intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

4
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết thảo luận về khung pháp lý và một số vướng mắc liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; kinh nghiệm về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên ở các nước theo hệ thống công chứng Latinh. Từ đó, bài viết gợi mở một số các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên

  1. BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM NGHỀ NGHIỆP CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN Nguyễn Thị Hoàng Yến 1 CTĐT Luật, Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là biện pháp nhằm giúp giảm thiểu rủi ro cho công chứng viên trong hoạt động hành nghề công chứng; giúp kịp thời khắc phục các thiệt hại do hoạt động công chứng của công chứng viên gây ra đối với người yêu cầu công chứng, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Bài viết thảo luận về khung pháp lý và một số vướng mắc liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; kinh nghiệm về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên ở các nước theo hệ thống công chứng Latinh. Từ đó, bài viết gợi mở một số các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Từ khóa: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, công chứng viên, trách nhiệm nghề nghiệp 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Luật công chứng 2014 (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2018)55 (sau đây viết tắt là Luật công chứng (sửa đổi)) được Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 20/6/2014 đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý an toàn, minh bạch cho các loại hợp đồng, giao dịch; cũng như giá trị sử dụng của các bản dịch; qua đó, hoạt động công chứng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại và trong các lĩnh vực khác. Một trong các yêu cầu quan trọng để hoạt động công chứng phát huy được vai trò như vừa đề cập, đó là công chứng viên (sau đây viết tắt là CCV) phải nâng cao tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp để nhằm thực hiện các hoạt động công chứng một cách chuẩn xác, trung thực và phù hợp các quy định pháp luật. Tuy vậy, trong thực tiễn hoạt động hành nghề công chứng, CCV không tránh khỏi các trường hợp vi phạm nguyên tắc hành nghề, có lỗi và gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng; cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong quá trình công chứng. Về mặt nguyên tắc, theo Điều 38 Luật công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng (sau đây viết tắt là TCHNCC) phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do lỗi mà CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường 55 Luật công chứng 2014 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. 708
  2. cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì TCHNCC có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Nhằm đảm bảo sự an toàn cho CCV trong hoạt động hành nghề công chứng, giúp TCHNCC, CCV giảm thiểu được rủi ro trong hoạt động công chứng khi phải bồi thường thiệt hại; đồng thời đảm bảo khả năng được bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại, Luật công chứng quy định bắt buộc về nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của TCHNCC tại Điều 38 của Luật này. Trải qua gần 08 năm thi hành Luật công chứng (sửa đổi), vấn đề về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV gặp phải một số các vướng mắc trong thực tiễn, bao gồm các vấn đề tranh cãi liên quan đến chủ thể phải có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV; thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV; hậu quả pháp lý trong trường hợp không mua hoặc không duy trì bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV. Chính vì lẽ đó, việc tiếp tục nghiên cứu chủ đề về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV trong bối cảnh sửa đổi Luật công chứng là vấn đề cấp thiết56. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Về đối tượng nghiên cứu: Bài viết tập trung phân tích, thảo luận các quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Về phương pháp nghiên cứu: Để làm sáng tỏ các nội dung của bài viết, tác giả sử dụng các phương pháp bao gồm: (i) phương pháp phân tích, tổng hợp để làm rõ các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề nghiên cứu; (ii) phương pháp so sánh để trình bày kinh nghiệm pháp luật nước ngoài liên quan đến vấn đề nghiên cứu; từ đó có cơ sở để đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề nghiên cứu. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Cơ sở pháp lý ghi nhận về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên Quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV được thiết lập lần đầu tiên tại khoản 7 Điều 32 Luật Công chứng 2006. Theo đó, văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của tổ chức mình. Đến Luật công chứng (sửa đổi), nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV thuộc về TCHNCC, tức là bao gồm cả Phòng công chứng và văn phòng công chứng. Sự thay đổi này cho thấy sự bình đẳng về nghĩa vụ của các TCHNCC. 56 Luật công chứng đang trong quá trình dự thảo sửa đổi theo Tờ trình năm 2022 về Đề nghị xây dựng Dự án Luật công chứng (sửa đổi) của Chính phủ. Hồ sơ toàn văn dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) đang được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, https://vanban.chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/ho-so-de-nghi-xay-dung-du-an- luat-cong-chung-sua-doi-4942, truy cập ngày 02/4/2023. 709
