CÁI DỄ THƯƠNG CỦA ĐỒNG DAO QUẢNG NAM
lượt xem 26
download
Trên đường vào Nam, tổ tiên chúng ta đã mang theo bài hát trò chơi, trò diễn..., cùng lúc, có những sáng tạo mới về đời sống tinh thần, về công việc lao động ở vùng đất mới này. Đi theo ông bà, cha mẹ, trí nhớ của con nít - ở những lứa tuổi từ 6 - 7 tuổi đến 11-12 tuổi, vẫn gắn bó với Chào con rắn, Ma gia đuổi bắt, Đánh nẻ, Đập chuồn chuồn, Gọi nghé, Cù cưa cút kít. Dừng chân ở đất Quảng Nam, người lớn sáng tác cho con nít. Con nít...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: CÁI DỄ THƯƠNG CỦA ĐỒNG DAO QUẢNG NAM
- CÁI DỄ THƯƠNG CỦA ĐỒNG DAO QUẢNG NAM Trên đường vào Nam, tổ tiên chúng ta đã mang theo bài hát trò chơi, trò diễn..., cùng lúc, có những sáng tạo mới về đời sống tinh thần, về công việc lao động ở vùng đất mới này. Đi theo ông bà, cha mẹ, trí nhớ của con nít - ở những lứa tuổi từ 6 - 7 tuổi đến 11-12 tuổi, vẫn gắn bó với Chào con rắn, Ma gia đuổi bắt, Đánh nẻ, Đập chuồn chuồn, Gọi nghé, Cù cưa cút kít. Dừng chân ở đất Quảng Nam, người lớn sáng tác cho con nít. Con nít thay đổi, thêm bớt vốn liếng đồng dao và sáng tác, làm giàu có thêm cái kho tàng chơi hát-học-vui của mình. Đồng dao là thể loại ca hát hồn nhiên, bình dị, mà em bé nào cũng biết và yêu thích. Con nít yêu đồng dao như yêu cảnh thiên nhiên của đồng quê, yêu ánh nắng chan hòa làm rực rỡ thêm cảnh sắc thiên nhiên. Đồng dao làm cho tâm hồn các em thêm đẹp, thêm tươi. Mỗi người chúng ta khi nhớ lại tuổi thơ của mình với bao kỷ niệm êm đẹp, chắc hẳn không ai quên được kỷ niệm về những câu hát ấy. Ngày ấy, ta thường mượn câu hát, câu vè để diễn đạt suy nghĩ của mình.Tại sao lại như vậy nhỉ ? Có lẽ vì những câu hát ấy thật dễ hiểu, thật ngộ nghĩnh đối với tuổi thơ. Có hai cô bé rủ nhau đi học cùng đường, ai cũng muốn cho là đi đường mình thì thích hơn. Thế là có câu hát để dọa nhau : Tau đi ngõ ni có hương có hoa Mi đi ngõ nớ có ma đón đường! Cô bạn kia chẳng chịu thua kém, khi trả lời lại : Tau đi ngõ ni có bụi tùm hum Mi đi ngõ nớ có hùm chụp mi! Hai đứa đi hai ngả. Chẳng đứa nào gặp ma, gặp hùm. Nhưng, nếu lần sau có diễn lại cảnh này, thì những câu hát trên vẫn được lặp lại một cách hào hứng như chưa từng hát bao giờ. Có lẽ đây cũng chính là một đặc điểm của thể loại. Các em có thể hát đi hát lại hàng trăm lần chỉ một câu đó mà không thấy nhàm chán. Cách ví von, lối nói có vần điệu đã gây được hứng thú khi các em hát những câu ấy. Các em đứng vòng quanh, chơi - hát Phủi tóc bạn, hát nói : Đầu đứa mô có rơm có rác Kêu tau bằng bác, tau phủi đầu cho Kêu tau bằng o, tau cho cái này.
- Vừa vỗ tay vừa nhảy tưng tưng theo câu hát, hát đi hát lại nhiều lần. Và, "tau cho cái này", có nghĩa là cho một quả thụi đáng yêu vào mạng sườn hoặc lưng bạn. Đôi khi, muốn hát - chơi bài này, một em nào đó đã cố ý kín đáo cho một cộng rơm hoặc một chiếc lá lên đầu tóc bạn mình, để cả nhóm nhảy vòng quanh bạn vô ý đó như một trò chơi thú vị. Mùa hè, ở rừng, nhận ra khu nào lắm ve ve, tối đến, các em rủ nhau đi bắt ve ve, rang ăn. Đợi thiệt tối, các em nhóm một đống lá khô, châm lửa, xúm xít ngồi chồm hổm quây hình vòng tròn, vỗ tay vào miệng thành tiếng oa oa òa òa, rồi hát nói từng âm. Các em dùng vòm miệng như một hộp cộng hưởng. Những tiếng oa oa òa òa, tiếng hát rung lên dập dồn, lung linh - âm điệu và màu âm là lạ, mơ hồ. ánh sáng lôi cuốn, hấp dẫn. Oa oa òa òa Oa oa òa òa Hu hu ve ve Xuống đây mà nghe Ăn xôi, ăn chè Ăn mít, ăn me Không xuống không nghe Tau đánh mi què Tau ví chạy re Oa oa òa òa, oa oa òa òa Từng đôi em một, ngồi bệt trên đất. Tay nắm tay, bàn chân chỏi vào nhau, hát - chơi : Cù cưa kút kít Con nít rúc ra Ông già rúc vô cù cưa kút kít Con nít may ra Bà già may vô Cù cưa kít kít Ăn ít no lâu Ăn nhiều tức bụng Cù cưa kút kít Con nít nhà ai Thì về nhà nấy. Nhưng, chưa ai vội về nhà nấy được. Có bạn nào đó, do bụng bị ép vào đẩy ra đã té tủm. Một em vừa hát vừa chỉ vào từng bạn : Xù xì xụt xịt ốc mít lùi tro Ăn no té tủm Ba ông quan chánh Xúm đánh phèn la Biểu phải chỉ ra Đứa mô té tủm ? Đứa mô té tủm ? Đồng dao thế giới không có câu hát này. ở nhà quê, trẻ em yêu thương con nghé. Từ Bắc vào Nam, nhiều câu hát gọi nghé. Con nít Quảng Nam gọi nghé : Huê...huê... Huê con nghé nhỏ
- Lạc đàn theo chó Lạc ngõ theo trâu Nghe mẹ rống đâu Đâm đầu mà nhảy Huê...huê...Huê...huê... Huê con nghé nhỏ Ham cỏ bỏ bầy Huê con nghé nhỏ Ham chơi xa đàn lạc mẹ Huê...huê... Có thể nghe thấy ở đồng dao chất liệu hò khoan trộn chút ít vè hơi oán, hô thai và cái chất của lý tươi sáng, hóm hỉnh ở sắc bùa. Con nít ở nhà quê chơi- hát-học-vui nhiều. Còn gì thú vị bằng một buổi sáng đẹp trời, các em vắt vẻo trên lưng trâu, dong chúng ra đồng. Đàn trâu được thả trên một bãi cỏ xanh mượt, mải mê gặm cỏ. Còn các em, lúc này hoàn toàn thảnh thơi, tụ tập nhau lại một góc bãi cỏ, chơi trò chưng cộ. Trò chơi-hát này như sau : một lớp ngồi dưới cầm tay nhau xếp thành vòng tròn, rối nhiều lớp nữa cũng cầm tay nhau, ngồi chồng lên vai lớp dưới, cùng hô "dố dậy", tất cả đều đứng lên thành trụ cao, vừa đi vòng tròn, vừa hát. Đồng dao này có hai khúc : một khúc thiết thực nói về trẻ chăn trâu với mùa màng, một khúc kể những vật thường thức ở nông thôn. Khúc I : Dố dậy, dố dậy Cây gậy bốn phương Ra đường mạnh mẽ Bầy trẻ chăn trâu Bay lâu thẳng cánh Nó mạnh như sên Đi trên mặt nước Đi trước đón rồng ông đi có cồng Bà đi có mõ Trên trời nghe rõ Làm gió làm mưa Làm mùa bát ngoạt Dố dậy, dố dậy!
- Khúc II : Trời mưa lâm dâm Cây trâm có trái Con gái có duyên Đồng tiền có lỗ Bánh tổ thì ngon Bánh hòn thì béo Cái kéo thợ may Cái cày làm ruộng Cái xuồng đắp bờ Cái lờ thả cá Cái ná bắn chim Cây kim may áo Cái giáo đi săn Cái khăn bịt đầu. Hát hết khúc này, trở lại đoạn đầu, bắt vào câu "bầy trẻ chăn trâu...". Cứ như thế mà hát mà quay tít vòng tròn cho đến khi nào cộ đổ Đồng dao "hỏi tuổi" về 12 con giáp diễn ra như một hoạt cảnh. Các em ngồi vòng tròn, mỗi em sẽ là một con vật trong đồng dao, khi được hỏi đến, phải bắt chước động tác của con vật ấy, đi, bò, hoặc nhảy vòng quanh về chỗ cũ của mình. Một em chỉ vào một bạn, hỏi : - Tuổi Tí con chi? Trả lời : - Tuổi Tí cho chuột. Các em hỏi : - Con chuột nó kêu làm sao? Trả lời : - Nó kêu chút chít (đóng vai con chuột, vừa bò vừa kêu chút chít). Các em nói : - Chút chít chi mày
- Tau chặt khúc đầu Tau thầu khúc giữa Tau bửa lấy xương Làm rường làm cột Tau lột lấy da Bỏ sông Ngân Hà Còn chi chút chít ! Các em hỏi một bạn khác : - Tuổi Sửu con chi ? Trả lời : - Tuổi Sửu con trâu. Các em hỏi : - Con trâu nó kêu làm sao? Trả lời : - Nó kêu ngá ngạ. (đóng vai con trâu, khệnh khạng đi, dương đôi sừng). Các em nói : - Ngá ngạ chi mày... Cứ như thế, hát-nói hỏi, trả lời đóng vai con vật, cho đến con heo, mỗi con phải có tiếng kêu riêng. Con rồng kêu "rống rộng" con rắn kêu "rắn rặn" thì thật lạ và rõ là con nít ! Câu hát đố nói đúng, phát âm đúng, cho dẻo miệng : - Ông ống nồi lội qua sông Đóng cáí gông vào mông đít Tròng trà tròng trành Trâu trèo trâu trợt Thậm thà thậm thụt Trò trụt trò trìa Trâu tra làm trúc bụi tre Trách trời trơn trợt, xa trò mấy trăng Ăn ngày ba bữa Tắm rửa ba lần Sạch sẽ toàn thân
- mà răng ngứa xót, ngứa xót -Nhà bà Đỏ có nuôi con gà mái đen nhảy ổ Bà Đỏ sao không lót ổ cho con gà mái đen bà Đó đẻ. - Cầm cây rựa quéo trèo lên hòn núi quẹo đốn cây củi queo đem vềnấu cám heo. Sinh hoạt vui chơi là môi trường của trẻ em. Trong dạng sinh hoạt chơi-hát-học-vui, đồng dao luôn gắn với các trò chơi, các lối chơi. Chỉ thông qua trò chơi, đồng dao mới có điều kiện phổ biến và lưu truyền. Nhưng, ngay trong sinh hoạt vui chơi ấy của các em, chúng ta vẫn thấy hiện lên cái bản chất xã hội của nó. Nói một cách khác, mỗi đồng dao "bài hát-trò chơi" của các em đều nhằm mục đích rèn luyện và giáo dục các em trở thành những thành viên xã hội thật sự trong tương lai. Chọn ngõ, Phủi tóc bạn, Xù xì xụt xịt thể hiện tình bạn, Hu hu ve ve, Họa bù rầy đùng là trò chơi có ích, ông trùm Dé ơi, Đố tuổi rèn luyện trí thông minh, Cù cưa kút kít, Dố dậy, dố dậy rèn luyện thể lực tính nhanh nhẹn, Tau đố bay ăn, ăn cháo quỵt phê phán chế nhạo cái chướng tai gai mắt; Hò nghé ngơ, Người và trâu ở đợ, Dỗ sáo ăn mồi giáo dục lòng thương yêu con vật gắn bó với cuộc sống của thế giới trẻ thơ : con sáo, con gà, con mèo...,những gia súc gần gũi: con nghé, con trâu..., lòng bác ái trong con người Việt Nam. Qua cái dễ thương của đồng dao đất Quảng Nam, chúng ta nhận ra, trong chơi-hát-học-vui cho con nít, cha ông ta đã dành một khoảng lớn cho sự tự sáng tạo của con nít, sáng tạo theo suy nghĩ, nhận thức và phương pháp của chúng. Chúng ta thấy con nít thích thú những bài, câu, đoạn, mà theo lôgíc của chúng là linh tinh, hay chí ít, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng, chính những bài ta có khi theo lôgíc "nhảy cóc" như vậy lại đáp ứng yêu cầu tập cho dẻo miệng như kiểu "tròng trà tròng trành trâu trèo trâu trụt", đáp ứng yêu cầu "đặt vè bẻ vần" , "bẻ làn nắn điệu" của các em. Đồng dao cổ truyền bao giờ cũng mang tải một cơ chế nhạc đậm đà màu sắc và tính chất dân tộc. Con nít tiếp nhận và hát-múa-chơi-học đồng dao như một bộ mã di truyền của dân tộc. Cơ chế âm nhạc này lại được đưa vào một kết cấu phức tạp với các yếu tố cũng mang bản sắc dân tộc, như trò chơi, điệu nhảy, trò vui, đố học, khiến con nít rất thích thú, và lại còn dành cơ hội cho trẻ em, kích thích chúng sáng tạo thêm. Trong xã hội xưa, đồng dao là bài học vỡ lòng về âm nhạc, vỡ lòng với ý nghĩa là những bài học đầu tiên trong cuộc đời, nhưng cũng là những bài tập sáng tạo âm nhạc dân tộc đầu tiên. Từ tuổi sơ sinh tới lúc lên ba, lên năm, con nít chỉ được tiếp thụ âm nhạc dân tộc một cách thụ động qua hát ru của người lớn. Chỉ với đồng dao, trẻ em mới bắt đầu tự mình ca hát, nhảy múa, chơi, học và sáng tạo. Nên hiểu rằng, khái niệm "âm nhạc cho trẻ em" bao gồm cả hai thể loại bài hát là hát ru và hát tré em. Một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cho rằng : "Mỗi dân tộc mang vào trò chơi những đặc tính trong cách suy nghĩ mà dân tộc đó vốn có. Có biết bao nhiêu trò chơi mà con người đã nghĩ ra, đếm không xuể. Cũng như dân ca, truyện cổ tích, chúng rất nhiều, rất nhiều. Các trò chơi, cũng như con người, sống, yêu và chết. Rồi chúng tái sinh". Dạy đồng dao cho trẻ là dạy các em chơi-hát-múa-học, dạy tiếng Việt cho trẻ. Riêng vốn từ, trẻ
- em có dịp nắm vững những từ thuần Việt, nghĩa là những từ làm nên bộ phận nòng cốt của tiếng Việt, chúng vốn có từ lâu đời, và có sức sống mãnh liệt. Cho nên, dù đời sống hôm nay đổi mới thế nào, con cháu chúng ta cũng cần biết để góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như NQ TW5 (khóa VIII) đã xác định rõ.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn