy tin tưởng/thất vọng/phẫn nộ/sợ hãi...). Roberts (2008) NBXC5 Chỉ cần nhìn vào một người, tôi có thể biết được cảm giác của họ đang như thế nào. NBXC6 Tôi có thể nói ra mọi người đang cảm thấy thế nào bằng cách lắng nghe giọng điệu của họ. Sử dụng xúc cảm (SDXC) SDXC3 Tôi luôn tìm kiếm các công việc đem lại cho mình Schutte & cộng sự niềm vui và niềm hứng khởi. (1998); Nguyễn (2018); SDXC4 Tôi luôn kiểm soát được cảm xúc của mình trong Mayer & cộng sự mọi tình huống. (2004); MacCann & Roberts (2008) SDXC5 Tôi thúc đẩy/động viên bản thân bằng cách tưởng tượng một kết quả tốt đến nhiệm vụ tôi đang đảm nhận. SDXC6 Tôi luôn bình tĩnh (không hoang mang) khi đối mặt với những khó khăn/thử thách. Thấu hiểu xúc cảm (THXC) THXC1 Tôi biết khi nào nên chia sẻ về những vấn đề riêng tư Schutte & cộng sự của mình với người khác. (1998); Nguyễn (2018); THXC3 Khi cần thể hiện bản thân mình với một ai đó, tôi Mayer & cộng sự luôn biết cách tạo ấn tượng tốt đối với người đó. (2004); MacCann & Roberts (2008) THXC4 Tôi thường khen người khác khi họ làm tốt điều gì đó. THXC5 Khi một người kể với tôi về một biến cố quan trọng trong cuộc sống của họ, tôi gần như cảm thấy như thể chính tôi đã trải qua tình huống đó. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022) 85
  6. Bảng 1. Thang đo chính thức sau khi loại các biến quan sát không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (tiếp theo) Ký hiệu Biến quan sát Nguồn Quản lý xúc cảm (QLXC) QLXC1 Khi tâm trạng của tôi thay đổi (từ buồn sang vui...), Schutte & cộng sự tôi thấy mình có nhiều nhiệt huyết với công việc. (1998); Nguyễn (2018); QLXC2 Cảm xúc là một trong những điều khiến cuộc sống Mayer & cộng sự của tôi có ý nghĩa. (2004); MacCann & Roberts (2008) QLXC3 Khi tôi đang ở trong một tâm trạng tích cực, giải quyết vấn đề là dễ dàng đối với tôi. QLXC4 Khi tôi có tâm trạng tích cực (vui vẻ/hứng khởi...), tôi có thể đưa ra những ý tưởng mới. Khả năng giải quyết vấn đề (KNGV) GQVĐ1 Khi phải giải quyết các vấn đề khó khăn, tôi cảm Colley & cộng sự thấy mình xử lý tình huống nhanh hơn. (2012); Rodzalan & GQVĐ2 Khi phải giải quyết các vấn đề khó khăn, tôi cảm Saat (2015); Haller & thấy mình luôn tin tưởng và đưa ra các quyết định cộng sự (2007); Shakir nhanh hơn. (2009) GQVĐ4 Tôi cảm thấy mình luôn ghi nhớ tốt các thông tin khi đọc qua. Biến phụ thuộc: Quyết định (QĐ) QĐ2 Tôi quyết định vì có người tạo ảnh hưởng. Fishbein & Ajzen QĐ3 Tôi quyết định vì đã có dự định tham gia từ trước. (1975); Stevenson & cộng sự (1990) QĐ4 Tôi quyết định vì tôi có thêm được điểm cộng rèn luyện trong quá trình tham gia. QĐ5 Tôi quyết định vì tôi thấy được lợi ích trong dài hạn của viêc tham gia. QĐ6 Tôi sẵn sàng trả tiền để theo học hoặc tham gia các lớp ngoại khóa. Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả 3.2 Phương pháp phân tích dữ liệu Phần mềm thống kê SPSS và AMOS được sử dụng để phân tích dữ liệu nghiên cứu. Hệ số Cronbach’s Alpha được sử dụng để phân tích độ tin cậy giữa các biến quan sát trong từng thang đo lường cho các khái niệm nghiên cứu (theo tiêu chuẩn α ≥ 0,7). Bài viết sử dụng các phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tổ khẳng định (CFA), mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Phân tích EFA được sử dụng để kiểm tra giá trị hội tụ và giá trị phân biệt các khái niệm; phân tích CFA để kiểm tra độ tin cậy tổng quát và sự phù hợp giữa các biến quan sát với cấu trúc lý thuyết. Mô hình hai bước là mô hình đo lường CFA và SEM được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của mô hình với các giả thuyết nghiên cứu. Tiêu chuẩn áp dụng trong CFA và SEM: ước lượng bằng phương pháp hàm hợp 86 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022)
  7. lý cực đại (maximum likelihood), độ phù hợp tổng quát đo lường bằng các chỉ số với tiêu chuẩn: Chi-Square/df, GFI > 0,9; CFI > 0,9; TLI > 0,9 và RMSEA < 0,08 (Byrne, 2010; Kline, 2011). Mô hình đo lường được đánh giá theo Hair & cộng sự (2017), Henseler & cộng sự (2009) và Fornell & Larcker (1981) bằng phân tích độ tin cậy tổng hợp (CR), phương sai trích trung bình (AVE), giá trị hội tụ (CV) và giá trị phân biệt (DV). 4. Kết quả nghiên cứu 4.1 Kiểm định độ tin cậy thang đo Bảng 2 trình bày kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha. Kết quả phân tích độ tin cậy thang đo đề xuất loại biến NBXC1, NBXC2, SDXC1, SDXC2, THXC2, KNGV3, KNGV5 và QD1 do không đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật trong quá trình phân tích. Bảng 2. Tổng hợp kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo Thang đo - Biến ban đầu Biến giữ lại Cronbach’s Alpha Mã hóa NBXC NBXC1, NBXC2, NBXC3, NBXC3, NBXC4, 0,812 NBXC4, NBXC5, NBXC6 NBXC5, NBXC6 SDXC SDXC1, SDXC2, SDXC3, SDXC3, SDXC4, 0,812 SDXC4, SDXC5, SDXC6 SDXC5, SDXC6 THXC THXC1, THXC2, THXC3, THXC1, THXC3, 0,839 THXC4, THXC5 THXC4, THXC5 QLXC QLXC1, QLXC2, QLXC3, QLXC1, QLXC2, 0,832 QLXC4 QLXC3, QLXC4 KNGV KNGV1, KNGV2, KNGV3, KNGV1, KNGV2, 0,871 KNGV4, KNGV5 KNGV4 QD QD1, QD2, QD3, QD4, QD2, QD3, QD4, 0,810 QD5, QD6 QD5, QD6 Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả 4.2 Phân tích nhân tố khám phá Phân tích được thực hiện theo hai bước. Bước một, phân tích từng nhân tố độc lập nhằm xác định các nội dung cần xem xét ở bước kiểm định độ tin cậy thang đo. Bước hai, phương pháp xoay xiên góc được sử dụng nhằm kiểm tra giá trị hội tụ và phân biệt của tất cả các biến trong mô hình. Kết quả EFA toàn bộ các biến cho thấy các khái niệm trong mô hình nghiên cứu đề xuất đều đạt giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Các biến quan sát bị loại do không đáp ứng tiêu chuẩn giá trị hội tụ và giá trị phân biệt có sự tương đồng với kết quả phân tích độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha. Các biến quan sát còn lại trong mô hình đề xuất đều có trọng số nhân tố > 0,5. Kết quả EFA cho thấy các khái niệm đạt yêu cầu. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022) 87
  8. 4.3 Phân tích nhân tố khẳng định Theo Hình 2, kết quả phân tích CFA cho thấy mô hình tới hạn phù hợp, các chỉ số đo lường độ phù hợp tổng quát như: Chi-Square/df = 2,650 (< 0,3); GFI = 0,889 mặc dù nhỏ hơn tiêu chuẩn (> 0,9) nhưng vẫn trong giới hạn được chấp nhận; CFI = 0,929 (> 0,9); TLI = 0,917 (> 0,9); RMSEA = 0,006 (< 0,08) đáp ứng yêu cầu. Hình 2. Mô hình CFA tới hạn Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả Bảng 3 trình bày kết hợp kết quả kiểm định độ tin cậy các thang đo, phương sai trích theo Cronbach’s Alpha, FFA và CFA. Kết quả cho thấy các tham số tương ứng của các phương pháp phân tích đều đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật. Bảng 3. Giá trị và độ tin cậy của các cấu trúc Cronbach’s Phương sai trích Độ tin cậy tổng hợp Phương sai trích Nhân tố Alpha (EFA) (%) (CR) (AVE) (%) NBXC 0,812 64,86 0,819 53,95 SDXC 0,812 64,91 0,813 53,55 THXC 0,839 67,65 0,841 57,20 QLXC 0,832 66,64 0,832 57,75 KNGV 0,871 79,50 0,875 69,82 QD 0,810 57,32 0,798 55,52 Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả 88 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022)
