intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA CÁC THỂ LOẠI VĂN HỌC VÀ THỂ THƠ VĂN XUÔI TRONG THƠ MỚI 1932 – 1945"

Chia sẻ: Nguyễn Phương Hà Linh Linh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

102
lượt xem
18
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, các thể loại văn học luôn có sự vận động tương tác lẫn nhau. Tuy nhiên, dấu ấn tương tác mỗi thời kỳ mỗi khác. Nếu văn học trung đại Việt Nam hệ thống thể loại không nhiều, quan niệm về phạm vi văn chương còn nhoè mờ nên sự tương tác chưa rõ thì đến những năm đầu thế kỷ XX, đời sống thể loại văn học rất năng động, sự tương tác diễn ra mạnh mẽ. ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Báo cáo nghiên cứu khoa học: "SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA CÁC THỂ LOẠI VĂN HỌC VÀ THỂ THƠ VĂN XUÔI TRONG THƠ MỚI 1932 – 1945"

  1. SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA CÁC THỂ LOẠI VĂN HỌC VÀ THỂ THƠ VĂN XUÔI TRONG THƠ MỚI 1932 – 1945 THE INTERACTION BETWEEN LITERARY GENRES AND PROSE POEM GENRE IN "THO MOI" 1932-1945 NGUYỄN PHONG NAM Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng HOÀNG SĨ NGUYÊN Trường THPT Phạm Phú Thứ, Điện Bàn, Quảng Nam TÓM T ẮT Trong quá trình hình thành, tồn tại v à phát triển, các thể loại văn học luôn có sự vận động tương tác lẫn nhau. Tuy nhiên, dấu ấn tương tác mỗi thời kỳ mỗi khác. Nếu văn học trung đại Việt Nam hệ thống thể loại không nhiều, quan niệm về phạm vi văn chương còn nhoè mờ nên sự tương tác chưa rõ thì đến những năm đầu thế kỷ XX, đời sống thể loại văn học rất năng động, sự tương tác diễn ra mạnh mẽ. Điều này đã đưa đến việc ra đời của thể thơ văn xuôi trong Thơ mới 1932- 1945. Thể thơ văn xuôi là hình thức tự do hoá các thể thơ truyền thống, mạch câu chảy tràn ra không theo sự ràng buộc của nhịp điệu, niêm luật nào. Bởi vậy, nó chuyên chở được cảm xúc mãnh liệt, nhiều chiều của kiểu nhà thơ hiện đại. Nó đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người cá nhân đô thị kiểu Phương Tây, khát vọng vượt thoát ra ngoài sự kìm toả của qui phạm, hướng tới sáng tạo tự do, lạ hoá theo xu hướng thơ tượng trưng, siêu thực. Sự ra đời của thể thơ văn xuôi trong Thơ mới 1932- 1945 là nền tảng quan trọng để thời kỳ sau 1945, thể thơ văn xuôi khẳng định v à có nhiều thành tựu. Đây là một trong những thành quả lớn của quá trình hiện đại hoá thơ. ABSTRACT In the process of formation, existence and development, all literary genres are always in motion and interaction with each others. However, each period has a particular interaction impression. While the Vietnamese Middle-Age Literature has not so many genres and the view on literary scope is still indefinite, resulting in unclear interaction, then in the early years of the 20th century, literary genres were more active and the interaction became stronger. This led to the appearance of prose poetry, part of the New Poetry (1932- 1945). Prose poetry frees traditional poems from rhythm and prosody. Therefore, it carries strong feelings and multi-directions of modern poets. It also meets the aesthetic demands of those in urban areas influenced by the Western style, who desire for escaping from the holding back of norms, reaching the free creation, and creating novelized prose with a trend towards symbolism and surrealism. The birth of prose in the new poetry 1932-1945 was an important foundation for the period after 1945. Prose-poem genre confirms it self and has more achievements. This is one of the big achievements in modernizing poetry. 