intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cảnh quan văn hóa trong phát triển du lịch bền vững một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Cảnh quan văn hóa trong phát triển du lịch bền vững một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam" dựa trên việc phân tích các chính sách, chiến lược phát triển du lịch vĩ mô kết hợp với đánh giá tình hình hiện trạng một số địa phương điển hình để làm rõ những điểm mạnh, hạn chế cùng với thời cơ và thách thức mà một số điểm đến danh thắng tại Việt Nam đang gặp phải. Qua đó, tác giả cũng thảo luận một số ý kiến đề xuất mô hình giải pháp và gợi mở các vấn đề cần quan tâm mở rộng nghiên cứu. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cảnh quan văn hóa trong phát triển du lịch bền vững một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam

  1. CẢNH QUAN VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM Lê Thế Hiển1, Trần Đình Tuấn2 Tóm tắt: Du lịch là một trong những ngành công nghiệp dịch vụ có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh tế, môi trường và văn hóa của một địa phương hay quốc gia nói chung. Cùng với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDGs), việc hoạch định và triển khai thực hiện du lịch có trách nhiệm, đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch tại Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm yếu, rào cản do tồn tại khoảng cách khác biệt lớn giữa lý thuyết và thực tiễn. Dưới góc nhìn của thuyết cấu trúc-chức năng, cảnh quan văn hóa cũng được xem như một tài nguyên du lịch cần được quy hoạch, khai thác và sử dụng để phục vụ hoạt động du lịch, nhưng cũng cần chú ý đến những tác động của nó đối với nền kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa của cộng đồng địa phương. Bài viết dựa trên việc phân tích các chính sách, chiến lược phát triển du lịch vĩ mô kết hợp với đánh giá tình hình hiện trạng một số địa phương điển hình để làm rõ những điểm mạnh, hạn chế cùng với thời cơ và thách thức mà một số điểm đến danh thắng tại Việt Nam đang gặp phải. Qua đó, tác giả cũng thảo luận một số ý kiến đề xuất mô hình giải pháp và gợi mở các vấn đề cần quan tâm mở rộng nghiên cứu. Từ khóa: Kiến trúc cảnh quan, văn hóa, sinh thái, du lịch bền vững, tác động, quy hoạch. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Từ những năm đầu thế kỷ XX, thuật ngữ “phát triển bền vững” (sustainable development) đã được các học giả và những nhà hoạch định chính sách đề xướng và quan tâm thực hiện trong bối cảnh môi trường sống và hệ sinh thái nảy sinh mâu thuẫn với tốc độ và ảnh hưởng của sự phát triển về kinh tế-xã hội của nhân loại (Chandana và cộng sự, 2008). Năm 1987, Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc đã đưa ra khái niệm: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” (WCED, 1987). Đến Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002 đã xác định một lần nữa “phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Khoa Văn hóa học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. 1 Khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh. 2
  2. 466 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Quá trình thực thi các mô hình giải pháp và các lý thuyết liên quan đến phát triển bền vững và tiến bộ xã hội đã thực sự trở nên cấp thiết và phổ biến ở mọi cấp độ, từ quản lý nhà nước cho đến ứng xử của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và mỗi người dân địa phương trong vài thập kỷ gần đây (Hardy et al, 2002; Tuson, 2001; Yuksel, 1999). Khi nghiên cứu hay thảo luận về tính bền vững (sustainability), bên cạnh ba nội dung trọng tâm là kinh tế (economic), xã hội (social aspect) và môi trường (environment) thì hiện nay, giới học giả và chuyên gia còn quan tâm đến một số khía cạnh khác như cách tiếp cận từ các bên liên quan và vai trò của quản lý nhà nước, tác động của khoa học công nghệ hay quá trình chuyển đổi số. Kanagawa (2007) đã chỉ ra một số xu hướng chủ đạo, phổ biến của phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới đương đại: tiến trình (tính ổn định, tương lai, dài hạn và cải tiến); hướng tiếp cận về chính trị, chính sách và quản lý nhà nước; thiết kế và xây dựng, quản trị doanh nghiệp; cân bằng nội sinh (homeostasis); tư duy/thái độ cá nhân (feelings, attitude) hay quan điểm xã hội (social perception); khoa học công nghệ và kỹ thuật; quy mô và cấp độ (địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu). Phát triển bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người, vì vậy các quốc gia trên thế giới đều đồng thuận xây dựng Chương trình nghị sự cho từng thời kỳ phát triển gọi là Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) về các giải pháp phát triển bền vững chung cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của du lịch phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên và môi trường; sự phát triển du lịch và sự phát triển bền vững chung của xã hội có sự tác động biện chứng lẫn nhau (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008). Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro, Brazil năm 1992 đã khẳng định: “Phát triển du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và người dân bản địa, trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai” (WTO, 2001). Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra định nghĩa về thuật ngữ này trong Luật Du lịch 2017: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Cùng với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là một trong những điều kiện đặc trưng quan trọng cho việc phát triển du lịch của một địa phương, vùng, quốc gia. Giá trị của những di sản văn hóa: di tích lịch sử, công trình kiến trúc, các hình thức nghệ thuật, tập quán, lễ hội, ngành nghề truyền thống cùng với các thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội, cơ sở văn hóa nghệ thuật, bảo tàng… là các đối tượng cho du
  3. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 467 lịch khai thác và sử dụng. Những tài nguyên này không chỉ tạo ra môi trường và điều kiện cho du lịch phát sinh và phát triển, mà còn quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả của hoạt động du lịch. Đất nước Việt Nam không chỉ luôn tự hào về nguồn tài nguyên đa dạng, “rừng vàng biển bạc” mà còn có một lịch sử “nghìn năm văn hiến”, tinh thần đoàn kết, kiên trung trong quá trình lao động, dựng nước và giữ nước hào hùng, cùng với nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì thế, công tác quảng bá du lịch, bảo tồn và tôn tạo các cảnh quan văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản cần được quan tâm thực hiện, song song với việc bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý và hiệu quả, nhằm góp phần phát triển ngành du lịch một cách bền vững. 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CẢNH QUAN VĂN HÓA VÀ VAI TRÒ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH 2.1. Khái niệm và đặc trưng của cảnh quan và không gian văn hóa Theo nghĩa hẹp, hiện nay cụm từ “không gian văn hóa” thường được sử dụng để chỉ những khu vực địa lý, môi trường xã hội có các hoạt động văn hóa hoặc gắn với văn hóa, như không gian văn hóa công cộng (nơi dành cho nhiều người vui chơi, giải trí), không gian văn hóa kiến trúc (nơi tập trung nhiều nét đặc sắc về kiến trúc), không gian văn hóa cồng chiêng (nơi tập trung nhiều hoạt động có sử dụng cồng chiêng và các yếu tố gắn liền với nó), không gian văn hóa du lịch, thương mại (nơi có nhiều nét đặc sắc về văn hóa gắn với hoạt động du lịch, thương mại…), không gian văn hóa nghệ thuật (nơi tập trung nhiều loại hình nghệ thuật và các yếu tố gắn liền với nó)… Ngô Đức Thịnh (1993) đã đưa ra định nghĩa: “Vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ có những nét tương đồng về mặt hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có những mối quan hệ về nguồn gốc và lịch sử với nhau; giữa họ có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội và đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại; nên trong vùng đã hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hóa khác. Còn theo Huỳnh Khái Vinh (1995) thì “Vùng văn hóa là một không gian văn hóa được tạo thành bởi các đơn vị địa lý dân cư của các địa phương nằm kề nhau liên tục; ở đó có một tập hợp (có khi cũng là hệ thống) các cơ cấu và đặc trưng văn hóa được hình thành trên cơ sở tương đồng về quan hệ nguồn gốc và lịch sử; và có một mức tự chủ nhất định, được phân biệt rõ ràng giữa các vùng văn hóa với nhau”. Định nghĩa của Trần Quốc Vượng (1998) lại tập trung nhấn mạnh: “Một vùng văn hóa là một tổng thể - hệ thống với một cấu trúc - hệ thống (structure - system) bao gồm các hệ dưới (sub - system hay tiểu hệ) theo lối tiếp cận hệ thống (system - analysis). Trần Ngọc Thêm (2011) đã xây dựng bộ công cụ và phương pháp nghiên cứu văn hóa vùng bằng việc xác lập một hệ tọa độ C-K-T rõ ràng, logic bao gồm Chủ thể, Không gian và Thời gian văn hóa, qua đó giúp định vị các vùng và miền văn hóa. Đó là một không gian văn hóa liên tục, trong đó tồn tại một chủ thể văn hóa thống nhất, và chủ thể đó
  4. 468 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... hoạt động đồng hướng trong một thời gian văn hóa đủ dài, tạo nên một hệ thống giá trị đặc thù, cho phép khu biệt vùng đang xét với những vùng có liên quan. Cảnh quan văn hóa là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ các yếu tố văn hóa có liên quan đến môi trường xung quanh chúng ta. Nó bao gồm các thành phần như kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo, thể thao, âm nhạc và văn hóa địa phương. Cảnh quan văn hóa không chỉ liên quan đến các di sản văn hóa như công trình kiến trúc cổ hay danh lam thắng cảnh lâu đời mà còn bao gồm cả các hoạt động và biểu hiện văn hóa, lối sống, phong tục và truyền thống của một cộng đồng cuối cùng định hình môi trường nơi nó sống, mang lại một giá trị lịch sử cụ thể (Otto, 1908). Văn hóa là tác nhân, khu vực tự nhiên là phương tiện, cảnh quan văn hóa là kết quả (Sauer, 1925). Eric Hirsch (1993) phân tích cảnh quan văn hóa như là một dạng thức biến thể (paradigm) của một đối tượng nhân học sinh thái, trong đó có hai phương diện cấu trúc: chủ quan và khách quan. Trong khi Troll (1971) xem việc phân tích một phức hợp của các mối tương tác giữa tự nhiên và sinh học trên các đơn vị diện tích khác nhau của một vùng thì Gerasimov (1970) cho rằng: “nghiên cứu cảnh quan không nên chỉ hạn chế ở các cảnh quan tự nhiên chưa bị con người tác động đến, mà còn ở các cảnh quan đã bị biến đổi do con người. Những đối tượng được đề cập bao gồm cảnh quan nhân sinh hoặc cảnh quan văn hóa”. Cuộc họp của Hội đồng Di sản Thế giới (World Heritage Convention) năm 1992 đã dùng thuật ngữ “cultural landscape” hay “cảnh quan văn hóa”, được hiểu như là “một sự kết hợp giữa tự nhiên và con người”. Từ năm 2000, nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển hệ thống cảnh quan xanh, Châu Âu đã ra một tuyên bố chung, còn gọi là Công ước Florence xem “cảnh quan” là một khu vực không gian, theo nhận thức của con người, có tính cách là kết quả của hành động và sự tương tác của các nhân tố tự nhiên hoặc nhân tạo. Tại cuộc họp Hội đồng UNESCO năm 2002 ở Pháp, Arthur Pedersen đã khuyến nghị: việc duy tu bảo dưỡng những khu vực này đòi hỏi phải có những việc làm thích hợp để bảo đảm quản lý tốt quang cảnh về mặt môi trường, đồng thời bảo đảm lợi ích cho các cộng đồng địa phương từ sự sinh tồn của các cảnh quan đó. Có thể thấy rằng hầu hết các điểm đến du lịch và danh thắng có sức thu hút lượng lớn du khách đều cần thỏa hai tiêu chí: là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đồng thời cần thể hiện những đặc trưng lịch sử hình thành và phát triển địa phương cũng như bản sắc văn hóa dân tộc và phong tục tập quán cư dân nơi đó. Đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và các di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận. Điển hình như quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) gồm ba khu vực được bảo vệ là: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và khu rừng đặc dụng Hoa Lư; chứa đựng tất cả giá trị cảnh quan đặc sắc và các giá trị văn hóa liên quan. Đây là di sản thế
  5. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 469 giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á đã được UNESCO ghi danh vào năm 2014 với các bằng chứng về quá trình tương tác của người cổ xưa với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm. Hiện nay, cảnh quan văn hóa tạo nên thương hiệu điểm đến của tỉnh Ninh Bình nói chung và du lịch vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung thu hút hàng trăm nghìn du khách cả nội địa lẫn quốc tế đến tham dự và trải nghiệm các hoạt động tín ngưỡng và chiêm bái, vãn cảnh sơn thủy hữu tình tại chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc, đền Vua Đinh - Vua Lê, Hành Cung Vũ Lâm... Kinh thành Hoa Lư được xây dựng từ thời Đinh - Lê với ba vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát (thành Đông, thành Tây và thành Nam). Khu di tích này gắn liền với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử, trong đó phải kể đến các trận đánh Tống - dẹp Chiêm hào hùng và phát tích quá trình định đô Thăng Long - Hà Nội. Ở một khía cạnh khác, dù là chúng ta thường ít nhắc đến ý niệm về “cảnh quan môi trường” trong các di sản văn hóa phi vật thể, nhưng thực chất, dưới góc nhìn văn hóa học và cấu trúc luận, mỗi di sản ấy đều gắn liền với từng thành tố quan trọng của một “cảnh quan văn hóa”. Đơn cử như “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2014 gắn liền với khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các trò diễn như múa “tùng dí”, rước ông Khiu, bà Khiu, tế nõ nường... các lễ hội Rước vua về làng ăn tết, Rước chúa gái, lễ hội Vua Hùng dạy dân trồng lúa, lễ hội hát Xoan... thể hiện vùng đất Phú Thọ là kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng. Giáo sư Nguyễn Chí Bền từng nhận định “Ở cấp độ quốc gia, tính cố kết cộng đồng được thể hiện qua Lễ hội Đền Hùng là ngày hội chung của dân tộc, là nơi quy tụ con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền Tổ quốc”. 2.2. Cấu trúc và chức năng của cảnh quan văn hóa trong lĩnh vực du lịch Bài viết này dựa trên cách tiếp cận liên ngành của văn hóa học và du lịch học, trên nền tảng của lý thuyết cấu trúc - chức năng được khởi xướng bởi các học giả nổi tiếng phương Tây từ đầu thế kỷ XX như Ferdinand de Saussure, Malinoski, Claude Levi- Strauss, Michel Foucault và Louis Hjelmslev hay Roland Barthes. Chức năng luận quan tâm đến cá thể, nhu cầu của cá thể và nhấn mạnh đến chức năng của các thiết chế xã hội trong việc thỏa mãn nhu cầu của cá thể chứ không phải vì tổng thể xã hội hay nhóm. Chức năng luận cho rằng xã hội có các thiết chế xã hội có chức năng phục vụ cho mục đích cơ bản của cá thể con người. Malinowski cho rằng cá thể con người có bảy nhóm nhu cầu, cả về sinh học lẫn tâm lý, và các nhu cầu này được thỏa mãn thông qua các đáp ứng mang tính văn hóa. Radcliffe-Brown gắn bó với chức năng luận - cấu trúc dựa trên nền tảng tri thức của nhà tư tưởng xã hội Emile Durkheim nhằm định nghĩa các cấu trúc thân tộc trên cơ sở sự thích nghi, chia tách và hợp nhất. Theo ông, cấu trúc xã hội là một hình thức bao quanh của xã hội, và chức năng xã hội thể hiện ở
  6. 470 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... vai trò kết nối của các thiết chế như chính trị, kinh tế, tôn giáo trong việc duy trì tổng thể xã hội thành một chỉnh thể cấu trúc ổn định. Mặt khác, từ mô hình Ký hiệu (Sign) = Cái biểu đạt (Signifier)/Cái được biểu đạt (Signified) của Ferdinand de Saussure (1915), Louis Hjelmslev đã trình bày thành mô hình ba yếu tố trong Tam giác ký hiệu, giúp phân biệt giữa “Ký hiệu học biểu thị” với “Ký hiệu học hàm nghĩa”. Tiếp theo, Roland Barthes đã áp dụng lý thuyết cấu trúc trong ký hiệu học để kiến giải thần thoại bằng một sơ đồ phát triển như sau: Bảng 1. Ký hiệu học lý giải huyền thoại ngày nay 1. Cái biểu đạt 2. Cái được biểu đạt (Signifier) (Signified) Huyền thoại Ngôn ngữ KÝ HIỆU (SIGN) (Mythology) (Language) II. Cái được biểu đạt I. Cái biểu đạt III. KÝ HIỆU (SIGN) Nguồn: Barthes, 1972 Dựa vào đó, nhóm tác giả đề xuất mô hình diễn giải thuật ngữ “cảnh quan văn hóa” như sau: Bảng 2. Cảnh quan văn hóa diễn giải bằng ký hiệu học 1. Cảnh quan kiến trúc 2. Ý nghĩa văn nghệ thuật hóa, lịch sử Giá trị thẩm mỹ và giá trị sử Tài nguyên tự nhiên Tài nguyên văn dụng, chức năng giáo dục (II. Danh thắng, điểm du lịch (Natural resources) hóa(Culutral resources) Cái được biểu đạt, Signified) I. Cái biểu đạt (Signifier) III. Cảnh quan văn hóa Nguồn: Tác giả Như vậy, đến với các di tích văn hóa lịch sử như đền thờ Thánh Gióng, du khách sẽ được nhắc nhớ ngay đến hình ảnh một cậu bé mặc áo giáp sắt, đầu đội nón sắt, cưỡi trên con ngựa sắt đã từng nhổ bụi tre ngà ở làng Phù Đổng oai dũng đánh đuổi giặc Ân. Hay như địa danh vườn quốc gia Ba Vì và khu đền thờ Tản Viên sẽ gắn liền với câu chuyện lịch sử Sơn Tinh Thủy Tinh mà người dân Việt nào cũng đã được học từ thuở bé, qua đó phản ánh tâm thức về sức lao động cần cù và sáng tạo của dân tộc trong việc chinh phục tự nhiên, đắp đê ngăn lũ để làm nông nghiệp. Di tích cấp quốc gia Địa đạo Củ Chi ở TP. Hồ Chí Minh cũng là một minh chứng khác cho lịch sử cách mạng Việt Nam, công cuộc kháng chiến giành độc lập gian khổ mà hào hùng của đất nước. Hay như cụm công trình Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội vừa là một công trình kiến trúc đậm nét phong kiến và ảnh hưởng của Nho giáo phương Đông, vừa là biểu tượng cho thủ đô nghìn năm văn hiến, cũng như tinh thần hiếu học cầu tiến xưa nay của người Việt Nam. Hầu hết, mỗi điểm đến du lịch này đều đã trở thành một biểu
  7. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 471 tượng văn hóa, một thương hiệu du lịch quảng bá cho địa phương và đều hàm chứa nhiều ý nghĩa đậm chất nhân văn qua những câu chuyện kể lịch sử gắn liền với nó. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều các di tích, di sản và điểm du lịch khác trên khắp ba miền đất nước chứa đựng các giá trị văn hóa - lịch sử (cái được biểu đạt) và giá trị khai thác du lịch, thông qua cảnh quan (cái biểu đạt) như: quần thể di tích Cố đô Huế, cụm đền tháp Chăm Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, Đô thị cổ Hội An, v.v... Ngay cả di sản phi vật thể trong lĩnh vực nghệ thuật như “dân ca quan họ Bắc Ninh” hay “đàn ca tài tử Nam Bộ” thì cũng phải gắn liền với không gian biểu diễn và chủ thể thực hiện (nghệ nhân của các vùng miền đặc trưng) cùng với hình ảnh của các bộ trang phục truyền thống và nhạc cụ minh họa. Chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những “liền anh, liền chị” đầu đội nón quai thao, chít khăn mỏ quạ, diện áo tứ thân, tụ tập ở các khoảng sân trước đình làng hay dưới lũy tre làng cạnh bờ ao. Dân ca quan họ Bắc Ninh tồn tại trong một môi trường văn hóa xã hội với những tập quán kết chạ riêng, tồn tại song hành cùng các lễ hội làng kiểu nông thôn Bắc Bộ, với các hình thức: hát thờ, hát hội, hát thi lấy giải, hát canh. Tiêu biểu và đặc sắc nhất là Hội Lim và lễ chùa Phật Tích ở vùng Kinh Bắc xưa. Không gian lễ hội tọa lạc trên đồi Lim, bao quanh là các làng, xóm và phố chợ (Thị trấn Lim và các xã Nội Duệ, Liên Bão). Thời gian tổ chức chia thành hai phần: lễ và hội với các nghi thức rước sắc và dâng hương, tổ chức lán trại hát quan họ và trò chơi dân gian. Tương tự, không gian văn hóa của nghệ thuật biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ (được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2013) từng được thể hiện mộc cách dân dã, mộc mạc bởi người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong trang phục chiếc áo bà ba quấn khăn rằn, dưới mái nhà tranh vách gỗ đơn sơ hay trên chiếc chiếu manh tạm bợ trải giữa vườn cây trái trĩu quả. Đặc trưng của các cảnh quan văn hóa này có thể được biểu thị rõ nét nhất qua các tiêu chí công nhận loại hình “di sản hỗn hợp” của UNESCO hoặc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Luật Di sản văn hóa Việt Nam, 2009). Theo đó, việc đầu tư quảng bá du lịch, cùng với công tác bảo tồn di sản, quản lý văn hóa, giáo dục tuyên truyền về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và phát triển kinh tế - xã hội luôn là những nhiệm vụ quan trọng, chủ đạo trong chính sách mỗi địa phương. Theo GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, nhờ có tính hệ thống mà văn hóa, với tư cách là một thực thể bao trùm mọi hoạt động của xã hội, thực hiện được chức năng tổ chức xã hội. Đặc trưng quan trọng thứ hai của văn hóa là tính giá trị, được chia thành giá trị vật chất (phục vụ cho nhu cầu vật chất) và giá trị tinh thần (nhu cầu tinh thần), theo ý nghĩa có thể chia thành giá trị sử dụng, giá trị đạo đức và giá trị thẩm mĩ theo thời gian có thể phân hiệt các giá trị vĩnh cửu và giá trị nhất thời. Nhờ thường xuyên xem xét các giá trị mà văn hóa thực hiện được chức năng quan trọng thứ hai là chức năng điều chỉnh xã hội, giúp cho xã hội duy trì được trạng thái cân bằng động, không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường, giúp định hướng các
  8. 472 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... chuẩn mực, làm động lực cho sự phát triển của xã hội. Ba là, tính nhân sinh cho phép phân biệt văn hóa như một hiện tượng xã hội (do con người sáng tạo, nhân tạo) với các giá trị tự nhiên (thiên tạo); do đó, văn hóa trở thành sợi dây nối liền con người với con người, nó thực hiện chức năng giao tiếp và có tác dụng liên kết họ lại với nhau. Đặc trưng thứ tư là tính lịch sử được duy trì bằng truyền thống văn hóa và thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị đã ổn định (truyền thống), mà còn bằng cả những giá trị đang hình thành (Trần Ngọc Thêm, 2004). 3. KHAI THÁC, BẢO TỒN CẢNH QUAN VĂN HÓA TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 3.1. Thực trạng vấn đề Tính đến nay, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích đã được xếp hạng Di tích Quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng Di tích cấp tỉnh (con số này vẫn luôn tăng thêm hàng năm). Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 10 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm 56% số di tích cấp quốc gia và 46% tổng số di tích). Trong số 3.614 di tích cấp quốc gia, có 128 di tích quốc gia đặc biệt và trong đó có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Hà Nội hiện là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa nhất cả nước. Đây vừa là tiềm năng đồng thời là thách thức với thành phố trong công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích, di sản. Bởi bên cạnh một số di tích tiêu biểu như Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, và trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn của thủ đô, vẫn còn không ít các di tích rơi vào tình trạng xuống cấp như tại Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất… Các di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Như quần thể di tích Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long từ khi mới được ghi danh là di sản văn hóa (năm 1993) và thiên nhiên thế giới (năm 1994) chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Năm 2019, riêng 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng hơn 21,3 triệu khách du lịch (trong đó có gần 10,7 triệu khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng. Các số liệu thống kê đã cho thấy sự đóng góp to lớn của di sản thế giới trong quá trình phát triển kinh - tế xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh… Quá trình đổi mới đất nước, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ chế thị trường, toàn cầu hoá, biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh mẽ đến các di sản văn hoá, dẫn đến những nguy cơ và thử thách khốc liệt. Điều đó thể hiện qua sự xuống cấp của nhiều di sản văn hoá vật thể; Nhiều di sản phi vật thể bị mai một lãng quên trong khi nhiều loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào nước ta, thu hút ngày
  9. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 473 càng nhiều sự quan tâm của công chúng, nhất là giới trẻ; Không gian cảnh quan kiến trúc di sản bị xâm hại do những yếu kém, tồn tại cố hữu trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích; Việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến tính hài hòa và bền vững về mặt môi trường và xã hội. Hiện nay di sản văn hóa đang trở thành một nguồn lực lớn, một tài nguyên nhân văn đầy tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, do vậy nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã tận dụng thế mạnh này để khai thác tốt đa giá trị kinh tế của di sản. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp do quá quan tâm đến phương diện kinh tế, đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, nên đã đặt nhẹ công tác bảo tồn, chỉ cốt sao doanh thu càng nhiều càng tốt. Một số bảo tàng sở hữu những cổ vật, bảo vật quý giá, nhưng do lo lắng mất mát, hư hại đã chủ yếu thiên về bảo vệ, cất giữ di sản, thậm chí cho vào kho khóa kỹ, cách ly với đời sống xã hội. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử và các chuyên gia bảo tồn di sản đã lên tiếng mạnh mẽ về xu hướng thương mại hóa hay “hoành tráng hóa” di sản và các không gian văn hóa truyền thống, để lại những biến đổi tiêu cực đối với giá trị thẩm mỹ và đi ngược lại nguyên tắc khai thác bền vững. Năm 2012, chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội) đã bị trùng tu, tôn tạo theo kiểu “làm mới di tích” bằng những nguyên vật liệu, cấu kiện mới, thậm chí đập đi xây mới hoàn toàn nhà Tổ và gác Khánh. Ngoài ra còn hàng loạt trường hợp trùng tu, tôn tạo không quan tâm đến yếu tố gốc như: Lăng Ngô Quyền (2014), Tam quan chùa Bổ Đà (2017), Bia Quốc học Huế (2017), xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam (2017), v.v… Người ta thậm chí còn dám làm động giả, chùa giả, “biến không thành có” để thu lời, kiếm chác. Vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An từng ngang nhiên bị xẻ núi dựng cột bê tông làm đường dài hơn 1km với hơn 2.200 bậc, v.v… Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đưa yếu tố tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng làm cốt lõi, câu chuyện, nội dung của dự án, thực hiện trên khắp cả nước và theo cách riêng của mình: có nơi thì tạo dựng kiến trúc có dáng vẻ, hơi hướng công trình truyền thống dù khác về khối tích, tỷ xích; có nơi sao chép bối cảnh, hình ảnh kiến trúc của các công trình nổi tiếng thế giới; có nơi xây dựng mang phong cách kiến trúc sinh thái, thích ứng khí hậu nhiệt đới. Đó là trường hợp của các điểm du lịch mới khánh thành như: SunWorld núi Bà Đen (Tây Ninh); Lâm Viên - Núi Cấm (An Giang); Khu du lịch Nam Hồ (TP. Đà Lạt); Mộc Châu Island (Sơn La); Khe Sanh Valley Farm (Quảng Trị); Khu sinh thái Thung Nham (Ninh Bình), v.v... đã nhiều lần bị dư luận lên tiếng và báo chí phản ánh, thậm chí các công trình dự án đó cũng đã bị đình chỉ thi công hoặc xử lý vi phạm hành chính, buộc phải tháo dỡ. 3.2. Đánh giá, nhận định Bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa - lịch sử cũng là nhân tố của sự phát triển bền vững khi chúng ta giải quyết mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa tính nhân loại và tính dân tộc. Hoạt động bảo tồn di tích lịch sử mang trong mình
  10. 474 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... những đặc điểm cơ bản như: tính lịch sử; tính cộng đồng; tính chuyên môn hóa cao; không làm thay đổi hiện trạng và cấu trúc của di tích; tính pháp lý (Lê Thị Phúc, 2013). Hiện nay mức độ huỷ hoại nhanh hơn do chưa có quy hoạch đồng bộ giữa cái cần bảo tồn với xây dựng mới. Môi trường thiên nhiên truyền thống của một số khu di sản bị biến dạng. Nhiều không gian hoạt động tại di sản văn hóa, không gian lễ hội bị phá vỡ, hoặc thu hẹp lại (đình, chùa bị phá hoại trong chiến tranh, các con đường hành lễ, các địa điểm sinh hoạt lễ hội, không gian văn hóa bị chia cắt do việc xây dựng mở mang các đô thị, khu công nghiệp…). Bên cạnh đó, bảo tồn không đúng cách dẫn đến làm mới di tích, hiện tượng hoành tráng hoá di tích làm mất di tích... Quan điểm bảo tồn trái ngược nhau, kinh phí bảo tồn ít và chi tiêu chưa hợp lý, thất thoát, lãng phí và có cả những trường hợp tham những... Chưa có đội ngũ làm công tác trùng tu chuyên nghiêp và đồng bộ (Chu Lâm Anh, 2017). Mặt khác, thời gian qua, kinh phí từ ngân sách bố trí cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được giao chung trong các lĩnh vực chi sự nghiệp văn hóa thông tin và theo phân cấp ngân sách hiện hành; bố trí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các đề án, dự án có liên quan... Do đó, kinh phí đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu; việc tu bổ, phục hồi các di sản mới chỉ dừng lại ở mức cầm cự trước mắt. Nếu không trùng tu, bảo tồn di tích kịp thời thì nhiều di sản có nguy cơ biến mất, trong đó có cả các di sản văn hóa thế giới. Việc phát triển du lịch cộng đồng, với ngành nghề dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng trên đất nông nghiệp là một hướng đi phù hợp, khai thác được lợi thế đất đai, đặc biệt là những vùng đồi núi có cảnh vật, sông suối hữu tình, tạo nên những điểm vui chơi, nghỉ dưỡng hấp dẫn thu hút du khách, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, song đòi hỏi phải đúng luật, phù hợp với quy hoạch chung và đặc thù văn hóa - lịch sử của từng địa phương. Như đã trình bày, thuật ngữ “cảnh quan văn hóa” tự nó cũng chính là một hệ thống các tài nguyên tự nhiên (bao hàm cảnh quan địa hình, địa chất, địa mạo và hệ sinh thái động thực vật) cùng với những câu chuyện về văn hóa lịch sử mang tính đặc trưng của mỗi địa danh vùng miền, tạo nên giá trị thẩm mỹ và giá trị khai thác, sử dụng với mục đích phát triển kinh tế du lịch và giáo dục, nâng cao kiến thức cho toàn thể công chúng và du khách nói riêng. Do đó, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên thì cũng cần quản lý văn hóa hiệu quả, bảo tồn di sản và giáo dục ý thức cộng đồng. Vấn đề bảo tồn, xây dựng và phát triển cảnh quan văn hóa cần được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ của các cấp quản lý nhà nước, và có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác/cung ứng dịch vụ lẫn du khách và người dân địa phương. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy công tác quy hoạch kiến trúc tổng quan của mỗi địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng/miền nói chung (trong đó có chiến lược phát triển du lịch) còn thiếu sự tư vấn và góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp lẫn
  11. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 475 tiếng nói của người dân. Ngược lại, nhiều hoạt động khai thác, sử dụng sai mục đích và trái nguyên tắc làm tổn hại tiêu cực đến các cảnh quan, giá trị của các khu di tích hoặc di sản vẫn có nguy cơ diễn ra thường ngày mà thiếu sự giám sát, xử lý của các cơ quan chức năng. Chưa kể đến tình trạng hàng quán bày bán bát nháo, mất vệ sinh và mất an ninh trật tự, nạn chèo kéo khách, chặt chém giá cả, hàng kém chất lượng... thường xuyên diễn ra tại các điểm du lịch nổi tiếng. Đó chính là mặt hạn chế trong cơ chế phối hợp và kiểm tra, giám sát giữa các bên liên quan. 4. KẾT LUẬN Cảnh quan văn hóa được xem là sự tổng hòa của cả tài nguyên thiên nhiên cùng với các giá trị văn hóa lịch sử phản ánh rõ nét đặc trưng văn hóa vùng và tạo nên sức thu hút, hấp dẫn đối với khách tham quan. Dưới góc nhìn của nhân học văn hóa và quản trị du lịch, mỗi thành tố cảnh quan tự nhiên cần được bảo vệ và tôn tạo gắn liền với tính nghệ thuật thẩm mỹ trong đời sống tinh thần của người dân, đồng thời đảm bảo chức năng giáo dục cộng đồng về phát triển bền vững. Thực trạng cho thấy hiện nay nhiều danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa lịch sử, di sản thế giới tại Việt Nam đang xuống cấp hoặc bị xâm hại hoặc mất cân bằng sinh thái - văn hóa do xảy ra tình hình vi phạm các quy chuẩn quốc tế về bảo vệ di sản và nguyên tắc phát triển du lịch bền vững. Điều này cần được quan tâm giải quyết không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước các cấp mà còn là trách nhiệm của cả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các nhà đầu tư, lẫn mỗi người dân địa phương, vừa là đối tượng thụ hưởng và chủ thể liên quan trực tiếp đến việc bảo tồn và phát triển các cảnh quan văn hóa này. Qua các nội dung đã phân tích trên, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách đề xuất với cơ quan quản lý các cấp về văn hóa và du lịch như sau: - Thứ nhất, đối với công tác quản trị điểm đến, Sở Văn hóa - Thể thao cấp tỉnh/ thành cần giao quyền hạn, nhiệm vụ rõ ràng cho Ban quản lý các khu di tích và điểm tham quan này; có chế độ họp giao ban định kỳ để cập nhật tình hình và xử lý các vấn đề, sự cố phát sinh. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự (không quán cóc, hàng rong hay lấn chiếm trái phép) và tôn tạo cảnh quan (cây xanh, hoa kiểng, thảm cỏ) tại các khu di tích lịch sử - văn hóa; đặc biệt quan tâm đến xây dựng cổng chào, bảng hiệu và tường rào quanh các công trình kiến trúc nghệ thuật là di sản văn hóa, di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia. - Thứ hai, đối với công tác trùng tu và bảo tồn di sản, cần thành lập hội đồng chuyên môn với sự góp ý của nhiều bên liên quan (bao gồm cả các chuyên gia khảo cổ, nhà nghiên cứu văn hóa, các hiệp hội/tổ chức quốc tế, đại diện cả chính quyền cùng dân địa phương và các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ). Các dự án, công trình tu sửa, nâng cấp di sản cần được thông báo rộng rãi bằng các phương tiện truyền thông đại chúng (tùy quy mô và giá trị, danh hiệu của mỗi di sản, di tích).
  12. 476 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... - Thứ ba, cần đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, du lịch có trách nhiệm và kinh tế xanh, thông qua việc xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho khách tham quan và người dân địa phương, nêu rõ những điều nghiêm cấm và quy định xử phạt trong công tác bảo tồn di sản, kinh doanh du lịch và quản lý tài nguyên văn hóa. Cần có phương án cụ thể để kiểm soát lượng người tham dự các sự kiện văn hóa đại chúng và lễ hội cộng đồng, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại địa phương. - Thứ tư, đầu tư cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ (ví dụ như Thực tế tăng cường - Augmented Reality và Thực tế ảo - Virtual Reality) giúp tăng trải nghiệm cảm xúc và hiệu quả ấn tượng cho du khách tại các công trình di tích, điểm tham quan và các di sản văn hóa vật thể; đầu tư cho việc xây dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến bằng các giải pháp du lịch thông minh, xây dựng các website, kênh youtube và một số mạng xã hội khác để giúp quảng bá đạt hiệu quả tốt hơn và đa dạng hơn. Tóm lại, công tác bảo tồn di sản, quản lý văn hóa, quảng bá du lịch và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội địa phương cần được thực hiện một cách đồng bộ, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, với quyền hạn và trách nhiệm được quy định rõ ràng là những điều cấp thiết để đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả cho các cảnh quan văn hóa như một số trường hợp đã được nêu trong bài viết này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bronislaw Malinowski. (1922). Argonauts of the Western Pacific. London: Routledge. 2. Chandana S., Leung H. and Levy J. (2007). “Disaster management model based on ModifiedFuzzy Cognitive Maps”. Presented at IEEE International Conference on Systems, Man and Cybernetics, Montreal, Canada, 3. Chu Lâm Anh. (2017). Tác động của danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới đến bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Khóa luận Tốt nghiệp ngành Việt Nam học, Đại học Thăng Long, Hà Nội. 4. Gerasimov, I. P. (1966). The contribution of constructive geography to the problem of optimization of society’s impact on the environment, pp. 95-99 in GeoForum 15(1). Moscow. 5. Harold Eidsvik. (1993). Cultural landscapes - the need for a political perspective, pp. 43- 49. Presented at the Heritage Convention - Conservation, Interpretation and Enterprise, Fladmark University, Donhead, Oxford. 6. Michael Jones. (2003). The concept of cultural landscape: discourse and narratives. pp. 21- 51 in Landscape interfaces. Dordrecht: Springer. 7. Makoto Kanagawa and Toshihiko Nakata. (2007). Analysis of the Energy Access Improvement and Its Socio-Economic Impacts in Rural Areas of Developing Countries. pp. 2016-2029 in Energy Policy 36(6). Elsevier. 8. Lê Thị Phúc. (2013). “Yêu cầu bảo tồn di tích lịch sử trong việc thực hiện pháp luật quy hoạch sử dụng đất tại Thừa Thiên Huế”. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 21(253).
  13. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 477 9. Ngô Đức Thịnh. (2004). Văn hóa vùng và Phân vùng văn hóa ở Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ. 10. Nguyễn Chí Bền. (2006). Văn hoá Việt Nam: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin. 11. Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa. (2008). Giáo trình Kinh tế du lịch, Hà Nội: NXB Đại học Kinh tế Quốc dân. 12. Roland Barthes. (1972). Mythologies, pp.115 in Straus Farrar & Giroux 1(1). 13. Sauer Carl Ortwin. (1925). The Morphology of Landscape. University of California Publications, pp.19-53 in Geography 2(2). 14. Trần Ngọc Thêm. (2004). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp. 15. Trần Quốc Vượng. (2000). Văn hóa Việt Nam: Tìm tòi và suy ngẫm. Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc. 16. World Commission on Environment and Development. (1987). Our Common Future. Oxford: Oxford University Press. 17. Yuksel Fisun, Bill Bramwell, and Yuksel Atila. (1999). “Stakeholder interviews and tourism planning at Pamukkale, Turkey”. Tourism Management 20(3):351-360. 18. Sarfaraz Hashemkhani Zolfani et al. (2015). “Sustainable tourism: a comprehensive literature review on frameworks and applications”. Economic Research - Ekonomska Istraživanja 28(1):1-30. 19. Nhật Anh. (2023). “Làm gì để phát huy giá trị di sản văn hóa?” Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. (https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/lam-gi-de-phat-huy-gia-tri-di-san-van- hoa-648040.html). Truy cập tháng 2 năm 2024. 20. Huy Trần. (2021). “Bảo vệ di sản thế giới tại Việt Nam”. Tạp chí Điện tử Thanh tra Việt Nam. (https://thanhtravietnam.vn/dan-toc-ton-giao/bao-ve-di-san-the-gioi-tai-viet-nam-196890. html). Truy cập tháng 2 năm 2024. 21. Từ Thị Loan. (2021). “Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội”. Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (https://bvhttdl.gov.vn/bao-ton-di-san-van-hoa-va- phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2021120709572715.htm). Truy cập tháng 2 năm 2024. 22. Hoàng Trang. (2021). “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Việt Nam hiện nay”. Tạp chí Quản lý Nhà nước. (https://www.quanlynhanuoc. vn/2021/04/29/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-o- viet-nam-hien-nay). Truy cập tháng 2 năm 2024. 23. World Travel Organization. (2001). “The concept of sustainable tourism”. (http://www. world-tourism.org/sustainable/concepts.html). Truy cập tháng 2 năm 2024.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2