  3. Điều 37 Luật công chứng (sửa đổi) quy định TCHNCC có trách nhiệm mua bảo hiểm cho CCV hành nghề tại tổ chức mình và việc mua bảo hiểm này phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của TCHNCC. Quy định này được cụ thể hóa tại Chương III Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ. Theo đó, một số các nội dung chủ yếu được điều chỉnh trong quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV bao gồm: chủ thể có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; nguyên tắc tham gia bảo hiểm; phạm vi bảo hiểm; điều kiện bảo hiểm; phí bảo hiểm. Một là chủ thể có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Khoản 2 Điều 37 chỉ rõ TCHNCC có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV hành nghề tại tổ chức mình. Theo đó, hiện nay, CCV hành nghề tại TCHNCC có 03 dạng: (i) CCV hành nghề tại Phòng công chứng; (ii) CCV hợp danh tại văn phòng công chứng; và (iii) CCV hợp đồng tại văn phòng công chứng. Theo đó, TCHNCC phải mua và duy trì hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV hành nghề tại tổ chức mình trong suốt thời gian hoạt động của TCHNCC. Thứ hai, về nguyên tắc tham gia bảo hiểm được quy định tại Điều 19 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP. Theo đó, TCHNCC có 02 cách thức để mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghệp; hoặc là TCHNCC trực tiếp mua hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của tổ chức mình. Thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV được thực hiện chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày CCV của TCHNCC được đăng ký hành nghề. Kinh phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của Phòng công chứng được trích từ quỹ phát triển sự nghiệp hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Thứ ba, về phạm vi bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV. Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP đã xác định phạm vi bảo hiểm được chi trả bao gồm thiệt hại về vật chất của người tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc của cá nhân, tổ chức khác có liên quan trực tiếp đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng mà những thiệt hại gây ra do lỗi của công chứng viên trong thời hạn bảo hiểm. Tuy nhiên, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP cũng cho phép TCHNCC hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp của CCV trong trường hợp được TCHNCC ủy quyền để mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm về phạm vi bảo hiểm rộng hơn phạm vi bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 20. Thứ tư, về điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bảo hiểm và bồi thường thiệt hại. Điều 21 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP xác định điều kiện để tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm và bồi thường thiệt hại khi phải đủ 02 điều kiện, bao gồm: (i) Thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm quy định tại Điều 20 của Nghị định; (ii) Không thuộc các trường hợp: a) CCV thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác; b) CCV công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi; c) CCV cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng; 710
  4. d) Trường hợp khác theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và TCHNCC hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong trường hợp được TCHNCC ủy quyền. Thứ năm, về phí bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV. Theo đó, phí bảo hiểm được hiểu là khoản tiền mà TCHNCC phải đóng cho tổ chức bảo hiểm khi mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV thuộc tổ chức mình. Mức phí bảo hiểm do TCHNCC hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp của CCV trong trường hợp được TCHNCC ủy quyền và tổ chức bảo hiểm thỏa thuận; tuy nhiên khoản 2 Điều 22 Nghị định số 29/2015/NĐ- CP ấn định mức phí tối thiểu là 3.000.000 đồng/năm đối với mỗi CCV. Do đó, mức phí bảo hiểm do các bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 3.000.000 đồng/năm đối với mỗi CCV. 3.2. Một số các vướng mắc trong quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên theo Luật công chứng 2014 (sửa đổi, bổ sung 2018) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV đã tạo lập sự nâng đỡ an toàn cho CCV khi thực hiện hoạt động hành nghề; đồng thời củng cố niềm tin của người yêu cầu công chứng vào hoạt động công chứng khi tin tưởng rằng nếu có thiệt hại xảy ra thì bảo hiểm sẽ cùng chia sẻ rủi ro với CCV trong việc khắc phục thiệt hại cho người bị thiệt