intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cải cách tư pháp và những vấn đề đặt ra đối với vi bằng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi hội nhập kinh tế quốc tế

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

16
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết ghi nhận các sự kiện có giá trị là nguồn chứng cứ để Tòa án, các cơ quan nhà nước xem xét khi giải quyết các vụ việc phát sinh hoặc làm căn cứ cho các giao dịch hợp pháp khác, giúp tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và tránh xảy ra các tranh chấp trong tương lai.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cải cách tư pháp và những vấn đề đặt ra đối với vi bằng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi hội nhập kinh tế quốc tế

  1. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” CẢI CÁCH TƯ PHÁP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VI BẰNG TRONG VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC KHI HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ ThS. Nguyễn Thị Tuyền, Trần Quốc Yên TÓM TẮT Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ dân sự, kinh tế phát triển đa chiều và phức tạp dẫn đến nhiều tranh chấp và vi phạm pháp luật do những mâu thuẫn khác nhau về lợi ích. Nhu cầu đối với các dịch vụ pháp lý cũng phát triển mạnh dẫn tới sự hình thành nhiều tổ chức có nhiệm vụ hỗ trợ về mặt pháp luật cũng như cung cấp dịch vụ pháp lý cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế chưa có một cơ chế hữu hiệu, cụ thể để cá nhân, tổ chức thu thập, xác lập được các chứng cứ hay sự kiện pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Vì vậy, việc các tổ chức, cá nhân tự mình thu thập chứng cứ để chứng minh trong nhiều trường hợp là khó khăn. Thừa phát lại (TPL) ở Việt Nam với những chức năng chính là tống đạt văn bản, thi hành án dân sự và thực hiện việc ghi nhận những sự kiện, hành vi nhằm tạo lập chứng cứ trong xét xử và các quan hệ pháp luật khác (vi bằng). Những bằng chứng do TPL lập, ghi nhận các sự kiện có giá trị là nguồn chứng cứ để Tòa án, các cơ quan nhà nước xem xét khi giải quyết các vụ việc phát sinh hoặc làm căn cứ cho các giao dịch hợp pháp khác, giúp tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và tránh xảy ra các tranh chấp trong tương lai. Từ khóa: Thừa phát lại; vi bằng ABSTRACTS JUSTICE REFORM AND ISSUES POSED TO THE PROCESS SERVER IN ASSURING THE LEGAL RIGHTS AND BENEFITS OF INDIVIDUALS AND ORGANIZATIONS WHEN INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION In the market economy, civil and economic relations develop multi-dimensionally and complicatedly, leading to many disputes and violations of the law due to different conflicts of interest. The demand for legal services has also grown strongly, leading to the formation of many organizations with the task of providing legal support as well as providing legal services to society. However, in reality, there is no effective and specific mechanism for individuals and organizations to collect and establish evidences or legal facts to protect their legitimate interests. Therefore, it is difficult for organizations and individuals to collect evidence to prove themselves in many cases. The bailiff in Vietnam with the main functions: serving documents, executing civil judgments and recording events and acts in order to create evidence in trial and other legal relating rules (process server’s statement of truth). The evidence prepared by bailiff recording valuable facts is a source of evidence for the Court, state agencies to consider when dealing with arising cases or as a basis for other lawful transactions, help organizations and individuals protect their legitimate interests and avoid future disputes. Keywords: bailiff; process server’s statement of truth 1. MỞ ĐẦU Đối với tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong các Nghị quyết của Đảng đó là hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư 226
  2. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” pháp đến năm 2020 đã đề ra phương hướng: “Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự. Nghiên cứu, thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…,”. Hiến pháp 2013 được thông qua có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng làm nền tảng cho việc tiếp tục thực hiện các đường lối cải cách tư pháp, cải cách hành chính và bảo đảm quyền con người trong bối cảnh tình hình mới của đất nước. Cụ thể: Đối với việc bảo đảm quyền con người So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính chị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”(Điều 14) quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, bởi vì Hiến pháp năm 1992 chỉ ghi nhận quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân. Trong đó, các quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Mọi công dân có quyền có nơi ở hợp pháp, có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Để thực hiện việc bảo vệ các quyền của mình theo quy định của Hiến pháp 2013, người dân cần thêm những cơ chế hữu hiệu để có thể tạo lập các chứng cứ nhằm có thể bảo vệ các quyền và lợi ích của mình trước các nguy cơ xâm hại. TPL (TPL) với nghiệp vụ lập vi bằng để ghi nhận các sự kiện hành vi một cách khách quan là một cơ chế hữu hiệu giúp người dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Về quyền tư pháp và Tòa án Hiến pháp 2013 đã xác định: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 khẳng định Tòa án - cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, đó là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 102). Hiến pháp năm 2013 quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án, bổ sung nguyên tắc mới chưa được quy định trong các bản Hiến pháp trước, đó là nguyên tắc tranh tụng: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5, Điều 103). Để bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tụng, Hiến pháp năm 2013 đã hoàn thiện đáng kể quy định về quyền bào chữa, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các quá trình tố tụng. Khoản 7, Điều 103 quy định “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”. Các quy định này vừa là sự ghi nhận quyền con người phải được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm trong tố tụng tư pháp, vừa là một phương thức bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ hơn quyền quyết định và tự định đoạt, của đương sự, quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp trong các quá trình tố 227
  3. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” tụng dân sự, tố tụng hành chính. Bên cạnh đó, trong BLTTDS và Luật TTHC đều đã ghi nhận các nguồn chứng cứ và giá trị pháp lý của chứng cứ trong TTDS, TTHC theo đó, một trong các nguồn chứng cứ là “Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập” (điều 94, khoản 8 BLTTDS; điều 81, khoản 8 Luật TTHC) và điều kiện để được coi là chứng cứ “9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định” (điều 95, khoản 9 BLTTDS; điều 82, khoản 9 Luật TTHC). Với những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 và các Luật, Bộ luật triển khai thi hành Hiến pháp về quyền tư pháp và vị trí, vai trò của Tòa án và nguyên tắc hiến định trong hoạt động Tòa án trên đây là những cơ sở thuận lợi cho việc thúc đẩy các cơ chế hữu hiệu nhằm giúp người dân, tổ chức tạo lập chứng cứ nhằm bào vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang thiếu những cơ chế để tạo lập chứng cứ một cách khách quan thì vi bằng do TPL lập chính là một phương thức hữu hiệu góp phần đảm bảo những quy định trên đây của Hiến pháp năm 2013 và các Bộ luật về tố tụng. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu, tác giả áp dụng các phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu như sau: (1) Phương pháp nghiên cứu tại chỗ: Nghiên cứu; rà soát đánh giá hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; thu thập, nghiên cứu các tài liệu trong, ngoài nước về các vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu của Bài viết. (2) Phân tích, tổng hợp: Phân tích, tổng hợp đánh giá thông tin thu được từ hoạt động nghiên cứu để đưa ra một vài kiến nghị cụ thể. 3. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU Thực hiện chế định TPL là một chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh hiện nay nhằm giúp các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và đồng thời cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp, góp phần giảm biên chế, giảm chi phí hoạt động bộ máy nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vi bẳng– hoạt động độc quyền của TPL, tác giả phân tích một số khái niệm cơ bản về nội dung này. 3.1. Khái niệm vi bằng Theo nghiên cứu24, TPL xuất hiện ở Việt nam xuất phát từ việc Vua Tự Đức ký hiệp ước ngày 05/06/1862 nhượng cho Pháp 6 tỉnh nam kỳ. Từ đó, Pháp đã trực tiếp áp đặt chế độ cai trị thực dân và áp dụng quy chế về thuộc địa Lãnh thổ (Territoire de coloniefrancais) và coi 6 tỉnh Nam kỳ như một hạt của Pháp quốc (Departemen francais) còn mỗi tỉnh được coi như mỗi quận của nước Pháp. Sau đó, bằng bản Hiệp ước ngày 06/06/1884 đã biến hẳn nước Việt Nam thành một nước bảo hộ của nước Pháp và biến tất cả đất đai thuộc chủ quyền của Việt Nam gồm miền Trung và miền Bắc Việt nam thành đất bảo hộ của Pháp quốc, và người Pháp đặt Thống sứ ở Bắc kỳ và Khâm sứ ở Trung kỳ đại diện cho chính quyền Pháp. Việc thực dân Pháp áp đặt chế độ bảo hộ ở Việt Nam kèm theo việc áp đặt các một số mô hình tổ chức bộ 24 Theo Tài liệu do Đoàn chuyên gia TPL Cộng hòa Pháp cung cấp tại Hội thảo về TPL ngày 5/6/2017 tại Học viện Tư pháp 228
  4. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” máy, quản lý xã hội theo mô hình của Pháp, trong đó có việc cho ra đời chế định TPL theo mô hình của Pháp (huissier de justice)25. Kế thừa những quy định trước đây về vi bằng, Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 về tổ chức và hoạt động của TPL thay thế cho Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định và : “Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”. Như vậy, có thể hiểu vi bằng là tài liệu bằng văn bản (có thể kèm theo hình ảnh, video, âm thanh). Trong đó, TPL sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện mà đích thân TPL chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu bằng văn bản này có giá trị là nguồn chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi đã được lập vi bằng hoặc làm bằng chứng cho các quan hệ pháp lý khác. 3.2. Đặc điểm của vi bằng Một là, về chủ thể có thẩm quyền lập vi bằng Theo quy định hiện hành, chỉ có TPL là chủ thể duy nhất được pháp luật trao thẩm quyền lập vi bằng. Ngoài TPL – người được bổ nhiệm theo điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục pháp luật quy định thì không một chủ thể nào được giao thẩm quyền ra tài liệu văn bản có tên là vi bằng. Một số văn bản, giấy tờ mặc dù có tính chất gần với tính chất của vi bằng (như biên bản ghi nhận vi phạm hành chính, biên bản kiểm kê tài sản của cơ quan, đơn vị… dù được ghi nhận và ký bởi những người có thẩm quyền theo trình tự thủ tục quy định) không phải là vi bằng vì không đáp ứng yêu cầu liên quan đến chủ thể. Dấu hiệu chủ thể là một căn cứ quan trọng đầu tiên để phân biệt vi bằng với các loại văn bản, giấy tờ pháp lý khác. Chủ thể lập vi bằng là người được nhà nước bổ nhiệm theo những điều kiện, tiêu chuẩn chặt chẽ liên quan đến trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp nhằm đảm bảo khả năng ghi nhận các sự kiện, hành vi một cách khách quan và trung thực. Nếu loại bỏ dấu hiệu chủ thể thì vi bằng về bản chất là một loại biên bản ghi nhận sự kiện, hành vi giống như nhiều loại biên bản khác. Hai là, về tính chất pháp lý của vi bằng Vi bằng là những văn bản nhằm ghi nhận những sự kiện, hành vi có thật, được TPL trực tiếp chứng kiến và ghi nhận theo những trình tự, thủ tục và hình thức do pháp luật quy định. Với mục đích được pháp luật quy định là dùng làm chứng cứ trong xét xử và các quan hệ pháp lý khác thì vi bằng cũng phải thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng. Theo quy định tại Điều 81, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự. Chứng cứ có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ việc dân sự nhưng làm phạm trù pháp lý khá phức tạp. Tuy vậy, như các sự việc, sự việc khác con người vẫn có thể nhận thức Xem thêm: Những cơ sở lý luận và thực tiễn của Chế định TPL, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp Bộ, Chủ nhiệm 25 TS. Nguyễn Đức Chính, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, 1996. 229
  5. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” được thông qua các thuộc tính của nó. Các thuộc tính của chứng cứ bao gồm: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL quy định: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ- CP cũng quy định Giá trị pháp lý của vi bằng như sau: Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Như vậy, ngoài giá trị sử dụng như là chứng cứ trong xét xử, vi bằng còn có thể được sử dụng làm căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng làm căn cứ trong các quan hệ pháp lý khác của vi bằng không có giá trị thay thế đối với các giấy tờ hay thủ tục pháp lý khác do pháp luật quy định như công chứng, chứng thực, giấy phép, giấy tờ của cá nhân, tổ chức.Trong quá trình tổ chức triển khai chế định TPL, một số người dân, tổ chức cho rằng vi bằng có giá trị pháp lý như văn bản công chứng nên có thể dùng vi bằng để thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản. Chính vì vậy, một số trường hợp, người dân và tổ chức đã thực hiện giao dịch dân sự bằng vi bằng và tin tưởng rằng giao dịch đó đã hoàn thành và yên tâm về tính pháp lý của tài sản giao dịch. Nguyên nhân của việc nhận thức sai về giá trị pháp lý của vi bằng một phần do nhận thức của cá nhân, tổ chức chưa đầy đủ hoặc có thể do nguyên nhân một số tổ chức, cá nhân quảng cáo không rõ ràng nhằm mưu cầu lợi ích riêng từ việc thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản, nhất là bất động sản. Việc vô tình hoặc cố ý mập mờ về giá trị pháp lý của vi bằng dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích, gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân. Trong thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp người dân bị thiệt hại do nhận thức sai lầm này. Nhiều trường hợp rủi ro đã được báo chí phản ánh như: mua bán khu căn hộ 20 m2 tại Thành phố Hồ Chí Minh26 hay mua nhà chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung giấy phép xây dựng mà chỉ thực hiện qua vi bằng27. Thứ tư, về hình thức của vi bằng Hình thức thể hiện của vi bằng là bằng văn bản, trong đó ghi nhận nội dung những sự kiện, hành vi đã xảy ra mà TPL trực tiếp chứng kiến. Kèm theo vi bằng có thể bao gồm những tài liệu đính kèm giúp việc diễn tả, tái hiện những sự kiện, hành vi được rõ ràng, chân thực hơn như: hình ảnh, đoạn ghi âm, ghi hình... Về ngôn ngữ, theo quy định, vi bằng phải được lập thành văn bản viết bằng tiếng Việt và có các nội dung chủ yếu sau: Tên, địa chỉ Văn phòng TPL; họ, tên TPL lập vi bằng; địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm lập vi bằng; Người tham gia khác (nếu có); họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng và nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận; lời cam đoan của TPL về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng; chữ ký của TPL lập vi bằng và đóng dấu Văn phòng TPL, chữ ký của những người tham gia, chứng kiến (nếu có) và có thể có chữ ký của những người có hành vi bị lập vi bằng. Kèm theo vi bằng bằng văn bản có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác. Vi bằng có từ hai trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự và đóng dấu giáp lai. 26 http://nld.com.vn/dia-oc/rui-ro-mua-ban-nha-dat-qua-vi-bang-20170413020927853.htm 27 http://www.sgtiepthi.vn/rui-ro-mua-ban-nha-qua-vi-bang/ 230
  6. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 3.3. Vai trò của vi bằng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Thứ nhất, vi bằng dùng làm chứng cứ trong xét xử của tòa án Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang mở rộng quan hệ, hợp tác với các nước trên thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường dẫn đến gia tăng số lượng và quy mô các giao dịch kinh tế trong xã hội do đó nhu cầu xã hội về phòng ngừa tranh chấp ngày cang gia tăng. Trong tiến trình biến đổi xã hội này, Nhà nước có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý để người dân nhận thức được các quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động bảo vệ quyền của mình. Để tạo điều kiện cho công dân có thể chủ động bảo vệ mình khi tham gia các quan hệ xã hội và trong các hoạt động tố tụng thì việc lập vi bằng sẽ đảm bảo cho họ thực hiện quyền xác lập chứng cứ. Chứng cứ là vấn đề mấu chốt trong các tranh chấp dân sự, không có chứng cứ thì cũng không có hoạt động chứng minh và đương sự không thể bảo vệ được mình. Chính vì vậy, việc xác lập chứng cứ là khâu quan trọng nhất trong quá trình chứng minh, là tiền đề cho các hoạt động chứng minh còn lại như cung cấp, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ. Trong hoạt động tố tụng dân sự chứng cứ là cơ sở để Tòa án quyết định việc áp dụng pháp luật trong một quan hệ pháp luật cụ thể nhằm xác định trách nhiệm pháp lý của bên tham gia tố tụng, từ đó xác định hậu quả pháp lý, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Vi bằng ghi nhận hiện trạng do các bên nộp tại Tòa án thông thường là các loại vi bằng: Xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; xác định tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; xác định tình trạng nhà khi mua nhà; xác định tình trạng nhà đất bị lấn chiếm; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật; xác nhận hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại; Xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Xác nhận việc tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông; Xác nhận mức độ ô nhiễm; Xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình; Xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu; Xác nhận các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tin học, báo chí, phát thanh, truyền hình như: đưa các thông tin không đúng sự thực; đưa thông tin khi chưa được phép người có thẩm quyền; vu khống,... Thời gian qua, Tòa án nhân dân tại các tỉnh/thành phố triển khai chế định TPL đã sử dụng nhiều vi bằng do đương sự nộp để làm chứng cứ xét xử. Nhiều vi bằng có giá trị pháp lý quan trọng giúp Thẩm phán giải quyết vụ án một cách hiệu quả, nhanh chóng, đảm bảo tính khách quan và đúng pháp luật. Hoạt động thu thập chứng cứ là hoạt động quan trọng nhất giúp Tòa án giải quyết vụ án đúng pháp luật, tuy nhiên việc thu thập chứng cứ hiện nay là còn khó khăn do sự hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức còn hạn chế. Trước tình hình đó, hoạt động lập vi bằng của TPL có ý nghĩa to lớn, giúp các bên đương sự thu thập, củng cố chứng cứ để cung cấp cho Tòa án, giúp Tòa án thu thập được những chứng cứ quan trọng có giá trị chứng minh. Qua hoạt động xét xử của Tòa án, có hai dạng vi bằng chủ yếu do các đương sự nộp để sử dụng làm chứng cứ đó là vi bằng ghi nhận hiện trạng và vi bằng ghi nhận hành vi, sự kiện pháp lý. Theo thống kê của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh28, chỉ tính từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021, các văn phòng TPL đã lập 29.013 vi bằng, doanh thu ước tính trên 20 tỉ đồng. Đồng thời đã có rất nhiều vi bằng được Tòa án nhân dân hai cấp tại Thành phố sử dụng làm chứng cứ trong xét xử. Xét về mặt hiệu quả tác động đến xã hội, hoạt động lập vi bằng đã cung cấp được những chứng cứ xác thực, có độ tin cậy về tính khách quan đối với sự kiện, hành vi 28Báo cáo số 3097/ BC-STP-BTTP ngày 29/7/2021 về tình hình tổ chức và hoạt động TPL trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/7/2021. 231
  7. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” được lập vi bằng cho hoạt động xét xử, góp phần quan trọng trong việc chứng minh yêu cầu của người khiếu kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đơn cử như việc vi bằng của TPL được đưa sang Trung Quốc làm chứng cứ, góp phần thành công trong vụ việc Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu - Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot Coffee” do Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Quảng Châu - Trung Quốc) đăng ký độc quyền tại nước này theo yêu cầu của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), việc các nhạc sĩ, ca sĩ yêu cầu TPL lập vi bằng việc vi phạm bản quyền đối với các bài hát của mình, việc ghi nhận độc quyền thương hiệu...29 Như vậy, việc TPL có chức năng lập vi bằng có giá trị là chứng cứ giúp các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, việc lập vi bằng còn góp phần hạn chế tranh chấp giữa các bên liên quan. Thời gian vừa qua, một số trường hợp, vi bằng do TPL lập là nguồn chứng cứ quan trọng đã được Tòa án, cơ quan tài phán xem xét, giải quyết trong một số vụ kiện lớn, có yếu tố nước ngoài, được dư luận quan tâm. Thứ hai, giá trị của vi bằng trong các quan hệ pháp lý khác Vi bằng của TPL cung cấp chứng cứ, thông tin chính xác về những sự kiện, hành vi đã xảy ra giúp các cơ quan có thẩm quyền giảm thời gian, công sức, tài chính trong việc thu thập, xác minh, tìm kiếm thông tin, tài liệu khi giải quyết tranh chấp, xem xét yêu cầu của các chủ thể khác nhau trong xã hội. Trong thực tiễn, trong nhiều mối quan hệ pháp lý giữa cơ quan nhà nước với người dân, tổ chức, việc không có cơ chế tạo lập chứng cứ độc lập có thể dẫn đến những phức tạp, khiếu kiện khi giải quyết các vụ việc. Ví dụ: Khi nhà nước cần thu hồi đất để phục vụ cho các mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng hay phát triển kinh tế. Trong nhiều trường hợp, khi có thông tin về dự án, người dân cố ý xây dựng những công trình hoặc tiến hành trồng cây để với mục đích nhận tiền đền bù, giải tỏa..Trong những trường hợp này, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu lập vi bằng ghi nhận hiện trạng trước khi tiến hành dự án, đồng thời công khai thông tin về việc xác nhận hiện trạng khu đất dự kiến thu hồi, từ đó, người dân sẽ không thể trục lợi từ việc xây dựng, trồng cây để nhận tiền đền bù. Đồng thời dịch vụ lập vi bằng tạo ra sự liên kết hỗ trợ các dịch vụ pháp luật khác trong nên kinh tế thị trường. Hoạt động của TPL có liên quan chặt chẽ và có tác động hỗ trợ hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp… Thông qua việc lập vi bằng/công chứng thư ghi nhận theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định các sự kiện, hành vi thực tế đang xảy ra, TPL góp phần quan trọng cung cấp chứng cứ đáng tin cậy để luật sư sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ cho thân chủ trong các quá trình tố tụng tư pháp hoặc đại diện ngoài tố tụng, đặc biệt là khi tranh tụng tại phiên tòa. Vi bằng do TPL lập cũng có vai trò tham khảo quan trọng đối với hoạt động của công chứng viên, giám định viên tư pháp khi đối tượng công chứng và giám định có liên quan đến những sự kiện, hành vi đã được lập vi bằng. Ngược lại, hoạt động tư vấn của luật sư cũng rất quan trọng đối với hoạt động TPL, do vậy, ở nhiều nước, trong các văn phòng luật sư, có thể có một TPL làm cộng tác viên, và ngược lại, trong các VP TPL có thể có các luật sư làm cộng tác viên để hỗ trợ, tư vấn khách hàng trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích của khách hàng. 29Đinh Công Tuấn (2017), Vi bằng – những vấn đề lý luận và thực tiễn trong tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Hà Nội, Năm 2017. 232
  8. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 4.1. Kết luận Từ những phân tích trên cho thấy, việc tái lập lại chế định TPL đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các quá trình tố tụng, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, an ninh trật tự. Chế định TPL đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự. Trong đó, việc lập vi bằng của TPL đã được người dân đón nhận hết sức tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Đồng thời, sự hiện diện của các Văn phòng TPL bên cạnh các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự. Đến hết tháng 7/2021, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 701 lượt TPL, số lượng TPL đang hành nghề là 40930, kết quả khảo sát về tác động của TPL cho thấy, phần lớn người dân khi được hỏi ý kiến đều cho rằng sẵn sàng sử dụng dịch vụ TPL vì có thể giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình31. Từ ngày 01/10/2020 đến hết ngày 31/7/2021, các Văn phòng TPL trên cả nước lập 53.550 vi bằng đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước32. Đối với kinh tế - xã hội, hoạt động của TPL đã góp phần bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích của các bên khi tham gia các quan hệ này, góp phần tạo môi trường ổn định cho các hoạt động, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Xét về mặt hiệu quả tác động đến xã hội, hoạt động của TPL, nhất là hoạt động lập vi bằng là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử; góp phần gia tăng giá trị pháp lý, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại hiệu quả tích cực, hoạt động lập vi bằng của TPL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Vi bằng được lập có nội dung không đúng thẩm quyền quy định tại Điều 36, Điều 37 Nghị định 08/2022/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL, đó là, vi bằng được lập để ghi nhận nội dung thỏa thuận, hợp đồng được công chứng, chứng thực; vi bằng lập để xác nhận giao dịch không rõ mục đích hoặc để ”ẩn” một giao dịch khác mà TPL không có thẩm quyền thực hiện, chất lượng vi bằng chưa cao, còn có tâm lý chạy theo lợi nhuận; vẫn còn tình trạng lợi dụng lập vi bằng để thực hiện các giao dịch trái quy định của pháp luật (nhiều nhất là trong lĩnh vực đất đai), dẫn đến nhận thức không đúng về giá trị pháp lý của vi bằng, tiềm ẩn tranh chấp, khiếu kiện. việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp được thực hiện còn lúng túng, vướng mắc... Thêm vào đó, theo Điều 38 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, thì thẩm quyền lập vi bằng phát sinh khi Văn phòng TPL và đương sự có thỏa thuận về việc lập vi bằng. Hình thức thỏa thuận được thể hiện bằng văn bản dưới dạng hợp đồng ký kết giữa Trưởng văn phòng TPL và đương 30 Công văn số 725/BTTP-TPL về việc chuẩn bị báo cáo Quốc Hội về TPL, Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp (2021), ngày 03/8/2021. 31 Trong tổng số 921 phiếu trả lời, có đến 72,1% (664/921 phiếu) cho rằng sẵn sàng sử dụng dịch vụ của Văn phòng TPL, trong đó, tỷ lệ này năm 2018, là 71,9% (220/306 phiếu), tăng lên 72,2% (444/615 phiếu) năm 2019. Trong tổng số 664 ý kiến cho rằng sẵn sàng sử dụng dịch vụ TPL với lý do tin tưởng vào TPL chiếm 68,4% (454/664 phiếu); 45,9% ý kiến cho rằng sẵn sàng sử dụng dịch vụ TPL vì có thể chủ động thỏa thuận phương thức thực hiện dịch vụ, giá cả, thời gian; 41,6% ý kiến cho rằng sẵn sàng sử dụng dịch vụ TPL vì có thể giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 32 Công văn số 725/BTTP-TPL về việc chuẩn bị báo cáo Quốc Hội về TPL, Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp (2021), ngày 03/8/2021. 233
  9. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” sự. Trong điều kiện bình thường thì quy định này là phù hợp, tuy nhiên, trên thực tế, một số trường hợp có thể phát sinh đó là việc lập vi bằng đối với những sự kiện, hành vi xảy ra đột xuất, bất ngờ mà các bên liên quan muốn ghi nhận hiện trạng để làm chứng cứ (Ví dụ: trường hợp xảy ra sự cố trong thi công công trình xây dựng có các dấu hiệu hiện trường cần ghi nhận để ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan…). Trong trường hợp này, việc thỏa thuận bằng văn bản trước khi tiến hành lập vi bằng có thể dẫn đến chậm chễ trong việc ghi nhận hiện trạng, các bên có thể xóa dấu vết dẫn đến việc lập vi bằng không còn ý nghĩa. 4.2. Một số vấn đề đặt ra trong việc phát triển nghề TPL nói chung và cung cấp dịch vụ vi bằng nói riêng trong thời gian tới Thứ nhất, đảm bảo tăng cường quản lý Nhà nước và phát triển nghề TPL nói chung và hoạt động lập vi bằng nói riêng trên cơ sở Luật định. Quản lý Nhà nước bằng pháp luật là một trong những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, dù Nhà nước trực tiếp hay không trực tiếp thực hiện đều phải có sự quản lý bằng pháp luật của Nhà nước. Pháp luật, một mặt, là công cụ quản lý của Nhà nước, đảm bảo cho quá trình phát triển nghề TPL nói chung và hoạt động lập vi bằng nói riêng đi đúng định hướng, quỹ đạo của Nhà nước; chống sự tùy tiện, tự do vô chính phủ gây mất ổn định, công bằng xã hội; mặt khác, Nhà nước tạo môi trường pháp lý ổn định để các chủ thể yên tâm tham gia vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ TPL, đồng thời, tránh được sự can thiệp tùy tiện, vô nguyên tắc của Nhà nước vào quá trình hoạt động của các chủ thể. Pháp luật và thực tiễn lập vi bằng thời gian qua cho thấy còn có những hạn chế, bất cập. Chứng cứ là một trong những vấn đề cơ bản trong các Bộ luật tố tụng. Tuy nhiên, hiện nay chưa phân biệt giá trị chứng cứ của văn bản TPL với các văn bản do các cơ quan, tổ chức khác cung cấp, xác nhận. Việc quy định giá trị chứng cứ của vi bằng như hiện nay còn quá chung chung, không có sự tương xứng về giá trị của các nguồn chứng cứ khác, điều này dẫn đến tình trạng nâng quá cao giá trị pháp luật của vi bằng hoặc không tin tưởng vào giá trị chứng cứ của vi bằng. Thứ hai, phát triển nghề TPL nói chung và cung cấp dịch vụ vi bằng nói riêng phải phù hợp với năng lực quản lý của Nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nghề TPL nói chung và cung cấp dịch vụ vi bằng nói riêng mang lại các lợi ích to lớn, là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả Nhà nước, hiệu quả hoạt động TPL, góp phần nâng cao hiệu quả xét xử. Tuy nhiên, việc phát triển nghề TPL và tăng cường dịch vụ vi bằng phải loại trừ được các nguy cơ: tự phát, tự do, vô chính phủ, chệch hướng, làm mất ổn định, công bằng xã hội. Chính vì thế, mức độ phát triển nghề cần phải phụ thuộc vào sự phát triển và năng lực của TPL và năng lực quản lý Nhà nước, nhằm đảm bảo quá trình phát triển đúng định hướng, trong khuôn khổ pháp luật, đồng thời, phát huy tính chủ động, tích cực năng động nghề nghiệp của các chủ thể trong xã hội. Để phát triển dịch vụ vi bằng cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; mặt khác phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ TPL vừa có trình độ, vừa có đạo đức phẩm chất, bản lĩnh chính trị. Mức độ phạm vi của hoạt động lập vi bằng còn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người dân, khả năng của xã hội (nhân lực, vật lực, tài lực) đồng thời phù hợp với việc nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước và sự phát triển của bản thân nghề TPL. Thứ ba, phát triển dịch vụ lập vi bằng phải đảm bảo quyền của các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ TPL và tính chuyên môn, chuyên nghiệp hóa trong hoạt động lập vi bằng. 234
  10. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” Hoạt động lập lập vi bằng là một hoạt động đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn trong hoat động tạo lập ra chứng cứ, do vậy chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, hoạt động của TPL phải chịu những hạn chế nhất định (không được kiêm nhiệm các chức vụ, các nghề nghiệp khác, phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều cấm của pháp luật đối với TPL viên, tuân thủ trình tự, thủ tục chặt chẽ....). Đây là do đặc điểm nghề nghiệp TPL và bản chất hoạt động lập vi bằng đòi hỏi sự khách quan, vô tư của TPL trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Về phía Nhà nước, đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa của hoạt động lập vi bằng. Trên cơ sở xác định đúng phạm vi lập vi bằng, chủ thể của hoạt động lập vi bằng, cũng như, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, quy trình bổ nhiệm TPL; đồng thời, quy định về tổ chức hành nghề, hình thức hành nghề phù hợp; quy định cụ thể, rõ ràng chế độ trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường của TPL đối với hoạt động lập vi bằng nói riêng và các hoạt động TPL nói chung. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2020), Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. 2. Chính phủ (2020), Nghị định 33/2020/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự. 3. Quốc hội (2008), Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự. 4. Quốc hội (2015), Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước. 5. Quốc hội (2015), Bộ luật dân sự. 6. Quốc hội (2015), Bộ luật tố tụng dân sự. 7. Quốc hội (2008), Luật Thi hành án dân sự, Hà Nội. 8. Quốc hội (2014), Luật Thi hành án dân sự, Hà Nội. 9. Dương Thị Thanh Mai (2017), Xác định những định hướng chính sách lớn phục vụ cho việc xây dựng Luật Thừa phát lại, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Hà Nội. 10. Trần Thị Nga (2018), Hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với hoạt động Thừa phát lại; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động Thừa phát lại, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. 11. Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Tiến Pháp (2018), Phạm vi, thẩm quyền hoạt động của Thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm và định hướng hoàn thiện trong giai đoạn tiếp theo, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp năm 2018. 12. Bộ Tư pháp (20220), Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021, Hà Nội. --- Thông tin tác giả: - Nguyễn Thị Tuyền, học vị: Thạc sĩ; Khoa kinh tế, Trường ĐHTN - Trần Quốc Yên, học vị: Cử nhân; Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh, Trường ĐHTN - Thông tin liên lạc: Bộ môn Luật Kinh doanh, Khoa Kinh tế; email: nttuyen@ttn.edu.vn Số điện thoại: 0968010188. - Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của tác giả: Pháp luật kinh tế và Dân sự 235
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
30=>0