intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Chia sẻ: Tạ Hoài Mân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

14
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn" nhằm làm rõ hơn những quy định của pháp luật điều chỉnh, đưa ra kiến nghị để hoàn thiện hơn chế độ tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

  1. CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN Tô Diệu Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Xuân Trinh* Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Đào Thu Hà TÓM TẮT Chế độ tài sản chung của vợ chồng là một chế định quan trọng của pháp luật dân sự, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng, thực hiện và áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng góp phần vào sự ổn định các quan hệ hôn nhân và gia đình. Nhưng khi mối quan hệ vợ chồng không còn được duy trì, dẫn đến ly hôn, các tranh chấp về vấn đề tài sản chung của vợ chồng thường kéo dài, khó giải quyết. Và thực tế vẫn còn một số vấn đề bất cập và vướng mắc về chế độ tài sản chung của vợ chồng trong Luật hiện nay. Qua bài báo, từ đó nhằm làm rõ hơn những quy định của pháp luật điều chỉnh, đưa ra kiến nghị để hoàn thiện hơn chế độ tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Từ khóa: pháp luật Việt Nam, tài sản chung, chia tài sản, tranh chấp. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong bối cảnh thực tiễn phát triển nhanh, đa dạng về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay đã và đang dần bộc lộ những điểm bất hợp lý của pháp luật hiện hành. Trong quá trình vợ chồng chung sống, điều kiện tất yếu để duy trì đời sống gia đình, mối quan hệ vợ, chồng là tài sản chung của vợ và chồng. Không những vậy, đây cũng là một trong những vấn đề “nóng” cần được quan tâm với những năm gần đây, các vụ tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng liên tiếp gia tăng nhanh chóng. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng trước và sau khi kết hôn luôn tìm ẩn những tranh chấp về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản đó. Khi bước vào mối quan hệ vợ chồng không chỉ dừng lại ở đó mà còn là trách nhiệm đối với gia đình. Tài sản chung ấy không chỉ của riêng vợ hoặc chồng mà là của cả vợ lẫn chồng. Tuy nhiên, vẫn có những tác động như: chồng có khả năng tạo ra kinh tế cho gia đình nhiều hơn vợ hay ngược lại thì là người có quyền, tiếng nói quyết định trong gia đình, hay các vụ con dâu ở chung với nhà chồng thì tài sản thì không có quyền sử dụng, định đoạt hay chiếm hữu tài sản chung của vợ chồng và ngược lại. Có thể thấy, tài sản chung của vợ chồng luôn là mồi lửa cho các tranh chấp mâu thuẫn giữa vợ chồng diễn ra nghiêm trọng. Năm 2021, số vụ ly hôn do mâu thuẫn gia đình mà tòa án thụ lý chỉ là 162.072 vụ. Tuy nhiên, năm 2021 là năm cao điểm phòng chống dịch Covid-19 với nhiều đợt giãn cách nên con số này có thể chưa phản ánh đúng thực tế. Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ ly hôn tập trung cao tại những thành phố lớn. Đơn cử tại TP.HCM, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Độ tuổi ly hôn dưới 35 chiếm 30%. Trung bình mỗi tháng, TP.HCM có từ 80-100 vụ ly hôn tại mỗi quận, huyện. Nguyên nhân 1687
  2. dẫn đến các vụ ly hôn đến từ tính cách, các mối quan hệ xung quanh, tâm lí, tinh thần, kinh tế - xã hội... trực tiếp hơn là vấn đề về tài sản của vợ chồng. Với quan niệm của giới trẻ hiện nay, lối sống “đánh nhanh, thắng nhanh”, yêu nhau cưới nhau một cách vội vàng mà chưa thật sự tìm hiểu kỹ về đối phương. Cái tôi cao muốn giành quyền nắm giữ tài sản, kinh tế gia đình thuộc về bản thân mình cũng như sự nỗ lực duy trì hôn nhân không đến từ hai phía dễ dẫn đến mâu thuẫn với nhau và kết quả khi không tìm được tiếng nói chung giữa vợ chồng là ly hôn. Ngoài ra, các quy định trong luật hiện hành cho thấy nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình áp dụng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến chia tài sản chung của vợ chồng, chỉ dừng lại ở mức định khung, các văn bản hướng dẫn còn thiếu hoặc chưa cụ thể cũng như chưa theo kịp tình hình xã hội hiện nay. 2. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Khi ly hôn, việc chia tài sản sẽ được căn cứ theo quy định tại Điều 59 với 2 trường hợp: chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định và chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để giải quyết. Các yếu tố để tài sản chung của vợ chồng được chia đôi được căn cứ theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình và khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/ 2016/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP dựa trên các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng, Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch. Các yếu tố đã đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích của vợ chồng trong vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Và trong Luật Hôn nhân và gia đình đã có thể hiện rõ việc chia tài sản chung trong một số trường hợp: Chia tài sản chung trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình. Khi vợ chồng ly hôn nhưng sống chung với gia đình, số tài sản của vợ chồng trong tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì số tài sản đó sẽ được trích ra và chia theo quy định tại Điều 59 do Luật này quy định. Nếu như số tài sản của vợ chồng không thể xác định được trong khối tài sản chung của gia đình thì sẽ được chia một phần theo căn cứ đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập cho khối tài sản chung của gia đình đó hoặc theo thỏa thuận của vợ chồng với gia đình; và khi không thể tìm được tiếng nói chung trong việc chia tài sản đó thì có thể nhờ Tòa án giải quyết. Chia quyền sử dụng đất khi ly hôn của vợ chồng sẽ được căn cứ chia theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, và Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi 1688
  3. của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 61 của Luật này. Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh. Trong thời kỳ hôn nhân, khối tài sản chung của vợ chồng được sử dụng nhằm vào mục đích kinh doanh, đầu tư, phát triển thì khi ly hôn khối tài sản ấy sẽ được cả hai hai bên sẽ được nhận tài sản như thế nào để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên còn lại phải trả phần chênh lệch giá trị tài sản được quy định theo Điều 59, 61, 62, 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. 3. MỘT SỐ BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC CỦA QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ KIẾN NGHỊ CHIA TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG Khi mà hôn nhân ngày nay khi đến với nhau một cách nhanh chóng nhưng khi vấn đề về tài sản dần xuất hiện và được đặt lên bàn cân thì các mâu thuẫn, tranh chấp của vợ chồng xảy ra gay gắt. Về cơ bản thì những nguyên tắc tuy đã đảm bảo được quyền và lợi ích của việc chia tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ mang tính chất chung, khái quát. Trong các năm gần đây, ở nước ta đã phải giải quyết các vấn đề liên quan đến bản án, quyết định về những tranh chấp tài sản chung của vợ chồng khi chỉ dừng lại ở mức định khung, các văn bản hướng dẫn vẫn còn thiếu sót, hạn chế. Thứ nhất, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã thừa nhận chế độ tài sản vợ chồng bao gồm tài sản chung và riêng của vợ, chồng. Đồng thời cũng có quy định về trường hợp họ cùng nhau thỏa thuận chia tài sản chung để biến chúng thành tài sản riêng của vợ, chồng. Tuy nhiên, quy định về hợp đồng chia tài sản là nền tảng pháp lý chủ yếu để xây dựng chế định hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mà trong đó chế định ly thân lại không được quy định. Vì vậy, mục tiêu tồn tại của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và các quy định liên quan vẫn còn thiếu sót và rời rạc, thiếu tính hệ thống, sự gắn kết với các quy định khác về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2015, nhất