Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp điển hình
lượt xem 2
download
Nghiên cứu "Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp điển hình" chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất đối với việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn đến từ các chi phí vận hành và nhận thức của khách hàng. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp điển hình
- ÁP DỤNG MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NGÀNH KHÁCH SẠN TẠI VIỆT NAM: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH ThS. Nguyễn Thảo Anh, ThS. Nguyễn Thu Trang Trường Đại học Hà Nội Email: anhntfmt@hanu.edu.vn Tóm tắt: Nền kinh tế tuần hoàn đang nổi lên như một mô hình kinh tế xanh của tương lai nhưng chưa được áp dụng triệt để và nghiên cứu kỹ lưỡng trong lĩnh vực khách sạn. Ngành khách sạn là một trong những ngành mang lại lợi ích kinh tế lớn nhưng cũng có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua phỏng vấn bán cấu trúc, nghiên cứu này khám phá nhận thức của các nhà vận hành khách sạn, các yếu tố tác động, cơ hội tạo ra giá trị và rào cản của việc ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn. Ý kiến phản hồi từ ba chuyên gia tới từ ba khách sạn điển hình thuộc ba tập đoàn khách sạn lớn cho thấy mức độ hiểu biết của họ về nền kinh tế tuần hoàn mới chỉ dừng lại ở khái niệm. Tuy nhiên trong chính sách của địa phương, tập đoàn và khách sạn đã có những hành động và sáng kiến cụ thể nhằm thay đổi chuỗi cung ứng, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng đã có ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất đối với việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn đến từ các chi phí vận hành và nhận thức của khách hàng. Từ khóa: Nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, ngành khách sạn, chuỗi cung ứng, tái chế APPLYING CIRCULAR ECONOMY IN HOSPITALITY INDUSTRY IN VIETNAM: A MULTICASE APPROACH Abstract:The circular economy is emerging as a green economic model of the future but has not been thoroughly applied and studied in the hospitality sector. Hospitality is one of the industries that creates great economic benefits but also has many negative impacts on the environment and society. Using qualitative research methods and primary data collection through semi-structured interviews, this study explores hotel operators' perceptions, influencing factors, opportunities for value creation and barriers to the application of circular economy in the hospitality industry. Feedback from three experts from three typical hotels belonging to three major hotel groups shows that their understanding of the circular economy is only conceptual. However, local authorities, corporations and hotels have taken specific actions and initiatives to change the supply chain, which is incomplete but has shown some signals of applying circular economy. Research also shows that the biggest barrier to implementing circular economy in the hospitality industry comes from operating costs and customer perception. Keywords: Circular economy, sustainability, hospitality, supply chain, recycling 251
- 1. Giới thiệu Trong suốt những thập kỷ qua, sự phổ biến của chủ nghĩa tư bản với tư cách là hệ thống kinh tế thống trị và được chấp nhận rộng rãi đã tạo ra các nền kinh tế thị trường trên khắp thế giới (Ferrell & Fraedrich, 2021). Những nền kinh tế này tập trung chủ yếu vào việc tạo ra các giá trị kinh tế nhằm gia tăng của cải vật chất, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ không có điểm dừng của con người. Milton Friedman - nhà kinh tế học nổi tiếng với quan điểm về thị trường tự do, cho rằng mục đích tối thượng của một doanh nghiệp là tối đa hoá lợi nhuận. Miễn là không làm gì trái pháp luật, doanh nghiệp không cần quan tâm tới những tác động của nó lên môi trường và xã hội (Friedman, 2007). Tuy nhiên, quan điểm này dường như đang ngày càng trở nên lỗi thời khi mà thế kỷ 21 chứng kiến những hậu quả của việc tiêu dùng quá mức lên môi trường và hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, thậm chí là sự tồn vong của loài người. Ngày nay, người ta nhắc nhiều hơn tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, và khái niệm nền kinh tế tuần hoàn ra đời. Trước đây, hoạt động kinh tế truyền thống thường được miêu tả bằng một mô hình tuyến tính, vận hành như một dòng chảy trong đó tài nguyên và các nguồn lực được lấy từ trái đất, sau đó đưa vào quá trình sản xuất để tạo ra thành phẩm. Thành phẩm sau khi đến tay người tiêu dùng sẽ được sử dụng, sau đó bị vứt bỏ và trở thành rác thải. Với mô hình này, các doanh nghiệp được coi là thành công khi cung cấp được càng nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng với mức giá ngày càng rẻ tới tay người tiêu dùng và cố gắng bán được nhiều nhất có thể. Tuy nhà sản xuất và người tiêu dùng hưởng lợi nhưng phúc lợi này dựa trên sự lãng phí tài nguyên và phá huỷ môi trường (Rodríguez & cộng sự, 2020). Đối trọng với mô hình kinh tế truyền thống là mô hình nền kinh tế tuần hoàn - một sáng kiến không những tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp giải quyết các vấn đề về môi trường như giảm khai thác tài nguyên và giảm lượng chất thải gây ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn đặc biệt chú trọng việc tái sử dụng các tài nguyên/sản phẩm đã được sử dụng, biến rác thải của hoạt động kinh doanh này thành đầu vào của một hoạt động kinh doanh khác hay tuần hoàn trong chính hệ thống một doanh nghiệp, dựa trên nguyên lý “mọi thứ đều có thể trở thành đầu vào để tạo nên một thứ khác” (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, 2023). Tại Việt Nam, dịch vụ khách sạn đóng góp không nhỏ vào việc tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế địa phương. Theo Cổng thông tin Bộ Tài chính (2020), ngay trước dịch Covid, trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch đóng góp tới 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra hàng triệu việc làm và thu nhập cho người dân. Hiện tại, ở một số vùng trên cả nước, dịch vụ khách sạn chủ yếu sử dụng lao động địa phương đồng thời tạo ra một số ngành phụ trợ đi kèm, giúp hiện đại hoá nông thôn hoặc chống lại sự suy giảm lao động trong khu vực công nghiệp. Ở một góc độ khác, tác động của dịch vụ khách sạn lên môi trường và hệ sinh thái lại kém tích cực hơn nhiều, dựa trên hiện thực đây là ngành sử dụng rất nhiều tài nguyên địa phương, như đất đai, nguồn nước, năng lượng và thực phẩm, đồng thời tạo ra rác thải, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn và không khí.Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (2017), riêng ngành khách sạn thải ra 1% lượng khí thải, cũng như tiêu thụ 5% lượng nước sử dụng trên toàn cầu. Những con số này bắt buộc các nhà quản lý khách sạn phải xem xét một 252