  9. Bảng 4 trình bày kết quả kiểm định giá trị phân biệt. Theo tiêu chuẩn của Fornell- Larcker (1981), căn bậc hai của AVE lớn hơn giá trị tương quan trong các hàng và cột, do đó, các khái niệm nghiên cứu trong mô hình lý thuyết đáp ứng yêu cầu về giá trị phân biệt. Độ tin cậy thang đo theo Cronbach’s Alpha và theo cách tiếp cận CFA tương đối tương đồng; phương sai trích theo CFA (AVE) nhỏ hơn so với phương sai trích bằng EFA; tuy nhiên, đều đạt trên 50%. Bảng 4. Kiểm định giá trị phân biệt Cấu trúc NBXC SDXC THXC QLXC KNGV QD NBXC 0,735 SDXC 0,373 0,732 THXC 0,437 0,450 0,756 QLXC -0,027 0,200 0,031 0,747 KNGV 0,373 0,313 0,359 -0,090 0,836 QD 0,274 0,279 0,279 0,131 0,229 0,745 Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả Từ các kết quả đã trình bày, mô hình phân tích CFA đáp ứng yêu cầu về độ phù hợp tổng quát, các thang đo có độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích phù hợp; có thể kết luận các khái niệm trong mô hình nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Kết quả phân tích CFA cho thấy mô hình lý thuyết đề xuất phù hợp với dữ liệu nghiên cứu. Kết quả này tiếp tục được sử dụng để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu bằng mô hình SEM. 4.4 Kiểm định giả thuyết bằng mô hình cấu trúc tuyến tính Hình 3 trình bày kết quả phân tích SEM. Các chỉ số đo lường độ phù hợp tổng quát của mô hình đều đạt yêu cầu về kỹ thuật: GFI = 0,889, mặc dù nhỏ hơn tiêu chuẩn đề xuất (> 0,9) nhưng vẫn trong ngưỡng chấp nhận; CFI = 0,929; TLI = 0,917; RMSEA = 0,060; như vậy mô hình có độ phù hợp tổng quát đạt yêu cầu. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022) 89
  10. Hình 3. Kết quả phân tích mô hình SEM Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả Bảng 5 trình bày kết quả phân tích với ý nghĩa của các tham số: SE (standard error) là sai số chuẩn của trọng số hồi quy; CR (critical ratio) là tiêu chuẩn để kiểm định ý nghĩa thống kê của các trọng số hồi quy; P (probability) là xác suất tương ứng của tiêu chuẩn kiểm định các trọng số hồi quy. Với mức ý nghĩa kiểm định 5%, 10% (α =0,05; 0,1) được sử dụng để đưa ra quyết định các tham số có ý nghĩa trong mô hình hay không. Bảng 5. Trọng số hồi quy của các mối quan hệ lý thuyết Mối quan hệ giả thuyết Trọng số hồi quy S.E C.R P H1 Nhận biết xúc cảm  Quyết định 0,084 0,036 2,309 0,021 (0,140) H2 Sử dụng xúc cảm  Quyết định 0,066 0,036 1,812 0,070 (0,113) H3 Thấu hiểu xúc cảm  Quyết định 0,085 0,042 2,015 0,044 (0,125) H4 Quản lý xúc cảm  Quyết định 0,064 0,028 2,265 0,023 (0,118) H5 Kỹ năng giải quyết  Quyết định 0,069 0,036 1,941 0,052 vấn đề (0,107) Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả 90 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022)
  11. Từ kết quả ước lượng trình bày ở Bảng 5, có thể kết luận: Nhận biết xúc cảm (NBXC) ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định (QD) tham gia hoạt động ngoại khóa, giả thuyết được chấp nhận với mức ý nghĩa 5%. Trọng số hồi quy chuẩn hóa (0,140) hàm ý khi Nhận biết xúc cảm tăng (giảm) một điểm đánh giá bình quân làm quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa tăng (giảm) 0,140 độ lệch chuẩn. Sử dụng xúc cảm (SDXC) ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa, giả thuyết được chấp nhận với mức ý nghĩa 10%. Trọng số hồi quy chuẩn hóa (0,113) hàm ý khi Sử dụng xúc cảm tăng (giảm) một điểm đánh giá bình quân làm quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa tăng (giảm) 0,113 độ lệch chuẩn. Thấu hiểu xúc cảm (THXC) và Quản lý xúc cảm (QLXC) ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa, các giả thuyết được chấp nhận với mức ý nghĩa 5%. Trọng số hồi quy chuẩn hóa (0,125 và 0,118) hàm ý khi Thấu hiểu xúc cảm và Quản lý xúc cảm tăng (giảm) một điểm đánh giá bình quân làm quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa tăng (giảm) 0,125 và 118 độ lệch chuẩn tương ứng. Kỹ năng giải quyết vấn đề (KNGV) ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa, giả thuyết được chấp nhận với mức ý nghĩa 10%. Trọng số hồi quy chuẩn hóa (0,107) hàm ý Kỹ năng giải quyết vấn đề tăng (giảm) một điểm đánh giá bình quân làm quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa tăng (giảm) 0,107 độ lệch chuẩn. 4.5 Thảo luận kết quả nghiên cứu Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố độc lập thuộc nhóm trí tuệ xúc cảm và nhân tố kỹ năng giải quyết vấn đề trong mô hình nghiên cứu đều có mối quan hệ với biến phụ thuộc, cường độ tác động tương đối đồng đều. Trí tuệ xúc cảm bao hàm các nhân tố: nhận biết xúc cảm, sử dụng xúc cảm, thấu hiểu xúc cảm và quản lý xúc cảm ảnh hưởng đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa của sinh viên. Nhận biết xúc cảm là khả năng nhận biết, đánh giá được xúc cảm của bản thân, là một năng lực mà hầu hết mỗi con người đều có và phát triển trong quá trình trải nghiệm (Goleman, 2009). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Wong & Law (2002), Nguyễn (2017). Sử dụng xúc cảm liên quan đến định hướng hành động, đóng vai trò là động lực thúc đẩy hoặc kìm hãm hành động của cá nhân. Sử dụng xúc cảm để điều khiển hành vi là một trong những thành tố quan trọng của trí tuệ xúc cảm. Trong bối cảnh của trường đại học, sinh viên sử dụng xúc cảm để hỗ trợ cho tư duy và hành động khi quyết định tham gia vào hoạt động ngoại khóa. Trên góc độ cá nhân, thấu hiểu xúc cảm được hiểu là nhận biết và đánh giá xúc cảm của người khác; quá trình đánh giá và thể hiện xúc cảm đều liên Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022) 91
  12. quan đến sự thấu cảm. Kết quả nghiên cứu liên quan đến nhân tố này tương đồng với nghiên cứu của Goleman & Boyatzis (2008), Wong & Law (2002), Nguyễn (2017). Sinh viên có khả năng thấu hiểu được xúc cảm của người khác, từ đó sẽ lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, tạo ra sự thiện cảm, tin tưởng với người khác. Đây chính là nhân tố dẫn đến việc quyết định tham gia các hoạt động ngoại khóa. Quản lý xúc cảm đề cập kinh nghiệm xúc cảm cá nhân. Các cá nhân có khả năng quản lý được xúc cảm của bản thân thường có thái độ làm việc nghiêm túc, có xu hướng sống hòa đồng, từ đó dễ đạt được thành công trong công việc và cuộc sống. Kỹ năng giải quyết vấn đề là một phẩm chất quan trọng khác mà sinh viên phải đạt được vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác định vấn đề, thu thập thông tin liên quan đến vấn đề, xác định bất kỳ trở ngại nào có thể ngăn cản việc đưa ra phương án giải quyết vấn đề và động lực hướng tới hành vi giải quyết vấn đề, đưa ra các quyết định hợp lý. Những người có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt có thể thành công hơn trong việc tìm ra các giải pháp tốt nhất có thể và biết cách ứng xử trong các tình huống có vấn đề. Trong nghiên cứu này, kỹ năng giải quyết vấn đề tác động cùng chiều đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa của sinh viên. Kết quả này tương đồng một phần với nghiên cứu của Baumberger-Henry (2005), cho thấy có mối quan hệ giữa kỹ năng giải quyết vấn đề và việc ra quyết định. 5. Kết luận Từ cơ sở tổng quan về lý thuyết, bài viết đã đề xuất mô hình thể hiện các nhân tố thuộc trí tuệ xúc cảm và kỹ năng giải quyết vấn đề ảnh hưởng đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa của sinh viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Dữ liệu khảo sát trực tuyến từ 459 sinh viên đang học tập tại trường, bài viết sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố: nhận biết xúc cảm, sử dụng xúc cảm, thấu hiểu xúc cảm, quản lý xúc cảm và kỹ năng giải quyết vấn đề ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa của sinh viên. Đây là cơ sở thực nghiệm để nhà trường nhận thấy được vai trò của trí tuệ xúc cảm liên quan đến các hoạt động ngoại khóa của sinh viên; từ đó, các đơn vị có trách nhiệm xây dựng các khóa học giúp sinh viên nhận biết, trau dồi và nâng cao trí tuệ xúc cảm, hoàn thiện kỹ năng giải quyết vấn đề. Đối với sinh viên, trí tuệ xúc cảm cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề là những nhân tố đóng vai trò quan trọng đối với quyết định tham gia các hoạt động ngoại khóa để nâng cao trải nghiệm tích cực trong quá trình học, đồng thời là cơ sở để đạt được sự thành công trong công việc và cuộc sống. Đối với các nghiên cứu tiếp theo, nhóm tác giả đề xuất mở rộng các trường trong mẫu nghiên cứu để tăng tính tổng quát, sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên để tăng tính đại diện. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung vào mô hình nghiên cứu các nhân tố thuộc trí thông minh các nhân tố trung gian để xem xét sự phối hợp tác động giữa trí tuệ thông minh và trí tuệ xúc cảm. 92 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022)
  13. Lời cảm ơn Bài viết sử dụng thông tin và số liệu từ đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Các yếu tố tác động đến quyết định tham gia hoạt động ngoại khóa của sinh viên” do TS. Trần Dục Thức chủ nhiệm. Quyết định giao đề tài số: 138/QD/DHNH ngày 17/01/2022 của Trường Đại Học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Tài liệu tham khảo Basadur, M.S., Basadur, T.M. & Licina, G. (2013), “Simplexity thinking”, Encyclopedia of Creativity, Invention, Innovation, and Entrepreneurship, Springer. Baumberger-Henry, M. (2005), “Cooperative learning and case study: does the combination improve students’ perception of problem-solving and decision making skills?”, Nurse Education Today, Vol. 25 No. 3, pp. 238-246. Byrne, B.M. (2010), Structural Equation Modeling With AMOS - Basic Concepts, Applications, and Programming, Second Edition, Routledge, Taylor & Francis Group. Colley, B.M., Bilics, A.R. & Lerch, C.M. (2012), “Reflection: a key component to thinking critically”, The Canadian Journal for the Scholarship of Teaching and Learning, Vol. 3 No. 1, pp. 1-19. Đoàn, X.H. (2016), Nghiên cứu về năng lực xúc cảm ở quản lý cấp trung tạp PGD Ngân hàng Thương Mại, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Elliott, T.R., Godshall, F., Shrout, J.R. & Witty, T.E. (1990), “Problem-solving appraisal, self-reported study habits, and performance of academically at-risk college students”, Journal of Counseling Psychology, Vol. 37 No. 2, pp. 203-207. Fishbein, M. & Ajzen, I. (1975), Belief, Attitude, Intention, and Behavior: An Introduction to Theory and Research, Reading, MA: Addison-Wesley. Fornell, C. & Larcker, D.F. (1981), “Evaluating structural equation models with unobservable variables and measurement error”, Journal of Marketing Research, Vol. 18 No. 1, pp. 39-50. Goleman, D. & Boyatziz, R. (2008), “Social intelligence and the biology of leadership”, Harvard Business Review, pp. 2-8. Goleman, D. (1995), Emotional Intelligence, New York: Bantam Books. Goleman, D. (2009), Emotional Intelligence: Why It Can Matter More than IQ, A&C Black. Hair, J.F., Hult, G.T.M., Ringle, C.M. & Sarstedt, M. (2017), A Primer on Partial Least Squares