Bài giảng: Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền
lượt xem 78
download
Bản sắc dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước - đó là lòng yêu nước, ý thức dân tộc, lòng nhân ái, trọng nghĩa, cần cù sáng tạo…
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bài giảng: Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền
- Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền Nguyễn Thị Vĩnh Linh 1 Năm 2012
- Bài giảng: Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền Đại học Quảng Nam A. MỞ ĐẦU 1. Vị trí chuyên đề trong chương trình đào tạo cử nhân Việt Nam học Văn hóa là sức sống nội tại của mỗi dân tộc. Một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là biểu hiện cao nhất của tinh thần độc lập tự chủ, biểu hiện tiềm năng sáng tạo vô hạn của mỗi dân tộc. Bản sắc dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước - đó là lòng yêu nước, ý thức dân tộc, lòng nhân ái, trọng nghĩa, cần cù sáng tạo…Những giá trị truyền thống đó được kế thừa qua các thế hệ, làm nên bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam mà trong đó không thể phủ nhận văn hóa gia đình, dòng họ, làng xã qua các thời kỳ lịch sử. Từ bao đời nay gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam luôn là nơi cộng đồng dân cư sinh sống, gắn bó chặt chẽ với nhau trong các quan hệ kinh tế, dòng tộc và văn hóa và chính nơi đây đã góp phần gìn giữ và lưu truyền những giá trị của văn hóa Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việt Nam là một quốc gia phương Đông nên cũng mang đầy đủ loại hình văn hóa gốc nông nghiệp. Tính cộng đồng trong xã hội người Việt rất cao vì thế mối quan hệ gia đình, gia tộc, làng xã được đặc biệt coi trọng. Thế nhưng trong giai đoạn hiện nay, nếp nhà, đạo nhà đang dần mất đi, làng xã cổ truyền bao đời nay gắn bó với người dân Việt Nam cũng biến mất. Phải chăng văn hóa cổ truyền Việt Nam, trong đó hạt nhân là gia đình, dòng họ, làng xã không còn vai trò đối với nền văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế? Với những ý nghĩa như trên, khoa Văn hóa - du lịch trường Đại học Quảng Nam tổ chức biên soạn bài giảng “Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền” để bước đầu trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, văn hóa làng xã Việt Nam. Bên cạnh đó, trang bị cho sinh viên nhân sinh quan và thế giới quan đúng đắn góp phần ngăn chặn nguy cơ bị “hòa tan mất bản sắc văn hóa dân tộc”. Đây là những kiến thức chuyên ngành vô cùng cần thiết cho những sinh viên Việt Nam học nói riêng và những người yêu thích nghiên cứu về văn hóa làng xã Việt Nam nói chung để các chúng ta nhận thức đầy đủ về văn hóa Việt Nam và tinh hoa của nền văn hóa ấy được thể hiện dưới hình thức văn hóa làng xã Việt Nam cổ truyền. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1 Mục đích - Giúp cho sinh viên hiểu được những nét cơ bản về văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống cũng với sự tồn tại vững chắc của dòng họ trong các làng xã Việt Nam cổ truyền. Thông qua các kiến thức được tiếp nhận các em thấy được văn hóa gia Nguyễn Thị Vĩnh Linh 2 Năm 2012
- đình, dòng họ, văn hóa làng là những thành tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. - Nội dung văn hóa gia đình, dòng họ, văn hóa làng có thể được nghiên cứu thông qua các bình diện như văn hóa xã hội, văn hóa tư tưởng và văn hóa nghệ thuật. Ở mỗi bình diện lại có nhiều hiện tượng văn hóa khác nhau. Có cái đã trở thành biểu trưng mang giá trị truyền thống nhất định. Đây là một vấn đề khoa học rất lý thú nhưng cũng rất phức tạp. Vì thế thông qua chuyên đề này, sinh viên sẽ được trang bị một hệ thống kiến thức có bản, các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam truyền thống. Thông qua đó bồi dưỡng cho các em tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đây là những điều kiện hết sức cần thiết để các em có định hướng đúng đắn cho cách sống và sự lựa chọn nghề nghiệp của bản thân. Chuyên đề cũng nhằm giúp các em bồi dưỡng năng lực tư duy phân tích, so sánh, đối chiếu và bước đầu bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên. 2.2 Nhiệm vụ - Cung cấp một số khái niệm cơ bản liên quan đến gia đình, lễ thức gia đình, dòng họ, văn hóa làng. - Tái hiện bức tranh sinh động về văn hóa gia đình truyền thống: các giai đoạn biến đổi, những lễ thức gia đình; văn hóa dòng họ: tên họ và quan hệ huyết thống, triết lý gia phong cũng như vai trò của dòng họ trong làng xã Việt Nam cổ truyền; văn hóa làng xã Việt Nam cổ truyền thể hiện trên các phương diện: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa nghệ thuật… - Đề cập đến thực trạng và các biện pháp bảo tồn và phát huy những nét đẹp của văn hóa làng trong giai đoạn hiện nay. 3. Phương pháp nghiên cứu 3.1 Phương pháp luận: Đảm bảo nguyên tắc của phương pháp luận Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác nghiên cứu khoa học: tính chính xác và khách quan của những vấn đề được nêu ra. 3.2 Phương pháp cụ thể: - Đối với người dạy: kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp: tường thuật, phân tích, so sánh, tổng hợp, đánh giá… sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát huy năng lực tư duy của người học. + Người dạy giới thiệu nguồn tư liệu cần thiết cho sinh viên tự nghiên cứu, thực hiện kiểm tra đánh giá để phát triển tài năng và uốn nắn những hạn chế của người học. - Đối với người học: Nguyễn Thị Vĩnh Linh 3 Năm 2012
- + Kết hợp nghe giảng với nghiên cứu tài liệu, trao đổi tại lớp. + Thường xuyên tìm hiểu và cập nhật những thông tin mới nhất về môn học. + Bước đầu trao dồi năng lực tư duy nghiên cứu thông qua việc thực hiện các bài thảo luận, tiểu luận. 4. Cấu trúc chương trình Ngoài lời mở đầu, môn học được chia làm 6 chương với thời lượng giảng dạy 4 tín chỉ. Trong đó: CHƯƠNG 1: GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, LÀNG XÃ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN – NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT CHƯƠNG 2: GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, LÀNG XÃ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN - NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA XÃ HỘI CHƯƠNG 3: GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, LÀNG XÃ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN - NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA TINH THẦN CHƯƠNG 4: GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, LÀNG XÃ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN - NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA VẬT CHẤT CHƯƠNG 5: GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, LÀNG XÃ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN - NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CHƯƠNG 6: VĂN HÓA LÀNG XÃ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN - HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN Ôn tập và kiểm tra 4 tiết 5. Tài liệu tham khảo chính 1. Toan Ánh (1992), Nếp cũ làng xóm Việt Nam, NXB Tp Hồ Chí Minh 2. Huỳnh Công Bá (2008), Lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB Thuận Hóa 3. Huỳnh Công Bá (2008), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Thuận Hóa. 4. Vũ Ngọc Khánh (2004), Làng cổ truyền Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 5. Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu Văn hóa cổ truyền Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội Nguyễn Thị Vĩnh Linh 4 Năm 2012
- B. NỘI DUNG CHƯƠNG 1: GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, LÀNG XÃ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN – NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT * Mục tiêu: Giáo dục: SV nắm vững và hiểu rõ các khái niệm gia đình, dòng họ, làng, xã. Những nề nếp và tập tục của một gia đình người Việt cổ truyền. Mối quan hệ giữa gia đình và dòng tộc cũng như vai trò của dòng tộc đối với xã hội Việt cổ truyền. Giáo dưỡng: Từ những kiến thức được lĩnh hội, người học sẽ có một nhận thức đúng đắn về gia đình, làng xã người Việt cổ truyền. Từ đó, bồi dưỡng tình yêu thương, gắn bó với gia đình, làng xóm. Đồng thời thấy rõ trách nhiệm của một thành viên trong dòng tộc, nhằm cố gắng phấn đấu học tập để góp phần xây dựng dòng họ và làng xã ngày càng văn minh, giàu mạnh. Phát triển: bồi dưỡng kỹ năng phân tích tổng hợp... * Phương pháp giảng dạy: sử dụng tổng hợp các phương pháp: phát vấn, thuyết minh, đặc biệt sử dụng hệ thống các câu hỏi gợi mở để giúp SV tiếp cận vấn đề một cách nhanh chóng và chính xác. 1.1 Khái niệm gia đình, dòng họ 1.1.1 Gia đình - Theo nghĩa rộng: Gia đình bao gồm cả gia tộc những người thân cùng huyết thống. Đặc biệt với nguồn gốc con Rồng cháu Tiên thì dân tộc ta là một đại gia đình. Gia đình truyền thống của người Việt là những Tam đại, Tứ đại, Ngữ đại đồng đường. - Theo nghĩa hẹp: Tức là gia đình hạt nhân trong truyền thống Việt Nam. Trong đó, quan hệ cha me – con cái chi phối hết thảy mọi mối qua hệ khác. Như vậy, Gia đình: là một tổ chức cơ sở gồm những người liên kết với nhau bằng huyết thống và nghĩa tình. Hai vợ chồng tuy không cùng huyết thống nhưng được liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa. Tổ chức ấy có mục đích thiêng liêng là xây dựng cho cơ sở đất nước một tổ ấm cả về tinh thần và về vật chất để giáo dục con cái, đóng góp và giữ gìn văn hóa dân tộc 1.1.2 Dòng họ Dòng họ xét về mặt vật chất, là chỉ một tập hợp người cùng một huyết thống. Ở xã hội loài người sự sinh sôi, nảy nở dùng để duy trì nòi giống được định hướng đến sự ra đời những thế hệ sau khỏe mạnh, ưu tú và ngày càng phát huy được cao nhất trí sáng tạo. Điều đó, được thể hiện như những nét văn hóa, chẳng hạn như việc cấm kết hôn trong cùng dòng máu, cấm mọi hành vi loạn luân. Nguyễn Thị Vĩnh Linh 5 Năm 2012
- Đối với mỗi dòng họ, chúng ta thấy được sự cố kết huyết thống được thể hiện trong các cây phả hệ. Tất cả được duy trì một cách có quy tắc nghiêm ngặt trong các xưng hô - ứng xử; và các dòng họ đã văn bản hóa cách thức ứng xử đó bằng cuốn gia phả dòng họ. Cũng từ gia phả, các nhà thờ họ - từ đường ra đời nhằm duy trì tập tục và truyền thống của từng họ. Nhiệm vụ của dòng họ là làm sao duy trì và tạo lập cho các thế hệ tiếp sau có cuộc sống lành mạnh, ổn định lâu dài. Vai trò của dòng họ đối với từng gia đình cũng như đối với mỗi thành viên trong dòng tộc có ý nghĩa giáo dục quan trọng. Tự hào về dòng họ sẽ góp phần nuôi dường lòng tự hào dân tộc. Cho nên có thể nói, văn hóa dòng họ là vấn đề rất thiêng liên trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. 1.2 Thuật ngữ làng, xã, văn hóa làng 1.2.1 Làng (Nôm): - “Làng”, như nhiều học giả đã xác nhận, đó là từ thuần Việt. Đây là điều thật đáng lưu ý. Khác với xã, thôn là những từ Hán - Việt, làng có cội nguồn từ chính đời sống Việt Nam và được biểu đạt trong ngôn ngữ thuần Việt. - Có nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ này: Theo TS. Huỳng Công Bá: “Làng - dùng để chỉ một đơn vị tụ cư nhỏ nhưng chặt chẽ và hoàn chỉnh nhất của người nông dân Việt Nam”. + Theo PTS. Nguyễn Văn Mạnh, làng là “một cộng đồng dân cư cố kết với nhau trên cơ sở một vùng lãnh thổ nhất định [16; 17]. Các thành viên được phân định vai trò của mình trong cơ cấu làng, thông qua dân bản quán hay dân ngụ cư gắn bó với nhau ít nhất về hai phương diện: láng giềng, cận cư và huyết tộc. Cộng đồng cư dân làng có lối sống riêng, có những đặc trưng đặc thù về tâm lý, đạo đức, phong tục, tập quán…” [16; 18]. +Theo GS Nguyễn Duy Quý: “Làng Việt (kẻ, thôn…) là một thiết chế xã hội, một đơn vị tổ chức chặt chẽ của nông thôn Việt trên cơ sở địa vực, địa bàn cư trú; là sản phẩm tự nhiên phát sinh từ quá trình định cư và cộng cư của người Việt; trồng trọt là điểm tập hợp cuộc sống cộng đồng tự quản đa dạng và phong phú của người nông dân, ở đó họ sống, làm việc, quan hệ, vui chơi, thể hiện mối ứng xử văn hoá với thiên nhiên, xã hội và bản thân họ.” [32] - GS. Trần Quốc Vượng: “Làng là một đơn vị cơ sở và là không gian sinh hoạt văn hóa chính yếu của người Việt, là một thiết chế phức hợp, vừa chứa những yếu tố khởi nguyên của công xã, vừa chịu tác động của những thay đổi chế độ xã hội. Làng - một hệ thống riêng (kinh tế, xã hội …) gồm những yếu tố hợp thành. Hệ thống này có những quan hệ nội tại, bên trong (đóng kín), song cũng có những quan hệ bên ngoài (mở, hở)” [47; 22] Nguyễn Thị Vĩnh Linh 6 Năm 2012
- * Mặc dù các nhà nghiên cứu đã có những định nghĩa khác nhau về thuật ngữ “làng” nhưng tựu chung lại chúng ta đều thống nhất ở những điểm sau đây: - Làng Việt là một thành tố quan trọng trong cơ cấu xã hội Việt (nổi lên là gia đình (nhà) - làng - nước, còn cấp vùng, tỉnh là đơn vị trung gian ít quan trọng hơn) với hai đặc trưng cơ bản là: tính cộng đồng và tính tự trị. - Là một thiết chế xã hội của nông thôn Việt, có cơ cấu tổ chức phong phú nhưng chặt chẽ, có tính cộng đồng và tự trị cao, làng Việt ở mặt trái, mang tính khép kín, bản vị. Song nó lại chính là nơi lưu giữ, bảo vệ một thứ văn hoá làng chống lại sự xâm lăng, đồng hoá của văn hoá ngoại lai. Làng Việt và văn hoá làng Việt đang là vấn đề rất thú vị cho những ai quan tâm, nghiên cứu nó. - Tuy thế, ở nước ta, không phải bất kỳ đâu, làng Việt cũng có đặc điểm và tính chất giống hệt nhau. Nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học, folklore học, tâm lý dân tộc học… qua quá trình điền dã và thẩm định đã cho thấy rằng: làng Việt ở Bắc - Trung - Nam bộ có những đặc điểm khác nhau trên cơ sở những cái giống, cái chung. Tính chất và đặc điểm đại đồng, tiểu dị này ngày càng được khẳng định không chỉ về mặt lý thuyết, mà còn ở thực tiễn nữa. 1.2.2 Xã - Đây là từ gốc Hán - Việt, từ nguyên có nghĩa là “nền đất để tế thần (thời thượng cổ, cư dân một vùng thường tập hợp lại hàng năm làm lễ tế thần đất trên một cái nền). Lâu dần thuận tiện trong giao dịch, người ta gọi khu vực đó là “xã” [18; 752]. Qua quá trình phát triến, xã đã trở thành đơn vị hành chính thấp nhất và là đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước phong kiến ở các vùng nông thôn Việt Nam thời xưa. Trong khi làng là địa điểm tụ cư một cách tự nhiên của người dân Việt thì xã lại là đơn vị hành chính do chính quyền phong kiến lập nên bao gồm nhiều làng để tiện cho việc tổ chức, quản lý cư dân. Như vậy, làng là yếu tố cấu thành của xã. Đối với những xã lớn gồm nhiều làng và trong xã người ta thường chia thành các thôn và do đó làng ở đây được xem là tương đương với thôn. Cho nên, trong khi làng thiên về làng xóm, tình cảm thì thôn mang tính chất hành chính nhiều hơn. Ở những làng lớn khi chuyển sang hệ thống hành chính cơ sở của nhà nước phong kiến thì làng được mang tên là xã. Trong trường hợp này thì làng tương đương với xã nhưng cách thức sử dụng các từ ngữ này có sự khác nhau trong sắc thái ngữ nghĩa, xã được dùng với ý nghiã hành chính và được ghi vào sổ sách nhà nước, còn làng mang tính chất truyền thống thiên về khía cạnh tình cảm. - Như vậy, về phương diện hành chính, xã là thiết chế có tính chất pháp lý. Còn đối với người dân, người nông dân bình thường của hàng bao thế kỷ, thì người ta chỉ biết có làng. Các chỉ, dụ, luật pháp.... của triều đình; các thể chế, quy định của xã, Nguyễn Thị Vĩnh Linh 7 Năm 2012
- thôn ... hết thảy đều thể hiện sức mạnh thông qua làng. Tập tục làng, truyền thống làng là chất keo đặc thù gắn kết mọi thế hệ thành viên của làng. Dù dưới triều đại nào, dù phải ứng xử với người cai trị là bản địa hay ngoại bang, văn minh phương Đông hay phương Tây, làng vẫn tồn tại một cách tự nhiên với sự cố kết cộng đồng đầy bản sắc của nó. 1.2.3 Văn hóa làng - Cho đến nay sau một số hội thảo trong và ngoài nước thuật ngữ “văn hóa làng” có lẽ đã được các nhà nghiên cứu thống nhất về phạm vi khái niệm và nội dung của nó. Thuật ngữ này nên được hiểu theo góc độ nghiên cứu lịch sử văn hóa, lịch sử văn minh nhân loại. Chúng ta có thể hiểu một cách chung nhất, “văn hóa làng là những đặc trưng văn hóa đặc thù, được bảo lưu lâu dài trong từng cộng đồng dân cư làng và tạo nên sự khác biệt giữa các làng. Những đặc trưng đó được thể hiện trên các phương diện phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tâm lý, lối sống, phương thức hoạt động ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [16; 32]. - Khái niệm “văn hóa làng” gắn với hình ảnh làng xã cổ truyền ở Việt Nam với 3 đặc trưng cơ bản: ý thức cộng đồng làng (ý thức dân chủ làng xã, cộng đồng trong sản xuất bảo vệ xóm làng, xây dựng văn hoá, lối sống, đạo đức...); ý thức tự quản (thể hiện rõ nhất trong việc xây dựng hương ước); và tính đặc thù độc đáo, rất riêng của mỗi làng (có khi hai làng gần nhau nhưng không hề giống nhau). + Tính chất khoa học của khái niệm văn hóa làng thể hiện ở chỗ, dù phân loại theo kiểu nào người ta cũng khó có thể đồng nhất phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tâm lý, lối sống, phương thức hoạt động và ứng xử .... của cộng đồng làng với các cộng đồng văn hóa khác, kể cả những cộng đồng đặc biệt gần gũi như xã, hoặc các cộng đồng theo đơn vị hành chính, xã hội hoặc tôn giáo. Văn hóa làng, vì vậy có những nét riêng biệt và mang những dấu ấn đặc trưng cho từng cộng đồng dân cư khác nhau. Chính vì thế, văn hóa làng là cái gì đó rất riêng nhưng cũng rất chung trong khuôn khổ của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Cái chung là hằng số nông nghiệp lúa nước lâu đời, là hằng số văn hóa làng - nước, cái riêng trong văn hóa làng thể hiện ở những tập tục riêng, những lễ hội riêng, cách thức ứng xử riêng. Nhưng từng cái riêng ấy hòa vào kho tàng văn hóa dân tộc làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt, cũng như tính phong phú và đa sắc thái của nền văn hóa ấy. 1. 3 Quá trình ra đời và phát triển gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam 1.3.1 Lịch sử gia đình Việt Nam Cho đến hiện nay, chúng ta vẫn chưa có đầy đủ tài liệu để hình dung chính xác về thời điểm xuất hiện gia đình trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể rút ra Nguyễn Thị Vĩnh Linh 8 Năm 2012