là các quy định liên quan về sự vô hiệu của hợp đồng, nội dung hiệu lực của hợp đồng. Thứ hai, quy định của pháp luật về việc xem xét chia tài chung của vợ chồng khi ly hôn chỉ dừng lại ở khái niệm “nhiều hoặc ít hơn”. Việc áp dụng tỷ lệ phân chia tài sản trong những trường hợp mà không có bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào quy định cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng này không nhất quán, và phải hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm xét xử của thẩm phán. Nhưng trên thực tế việc xác định tỷ lệ phân chia tài sản phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau mà trong đó việc xác định phần công sức đóng góp vào khối tài sản chỉ mang tính định tính nhưng không có một định lượng rõ ràng dẫn đến việc áp dụng tỷ lệ phân chia tài sản sẽ có nhiều thiếu sót. Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/ 2016/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”. Đối với việc đóng góp vào khối tài sản chung của vợ và chồng bằng tài sản riêng hay thu nhập thì vẫn có thể có khả năng xem xét, xác định được nhưng về phần đóng góp vào công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung thì lại gần như là không có khả năng để xác định được phần công sức đóng góp hay thực hiện áp dụng vào việc phân chia tài sản trên thực tế. “Công việc gia đình” là một khái niệm mở nên việc đưa ra những trường hợp cụ thể hay có thể áp dụng 1689
  4. được trên thực tế là một việc khó thực hiện. Việc đưa ra xác định với bên nào có công sức đóng góp vào công việc gia đình nhiều hơn là khó có thể xác định. Vì thế, khi Tòa án nếu căn cứ để phân chia tài sản khi ly hôn thì lại rất ít khi lựa chọn yếu tố này vào việc áp dụng phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Thứ ba, yếu tố lỗi của các bên cũng được xem là một phần trong việc áp dụng phân chia tài sản, căn cứ xác định tỷ lệ phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Và đây là một điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình nhưng lại được quy định rất chung chung, không cụ thể “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn” (Điểm d Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP). Do đó thiếu sự thống nhất, trong nhiều trường hợp phần lỗi không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ly hôn giữa vợ chồng thì lại không được xem xét rõ ràng, cụ thể mà chỉ hướng tới lỗi phần lỗi được cho là trực tiếp dẫn đến ly hôn và phần lỗi này sẽ là căn cứ phân chia tài sản chung của vợ chồng. Ví dụ, người chồng nghiện ma túy thường xuyên bạo lực vợ con, lấy tài sản trong gia đình để thỏa mãn cơn nghiện của mình nhưng người vợ vì thương gia đình nên chịu đựng. Thời gian sau, người vợ có quan hệ tình cảm với một người đàn ông khác và bị người chồng phát hiện. Người chồng đệ đơn ra Tòa xin ly hôn. Tòa án xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quyết định ly hôn là do người vợ ngoại tình và theo đúng tinh thần của nội dung hướng dẫn thì người vợ sẽ được chia phần tài sản ít hơn. Nhưng những yếu tố lỗi của người chồng trong quá trình chung sống lại không được đề cập đến. Tòa án các cấp vẫn gặp phải nhiều lúng túng, trở ngại khi áp dụng pháp luật vào trong quá trình giải quyết các vụ án về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Xác định yếu tố lỗi trong việc phân chia tài sản chung của vợ chồng về tiêu chí nhận diện được lỗi hay việc xác định mức độ lỗi như thế nào sẽ bị khấu trừ vào phần tài sản khi chia ra sao thì pháp luật về hôn nhân và gia đình vẫn chưa nêu rõ hay quy định cụ thể được. Thứ tư, xét về yếu tố bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Việc xác định phần chênh lệch giá trị tài của vợ, chồng nhận được khi phân chia tài sản được xác định bởi các yếu tố được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nhưng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/ 2016/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP lại chưa quy định việc bên nào