VĂN MẪU LỚP 11 CÁC XUNG ĐỘT KỊCH TRONG ĐOẠN TRÍCH VĨNH BIỆT CỬU TRÙNG ĐÀI BÀI MẪU SỐ 1: 1. HS xác định đúng thể loại bài viết: nghị luận văn học. 2. Nội dung: Đề bài này yêu cầu HS có những hiểu biết khái quát về tác phẩm kịch Vũ Như Tô nói chung và đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài nói riêng. Để làm bài viết này, HS cần nắm rõ những nội dung sau: a. Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động khốn khổ lầm than với hôn quân bạo chúa và phe cánh của chúng sống xa hoa trụy lạc. - Mâu thuẫn này trở nen căng thẳng khi Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài. Triều đình ra lệnh tăng sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối. Thợ làm việc cần lực mà vẫn bị đói khát, bị ăn chặn. Dân căm phẫn vua làm cho dân cùng nước kiệt; thợ oán Vũ Như Tô vì nhiều người chết bởi tai nạn, vì ôn cho chém đầu những kẻ bỏ trốn. - Tình hình đất nước đã tạo cơ hội thuận lợi cho các phe cánh nổi lên làm loạn. Lợi dụng tình hình rối ren và những mâu thuẫn ấy, Trịnh Duy Sản “Kẻ cầm đầu phe cách đối nghịch trong triều” đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ thuyền làm phản. - Kết quả của mâu thuẫn này là: Lê Trương Dực bị giết, hoàng hậu nhảy vào lựa, Đam Thiềm, Kim Phượng và các cung nữ bị bắt bớ, bị nhục mạ, Vũ Như Tô bị đem ra pháp trường, Cửu Trùng Đài – hiện thân cho sự ăn chơi sa đọa của Lê Trương Dực, khát vọng nghệ thuật của Vũ Như Tô bị đốt thành tro. b. Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân. - Nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn này: Người nghệ sĩ thiên tài đầy hoài bão và tâm huyết cũng không thể thi thố tài năng của mình để đem lại cái đẹp cho đời, niềm tự hào cho dân tộc trong một chế độ thối nát, trong một đất nước mà nhân dân còn phải sống triền miên trong đói khổ, lầm than. - Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, có khả năng “tranh tinh xảo với hóa công”. Hoàn cảnh đất nước không tạo điều kiện cho Vũ Như Tô thể hiện tài năng, thực hiện những sáng tạo vĩ đại và chân chín. Không còn lựa chọn nào khác, ông “theo lời khuyên của Đan Thiềm” đành mượn uy quyền và tiền bạc của tên hôn quân Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão xây dựng cho đất nước một công trình nguy nga, vĩ đại. Khát vọng của Vũ Như Tô đã đẩy ông vào tình trạng đối lập với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân, ông bị coi như kẻ thù, là nguyên nhân cho những đau khổ, mất mát của họ. Đây chính là bi kịch của Vũ Như Tô. - Đến khi ra pháp trường, khi chứng kiến cảnh Cửu Trùng Đài bị thiêu trụi, Vũ Như Tô không thể hiệu được nhân dân cũng như nhân dân không hiểu được những khát vọng sáng tạo nghệ thuật của Vũ Như Tô. Bởi lẽ, ông là người phụng sự cái đẹp, đứng trên lập trường của người nghệ sĩ thuần túy. Điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế đời sống của nhân dân. Cái chết của Vũ Như Tô, Đam Thiềm và việc Cửu Trùng Đài bị biến thành đài lửa đã cho thấy tính chất khốc liệt của mâu thuẫn này. BÀI MẪU SỐ 1: 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm • Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn có nhiều đóng góp về đề tài lịch sử thông qua thể loại tiểu thuyết và kịch. Những tác phẩm của ông toát lên vẻ đôn hậu, thâm trầm. Nhà văn luôn mơ ước dựng lên những bức tranh lịch sử hùng tráng, nhằm gửi gắm ý nghĩa triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống và nghệ thuật. • Vũ Như Tô là vở kịch 5 hồi có quy mô hoành tráng, đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài thuộc hồi cuối cùng của vở kịch. Thông qua các mâu thuẫn cơ bản, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nghệ thuật của vở kịch nói chung và đoại trích nói riêng. 2. Khái niệm mâu thuẫn trong tác phẩm kịch Mâu thuẫn là yếu tố không thể thiếu để tạo nên hành động kịch. Từ những mâu thuẫn lịch sử, xã hội, nhà viết kịch dựng nên một “cốt truyện” trong đó có các nhân vật kịch, hành động kịch phát triển theo những tuyến xung đột khác nhau và dẫn tới kịch tính. Việc giải quyết mâu thuẫn trong kịch diễn ra theo các hồi, cảnh, hành động trước thúc đẩy hành động sau đòi hỏi phải giải quyết mâu thuẫn kịch Trong một vở kịch có thể có một hoặc nhiều mâu thuẫn song sự phát triển của toàn bộ vở kịch lại dựa vào những mâu thuẫn cơ bản, nếu thiếu mâu thuẫn cơ bản sẽ không làm nên đặc trưng của tác phẩm kịch. • Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động khốn khổ lầm than và bọn hôn quân bạo chúa, xa hoa, trụy lạc. Mâu thuẫn này có từ trước khi Cửu Trùng Đài được xây dựng, là hậu quả tất yếu của các giai cấp đối kháng trong xã hội. Vua Lê Tương Dực là ông vua ăn chơi sa đọa, để thỏa mãn những thú vui của phe cánh mình, ông ta đã ra sức bóc lột tận xương, tận tủy người lao động. Đến khi Cửu Trùng Đài được xây dựng, mâu thuẫn này càng trở nên gay gắt hơn gấp bội. Đến hồi V, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm, trong kinh thành tin dân gặp nạn lụt lội, mất mùa, “dân gian đói kém nổi lên tứ tung”. Vũ Như Tô vẫn không nhận ra được mục đích cuộc đấu tranh của nhân dân nên vẫn không ngừng đốc thúc thợ gấp rút hoàn thành Cửu Trùng Đài. Thợ định nổi loạn. Hơn nữa Tương Dực không phải là một ông vua yêu nước, thương dân, chăm lo cuộc sống cho dân nên đã gây ra “biến”, “loạn” trong xã hội và lòng người, triều đình bấy giờ đang rất rối ren. Trịnh Duy Sản đã lợi dụng tình hình rối ren đó cầm đầu phe đối nghịch để lôi kéo thợ thuyền dấy binh nổi loạn giết chết vua, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và phá hủy Cửu Trùng Đài, chấm dứt ước vọng một đời của Vũ Như Tô. Như vậy, mâu thuẫn ở hồi V đã phát triển lên đỉnh điểm và được giải quyết triệt để theo đúng trình tự và kết cục của một vở bi kịch. Các nhân vật chịu cái chết khó tránh khỏi. Mâu thuẫn được giải quyết, hành động kịch cũng chấm dứt. • Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích trực tiếp thiết thực của nhân dân. Người nghệ sĩ thiên tài muốn cống hiến tài năng của mình để xây dựng cho đất nước tòa đài tráng lệ, làm vinh danh muôn đời. Ông là nhà kiến trúc sư tài năng, “tài trời”, “ngàn năm chưa dễ có một”, “tranh tinh xảo với hóa công”, “chỉ vẩy bút là chim, hoa đã hiện lên”. Vũ Như Tô đã dành cả tâm hồn và thể xác của mình cho công trình kiến trúc trong tương lai sẽ tô điểm cho đất nước, vì vậy ông chấp nhận làm việc cho tên hôn quân, bạo chúa, mượn quyền uy để thực hiện hoài bão, dù bị thương nhưng ông vẫn tiếp tục xây Cửu Trùng Đài, thậm chí khi có thợ bỏ việc, ông không ngần ngại trị tội những người bỏ trốn. Nhưng thật chua xót vì hoài bão lớn lao đó mà ông vô tình đã đẩy nhân dân rơi vào vòng lao khổ, mất cả tính mạng và niềm tin. Trong con mắt của nhân dân, Cửu Trùng Đài không phải một công trình nghệ thuật mang đến hạnh phúc và lợi ích của họ, ngược lại nó là hiện thân cho sự ăn chơi xa hoa của vua quan triều đình, đem đến những tai họa và bất hạnh cho người dân. Như vậy khát khao nghệ thuật để rồi cống hiến và sống chết cho nghệ thuật chân chính của Vũ Như Tô lúc này lại đi trái với lợi ích và nhu cầu thiết thực của nhân dân. Muốn thực hiện đam mê nghệ thuật của mình, ông lại bị ngay nhân dân chống đối, họ coi ông là “thủ phạm”, “không hiểu” việc làm của ông. Trong hoàn cảnh đất nước phải sống lầm than như vậy, người nghệ sĩ không có cơ hội và điều kiện thể hiện khát vọng sáng tạo nghệ thuật, nếu muốn thực hiện ước mơ thì mâu thuẫn với nhân dân, ngược lại nếu đứng về phía nhân dân ông lại không thể nào thực hiện được lí tưởng nghệ thuật. Mặt khác, vì quá chú tâm vào nghệ thuật thuần túy, ông đã xa rời lợi ích của nhân dân, nghệ thuật đó đã thoát li đời sống, không được nhân dân ủng hộ và chính nhân dân là người đào thải nó. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn gay gắt không thể trì hoãn của tấn bi kịch. Nhưng đây cũng là mâu thuẫn không được giải quyết một cách triệt để vì cho đến lúc chết, Vũ Như Tô vẫn không nhận ra sai lầm của mình và vẫn “mơ mộng”: “Mà tôi thì không làm gì nên tội. Họ hiểu nhầm”, “tôi làm gì nên tội?”. Hai mâu thuẫn trên nối tiếp nhau tạo thành xung đột của vở kịch. Từ đó tác giả phơi bày bộ mặt xã hội trong đó có những mối quan hệ phức tạp đòi hỏi phải được giải quyết. Mức độ giải quyết tình trạng xung đột cho ta thấy rõ hơn tài năng nghệ thuật và ý đồ sáng tác của nhà văn. • Tổng kết Đoạn trích thể hiện một ngôn ngữ kịch điêu luyện, xây dựng các hành động kịch nối tiếp nhau tạo nên những mâu thuẫn và đẩy xung đột kịch lên cao trào, từ đó bộc lộ tính cách nhân vật. Thông qua mâu thuẫn của vở bi kịch, Nguyễn Huy Tưởng thể hiện lòng trân trọng tài năng và tôn kính cái đẹp nghệ thuật nhưng đằng sau đó là nỗi niềm thương cảm của nhà văn với bi kịch của những tài năng siêu việt.