intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo vệ cơ sở hạ tầng trước rủi ro biến đổi khí hậu: Phân tích kinh tế trường hợp công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

12
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Bảo vệ cơ sở hạ tầng trước rủi ro biến đổi khí hậu: Phân tích kinh tế trường hợp công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam trình bày đánh giá rủi ro khí hậu và phân tích chi phí - lợi ích cho giải pháp thích ứng với BĐKH sẽ tập trung vào kết cấu bê tông của trụ pin và âu thuyền.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo vệ cơ sở hạ tầng trước rủi ro biến đổi khí hậu: Phân tích kinh tế trường hợp công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 42. BẢO VỆ CƠ SỞ HẠ TẦNG TRƯỚC RỦI RO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: PHÂN TÍCH KINH TẾ TRƯỜNG HỢP CÔNG TRÌNH THỦY LỢI CÁI LỚN - CÁI BÉ, TỈNH KIÊN GIANG, VIỆT NAM TS. Nguyễn Công Thành*, TS. Nguyễn Diệu Hằng* TS. Nguyễn Hoàng Nam ** TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh*** Tóm tắt Phần lớn nhất (khoảng 1/3) trong 350 nghìn tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ chi cho phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT). Với rủi ro biến đổi khí hậu gia tăng, việc nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của CSHT là một trong những nội dung của Mục tiêu phát triển bền vững số 9 của Liên hợp quốc. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) vừa chính thức đưa vào vận hành trong đầu tháng 3/2022. Đây là công trình hạ tầng quan trọng giúp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhưng cũng phải đối mặt với rủi ro khí hậu. Nhằm bảo vệ công trình trước rủi ro khí hậu, kết cấu bê tông trụ pin và âu thuyền của công trình đã sử dụng mác bê tông cao hơn, và được bổ sung hỗn hợp phụ gia bền sunfat và chống ăn mòn. Kết quả phân tích kinh tế cho thấy giá trị lợi ích ròng đối với xã hội của biện pháp nâng cấp mác bê tông cho các trụ pin và âu thuyền là 1.043 tỷ đồng. Đây là thông tin quan trọng giúp hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong quyết định đầu tư CSHT thích ứng với BĐKH. Từ khóa: Cơ sở hạ tầng, phân tích chi phí - lợi ích, thích ứng với biến đổi khí hậu * Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ** Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường *** Bộ Kế hoạch và Đầu tư 542
  2. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 1. GIỚI THIỆU Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Nguồn vốn hỗ trợ sẽ được tập trung giải ngân trong hai năm (2022 - 2023). Phần lớn nhất khoảng 1/3 của cả gói, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng, sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng. Việt Nam đã và đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển CSHT. Tuy nhiên, trong quy hoạch CSHT, xu hướng BĐKH hiếm khi được xem xét một cách có hệ thống (Phạm Hoàng Mai và cộng sự, 2019). Điều này có thể dẫn đến rủi ro thiệt hại đối với CSHT trong bối cảnh BĐKH. Đây là lý do mà việc nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của CSHT là một trong những nội dung của Mục tiêu phát triển bền vững số 9 của Liên hợp quốc. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện mục tiêu này và đã đưa vào danh mục các mục tiêu chính của quốc gia. Vì vậy, việc xem xét điều chỉnh các quy trình và yêu cầu quy hoạch CSHT hiện có nhằm tính tới các rủi ro khí hậu trong quá trình thích ứng BĐKH là điều cần thiết. Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1), một trong những công trình thủy lợi lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 17/4/2017 theo Chương trình quốc gia về BĐKH. Công trình này dự kiến sẽ góp phần vào việc phân bổ và điều tiết nguồn nước cho vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án xây dựng Cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được phân tích đánh giá rủi ro khí hậu (Climate Risk Assessment – CRA) với sự hỗ trợ của Dự án toàn cầu “Tăng cường dịch vụ khí hậu trong đầu tư CSHT (Climate Services for Infrastructure Investments – CSI)”, nhằm nâng cao khả năng chống chịu của công trình trước rủi ro khí hậu gia tăng. Một trong những công cụ hiệu quả để đánh giá rủi ro khí hậu đối với CSHT là phương pháp PIEVC được phát triển bởi Hiệp hội Kỹ sư Canada từ năm 2008. Phương pháp kỹ thuật PIEVC là một quy trình có 5 bước để đánh giá các phản hồi (tính dễ bị tổn thương) của các thành phần công trình đối với các tác động của BĐKH. Trên cơ sở áp dụng PIEVC, kết quả đánh giá rủi ro khí hậu (CRA) cho hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ được trình bày trong bài viết này. Các tác động tiềm năng đến tuổi thọ công trình của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hiện tại và sự thay đổi của các hiện tượng này trong tương lai được xem xét, phân tích trong quá trình thực hiện CRA. Kết quả quan trọng của CRA là đề xuất các biện pháp nâng cao khả năng chống chịu của công trình trước các tác động của rủi ro khí hậu gia tăng trong bối cảnh BĐKH. Với nguồn lực hạn chế về tài chính, nhân lực…, thì câu hỏi đặt ra là biện pháp thích ứng BĐKH nào được đề xuất từ kết quả CRA có hiệu quả kinh tế và nên được ưu tiên áp dụng? Đây chính là câu hỏi nghiên cứu đặt ra với hoạt động phân tích kinh tế. Vì vậy, trong bài viết này, phân tích chi phí - lợi ích giải pháp thích ứng với BĐKH của Công trình thủy lợi Cái 543
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Lớn - Cái Bé sẽ được thực hiện nhằm cung cấp thông tin cho các nhà ra quyết định. Trong phân tích này, tất cả tác động của mỗi giải pháp, bao gồm cả các tác động đối với cá nhân, hay còn gọi là chi phí/lợi ích của nhà đầu tư và các tác động xã hội nếu có sẽ được xác định, định lượng và đánh giá. Kết quả của phân tích sẽ cho biết liệu có nên áp dụng các giải pháp ứng phó với khí hậu với Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé từ góc độ hiệu quả kinh tế hay không. Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục công trình chính: cống Cái Lớn, cống Cái Bé, tuyến đê nối hai cống với Quốc lộ 61 và Quốc lộ 63. Cống Cái Lớn - Cái Bé có nhiều thành phần chính như: cống, cửa van, cầu giao thông, đường nối tiếp cầu, kè bảo vệ bờ, kênh dẫn nối tiếp kè… Trong phạm vi bài viết này, việc đánh giá rủi ro khí hậu và phân tích chi phí - lợi ích cho giải pháp thích ứng với BĐKH sẽ tập trung vào kết cấu bê tông của trụ pin và âu thuyền. 2. RỦI RO KHÍ HẬU ĐỐI VỚI KẾT CẤU BÊ TÔNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI CÁI LỚN - CÁI BÉ 2.1. Giới thiệu chung về Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé Dự án hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé là dự án xây dựng mới, thuộc nhóm A, với tổng vốn đầu tư là 3.300 tỷ đồng. Theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 17/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện dự án với chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10. Cống Cái Lớn nằm cách cầu Cái Lớn 2,1 km về phía thượng lưu, trong khi cống Cái Bé cách cầu Cái Bé 1,9 km (Hình 1). Hình 1. Vị trí cống Cái Lớn - Cái Bé Nguồn: Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 544
  4. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Về quy mô, cống Cái Lớn có chiều rộng tổng cộng là 470m, gồm 11 khoang cống 40m với cao trình ngưỡng (-3,5)m ÷ (-6,5)m và 02 âu thuyền (rộng 15m và dài 130m) đi theo hai chiều ngược nhau và có cao trình ngưỡng -5,0m. Với quy mô nhỏ hơn, cống Cái Bé có chiều rộng tổng cộng là 85m, gồm 02 khoang 35m với cao trình ngưỡng -5,0m và 01 âu thuyền (rộng 15m và dài 100m) có cao trình ngưỡng -4,0m. Cả hai cống có cửa van làm bằng thép, kéo đứng, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực, cao trình cửa van +2,5m. Trên cống có cầu giao thông tải trọng HL93, với chiều rộng B = 9,0m (Hình 2). Hình 2. Phối cảnh Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé Cống Cái Lớn Cống Cái Bé Nguồn: Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 2.2. Kết quả phân tích rủi ro khí hậu đối với kết cấu bê tông trụ pin và âu thuyền của cống Cái Lớn - Cái Bé Tuổi thọ thiết kế của công trình là 100 năm. Do đó, các tác động tiềm năng của khí hậu trong tương lai được chọn tương ứng với giai đoạn 2080 - 2099 theo các kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016. Các mốc thời gian dự báo cho nước biển dâng là 10 năm một, từ năm 2030 - 2100. Dữ liệu khí hậu và thủy văn được sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập từ 6 trạm khí tượng, 10 trạm đo mưa và 10 trạm thủy văn nằm quanh khu vực nghiên cứu. Các bộ dữ liệu này có độ dài là 30 năm (1988 - 2017), ngoại trừ dữ liệu về độ mặn là 22 năm (1996 - 2017). Để xem xét tác động của BĐKH và các yếu tố thủy văn đến công trình, nhóm đánh giá đã chọn ra 9 yếu tố khí hậu (nhiệt độ cao, sóng nhiệt, hạn hán, mưa lớn, tổng lượng mưa 5 ngày, gió lớn, bão/áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, và giông sét), 2 yếu tố thủy văn (mực nước và xâm nhập mặn) và 2 tác động cộng gộp (xâm nhập mặn và nhiệt độ cao; mực nước cao và mưa lớn). Hoạt động phân tích rủi ro khí hậu được thực hiện với Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé. Nội dung trọng tâm là đánh giá rủi ro dựa trên sự tương tác giữa các thành phần công trình và các thông số khí hậu và thủy văn. Quá trình này cũng bao gồm việc phân tích ảnh hưởng cộng gộp của hai yếu tố xảy ra đồng thời. Các tương tác này sau đó được đánh giá theo tần suất xảy ra của hiện tượng và mức độ nghiêm trọng của tác động. Tần suất của các yếu tố khí hậu và thủy văn được biểu thị bằng điểm tần suất (P), trong khi mức độ nghiêm trọng của các thành phần công trình dưới tác động của các yếu tố khí hậu và thủy văn được thể hiện bằng 545
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA điểm số nghiêm trọng (S). Việc cho điểm được dựa trên phương pháp chuyên gia. Điểm rủi ro (R) được tính theo công thức sau: R = P x S. Kết quả điểm rủi ro với trụ pin và âu thuyền được trình bày trong Bảng 1. Bảng 1. Điểm rủi ro khí hậu đối với kết cấu bê tông Công trình cống Cái lớn - Cái Bé Điểm rủi ro Thành phần chính Chi tiết Yếu tố khí tượng - thủy văn Hiện trạng Tương lai (2080) Thân cống Trụ pin Sóng nhiệt 6 12 Mực nước (0,9m) 7 14 Xâm nhập mặn (3g/l) 7 14 Xâm nhập mặn + nhiệt độ cao 12 20 Âu thuyền Buồng âu Mực nước 21 28 Xâm nhập mặn 7 14 Xâm nhập mặn + nhiệt độ cao 12 20 Mực nước cao + mưa lớn 8 20 Nguồn: GIZ (2020) Kết quả phân tích rủi ro khí hậu cho thấy các thành phần công trình đang xem xét bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thủy văn và tác động cộng gộp. Mực nước tăng do nước biển dâng, chế độ thủy triều và nước dâng do bão được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến chức năng của các trụ pin, cửa cống và âu thuyền nếu bị nước tràn qua. Mặc dù điểm mức độ nghiêm trọng cho các tương tác này thấp (từ 1 đến 4), điểm tần suất tương ứng rất cao (7 điểm) cho cả điều kiện lịch sử và tương lai. Do đó, điểm số rủi ro ở mức trung bình (lần lượt là 21 và 28 cho điều kiện lịch sử và tương lai), tức là sự ổn định, chức năng và hoạt động của cống Cái Lớn - Cái Bé có thể bị giảm đáng kể. Hơn nữa, mực nước cũng gián tiếp gây ra mài mòn vật lý và ăn mòn hóa học cho bê tông như được ghi nhận ở một số cống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, nồng độ mặn cao và hơi nước có độ mặn cao được nhận định sẽ làm bê tông bị nứt. Các tác động tiêu cực lên các tương tác này cũng được dự báo mạnh hơn dưới tác động cộng gộp của xâm nhập mặn và nhiệt độ cao, cũng như mực nước cao và mưa lớn. Ngoài ra, nhiệt độ cao, sóng nhiệt, hạn hán có thể làm tăng độ nứt và ăn mòn bê tông. Dựa vào kết quả phân tích, khuyến nghị chính được đề xuất cho kết cấu bê tông trụ pin và âu thuyền là sử dụng các vật liệu để giảm ăn mòn bê tông như: xi măng chống sunfat, hỗn hợp phụ gia chống ăn mòn hoặc bê tông mác cao. Đề xuất này đã được xem xét và trên thực tế, biện pháp thích ứng đã được đưa ra như sau: - Bê tông M300 được nâng cấp thành bê tông M400 (đối với phần cọc nằm sâu dưới mặt đất); - Bê tông M300 được nâng cấp thành bê tông M400 với hỗn hợp phụ gia bền sunfat và chống ăn mòn (cho các bộ phận tiếp xúc với nước biển/có nguy cơ bị ăn mòn). 546
  6. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 3. PHÂN TÍCH CHI PHÍ - LỢI ÍCH ĐỐI VỚI GIẢI PHÁP NÂNG CẤP MÁC BÊ TÔNG CHO CÔNG TRÌNH THỦY LỢI CÁI LỚN - CÁI BÉ 3.1. Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích Phân tích chi phí - lợi ích nhằm hỗ trợ việc ra quyết định vì nó cung cấp thông tin về hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư ứng phó với khí hậu. Phân tích chi phí - lợi ích sẽ tập trung vào việc xác định, lượng hóa và so sánh chi phí xã hội và lợi ích xã hội của giải pháp thích ứng với BĐKH theo các bước trong Hình 3. Bước 1 là xác định các giải pháp thích ứng với BĐKH cần phân tích chi phí - lợi ích. Ở đây, giải pháp nâng cấp mác bê tông đã được khuyến nghị và áp dụng sau khi đánh giá rủi ro. Trong Bước 2, cần quyết định xem những ai có liên quan, chịu tác động bởi các giải pháp ứng phó với BĐKH; nghĩa là cần tính toán lợi ích và chi phí của những nhóm người nào trong xã hội. Nhiệm vụ tiếp theo ở Bước 3 là xác định tất cả các tác động, bao gồm lợi ích và chi phí theo thời gian; cần tìm hiểu tác động trong các tình huống khi có giải pháp thích ứng với BĐKH và không có biện pháp chống chịu với khí hậu đối với công trình cống Cái Lớn - Cái Bé cho mỗi năm và cho từng bên liên quan. Trong Bước 4, các nhà phân tích phải lượng hóa mỗi tác động với giá trị bằng đồng Việt Nam. Bước tiếp theo (Bước 5) là chiết khấu các dòng chi phí và lợi ích phát sinh ở tương lai để có được giá trị hiện tại. Sau khi chiết khấu các dòng lợi ích và chi phí về hiện tại, cần tính Giá trị hiện tại ròng (NPV) của dự án, là chênh lệch giữa PV của lợi ích và PV của chi phí, hoặc theo công thức sau: Trong đó: Bt : Tổng lợi ích xã hội năm t; Ct : Tổng chi phí xã hội năm t; r : Tỷ lệ chiết khấu xã hội; n : Khoảng thời gian phân tích dự án. 547
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 3. Các bước phân tích chi phí - lợi ích cho các giải pháp thích ứng với BĐKH Nguồn: Nhóm tác giả Nguyên tắc lựa chọn thực hiện một giải pháp thích ứng với BĐKH là NPV của phương án đó phải dương. Tiêu chí thứ hai giúp đánh giá hiệu quả kinh tế là Tỷ lệ lợi ích / Chi phí (BCR) với công thức như sau: 548
  8. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 BCR cho biết một đồng chi phí bỏ ra cho mỗi phương án sẽ đem lại bao nhiêu đồng lợi ích. Một phương án được coi là hiệu quả đối với xã hội nếu có BCR > 1; nếu BCR < 1 thì phương án đó có lợi ích nhỏ hơn chi phí, do đó không nên lựa chọn. Một tiêu chí khác để đánh giá hiệu quả của giải pháp thích ứng với BĐKH là tỷ suất hoàn vốn nội bộ. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là tỷ suất chiết khấu tạo ra giá trị hiện tại ròng bằng 0: IRR phản ánh khả năng sinh lời của dự án, nên có thể so sánh IRR với Tỷ suất sinh lời của các lựa chọn đầu tư khác (như lãi suất ngân hàng) để đánh giá về hiệu quả sinh lời của dự án đang được phân tích. Dựa vào các chỉ tiêu trên, bước cuối cùng sẽ là khuyến nghị có nên thực hiện giải pháp thích ứng với BĐKH đang được phân tích cho Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé không. 3.2. Kết quả phân tích chi phí - lợi ích cho giải pháp nâng cấp mác bê tông trụ pin và âu thuyền 3.2.1. Các giả định cho phân tích chi phí - lợi ích Thời gian phân tích: Thời gian phân tích có mối quan hệ trực tiếp với tỷ lệ chiết khấu. Tương tự với CRA, thời gian phân tích phụ thuộc vào tuổi thọ của các tùy chọn đang được xem xét. Tuổi thọ của Cái Lớn - Cái Bé theo thiết kế là 100 năm. Tỷ lệ chiết khấu xã hội: Các nhà kinh tế gợi ý rằng, tỷ lệ chiết khấu giảm dần nên được sử dụng trong các dự án có tuổi thọ dài. Boardman và cộng sự (2014) đề xuất tỷ lệ chiết khấu xã hội là 3,5% (từ năm 0 đến năm 50) và 2,5% (từ năm 50 đến năm 100). Tuy nhiên, tỷ lệ 3,5% là phù hợp với các nước phát triển. Tỷ lệ chiết khấu xã hội đối với các nước đang phát triển nên cao hơn vì nó phải kết hợp phần bù rủi ro cao hơn. Ở Việt Nam, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm là 3% - 4%. Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%. Do đó, trong phân tích này, tỷ lệ chiết khấu xã hội được chọn là 5% cho năm 0 đến năm 50 và 2,5% từ năm 50 đến năm 100. 3.2.2. Kết quả phân tích chi phí - lợi ích Chi phí: Các chi phí của giải pháp nâng cấp bê tông gồm: - Chi phí tăng thêm khi nâng cấp bê tông M300 lên bê tông M400; - Chi phí tăng thêm khi nâng cấp bê tông M300 lên bê tông M400 kết hợp với hỗn hợp phụ gia bền sunfat và chống ăn mòn (12 trụ pin và âu thuyền cống Cái Lớn và 3 trụ pin và âu thuyền cống Cái Bé). 549
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Chi phí tăng thêm được tính dựa trên lượng bê tông nâng cấp, cấp nâng cấp (từ M300 đến M400, từ M300 đến M400 với hỗn hợp phụ gia bền sunfat và chống ăn mòn) và giá của các loại bê tông khác nhau (Bảng 2). Bảng 2. Xác định chi phí nâng cấp mác bê tông cho trụ pin và âu thuyền Cống Cái Lớn Cống Cái Bé Lượng bê tông nâng mác từ M300 lên M400 (tấn) 11.000 2.200 Trụ pin: lượng bê tông nâng từ M300 lên M400 với hỗn hợp phụ gia 66.000 13.500 bền sunfat và chống ăn mòn Âu thuyền: lượng bê tông nâng từ M300 lên M400 với hỗn hợp phụ 20.000 12.500 gia bền sunfat và chống ăn mòn Đơn giá bê tông M300 (đồng/tấn) 780.000 Đơn giá bê tông M400 (đồng/tấn) 940.000 Đơn giá M400 với hỗn hợp phụ gia bền sunfat và chống ăn mòn 1.204.000 Chi phí tăng lên 49.600.000.000 Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả Lợi ích: Lợi ích của biện pháp thích ứng được xác định như sau: (i) Lợi ích từ việc tăng tuổi thọ dự kiến: giảm chi phí thay thế trụ pin và âu thuyền trong thời gian 100 năm. Tham vấn chuyên gia của nhóm nghiên cứu (sử dụng bảng câu hỏi) cho kết quả rằng, mức tăng tuổi thọ trung bình nhờ nâng cấp chất liệu bê tông là 21 năm, nghĩa là tuổi thọ trụ pin và âu thuyền có thể kéo dài 71 năm (thay vì 50 năm) với nhờ việc nâng cấp mác bê tông. (ii) Lợi ích từ khả năng chịu đựng cao hơn trước rủi ro khí hậu được đo lường dựa trên việc tiết kiệm chi phí sửa chữa trụ pin và âu thuyền thấp hơn trong thời gian 100 năm. Khoản tiết kiệm này được ước tính theo chi phí bảo trì và xác suất xảy ra chi phí đó. Về chi phí bảo trì, Thông tư số 03/2017/TT-BXD về Hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng (ngày 16/3/2017) quy định mức chi phí bảo trì tiêu chuẩn từ 0,18 đến 0,25% tổng mức đầu tư. Để tránh ước tính quá mức, tỷ lệ 0,18% được chọn cho tính toán. Xác suất xảy ra chi phí bảo trì được ước lượng với giả định việc áp dụng biện pháp thích ứng giúp giảm Điểm rủi ro (R) tương lai về mức điểm hiện tại. Trong phân tích PIEVC, điểm R phản ánh mức độ dễ bị tổn thương của một thành phần của hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé do ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, thủy văn (ví dụ: sóng nhiệt, cao nhiệt độ, độ mặn xâm nhập). Theo công thức (R = P x S), điểm R tính đến cả xác suất xảy (P) của yếu tố khí hậu, thủy văn và mức độ nghiêm trọng (S) của các tác động liên quan đến các yếu tố khí hậu, thủy văn này. Cũng cần lưu ý rằng, việc áp dụng các biện pháp thích ứng (nâng cấp mác bê tông) dự kiến ​​ làm giảm S chứ không giảm P. Theo tính toán, khi áp dụng biện pháp thích sẽ 550
  10. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 ứng, việc giảm xác suất chi phí sửa chữa xảy ra được tính bằng tỷ lệ phần trăm giảm điểm R từ mức trong tương lai xuống mức cơ bản. Theo đó, mức giảm trung bình của điểm rủi ro ∆R hay mức giảm xác suất xảy ra chi phí sửa chữa được ước tính là 2,05%. (iii) Lợi ích của các hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng dự án: Nhờ các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu mà công trình cống Cái Lớn - Cái Bé hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng dự án. Lợi ích được hưởng của họ là thiệt hại tránh được trong trường hợp cống bị hư hỏng do biến đổi khí hậu, dẫn tới không đảm bảo nguồn nước cho các hộ sản xuất. Ước tính thiệt hại tránh được dựa trên thu nhập mất đi trung bình của các hộ gia đình khi có xâm nhập mặn xảy ra. Thu nhập này được tính toán từ khảo sát hộ gia đình trong chuyến khảo sát tháng 4/2021. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 108 hộ gia đình ở hai huyện Châu Thành và An Biên bằng bảng hỏi với phương pháp phỏng vấn trực tiếp: có 31 nông dân trồng lúa - tôm, 44 nông dân trồng lúa một hoặc hai vụ mỗi năm và 33 nông dân trồng lúa ba vụ mỗi năm trong mẫu. Đối với các hộ canh tác 1 - 2 vụ lúa, điều tra cho thấy trung bình tỷ lệ thiệt hại lớn nhất mà các hộ phải đối mặt trong những năm gần đây do xâm nhập mặn là 38%. Lấy đây là mức tối đa và coi mức tối thiểu là 0%, tức là người dân hoàn toàn thích ứng với xâm nhập mặn, thiệt hại bình quân là 19%. Như vậy, nhờ cống Cái Lớn - Cái Bé, người trồng lúa sẽ tránh được khoản lỗ là 11.230.629 đồng/ha. Phương pháp tương tự cũng được áp dụng cho các hộ canh tác ba vụ lúa, mức thiệt hại có thể tránh được bình quân của nông dân ba vụ lúa là 18.595.697 đồng/ha). Tương tự, với các hộ sản xuất tôm - lúa, lợi ích của cống Cái Lớn - Cái Bé là giúp người nuôi tôm - lúa tránh thiệt hại 7.170.961 đồng/ha/năm. Để ước tính lợi ích của biện pháp nâng cấp mác bê tông cho các trụ pin và âu thuyền, chúng tôi nhân các giá trị đó với mức giảm trung bình của điểm rủi ro ∆R, được ước tính như ở trên là 2,05%. Khi đó, ứng dụng nâng cấp mác bê tông trụ pin và âu thuyền của dự án Cái Lớn - Cái Bé sẽ giúp nông dân trồng lúa từ một vụ đến hai vụ tránh thiệt hại 230.288 đồng/ha/năm, nông dân canh tác ba vụ tránh được thiệt hại là 381.212 đồng/ha/năm, và các hộ nuôi tôm - lúa tránh được thiệt hại là 147.005 đồng/ha/năm. Theo Báo cáo Nghiên cứu khả thi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tổng diện tích dự án là 909.248 ha, trong đó Kiên Giang là 330.803 ha, Hậu Giang: 160.245 ha, Bạc Liêu: 63.779 ha, Cà Mau: 204.351 ha, Sóc Trăng: 6.175 ha và Cần Thơ: 143.895 ha. Tham vấn với Ban Quản lý dự án cho thấy các tỉnh này có thể được chia thành ba khu vực dựa trên điểm số bảo vệ. Khu vực 1 gồm: Kiên Giang và Hậu Giang có điểm cao nhất là 19 và trọng số theo điểm là 1. Khu vực 2 gồm Bạc Liêu và Cà Mau có tổng điểm là 11, như vậy, cân nặng là 0,55. Cần Thơ và Sóc Trăng ở khu vực 3 với tổng điểm là 5, do đó quyền số là 0,25. Dựa vào tỷ lệ diện tích của từng khu trong vùng dự án, chúng ta có thể tính được diện tích có lợi của từng mô hình canh tác với trọng số của chúng như trong Bảng 3. 551
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Bảng 3. Diện tích hưởng lợi của cống Cái Lớn - Cái Bé  Vùng 1 Vùng 2 Vùng 3   Tổng (Kiên Giang, Hậu Giang)  (Bạc Liêu, Cà Mau)  (Cần Thơ, Sóc Trăng) Diện tích (ha) 491.048  268.130  150.070  909.248  Tỷ lệ  54%  29%  17%  100%  Diện tích canh tác 1 - 2 75.851  41.418  23.181  140.450  vụ lúa (ha) Diện tích canh tác 3 vụ 7.794  4.248  2.377  14.404  lúa (ha) Diện tích nuôi tôm - 49.170  26.849  15.027  91.046  lúa (ha) Trọng số 1  0,55  0,25    Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả Ta nhân lợi ích của biện pháp chống chịu khí hậu của từng mô hình canh tác với diện tích và trọng số tương ứng trong Bảng 3 sẽ có giá trị tổn thất có thể tránh được hàng năm trong toàn bộ khu vực dự án. Áp dụng công thức NPV với tỷ lệ chiết khấu như đã thảo luận và chiết khấu về năm gốc 2020, giá trị hiện tại (PV) của lợi ích của các hộ gia đình ước tính là 1.017.059.024.353,38 đồng. Tổng lợi ích của PV bao gồm lợi ích cá nhân và xã hội của việc nâng cấp bê tông cho các trụ pin và âu thuyền là 1.093 tỷ đồng. Với chi phí của giải pháp nâng mác bê tông là 49,6 tỷ đồng, áp dụng công thức tính NPV, ta thu được NPV của biện pháp nâng cấp mác bê tông cho các trụ và âu thuyền là 1.043 tỷ đồng cho thời gian 100 năm. So với NPV của nhà đầu tư là 23,6 tỷ đồng, lợi ích ròng của xã hội lớn hơn nhiều vì lợi ích của tất cả các hộ nông nghiệp trong vùng dự án được tính trong phân tích này. BCR là 22,03, có nghĩa là mỗi đồng chi cho việc nâng mác bê tông sẽ mang lại 22,03 đồng lợi ích cho toàn xã hội. IRR xã hội là 76,8%, lớn hơn nhiều so với tỷ suất chiết khấu xã hội. Điều này hàm ý rằng, biện pháp thích ứng nâng cấp mác bê tông cho trụ pin và âu thuyền là có lợi về mặt kinh tế theo quan điểm của cả chủ đầu tư và xã hội. 4. KẾT LUẬN Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán và xâm nhập mặn là một trong những thiên tai nổi trội có tác động đáng kể đến toàn khu vực. Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được đầu tư xây dựng nhằm điều tiết nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho đất nông nghiệp; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn trong mùa khô mang lại lợi ích cho vùng bán đảo Cà Mau với diện tích nông nghiệp gần 350.000 ha. Tuy nhiên, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cũng có thể chịu rủi ro khí hậu, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng và hoạt động của CSHT. Đánh giá rủi ro khí hậu cho thấy các thành phần trụ pin và âu thuyền của Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khí hậu, thủy văn, và tác động tổng hợp với điểm rủi ro trong 552
  12. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 tương lai nằm trong khoảng từ 12 đến 28. Khuyến nghị từ kết quả đánh giá rủi ro khí hậu là kết cấu bê tông trụ pin và âu thuyền nên sử dụng các vật liệu để giảm ăn mòn bê tông như: xi măng bền sunfat, có bổ sung hỗn hợp phụ gia chống ăn mòn và bê tông mác cao. Kết quả phân tích chi phí - lợi ích cho thấy, NPV đối với xã hội của biện pháp nâng cấp mác bê tông cho các trụ và âu thuyền là 1.043 tỷ đồng cho thời gian 100 năm, còn NPV đối với chủ đầu tư công trình là 23,6 tỷ đồng; BCR xã hội là 22,03; IRR xã hội là 76,8%, lớn hơn nhiều so với tỷ suất chiết khấu xã hội. Như vậy, giải pháp nâng cấp mác bê tông nhằm thích ứng với BĐKH ở công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là khả thi về mặt kỹ thuật và có lợi về mặt kinh tế theo quan điểm của cả chủ đầu tư và xã hội. Bài viết này dựa trên kết quả nghiên cứu của các chuyên gia và tư vấn tham gia Dự án toàn cầu “Tăng cường dịch vụ khí hậu cho đầu tư cơ sở hạ tầng (CSI)” (2017 - 2022), được thực hiện bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit GmbH – GIZ) đại diện cho Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU) của Đức trong Chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI). Các kết quả tìm hiểu, các giải thích và kết luận đưa ra trong bài báo này không phản ánh quan điểm chính thức của GIZ. Chúng tôi trân trọng cảm ơn GIZ, Dự án CSI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Đầu Tư và Xây dựng thủy lợi 10, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và tất cả các thành viên của nhóm đánh giá đã đóng góp vào sự thành công của nghiên cứu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ADB (2015), Economic analysis of climate proofing investment projects, Asian Development Bank, the Philippines. 2. Boardman, A. E.; Greenberg D. H.; Vining A. R.; Weimer D. L. (2014), Cost - Benefit Analysis: Concepts and Practice, Pearson. 3. GIZ (2019), Climate risk analysis and assessment report for Cai Lon - Cai Be sluice gate project based on the PIEVC protocol, Enhancing Climate Services for Infrastructure Investment (CSI), Hanoi, Vietnam: Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) GmbH. 4. Government of Vietnam (2017), Prime Minister of Vietnam, Decision No. 498/QD-TTg: on the approval of investment policy for Cai Lon - Cai Be Irrigation System project phase 1 (dated 17/04/2017). Hanoi, Vietnam. 5. IPCC (2007), Climate Change 2007: Impacts, Adaptation and Vulnerability, Contribution of Working Group II to the Fourth Assessment Report of the International Panel on Climate Change (pp. 976). [M. L. Parry, O. F. Canziani, J. P. Palutikof, P. J. van der Linden and C. E. Hanson (eds.)]. Cambridge, UK: Cambridge University Press. 553
  13. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 6. Pham Hoang Mai, Nguyen Tuan Anh, Nguyen Thi Dieu Trinh, Nguyen Thi Minh Ngoc, Benjamin Hodick, Katharina Lotzen, Nguyen Hoang Xuan Anh, Ngo Tien Chuong, Ngo Phuc Hanh, Nguyen Giang Quan (2019), “Climate Services for a Resilient Infrastructure: Planning Perspectives for Sustainable Future of Viet Nam” Oceans and Coasts Newsletter, Issue No. 10, May 2019 https://www.adaptationcommunity.net/download/ climateinformation/Enhancing-Climate-Services-for-Infrastructure-Investment- Planning-in-Vietnam) 7. PMU 10 (2017), Báo cáo Nghiên cứu khả thi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, 2017. 8. World Bank (2011), Vietnam - First Climate Change Development Policy Operation Program, Washington D.C: The World Bank. 554
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
34=>1