Structural Equation Modeling (PLS-SEM), Thousand Oaks: Sage. Haller, C., Fisher, R. & Gapp, R. (2007), “Reflection as a means of understanding: ways in which confucian heritage students learn and understand organisational behaviour”, Multicultural Education & Technology Journal, Vol. 1 No. 1, pp. 6-24. Henseler, J., Ringle, C.M. & Sinkovics, R.R. (2009), “The use of partial least squares path modeling in international”, Advances in International Marketing, Vol. 20, pp. 277-319. Heppner, P.P., Hibel, J., Neal, G.W., Weinstein, C.L. & Rabinowitz, F.E. (1982), “Personal problem solving: a descriptive study of individual differences”, Journal of Counseling Psychology, Vol. 29 No. 6, pp. 580-590. Kline, R.B. (2011), Principles and Practice of Structural Equation Modeling, Third Edition, The Guilford Press, New York - London. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022) 93
  14. Lindeman, C. (2000, “The future of nursing education”, Journal of Nursing Education, Vol. 39 No. 1, pp. 5-12. MacCann, C. & Roberts, R. (2008), “New paradigms for assessing emotional intelligence: theory and data”, Emotion, Vol. 8, pp. 540-551. Mayer, D. & Salovey, P. (1997), “What is emotional intelligence? Emotional development and emotional intelligence”, in Salovey, P. & Sluyter, D.J. (Eds.), Emotional Development and Emotional Intelligence: Educational Implications, NewYork: Basic Books, pp. 3-34. Mayer, J.D., Salovey, P. & Caruso, D.R. (2004), “Emotional intelligence: theory, findings, and implications”, Psychological Inquiry, Vol. 60, pp. 197-215. Nguyễn, N.Q.D. (2013), Trí tuệ xúc cảm của các giám đốc doanh nghiệp tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ Tâm lý học, Học viện Khoa học Xã hội. Nguyễn, T.H. (2009), “Nghiên cứu ảnh hưởng của trí tuệ cảm xúc đến việc hình thành kĩ năng làm công tác chủ nhiệm lớp của sinh viên”, Tạp chí Tâm lý học, Số 7 (214), tr. 53-58. Nguyễn, T.T.H. (2018), “Ứng dụng mô hình trí tuệ xúc cảm của John Mayer và Peter Salovey để xác định các yếu tố trí tuệ xúc cảm trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non”, Tạp chí Giáo dục, Số 440, tr. 21-25. Schutte, N.S., Malouff, J.M., Hall, L.E., Haggerty, D.J., Cooper, J.T., Golden, C.J. & Dornheim, L. (1998), “Development and validation of a measure of emotional intelligence”, Personality and Individual Differences, Vol. 25, pp. 167-177. Shakir, R. (2009), “Soft skills at the malaysian institutes of higher learning”, Asia Pacific Education Review, Vol. 10, pp. 309-315. Rodzalan, S.A. & Saat, M.M. (2015), “The perception of critical thinking and problem solving skill among Malaysian undergraduate students”, Procedia - Social and Behavioral Sciences, Vol. 172, pp. 725-732. Sherif, M. & Hovland, C.I. (1980), Social Judgment: Assimilation and Contrast Effects in Communication and Attitude Change, Westport: Greenwood. Stevenson, M.K., Busemeyer, J.R. & Naylor, J.C. (1990), “Judgment and decision-making theory”, in Dunnette, M.D. & Hough, L.M. (Eds.), Handbook of Industrial and Organizational Psychology, Consulting Psychologists Press, pp. 283-374. Vũ, V.H. & Phan, T.C.L. (2015), “Tác động của trí tuệ xúc cảm đến căng thẳng trong công việc của nhân viên kế toán tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP.HCM, Số 11, tr. 187-198. Wong, C.S. & Law, K. (2002), “The effects of leader and follower emotional intelligence on performance and attitude”, The Leadership Quarterly, Vol. 13 No. 3, pp. 243-274. 94 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 150 (10/2022)
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2