- cách nghiêm túc các quy trình trong hoạt động kinh doanh của họ, sao cho cắt giảm tối đa mức tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải ra môi trường. Wood (2017) gợi ý các khách sạn cần tập trung vào việc tăng hiệu suất cũng như cắt giảm các chi phí liên quan đến khâu quản lý chất thải, tân trang và bảo trì cơ sở vật chất, chi phí đầu vào, chi phí vận hành và sản xuất. Điều này không chỉ giúp tối đa hoá lợi nhuận, làm hài lòng các cổ đông mà còn thân thiện với môi trường, duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn. Thách thức trên dẫn tới khả năng sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như một giải pháp giúp tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn lực và tạo ra sự phát triển bền vững trong ngành dịch vụ khách sạn. Trên thực tế, kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam từ cách đây 20 năm thông qua mô hình VAT (Vườn - Ao - Chuồng) và trong lĩnh vực công nghiệp thông qua việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, 2023). Việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn trong những ngành này ngày càng được ghi chép kỹ lưỡng. Riêng đối với lĩnh vực khách sạn, kinh tế tuần hoàn dường như vẫn là một khái niệm hết sức mới mẻ, và việc áp dụng mô hình này mới chỉ dừng ở mức độ sơ khai. Theo đó, những nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong ngành này vẫn còn rất hạn chế, hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc định nghĩa kinh tế tuần hoàn và mô tả thực trạng áp dụng mô hình này tại các khách sạn ở giai đoạn đầu (Sorin & Sivarajah, 2021). Việc thiếu những nghiên cứu thực tiễn và học thuật về việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn đã tạo ra khoảng trống trong lĩnh vực này mà bài nghiên cứu muốn lấp đầy. Bên cạnh đóng góp về mặt học thuật, bài nghiên cứu còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc đưa ra những gợi ý giúp những nhà điều hành khách sạn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách có hiệu quả, đem lại lợi ích cho khách sạn nói riêng và toàn thể xã hội nói chung. Bài nghiên cứu nhằm mục đích trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau: Các nhà quản lý khách sạn nhận thức như thế nào về nền kinh tế tuần hoàn? Việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn mang lại cơ hội tạo ra giá trị gì cho các khách ? Đâu là các yếu tố tác động và rào cản với việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn? Mục đích cuối cùng của bài nghiên cứu là cung cấp một góc nhìn về thực trạng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn tại Việt Nam, đồng thời đóng góp vào kho tàng nghiên cứu học thuật trong lĩnh vực này. 2. Tổng quan nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết 2.1.1. Nền kinh tế tuần hoàn Khái niệm kinh tế tuần hoàn lần đầu được giới thiệu vào cuối những năm 1990 bởi hai nhà kinh tế học môi trường Pearce & Turner. Trước đó, những học giả như Boulding (1966) hay Stahel & Reday (1977) đã mô tả một mô hình nền kinh tế giống như một vòng khép kín giúp kéo dài khả năng, thời gian sử dụng và độ bền của các tài nguyên. Theo thời gian, khái niệm kinh tế tuần hoàn ngày càng nhận được sự chú ý từ các học giả, được thảo luận rộng rãi, được phát triển mở rộng và ngày càng trở nên đa chiều hơn với việc sử dụng những thuật ngữ và cách tiếp cận khác nhau. Robert (1991) nhận ra nguồn gốc của các vấn đề môi trường đe doạ sức khoẻ loài người chính là mô hình kinh tế tuyến tính, nơi rất nhiều 253
- tài nguyên bị lãng phí và một lượng khổng lồ rác thải được tạo ra từ các xã hội tiêu dùng vô trách nhiệm. Dù thừa nhận rằng các hoạt động kinh tế không thể tránh khỏi việc sử dụng các đầu vào, Greyson (2007) kiến nghị con người cần phát triển một hệ thống tuần hoàn nơi các nguồn tài nguyên được luân chuyển và tái tạo liên tục. Tính cấp thiết của việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn được lý giải như sau: Nền kinh tế tuyến tính với việc sản xuất hàng loạt đã tạo ra chủ nghĩa tiêu thụ mà hậu quả của nó là tài nguyên cạn kiệt và rác thải gây ô nhiễm môi trường. Nền kinh tế tuyến tính chỉ có thể được tiếp tục duy trì trong dài hạn nếu nguồn cung tài nguyên là vô tận và hệ sinh thái có thể hấp thụ một lượng không giới hạn các loại rác thải. Rất nhiều học giả cho rằng nền kinh tế tuyến tính sẽ sớm đạt đến giới hạn của nó trong tương lai (Van Dijk và cộng sự (2014), Mentink (2014)). Do vậy, một mô hình kinh tế tối ưu hơn cần được áp dụng, và nền kinh tế tuần hoàn ra đời như một giải pháp hoàn hảo giúp nhà sản xuất giảm thiểu chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, đồng thời giảm thiểu rác thải và các tác động tiêu cực lên môi trường. Như vậy, không chỉ người bán và người mua được lợi, mà phúc lợi của cộng đồng và toàn xã hội cũng được cải thiện. Theo thời gian, có thêm nhiều định nghĩa về nền kinh tế tuần hoàn ra đời. UNEP (2006) định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn một cách khá chung chung là một nền kinh tế đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Feng và các cộng sự (2007) nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn cần dựa trên nền tảng tuân thủ các quy luật sinh thái và sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên tắc “khép kín vòng đời” sản phẩm, coi rác thải của ngành này như nguồn tài nguyên mới có khả năng tái sử dụng và trở thành đầu vào của ngành khác. Nếu như nền kinh tế tuyến tính dựa trên việc “lấy, sản xuất và thải bỏ” thì nền kinh tế tuần hoàn là một vòng khép kín nơi có rất ít rác thải (European Commission, 2014). Hu và các cộng sự (2011) bổ sung thêm phương pháp 4R giúp tránh lãng phí tài nguyên, bao gồm: giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle) và phục hồi (recover). Geissdoerfer và cộng sự (2017) coi nền kinh tế tuần hoàn như một hệ thống tái tạo dựa trên các nguyên lý làm chậm, thu hẹp hoặc đóng lại các vòng lặp tài nguyên và nguyên vật liệu. Các nguyên lý này có thể được thực hiện thông qua chính các thiết kế ban đầu, hệ thống bảo trì, sửa chữa, tân trang và tái chế nhằm kéo dài khả năng và thời gian sử dụng sản phẩm. Ellen MacArthur Foundation (2013) đặc biệt nhấn mạnh vào việc sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hoá chất độc hại và tăng khả năng tái sử dụng sản phẩm thông qua thiết kế ưu việt của sản phẩm, coi nó là đặc trưng của một nền kinh tế tuần hoàn. Quỹ này cũng đề cao sử dụng các vật liệu dễ tiêu hao và thân thiện với môi trường, có thể đưa trở lại hệ sinh thái mà không phá huỷ môi trường sau khi đã hết hạn sử dụng. Kinh tế tuần hoàn có khả năng ứng dụng ở mọi quy mô, từ cấp vi mô (một hoạt động kinh doanh cụ thể), tới cấp ngành (một khu công nghiệp) đến cấp vĩ mô (nền kinh tế của một nước, một khu vực) và trên toàn cầu, giúp tạo ra những xã hội phát triển bền vững, cân nhắc tới lợi ích không chỉ của hiện tại mà của những thế hệ tương lai (Kirchherr và cộng sự, 2017). Dù mỗi học giả nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau của nền kinh tế tuần hoàn, họ đều coi đây là một mô hình giúp phát triển bền vững thông qua việc kéo dài thời gian và khả năng sử dụng của tài nguyên và nguyên vật liệu, qua đó làm giảm lượng rác thải ra môi 254
- trường. Nền kinh tế tuần hoàn khi được áp dụng sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động và phương thức sản xuất của các doanh nghiệp và có tiềm năng to lớn trong việc giúp các chính phủ giải quyết những vấn đề cấp thiết về ô nhiễm môi trường. 2.1.2. Mối liên hệ giữa khái niệm nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững Khái niệm nền kinh tế tuần hoàn thường được xem xét trong mối liên hệ với khái niệm tính bền vững. Dù hai khái niệm này thường đi đôi với nhau và đôi khi còn được sử dụng thay thế cho nhau, chúng vẫn có những khác biệt nhất định cần được làm rõ. Geissdoerfer và cộng sự (2017, 22) định nghĩa tính bền vững là “sự cân bằng giữa hiệu quả kinh tế, tính toàn diện xã hội và khả năng phục hồi môi trường, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai”. Liên hợp quốc (2019) coi phát triển bền vững là một kế hoạch giúp đạt được tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại thông qua việc giải quyết những thách thức toàn cầu, bao gồm ô nhiễm môi trường, công lý, hoà bình, bất bình đẳng và nghèo đói. Theo đó, bất kỳ hoạt động nào giúp đạt được kế hoạch này đều được tính là hoạt động hướng tới phát triển bền vững. Nền kinh tế tuần hoàn rõ ràng cũng nhắm tới mục tiêu đạt được sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nền kinh tế tuần hoàn xác định rõ các chủ thể tham gia và làm rõ trách nhiệm và lợi ích của các bên, đặc biệt là nhà sản xuất, cơ quan quản lý, nhà lập pháp và người tiêu dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng, quản lý nguyên liệu đầu vào và rác thải. Đối với sự bền vững, trách nhiệm được chia sẻ nhưng không được xác định cụ thể, chỉ dừng lại chung chung ở sự đóng góp theo hướng tự nguyện của toàn bộ các thành phần xã hội. Theo Schröder & cộng sự (2020), nền kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế ở cấp độ hệ thống nhằm tái tạo tài nguyên. Còn tính bền vững tập trung nhiều hơn vào việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất lên môi trường như giảm lượng khí thải, giảm rác thải,… (Pforr, 2001). Ở một góc độ khác, nền kinh tế tuần hoàn tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua việc quản lý tài nguyên, đem tới lợi ích tài chính cho doanh nghiệp và có hiệu quả gần như tức thì so với phát triển bền vững. U.S. Chamber of Commerce Foundation (2023) so sánh kinh tế tuần hoàn như một sáng kiến có chủ ý của con người dựa trên công nghệ kỹ thuật để giải quyết những vấn đề môi trường và tăng hiệu quả sản xuất, trong khi việc thực hành phát triển bền vững lại dựa trên sinh thái học và khoa học môi trường. Hoạt động sản xuất và tiêu thụ vòng tròn trong kinh tế tuần hoàn cũng tạo ra nhiều chiến lược và ý tưởng kinh doanh linh hoạt và thông minh hơn. Riêng đối với ngành khách sạn, phát triển bền vững là một khái niệm không còn mới. Những mô hình lưu trú bền vững đã được áp dụng không chỉ quan tâm tới lợi nhuận và tăng trưởng, mà còn hướng tới những đóng góp tích cực cho địa phương, cộng đồng và xã hội, đồng thời hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên môi trường. So sánh với nó, nền kinh tế tuần hoàn là một khái niệm mới mẻ hơn, thực tiễn áp dụng trong ngành còn chưa nhiều. Thông qua nghiên cứu này, người viết muốn biết liệu các nhà quản lý khách có thấy được sự khác nhau giữa kinh tế tuần hoàn và tính bền vững không, và họ có nhìn thấy được tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn trong việc tạo ra những lợi ích môi trường và xã hội từ chuỗi cung ứng của khách sạn họ hay không. 255
- 2.2. Tổng hợp các nghiên cứu về nền kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn. Nền kinh tế tuần hoàn vẫn còn là một khái niệm hết sức mới mẻ trong ngành khách sạn, và việc áp dụng nó trong ngành này mới chỉ dừng ở mức độ sơ khai. Dù đang có một lượng ngày càng nhiều các học giả quan tâm tới chủ đề này, những nghiên cứu về nó vẫn còn hạn chế, hầu hết mới dừng lại ở việc phát triển những mô hình lý thuyết về kinh tế tuần hoàn và mô tả thực trạng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các khách sạn ở giai đoạn đầu. Zhang & Xiao (2015) cố gắng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một điểm đến du lịch tại Trung Quốc, nơi đang gặp vấn đề quá tải khách du lịch, tỷ lệ tái chế thấp và sự thiếu hiểu biết về du lịch bền vững. Trong mô hình của họ, chính phủ đóng một vai trò tiên quyết trong việc thúc đẩy các khách sạn - nhà hàng sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và quản lý chặt chẽ nguồn rác thải. Tương tự như thế, Lew (2013) đề xuất một ma trận bao gồm bốn bối cảnh của ngành du lịch và gợi ý các giải pháp để phục hồi ngành này trong từng bối cảnh, bao gồm các chương trình bảo trì cơ sở vật chất và đào tạo. Khi nghiên cứu việc áp dụng kinh tế tuần hoàn tại chuỗi khách sạn Martin’s của Bỉ, Taylor (2017) chỉ ra những giải pháp mà khách sạn này sử dụng để giảm thiểu tối đa nguyên liệu đầu vào, bao gồm ưu tiên các sản phẩm địa phương, sử dụng thực phẩm tự nhiên theo mùa và liên tục tái chế nguyên liệu. Sorin & Sivarajah (2021) tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm dựa trên việc phỏng vấn mười nhà quản lý đến từ các chuỗi khách sạn Scandinavian để đánh giá mức độ nhận thức của họ về việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn, cũng như những khó khăn trong việc áp dụng mô hình này. Nghiên cứu cho thấy mức độ quan tâm và hiểu biết của các nhà quản lý đối với kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá sơ cấp, đồng thời chỉ ra các rào cản của việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn bao gồm chi phí quản lý chất thải, chi phí vận hành và sự ghi nhận từ phía khách hàng. Pongsakornrungsilp & Pongsakornrungsilp (2021) sử dụng phương pháp nghiên cứu theo chiều dọc để quan sát, giải thích các hiện tượng xảy ra trong quãng thời gian 7 năm tại Krabi, Thái Lan với mục đích phát triển kinh tế tuần hoàn ở điểm đến du lịch này dưới ba cấp độ: vi mô, vĩ mô và cấp giữa. Kết quả nghiên cứu của họ chỉ ra việc hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương, mạng xã hội, các hiệp hội và chính phủ giúp khai thác tốt lợi ích của kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch tại khu vực này. Gần đây nhất, Del Vecchio & cộng sự (2022) tiến hành một nghiên cứu định lượng thông qua việc phân tích mô hình kinh doanh và quy trình tạo ra giá trị dựa trên các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn tại Ecobnb - một mạng lưới thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ khách sạn theo hướng bền vững. Nghiên cứu đã chứng minh việc áp dụng kinh tế tuần hoàn giúp tăng khả năng cạnh tranh của các khách sạn, cũng như chỉ ra khả năng đóng góp của công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu lớn trong việc xây dựng kinh tế tuần hoàn. 2.3. Phương pháp nghiên cứu Về mặt bản chất, nghiên cứu này là nghiên cứu khám phá sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Thông qua phỏng vấn bán cấu trúc, bài nghiên cứu muốn thu được dữ liệu sơ cấp về nhận thức của nhà quản lý, yếu tố tác động, cơ hội tạo ra giá trị cũng như những rào cản của việc áp dụng các sáng kiến kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực khách sạn. Theo Lussier (2011), nghiên cứu khám phá thường được sử dụng khi chủ đề nghiên cứu còn mới, chưa có nhiều bài nghiên cứu về nó hoặc chưa có các mô hình sẵn có để 256
- nghiên cứu nó. Tuy nền kinh tế tuần hoàn trong khách sạn là một chủ đề nghiên cứu đã được thiết lập, nghiên cứu khám phá được đề xuất cho bài viết này vì đây là một chủ đề mới, cần được khám phá và tìm hiểu sâu hơn. Nghiên cứu khám phá sẽ cung cấp những câu trả lời cụ thể cho những câu hỏi như cái gì, như thế nào, và tại sao, giúp khai thác một lượng thông tin tối đa về chủ đề nghiên cứu (Hoeber & cộng sự, 2017). Lợi ích của việc phỏng vấn là nó tạo cơ hội để người phỏng vấn quan sát, ghi chép lại cảm xúc và thay đổi trong nhận thức của người trả lời, thông qua giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của họ (Sauder & cộng sự, 2015). Các bài phỏng vấn của nghiên cứu này được thực hiện dựa trên một danh sách các câu hỏi đã được thiết kế từ trước. Tuy nhiên, vì là phỏng vấn bán cấu trúc, người phỏng vấn có sự linh hoạt trong thứ tự đặt câu hỏi và cách đặt câu hỏi, hoặc có thể đặt thêm những câu hỏi khác mà không bị lệ thuộc vào bảng hỏi, nhằm khám phá tối đa những khía cạnh mới trong câu trả lời của đối tượng phỏng vấn. Theo Carter & cộng sự (2014), cách tiếp cận này bớt cứng nhắc hơn, cho phép người phỏng vấn theo đuổi câu chuyện đằng sau câu trả lời của người trả lời phỏng vấn, giúp khai thác sâu hơn chủ đề nghiên cứu. Đối tượng được phỏng vấn là những nhà quản lý đến từ những chuỗi khách sạn hàng đầu tại Việt Nam, mục đích để khám phá việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn trên quy mô chuỗi hay hệ thống. Cụ thể, ba chuyên gia trong lĩnh vực khách sạn đã được phỏng vấn, mỗi người đại diện cho một thương hiệu khách sạn riêng, bao gồm Accor, Marriott và Melia, đều là những chuỗi khách sạn lớn và lâu đời. Những chuyên gia này giữ những vị trí khác nhau trong khách sạn, lần lượt là Giám đốc Quản lý một khách sạn thuộc Marriott miền núi phía bắc, Quản lý trải nghiệm khách hàng khách sạn 5 sao ở thành phố Hồ Chí Minh và chuyên viên phát triển bền vững của khu nghỉ dưỡng thuộc tập đoàn Melia. Trước đó, một bảng hỏi bao gồm toàn bộ các câu hỏi mở đã được gửi tới các chuyên gia này. Thời gian phỏng vấn mỗi chuyên gia trung bình là bốn mươi lăm phút. Bài phỏng vấn ngắn nhất kéo dài 40 phút và bài dài nhất kéo dài 60 phút, và toàn bộ cuộc trò chuyện đều được ghi âm lại với mục đích lưu trữ thông tin. Có tất cả mười lăm câu hỏi đã được tạo ra, trong đó có ba câu đánh giá nhận thức của các nhà quản lý về nền kinh tế tuần hoàn, hai câu xem xét ảnh hưởng của các quy định pháp luật và báo cáo môi trường lên việc khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn, bảy câu khám phá thực trạng sử dụng các tài nguyên, nguồn năng lượng và đầu vào trong lĩnh vực khách sạn và một câu hỏi về việc tách biệt quyền sở hữu và điều hành khách sạn như một rào cản của việc áp dụng kinh tế tuần hoàn. Hai câu còn lại được thiết kế riêng để phù hợp với bối cảnh của từng chuỗi khách sạn và những dự án phát triển bền vững của họ. Bộ câu hỏi được xây dựng dựa trên việc tham khảo các bộ câu hỏi trong các nghiên cứu của Sorin & Sivarajah (2021), Davies & Egas (2022) và Del Vecchio & cộng sự (2022). Ngoài phỏng vấn, việc thu thập dữ liệu còn dựa trên việc tìm kiếm các thông tin và sử dụng các báo cáo trên website của các tập đoàn mẹ của những chuỗi khách sạn trên. Dữ liệu sau khi được thu thập đầy đủ sẽ được phân tích dựa trên phương pháp quy nạp. Hầu hết các việc phân tích dữ liệu phỏng vấn sẽ được thực hiện theo cách này (Patton, 2001). Phương pháp quy nạp cung cấp một phương thức hiệu quả và thuận tiện để phân tích dữ liệu định tính. Phương pháp này giúp cô đọng dữ liệu thô có được từ các biên bản 257
- phỏng vấn thành những phát hiện tóm tắt, đồng thời giúp nhóm dữ liệu thô thành các chủ đề và tìm ra mối liên hệ giữa chúng (Thomas, 2003). Kết quả nghiên cứu sẽ được tìm ra từ những mối liên hệ và phát hiện tóm tắt đó. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Kết quả thu được từ website và báo cáo của các tập đoàn 3.1.1.Tập đoàn Accor Được thành lập từ 1967, tập đoàn Accor là một tập đoàn khách sạn và dịch vụ du lịch toàn cầu đang điều hành hơn 5,400 khách sạn, khu nghỉ dưỡng và căn hộ trên khắp thế giới. Là một tập đoàn lớn có tầm ảnh hưởng tới môi trường và xã hội, trong các cam kết của mình, Accor cũng khẳng định việc thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm hơn, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, bảo vệ hệ sinh thái địa phương và khuyến khích các khách sạn trong hệ thống kết nối với cộng đồng. Một số thành tựu đáng kể đến theo báo cáo mới nhất của tập đoàn năm 2022 vừa qua là việc loại bỏ việc sử dụng các đồ dùng, sản phẩm dùng một lần từ nhựa. Hiện nay, 84% khách sạn thuộc tập đoàn đã nói không với các đồ dùng, sản phẩm dùng một lần làm từ nhựa (Accor, 2022). Ngoài ra, tập đoàn cũng có riêng chương trình phát triển bền vững từ năm 2010 tới 2021 với những cam kết cụ thể và mục tiêu lượng hóa rõ ràng với tên gọi Planet 21. Chương trình của tập đoàn có những chiến dịch nổi bật như khuyến khích khách hàng tái sử dụng khăn để tiết kiệm nước và năng lượng, chi phí tiết kiệm đó đã và sẽ được dùng tài trợ cho việc trồng thêm cây. Các thiết kế và đồ dùng trong khách sạn đều bắt đầu được tái chế hoặc đạt được chứng chỉ thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các nhà hàng của khách sạn ngoài việc sử dụng các nguyên liệu từ chính khu vườn trong khách sạn còn đồng thời áp dụng các sáng kiến giúp giảm 60% lượng thực phẩm dư thừa trong căn bếp, giúp tiết kiệm khoản chi phí khổng lồ. 3.1.2. Tập đoàn Melia Hotels International Tập đoàn Melia Hotels International được thành lập từ năm 1956, là một trong những tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới hoạt động rộng khắp 4 châu lục, với hơn 380 khách sạn ở hơn 46 quốc gia. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ khách sạn chất lượng cao, Meliá còn nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua những cam kết đối với du lịch có trách nhiệm. Điều này đã đưa tập đoàn trở thành tập đoàn phát triển bền vững hàng đầu ở Tây Ban Nha và châu Âu. Melia còn triển khai nhiều dự án bền vững như Soap for Hope (Xà phòng Hy Vọng) và Linens for Life (Vải cho Cuộc sống) mang sứ mệnh biến những đồ dùng cũ hoặc không còn sử dụng như xà phòng thừa và vải cũ thành các bánh xà phòng tiệt trùng mới và những sản phẩm như túi đa năng, túi ngủ, đồ chơi trẻ em và đồng phục học sinh. Với trọng tâm cốt lõi là ưu tiên loại bỏ và thay thế nhựa, chương trình PlasticShreds tái chế rác thải nhựa và kết hợp chúng với bitum (một hợp chất hữu cơ lỏng, màu đen, có độ nhớt cao) hoặc nhựa đường thành các hỗn hợp sử dụng trong xây dựng đường sá, làm phẳng các loại bề mặt từ đường đi cho đến các sân cầu lông. Các khách sạn thành viên của Meliá cũng đã rất tích cực trong việc hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần kể từ năm 2018 và loại bỏ hoàn toàn một số sản phẩm như ống hút nhựa và chuyển sang sử dụng các loại ống hút làm từ chất liệu hoàn toàn tự nhiên (Melia, No date). 258