- một số nhận định ban đầu như sau. Người Việt vào lúc khởi đầu chỉ biết mẹ mà không biết cha, hoặc dấu ấn của cha rất mờ nhạt. Sách Lĩnh nam chích quái ghi lại rằng khi dân chúng bị loài thủy quái phá phách cũng chỉ biết kêu lên: ”bố ơi về cứu chúng con” (ở đây ám chỉ Lạc Long Quân). Vào những thế kỷ tiếp theo, quan niệm về gia đình trở nên khá sâu sắc. Đặc biệt từ thế kỷ XV trở đi, cùng với việc xác lập xã hội phong kiến tôn sùng nho học thì gia đình Việt Nam đã được ổn định và có đầy đủ nề nếp, truyền thống gia đình với 3 loại gia đình chính: gia đình bình dân, gia đình kẻ sĩ và gia đình quý tộc. - Gia đình bình dân Loại gia đình này chiếm số đông trong xã hội, là những người nông nghiệp, thủ công và các ngành nghề, các tầng lớp khác. Trên lý thuyết, những gia đình này phải tuân theo các phép tắc Nho gia, nhưng trong thực tế họ đã vận dụng chúng theo phương thức riêng trên cơ sở lớp văn hóa bản địa và lịch sử hàng ngàn năm. Trong gia đình này, mọi thành viên được phân công lao động nhịp nhàng, không tán thành chế độ đa thê, sống hòa thuận và biết nhường nhịn lẫn nhau, dây cũng là nét đẹp trong văn hóa gia đình Việt cổ truyền. - Gia đình kẻ sĩ Cũng có người gọi là gia đình nhà nho. Với đặc điểm tiếp thu Nho học một cách đầy đủ nhất, gia đình này tuân theo giáo dục Nho học một cách nghiêm túc, song còn có tinh thần dân tộc rất cao. Đặc biệt kẻ sĩ chân chính có tầm ảnh hưởng rất rộng và sâu sắc đến vợ, con, anh, em và họ hàng. Đặc điểm của loại gia đình này được thể hiện ở 2 điểm” công phu đọc sách và ý thức đối với vận mệnh dân tộc. Vì chỉ lo học kinh, sách nên họ hoàn toàn không tham gia sản xuất, lao động. Kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào người vợ. Con đường khoa bảng là mục tiêu cuộc đời họ hướng tới. - Gia đình quý phái Đây là gia đình các quan lớn, hoàng tộc. Những gia đình này có nề nếp, gia phong rất nghiêm ngặt nhưng không bền vững. Tùy thuộc và sự hưng thịnh hay suy vi của các triều đại mà những gia đình này cũng biến đổi theo... 1.3.2 Những bước phát triển và biến đổi của các tộc họ người Việt truyền thống. - Nghiên cứu tất cả hệ thống tên họ các dân tộc trên thế giới cho thấy người Việt có lẽ là một dân tộc đầu tiên, cùng với người Trung Hoa và Ðại Hàn, có một hệ thống tên họ đơn giản và hợp lý nhất. Theo diễn trình phát triển của lịch sử dân tộc, cùng với quá trình di cư xuống Nguyễn Thị Vĩnh Linh 9 Năm 2012
- phía Nam, người Việt đã dần dần dịnh cư và lập nên làng xóm. Nhà nước Văn lang – nhà nước đầu tiên của cư dân Việt ra đời. Để quản lý số dân ngày càng đông, đòi hỏi phải có sự phân định rạch ròi từ trong các công xã nông thôn – làng. Do đó hơn hai ngàn năm trước, tổ tiên ta đã nghĩ lập ra "sổ điền" cốt để nhà vua kiểm kê nhân và dân số hàng năm hoặc theo một thời hạn cố định, mục đích nhằm phân chia ruộng nương thời đó thuộc về nhà vua. Việc phân chia này đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận từng nóc gia. Với họ và tên gọi, quan chức triều đình có thể ấn định số người trong mỗi gia đình. Về sau thêm "sổ đinh" hoặc "sổ bộ", ghi họ tên chính thức về hộ tịch từng cá nhân và gia đình. Rồi từ "sổ bộ", mỗi gia đình lập một sổ riêng, ghi chú tất cả những việc cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma. Ðó là nguồn gốc của gia phả. - Cách đặt tên họ của người Việt: "Họ" theo nghĩa gốc có liên hệ với nhà và dưới chế độ phong kiến, nối kết con người với đất ruộng: một mái nhà, một gia đình, một họ. Họ và tên của một người định vị trí của cá nhân người đó trong xã hội, xác định cá thể trong một toàn thể. Họ tên của người Việt thông thường gồm có theo thứ tự: họ, chữ lót hoặc tên đệm, và tên gọi. Số họ người Việt rất hạn chế, có khoảng 140 họ khác nhau. Do đó có thành ngữ "trăm họ" (bách tính, còn đọc là "bá tánh") thời xưa thường dùng để chỉ dân chúng cả nước. Những họ Việt Nam thường gặp nhất là Nguyễn, Phạm, Phan, Trần, Lê, Vũ/Võ, Trương, Huỳnh/Hoàng. Nhiều người mang cùng một họ không có nghĩa là họ có cùng một gốc gác. Thời xưa và nhất là ở nhà quê, người ta phân biệt nhau bằng cách gọi "họ Nguyễn làng Tiên Ðiền", "họ Nguyễn làng Tây Sơn", v.v. Trong nhiều làng thôn, tất cả mọi người cùng mang một họ. Có người cắt nghĩa là vì vào thời lập quốc, người Việt chỉ có một tổ tiên chung là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ðến thời hiện đại, những người Việt này chứng minh mỗi dòng họ một tổ tiên riêng. Từ khi bị người phong kiến phương Bắc đô hộ, người Việt chính thức theo chế độ phụ hệ, do đó con cái phải lấy họ cha. Theo dân luật, con phải lấy họ cha, không có vấn đề tự do lựa chọn. Họ không thể cho người ngoài họ dùng và trên nguyên tắc không thể thay đổi. Trong một số trường hợp có cả họ kép. Ða số người Việt mang một họ trong số 16 dòng họ đã từng cai trị lẫy lừng trong lịch sử. Theo thứ tự niên đại, đó là những họ Thục, Trưng, Triệu, Mai, Khúc, Lý, Phùng, Kiều, Ngô, Ðinh, Lê, Trần, Hồ, Mạc, Trịnh và Nguyễn. Hoặc họ là con cháu thật sự của những dòng họ kể trên, hoặc họ xử dụng như mượn họ hoặc bị bắt buộc mang những họ đó nhưng khác họ thật. - Một số trường hợp thay đổi họ: Có gia đình tự ý đổi lấy họ đương triều để chứng tỏ sự trung thành. Có người do nhà vua ban cho như Nguyễn Trãi có lúc đổi Nguyễn Thị Vĩnh Linh 10 Năm 2012
- tên là Lê Trãi theo họ nhà vua. Một số khác bị bắt buộc phải đổi họ của triều đại vừa bị lật đổ để lấy họ đương triều để chứng giám lòng trung thành với triều đại mới. Trong nhiều trường hợp, triều đình bó buộc dân gian bỏ họ gốc để lấy quốc tính để tránh những nhóm phản động có ý lật đổ triều đình hay làm loạn đưa người họ triều triều đại vừa bị lật đổ vào cho có lý do chính trị (ý trời, "thuận thiên"). Ngoài ra, có người cải đổi tên họ vì trốn sưu thuế, trốn lính hoặc bất đắc dĩ phải đổi lấy họ đương triều vì ông cha bị tội hình như "tru di tam tộc" - cũng là lý do tại sao ngày xưa khi đi thí phải khai họ ba đời. Hoặc vì kiên tên húy của vua chúa, nhiều người phải đổi họ, như ông trạng Hoàng Nghĩa Phú (1511), tổ tiên vì kiêng tên vua Lý mà đổi ra họ Trịnh, rồi lại phải đổi ra họ Trần;đến đời Trần Khắc Minh mới đổi lấy lại họ Hoàng. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ vốn họ Hồ và dòng dõi Hồ Quý Ly, sau lấy họ mẹ là Nguyễn. Cùng trường hợp với Nguyễn Quang Bích là cháu đời thứ hai của Ngô Quyền. 1.3.3 Quá trình ra đời và phát triển của làng xã Việt Nam 1.3.3.1 Quá trình ra đời Mặc dù những kết quả khảo cổ học đã cho biết tại nhiều di chỉ thuộc các giai đoạn có niên đại vài ba ngàn năm cách ngày nay người ta đã phát hiện những dấu vết sinh sống của con người. Nhưng từ đó để tìm đến những giai đoạn hình thành làng mạc thì vẫn còn phải chờ đợi thêm nhiều công sức nghiên cứu. - Xóm làng vốn không có ngay từ đầu khi con người mới xuất hiện vì với hoạt động kinh tế hái lượm, săn bắt phải thường xuyên di chuyến nên không có điều kiện tụ cư thành làng. - Dựa vào các tài liệu khảo cổ học có thể hình dung, từ thiên niên kỷ II và I trước công nguyên (TCN): tổ tiên người Việt đã rời bỏ hang động tỏa xuống vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ ngày nay. Đến khi nông nghiệp ra đời, con người cần định cư để tiến hành các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi thì do quá trình định cư đó dần dần ra đời các địa điểm cư trú của người nông dân cùng khai thác đất đai tại một địa phương để sinh sống. Cũng từ đó mà xóm và làng được hình thành. Từng nhóm cư nông đã quần tụ thành từng cư điểm ngoài trời. Những cư điểm này thường được thiết lập trên những gò, đồi thấp, chân núi, doi đất giữa vùng đất trũng, bên những dòng sông và đầm hồ…Các cư điểm này có quy mô rất khác nhau, có cư điểm rộng hàng vạn mét vuông và tồn tại hàng ngàn năm. Do nhu cầu hợp tác để tiến hành các hoạt động trị thủy, thủy lợi mà mà các xóm làng ở phương Đông cũng như ở Việt Nam đã liên kết với nhau hình thành nên một tổ chức đứng bên trên điều khiển các công việc chung là nhà nước. Từ khi nhà nước ra đời thì làng xóm vốn là những đơn vị tụ cư làm nông nghiệp của người nông dân đã biến thành những đơn vị Nguyễn Thị Vĩnh Linh 11 Năm 2012
- hành chính cơ sở của nhà nước mà ở Việt Nam đó là các kẻ, chiềng, chạ… Sang thời Bắc thuộc, các kẻ, chiềng, chạ tiếp tục là những đơn vị tụ cư của người dân. Thế nhưng, để có thể quản lý chặt chẽ hơn và dễ dàng thực hiện chính sách đồng hóa, phong kiến Hán tộc đã đặt bộ máy cai trị cấp cơ sở là xã. Nhà Đường còn chủ trương phân loại xã thành tiểu xã có từ 10 đến 30 hộ và đại xã từ 40 đến 60 hộ. Như vậy, xã là đơn vị hành chính cơ sở do giai cấp phong kiến phương Bắc du nhập vào xã hội nước ta nhưng thực tế đã cho thấy nhà Đường đã không thể biến các kẻ, chạ của người Việt thành những đơn vị xã của chúng. Nhưng đến khoảng cuối thời Bắc thuộc, một tên gọi mới dùng để gọi những đơn vị tụ cư cơ bản của người Việt Nam là làng đã ra đời thay thế cho các tên kẻ, chiềng, chạ. - Sau ngày đất nước giành được độc lập, trong cải cách hành chính của mình Khúc Hạo cho đặt đơn vị xã làm đơn vị hành chính cơ sở của Tĩnh hải quân tiết trấn và cũng từ đó trở đi xã trở thành đơn vị hành chính cơ sở chủ yếu của nhà nước phong kiến. Bên cạnh đơn vị hành chính cơ sở - xã, thì triều đại còn quy định về tên gọi của đơn vị hành chính cơ sở ở những khu vực đặc biệt với các tên: sách, động, nguyên, trường, sương…Dưới thời Minh thuộc nhà Minh cho đổi tên gọi là lý. Ngoài ra, do công tác khẩn hoang, thành lập làng xã về sau nhiều nơi ruộng đất khai phá với quy mô nhỏ không cho phép đặt tên xã mà chỉ gọi là thôn. Trong trường hợp này, thôn mang tư cách là một đơn vị hành chính cơ sở tương đương với xã đó là những thôn độc lập dưới sự quản lý hành chính của nhà nước. Làng được ẩn chứa bên trong đơn vị xã như là một tập hợp cư trú mang tính chất truyền thống và tinh thần cộng đồng bền chặt. Trong quá trình phát triển của mình thì làng xã Việt Nam đã trải qua ba lần biến đổi lớn: lần thứ nhất vào thế kỷ XV do tác động của chính sách quân điền của nhà Lê. Lần thứ hai do chủ trương cải cách hương chính của Pháp. Lần thứ ba do chủ trương cải cách ruộng đất và hợp tác hóa nông nghiệp. 1.3.3.2 Cách thức thành lập làng Về mặt ngôn ngữ, từ làng cũng chưa rõ có từ bao giờ. Đối chiếu với chữ Hán, có thể làng là thôn, lý, hương. Các sách vở cũ, từ thời Lý, Trần nói đến hương nhiều hơn, chứ không nói đến thôn, lý hay xã. Trong ngôn ngữ, cũng như trong cơ cấu tổ chức còn có một số khái niệm dùng tương đương, đồng nhất hoặc gần gũi với làng. Đó là những từ như: trang, xá, kẻ, phường hay thôn, phe, giáp… Mặc dù cách hiểu về các khái niệm này không giống nhau và còn nhiều chỗ phải tranh luận, thế nhưng qua đó chúng ta cũng thấy được rằng các làng Việt Nam đã được thành lập theo nhiều dạng: Nguyễn Thị Vĩnh Linh 12 Năm 2012
- - Hoặc từ những đơn vị tụ cư đầu tiên - từ các thị tộc, bộ tộc xa xưa ở miền núi và trung du đi xuống đồng bằng, hay từ ngoài biển vào đất liền, cùng sinh sống, liên hệ với nhau, dần dần hình thành chỗ định cư lâu dài. Có thể nghĩ đến những Quêl của dân tộc Mường, những nhóm người người Mường - Việt cổ ở dưới quyền các quan lang. Từ lang đến làng chắc phải có mối liên hệ nào đó. Từ sự cộng cư của từng nhóm đến sự giao thiệp giữa các nhóm ở gần nhau, có khả năng đưa đến các chạ…Có thể cho rằng tiếng kẻ ra đời tiếp đó. Kẻ vừa dùng để chỉ con người, vừa để chỉ khu vực mà con người đó cư trú. Kẻ tức là quê, giống tiếng Quêl của Mường. Lâu dần, ngữ nghĩa được mở rộng, có thể gọi là kẻ biển, kẻ rừng, kẻ quê và cũng có khi được ghép vào với tên riêng để trở thành làng. - Những địa điểm tụ cư như vậy, dần dần có thêm nhiều biến đổi: có thể do chỗ ở dần dần được mở rộng mà các làng có vị trí cách xa nhau, do môi trường thiên nhiên ở mỗi làng không giống nhau; do khả năng nghề nghiệp và thói quen sinh hoạt mà có thêm nhiều đơn vị khác nằm trong vùng quê ấy, hoặc sẽ tách riêng ra. Trường hợp này làm xuất hiện các phường. Những vùng đất còn giữ được tên phường hiện nay đều cho thấy chúng ở ven sông, ven biển, hoặc gần nơi đô hội, hoặc là chỗ có nghề thủ công. Phường như vậy cũng là một kiểu làng: nơi kinh đô có phố phường, vùng biển có vạn, phường. Bên cạnh đó, phường còn có nghĩa hẹp chỉ một nhóm người cùng làm chung một công việc. Ví dụ như phường cấy, phường bát âm… - Hoặc là những đơn vị, do một người khởi xướng, tìm được đất để làm ăn, sinh sống, kéo thêm cả họ vào. Cũng có thể là một liên minh gia tộc cùng quây quần lại để gắn bó và bảo vệ lẫn nhau. Trường hợp này làm xuất hiện các xá, các làng thôn. Loại xá này có trường hợp thành lập muộn, có trường hợp không do sự khai khẩn ban đầu mà do những nguyên nhân chiếm lĩnh khác. Tiếp đó, có thể có nhiều họ khác đến cộng cư, nhưng vẫn thừa nhận cái tên do dòng họ khai khẩn đầu tiên đặt ra. - Hoặc là những vùng đất do nhà vua lấy để ban cho những người trong hoàng tộc hay những quan lại có công với đất nước như thái ấp, lộc điền theo chế độ ân sủng của triều đình phong kiến. Có vùng, người được hưởng lộc chỉ lấy hoa lợi, vì đã có dân cư rồi (La Sơn Phu Tử nhận lộc thuế làng Nguyệt Ao do vua Quang Trung ban). Có vùng, viên quan chỉ cắm ruộng (Lê Phụng Hiểu thời nhà Lý được hưởng ruộng Thác đao điền). Nhưng nhiều người nhất là dưới thời Lý - Trần, đã thành lập các trang trại, thái ấp đưa họ hàng, gia nhân, binh lính đến sinh sống lâu dài. Những địa điểm như vậy gọi là điền trang hay trang trại. Hết thời hạn ban thưởng, những điền trang trên được trả về quyền quản lý của các phủ, huyện và trở thành làng. Như vậy, trang và làng ban đầu khác nhau, nhưng sau đó thì đồng nhất thành một. Nguyễn Thị Vĩnh Linh 13 Năm 2012
- Bên cạnh đó, còn có một số ấp, những dinh cơ của quan lại, địa chủ, tụ tập đông đúc họ hàng…được phát triển thành làng. Các trang, ấp đều có phạm vi không hạn định. Có trang diện tích hẹp tương đương với một làng. Có trang diện tích rộng sau này được chia tách thành nhiều làng. Ví dụ như Xuyên Bảo trang có từ thời nhà Lý sau chia thành 4 làng, nay gộp lại trong một xã (xã Từ Liêm, huyện Từ Liêm, Hà Nội). - Từ khoảng thế kỷ XIV, XV trở về sau, hiện tượng khai dân lập ấp nở rộ. Phần lớn sử sách còn truyền đến ngày nay đều ghi chép về việc những vị quan, tướng tự mình chiêu tập dân chúng lập làng. Đây là trường hợp ra đời của các xá nói trên, hoặc các thôn. Những người khởi lập hầu hết đều từ nơi khác đến, họ dựa theo mô hình có sẵn ở nguyên quán đến lập làng mới và đặt tên mới. Loại làng này có khá nhiều, và cũng không ít trường hợp không thể tìm ra nguyên gốc hình thành làng. Đến thời kỳ hưng vượng người ta nhớ công ơn người đi trước, nên đã tự xem mình là hậu duệ của các anh hùng, các khai quốc công thần… - Có làng ra đời là do kết quả của các chiến dịch lớn hoặc do việc khai khẩn đất đai. Trường hợp này rất dễ nhận ra vì vẫn còn có những chứng tích cụ thể. Làng sau những chiến công diệt giặc đều thờ những vị tướng lãnh đạo nhân dân đánh giặc làm thành hoàng làng. Nhiều làng được thành lập do nhà nước chiêu tập dân cư làm đồn diền (thời Lê, Nguyễn đều có) và nhiều làng do khai hoang, lấn biển, vỡ đồi. - Còn có một số sở, trại, nơi hội tụ của những tù binh, tù nhân, nơi đóng quân của các binh lính sau trở thành làng. 1.3.3.3 Cách thức tổ chức làng - Làng Việt được tổ chức rất chặt chẽ, không phải theo một mà nhiều cách, nhiều nguyên tắc khác nhau, tạo nên nhiều loại hình, nhiều cách tập hợp người khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất cao. Về cơ bản, cơ cấu làng Việt (cổ truyền và hiện đại) được biểu hiện dưới những hình thức tổ chức (liên kết, tập hợp người) sau đây: + Tổ chức theo địa vực (khu đất cư trú) với mô thức phổ biến: Làng phân thành nhiều xóm, xóm phân thành nhiều ngõ, mỗi ngõ gồm một hay nhiều nhà… thành những khối dài dọc đường cái, bờ sông, chân đê, những khối chặt kiểu ô bàn cờ, theo hình vành khăn từ chân đồi lên lưng chừng đồi và phân bố lẻ tẻ, tản mác, xen kẽ với ruộng đồng… Mỗi làng, xóm, ngõ có cuộc sống tương đối riêng. + Tổ chức làng theo huyết thống (gia đình), dòng họ. Ngoài các gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân, dòng họ có vị trí và vai trò quan trọng trong làng Việt, là chỗ dựa vật chất, và chủ yếu là tinh thần cho gia đình; có tác dụng trong định canh và xây dựng làng mới, như là trung tâm của sự cộng cảm trong các gia đình đồng huyết… Nguyễn Thị Vĩnh Linh 14 Năm 2012
- Có làng gồm nhiều dòng họ, có làng chỉ một dòng họ và khi ấy làng và dòng họ (gia tộc) đồng nhất với nhau. Điều đáng lưu ý là mức độ liên kết huyết thống trong phạm vi làng Việt là hết sức rạch ròi, chi li với những tên gọi cụ thể (cố - cụ - ông - cha - bản thân - con - cháu - chắt - chút…) + Tổ chức làng theo nghề nghiệp, theo sở thích và lòng tự nguyện (Phe - Hội, Phường nghề…). Mỗi làng có thể có nhiều Phe (một tổ chức tự quản dưới nhiều hình thức câu lạc bộ): Phe tư văn quan trọng hơn; nhiều Hội: hiếu hỷ, mua bán, luyện võ, tập chèo, đấu vật… các Phường nghề: mộc, nề, sơn, thêu, chèo, rối… + Tổ chức làng theo lớp tuổi (truyền thống nam giới): tổ chức giáp, hiện rất mờ nhạt. Đây là môi trường tiến thân theo tuổi tác, tổ chức dành riêng cho nam giới, phụ nữ không được vào. Bé trai mới lọt lòng được vào giáp ngay, được lên đinh, ngồi chiếu giữa làng, được nâng dần địa vị, được lên lão… Nói chung, giáp gắn chặt với làng. + Tổ chức làng theo cơ cấu hành chính: Làng có khi gọi là xã (có xã gồm nhiều làng), có khi gọi là thôn (khi nhất xã nhất thôn). Tiêu chuẩn để phân định rõ nhất là chính cư và ngụ cư (nội tịch và ngoại tịch) một cách rất rành mạch, nhiều khi cực đoan. Tuy nhiên, có một điều mở là dân ngụ cư có thể chuyển thành chính cư khi có điền có điền sản và sống (cư trú) ở làng 3 đời trở lên. Dân cư trong làng được phân thành nhiều hạng, cơ bản là các hạng: chức sắc (đỗ đạt hoặc có phẩm hàm vua ban); chức dịch (có chức vụ trong bộ máy hành chính); lão, đinh, ty ấu, người già, trai đinh, trẻ con (trong các giáp)… 1.3.3.4 Tên gọi của làng xã - Sau khi tụ cư hoặc khai hoang lập ấp thì nhóm người tham gia khai phá buổi đầu thành lập làng xã đã đặt cho vùng đất khai phá của mình một tên gọi và sau đó họ trình báo với nhà nước phong kiến để được ghi vào danh sách làng xã của nhà nước. Trong tên gọi làng xã nhất là ở những làng xã Bắc bộ và Bắc Trung bưộ thường có hai loại tên gọi đó là tên tục (tên Nôm) và tên chữ (Hán - Việt). Sở dĩ có tình hình này là do tên tục được đặt ra ngay từ đầu khi khai phá thành lập làng xã nhưng trong nhiều trường hoặc tên tục hoàn toàn là từ thuần Việt, không có chữ Hán để ghi chép vào sổ sách nhà nước. Điều đó bắt buộc người ta phải đặt một tên khác có chữ Hán để tiện sử dụng trong sổ sách, giấy tờ của nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp tên chữ đặt ra là để tránh sự nôm na nhằm làm cho tên của làng xã mình trở nên hay hơn theo quan niệm của các nhà Nho. Như vậy, tên chữ thường ra đời sau tên tục. + Trong việc đặt tên chữ thường dùng lối dịch nghĩa hay phiên âm từ tên tục. Ví dụ, về lối dịch nghĩa với làng có tên tục là làng Núi thì đặt tên chữ là Nghĩa Sơn, Nguyễn Thị Vĩnh Linh 15 Năm 2012
- làng Bến - Phương Độ, làng Bã Đông - Đồng Châu…Về lối phiên âm với làng có tên là làng Sập thì tên chữ là làng Phù Lộc, làng Cháy - làng Phù Chẩn… - Trong việc đặt tên làng xã người ta thường dựa trên những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, sản vật địa phương. Những làng nằm gần núi thường mang từ tố là “Sơn” như Kim Sơn, Tam Sơn… Những làng ra đời trên vùng bãi bồi thường mang từ tố là “Châu”. Những làng ra đời ven sông thường mang từ tố là “Giang”, “Khê”, “Xuyên”. Những làng ra đời trên vùng đầm nước thường mang từ tố là “Đàm”, những làng ra đời trên các ruộng muối thì mang từ tố là “Diêm”, những làng liên quan đến quá trình thành lập dòng họ thường mang tên “Gia”, “Xá”. Có tên làng được đặt gắn liền với những sự kiện lịch sử như làng A Sầu ở Thái Bình liên quan đến kho gạo của quân đội nhà Trần thời chống Nguyên Mông. Có những tên làng xã gắn liền với sinh hoạt kinh tế như Nghi Tàm liên quan đến làng nghề trồng dâu, nuôi tằm hoặc có khá nhiều trường hợp tên làng được đặt theo niềm ước vọng của cư dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc… như Bình, An, Lộc, Phú, Thọ… Thông qua việc nghiên cứu tên làng có thể phát hiện nhiều thông tin cần thiết về nguồn gốc, đặc điểm, chế độ sở hữu ruộng đất…Tên làng đã gắn bó chặt chẽ với đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư tình cảm, niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân địa phương. 1.3.3.5 Phân loại làng xã - Phân loại về mặt hình thể: + Loại làng ăn theo chiều dài: đây là những làng nằm dọc sông hoặc dọc trục lộ. + Loại làng nằm rải rác: đây là những làng cư trú thành từng cụm nhỏ. + Loại làng tựa ven đồi: Đây là những làng nằm tựa theo chân các đồi núi. + Loại làng hình vành khăn: phân bố quanh chân một ngọn đồi. + Loại hình thủy cơ: sống cư trú trên mặt nước không có hình thể cố định. - Phân loại dựa trên tiêu chí về địa hình, lịch sử, văn hóa: + Loại làng ở đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. + Loại làng ở đồng bằng duyên hải Trung bộ. + Loại làng ở đồng bằng Nam bộ. + Loại làng ở miền núi. + Loại làng thủy cơ. - Dựa trên tiêu chí về nghề nghiệp kinh tế: + Loại làng thuần nông. + Loại làng nghề. +Loại làng buôn. - Dựa trên tiêu chí về văn hóa: Nguyễn Thị Vĩnh Linh 16 Năm 2012
- +Loại làng cổ. + Loại làng văn hiến: ra đời từ lâu, có nề nếp, truyền thống, có nhiều thiết chế văn hóa về mặt vật thể. Hiện nay vẫn còn có những thiết chế trở thành những di sản, di tích về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. + Loại làng khoa bảng. + Loại làng lương. + Loại làng giáo. 1.3.3.6 Cấu trúc về diện mạo của làng xã - Lũy tre làng: Thường đứng ở đầu làng hay bao quanh làng và là biểu tượng không thể thiếu của con người Việt Nam, làng xã Việt Nam. - Cổng làng: được dùng như một qui ước không gian hơn là một giới hạn địa lý của làng. Nó chẳng ngǎn che được gì về vật lý lẫn thị giác. Vậy mà làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa. Nó như một dấu hiệu đánh mốc trong và ngoài của không gian làng - đó là một phần của văn hóa làng. Cái kiểu đánh dấu này luôn tồn tại trong tâm thức người Việt. + Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Cổng làng chủ yếu có ở những vùng trồng lúa và có văn hoá làng xã, đặc biệt là vùng đất châu thổ sông Hồng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉnh chu. Cửa nhà trong làng có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Ðơn giản chỉ bởi cổng làng là bộ mặt, là biểu tượng của làng quê, phần nào thể hiện được cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân trong làng. + Kiến trúc cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Cổng làng thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất và thường thì chỉ có một cửa chính nhưng ở nhiều nơi, liền với cửa chính còn có hai cửa phụ thấp và nhỏ hơn, được xây dựng trang trí hài hoà với cổng chính, tạo thành một thể kiến trúc thống nhất tựa như những ngôi tam quan của chùa, hay như những bức cửa mã ở đình làng. Ở những chốn quê nghèo, cổng làng mộc mạc lắm. Hai bên trụ gạch thấp nhỏ, khiêm nhường đỡ một tấm xà cũng bằng gạch, thế là thành cổng làng. Không một nét vẽ trang điểm, không màu mè, thậm chí không một nét chữ tên làng, vậy mà chính những chiếc cổng vô danh như thế lại trở nên thân thiết gắn bó vô chừng. - Cây đa đầu làng: Nguyễn Thị Vĩnh Linh 17 Năm 2012
- + Từ bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc cao niên, những người có vai vế trong làng được xem là "cây đa, cây đề", biểu tượng cho sức làm việc quên mình, dẻo dai, cho sự tích lũy kiến thức phong phú. + Cũng với ý nghĩa trường tồn ấy, cây đa xuất hiện trong ca dao như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời, đôi khi là cả một vòng đời người. “Trǎm nǎm dầu lỗi hẹn hò Cây đa bến cũ con đò khác đưa. Cây đa cũ, bến đò xưa Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ” Như vậy, cây đa luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực của biểu tượng: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Phải chǎng chính sự kết hợp này đã tạo nên biểu tượng cây đa có sức sống bền lâu trong vǎn học dân gian, vǎn thơ bác học và trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. - Đường làng( Đường công hương): - Cổng phụ: - Xóm: Đó là những tập hợp gia đình cư trú, nhỏ hơn và nằm bên trong làng xã, xóm chính là phân thể của làng nhưng xóm vẫn có một đời sống riêng dựa trên quan hệ cộng cảm giữa những người sống gần nhau và được bảo hộ bởi thần xóm. Người ta xây dựng miếu xóm làm nơi thờ tự thần xóm. - Ngõ: Là một đơn vị của xóm, một xóm có thể bao gồm nhiều ngõ, mỗi ngõ tính theo một con đường nhỏ ăn từ đường lối xóm đi vào. Ngõ cũng được tổ chức thành hàng ngõ và đứng đầu là một ông ngõ trưởng, có nơi gọi là trưởng khu vì người ta coi ngõ là một khu của xóm. Thật ra, ngõ là một khóm dân cư trong xóm nằm hai bên một con đường hàng ngõ. - Nhà ở (gia đình, trong đó gia: nhà, đình: sân): là tế bào nhỏ nhất trong một làng, ở đó tập hợp những người có quan hệ huyết thống gần gũi với nhau, sống chung với nhau dưới một mái nhà. - Bến nước: ở nhiều vùng quê còn có những đoạn hoặc những con kênh nhỏ. Bến nước là nơi dân làng tập trung để đi đò hoặc tiến hành các sinh hoạt cộng đồng khác. Dần dần nơi đây trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của các cư dân làng quê Việt Nam. Nguyễn Thị Vĩnh Linh 18 Năm 2012
- - Giếng làng: Nông thôn Việt Nam xưa phần nhiều là nhà gianh, do đó rất ít nhà có bể nước mưa, người làng chủ yếu dùng nước giếng công cộng để nấu ăn. Vì thế “Cây đa - Giếng nước - Mái chùa” đã trở thành những hình ảnh của quê hương. + Nước mưa là tinh khí của trời cha và được đất mẹ giữ lấy, để từ đây mọi sinh linh sinh sôi và phát triển. Giếng nước là nơi tụ hội nguồn sống, là nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra. Giếng nước còn là chiếc gương lớn để các cô gái ra gánh nước thì tranh thủ soi mình làm duyên. Và vì thế bên giếng làng thường diễn ra những cuộc hò hẹn ân tình lứa đôi. + Trong cái tổng thể văn hoá làng quê bình dị mà lung linh huyền ảo, cây đa có thần, mái chùa có Phật thì giếng nước là sự tượng trưng cho sự dồi dào sung mãn và cho nguồn gốc của sự sống. Bàn thờ gia tiên ở nhà dân hay bàn thờ thần thánh ở đền, đình đều không thể thiếu được bát nước mưa hay nước giếng. Trước ngày hội làng, bài vị và ngai thờ Thành hoàng đều được mộc dục (lau chùi) bằng nước giếng hay nước sông. Và nếu hội có thi nấu cơm hay thi làm cỗ thì đều lấy nước từ giếng làng. - Đình làng: Bất kỳ một làng quê nào ở Việt Nam cũng có một ngôi đình. Ðình là ngôi nhà công cộng của làng quê thời xưa, dùng làm nơi thờ Thành Hoàng và họp việc làng. Ngôi đình làng Việt Nam cổ kính, trang nghiêm, ẩn mình sau luỹ tre xanh mướt là một tác phẩm nghệ thuật của con người hoà nhập trong làng quê. - Chùa làng: Cũng là một yếu tố có mặt trong hầu hết các làng xã được phản ánh qua câu nói cửa miệng của người dân: “đất của vua, chùa của làng”. Đó là nơi thờ Phật cũng là nơi sinh hoạt hội hè của dân làng. Chùa làng thường được xây dựng ở nơi phong cảnh thanh tịnh, nơi gò cao trong làng. - Các cơ sở nghè, đền, miếu: Là nơi thờ chính thức các vị thần trong làng, được xây dựng gần đình làng, cũng có khi được đặt rải rác trong làng. - Chợ làng: Nhắc đến văn hoá làng xã người ta không thể không nhắc tới chợ làng. Quả thật một phần đời sống của những người dân quê được khắc hoạ qua sự phát triển của chợ làng. Ngoài ý nghĩa trao đổi mua bán, chợ làng còn là nơi để thăm hỏi, mời gọi, nói chuyện con trâu, cái cày, chuyện ruộng, vườn, đồi núi... Tất cả cứ ồn ã, xôn xao và đậm đà tình làng, nghĩa xóm. Bởi thế, người xưa đã từng ao ước: "Muốn cho gần chợ mà chơi Gần sông tắm mát, gần nơi đi về". - Cánh đồng làng: từ những cánh cổng phụ của làng nhìn ra, người ta thấy cánh đồng làng rộng bát ngát với những thửa ruộng nối liền bờ, tùy theo từng tháng trong Nguyễn Thị Vĩnh Linh 19 Năm 2012
- năm mà đây là những ruộng lúa chín vàng hay những ruộng mạ. Đây chính là nguồn sống chủ yếu của dân làng. Ngày nay, do tình hình biến đổi và nhất là tác động của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên diện mạo các làng xã đã có những đổi thay không còn đầy đủ các diện mạo như trên. -------------------------------------------------------------------------------------------- CÂU HỎI THẢO LUẬN VÀ ÔN TẬP 1. So sánh nét tương đồng và dị biệt trong hai khái niệm “làng”, “xã”? 2. Chế độ quân điền thời nhà Lê tác động như thế nào đến quá trình thành lập làng xã ? 3. Vai trò của dòng họ trong làng xã Việt Nam cổ truyền? 4. Nét đặc trưng của các làng Việt ở Bắc - Trung - Nam bộ? PHẦN TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN 1. SV cần đọc hệ thống tài liệu tham khảo chính của chương này gồm những cuốn sách sau: - Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu Văn hóa cổ truyền Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội - Toan Ánh (1992), Nếp cũ làng xóm Việt Nam, NXB tp Hồ Chí Minh - Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất Việt Nam trong lịch sử từ thế kỷ XI- XVIII (T.1), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982 - Cùng các nguồn tài liệu khác lấy từ Internet, các sách báo, tạp chí 2. SV cần chú ý đến các câu hỏi thảo luận cuối chương để có cách tiếp cận vấn đề phù hợp nhất. 3. Nhận đề tài và làm bài kiểm tra học trình Nguyễn Thị Vĩnh Linh 20 Năm 2012
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh
52 p | 3939 | 1720
-
Bài giảng Triết học: Lịch sử Triết học phương Đông - Triết học Ấn Độ
55 p | 220 | 41
-
Bài giảng Cơ sở văn hóa Việt Nam - ĐH Phạm Văn Đồng
125 p | 92 | 22
-
Action research – PP thẩm định quá trình dạy học
5 p | 327 | 21
-
TIẾP CẬN CỘNG ĐỒNG part 6
8 p | 124 | 18
-
Thực trạng và định hướng giải pháp phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở tỉnh Tiền Giang
8 p | 105 | 12
-
Bài giảng Phát triển cộng đồng - ĐH Lâm Nghiệp
112 p | 68 | 11
-
Bài giảng Hướng dẫn viết báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ đánh giá - Cục Khảo thí và KĐCLGD Bộ GD & ĐT
11 p | 248 | 8
-
Nguồn gốc của gia đình – Phần 4
16 p | 87 | 7
-
Bài giảng Một số kinh nghiệm thực hiện tự đánh giá trường TCCN TẠI TP.HCM - Đặng Thị Thùy Linh
30 p | 88 | 7
-
Sinh kế bền vững của các hộ gia đình dân tộc thiểu số tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang
11 p | 11 | 6
-
Nguồn gốc của gia đình – Phần 8
19 p | 73 | 6
-
Cấu trúc giới trong gia đình và cộng đồng ở nông thôn tỉnh Tiền Giang
26 p | 60 | 5
-
Bài giảng Công tác xã hội trong hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình: Phần 1
78 p | 9 | 3
-
Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học ở nước ta hiện nay
9 p | 37 | 2
-
Vai trò của văn hóa truyền thống trong giáo dục nhân cách cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
5 p | 10 | 1
-
Vai trò và nguồn lực của phụ nữ dân tộc Hmông đối với phát triển văn hóa, xã hội - Từ thực tế ở tỉnh Hà Giang
7 p | 5 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn