Phùng Quý Sơn<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
98(10): 141 - 145<br />
<br />
BÀN THÊM VỀ PHÂN LOẠI VĂN XUÔI VIỆT NAM<br />
GIAI ĐOẠN 1930 – 1945<br />
Phùng Quý Sơn*<br />
Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
Việc phân loại văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thành các nhóm truyện từ trước đến nay đã<br />
được các nhà lý thuyết thử nghiệm khá nhiều và hướng tới mục đích có thể chấp nhận được. Trong<br />
đó, đương nhiên tiêu chí phân loại là yếu tố căn cốt nhất. Một số tiêu chí đã được vận dụng khá<br />
phổ biến như: thi pháp thể loại, phương pháp sáng tác, phạm vi hiện thực được phản ánh trong tác<br />
phẩm (đề tài), sự kết hợp giữa thể loại văn học với các loại hình nghệ thuật khác (âm nhạc, hội<br />
họa, kiến trúc...). Chúng tôi thử nghiệm phân loại văn xuôi theo nhóm truyện kể dựa trên nguyên<br />
tắc tổ chức sự kiện.<br />
Từ khóa: phân loại văn xuôi, nhóm truyện kể, tổ chức sự kiện.<br />
<br />
NỘI DUNG*<br />
Trong giai đoạn hoàng kim của văn học hiện<br />
đại Việt Nam (1930 – 1945), văn xuôi đã đạt<br />
đến “giá trị cổ điển” với một lớp nhà văn tiêu<br />
biểu như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,<br />
Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,<br />
Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch<br />
Lam, Lan Khai, Thế Lữ ... Xét về thi pháp thể<br />
loại, nền văn xuôi hiện đại trong sự kết hợp<br />
hài hòa với truyền thống dân tộc và thế giới<br />
với những tinh hoa của nó đã bước từng bước<br />
vững chắc vào nền văn học chung của nhân<br />
loại. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều<br />
tiêu chí để phân loại văn xuôi hiện đại Việt<br />
Nam với mong muốn hướng tới cái đích nhất<br />
định có thể chấp nhận được. Hiện nay đang<br />
tồn tại một số cách phân loại như sau:<br />
Thứ nhất là dựa vào trào lưu, khuynh hướng,<br />
phương pháp sáng tác mà người ta chia văn<br />
xuôi Việt Nam 1930 – 1945 ra thành văn xuôi<br />
lãng mạn, văn xuôi hiện thực phê phán, văn<br />
xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa (yêu nước,<br />
cách mạng). Cách phân loại phổ biến này<br />
được đề cập trong sách giáo khoa ngữ văn<br />
phổ thông, giáo trình Văn học Việt Nam dành<br />
cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp<br />
chuyên nghiệp hay một số chuyên luận về<br />
truyện ngắn, tiểu thuyết như: Tiểu thuyết Việt<br />
Nam hiện đại, Truyện ngắn Việt Nam – lịch<br />
sử - thi pháp – chân dung (Phan Cự Đệ chủ<br />
*<br />
<br />
Tel: 0982 339388, Email: quysonls@gmail.com<br />
<br />
biên), Truyện ngắn – Những vấn đề lý thuyết<br />
và thực tiễn thể loại (Bùi Việt Thắng)...<br />
Thứ hai là dựa vào thi pháp thể loại mà chia<br />
ra thành truyện tâm lý, truyện phiêu lưu,<br />
truyện kinh dị... Trong Nhà văn hiện đại, Vũ<br />
Ngọc Phan chia tiểu thuyết làm mười loại:<br />
phong tục, luận đề, luân lý, xã hội, truyền kỳ,<br />
hoạt kê, tả chân, tình cảm, trinh thám, phóng<br />
sự. Trước đó, Phạm Quỳnh đã chia tiểu thuyết<br />
làm ba loại: ngôn tình, tả thực, truyền kỳ.<br />
Cách phân loại mà Phạm Quỳnh, Vũ Ngọc<br />
Phan đề xuất phần nào dựa trên Bách khoa tự<br />
điển của phương Tây từ đầu thế kỷ XX. Càng<br />
về sau, cách phân chia văn học nói chung,<br />
truyện nói riêng theo thi pháp thể loại càng<br />
được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, với văn<br />
học Việt Nam, không phải mọi mô hình trên<br />
đều phát triển. Có lẽ phát triển hơn cả là nhóm<br />
truyện luận đề, tả chân và tâm lý, tình cảm.<br />
Thứ ba là dựa vào sự kết hợp giữa thể loại<br />
văn học và các loại hình nghệ thuật khác như<br />
hội họa, sân khấu, sử thi, thơ trữ tình, hồi ký,<br />
nhật ký, bút ký, phóng sự, thư từ... Vì thế giai<br />
đoạn này mới xuất hiện các loại tiểu thuyết<br />
như: tiểu thuyết phóng sự (kiểu Lều chõng<br />
của Ngô Tất Tố), tiểu thuyết hoạt kê, trong đó<br />
có ảnh hưởng của hài kịch, tranh biếm họa<br />
(kiểu Số đỏ của Vũ Trọng Phụng), tiểu thuyết<br />
tự truyện (kiểu Những ngày thơ ấu của<br />
Nguyên Hồng)...<br />
141<br />
<br />
Phùng Quý Sơn<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
Kiểu phân loại thứ tư là dựa theo đề tài, như:<br />
truyện lịch sử, truyện phong tục, truyện<br />
hương xa hay truyện địa phương (kiểu như<br />
truyện đường rừng của Lan Khai, Lý Văn<br />
Sâm hoặc truyện cao bồi miền Tây trong văn<br />
học Mỹ).<br />
Từ sớm, giới nghiên cứu và sáng tác văn học<br />
Việt Nam đã rất chú ý đến vấn đề thể loại văn<br />
học, coi đó là “các quy tắc đã được thiết lập,<br />
mà đồng thời vừa được xác định bởi tính cách<br />
của các nhà văn” [6; 408]. Và, khái niệm<br />
truyện (truyện thơ, văn xuôi) được sử dụng<br />
rộng rãi. Tuy nhiên, truyện (truyện ngắn, tiểu<br />
thuyết) hiện đại thì đến thế kỷ XX mới định<br />
hình. Theo nhiều tài liệu mà chúng tôi khảo<br />
sát được, thì năm 1887 bắt đầu có dấu hiệu<br />
của văn học hiện đại, được mở đầu bằng tác<br />
phẩm văn xuôi quốc ngữ: Truyện Thầy<br />
Lazaro Phiền của P.J.B Nguyễn Trọng Quản.<br />
Vấn đề phân chia thể loại ở văn học giao thời<br />
tương đối phức tạp, đặc biệt là văn xuôi.<br />
Bước sang giai đoạn văn học 1930 – 1945,<br />
khi mà nền văn học Việt Nam đã phát triển và<br />
có nhiều thành tựu thì việc phân loại sáng tác<br />
văn học bắt đầu được chú ý, tiêu chí phân loại<br />
cũng như ranh giới thể loại rõ ràng, thuyết<br />
phục hơn. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi<br />
thử nghiệm phân chia văn xuôi giai đoạn này<br />
theo mô hình cấu trúc các nhóm truyện, mà<br />
nguyên tắc tổ chức truyện kể là tiêu chí xuyên<br />
suốt. Truyện - “khái niệm chỉ một thể loại tự<br />
sự, vốn bắt nguồn từ thuật ngữ cổ của hệ<br />
thống thể loại trong văn học Trung Quốc”<br />
[1; 1837]. Nhưng ở Trung Quốc, khái niệm<br />
truyện sớm bị khái niệm tiểu thuyết thay thế,<br />
trái lại, ở Việt Nam khái niệm truyện vẫn tồn<br />
tại từ thời cổ cho đến hiện nay. Tuy vậy, hàm<br />
nghĩa của thuật ngữ này có khác nhau trong<br />
văn học Việt Nam trung đại và hiện đại.<br />
Trở lên, các lý thuyết lần lượt được vận dụng<br />
để phân tích cấu trúc nền văn xuôi thế giới<br />
nói chung và văn xuôi Việt Nam nói riêng<br />
xuất phát từ bản thể của văn học, tư tưởng hệ,<br />
xã hội học... Song một trong những lý thuyết<br />
gợi ý quan trọng trong phân chia thể loại văn<br />
xuôi ở phương Tây chưa được quan tâm đúng<br />
mức là lý thuyết tự sự của Hayden White<br />
(1928) – một nhà sử học người Mỹ. Một số<br />
142<br />
<br />
98(10): 141 - 145<br />
<br />
công trình tiêu biểu của ông có thể kể đến là<br />
Metahistory: The Historical Imagimation in<br />
Nineteenth Century Europe (Siêu lịch sử: Sự<br />
tưởng tượng về lịch sử ở châu Âu thế kỷ<br />
XIX), The content of the Form: Narrative<br />
Discouse and Historical representatinon (Nội<br />
dung của hình thức: Diễn ngôn tự sự và sự<br />
biểu hiện lịch sử)... Luận điểm nền tảng để từ<br />
đó Heyden White triển khai toàn bộ tư tưởng<br />
của mình là: lịch sử như là tự sự. Các bộ lịch<br />
sử không đơn thuần chỉ là một bảng liệt kê<br />
các sự kiện theo niên biểu. Người viết sử bao<br />
giờ cũng có tham vọng mãnh liệt hơn, ngoài<br />
việc chép lại các sự kiện là móc nối, xâu<br />
chuỗi các sự kiện lại, để tạo thành một sự<br />
mạch lạc, có đầu có cuối. Lịch sử là một thứ<br />
truyện kể từ điểm nhìn của một ngôi thứ ba.<br />
Các sự kiện quá khứ chưa phải là lịch sử,<br />
chúng chỉ trở thành lịch sử khi được diễn giải.<br />
Heyden White quan tâm đến phương diện tu<br />
từ học lịch sử. Theo ông, các thủ pháp tu từ<br />
của văn chương không hề xa lạ với công việc<br />
viết sử. Các nhà viết sử cũng có các thao tác<br />
hư cấu của mình, theo đó, “những gì được<br />
phát kiến trong công trình lịch sử cũng nhiều<br />
như những gì được tìm thấy ở các sự kiện xảy<br />
ra” [3; 116]. Sử giống với tự sự ở chỗ nó<br />
không thể nào triệt tiêu được cốt truyện. Dựa<br />
vào khung phân loại mà Northrop Frye đề<br />
xuất trong công trình Anatomi of Criticism<br />
(Giải phẫu phê bình), Heyden White đã phân<br />
ra bốn loại hình truyện của tự sự học lịch sử<br />
là: lãng mạn (romance), bi kịch (tragedy), hài<br />
kịch (comedy), trào phúng (satire). Tương<br />
ứng với bốn mẫu gốc truyện này là các<br />
phương thức tranh biện và phương thức ngụ ý<br />
về tư tưởng hệ tương ứng. Lý thuyết của<br />
Heyden White đã gây được nhiều ảnh hưởng<br />
trong lĩnh vực sử học cũng như văn hóa, trong<br />
đó có văn học, đặc biệt có ý nghĩa trong<br />
nghiên cứu văn xuôi tự sự lịch sử. Từ bốn loại<br />
hình truyện mà tác giả đề xuất đã gợi trường<br />
liên tưởng tới thực tế văn xuôi Việt Nam giai<br />
đoạn 1930 – 1945. Văn xuôi giai đoạn này đã<br />
phản ánh trung thực, toàn diện diện mạo hiện<br />
thực xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng<br />
Tám. Hệ thống sáng tác của các nhà văn luôn<br />
có sự đan xen phức hợp tinh thần lãng mạn,<br />
bi, hài và châm biếm, trào phúng.<br />
<br />
Phùng Quý Sơn<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
Từ nguyên tắc tổ chức cấu trúc truyện, các tác<br />
phẩm văn xuôi có thể được xếp thành các<br />
nhóm khác nhau. Đó được xem như là những<br />
mô hình tạo nghĩa hết sức năng động đã từng<br />
tồn tại trong lịch sử văn học. Vấn đề cấu trúc<br />
văn bản, theo Yu.Lotman được giải thích<br />
bằng khái niệm “không gian nghệ thuật”. Ông<br />
cho rằng: “Sự quan tâm tới vấn đề không gian<br />
nghệ thuật là kết quả của những quan niệm<br />
xem tác phẩm nghệ thuật như một không gian<br />
được giới hạn theo những kiểu nào đó, một<br />
không gian hữu hạn phản ánh bên trong một<br />
đối tượng vô hạn là cái thế giới bên ngoài tác<br />
phẩm” [5]. Không gian là tổng thể các đối<br />
tượng cùng loại (các hiện tượng, các trạng<br />
thái, các chức năng, các hình thể, các ý nghĩa<br />
của những biến thiên v.v…), giữa chúng có<br />
những mối quan hệ giống như những quan hệ<br />
không gian thông thường (tính liên tục,<br />
khoảng cách v.v…). Đồng thời, khi xem xét<br />
một tổng thể các đối tượng cụ thể như một<br />
không gian, người ta thường bỏ qua mọi<br />
thuộc tính của các đối tượng ấy, ngoại trừ<br />
những thuộc tính được xác định bởi các mối<br />
quan hệ không gian - đồng dạng được chú ý<br />
ấy. Vì thế mới có khả năng mô hình hoá<br />
không gian các khái niệm mà tự chúng vốn<br />
không có bản chất không gian. Với<br />
Yu.Lotman thì cấu trúc tự vận hành tuân theo<br />
cơ chế đối lập biện chứng và văn bản là sự<br />
tổng hòa của những đối lập cơ bản [5]. Cách<br />
lí giải này của Lotman theo G.Poetsov, mang<br />
dấu ấn triết học duy vật biện chứng của chủ<br />
nghĩa Mác. Theo cách lý giải mỗi văn bản là<br />
sự tổng hòa của những đối lập cơ bản và<br />
phương thức xác lập những mô hình thế giới<br />
từ những giới hạn của không gian thì văn xuôi<br />
Việt Nam 1930 – 1945 có thể phân chia thành<br />
ba kiểu mô hình truyện điển hình là lãng mạn,<br />
bi kịch và trào phúng.<br />
Về khái niệm “mô hình”, trong thực tế có<br />
nhiều cách quan niệm. Mô hình là vật cùng<br />
hình dạng được thu nhỏ để mô phỏng vật thật;<br />
là cái được tạo ra để tái tạo lại như thế; là một<br />
kiểu mẫu; hoặc “là hình thức diễn đạt hết sức<br />
ngắn gọn theo một ngôn ngữ nào đó các đặc<br />
trưng chủ yếu của một đối tượng, để nghiên<br />
cứu đối tượng ấy” [2; 638]. Song, trong văn<br />
chương, nếu có vận dụng khái niệm này thì<br />
<br />
98(10): 141 - 145<br />
<br />
cũng chỉ là vận dụng một cách tương đối,<br />
khác với trong sản xuất công nghệ. Công<br />
nghệ đòi hỏi sự rập khuôn đến từng chi tiết,<br />
còn ở văn chương, sự thống nhất giữa các<br />
hiện tượng cùng mô hình chỉ thể hiện ở<br />
những đặc trưng cơ bản và ở cấp độ cấu trúc<br />
chứ không ở mọi chi tiết. Nói mô hình truyện<br />
trong văn xuôi Việt Nam 1930 – 1945 chính<br />
là nói đặc điểm văn xuôi Việt Nam 1930 –<br />
1945. Đúng hơn, mô hình là một cách gọi cụ<br />
thể về các đặc điểm. Nếu đặc điểm là một<br />
khái niệm trung tính có nghĩa là nét khác biệt<br />
thì khái niệm mô hình lại có khả năng gợi ra<br />
tính lặp lại ở cấp độ cấu trúc tác phẩm và quy<br />
luật vận động thống nhất đặc thù của các tác<br />
phẩm văn xuôi 1930 – 1945. Nó cũng có<br />
nghĩa loại trừ những đặc điểm có tính cá thể,<br />
không phổ biến ở các tác phẩm cũng như ở<br />
từng tác giả, đồng thời thể hiện thái độ đánh<br />
giá không cao về trình độ nghệ thuật của các<br />
hiện tượng văn học này.<br />
1. Mô hình truyện lãng mạn: Bức tranh thế<br />
giới trong mỗi tác phẩm văn xuôi thuộc mô<br />
hình truyện này được tổ chức trên cơ sở tương<br />
quan của những cặp đối lập cơ bản như “trong<br />
– ngoài”, “ánh sáng – bóng tối” trong xung<br />
đột giữa cái tôi cá nhân và xã hội cũ (kiểu<br />
Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Nửa chừng xuân, Đời<br />
mưa gió, Thoát ly, Thừa tự của các tiểu thuyết<br />
gia Tự lực văn đoàn), giữa con người và thiên<br />
nhiên (kiểu truyện đường rừng như Tiếng gọi<br />
của rừng thẳm, Suối đàn, Mọi rợ của Lan<br />
Khai; Vàng và máu, Gió trăng ngàn của Thế<br />
Lữ, Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya của<br />
TchyA, Kòn Trô, Răng Sa Mát của Lý Văn<br />
Sâm, Trường đời, Trận đời, Tôi là mẹ của Lê<br />
Văn Trương)... Nhân vật trung tâm của các<br />
xung đột này là những con người thường<br />
mang những “sứ mệnh cao cả” và cũng<br />
thường là người “chiến thắng”. Trong văn<br />
xuôi Tự lực văn đoàn, để bảo vệ tự do của cá<br />
nhân, cổ xúy cho phong trào Âu hóa trẻ trung,<br />
sôi nổi, văn minh, các nhân vật phải tuyên<br />
chiến với cả một nền tảng luân lí, đạo đức của<br />
xã hội phong kiến cũ. Họ có thể đau thương,<br />
mất mát nhưng cảm hứng chung vẫn là niềm<br />
tin chiến thắng, cởi trói và tự do về tinh thần,<br />
tâm tưởng như Loan, Dũng (Đoạn tuyệt), Mai<br />
(Nửa chừng xuân), Tuyết (Đời mưa gió)...<br />
143<br />
<br />
Phùng Quý Sơn<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
Với loại truyện đường rừng, những thể<br />
nghiệm ban đầu, nhìn chung, mảng truyện<br />
này trước cách mạng đã có những thành công<br />
nhất định. Nó đã phản ánh chân thực, rõ nét<br />
đời sống con người trong mối quan hệ với<br />
thiên nhiên. Con người tìm về thiên nhiên là<br />
tìm về với bản thể tự nhiên thiêng liêng nhất<br />
của mình. Tiếng gọi của thiên nhiên làm cho<br />
con người “ở chốn này, người ta quên hết,<br />
quên hết để mà vui” ... “để họ bỗng thấy mình<br />
lâng lâng như đã rũ sạch được hết bụi trần”.<br />
Dưới ngòi bút của mình, các nhà văn đường<br />
rừng đã viết lên những “bản tình ca bất tận<br />
của thiên nhiên ban tặng con người”, đã đi<br />
vào “mọi ngõ ngách suối khe, đến từng ngọn<br />
cỏ, lá cây, nhị hoa, tiếng hót của vượn chim<br />
muôn loài, trong đó sâu lắng nhất là tâm trạng<br />
của con người trước thiên nhiên hoang dã và<br />
tình người muôn điệu như cuộc sống vẫn<br />
hằng sinh tồn” [4].<br />
2. Mô hình truyện bi kịch: Nguyên tắc xây<br />
dựng xung đột để kiến tạo bức tranh thế giới<br />
của nhóm truyện này là dựa trên tổ chức các<br />
sự kiện đối lập như “trên cao – dưới thấp”,<br />
“thống trị - bị trị’ trong xung đột giai cấp, xã<br />
hội (kiểu Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước<br />
đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Giông<br />
tố của Vũ Trọng Phụng)...; đối lập giữa “giàu<br />
– nghèo”, “no – đói”... (kiểu Sống mòn, Đời<br />
thừa, Trăng sáng của Nam Cao). Nhân vật<br />
trung tâm của mô hình truyện bi kịch là nạn<br />
nhân của những hoàn cảnh. Họ hoặc bị giai<br />
cấp thống trị đè nén, áp bức bóc lột, bị đẩy<br />
đến bước đường cùng lâm vào những tấn<br />
thảm kịch đến mức phá sản, tương lai mịt<br />
mùng đen tối: anh Pha bị bọn lính nhà Nghị<br />
Lại “trói gô lại, khênh anh đi” (Bước đường<br />
cùng), Chị Dậu “vùng chạy ra ngoài sân, giữa<br />
lúc trời tối đen như mực và như cái tiền đồ<br />
của chị” (Tắt đèn), Chí Phèo “mắt hắn trợn<br />
ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói nhưng<br />
không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu<br />
vẫn còn ứa ra” (Chí Phèo)... Hoặc bi kịch của<br />
họ do hoàn cảnh xã hội, cuộc sống “ghì sát<br />
đất” trong nghèo đói. Nhân vật của dạng bi<br />
kịch thứ hai này thường là những con người<br />
giàu suy nghĩ, nhận thức. Họ ôm những hoài<br />
bão, lý tưởng hay phụng sự một “trách nhiệm<br />
lương tâm cao cả” do không chịu khuất phục<br />
144<br />
<br />
98(10): 141 - 145<br />
<br />
hoàn cảnh mà lâm vào những bi kịch đầy xót<br />
xa – bi kịch của những con người tự ý thức, bi<br />
kịch nội tâm. Nếu như Thứ, Điền, Hộ cứ thỏa<br />
sức vẫy vùng, nhẹ gánh tang bồng thì có lẽ họ<br />
sẽ đạt được ước mơ của mình. Nhưng cái tạng<br />
“giàu tình thương”, “giàu lòng nhân ái” khiến<br />
họ bị hệ lụy. Ngay Lão Hạc, một “lão nông tri<br />
điền” cũng biết chọn cái chết dù đớn đau, tủi<br />
nhục để giữ trọn thiên lương để vợ con không<br />
xấu hổ, thất vọng về lão. Bằng hệ thống ngôn<br />
từ giàu nhựa sống, giọng điệu cảm thương,<br />
tinh thần nhân đạo sâu sắc, các nhà văn đã<br />
dẫn người đọc đến những cái kết đầy ám<br />
ảnh, day dứt về những bi kịch cuộc đời<br />
trong từng truyện.<br />
3. Mô hình truyện trào phúng: Truyện được<br />
xây dựng trên cơ sở các cặp đối lập “nội dung<br />
– hình thức” “bản chất – hiện tượng” “tất<br />
nhiên – ngẫu nhiên” “logic – phi logic” trong<br />
xung đột xã hội (kiểu Số đỏ của Vũ Trọng<br />
Phụng, Hai cái bụng, Răng con chó của nhà<br />
tư sản, Tinh thần thể dục, Xin chữ cụ<br />
Nghè...của Nguyễn Công Hoan). Truyện Hai<br />
cái bụng, tác giả xây dựng trên cơ sở đối lập<br />
giữa hai sự vật khác nhau về bản chất, kết hợp<br />
với cường điệu, phóng đại cả hai bản chất đó<br />
đến mức quá đáng để bật ra tiếng cười. Phần<br />
đầu là tình cảnh thằng bé ăn mày lang thang,<br />
đói rách. Phần sau là một bà béo quá đến nỗi<br />
“cổ rụt, má chảy, bụng xệ” đã mời nhiều loại<br />
thầy thuốc mà bệnh vẫn chưa khỏi. Vì hôm đi<br />
ăn cỗ cưới bà ăn quá nhiều bóng, mực, long<br />
tu... nên đến nay, bụng vẫn cứ bình bịch,<br />
không đói cho. Nhân vật xuất hiện trước mặt<br />
người đọc ở hai tình trạng: kẻ ăn không hết,<br />
người lần chẳng ra. Trong Răng con chó của<br />
nhà tư sản thì tiếng cười bật lên từ sự vạch rõ<br />
mâu thuẫn trong một con người, sự đối lập<br />
giữa cái bề ngoài giàu sang và tâm địa độc ác<br />
của một thằng tư sản bên cạnh một bản chất<br />
khác tức là người ăn mày đói khát, rách dưới<br />
đến quá mức. Tiếng cười còn trở lên dồn dập,<br />
liên hoàn ở nghệ thuật tổ chức tầng tầng lớp<br />
lớp các sự kiện đối lập trong tiểu thuyết Số đỏ<br />
của Vũ Trọng Phụng. Ở đối lập về “nội dung<br />
– hình thức” thì còn gì vô lý hơn một thằng<br />
vô lại, vô học như Xuân tóc đỏ lại là một đốc<br />
tờ, triết gia, thi sĩ, nhà cải cách xã hội, anh<br />
hùng cứu quốc; một mụ me tây dâm ô đến<br />
<br />
Phùng Quý Sơn<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
như Phó Đoan mà lại được sắc ban “tiết hạnh<br />
khả phong”... Đối lập giữa “ngẫu nhiên – tất<br />
nhiên” ở chỗ là ngẫu nhiên Xuân có “số đỏ”<br />
nhưng “tất nhiên” lại ở chỗ, nếu thằng Xuân<br />
không dâm thì làm sao lọt vào mắt bà Phó<br />
Đoan? Nếu nó không thạo nghề quảng cáo<br />
thuốc lậu, không có chất liều lĩnh của thằng<br />
vô giáo dục thì làm sao có được thành công ở<br />
tiệm Âu hóa?... Đối lập giữa “hiện tượng –<br />
bản chất” còn gì hài hước hơn “hạnh phúc của<br />
một tang gia”? Cách tổ chức truyện trên cơ sở<br />
những đối lập cơ bản như thế các nhà văn trào<br />
phúng đã xây dựng được nhiều hình tượng<br />
nghệ thuật độc đáo với mục đích cao cả khiến<br />
cho con người, xã hội thêm nhân văn hơn.<br />
KẾT LUẬN<br />
- Cách phân chia mô hình truyện theo nguyên<br />
tắc tổ chức văn bản là những khái quát có tính<br />
loại hình trên những lý lẽ khả thủ nhưng<br />
không thể toàn diện và bao hàm hết các hiện<br />
tượng văn học đặc sắc, phong cách sáng tác<br />
độc đáo trong một thời đại văn học phát triển<br />
rực rỡ nhất của lịch sử văn học dân tộc.<br />
<br />
98(10): 141 - 145<br />
<br />
- Mỗi tiêu chí để phân loại văn xuôi đều xuất<br />
phát từ cơ sở lý thuyết và đã được kiểm<br />
chứng. Không có lý thuyết nào là toàn diện,<br />
giữa chúng có sự giao thoa, bổ khuyết nhằm<br />
trang bị kiến thức công cụ giúp cho người đọc<br />
tìm được giá trị thẩm mỹ đích thực của tác<br />
các phẩm văn học.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
[1]. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn<br />
Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển văn học (bộ<br />
mới), Nxb Thế giới.<br />
[2]. Hoàng Phê (2000), Từ điển Tiếng Việt, Nxb<br />
Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học.<br />
[3]. Trần Đình Sử (2008), Tự sự học - một số vấn<br />
đề lí luận và lịch sử (phần 2), Nxb ĐHSP Hà Nội.<br />
[4]. Nguyễn Thanh Trường (2006), Một vài đặc<br />
điểm của truyện viết về miền núi giai đoạn 19301945, Tạp chí Khoa học, Số 5, ĐHSP Hà Nội.<br />
[5].http://vanhoanghean.vn/nhung-goc-nhin-vanhoa/goc-nhin-van-hoa/3529-ket-cau-tac-phamnghe-thuat-ngon-tu-ky-2.html.<br />
[6]. R.Wellek và A.Warren (2009), Lí luận văn<br />
học, Nxb Văn học.<br />
<br />
SUMMARY<br />
DISCUSSING ABOUT VIETNAM’S PROSE CLASSIFICATION<br />
IN THE PERIOD OF 1930 – 1945<br />
Phung Quy Son*<br />
Lang Son College of Education<br />
<br />
Vietnam’s prose classification in the first half of the twentieth century into story groups has been<br />
tested by theoreticians several times and aims to be acceptable. Among them, the classifiable<br />
criterion is the main factor. A number of criteria popularly used such as: poetics genre, writing<br />
methods, realistic range is reflected in the work (theme), and combination of literary genres and<br />
different types of arts (music, painting, architecture, etc.). We test classifying prose into story<br />
groups based on the principle of event organization.<br />
Key words: classifying prose, story groups, event organization.<br />
<br />
Ngày nhận bài: 05/9/2012, ngày phản biện: 16/10/2012, ngày duyệt đăng:12/11/2012<br />
*<br />
<br />
Tel: 0982 339388, Email: quysonls@gmail.com<br />
<br />
145<br />
<br />