1. Đặt vấn đề Thể loại là dạng thức tồn tại của chỉnh thể tác phẩm văn học. Trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, thể loại văn học vừa ổn định vừa biến đổi. Ổn định không phải là sự đứng yên, khô cứng mà chỉ ở dạng định hình, khẳng định thành tựu. Còn biến đổi là liên tục, là động lực của sự phát triển, đổi mới văn học. Do đó, thể loại văn học luôn luôn vừa mới, vừa cũ. Văn học Việt Nam 1930- 1945 - tuy thời gian ngắn nhưng có đời sống thể loại vừa “hoàn chỉnh”, vừa “năng động”. Theo Vũ Tuấn Anh, “Giai đoạn văn học này tồn tại với tư cách và qui mô của một hệ thống văn học hoàn chỉnh và đạt đến những thành tựu đỉnh cao”(1). Đây là giai đoạn văn học có ý nghĩa chuyển tiếp từ phạm trù văn học trung đại nhanh
  2. chóng bước sang nền văn học hiện đại nên tốc độ vận động rất lớn; vừa có sự vận động tương tác giữa các thể loại, vừa có sự vận động mạnh mẽ trong bản thân mỗi thể loại. Sự ra đời của cái tôi trữ tình cá nhân đã đưa đến kiểu nhà thơ mới, làm thay đổi thi pháp thơ. Cái tôi trữ tình tiểu tư sản đã đưa đến những tư tưởng, tình cảm mới. Thơ cũ với những niêm luật khắt khe không phù hợp và cũng không thể chuyên chở được tâm hồn mới nên tất yếu phải có sự đổi thay. Sự đổi mới hình thức thơ của phong trào Thơ mới là một nhu cầu bức thiết, phù hợp với cơ tầng văn hóa tình cảm của con người thời hiện đại. Nói như Lưu Trọng Lư: "Hình thức thơ phải mới, mới luôn, cho phù hợp với tâm hồn của ta, tâm hồn phiền phức của ta trong khi tiếp xúc với hoàn cảnh mới, lại càng thêm phiền phức"(2). Dấu hiệu đầu tiên của sự đổi mới, sự tự do lựa chọn là việc bừng nở về thể loại thơ. Vừa ra đời, các nhà Thơ mới đã làm cuộc thử nghiệm với tất cả các thể thơ đối với loại hình đơn âm tiết, đa thanh của Tiếng Việt. Thời kì này, người làm thơ hầu như không chú ý đến loại thể thơ, câu thơ như trong thơ cổ. Trong Phong hóa số 36, tháng 3 năm 1933, Nhất Linh viết, người làm thơ chỉ cần điệu thơ, "muốn có điệu thơ, muốn cho câu văn "lướt theo ý tưởng", nếu câu thơ bảy chữ không diễn đạt được thì dùng sáu hay năm, hay mười hai chữ, bất cứ, miễn là sao cho tả được cái cảm của nhà viết thơ"(3). Trong Tìm hiểu thơ, Mã Giang Lân giới thiệu có 12 thể thơ: Thơ hai chữ, thơ ba chữ, thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ sáu chữ, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, truyện thơ- thơ dài và trường ca, một số bài thơ có dạng đặc biệt. Trong Thơ mới, 12 thể thơ này hầu như đều có mặt. Khảo luận luật thơ trong Thơ mới, Lam Giang đi vào luật vận của thể thơ tám chữ, thơ hai chữ và một số thể thơ “theo khuynh hương phục cổ”. Bùi Đức Tịnh khái quát về Thơ mới nhận xét: “Các nhà Thơ mới đã dọ dẫm từ những câu thơ 2 chữ đến những câu 12 chữ (mà có người mô phỏng thơ Pháp đã gọi là “vế”, dịch âm tiếng Pháp pied). Nhưng rốt cuộc các thể câu đặc dụng nhứt là những câu 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ (và đôi khi 9 chữ)(4). Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cũng cho rằng, những thể thơ thất ngôn (7 tiếng), ngũ ngôn (5 tiếng), 8 tiếng là những thể thơ phát triển của Thơ mới: “Thất ngôn và ngũ ngôn rất thịnh. Không hẳn là cổ phong. Cổ phong ngày xưa đã thúc lại thành Đường luật. Thất ngôn và ngũ ngôn bây giờ lại do luật Đường giãn và nới ra. Cho nên êm tai hơn. Cũng có lẽ vì nó ưa vần bằng hơn vần trắc. Ca trù biến thành thơ tám chữ. Thể thơ này ra đời từ trước 1936, nghĩa là trước khi ông Thao Thao đề xướng. Yêu vận mất. Phần nhiều vần liên chân. Lục bát vẫn được trân trọng: ảnh hưởng chuyện Kiều và ca dao. Song thất lục bát cơ hồ chết, không hiểu vì sao. Lục ngôn thể trước chỉ thấy trong Bạch vân thi tập thỉnh thoảng cũng được dùng. Từ khúc mà hồi đầu người ta toan đưa làm thể chính thức của Thơ mới đã chết dần cùng với thể thơ tự do”(5). Tác giả Thơ ca Việt Nam- hình thức và thể loại cũng cùng ý kiến như thế: “Thơ mới đã vận dụng nhiều hình thức nhưng phổ biến hơn cả là thể thơ 5 từ, 7 từ và 8 từ”(6). Qua thống kê, khảo sát Thơ mới 1932-1945, ở góc nhìn sự vận động của thể thơ, câu thơ, chúng tôi thống nhất theo các ý kiến trên. Có điều, tuy không chiếm số lượng lớn, nhưng thể thơ văn xuôi đã tạo dấu ấn đặc biệt trong Thơ mới và đặt được nền móng vững chắc trong tiến trình thơ hiện đại. Thể thơ văn xuôi ra đời cũng chứng tỏ sự tương tác mạnh mẽ giữa các thể loại văn học. Bởi vậy, bài viết này đi vào khảo sát hai nội dung đó. 2. Sự tương tác giữa các thể loại văn học đưa đến sự ra đời của thơ văn xuôi Đời sống thể loại của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX rất sôi động. Đây là thời kỳ có nhiều đổi thay quan trọng trong sự đổi mới từ phạm trù văn học trung đại sang phạm trù văn học hiện đại. Nhiều thể loại văn học cũ được cách tân, nhiều thể loại văn học mới ra đời
  3. từ công cuộc lao động sáng tạo của các nhà văn nhằm đưa văn học Việt Nam hội nhập nhanh chóng với văn học thế giới. Cái mới ra đời ngoài sự chịu tác động của các yếu tố nội sinh và ngoại nhập, nó còn chịu sự tác động qua lại lẫn nhau để làm nên diện mạo thể loại phong phú, đa dạng. Thể loại thơ văn xuôi, kịch thơ có mặt trong thơ mới 1932-1945 chính là sản phẩm của sự tác động thể loại đó. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân có nhận xét đáng lưu ý: “Phong trào thơ mới lúc bột phát có thể xem như một cuộc xâm lăng của văn xuôi. Văn xuôi tràn vào địa hạt thơ, phá phách tan tành. Một đặc tính của văn xuôi là nói nhiều. Cho nên, trong thơ hồi bấy giờ thi tứ hình như giãn ra. “Ta là một khách chinh phu”- Cả ý thơ dồn lại trong hai chữ “Chinh phu” bốn chữ kia thừa… Nhưng rồi Thơ mới cũng mất dần tính cách văn xuôi: câu thơ càng thêm hàm xúc”(7). Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nêu lên một vài nhận xét có liên quan về vấn đề tương tác thể loại. Theo ông: “… những thi ca và tiểu thuyết của những nhà văn lớp đầu có những tính chất nửa cũ, nửa mới, nửa pha Hán học, nửa nhuộm Tây học kia, thật là những tấm gương phản chiếu buổi giao thời, đáng là những tài liệu quí báu cho các nhà khảo cứu”(8). Hoặc là ý kiến nhận xét của ông về Phấn thông vàng của Xuân Diệu: “Xuân Diệu ở đâu cũng đem theo một hồn thơ bát ngát và mơ màng. Trong quyển Phấn thông vàng mà Xuân Diệu cho là một tập truyện ngắn, tôi thấy chỉ rặt thơ là thơ. Không phải thơ bằng những câu có vần có điệu, không phải thơ ở những lời đẽo gọt mà thơ ở lối diễn trình cùng tư tưởng, ở những cảnh vật cỏn con mà tác giả vẽ nên những