intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bức tranh văn học Rumani giản lược

Chia sẻ: Lulu Nguyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

83
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Khung thời gian được chọn để khảo sát bao gồm khoảng thời gian trước và sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, nói chung là khoảng từ 1900 đến 1930.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bức tranh văn học Rumani giản lược

  1. Bức tranh văn học Rumani giản lược
  2. Khung thời gian được chọn để khảo sát bao gồm khoảng thời gian trước và sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, nói chung là khoảng từ 1900 đến 1930. Mốc giới 1900 là mốc giới quen thuộc mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học, chẳng hạn R.M. Albérès trong cuốn Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học châu Âu - 1900-1959, thường sử dụng. Còn mốc giới 1930 đánh dấu thời kỳ châu Âu kể cả Rumani sắp sửa đi vào bước ngoặt lịch sử với nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và đại chiến thế giới lần thứ hai. Các mốc giới thời gian này chỉ mang tính chất quy ước, bởi vì trong văn học nghệ thuật nói chung và trong lĩnh vực tiểu thuyết nói riêng không thể xác định một mốc giới thời gian cố định, hay vĩnh hằng bất biến. Cũng cần khẳng định ngay rằng văn học Rumani đạt tới đỉnh cao, thậm chí vươn tới tầm vóc nhân loại, vào cuối thế kỷ XIX với các tên tuổi như M. Eminescu. I.L Caragiale, I. Creangă và nhiều người khác xuất hiện qua các khuynh hướng sáng tác hoặc theo mô hình cổ điển chủ nghĩa hoặc theo mô hình lãng mạn chủ nghĩa. Truyền thống sáng tạo đó kéo dài sang cả những năm đầu thế kỷ XX, song cũng bắt đầu từ thời kỳ này đã xuất hiện sự phân dòng phân hướng, nếu không nói là phức tạp thì cũng chẳng hề giản đơn chút nào. Trên lĩnh vực sân khấu, I.L. Caragiale về cơ bản đã ngừng hẳn sáng tác, gắn với việc ông chuyển hẳn sang sinh sống ở Đức từ 1904. Song tác phẩm chính luận nổi tiếng của ông nhan đề Năm 1907, từ mùa xuân tới mùa thu vẫn là một đóng góp quan trọng trên lĩnh vực văn xuôi khẳng định sức sống của dân tộc Rumani thông qua việc miêu tả số phận và cuộc đời của những người nông dân Rumani trong sự kiện 1907. Các cây bút thuộc thế hệ đàn anh hay đúng hơn là thế hệ giao thời giữa hai thế kỷ như I. Slavici, B. Delavrancea... cũng mang lại những đóng
  3. góp đáng kể trong lĩnh vực sáng tạo tiểu thuyết. I. Slavici thường tập trung miêu tả với bút pháp tỉ mỉ, chính xác thế giới nông thôn và những mâu thuẫn nổi cộm giữa nông dân và địa chủ, khắc hoạ sự tha hoá nhân tính của con người trước sức mạnh phá hoại của đồng tiền và tâm lý con buôn đang xâm nhập tràn lan trong xã hội nông thôn Rumani. Các tác phẩm như Chiếc cối xay cầu may (Moara cu noroc), Mara (1906) của ông cho thấy rõ những mặt đó của xã hội Rumani. Delavrancea cũng đóng góp một số tiểu thuyết mang đậm phong cách lãng mạn. Ta có thể gặp kiểu nhân vật Jocelyn của Lamartine trong Thinh lặng (Liniste), có thể gặp một kiểu không gian kỳ ảo gắn liền với bối cảnh mùa đông tuyết phủ mênh mông trong Tiểu vương hậu (Sultălnica). Duiliu Zamfirescu hướng tới đối tượng miêu tả không phải ở cấp độ cá nhân đơn lẻ mà là cấp độ gia đình, cấp độ dân tộc theo mô hình của tiểu thuyết Gia đình Rugông-Maca (Les Rougons-Macquart) của E. Zola. Nổi lên ở đây là con người của cái nhìn ảo giác, của cái nhìn bệnh hoạn do chúng bị đặt trong hoàn cảnh bất khả kháng: đói nghèo, rượu chè, nghiện ngập... Sự lý giải của ông cho dù còn mang màu sắc duy tâm ảo tưởng nhưng cũng chỉ ra được nguyên nhân xã hội của những mảnh đời bất hạnh. Trong cuốn Đời sống nông thôn (Viata la tară) hình ảnh của giai cấp địa chủ hiện lên qua một số gia đình địa chủ “đang cố len lỏi gia nhập vào thế giới cuồng tín huyền bí”(1), còn trong tác phẩm Tănase Scatiu thì nhân vật cố tìm mọi cách để len lỏi vào thế giới của những kẻ bần tiện, dốt nát, vừa xấu xa vừa tàn bạo. Ta thấy ở đây những mẫu người tha hoá tiêu biểu.
  4. Các tiểu thuyết của Duiliu Zamfirescu đạt được sự phân tích tinh tế thế giới nội tâm con người (qua các nhân vật như Scatiu, Comănesti... qua đó ông tái tạo lại thế giới trưởng giả hèn kém, sống trong bon chen chật hẹp. Sáng tác của ông là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực đổi mới kỹ thuật tiểu thuyết. Hiển nhiên trong những năm đầu của thế kỷ XX cũng phải tính đến công lao của các tạp chí mang màu sắc và khuynh hướng khác nhau như Sămănatorul (Người gieo mầm) hay Viata Românească (Đời sống Rumani) trong việc truyền bá văn học và tư tưởng học thuật. Tuy nhiên mỗi tờ tạp chí có những đóng góp khác nhau. N. Iorga trong Lịch sử văn học Rumani. Tổng đề có nhận xét: “NhưngSămănatorul (Người gieo hạt) xuất phát từ con đường chính tắc của các tổ chức nhà trường với mục đích tuyên truyền văn hoá cho nhân dân và quảng bá tư tưởng đạo đức mà không tham gia vào việc đổi mới văn học Rumani cũng như chưa sáng tạo ra được một dòng văn học riêng biệt”(2). Còn Viata Românească (Đời sống Rumani) thì lại mang tính chất chính trị rất rõ: “là trào lưu cánh tả của đảng tự do”(3). Cho dù có sự khác biệt, song điều quan trọng là nơi đây tập hợp các gương mặt văn chương tiêu biểu của những năm đầu thế kỷ XX. Người trực tiếp phụ trách Viata Românească (Đời sống Rumani) là G. Ibrăianu (1871-1936). Ông cũng có một cuốn tiểu thuyết nhan đề Adela kể lại cuộc tình éo le trắc trở của Emil Codrescu với tiểu thư Adela, ở đó nhân vật Emil Codrescu hiện lên với con người hết sức mâu thuẫn, một mặt anh ta là con chiên ngoan đạo của dòng tu thiên chúa giáo, mặt khác anh ta muốn tận hưởng cho tới mức cạn kiệt sinh lực, anh ta vừa muốn là một nhà tu hành tốt lại vừa lo sợ vì những ám ảnh về tội lỗi luôn theo đuổi nó. Có thể coi đây là một mẫu con người tâm trạng thường xuất hiện
  5. trong những hoàn cảnh đối đầu quyết liệt gay gắt, tuy nhiên kiểu nhân vật tâm trạng này hoàn toàn khác xa con người tâm trạng kiểu E. Heminway hay của F. Kafka. Việc du nhập các trào lưu văn học khác từ thế giới phương Tây vào cũng cần được ghi nhận như là một biểu hiện của văn học Rumani đầu thế kỷ nói chung và của tiểu thuyết nói riêng. Các trào lưu được du nhập trước hết là chủ nghĩa đa đa mà người khởi xướng cho dù không phải tại Rumani thì cũng là người Rumani chính hiệu: Tristan Tara (nghĩa là đất nước buồn) và các nhãn hiệu thuộc chủ nghĩa hiện đại khác như chủ nghĩa tượng trưng với Alexandru Macedonski, chủ nghĩa biểu hiện với Lucian Blaga, chủ nghĩa hiện đại cấp tiến với Tudor Arghezi, hay chủ nghĩa ermetisme với I. Barbu. Tạp chí Sburătorul (Người bay) do E. Lovinescu lãnh đạo cũng có nhiều đóng góp vào sự truyền bá những trào lưu văn học mới của phương Tây vào Rumani. Chỉ tính đến khoảng 1930, ở Rumani đã có nhiều dạng thức tiểu thuyết như tiểu thuyết thế tục đời tư của M. Sadoveau viết về môi trường thị dân tỉnh lẻ như Nguồn nước của những người chết (Apa mortilor - 1911), Chiếc cối xay bên dòng Siret (Venea cu moara pe Siret - 1925), viết về nông thôn như Chiếc rìu con (Baltagul -1930); loại tiểu thuyết hiện thực về đề tài xã hội như Ion (1920) và tiểu thuyết tâm lý phân tích như Khu rừng của những người bị treo cổ (Padurea spinzuratilor -1922) của L. Rebreanu hay Đêm tình duyên cuối cùng đêm chiến tranh đầu tiên (Ultima noapte de dragoste, intiia noapte de război, 1930) của C. Petrescu, Bản giao hưởng nhạc Bach (Concert de muzică - 1927) của Hortensia Papadat- Bengescu, tiểu thuyết biểu tượng Những hiệp sĩ của thời xưa (Craii de Curtea Veche - 1929) của Matei I, Caragiale, tiểu thuyết diễm tình Xứ sở Medeleni (La Meledeni, 1925-1927) của Ionel Teodoreanu... Cũng có thể
  6. thêm nhiều tên tuổi nữa song chúng tôi muốn nhấn mạnh tới hai tên tuổi quan trọng gắn liền với tiểu thuyết Rumani những năm đầu thế kỷ XX. Đó là Mihail Sadoveanu và Liviu Rebreanu. Mihail Sadoveanu (1880-1961) là cây đại thụ của văn học Rumani trong suốt thế kỷ XX, là người đã làm sống lại kho tàng huyền thoại của xứ sở Moldova. Vừa là người kể chuyện có tài, vừa xuất sắc trong khả năng tái tạo và miêu tả thiên nhiên, vừa có khả năng đan kết nhiều đặc trưng dân tộc về các mặt dân tộc học, nhân chủng học và tâm linh dân tộc trong các hình tượng từ đó tạo ra bức tranh hoành tráng về xã hội và con người Rumani cũng như tạo ra bộ sử thi về đất nước này. Ông để lại hơn trăm tác phẩm gồm truyện ngắn và tiểu thuyết, ở đó ông tập trung nhiều vào việc phản ánh đời sống nông dân Rumani với một tình cảm trân trọng thương yêu, sự cảm thông sâu sắc. Ông có một khả năng sáng tạo phi thường. Chỉ riêng năm 1904, ông đã cho xuất bản cùng lúc bốn tác phẩm: Những truyện ngắn, Những chú chim ưng, Những con người khổ đau lặng lẽ, Quán rượu của Cha Precu. Đây là những tác phẩm tiểu biểu mà ông đã sáng tác từ năm mười bảy tuổi. Ông cộng tác chặt chẽ với tạp chí Đời sống Rumani và thường công bố các tác phẩm của mình trên tạp chí này. Các tiểu thuyết Hoa tàn (1906), Bút ký của Neculai Manea (1908), Nguồn nước của những người chết (1911) viết về cuộc sống tại môi trường thị dân tỉnh lẻ. Ông sớm định hướng sáng tác xung quanh chủ đề về cuộc đời và số phận của những con người nông dân nghèo khổ qua những mảnh đời về con người bị áp bức, về cuộc sống ngột ngạt nơi môi trường thị dân tỉnh lẻ. Ông cũng thường tìm về quá khứ lịch sử qua chân dung của những con người haiduc - những con người không chịu áp bức bóc lột, họ đã vùng lên chống trả mọi sự bạo tàn và chấp nhận một cuộc sống lang thang nơi rừng núi hoang vu. Trong Những năm tháng học nghề ông đã khẳng định những người Haiduc là những người trả thù cho những con người bị áp bức, bênh vực chở che cho các nạn nhân của
  7. bất công, phi lý. Có thể thấy điều đó qua một số truyện ngắn xuất sắc của ông như Miền đất Xixoara của chúng tôi (1907), M ột truyện ngày xưa (1908), Tiếng hát của ký úc (1909), Kẻ xúi bẩy (1912), Những con người của túp lều tranh (1912). Cuốn tiểu thuyết lịch sử với đề tài xã hội rộng lớn đầu tiên của ông là Dòng dõi nhà Soimaresti(1915). Ở đây, cuộc khởi nghĩa nông dân 1907 được lý giải một cách biện chứng, cho thấy sức sống tiềm tàng bất khuất của dân tộc Rumani. Cũng về đề tài lịch sử ông còn viết cuốn Dấu vết chòm sao Thiên giải (1929) tái hiện cuộc đấu tranh chống ách xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người xứ sở Moldova được thể hiện qua Miền đất trong sương mù (1926), Xứ sở ao hồ (1928). Đỉnh cao của tài năng kể chuyện của ông là Quán trọ Ancuta (1928) mà ở đây ta có truyện ngắn xuất sắc Cuộc xử án của những người nghèo ở đó Motoc từ một con người yếu hèn đã may mắn gặp được Vasin đại vương - một haiduc nổi tiếng - đã trở thành con người dũng cảm tự mình trừng phạt tên quý tộc Raducanu Sioru, để giành lại nhân phẩm. Chiếc rìu con (1930) tái hiện sự chuyển biến sâu sắc của tính cách con người Rumani kiên gan, bền bỉ qua hình ảnh người phụ nữ bất hạnh Victoria Lipan có người chồng bị lũ xấu giết hại. Người phụ nữ này đã tìm mọi cách để truy tìm thủ phạm. Nhân vật nữ này có một tầm vóc riêng và trở thành một sáng tạo độc đáo vô song của Sadoveanu cho nền văn học Rumani. Bút pháp miêu tả ở đây là bút pháp khách quan, cho phép tác giả đi vào khám phá chiều sâu phức tạp của tâm trạng nhân vật, tạo ra sức sống trường cửu cho nhân vật. Có thể nói ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, M. Sadoveanu đã khẳng định được vị trí và tài năng cũng như sự đóng góp nhiều mặt của ông trên văn đàn Rumani. Điều đó cũng có nghĩa là nghiên cứu diện mạo tiểu thuyết Rumani đầu thế kỷ không thể tách rời với việc nghiên cứu sự nghiệp sáng tạo của nhà văn này. Liviu Rebreanu (1885-1944) là người sáng lập tiểu thuyết hiện đại Rumani với những kiệt tác vô giá như Ion (1920), Khu rừng của những
  8. người bị treo cổ (1922), Khởi nghĩa (1932). Lấy bối cảnh là miền đất Ardeal với những con người được miêu tả hết sức sinh động, ông tái hiện một thời kỳ đầy biến động của đất nước Rumani. Tiểu thuyết Ion phản ánh tấn bi kịch của những người nông dân với khát vọng ngàn đời về đất. Cuốn tiểu thuyết được chia thành hai phần như hai nửa đối lập với hai tiêu đề Tiếng gọi của đất (Glasul pămintului) và Tiếng gọi của tình yêu (Glasul iubirii) và gắn với hai số phận: một bên là người nông dân nghèo khổ với một cái tên biểu tượng Ion và một bên là thế giới giàu sang qua hình ảnh gia đình trí thức Herdelea. Tấn bi kịch của Ion cũng như của nhiều nông dân Rumani khác được trải dài trong những tập tục truyền thống. Họ bắt đầu từ đất và kết cục lại trở về đất với nỗi khát vọng khôn nguôi về đất. Cuốn Khu rừng của những người bị treo cổ là kiệt tác của L. Rebreanu có kết cấu như một bản hoà âm giao hưởng. Ở đây chiến tranh đế quốc trở thành cơn ác mộng triền miên và bị lên án nghiêm khắc. Ông miêu tả bằng ngòi bút khách quan, và mang lại cho nghệ thuật tiểu thuyết kỹ thuật phân tích theo cách thức của tiểu thuyết F. Dostoievski. Các tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử hay về cuộc khởi nghĩa nông dân 1907 đều tạo ra bức tranh lịch sử sinh động về đất nước con người xứ sở này. Ông xứng đáng là nhà tiểu thuyết hiện thực nông thôn, là nhà phân tích tâm lý xuất sắc. Tiểu thuyết của ông “đánh dấu thời k ỳ châu Âu hoá (europenizare) của văn học Rumani”(4). Như vậy, có thể thấy ngay từ đầu thế kỷ bức tranh văn học Rumani đã có được một diện mạo phong phú, đặc biệt có nhiều khẳng định quan trọng trong lĩnh vực tiểu thuyết. Tiểu thuyết Rumani ngay từ đầu đã có những bước đi vững chắc với nhiều sáng tạo trong kỹ thuật. Mảng đề tài quan trọng nhất vẫn là cuộc sống của những người nông dân Rumani mà nổi lên bình diện hàng đầu thu hút được các tác giả lớn là cuộc khởi nghĩa nông dân 1907.
  9. Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, văn học Rumani đi vào một bước ngoặt phát triển mới, thời kỳ vật lộn mới để tìm đường. Thế hệ của các nhà văn năm mươi từ 1949 đến 1959 thường được gọi là thế hệ của thập niên ám ảnh (generatia obsedantului deceniu) có các tên tuổi Nicolae Labis; Gh. Tomozei; Cezar Baltag; Grigore Hagiu; A.E. Baconski... Thế hệ sáu mươi từ 1959-1969 được gọi làthế hệ mở cửa (generatia deschiderii) được khẳng định qua các dấu ấn thiên tài của Nichita Stănească và của Marin Sorescu. Công lao của họ là đã thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ văn chương Rumani, tiếp nối truyền thống trữ tình trong thơ ca Rumani. Trong số này có các tên tuổi: Ana Blandiana, Ioan Alexandru, Lucian Blaga... Thế hệ bảy mươi là thế hệ khởi đầu với một cú sốc đặc biệt. Thời kỳ này phải kể đến công lao của tạp chí Echinox (1969) với hai đại diện tiêu biểu là Mircea Dinescu và Adrian Popescu. Họ đòi tuân thủ những chuẩn mực cổ điển về văn chương và đưa ra những kiến nghị mới. Bản lĩnh và các luận điểm của Mircea Dinescu trong thế giới văn chương và trên diễn đàn chính trị - ông là một trong những người ly khai - đã trở thành biểu tượng cho thời đại đó.Thế hệ tám mươi chú trọng nhiều vào những hình thức mỹ học mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại và chú trọng nhiều vào các hình thức văn bản. Thế hệ chín mươi được đánh dấu bằng sự trở lại của Cristian Popescu, người đã mất hút trên văn đàn từ suốt ba mươi năm. Ông cũng là biểu tượng của một thế hệ. Việc xuất bản trở nên dễ dàng hơn, số lượng tác phẩm nhiều hơn và cũng mang nhiều dấu ấn cá nhân đủ mọi màu sắc và chưa thể một lúc đánh giá được hay nhận chân được các giá trị đích thực. Trên đây là sự rút gọn quá trình phát triển của văn học Rumani trong nửa sau của thế kỷ XX. Trong văn học các nước khác cũng có những gương mặt sáng giá người Rumani. Đó là Elena Văcărescu; Anna de Noailles; Marta Bibescu; Iulia Hasdeu; Panait Istrati; Peter Neagoe; Benjamin Fundoianu (biệt danh
  10. B. Wexler); Eugen Ionesco; Mircea Eliade; Emil Cioran; Horia Vintilă; Ion Caraion... Văn học phê bình phát triển mạnh trước và sau đại chiến thế giới thứ hai... Các nghiên cứu về các nền văn học khác cũng như việc giới thiệu nó cho công chúng có nhiều kết quả khả quan. Trên lĩnh vực nghiên cứu thi pháp học, các nhà nghiên cứu Rumani cũng có nhiều đóng góp quan trọng với các tên tuổi như: Ilie Tănase; G. Călinescu; N. Iorga; Noica Constantin; Mircea Eliade... Tóm lại, văn học Rumani qua các thời đại đều góp phần tái hiện hiện thực lịch sử của một dân tộc đấu tranh không ngừng nghỉ để hợp nhất đất nước, để phát huy truyền thống và giữ gìn bản sắc. Mỗi thời đại văn chư- ơng đều có tiếng nói riêng, cách diễn đạt riêng, độc đáo. Mỗi thời đại đều có những điển hình văn chương đặc sắc với những vẻ đẹp lộng lẫy riêng... Tất cả đều góp phần làm nên văn học Rumani, giúp cho nền văn học ấy phát triển trong mọi thời kỳ, mọi hoàn cảnh. Thế kỷ XXI đang mở ra những triển vọng mới khả quan và chắc chắn văn học Rumani cũng sẽ có những mùa gặt mới bội thu./.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2