- 3.1.3. Tập đoàn Marriott Tập đoàn Marriott là một trong những tập đoàn khách sạn và kinh doanh dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới. Được thành lập từ năm 1927 đến nay, tập đoàn này đã phát triển và sở hữu hơn 30 thương hiệu khách sạn và resort khác nhau trên khắp thế giới, với gần 8.000 khách sạn ở 139 quốc gia. Marriott International đã phát triển nền tảng “Serve 360: Doing good in every direction” (Phục vụ 360: Làm tốt trên mọi mặt trận) nhằm hướng dẫn các khách sạn tạo ra tác động tích cực, bền vững ở bất cứ nơi nào mà chúng có mặt. Kể từ năm 2007, tập đoàn đã giảm được 25% lượng khí thải carbon và cam kết tiếp tục giảm 30% lượng khí thải nhà kính vào năm 2025. Các khách sạn Marriott đã thực hiện các hoạt động có trách nhiệm với môi trường như sử dụng đèn LED, hệ thống sưởi ấm và làm mát tiết kiệm năng lượng cũng như các thiết bị ống nước lưu lượng thấp. Chỉ riêng năm 2021, với hệ thống cảm biến thông minh làm mát nước, tập đoàn đã tiết kiệm được 1 tỷ 6 lít nước (Marriott, 2022). Tập đoàn cũng đã đưa ra một số sáng kiến để giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm như theo dõi tình trạng thực phẩm và khuyến khích quyên góp thức ăn thừa cho các trang trại tại địa phương. Nhìn chung, Marriott International đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tích hợp các hoạt động phát triển bền vững vào mô hình kinh doanh của mình. 3.2. Kết quả phỏng vấn 3.2.1. Nhận thức của các nhà quản lý khách sạn về kinh tế tuần hoàn Những chuyên gia được phỏng vấn đều thừa nhận khái niệm kinh tế tuần hoàn là khái niệm mới khi được nghe đến. Nhưng khi tìm hiểu về khái niệm này thì họ thấy rằng một số đặc điểm của nền kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện trong chủ trương hành động của khách sạn và tập đoàn nhưng chưa được định nghĩa rõ ràng. Mỗi tập đoàn có những tiêu chí khác nhau nhưng điểm chung là họ đều triển khai kinh tế tuần hoàn như một phần của phát triển bền vững thông qua các chương trình cụ thể như Planet 21 của Accor, Serve 360: Doing Good in Every Direction của Marriott hay Eco-Touch by Melia, PlasticShreds của Melia. Hiện tại các khách sạn này đều đang áp dụng các biện pháp và sáng kiến tái sử dụng, tái chế rác thải nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường địa phương nơi các khách sạn đang hoạt động. Ở các mức độ khác nhau, các nhà vận hành khách sạn được hỏi đều thừa nhận mối quan tâm lớn của họ là khắc phục sự không bền vững của mô hình kinh doanh và tăng cường hướng tới các giá trị tuần hoàn khép kín. 3.2.2 Những yếu tố tác động tới ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong khách sạn Chính sách của địa phương, tập đoàn và khách sạn Các quy định pháp luật về môi trường rất quan trọng trong việc khuyến khích các sáng kiến áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động của khách sạn ở Việt Nam. Các khách sạn không chỉ phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường mà còn phải tuân theo chủ trương chính sách của tập đoàn mẹ. Bên cạnh việc báo cáo hàng năm hay hàng quý về những thành tựu và kết quả kinh doanh, các khách sạn còn cần báo cáo các chỉ 259
- số về phát triển bền vững và tác động đến môi trường. Ngoài việc áp dụng các chương trình được triển khai theo tập đoàn, các khách sạn được phép tùy biến đường hướng phát triển theo phân khúc khách sạn và khu vực địa lý. Trường hợp điển hình như khách sạn thuộc tập đoàn Marriott nằm ở vùng núi phía bắc Việt nam, nơi còn khá mới về du lịch nhưng tỉnh đã có những chủ trương như khuyến khích sử dụng các nhà cung cấp hay nguyên vật liệu đặc sản từ địa phương để đưa vào hoạt động kinh doanh nhằm quảng bá cho địa phương và giảm thiểu khí thải, chi phí vận chuyển và bảo quản. Trước đó, khi khách sạn vẫn nằm dưới sự quản lý của tập đoàn khác, khách sạn đã chủ trương sử dụng tối đa những sản phẩm có thể sử dụng nhiều lần, nói không với các sản phẩm, đồ dùng đến từ nhựa. Khi được tập đoàn Marriott tiếp quản, khách sạn vẫn duy trì các chủ trương cũ, đồng thời được khuyến khích tối ưu hóa, tận dụng tối đa đồ đạc cũ trong quá trình chuyển đổi hoặc áp dụng các sáng kiến mới như tái chế nhằm trang trí văn phòng, làm quà tặng nhỏ cho khách hàng. Nằm ở trong vườn quốc gia, nơi trọng điểm bảo vệ môi trường thiên nhiên và di tích quốc gia, đặc biệt có cả di tích lưu lại dấu ấn lịch sử nằm ngay trong khu nghỉ, chuyên viên phát triển bền vững của khu dưỡng cho biết địa phương có những chính sách đặc biệt về môi trường với các đợt kiểm tra định kỳ của bên vườn quốc gia về việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên và quy trình xử lý rác thải ở khách sạn. Tập đoàn Melia chưa có một đề án với tên cụ thể như Planet 21 như Accor hay Serve 360 của Marriott nhưng phát triển bền vững được ứng dụng trong tất cả các khía cạnh của các khách sạn thành viên Melia, mỗi khía cạnh có một bộ quy tắc dành cho từng đối tượng. Ví dụ như đối với nhà cung cấp, các đối tác cần cam kết tuân theo bộ quy tắc phát triển bền vững do tập đoàn đề ra. Một ví dụ của kết quả thực tế là không dưới 30% các sản phẩm trong tủ lạnh trong phòng khách sạn là các sản phẩm từ địa phương. Hàng năm, tập đoàn sẽ tạo cơ hội (thông qua các hội thảo lớn nhỏ) cho các khách sạn thuộc tập đoàn chia sẻ sáng kiến về thực hành phát triển bền vững, qua đó các khách sạn có thể chia sẻ, học tập, hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau. Phía khu nghỉ dưỡng cũng có các chiến lược phát triển bền vững theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ tập trung xử lý một vấn đề, hiện tại tập đoàn đang tập trung vào xử lý rác thải. Đây cũng là nơi đầu tiên có riêng một vị trí chuyên viên phát triển bền vững và khu nghỉ dưỡng rất chú trọng tới xử lý rác thải cũng như hướng tới tiêu chí không rác thải trong quá trình vận hành. Một khách sạn khác nằm ở thành phố đầu tàu, trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất của các nước, có chủ trương khôi phục và phát triển du lịch bền vững có trách nhiệm, đặc biệt sau dịch Covid-19. Ngay từ năm 1994, tập đoàn Accor đã có bộ phận chuyên phụ trách các vấn đề về môi trường và từ 2002, tập đoàn có bộ phận chuyên biệt để tổ chức và chỉ dẫn quy trình tạo ra các trải nghiệm bền vững. Hiện nay, nhiều khách sạn của Accor theo đuổi tiêu chí eco-design, thiết kế thân thiện với môi trường. Khách sạn được phỏng vấn đã chuyển đổi các đồ dùng, chai lọ nhỏ trong phòng tắm thành các chai to có thể sử dụng nhiều lần và các chai nước suối nhựa thành chai thủy tinh, đóng góp không nhỏ vào quá trình bảo vệ nguồn tài nguyên. Nhà hàng của khách sạn này đã dành tặng cho Mái Ấm Tre Xanh - ngôi nhà dành cho trẻ em đường phố tại địa phương các thực phẩm dư từ tiệc buffet. Khách sạn cũng thiết kế trải nghiệm bữa trưa thanh lọc để thực khách trao đổi trực 260