sẽ nhận được phần tài sản có gái trị nhiều hơn. Vì vậy, khi đặt yếu tố về bảo vệ lợi ích chính đảng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập ở khoản 2 Điều 59 là chưa thực sự hợp lý, phù hợp. Ngoài ra, yếu tố về quyền nuôi con trong việc phân chia tài sản cũng cần phải xem xét đến, khi con cái sẽ do ai là người giữ quyền nuôi con sau ly hôn. Nhưng Luật hôn nhân và gia đình 2014 lại không thể hiện rõ nét, cụ thể về tỷ lệ phân chia tài sản có liên quan đến con chung của cả hai mà chỉ quy định chung chung tại khoản 5 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Thứ năm, về việc xác định tài sản riêng của vợ, chồng, có thể nói đây là vấn đề khá nan giải. Tài sản riêng của vợ chồng có thể được hình thành từ trước hoặc sau khi kết hôn. Nhưng cần phải được chứng minh, xác định rõ tài sản riêng đó có thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng hay không. Nếu như không thể chứng minh tài sản riêng đó thì mọi việc sẽ trở nên phức tạp hơn và dễ dẫn đến tranh chấp. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng, trên thực tế, đa phần các trường hợp về phân chia tài sản chung đều xảy ra tranh chấp, các bên không thỏa thuận được nên khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi giải quyết loại vụ việc này, các sai phạm của Tòa án chủ yếu liên quan đến 1690
  5. vấn đề phân chia tỷ lệ tài sản chung, nguồn gốc hình thành, công sức đóng góp vào tài sản chung. Khó khăn lớn nhất ở đây là việc áp dụng các nguyên tắc sao cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo được quyền và lợi ích của vợ, chồng và những người có liên quan đến tranh chấp khối tài sản chung. Có thể nói, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những khúc mắc, hạn chế dẫn đến kết quả không được như ý muốn đâu là do các quy định còn nhiều mặt chưa cụ thể, chặt chẽ, chưa quy định rõ ràng những cách hiểu biết khác nhau và chưa thực sự áp dụng thành thạo, hợp lý vào thực tiễn để xây dựng đến mọi người. Từ đó rút ra các kiến nghị nhằm cải thiện hơn trong cách áp dụng, chia sẻ rõ ràng các vấn đề tới công chúng một cách hoàn thiện nhất. Thứ nhất, cần bảo đảm tính hệ thống của pháp luật nhưng không thể bỏ qua các đặc thù và cân nhắc kỹ lưỡng mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành cụ thể là sự thống nhất giữa Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình nhằm xây dựng các quy định trên nền tảng chung nhưng vẫn giữ được tính đặc thù của hợp đồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Cần bổ sung thêm chế định ly thân và thực tế phát sinh trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện đang bỏ ngỏ để tạo ra nền tảng pháp lý thực sự phù hợp với các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng, để đảm bảo việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không ảnh hưởng đến sự gắn kết, ổn định của gia đình. Hoặc trong trường hợp vợ chồng ly hôn thì đây cũng là một trong những cơ sở quyết định về số tài sản sẽ được phân chia cho vợ chồng khi xảy ra các tranh chấp về khối tài sản chung của vợ chồng. Thứ hai, để xem xét công sức đóng góp của mỗi bên trong việc tạo lập, phát triển, giữ gìn, bảo quản… tài sản chung của vợ chồng cần phải thật sự khách quan, toàn diện từ nguồn gốc hình thành tài sản, giá trị của tài sản để ra công sức quản lý, giữ gìn đã bỏ ra. Áp dụng thống nhất trong việc phân chia tài sản chung giữa các Tòa án, xây dựng rõ tiêu chuẩn định lượng rõ, xác định rõ phần trăm cụ thể góp phần thống nhất áp dụng luật trong các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Pháp luật hôn nhân và gia đình cần nêu rõ hơn về phạm vi cụ thể cho công việc gia đình hay khi xem xét đến yếu tố công việc gia đình có thể xét đến mức độ đóng góp về mặt thời gian vào công việc gia đình vì đây là yếu tố có khả năng xác định được trên mặt thực tế. Thứ ba, khi xét đến yếu tố “lỗi”, cần phải được xem xét rộng hơn, trường hợp lỗi ở đây cần phải được tác động rộng hơn, không chỉ có cá nhân bị chịu tác động mà còn liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình, kéo theo các hệ lụy xã hội khác như sự phát triển của con cái, hay gia đình hai bên và cần phải được xem xét hợp lý, cẩn thận khi phân chia tài sản để đảm bảo sự công bằng cho các bên. Thứ tư, cần cân nhắc đến việc tách điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và điểm c khoản 4 Điều 7 tại Thông tư liên tịch số 01 thành một khoản riêng để khi giải quyết các vụ án liên quan đến vần đề chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trở nên dễ dàng, mạnh dạn hơn trong việc áp dụng quy định. Để tiếp tục hoàn thiện được cơ chế phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, cần phải xem xét kĩ càng đối với các yếu tố ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con cái sua ly hôn, đảm bảo được về các yếu tố liên quan đến vật chất và tinh thần của con cái không bị thiệt hại. Mặc dù pháp luật đã có quy định về việc cấp dưỡng sau ly hôn nhưng trên thực tế việc một mình nuôi con vẫn còn có khá nhiều khó khăn, trở ngại và người nuôi con sau ly hôn sẽ tốn nhiều công sức hơn là người cấp dưỡng. Vì vậy, cần xem xét, bổ sung thêm yếu tố người có quyền nuôi con sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn để phù hợp hơn so với thực tiễn. 1691
  6. Để đảm bảo được tính khách quan và công bằng, áp dụng thống nhất, tránh sự chồng chéo ta cần phải xây dựng một hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật rõ ràng và cụ thể hơn nữa. Xây dựng các quy định của pháp luật cần có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và theo kịp xu thế phát triển của xã hội. Qua đó hoàn thiện hơn khung pháp lý về hôn nhân và gia đình đặc biệt là phân chia tài sản của vợ chồng. 4. KẾT LUẬN Quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng xuất phát từ tính chất cùng chung ý chí, cùng chung công sức trong việc tạo nên khối tài sản nhằm xây dựng gia đình. Vợ chồng có quyền ngang nhau theo nguyên tắc bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản chung. Trong mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung thì vợ chồng phải bàn bạc, thỏa thuận với nhau và nếu chỉ có một bên vợ hoặc chồng vì lý do nào đó mà thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết của gia đình thì bên kia cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các văn bản pháp luật hướng dẫn đã làm tốt vai trò của mình trong việc xác định và phân chia tài sản chung. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, vướng mắc về các quy định, cơ sở pháp lý chưa được đề cập, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Nhưng trên thực tế việc chia tài sản chung của vợ chồng vô cùng khó khăn, phức tạp khi các tranh chấp mâu thuẫn xảy ra với các tình tiết khó làm sáng tỏ được tài sản chung trong việc định đoạt, sử dụng, chiếm hữu dựa theo nguyên tắc bình đẳng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật Hôn nhân và gia đình 2014. 2. Nghị định số: 126/2014/NĐ-CP, ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình. 3. Hồng Điệp, (2021), chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hải Phòng, https://pbgdpl.haiphong.gov.vn/Nghien-cuu-trao-doi/Chia-tai- san-chung-vo-chong-trong-thoi-ky-hon-nhan-57464.html? 4. Nguyễn Xuân Bình, Lê Vân Anh, (2019), Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, theo tạp chí Tòa án, https://tapchitoaan.vn/nguyen-tac-chia-tai-san-chung-cua-vo-chong-khi-ly-hon? 5. Từ Thắng (2022) Gia đình trẻ Việt ngày càng thiếu sự gắn bó và bền vững, theo báo Thanh Niên, https://thanhnien.vn/gia-dinh-tre-viet-ngay-cang-thieu-su-gan-bo-va-ben-vung-1851503856.htm# 6. Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP. 7. Luật sư Nguyễn Thụy Hân, Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My, Khi nào ly hôn?, theo thư viện pháp luật, https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van- phap-luat/40185/khi-ly-hon-chia-tai-san-chung-the-nao 1692
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
21=>0