nét tỉ mỉ, khi ảm đạm, lúc xanh tươi, tuỳ theo cái hứng của tác giả”(9). ý kiến nhận xét về Thế Lữ: “Có điều này ta nên để ý là thơ và tiểu thuyết của Thế Lữ rất liên lạc với nhau”(10). Theo M. Bakhtin, thể loại chứ không phải phương pháp hoặc trường phái sáng tác là những nhân vật chính của tấn kịch lịch sử văn học. Mỗi một thể loại, nhất là những thể loại lớn thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thụ, nhìn nhận, giải minh thế giới và con người. Thể loại là cái trí nhớ siêu cá nhân của nghệ thuật, nơi tích luỹ, đúc kết những nhận thức thẩm mỹ thế giới. Mỗi thời đại lịch sử có hệ thống thể loại của mình, trong đó những thể loại chính thể hiện tập trung nhất, nổi bật nhất tâm thức, tầm nhìn, những mối quan tâm, những quan niệm và chuẩn mực giá trị con người trong thời đại đó, những thể loại chính ấy như những mặt trời thu hút những thể loại khác vào trong quỹ đạo của chúng. Lịch sử văn học theo Bakhtin, “trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại”(11). Khi nghiên cứu về thiểu thuyết, Bakhtin cũng đưa ra nhận xét quan trọng: “Một vấn đề rất quan trọng và lý thú nữa là sự tác động qua lại giữa các thể loại trong tổng thể thống nhất của văn học từng thời kỳ”(12). Vũ Tuấn Anh cũng cho rằng: “Hệ thống thể loại cùng sự vận động và biến đổi của nó trong quá trình văn học là một phương diện quan trọng bộc lộ quan niệm văn học và đặc điểm tư duy nghệ thuật của mỗi thời đại. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ văn học là một chỉnh thể thẩm mỹ thống nhất trong đó có sự liên kết và tác động lẫn nhau giữa các thể loại. Quan sát toàn bộ hệ thống, ta sẽ thấy cấu trúc thể loại của mỗi giai đoạn văn học luôn có những nét khác biệt so với giai đoạn trước và sau nó. Có những thể loại tàn tạ hoặc mất vị trí vốn có, có những thể loại mới ra đời. Mỗi giai đoạn văn học thường có một hệ thống thể loại với tư cách những mô hình nghệ thuật tương ứng, phản ánh đặc điểm xã hội – văn hoá, trình độ nhận thức và nhu cầu thẩm mỹ của người đọc…”(13). Trong văn học trung đại Việt Nam, hệ thống thể loại không nhiều, đường biên giữa chúng khá nhoè mờ. Sự nhoè mờ này không phải do vấn đề tương tác giữa các thể loại diễn ra mạnh mẽ mà do quan niệm, phạm vi văn chương chưa rõ ràng. Trong điều kiện văn, sử, triết bất phân, vấn đề phân loại văn học rất khó khăn. Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú là người sớm có ý thức về thể loại, “văn không thể tạp loạn, thể tài phải tự khác nhau” (Lời tựa Đại Việt thông sử), nhưng công trình Đại Việt thông sử của ông và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chưa phải là phân loại văn học. Hơn nữa, hệ thống thể loại của văn học trung đại rất
  4. phức tạp bởi dùng song ngữ. Thơ thì có nhiều hình thức, loại hình (có loại dùng cả chữ Hán và chữ Việt) như lục bát, song thất lục bát, Đường luật, diễn ca, truyện Nôm, ngâm khúc, vãn, hát nói. Văn xuôi thì chỉ có văn xuôi chữ Hán và cũng còn thưa thớt, nên hầu như sự tác động giữa các thể loại không rõ. Trong thời kỳ này biểu hiện rõ nhất là sự tác động của các chức năng ngoài văn học. Trong công trình Mấy vấn đề Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Trần Đình Sử nhận xét: “Các thể loại văn học trung đại như mọi người đều biết, trước hết có chức năng ngoài văn học. Các chức năng đó một mặt làm