- tiếp với chuyên gia dinh dưỡng và tự tay thu hoạch tại vườn các loại rau gia vị hữu cơ cho thực đơn của mình. Chuỗi cung ứng Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc đổi mới chuỗi cung ứng là một yếu tố quan trọng cho ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào khách sạn. Những người được hỏi hiện đang nhìn nhận nền kinh tế tuần hoàn như một bộ công cụ quản lý tài nguyên và chất thải và khẳng định rằng thay đổi chuỗi cung ứng sẽ góp phần hỗ trợ ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào khách sạn. Tiền thân của khách sạn thuộc tập đoàn Marriott ở vùng núi phía bắc trước đây thuộc một tập đoàn khác và nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu khắt khe của của tập đoàn cũ thường đến từ các thành phố lớn. Tuy nhiên, khi nằm dưới quyền quản lý của Marriott thì việc mua sắm được chuyển về cho khách sạn tự quản lý. Từ đó, khách sạn đã cân nhắc và lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm từ địa phương. Còn tập đoàn Melia cũng khuyến khích khách sạn sử dụng các sản phẩm từ các nhà cung ứng địa phương được chỉ định, giá cả cạnh tranh hơn và giúp cắt giảm khoảng cách và chi phí vận chuyển. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng thuộc tập đoàn Melia cũng được tự chọn nguồn cung ứng cho mình theo bộ tiêu chuẩn tập đoàn đưa ra. Đa số các thực phẩm và đồ ăn ở khu nghỉ đều nhập từ địa phương. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng còn phục vụ khách hàng rau củ và trái cây theo mùa từ vườn hữu cơ của mình. Khu nghỉ dưỡng cũng khéo léo tạo ra các món ăn từ chính nguồn thực phẩm tự cung tự cấp của mình như kẹo lạc, bánh chuối, bánh từ trái vả,... để phục vụ khách hàng. 3.2.3 Cơ hội tạo ra các giá trị bền vững Các chuyên gia khi được hỏi đều thấy được tiềm năng tạo ra giá trị cho khách sạn, tập đoàn, chuỗi cung ứng địa phương từ mô hình kinh tế tuần hoàn. Họ đều cho rằng việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt thông qua việc mua sắm thực phẩm và hàng hóa tại địa phương, đồng thời giúp giảm chi phí năng lượng và nguyên liệu đầu vào. Các cuộc phỏng vấn cũng xác nhận tiềm năng tạo sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh cho tập đoàn thông qua việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn. Thông qua các sáng kiến kinh tế tuần hoàn phù hợp với các khách sạn, các tập đoàn có thể xây dựng danh tiếng và hình ảnh có trách nhiệm trong mắt khách hàng, qua đó tăng giá trị thương hiệu. Đối với tập đoàn Người được phỏng vấn từ khách sạn thuộc tập đoàn Marriott khẳng định khách sạn cam kết giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh tới môi trường bằng cách sử dụng các tài nguyên năng lượng tiết kiệm, tăng cường quản lý chất thải. Dựa trên các báo cáo định kỳ như báo cáo tiêu thụ năng lượng, điện, nước, số lượng rác thải, chi phí xử lý rác thải, giấy phép xả thải cùng các kiểm định nước, báo cáo đồ ăn thừa trong các nhà hàng và số lượng thực phẩm thừa khác sử dụng không hết, khách sạn sẽ lên chiến lược cụ thể để giảm sử dụng các loại đầu vào trên. Bên cạnh đó, trang thiết bị trong khách sạn cũng được chuyển sang dạng cảm biến. Đèn cảm biến tự động kích hoạt các chiếu sáng của khu vực khi có người sử dụng và vòi nước cảm biến tự động ngắt khi không được sử dụng nữa. Khách sạn cũng lần lượt thay mới các thiết bị có tuổi đời lớn và tiêu tốn nhiều năng lượng. Đồ nội thất và trang thiết bị cũ sẽ giữ và điều chỉnh cho phù hợp với khách sạn mới thay vì 261
- bỏ đi hoàn toàn tạo ra rác thải. Còn các đồ dùng, nội thất không phù hợp thì chuyển lại cho tập đoàn cũ để sử dụng cho dự án mới hoặc thay thế cho những dự án cũ. Nếu tập đoàn cũ cũng không còn nhu cầu nữa thì thanh lý cho các doanh nghiệp khác hoặc công nhân viên để họ sử dụng với giá ưu đãi. Khách sạn cũng mở rộng việc ký hợp đồng thuê dịch vụ ngoài với các đơn vị vận tải địa phương để cung cấp dịch vụ đưa đón khách. Việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách sạn như chi phí giảm, linh hoạt theo nhu cầu khách sử dụng mà không cần đầu tư vào các dịch vụ đó. Các chính sách liên quan tới cải tiến chuỗi cung ứng, tái chế, tái sử dụng đều trực tiếp hỗ trợ khách sạn giảm được chi phí vận hành đồng thời góp phần giảm tiêu thụ năng lượng. Việc tận dụng được nguồn thực phẩm có sẵn của địa phương với giá thành rẻ hơn và chất lượng được đánh giá là tốt hơn vừa giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, vừa giúp tiết kiệm chi phí bảo quản. Chuyên viên phát triển bền vững tự hào rằng khu nghỉ dưỡng thuộc tập đoàn Melia đã thành công loại bỏ những sản phẩm từ nhựa thay bằng các sản phẩm có thể tái chế được và thân thiện với môi trường từ năm 2021. Chuyên viên cũng cho biết rác thải thủy tinh và nhựa khó xử lý hay quy trình xử lý tạo ra nhiều các-bon gây hại cho môi trường sẽ được khu nghỉ dưỡng tận dụng triệt để làm đồ trang trí hay sử dụng trong các hội thảo nhỏ sáng tạo. Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng hiện tại đã thành công trong việc đưa rác thải từ thực phẩm về con số 0, vì tất cả thức ăn thừa đã được sử dụng làm phân hữu cơ cho vườn rau hữu cơ hoặc vườn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm trong khu nghỉ dưỡng. Phát triển bền vững giúp khu nghỉ dưỡng của Melia hướng tới lợi nhuận bền vững. Các chính sách phát triển bền vững của khách sạn nhận được ủng hộ từ chính quyền, cộng đồng và khách hàng. Người được phỏng vấn cũng bổ sung rằng nhân viên làm việc ở khách sạn đều có niềm tự hào khi làm việc ở môi trường xanh, sạch, đẹp và công việc của họ góp phần tạo ra cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, cộng đồng và hành tinh. Đó là giá trị và lý do níu giữ nhân viên ở lại lâu dài với khách sạn. Đối với cộng đồng địa phương và xã hội Thúc đẩy các hoạt động tương tác tích cực với cộng đồng địa phương để đáp ứng nhu cầu cộng đồng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cư dân, đảm bảo công bằng và đạo đức trong kinh doanh, tôn trọng quyền lợi của người lao động và khách hàng cũng là một tiêu chí phát triển bền vững của nhiều tập đoàn. Những người trả lời phỏng vấn khẳng định rằng việc được lựa chọn các nhà cung cấp địa phương cũng tạo ra cơ hội để người dân địa phương được tiếp xúc với các tiêu chuẩn đánh giá khắt khe của các khách sạn lớn. Từ đó, nhà cung cấp địa phương có thể nâng cấp dịch vụ của chính họ, từ đó tạo ra được thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, người trả lời lời phỏng vấn cũng đồng ý rằng việc tận dụng các chuỗi cung ứng địa phương mang lại những câu chuyện chạm đến các trải nghiệm của khách hàng và gây ấn tượng với họ. Từ đó, khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm địa phương nhằm quảng bá văn hóa và đẩy mạnh du lịch địa phương. Bên cạnh đó, các tập đoàn cùng khuyến khích khách hàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng thông qua các chiến dịch tặng điểm thưởng vào tài khoản thành viên khi khách hàng lựa chọn không dọn phòng, tái sử dụng khăn tắm để đổi đồ uống hoặc đồ ăn hay đêm nghỉ tại các khách sạn của tập đoàn. 262
