intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cải cách tư pháp theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

48
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trên cơ sở khái quát về những giá trị cốt lõi của tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta; đồng thời phân tích, đánh giá một số vấn đề đặt ra về chiến lược cải cách tư pháp, những điểm nổi bật trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cải cách tư pháp theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

  1. CẢI CÁCH TƯ PHÁP THEO TINH THẦN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Đặng Công Nhật Thuận TÓM TẮT: Bài viết trên cơ sở khái quát về những giá trị cốt lõi của tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta; đồng thời phân tích, đánh giá một số vấn đề đặt ra về chiến lược cải cách tư pháp, những điểm nổi bật trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp. Từ đó, bài viết nêu ra những định hướng cơ bản để tiếp tục xây dựng nền tư pháp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Từ khóa: tư pháp, cải cách tư pháp, chiến lược cải cách tư pháp, Đại hội XIII ABSTRACT: This work provides an overview of the core values of the justice in the socialist rule-of-law state of Vietnam the judicial reform strategy in Vietnam; and evaluates certain issues raised about the judicial reform strategy, highlights in the document of the 13th National Congress of the Party thereon. This work, therefore, outlines the basic orientations for further building an increasingly judicial foundation, meeting the development and integration requirements of our country. Keywords: justice, judicial reform, judicial reform strategy, 13th Congress. 1. Những giá trị cốt lõi của tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chiến lược cải cách tư pháp Nền tư pháp là lĩnh vực, bộ phận, nền tảng vững chắc hình thành trong đời sống xã hội và dựa vào đó tư pháp được thiết kế, vận hành, hoạt động. Đó là mục tiêu, nguyên tắc của tư pháp, quyền tư pháp, thực hiền quyền tư pháp, chế độ pháp luật về tư pháp, hệ thống tư pháp, tổ chức và hoạt động tư pháp, cũng như phương thức thực hiện quyền tư pháp. Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bộ phận của quyền lực nhà nước - quyền xét xử do Tòa án nhân dân thực hiện dựa trên hệ thống thể chế và thông qua các hoạt động tố tụng để xét xử và giải quyết xung đột giữa các quan hệ xã hội nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.  ThS., Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Khu vực III; Email: nhatthuan.dn94@gmail.com 47
  2. Trong nhà nước pháp quyền, quyền tư pháp còn được xem là quyền bảo vệ pháp luật. Thông qua việc thực thi quyền tư pháp, nhà nước không chỉ có trách nhiệm đem lại công lý cho người dân mà còn cho họ thấy được công lý đã được thi hành. Mục tiêu bảo vệ công lý của hoạt động tư pháp chỉ có thể đạt được thông qua một nền tư pháp công bằng mà cốt lõi là tố tụng công bằng. Tư tưởng công bằng, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tiếp cận công lý cũng chính là tư tưởng nền móng cho quan điểm đề cao các thủ tục tố tụng tư pháp, cũng là một điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chính từ đây, các thủ tục tố tụng dân sự, kinh tế, hành chính, hình sự đã được hoàn thiện trên những nguyên tắc hiện đại. Với quan điểm coi “tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm”, cùng với quan điểm về thực hiện nguyên tắc tranh tụng là những quan điểm có ý nghĩa đột phá của Chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta1. Chiến lược cải cách tư pháp là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng. Khi đề ra chiến lược cải cách tư pháp, lần đầu tiên trong các văn kiện chính trị của Đảng và Nhà nước ta khái niệm công lý và quyền con người đã được đề cập và Bộ Chính trị cũng đã xác định nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người là của các cơ quan tư pháp. Nghị quyết số 49-NQ/TW đã 5 lần nhắc đến hai khái niệm đó khi đề ra mục tiêu, quan điểm, phương hướng, các nhiệm vụ trong quá trình tiến hành cải cách tư pháp. Tư tưởng gắn công lý với các hoạt động tư pháp và lĩnh vực tư pháp là một tư tưởng đúng đắn và vượt trội của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Tư tưởng đó về sau đã được hiến định và cũng là lần hiến định đầu tiên ở nước ta bởi Hiến pháp năm 2013 khi xác định nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” là của Tòa án nhân dân (Điều 102). Việc hiến định giá trị công lý và quyền con người đã tạo nên một định hướng quan trọng trong chính sách pháp luật và trong toàn bộ hệ thống pháp lý nước ta2. 2. Những vấn đề đặt ra đối với chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam Cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa luôn là nội dung được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều 1 Đào Trí Úc (2020), “Những bài học lý luận và thực tiễn của Chiến lược cải cách tư pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (5), tr.3-9. 2 Đào Trí Úc (2020), “Những bài học lý luận và thực tiễn của Chiến lược cải cách tư pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (5), tr.3-9. 48