chậm bước phát triển của văn học nghệ thuật như một nghệ thuật ngôn từ, nhưng mặt khác chức năng ngoài văn học cũng góp phần tạo thành nét đặc trưng của văn học trung đại. Chẳng hạn sử học và các thể loại của sử học như bi, ký, lục, truyện, minh, chí, dật sự, dã sử với thể thức của chúng, tinh thần thực lục, bút pháp xuân thu của chúng đã ảnh hưởng tới diện mạo văn xuôi trung đại. Không thể nghiên cứu nghệ thuật văn xuôi mà không thể đối chiếu với các thể loại của sử. Thơ xưa làm không phải để xuất bản lãnh nhuận bút mà chỉ là để dâng tặng mà bày tỏ chí (khen, chê, hoài bão), chức năng bao phiếm, phúng gián, ngôn hoài gắn với yêu cầu giáo huấn, can dự đời sống. Người đọc thơ là quan chí (xem chí) mà trau đức. Do vậy thơ thống nhất với các thể loại tụng, tán, biểu, tấu, châm, giới, dụ. Do vậy thể loại văn học trung đại có một sự thống nhất nội tại trong chức năng nghệ thuật và thực dụng, mỹ học và xã hội học”. Sang thế kỷ XX, quá trình hiện đại hoá văn học đã làm cho văn học Việt Nam thay đổi một cách cơ bản. Các yếu tố nội sinh, ngoại nhập cùng sự tương tác giữa các thể loại văn học diễn ra gay gắt, mạnh mẽ nhằm đưa văn học sớm hội nhập với văn học thế giới. Dấu ấn thâm nhập của văn xuôi vào thơ chưa rõ nét trong văn học trung đại, nay bắt đầu lộ rõ trong các sáng tác của Thơ mới, đặc biệt đưa đến sự ra đời của thể thơ văn xuôi. 3. Sự ra đời của thể thơ văn xuôi Trên thế giới, thơ văn xuôi đã tồn tại hơn thế kỷ với tên tuổi của các nhà thơ nổi tiếng như Whitman, Baudelaire,Valery, Tagore... Theo Xuân Diệu, Walt Whitman là “một thi sĩ vô song về thơ văn xuôi” của nước ngoài. Whitman chỉ làm một tập thơ duy nhất, lại là thơ văn xuôi. Tập Ngọn cỏ của ông có 411 bài (1855), đã được thế giới kỷ niệm 100 năm ngày ra đời (1955). Thể thơ văn xuôi trong Thơ mới không nhiều nhưng đó là sự thử nghiệm táo bạo. Thực ra thì thơ văn xuôi đã có từ “đêm trước”của Thơ mới với Giọt lệ thu của Tương Phố, Linh Phượng ký của Đông Hồ... Đến Thơ mới, ngay bài Tình già của Phan Khôi cũng đã có ý kiến cho đó là thơ văn xuôi. Nhưng trong quá trình phát triển của Thơ mới, giai đoạn cuối, thể thơ văn xuôi in dấu đậm nét hơn. Khác với văn học Pháp, Mỹ, ấn Độ... mảnh đất đã nuôi dưỡng thơ văn xuôi tồn tại hơn một thế kỉ với tên tuổi của các nhà thơ nổi tiếng Baudelaire, Valéry, Whidman, Tagore,... ở Việt Nam, thể thơ văn xuôi đến Thơ mới vẫn hầu như còn mới lạ. Trong văn học trung đại, chúng ta có thể tìm thấy bóng dáng thơ văn xuôi ở các thể loại văn vần như phú, văn tế, hoặc các loại biền văn như hịch, cáo (Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh, Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái...). Đó có thể là những sáng tác làm cơ sở cho thể thơ văn xuôi sau này. Đến Thơ mới, một thể loại thơ như thơ văn xuôi, thơ tự do mới có diện mạo, có tên rõ ràng. Hữu Đạt cho rằng: "Chính sự phát triển mạnh mẽ, phong phú của thơ tự do, trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại, chẳng mấy chốc đã ra đời một thể thơ mới - thơ văn xuôi. Dừng trên phương diện ngôn ngữ thì thơ văn xuôi là đỉnh cao nhất của thơ tự do"(14). Sự ra đời của thơ văn xuôi là do nhu cầu của kiểu nhà thơ hiện đại. Đến Thơ mới, cái tôi trữ tình cá nhân đã không chấp nhận sự ràng buộc của qui phạm đạo lý, họ đề cao ảo giác và sự linh cảm bản năng. Vì vậy, thơ văn xuôi với hình thức tự do hoá các thể thơ truyền
  5. thống, mạch câu chảy tràn ra không theo sự ràng buộc của nhịp điệu, niêm luật nào cả nên chuyên chở được cảm xúc mãnh liệt, nhiều chiều, hình ảnh chồng chất và những ý tưởng họ cho là tuyệt đích: "Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này sông khác, cả núi cả đèo và cả rừng, cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để hiểu thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều" (Đinh Hùng - Cảm thu). Chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực tìm đến vẻ dẹp siêu nghiệm mà then chốt là trực giác, âm thanh, màu sắc. Kiểu nhà thơ này thường hướng tới điệu tâm hồn mới lạ của đắm say, mơ mộng, có khi cuồng điên, réo rắt. Chẳng hạn, Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử: “Trăng là ánh sáng, nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu ngừng thở lắng nghe một cách ung dung sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả...". Không gian ba chiều rợn ngợp, ngập ánh trăng. Nhưng là trăng siêu hình, vô lượng, hoang vu, ngây ngất, đê mê. Hoài Thanh đã nhận xét về thơ Hàn Mặc Tử: "Vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa, càng ớn lạnh... Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê tởm, linh động như một người hay đúng hơn là như một yêu tinh...”(15). Kiểu nhà Thơ mới luôn có khát vọng vượt thoát ra ngoài sự kiềm toả. Bằng chứng của nó thể hiện ở việc dùng câu, từ, ngữ... càng ít sự gò bó càng tốt. Thơ văn xuôi chính là thể thơ ít giới hạn nhất trong các thể thơ. Nó chỉ cần thi tứ, nhịp điệu câu văn xuôi có chất thơ, ngôn ngữ gần với đời thường nhưng không phải lời nói thường ngày. Theo Hữu Đạt, “Về hình thức câu, thơ văn xuôi có dáng dấp gần với một câu văn xuôi nhưng khác văn xuôi ở chỗ mang nhiều hình ảnh, nhiều chất thơ và được hình thành do cảm xúc trực tiếp của nhà thơ... So với các thể trước nó, thơ văn xuôi có ưu điểm là diễn tả được cùng một lúc những cảm xúc trùng điệp, những hình ảnh, những ý thơ liên tiếp, bề bộn những sự kiện”(16). Họ cảm giác về thế giới, về thiên nhiên... cũng chính là cảm giác về mình, về lẽ đời, sự kiện có khi từ muôn năm trước vậy. Hãy nghe Đinh Hùng Cảm thu: “Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa… Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa, và linh hồn vẫn là linh hồn tôi năm trước… Chân ai đi xa vắng ngày xưa, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và cả rừng, cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để hiểu thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều” (Cảm thu - Đinh Hùng). Nguyễn Xuân Sanh cảm nhận về âm thanh và giọt mưa: “Giọt mưa rơi, mưa rơi, giọt mưa rơi... Mưa rơi kết tinh suy tưởng của hồn ta. Tương tư của hai ta có phải cầm giữ đâu vô bờ bến? Nó thành giọt, để đọng giọt nhớ thương. Nó nhẹ nhàng, êm ái, nhưng nó bao la như những cõi vô cùng, hàng vạn triệu. Chiều nay ngoài khung cửa sổ đời ta, từng giọt, từng giọt, từng giọt, nhưng ta biết lấy gì dếm được. Mưa rơi từ trăng xuống. Mưa rời từ đất cỏ, đi lên. Từ trăng xuống, từ đất lên, nhũng sáng và những trưa mai, và giọt mưa rơi…” (Giọt mưa rơi- Nguyễn Xuân Sanh). Cảm nhận về hương vị: “Tháng lúa chín: vụ gặt trong nắng xanh. Hồn của đất: lúa thơm. Sự sống thầm, và hoa mỹ. Nghĩ rằng một hạt cốm nếp mang đọng bao nhiêu hương đất, bao nhiêu tháng ái ân… Muốn nhìn, muốn gửi, muốn nếm, muốn thương. ... Khuya đường về:
  6. Mỗi khóm nhà: Một chùm đời thơm ngát. Bước đặt lên bước xưa, tư tưởng đè lên tư tưởng cũ. Ngày hái quả trong rừng gió ngọt nỉ non chưa? Trong mùa gặt Đất thơm. Ta tưởng tượng sự dồi dào bốc tự lòng say đất nước Đất cũng trầm tư, cũng chuyên chú, đất kiên nhẫn ta mến yêu Ta ca ngợi hạnh phúc đơn sơ ngọn lúa Ta cũng cảm cái thi vị chất phác những “ngày mùa” họp bạn rủ nhau đi t ìm lúa mới xa” (Đất thơm- Nguyễn Xuân Sanh). Thơ văn xuôi thể hiện nhu cầu xã hội của thời đại, một nhu cầu đa dạng, phức tạp, lắm biến đổi. Cũng như thơ nói chung, thơ văn xuôi thuộc phương thức biểu hiện trữ tình nhưng nó mượn yếu tố hình thức của văn xuôi để biểu đạt. Thơ xưa lấy ý tại ngôn ngoại làm trọng nên đề cao sự tinh lọc đến mức ước lệ, sáo mòn. Cuộc sống hiện đại không phải không cần tinh lọc nhưng sự tinh chọn phải luôn đi kèm với mới lạ Do đó, một thể loại “hơi mềm hơi cúng” như văn xuôi mới có thể tiếp cận được mô hình nguyên chất của đời thường, cập nhập được thông tin nhiều bề, gai góc để rồi từ đó nâng lên thành tầm khái quát, thành tư tưởng. Sự mở rộng, phóng khoáng, sẵn sàng dung nạp nhiều hàm lượng thông tin, là nhân tố thúc đẩy sự phát triển nhânh chóng, vượt bậc của xã hội hiện đại so với những thời đại trước nó. Tuy số lượng tác phẩm ít nhưng sự thể nghiệm này thật đáng quý, đã có những tác phẩm kinh điển mà về sau được nhắc tới nhiều. Có thể kể đến Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử; Bông hồng của Huy Thông; Giọt mưa rơi, Đất thơm của Nguyễn Xuân Sanh; Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh... 4. Kết luận Như vậy, từ sự tương tác trong đời sống thể loại của văn học hiện đại, thể thơ văn xuôi đã có mặt sớm trong Thơ mới. Thể thơ này xuất hiện rõ nét ở giai đoạn giữa và tiếp tục phát triển ở giai đoạn cuối. Tuy chưa phù hợp ở diện rộng với tâm lí sáng tác và tâm lí tiếp nhận lúc bấy giờ nhưng thể thơ văn xuôi đã định hình. Đó là nền tảng quan trọng để thời kì từ sau 1945 thể thơ văn xuôi được khẳng định và có nhiều thành tựu. Chính những nhà Thơ mới thời kì này như Chế Lan Viên, Huy Cận đã sáng tác những bài thơ văn xuôi có giá trị, về sau bắt buộc mọi người phải thừa nhận, xem những thể nghiệm trước đây không còn là ngông cuồng, kì quái nữa. TÀI LIỆU THAM KHẢO (1), (13) Vũ Tuấn Anh (2001), Văn học Việt Nam hiện đại nhận thức và thẩm định, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.22, 195. (2) Lê Thị Đức Hạnh (1997), “Lưu Trọng Lư- người có công đầu trong phong trào Thơ mới”, Tạp chí Văn học (5), tr. 12- 14. (3) Nhất Linh (1933), Báo Phong Hoá (36), Tháng 3- 1933. (4) Bùi Đức Tịnh (1967), Văn học sử Việt Nam (Trung học đệ nhị cấp), Sống mới xuất bản, Sài Gòn, tr. 322. (5), (7), (15) Hoài Thanh- Hoài Chân (TB.2000), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 43, 45, 198. (6) Hà Minh Đức- Bùi Văn Nguyên (1971), Thơ ca Việt Nam – Hình thức và thể loại, Nxb KHoa học xã hội, Hà Nội. (8), (9), (10), (11), (12) Vũ Ngọc Phan (TB1989), Nhà văn hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. (14) Trương Chính (1997), “Tản Đà và Thơ mới”, Tản Đà trong lòng thời đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. (16) Hữu Đạt (1996), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2