- 3.2.4. Những rào cản của việc triển khai ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong khách sạn Chuỗi cung ứng chưa sẵn có hoặc chi phí cao Khi được phỏng vấn, các chuyên gia nhấn mạnh áp lực chi phí vận hành như chi phí tiêu thụ nước và năng lượng, chi phí quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải thực phẩm là một rào cản lớn đối với việc triển khai kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh việc chưa xây dựng được các hệ thống quản lý năng lượng, chất thải hay tái chế tốt, việc tìm được chuỗi cung ứng phù hợp và có sẵn ở địa phương hay tại Việt Nam cũng là một rào cản. Những người được phỏng vấn cho biết các chương trình phát triển bền vững được tập đoàn đưa ra có một số tiêu chí gần như không thể thực hiện vì chưa có nhà cung cấp hoặc giá thành rất cao để nhập khẩu. Các khách sạn cũng mong muốn phục vụ khách hàng theo tiêu chí thân thiện với môi trường và tận dụng sản phẩm có sẵn tại địa phương nhưng có nhiều sản phẩm do địa phương sản xuất chưa được đóng gói một cách thân thiện với môi trường. Một số sản phẩm đóng gói thân thiện với môi thường thì giá thành chưa hợp lý hay chưa đáp ứng tiêu chuẩn mà tập đoàn đưa ra. Ngoài ra, do nhà cung cấp chưa bàn giao các sản phẩm thay thế nên tiến trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bị chậm, ví dụ nhà cung cấp nằm ở nước đang đóng cửa biên giới chưa mở lại sau dịch Covid-19. Các khách sạn cũng rất muốn kết hợp và sử dụng các thiết bị có thể mua sắm ở địa phương với chất lượng tương đương bởi nếu sử dụng đồ nhập khẩu, sau thời gian hết khấu hao, bị hư thì không thể sửa chữa được vì mẫu đó không còn bán hay sản xuất nữa, hoặc không tìm được linh kiện thay thế. Các nội thất cũ được nhập khẩu từ trước hiện muốn thay thế sang đồ dùng thân thiện với môi trường thì cần rất nhiều thay đổi, thậm chí phải thay đổi cả một hệ thống, điều này lại mang lại nhiều chi phí và hệ lụy khác. Có người trả lời phỏng vấn đã nhận định các khách sạn đã xây dựng và hoạt động thời gian dài rồi thì khó thay đổi hơn. Thường các khách sạn cố gắng tối đa hóa công năng sử dụng các đồ dùng, tái sử dụng đến khi không còn sử dụng được nữa nhưng việc thay đổi không liền mạch cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, một số khó khăn về tái chế rác thải, ví dụ thay thế chai nhựa bằng chai thuỷ tinh thì rác thải thủy tinh lại là một vấn đề mới. Có khách sạn chưa tìm đc đối tác giúp tái làm sạch các chai thủy tinh để tái chế hoặc biến thành sản phẩm mới. Hiện tại các đối tác miền bắc chưa có, chỉ có ở miền trung một cơ sở tái sử dụng các chai thủy tinh nhưng vì khoảng cách địa lý nên mất thời gian, chi phí vận chuyển tạo ra khí thải với môi trường. Hay một số khách sạn lại chưa chuẩn bị sẵn sàng không gian lưu trữ hay đào tạo nhân viên khi làm việc với các thay đổi mới nên vẫn chưa bắt đầu thay đổi. Nhận thức của khách hàng Tuy các chứng chỉ về tính bền vững là một phần không thể thiếu trong việc cung cấp sản phẩm khách sạn (Sorin & Sivarajah, 2021), các nhà vận hành khách sạn được hỏi đều có cùng quan điểm rằng khách hàng vẫn chưa quan tâm hoặc chưa sẵn sàng bỏ thêm tiền để trải nghiệm hoặc đổi sang sử dụng những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Đây cũng là câu hỏi trăn trở của các nhà vận hành khách sạn, làm thế nào để khách hàng hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp vì các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện tại giá thành rất cao, nguồn sản phẩm chưa có sẵn hoặc khó tiếp cận. Hiện tại, khu nghỉ dưỡng của tập đoàn Melia thiên về không gian xanh nên khách hàng đa số hiểu và dễ tiếp nhận hơn, thậm chí đánh giá cao những nỗ lực bảo vệ môi trường của khách sạn. Tuy nhiên, 263
- khách hàng mới chỉ dừng lại ở tiếp nhận và đánh giá chứ chưa thể thay đổi thói quen tiêu dùng. Mặc dù, khách hàng có những tác động tích cực tới ứng dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh trong khách sạn (Bica và cộng sự, 2020). 4. Kết luận Mục đích của bài viết này để khám phá các hoạt động ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành khách sạn ở Việt Nam. Ba khách sạn thuộc ba chuỗi khách sạn lớn tại 3 địa điểm khác nhau ở Việt Nam đã cho thấy họ tuân theo các cách tiếp cận khá giống nhau về đường lối và chính sách chiến lược phát triển bền vững, mặc dù các sáng kiến cụ thể và cách thức thực hiện là khác nhau. Trong các chiến lược được xác định từ các tập đoàn được phỏng vấn, chúng tôi đã tìm thấy một điểm chung là các tập đoàn tìm kiếm sự bền vững và tập trung nhất vào nỗ lực giảm tác động của họ lên môi trường. Các chính sách về môi trường đều hướng tới 4R như giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle) và phục hồi (recover) (Hu & cộng sự, 2011). Đầu tiên là giảm tiêu thụ năng lượng và nước, giảm phát sinh chất thải và giảm sử dụng sản phẩm nhựa, sản phẩm dùng một lần. Tiếp theo là tái sử dụng, đặc biệt trong các khía cạnh liên quan đến năng lượng và chai lọ. Các khách sạn cũng nỗ lực tái chế các sản phẩm từ nhựa, thủy tinh thành đồ trang trí nội thất hay quà tặng khách hàng. Các tập đoàn cũng hướng tới việc phục hồi nhưng chưa có nhiều hành động cụ thể. Hơn nữa, các tác động của những chiến lược này vẫn chưa được đo lường đầy đủ, có thể được coi là tự phát và không đổi mới lắm. Kết quả phỏng vấn cho thấy các khách sạn đã nhận ra lợi ích của việc tái chế, sử dụng năng lượng tái chế và sự phù hợp của nó trong xu hướng hiện đại. Họ đều tận dụng những đặc thù riêng để thực hiện các sáng kiến hướng tới sự bền vững. Dựa trên kết quả phỏng vấn và nghiên cứu từ trang web, các tập đoàn đều quan tâm và có tham vọng ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào các khách sạn của mình nhưng các nguyên tắc và mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được tìm hiểu, áp dụng một cách chính thức và triệt để. Ở nghiên cứu này chỉ khám phá quan điểm của một số nhà vận hành khách sạn mà chưa có phản hồi trực tiếp từ các nhà cung cấp, chuỗi cung ứng, khách hàng và chủ sở hữu khách sạn. Do đó, bài viết gợi ý hướng đi cho các nghiên cứu trong tương lai, với việc thăm dò góc nhìn của nhiều nhà vận hành khách sạn hơn, đồng thời phỏng vấn các đối tác, nhà cung cấp, khách hàng và các bên liên quan. Mở rộng