hại. Tuy vậy, quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV vẫn còn một số vướng mắc cần phải tiếp tục thảo luận để đề xuất hướng khắc phục. Cụ thể: Thứ nhất, vấn đề về chủ thể có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV. Hiện nay, khoản 2 Điều 37 Luật công chứng đang quy định chủ thể có trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp của CCV là tổ chức hành nghề công chứng. Theo đó, xuất phát từ Điều 38, khi có thiệt hại xảy ra trong hoạt động công chứng do lỗi của CCV thì sẽ phát sinh 02 quan hệ: (i) quan hệ bồi thường thiệt hại giữa tổ chức hành nghề công chứng cho người bị thiệt hại từ hoạt động hành nghề của CCV; (ii) quan hệ bồi hoàn giữa CCV cho tổ chức hành nghề công chứng. Theo đó, về mặt nguyên tắc, khi có thiệt hại xảy ra, chủ thể có trách nhiệm bồi thường là TCHNCC, chứ không phải là CCV. Do vậy, Luật công chứng theo hướng quy trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp về cho TCHNCC. Tuy vậy, sau khi TCHNCC đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu CCV phải bồi hoàn lại “một khoản tiền” mà TCHNCC đã bỏ ra để bồi thường thiệt hại. Quy định này có nét tương đồng với Điều 597 BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người của pháp nhân gây ra. Tuy nhiên, việc CCV phải bồi hoàn “một khoản tiền” cho TCHNCC không được quy định rõ. Trên thực tế, một khoản tiền này có thể là một phần cũng có thể là toàn bộ khoản tiền mà TCHNCC đã bỏ ra để bồi thường thiệt hại. Theo đó, nếu TCHNCC có mua bảo hiểm nghề nghiệp cho CCV thì tổ chức bảo hiểm sẽ chi trả khoản tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Trường hợp khoản tiền do tổ chức bảo hiểm chi trả không đủ cho khoản bồi thường thiệt hại, thì TCHNCC sẽ bồi thường phần còn thiếu. Hiện nay, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định mức phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tối thiểu là 3.000.000 đồng/năm cho một CCV. Mức phí thấp nên kéo theo khoản tiền bảo hiểm chi trả trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm cũng thấp. Thực tế này dẫn đến dù có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, TCHNCC vẫn phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để bồi thường thiệt hại. Chưa kể đến tình trạng TCHNCC trốn tránh nghĩa vụ mua bảo hiểm 711
  5. nghề nghiệp cho CCV, thì khi xảy ra thiệt hại do hoạt động hành nghề công chứng, TCHNCC phải tự mình bồi thường thiệt hại 100%. Số tiền này nếu TCHNCC yêu cầu CCV phải bồi hoàn lại tương ứng 100% thì rõ ràng khả năng để CCV có thể bồi hoàn ở mức rất thấp. Mặt khác, dù là thực hiện hoạt động nghề nghiệp trong sự quản lý của TCHNCC, hoạt động nghề nghiệp của CCV là độc lập. CCV dùng danh nghĩa của mình để xác nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, bản dịch. CCV, do đó, phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu có lỗi gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong quá trình thực thi nghề nghiệp của mình. Do đó, việc luật chỉ quy định nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của TCHNCC mà bỏ qua vấn đề về nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV khi hành nghề, vô hình chung, đẩy các TCHNCC vào thế khó khi gặp phải các vụ việc phát sinh yêu cầu bồi thường thiệt hại từ hành vi cá nhân, vi phạm, có lỗi của CCV57. Thứ hai, vấn đề về thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV. Về thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định: Thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV được thực hiện chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày CCV của tổ chức hành nghề công chứng được đăng ký hành nghề. Như vậy, độ trễ tối đa của thời hạn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là 60 ngày, được tính kể từ ngày CCV của TCHNCC được đăng ký hành nghề. Tuy nhiên, thời điểm hành nghề của CCV lại được tính kể từ thời điểm đăng ký hành nghề và được cấp thẻ CCV. Cụ thể, CCV chỉ được ký văn bản công chứng sau khi được Sở tư pháp đăng ký hành nghề và cấp thẻ CCV58. Do đó, giữa quy định về thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và thời điểm hành nghề của CCV có sự vênh nhau. Sự vênh nhau của hai mốc thời điểm này có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Vì lẽ, ở ngay tại thời điểm hành nghề, CCV đã được quyền ký công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch, bản dịch. Nghĩa rằng, nguy cơ gây ra thiệt hại từ việc thực hiện hoạt động hành nghề của CCV đã bắt đầu phát sinh. Do đó, nếu TCHNCC chậm trễ trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV thì việc chia sẻ rủi ro giữa tổ chức bảo hiểm và TCHNCC liên quan đến khoản tiền bồi thường thiệt hại (nếu thiệt hại phát sinh trong khoảng thời gian 60 ngày) hoàn toàn không tồn tại. Rõ ràng, Luật công chứng (sửa đổi) đang có một lỗ hổng nhất định trong quy định về thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Thứ ba, vấn đề về hậu quả pháp lý nếu TCHNCC không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV. Khoản 2 Điều 37 quy định: “Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày mua bảo hiểm hoặc kể từ ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo 57 Theo số liệu thống kê việc khởi kiện, bồi thường trong hoạt động công chứng trong giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2019, tổng số tiền các TCHNCC phải bồi thường theo bản án, quyết định của Tòa án là 12.057.188.029, Phụ lục số 05, Tài liệu hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật công chứng, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3389, truy cập ngày 02/4/2023. 58 Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật công chứng. 712
  6. hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp”. Luật quy định trách nhiệm của TCHNCC là thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV cho Sở tư pháp để cơ quan này nắm bắt thông tin, kiểm tra và giám sát khi cần thiết. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng trong trường hợp TCHNCC cố tình trốn tránh bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV thì hậu quả pháp lý mà pháp luật dự liệu cho tình huống này là gì? Hiện tại, pháp luật chỉ dự liệu duy nhất chế tài hành chính đối với hành vi vi phạm trong hoạt động mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của TCHNCC. Cụ thể, Điều 72 Luật công chứng (sửa đổi) đề cập rằng TCHNCC nếu vi phạm quy định của Luật này thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Rà soát Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã liệt kê các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của TCHNCC, bao gồm: Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp liên tục cho CCV của tổ chức mình; Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không bảo đảm mức phí tối thiểu hoặc không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ cho tất cả CCV của tổ chức mình theo quy định; Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của tổ chức mình59. Mức xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo từng loại hành vi vi phạm. Tuy vậy, chế tài hành chính không đủ sức răn đe đối với sai phạm của TCHNCC trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV. Việc trốn tránh mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mang lại hậu quả tiêu cực là rủi ro cho người bị thiệt hại với khả năng bồi thường hạn hữu của TCHNCC. Mặt khác, cũng gây chính rủi ro cho các TCHNCC, CCV khi phải tự thân bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Thực tiễn cho thấy bản chất của hoạt động công chứng luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây thiệt hại cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến văn bản được công chứng. Do vậy, việc bỏ ngỏ một chế tài xử lý mạnh mẽ đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV sẽ khiến quy định của Luật công chứng (sửa đổi) về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV trở nên vô nghĩa trong thực tiễn thực thi. 3.3. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên theo kinh nghiệm các nước theo hệ thống công chứng Latinh Hệ thống công chứng Latinh được ghi nhận ở các nước châu Âu sau: Đức, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Lettoia, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Séc. Tại châu Á, các nước thuộc hệ thống công chứng Latinh điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, CHDCND Lào…60 59 Điểm m khoản 1; điểm l khoản 2; điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã 60 Bộ tư pháp (2013), Báo cáo tổng thuật Pháp luật về công chứng của hệ thống công chứng Latinh (Cộng hòa Pháp, Công hòa liên bang Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc) và một số thông tin liên quan đến hệ thống công chứng Anglo Sacxong, tr. 2, http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=667, truy cập ngày 02/4/2023 713
  7. Ở tất cả các nước áp dụng mô hình công chứng latinh, CCV được bảo hiểm về trách nhiệm nghề nghiệp. Trong trường hợp việc công chứng sai gây thiệt hại cho người khác mà CCV không có lỗi cố ý, thì tổ chức bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường thiệt hại61. Tại Đức, mọi CCV phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp từ các công ty bảo hiểm. Bên cạnh đó, một quỹ đặc biệt được tổ chức XH-NN của CCV ở từng khu vực thiết lập dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp với chức năng chính là bồi thường cho những thiệt hại không thể khắc phục đầy đủ bởi bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bổ sung thu nhập theo nghề của CCV và chăm sóc CCV lúc về già hoặc khó khăn hoặc mất sức lao động... và người thân thích của họ. Tại Pháp, thay vì mua bảo hiểm của một công ty chuyên nghiệp, CCV sẽ nộp một khoản tiền ký quỹ do Chính phủ ấn định nhằm đảm bảo thi hành những bản án chống lại họ trong quá trình hành nghề. Số tiền này phải được duy trì đủ trong suốt quá trình hành nghề. Số tiền này sẽ được trả lại, được tính lãi phù hợp với luật ký quỹ sau khi đã trừ đi các khoản chi trước đó. Tương tự như vậy, CCV tại Tây Ban Nha phải nộp một khoản bảo đảm (ký quỹ) trước khi họ bắt đầu hành nghề. Tương tự như vậy, tại Tây Ban Nha, Hội đồng công chứng tối cao thành lập Quỹ Bảo hiểm công chứng. Hàng năm, các CCV phải đóng góp vào Quỹ này; Hội đồng dùng tiền từ Quỹ này để mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV, hướng dẫn tỷ lệ mức đóng góp phụ thuộc vào doanh thu của từng CCV. Ngoài nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ, CCV có thể tự mua thêm bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm khác62. Như vậy, về mặt nguyên tắc, ở các nước theo hệ thống công chứng Latinh, trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề công chứng thuộc về CCV. Khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động hành nghề của CCV thì tiền bồi thường thiệt hại được lấy từ tiền bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp do các công ty bảo hiểm chi trả. Ngoài ra, ở các nước theo hệ thống công chứng Latinh, trong những trường hợp có hành vi cố tình vi phạm từ CCV dẫn đến thiệt hại vượt ra ngoài phạm vi bồi thường của cá nhân CCV cũng như tổ chức bảo hiểm của họ, thì quỹ bảo hiểm tập thể của nghề công chứng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng63. 3.4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên Thứ nhất, kiến nghị sửa đổi về chủ thể có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV và chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hoạt động gây thiệt hại, có lỗi của CCV. Điều 57 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 chỉ rõ: “Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo 61 Nguyễn Ngọc Điện, “Khái niệm, bản chất, vai trò của công chứng ở Việt Nam – quy định pháp luật hiện hành và định hướng hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới”, Tham luận trong Tài liệu hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật công chứng, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3389, truy cập ngày 02/5/2023. 62 Bộ tư pháp (2013), Tlđd (6), tr. 38. 63 Bộ tư pháp (2013), Tldd (6), tr. 38. 714
  8. quy định của pháp luật”. Trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba trong hoạt động công chứng hiện đang được hiểu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TCHNCC đối với người yêu cầu công chứng, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác bị thiệt hại do lỗi của CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, bản thân CCV dù hoạt động dưới sự quản lý của TCHNCC nhưng thực chất lại hoàn toàn độc lập trong hoạt động hành nghề. CCV dùng danh nghĩa của mình, tuyên bố xác nhận về các hợp đồng, giao dịch, bản dịch do mình công chứng. Do đó, việc quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho TCHNCC để từ đó chỉ gán nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của TCHNCC như quy định hiện hành của Điều 37, 38 Luật công chứng (sửa đổi) khó tỏ ra thuyết phục. Mặt khác, hiện nay mức phí mua bảo hiểm tối thiểu đối với một CCV trong một năm ở mức 3.000.000 đồng là quá thấp. Quy định này vô hình chung khiến cho các TCHNCC nếu có tuân thủ quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho tất cả các CCV thuộc tổ chức mình thì mức chi trả tiền bảo hiểm quá thấp, không phát huy được vai trò thực sự của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp dành cho CCV. Ở các nước theo hệ thống công chứng Latinh như đã phân tích phần trên, nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thuộc về CCV và được quy định là một trong các điều kiện để CCV đăng ký hành nghề. Do đó, tác giả đề xuất quy định chủ thể có trách nhiệm/nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phải là CCV. Bên cạnh đó, để tạo ra sự thống nhất giữa các quy định, điều 38 Luật công chứng (sửa đổi) về bồi thường trong hoạt động công chứng cần được sửa đổi theo hướng quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại về cho CCV; xóa bỏ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TCHNCC64. Mục đích của việc sửa đổi quy định này là nhằm tương thích với quy định tại Điều 37 Luật công chứng (sửa đổi), Điều 57 Luật kinh doanh bảo hiểm. Vì chỉ khi xác định trách nhiệm dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại) thuộc về CCV thì khi đó việc yêu cầu CCV phải có nghĩa vụ tự mình mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mới phù hợp với đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm là “trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm với người thứ ba”. Thứ hai, kiến nghị quy định về thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV phải được quy định trước thời điểm CCV đăng ký hành nghề. Khi xác định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là một trong các điều kiện để CCV có thể được đăng ký hành nghề, Luật công chứng (sửa đổi) có thể điều chỉnh về thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là trước thời điểm CCV đăng ký hành nghề tại Sở tư pháp. Theo đó, trong hồ sơ đăng ký hành nghề mà TCHNCC gửi về Sở tư pháp để đăng ký hành nghề và cấp thẻ CCV cho CCV thuộc tổ chức mình thì nội dung của hồ sơ phải bao gồm minh chứng về việc CCV đã tham gia hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tại một tổ chức bảo hiểm. Cụ thể, đó 64 Trong Bộ tư pháp (2022), Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật công chứng (sửa đổi), Điều 45 cũng dự định sửa đổi theo hướng CCV của Văn phòng công chứng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan trong trường hợp có lỗi kể cả khi không còn hành nghề công chứng. Lý giải của Bộ tư pháp về đề xuất này là nhằm tránh tạo tâm lý ỷ lại của CCV vào TCHNCC; mặt khác việc CCV trực tiếp chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại giúp tiết kiệm chi phí cho việc yêu cầu bồi hoàn, https://chinhphu.vn/?pageid=30187&vbid=4942&title=ho-so-de-nghi-xay-dung-du-an-luat- cong-chung-sua-doi, truy cập ngày 02/4/2023. 715
  9. là hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Trường hợp hồ sơ đăng ký hành nghề không có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV thì Sở tư pháp từ chối đăng ký hành nghề. Như vậy, thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV phải diễn ra trước thời điểm đăng ký hành nghề CCV. Thứ ba, kiến nghị xóa đăng ký hành nghề CCV nếu CCV không duy trì bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV trong suốt thời gian hành nghề. Cũng theo mạch đề xuất ở phần trên, nếu xem việc CCV mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là một trong các điều kiện để được đăng ký hành nghề; như vậy, trường hợp CCV trước khi đăng ký hành nghề đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp CCV nhưng sau đó lại không duy trì bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong suốt thời gian hành nghề nên được xem là một trong các căn cứ để xóa đăng ký hành nghề của CCV. Theo đó, định kỳ hàng năm, TCHNCC phải báo cáo với Sở tư pháp về tình hình đăng ký mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV thuộc tổ chức mình. Trường hợp có CCV không duy trì hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp CCV thì Sở tư pháp quyết định xóa đăng ký hành nghề của CCV tại TCHNCC. Xóa đăng ký hành nghề có thể xem là một hậu quả pháp lý nặng nề áp dụng đối với CCV và giúp thực thi được việc tuân thủ nghĩa vụ của CCV trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và duy trì nghĩa vụ này trong suốt thời gian hành nghề công chứng. 4. KẾT LUẬN Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là kênh chia sẻ rủi ro hữu ích giữa tổ chức bảo hiểm và CCV; đóng góp vào sự phát triển vững chắc của hoạt động hành nghề công chứng và tạo ra sự yên tâm của người yêu cầu công chứng, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác vào hoạt động công chứng. Do đó, trong bối cảnh sửa đổi Luật công chứng 2014 (sửa đổi, bổ sung 2018), vấn đề về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV nên được coi là một trong các chủ điểm trọng tâm mà nhà làm luật cần dành sự quan tâm thích đáng để tháo gỡ các tồn tại đang hiện hữu trong quy định này. Có như vậy, hoạt động hành nghề công chứng mới có thể phát triển bền vững, tạo khung hành lang an toàn cho các chủ thể khi tham gia vào hoạt động công chứng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ tư pháp (2013), Báo cáo tổng thuật Pháp luật về công chứng của hệ thống công chứng Latinh (Cộng hòa Pháp, Công hòa liên bang Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc) và một số thông tin liên quan đến hệ thống công chứng Anglo Sacxong, truy cập ngày 02/4/2023, từ http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=667. 2. Bộ tư pháp (2022), Dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật công chứng, Tài liệu hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật công chứng, truy cập ngày 02/4/2023, từ https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3389. 3. Bộ tư pháp (2022), Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật công chứng (sửa đổi), truy cập ngày 02/4/2023, từ https://chinhphu.vn/?pageid=30187&vbid=4942&title=ho-so-de-nghi-xay-dung-du-an-luat-cong- chung-sua-doi. 716
  10. 4. Quốc hội (2022), Đề cương chi tiết Luật công chứng (sửa đổi), truy cập ngày 03/4/2023, từ https://chinhphu.vn/?pageid=30187&vbid=4942&title=ho-so-de-nghi-xay-dung-du-an-luat-cong- chung-sua-doi. 5. Quốc hội (2015), Bộ luật dân sự, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015. 6. Quốc hội (2006), Luật công chứng, ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006 (hết hiệu lực thi hành). 7. Quốc hội (2014), Luật công chứng, ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2014. 8. Quốc hội (2018), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, ban hành ngày 15 tháng 6 năm 2018. 9. Quốc hội (2022), Luật kinh doanh bảo hiểm, ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2022. 10. Chính phủ (2015), Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng, ban hành ngày 15 tháng 3 năm 2015. 11. Chính phủ (2020), Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, ban hành ngày 15 tháng 7 năm 2020. 12. Bộ tư pháp (2021), Thông tư số 01/2021/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật công chứng, ban hành ngày 03 tháng 02 năm 2021. 717
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
14=>2