  3. thành tựu quan trọng. Nền tư pháp của nước ta đã từng bước phát triển theo hướng trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động xét xử của Tòa án từng bước được củng cố theo hướng dân chủ và nghiêm minh. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Chính trị đã 3 lần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết (sơ kết 3 năm, 5 năm, tổng kết 8 năm). Tuy vậy, qua khảo sát 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương và báo cáo tổng kết của các cấp ủy, tổ chức đảng cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần đánh giá, làm rõ. Đánh giá về những hạn chế, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ ra: “Việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan, sai, bỏ lọt tội phạm”3. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nhận định: “Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước”4. Có thể thấy, nền tư pháp của nước ta hiện nay vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để có thể đạt được mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 49- NQ/TW đã đề ra. 2.1. Cách tiếp cận và xác định mục tiêu của cải cách tư pháp Có thể đánh giá, cách tiếp cận hiện nay về cải cách tư pháp chưa hoàn toàn đầy đủ, hệ thống, bao quát và có thể nói là chưa đúng thực chất. Cụ thể hơn, cải cách tư pháp phần lớn chỉ mới liên quan đến vấn đề mang tính tổ chức hình thức, pháp luật, mà chưa thực sự hướng đến tư pháp trong chỉnh thể, đến quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp, pháp quyền tư pháp với tất cả những gì vốn có của nó, chưa làm nổi bật những giá trị pháp quyền mà tư pháp hướng đến để duy trì và bảo vệ. Và ngay cả cách tiếp cận về tổ chức và pháp luật đến cải cách tư pháp cũng chưa đầy đủ, toàn diện, hệ thống. Do vậy chưa đem đến kết quả cải cách như mong muốn5. Cũng nhận thấy rằng, đã có sự thiên lệch trong cách tiếp cận về cải cách tư pháp. Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định, việc cải cách tư pháp tập trung vào hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử của Tòa án. Cách tiếp cận đó đúng nhưng chưa đủ. Do 3 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 110. 4 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, t.1, tr.89-90. 5 Võ Khánh Vinh (2020), “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (11), tr. 3-15. 49
  4. cách tiếp cận này mà trong những năm qua, cải cách tư pháp ở nước ta có xu hướng tập trung vào cải cách hoạt động xét xử, chưa quan tâm đúng mức đến cải cách các hoạt động điều tra, truy tố, thi hành án. Trong khi đó, để bảo vệ công lý, cần thiết phải cải cách một cách đồng bộ tất cả các hoạt động tư pháp. Thực tế cho thấy có nhiều vụ án oan sai xuất phát từ các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố và vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm quyền con người ở các cơ sở giam giữ6. Mục tiêu của cải cách tư pháp là làm gia tăng, bảo vệ có hiệu quả, hiệu lực, chất lượng hơn các giá trị pháp quyền cốt lõi, cao cả của xã hội như: công lý, công bằng, pháp quyền, quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội, các lợi ích hợp pháp, trật tự pháp luật, tính độc lập, tính trong sạch, tính vững mạnh, tính dân chủ, tính nghiêm minh, tính hiện đại của nền tư pháp và các giá trị xã hội khác7. Vậy vấn đề đặt ra là mục tiêu của tư pháp có thay đổi hay không và nếu có thì thay đổi như thế nào trong quá trình vận động của tư pháp? Đây là vấn đề mà trong quá trình triển khai thực hiện, cũng như xây dựng chiến lược giai đoạn mới, nếu không xác định rõ sẽ rất dễ mắc sai lầm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong quá trình vận động của tư pháp, mục tiêu mang tính tất yếu, bản chất của tư pháp sẽ không thay đổi. Cái thay đổi chính là trạng thái, mức độ của mục tiêu và tất nhiên sẽ phải làm cho nó thay đổi theo hướng tích cực. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới là phải đảm bảo duy trì những mục tiêu cốt lõi, đồng thời căn cứ vào bối cảnh trong nước và quốc tế, vào sự phát triển của tư pháp để có những định hướng nhằm đạt được mục tiêu ấy. 2.2. Thách thức đối với nền tư pháp trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư Theo Đảng ta nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường; tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Thế nhưng, tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn. 6 Vũ Công Giao, Hoàng Thị Bích Ngọc (2020), “Bảo vệ công lý trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (19). 7 Võ Khánh Vinh (2020), “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (11), tr. 3-15. 50
  5. Bên cạnh những cơ hội, cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã đặt ra những yêu cầu, thách thức mới như: Một là, công nghệ số phát triển kéo theo sự phát triển của kinh tế số, của thương mại điện tử, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều hình thức kinh doanh mới. Chúng đã vượt khỏi biên giới quốc gia và tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi chưa thể có khung pháp luật kịp thời để điều chỉnh. Và từ đó, nhất định sẽ phát sinh những sự kiện pháp lý, những tranh chấp, những hình thức vi phạm mới cần các cơ quan tư pháp can thiệp, giải quyết (nhất là Tòa án). Hai là, sự lợi dụng của các thế lực thù địch nhằm tăng cường các hoạt động kích động, xuyên tạc, tuyên truyền phá hoại trên không gian mạng với nhiều thông tin sai lệch, tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị và lòng tin của nhân dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Ba là, trong môi trường số và sự phổ biến của các thiết bị thông minh, hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng luôn đặt trong sự giám sát thường xuyên của xã hội, của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Trong bối cảnh đó, chất lượng thực hiện nhiệm vụ phải càng được đảm bảo và chú trọng nâng cao. Mặc dù khối lượng công việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, nhưng chỉ một sai sót dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến uy tín của hoạt động tư pháp và niềm tin của nhân dân vào công lý. Bốn là, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với những thành tựu khoa học mới, tiến bộ vượt bậc. Vì vậy đòi hỏi phải cần một đội ngũ có trình độ cao, linh hoạt, được đào tạo, tập huấn, cập nhật liên tục mới có thể nắm bắt và ứng dụng hiệu quả. Phải thẳng thắn nhìn nhận là hiện tại cả về đội ngũ cán bộ đang công tác trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật, cũng như chất lượng đào tạo, tập huấn vẫn còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa thể bắt kịp xu hướng chung. 3. Những quan điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về cải cách tư pháp Về chủ trương, các văn kiện của Đảng nhấn mạnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Trong điều kiện mới, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền 51
  6. lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan nhà nước. “Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”8. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 20139. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Bổ sung nội dung: “Nghiên cứu, ban hành hành chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp”10. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định. Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp11. Có thể thấy, Chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn mới vẫn rất được chú trọng, được đặt trong tổng thể, đồng bộ với chiến lược pháp luật và là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện được rút ngắn hơn (trong 9 năm), nhưng không chỉ dừng lại ở mốc cụ thể là năm 2030, 8 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, t.1, tr.175. 9 Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.227-228. 10 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, t.1, tr.177. 11 Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.230-231. 52
  7. mà trong thời gian đó còn chuẩn bị những tiền đề mang tính định hướng cho 15 năm tiếp theo (đến năm 2045). 4. Định hướng tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp ở nước ta Cải cách tư pháp là vấn đề hết sức hệ trọng liên quan đến các thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân và sự ổn định phát triển của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp là tiếp tục làm gia tăng, bảo vệ có hiệu quả, hiệu lực, chất lượng cao hơn nữa các giá trị pháp quyền cốt lõi, cao cả của xã hội. Vì vậy, đây được xem là một thành tố quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước, là nhu cầu tất yếu, cần thiết, khách quan hiện nay. Chiến lược mới về cải cách tư pháp cần phải phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước, đánh giá đúng trạng thái thực hiện những thành tựu, những hạn chế, thiếu sót của quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp hiện nay và xu hướng vận động của quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp của nước ta trong thời gian tới, xác định rõ hệ mục tiêu, quan điểm, các định hướng, các hình thức, các giải pháp, các nguồn lực và lộ trình cải cách tư pháp giai đoạn mới12. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi mới hiện nay, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cải cách tư pháp lên một tầm cao mới, phù hợp với những giá trị cốt lõi của tư pháp, phù hợp với các điều kiện mới của quốc tế, khu vực và quốc gia, dân tộc. Các đòi hỏi mới thể hiện tập trung ở các yêu cầu mới như: (i) Quá trình hình thành và xây dựng xã hội pháp quyền Việt Nam; (ii) Sự phát triển kinh tế thị trường trong giai đoạn mới; (iii) Các đòi hỏi mới của xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền; (iv) Các đòi hỏi mới của của quá trình hội nhập quốc tế, khu vực; (v) Quy luật tương tác, quy luật phát triển của chính tư pháp trong giai đoạn mới. Dưới góc độ tiếp cận chung nhất về đảm bảo quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp; đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá quan điểm mới của Đảng ta về cải cách tư pháp và phân tích một số vấn đề đặt ra đối với cải cách tư pháp, chúng tôi cho rằng vẫn cần thiết phải xây dựng và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn mới theo những định hướng sau: 12 Võ Khánh Vinh (2020), “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (11), tr. 3-15. 53
  8. Thứ nhất, cần có cách tiếp cận tổng thể, bao trùm tất cả các phương diện của cải cách tư pháp. Cách tiếp cận tổng thể đó được thể hiện ở các cách tiếp cận cụ thể như: (i) Tiếp cận quyền lực (sự đổi mới mạnh mẽ tư duy chính trị-pháp lý về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp); (ii) Tiếp cận giá trị pháp quyền (công lý, công bằng, pháp quyền, quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội, các lợi ích hợp pháp, trật tự pháp luật và các giá trị xã hội khác); (iii) Tiếp cận tổ chức và nhân lực (tổ chức thiết chế, vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp, các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp và con người trong lĩnh vực tư pháp). Thứ hai, nhận diện, lường trước những khó khăn, thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng. Những tác động từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra cho công tác tư pháp cũng như các thiết chế trong nền tư pháp nước ta những cơ hội và yêu cầu, thách thức mới, mà tiến trình cải cách tư pháp tới đây cần tính toán, căn chỉnh để xử lý với lộ trình phù hợp13. Vì vậy, cần bổ sung nội dung về việc thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của nền tư pháp để bảo đảm sự thích ứng cần thiết trong tổ chức và hoạt động của nền tư pháp Việt Nam trước tác động ngày càng rõ nét của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ ba, cải cách tư pháp chỉ nên diễn ra trong một khoản thời gian nhất định với những mục tiêu được xác định phù hợp nhiệm vụ và tiến hành cụ thể mà không nên kéo quá dài14. Điều này đồng nghĩa với việc phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lộ trình cụ thể để tăng cường tính hiệu quả. Thứ tư, kết hợp chiến lược mới về cải cách tư pháp với Chiến lược xây dựng pháp luật và Chiến lược cải cách hành pháp thành một chỉnh thể thống nhất trên tất cả các phương diện. Về lâu dài cần tính đến việc xây dựng một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 13 Trương Hòa Bình (2021), “Đẩy mạnh cải cách tư pháp trong bối cảnh trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Cộng sản, 958 (1), tr.7-13. 14 Nguyễn Minh Đoan (2020), “Tiếp tục cải cách tư pháp để nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của tòa án ở Việt Nam”,Tạp chí Tòa án nhân dân, (1), tr.1-5. 54
  9. Nói tóm lại, để đáp ứng yêu cầu khách quan của cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần xác định rõ vai trò của cải cách tư pháp trong quyền lực nhà nước; bảo đảm phổ quát của nền tư pháp trên thế giới; xây dựng niềm tin vào công lý và công bằng; cơ chế kiểm soát quyền tư pháp, tiếp tục xây dựng hoàn thiện pháp luật cả về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp; xem xét những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49- NQ/TW đã đề ra nhưng chưa được thực hiện hiệu quả để đưa vào Nghị quyết mới cho phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với cải cách pháp luật. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trương Hòa Bình (2021), “Đẩy mạnh cải cách tư pháp trong bối cảnh trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Cộng sản, 958 (1). 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, t.1. 4. Nguyễn Minh Đoan (2020), “Tiếp tục cải cách tư pháp để nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của tòa án ở Việt Nam”,Tạp chí Tòa án nhân dân, (1). 5. Vũ Công Giao, Hoàng Thị Bích Ngọc (2020), “Bảo vệ công lý trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (19). 6. Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. 7. Đào Trí Úc (2020), “Những bài học lý luận và thực tiễn của Chiến lược cải cách tư pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (5). 8. Võ Khánh Vinh (2020), “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (11). 55
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2