Chia sẻ ebook : Chiasemoi.com MỤC LỤC Lời nói đầu PHẦN MỘT: PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN Chương 1: Quan niệm mới về thành công Chương 2: Kỷ nguyên khó khăn Chương 3: Khoa học về AQ PHẦN HAI: ĐO LƯỜNG VÀ GIẢI THÍCH AQ Chương 4: Hồ sơ Phản ứng với nghịch cảnhTM Chương 5: Giải thích chỉ số vượt khó và khả năng tiến lên của bạn PHẦN BA: NÂNG CAO AQ CHO BẢN THÂN, NGƯỜI KHÁC VÀ TỔ CHỨC Chương 6: Chuỗi LEAD Chương 7: Ngăn chặn trầm trọng hóa vấn đề Chương 8: Giúp người khác nâng cao AQ và khả năng tiến lên của họ Chương 9: Tổ chức có AQ cao Chương 10: Thói quen của người Leo núi Lời cảm ơn LỜI NÓI ĐẦU Rất nhiều người từ khi còn trẻ đã sớm rơi vào tình cảnh vô vọng. Và thông thường những cái được cho là “đáng lẽ” sẽ chẳng bao giờ xảy ra trên thực tế. Điều gì quyết định hoài bão của chúng ta theo thời gian? Đâu là nhân tố duy nhất quyết định cách chúng ta đặt mục tiêu cho mình? Và những động lực nào sẽ khiến chúng ta tiến gần hơn hoặc xa hơn so với việc hiện thực hóa các mục tiêu đó? Chúng ta có thể làm gì để thay đổi kết quả? Công trình của tiến sỹ Stoltz sẽ giúp chúng ta kiểm soát được số phận của chính mình, hiểu được, nâng cao một cách bền vững những hoài bão và động lực của mình để có được một cuộc sống ý nghĩa. Hơn bao giờ hết, bây giờ chính là lúc bạn cần xác định rõ, trưởng thành và toàn tâm toàn ý cống hiến cho công việc và cuộc sống. Cuốn sách này sẽ đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: “Cần phải làm gì để có được những đóng góp lớn lao trong cuộc đời?” Nó sẽ xác định và chỉ ra cho bạn những hành vi, đặc điểm tạo nên sự khác biệt giữa những người phi thường với những người đóng góp ít hoặc không đóng góp gì. Và đây chính là thời điểm phù hợp nhất để đưa ra thông điệp này. Nghịch lý chi phối cuộc sống của chúng ta. Một mặt là cơ hội để nâng cao cuộc sống nhờ công nghệ. Mặt kia là mối bất hòa về mặt xã hội khiến người ta nhụt chí, khoảng cách kinh tế ngày càng tăng giữa các tầng lớp, sự cạnh tranh gay gắt không ngừng, và những nhu cầu phần lớn không được đáp ứng của con người. Đối với một số người, tiến bộ công nghệ giúp cải thiện cuộc sống. Nhưng nhiều người lại không nghĩ như vậy. Mặc dù công nghệ thông tin đem lại nhiều lợi ích, song với đa số chúng ta, nó là gánh nặng buộc chúng ta phải phấn đấu trong cuộc sống hiện đại và tiếp thu một khối lượng thông tin ngày càng gia tăng. Kết quả thường thấy là cảm giác vô vọng lan tỏa khắp nơi. Những phương thuốc cũ đã không còn hiệu quả. Chỉ số vượt khó, gọi tắt là AQ, ngay lập tức trở thành một lý thuyết có tầm ảnh hưởng lớn, một thước đo ý nghĩa, một bộ công cụ được đúc kết để rèn luyện tính kiên trì trong những thời điểm khó khăn. Nó sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại công thức thành công hiện tại của bản thân. Tuy nhiên, những thách thức hiện nay không chỉ đòi hỏi bạn phải có cách tư duy mới, mà còn bắt buộc phải có những phương pháp dễ hiểu, dễ áp dụng và hiệu quả. Điều gì quyết định động lực sống và khả năng đóng góp có mục đích của bạn? Hãy coi hoài bão và ý muốn như một đường cong hình chuông, từ đó bạn sẽ thấy được những hàm ý sâu sắc về vị trí của mình trên đường cong đó. Ở phía dưới cùng là những người rất ít nỗ lực. Trên đường cong ở giữa là đa số mọi người, chỉ làm vừa đủ để được chấp nhận, song lại không phát huy hết tiềm năng của bản thân. Ở trên cùng là 10% trong chúng ta, những người đi tiên phong tạo ra những thay đổi và tiến bộ cho 90% còn lại. Lần đầu tiên từ trước đến nay, AQ sẽ giúp làm sáng tỏ bí ẩn về động cơ và sức mạnh của con người, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng, nguyên tắc và phương pháp cơ bản để có một cuộc sống và sự nghiệp đáng quý ở phần bên trên của đường cong. Quy trình nâng cao AQ mang tính hệ thống, được xây dựng kỹ lưỡng, hợp lý ở trong cuốn sách này về căn bản không chỉ phù hợp với các nhóm, gia đình, cộng đồng và cá nhân mà còn hiệu quả với các tổ chức. Mỗi đối tượng sẽ tìm được những điều hữu ích cho bản thân từ quy trình gồm ba bước là khám phá, đo lường và nâng cao AQ của cá nhân và tập thể. Những người lãnh đạo tổ chức sẽ có được một cách thức mới để định nghĩa, tìm ra và phát triển những nhân viên làm việc hiệu quả nhất. Họ sẽ được cung cấp một hướng đi bền vững, một sơ đồ và la bàn để xây dựng văn hóa thành tựu và kiên trì, và cùng với đó là quan niệm mới về cách quản lý sự thay đổi. Các nhóm sẽ học được những kiến thức mới mẻ và cần thiết về động lực tham gia, đóng góp, và động lực giữa người với người. AQ nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong vốn từ và tiêu chuẩn của bất kỳ nhóm nào có hiệu quả làm việc cao. Thông qua mô hình và phương pháp của AQ, các gia đình và cộng đồng sẽ được học những biện pháp thực tế để vượt qua nỗi vô vọng, đồng thời cung cấp cho các thành viên của mình những chiến lược lâu dài để đạt được những mục đích lớn hơn và hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Cuối cùng, cuốn sách này là niềm hy vọng cho con người (một) và nhân loại (tất cả). Niềm hy vọng đó sẽ tạo ra hành động và khả năng khao khát làm được điều mình muốn. Tôi tin rằng công trình này thể hiện niềm hy vọng rõ ràng nhất, ngắn gọn nhất của bất kỳ ai trong chúng ta, dù là cá nhân hay tập thể, đó chính là được sống có ý nghĩa hơn, bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. DAVID PULATIE Phó chủ tịch cao cấp Tập đoàn Motorola, Inc. PHẦN MỘT: PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN CHƯƠNG 1: Quan niệm mới về thành công Ẩn sâu bên trong mỗi con người là những quyền năng chưa được khai phá; đó là những quyền năng sẽ khiến bản thân họ ngạc nhiên và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có được; nhưng đó là những sức mạnh mà nếu được đánh thức và biến thành hành động thì sẽ có thể thay đổi cả cuộc đời họ. Orison Marden Đó là một khu vực có kích thước chỉ bằng một ga-ra ô tô, trông nó giống như một chiếc ngai vàng xù xì làm bằng băng đá nhô ra gần 6 dặm hướng lên trời. Nằm phía trên những ngọn gió và cao hơn tầm bay của hầu hết các loại máy bay dân dụng, đó chính là đỉnh núi Everest, ngọn núi của mọi ngọn núi. Đây là nơi gần các vì sao nhất trên Trái đất, các nhà leo núi thường bị quyến rũ bởi vẻ đẹp tráng lệ và độ dốc thẳng đứng của nó. Tuy nhiên, không ai bảo đảm được là mình sẽ thành công khi leo lên ngọn núi này. Trong bảy người chỉ có một người lên được đến đỉnh núi. Gần đỉnh núi là những cơn bão cuồng quét với tốc độ 160km/h, sẵn sàng quật ngã nạn nhân của chúng bằng những cơn gió buốt lạnh và tầm nhìn bằng không. Người leo núi sẽ chết dần chết mòn, chống chọi trong một cuộc chiến nắm chắc phần bại để tránh không bị kiệt sức. Trên 5.486m, vết thương không thể lành lại, cơ thể kiệt quệ và không khí khô đến mức chỉ ho thôi cũng có thể khiến xương sườn của chúng ta bị gãy. Leo núi trong những điều kiện bất lợi như vậy là thử thách tột bậc đối với con người. Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 1996, 31 người leo núi của năm đoàn thám hiểm đã lên được đến đỉnh núi Everest. Bất ngờ, có một cơn bão dữ dội kéo đến khiến nhiều người bị mắc kẹt. Trong nhiều giờ đồng hồ sau đó, một số người sống sót, còn một số đã phải bỏ mạng. Một trong số đó là Doug Hanson, một nhân viên bưu chính ở Renton, Washington. Khi cơn bão tấn công, Hanson đã nằm xuống. Khi đi xuống núi mà nằm xuống là một việc làm vô cùng nguy hiểm. Rất ít người có thể đứng dậy trở lại. Vào cái đêm băng giá ấy, Hanson đã đầu hàng và ra đi.