intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cái gì mới cũng làm cho ta không yên tâm

Chia sẻ: Pham Phong | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

115
lượt xem
18
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên ba chục năm trước, lần đầu tiên tôi được ngắm một bức tranh trừu tượng, nghĩa là một bức tôi nhận được màu sắc, đường nét, xa gần, nhưng không nhận ra một vật nào mà tôi thường thấy; lần đó tôi nghĩ bụng: trò khôi hài đấy, chứ nghệ thuật gì. Nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với nghệ thuật hiện đại, tôi đã hiểu rằng các bức họa trừu tượng quả là một hình thức nghệ thuật, nó biểu lộ một cách mới mẻ nhận định đời sống, bắt lấy đời sống. Lần đầu tiên tôi...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cái gì mới cũng làm cho ta không yên tâm

  1. Cái gì mới cũng làm cho ta không yên tâm Trên ba chục năm trước, lần đầu tiên tôi được ngắm một bức tranh trừu tượng, nghĩa là một bức tôi nhận được màu sắc, đường nét, xa gần, nhưng không nhận ra một vật nào mà tôi thường thấy; lần đó tôi nghĩ bụng: trò khôi hài đấy, chứ nghệ thuật gì. Nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với nghệ thuật hiện đại, tôi đã hiểu rằng các bức họa trừu tượng quả là một hình thức nghệ thuật, nó biểu lộ một cách mới mẻ nhận định đời sống, bắt lấy đời sống. Lần đầu tiên tôi thấy kiểu ăn mặc của bọn Beatles, không phải trên các tấm hình, mà trên thân thể các thanh niên mà tôi gặp ngoài đường, tôi khó chịu lắm. Cái thói gì mà lố lăng vậy? Ừ, thời đó cần phải cải thiện, nhưng bây giờ, sau khi đã nghiên cứu rất kĩ các vấn đề liên quan tới thanh niên, tôi hiểu ý nghĩa của sự nổi loạn bề ngoài có vẻ vô lí đó. Chúng ta luôn luôn phải biết tiếp xúc với cái mới mẻ. Thời đại này thế giới biến hóa mau hơn thời nào khác nữa, như đâm bổ vào một tương lai đã mở màn rồi. Tương lai đó sẽ đầy những cái mới mẻ, nào là những cuộc viễn du trên các hành tinh, nào là những thuốc chích, những phương pháp chạy
  2. điện, giải phẫu óc để biến đổi một con người từ hồi nào còn là bào thai sau khi ra đời, thành một nhà tri thức, một nhà chỉ huy hoặc một người vai u thịt bắp. Chẳng cần phải xét những biến đổi quái dị đó, chúng ta hãy nhớ lại vài sự thay đổi đã thực hiện rồi. Chẳng hạn ngày nay người ta không còn dùng những sáo ngữ như, về thần học: "Bọn vô thần là vây cánh của quỷ", về giáo dục: "Con trẻ phải tuân lời cha mẹ trong mọi trường hợp". Chúng ta không còn tự phụ vì những phán đoán truyền thống nữa. Hồi xưa người ta dẫn lời các bậc thầy: Platon, Aristote, Thánh Thomas ở Aquin, hoặc những câu như: "Goethe đã nói...", "tiên nghiêm tôi đã nói..." hoặc "giáo hội đã nói..." để bênh vực ý kiến của mình. Bây giờ chúng ta bắt buộc phải xét lại hết những chân lí của mình xem có còn hợp với thời đại đầy chuyển biến này không. Xét rồi, ta thấy cần phải bỏ đi rất nhiều chân lí hoặc ít nhất cũng phải giải thích lại những chân lí đó; mặt khác ta lại phải chấp nhận nhiều ý mới không sao bác được. Vì thế mà không lúc nào ta được nghỉ ngơi, có thể tin chắc rằng đã tới được đích. Dĩ nhiên người ta có thể cho rằng cuộc sống trong một thời xáo trộn như vậy thì thú vô cùng, mà cũng có thể thấy khổ quá đỗi vì cứ bị quấy nhiễu hoài, không lúc nào được yên.
  3. Tại sao lại khó chấp nhận sự mới mẻ như vậy nhỉ? Không ai lại chấp nhận mọi cái mà không phân biệt, lựa chọn cái nào hợp với mình. Lựa chọn tức là phán đoán tùy theo lí trí hoặc tình cảm của mình. Ai cũng có một số quy tắc giúp mình tiếp cận những cái gì mình có thể hiểu được một cách không khó nhọc lắm, mà bỏ những cái khác. Khi ta chủ quan mà nói rằng: "Cái mới mẻ đó không hợp với tôi" là cố ý bảo "dù tôi không có thiện chí tìm hiểu tới mấy thì cũng không hiểu nó được, thôi tôi quyết tâm rồi, đừng nói thêm gì nữa". Lời tuyên bố bề ngoài ôn hòa đó nhằm chứa ý này: "cái mới mẻ đó chẳng ra cái quái gì cả, vô ích chẳng riêng đối với tôi mà cả đối với bất kì một người nào khác nữa, nguyên tắc là vậy". Thế là một phán đoán cá nhân, chủ quan được đưa lên thành một phán đoán chung có giá trị tuyệt đối. Mà như vậy thì có nghĩa là cái cũ luôn luôn tốt hơn cái mới. Người ta thường nhắc tới cái thời xưa tốt đẹp, sung sướng, như thế quả thực có những thời tốt đẹp hơn các thời khác về mọi phương diện. Dĩ nhiên, có những thời sống dễ dàng hơn thời khác, nhưng không vì vậy mà bảo là tốt đẹp hơn được. Có phần chắc rằng nếu ôn lại tất cả các thời từ lúc có loài người tới nay thì thời nào cũng tốt đẹp cả vì thời nào cũng là một giai đoạn cần thiết cho sự tiến hóa của nhân loại. Nếu thời hiện nay luôn luôn xấu hơn thời đã qua thì nhân loại hiện nay vẫn còn ăn lông ở lỗ, chỉ có nghĩ tới việc săn bắt và giết lẫn nhau; mà kẻ
  4. nào đầu tiên có ý vẽ hình các con thú lên vách các hang đá phải kể là có tội vì kẻ đó đã tạo ra một cái mới, tức nghệ thuật. Sự thực ta có thể nói rằng thời đại chúng ta hơn những thời trước, chẳng những vì kĩ thuật phát triển mạnh mà còn vì ta có nhiều sự tự do tinh thần hơn. Nhưng đời sống của ta có vì vậy mà "tốt hơn", sung sướng hơn không? Cái mới có tốt hơn cái cũ không? Máy giặt có tốt hơn thau giặt không, dân chủ có tốt hơn quân chủ chuyên chế không? Cái mới không tốt hơn cũng không xấu hơn cái cũ, nhưng nó là cái mới nghĩa là cần có nó để thay cái cũ không còn dùng được nữa, có vậy nhân loại mới tiến hóa. Các cụ ta thời xưa ở trong một thung lũng hẻo lánh, khi thấy một chiếc xe hỏa chạy qua thì sợ sệt, khấn trời, bây giờ chúng ta muốn được bay lên cung trăng. Khi y sĩ danh tiếng ở Vienne là Sigmund Freud đặt cơ sở cho khoa tâm lí tiềm thức, người ta chửi rủa ông thậm tệ. Ngày nay cả triệu người nhờ những nhà phân tâm học xét tâm trạng và trị bệnh cho theo những phương pháp dựng trên học lí thuyết Freud.
  5. Ý tưởng mới mẻ nào là lớn lao, quan trọng thì mới đầu bị thiên hạ mỉa mai, đả đảo. Thế hệ mới nào cũng vậy, cũng bị thế hệ cũ chê bai ra mặt hoặc thầm kín. Tại sao vậy? Tại bất kì cái gì mới mẻ - kể cả thế hệ mới với lối sống đặc biệt của họ - cũng làm cho ta thấy chướng vì nó đảo lộn các thói quen của ta và dám bảo thẳng vào mặt ta rằng ta lạc hậu. Lời đó làm sao mà không chướng tai ta cho được. Rõ là lời thách đố trí tuệ, tâm tư, sự sáng suốt, khả năng tiến hóa của ta mà; thách ta có chịu vui vẻ rút lui đúng lúc không. Nhưng có phải cái mới mẻ nào cũng đe dọa ta, cự tuyệt ta không? Cái đó còn tùy ở ta. Nếu chúng ta nhắm mắt chê bai tất cả những cái gì mới, nếu chúng ta bướng bỉnh hoặc làm biếng, gạt bỏ mọi cái mới đi, thì đúng đấy, chúng ta sẽ bị sa thải, thành hạng người già mệt mỏi, tàn nhẫn, trì độn, chưa chết mà cũng như chết rồi. Chúng ta phải khoáng đạt chấp nhận cái mới, không phải vì nó tốt hơn, mà vì nó làm phát động sự tiến bộ. Không ai có thể buộc ta phải tán thành mọi cái mới mà không phân biệt (nhưng bọn thanh niên lại thường đòi hỏi ta như vậy). Cũng không ai có thể buộc ta phải từ bỏ cái dĩ vãng đã lỗi thời. Nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào cái mới và thẳng thắn đối thoại với nó.
  6. Vấn đề không phải là ta thích nó hay không, cho nó là có hợp với mình hay không. Điều quan trọng là ta phải khách quan tìm trong nó cái yếu tố của sự tiến bộ, và trọng nó vì nó là một sức mạnh. Như vậy thì cái mới mẻ sẽ là nguồn sinh lực đối với ta, và tinh thần ta sẽ trẻ hơn tuổi rất nhiều. Vả lại cái gì mới, dù có vẻ kì dị, cách mạng tới đâu thì cũng là cái nối tiếp cái mà chính chúng ta đã tạo ra, gợi ra. Rồi một ngày kia, cái bây giờ là mới sẽ hóa ra cũ. Do đó mới có cái mà ta gọi là truyền thống. Vậy ta đừng nên chống lại, hãm lại sự tiến hóa, mà nên giúp đỡ nó mỗi khi lương tâm ta bảo rằng cái mới mẻ đó tuy lạ lùng đấy, nhưng không trái những quy tắc căn bản của chân lí.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2