nghiên cứu đến các thành phần này có thể cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về khả năng áp dụng nền kinh tế tuần hoàn, yếu tố hỗ trợ và rào cản của nó. Như đã được nhấn mạnh ở một số nghiên cứu trước (Koumparou, 2018; Murray và cộng sự, 2015; Verma & Chandra, 2018b; Bica và cộng sự, 2020), điều quan trọng là tìm ra những cách thức mới để đạt được tính bền vững toàn diện, bên cạnh tính bền vững không chỉ ở khía cạnh môi trường mà còn tìm được áp dụng kinh tế tuần hoàn vào khía cạnh kinh tế và xã hội. Những nghiên cứu trong tương lai sẽ củng cố thêm hiểu biết về nền kinh tế tuần hoàn từ nhân viên đến các bên liên quan cùng với đó sự hỗ trợ ủng hộ và cam kết hành động của nhà cung cấp hay chuỗi cung ứng. Từ đó, đưa ra những gợi ý và sáng kiến cho các ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào khách sạn ở Việt Nam bởi trên thực tế, kinh tế tuần hoàn hiện tại mới dừng lại ở các chiến lược phát triển bền vững và chưa liên kết được các chuỗi mắt xích tuần hoàn trong ngành khách sạn. Đặc biệt, việc tìm được các đầu ra của các mắt xích này là đầu vào của năng lượng, nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ 264
- hay mắt xích khác trong chuỗi giá trị của khách sạn để một nền kinh tế tuần hoàn thực sự thì cũng phải là một nền kinh tế tuần hoàn bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bica, J., Julião, J. and Gaspar, M.R.C., 2020. Applicability of Circular Economy in the Hospitality Industry: Consumers' Perception. In Multilevel Approach to Competitiveness in the Global Tourism Industry (pp. 290-306). IGI Global. 2. Davies, S.J. and Egas, J.L., 2022. Do social corporate responsibility initiatives help to promote circular economic activity and quality of work life for employees?. Worldwide Hospitality and Tourism Themes, 14(3), pp.221-235. 3. Del Vecchio, P., Malandugno, C., Passiante, G. and Sakka, G., 2022. Circular economy business model for smart tourism: the case of Ecobnb. EuroMed Journal of Business, 17(1), pp.88-104. 4. Feng, W., Mao, Y. and Chen, H., 2007. Study on development pattern of circular economy in chemical industry parks in China. Modern Chemical Industry, 27(3), p.7. 5. Geissdoerfer, M., Savaget, P., Bocken, N.M. and Hultink, E.J., 2017. The Circular Economy-A new sustainability paradigm?. Journal of cleaner production, 143, pp.757-768. 6. Greyson, J., 2007. An economic instrument for zero waste, economic growth and sustainability. Journal of Cleaner production, 15(13-14), pp.1382-1390. 7. Hu, J., Xiao, Z., Zhou, R., Deng, W., Wang, M. and Ma, S., 2011. Ecological utilization of leather tannery waste with circular economy model. Journal of Cleaner Production, 19(2-3), pp.221-228. 8. Pforr, C., 2001. Concepts of sustainable development, sustainable tourism, and ecotourism: Definitions, principles, and linkages. Scandinavian Journal of Hospitality and Tourism, 1(1), pp.68-71. 9. Rodríguez, C., Florido, C. and Jacob, M., 2020. Circular economy contributions to the tourism sector: A critical literature review. Sustainability, 12(11), p.4338. 10. Sorin, F. and Sivarajah, U., 2021. Exploring Circular economy in the hospitality industry: empirical evidence from Scandinavian hotel operators. Scandinavian Journal of Hospitality and Tourism, 21(3), pp.265-285. 11. United Nations World Tourism Organization (UNWTO) and United Nations Development Programme (UNDP), 2017. Tourism and the Sustainable Development Goals-Journey to 2030. Tourism and the sustainable development goals: Journey to 2030. 12. Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, 2023. Available at: https://iced.org.vn/khai-niem-kinh-te-tuan-hoan/ (Accessed: 13 March 2022) 13. Wood, M.E., 2017. Sustainable tourism on a finite planet: Environmental, business and policy solutions. Taylor & Francis. 14. Zhang, X. and Xiao, C., 2015. Research on the Tourism Circular Economy Mode-Mt. Emei Scenic Area. International Journal of Managerial Studies and Research, 3(6), pp.91-96. 265
- 15. Pongsakornrungsilp, P. and Pongsakornrungsilp, S., 2021. Mindful tourism: nothing left behind creating a circular economy society for the tourism industry of Krabi, Thailand. Journal of Tourism Futures, (ahead-of-print). 16. Lew, A.A., 2017. Scale, change and resilience in community tourism planning. In New Research Paradigms in Tourism Geography (pp. 14-22). Routledge. 17. Taylor, C. (2017), “Tomorrow needs today: Martin’s hotels embrace circular economy”, available at www.travindy.com/2017/05/martins-hotels-circular-economy- supply-chain/ (Accessed: 15 March 2023). 18. Tài liệu tham khảo khác và phụ lục 1 tại: shorturl.at/ltBSZ 266
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
VỀ XÂY DỰNG THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
9 p | 654 | 217
-
Các hệ lụy của logistics đô thị và áp dụng mô hình tương hỗ logistics trong khuôn khổ thành phố ở châu Âu vào Việt Nam
10 p | 138 | 18
-
Bài giảng Kinh tế lượng - Chương 7: Điều kiện vận dụng mô hình hồi qui tuyến tính bội
67 p | 108 | 15
-
Đảm bảo pháp lý cho mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam
6 p | 12 | 6
-
Áp dụng mô hình cấu trúc (PLS-SEM) trong phân tích vai trò của thể chế đối với trụ cột kinh tế của phát triển bền vững
9 p | 14 | 6
-
Vai trò của mô hình kinh tế tuần hoàn trong giảm thiểu biến đổi khí hậu
7 p | 16 | 6
-
Mô hình kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền
17 p | 19 | 4
-
Phát triển nông nghiệp bền vững thông qua mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ PGS ở Việt Nam
16 p | 33 | 4
-
Nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn áp dụng mô hình sử dụng đất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu: Nghiên cứu trường hợp của nông hộ ở vùng cát nội đồng tỉnh Quảng Bình
9 p | 48 | 4
-
Cơ sở lý luận và thực tiễn của mô hình kinh tế sinh thái: Nghiên cứu áp dụng cho khu vực Tây Nguyên
9 p | 95 | 4
-
Áp dụng mô hình ARDL để xác định mối quan hệ giữa FDI, tiến trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh
15 p | 6 | 3
-
Thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong dịch vụ đại lý hải quan ở Việt Nam
8 p | 33 | 2
-
Đề cương môn học Kinh tế lượng 2 (Mã môn học: ECON1322)
9 p | 2 | 2
-
Áp dụng mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) và lối sống điện tử đến ý định mua căn hộ thông minh của khách hàng trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh
7 p | 17 | 2
-
Áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 (phần Pháp luật) nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh
9 p | 4 | 2
-
Đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn sinh học nông-lâm (Circular Bioeconomy) áp dụng tại thành phố Hồ Chí Minh
9 p | 3 | 1
-
Tác động của quản trị công đến tăng trưởng kinh tế ở nhóm nước có thu nhập trung bình khu vực Châu Á trong giai đoạn 2008 – 2020
16 p | 2 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn