intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chợ nổi - điểm tham quan độc đáo ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời đại toàn cầu hóa du lịch

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

34
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Chợ nổi - điểm tham quan độc đáo ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời đại toàn cầu hóa du lịch trình bày việc tìm hiểu tại sao lại chỉ có chợ nổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà không có nơi nào khác ở nước ta và chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ sinh hoạt kinh tế - văn hóa có nét đẹp tiềm ẩn gì mà đã thật sự cuốn hút được du khách đến với nó.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chợ nổi - điểm tham quan độc đáo ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời đại toàn cầu hóa du lịch

  1. CHỢ NỔI - ĐIỂM THAM QUAN ĐỘC ĐÁO Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA DU LỊCH Trần Trọng Lễ(*) Võ Văn Thành(*) FLOATING MARKET- PARTICULAR TOURIST ATTRACTIONS IN MEKONG DELTA IN THE AGE OF TOURISM GLOBALIZATION Abstract Floating Market is a form of particular cultural-economic activity of the agricultural residence, which has already been present in Mekong Delta for hundreds of years. In recent years, when tourism has developed, the floating market in Mekong Delta has become an indispensable tourist attraction in the tourism program of domestic and foreign tourists. In this paper, we explore why only the floating market in the Mekong Delta but other places in our country has become an indispensable tourist attraction. In terms of socio-cultural activities, we also explore what potential beauty Mekong Delta owns has really attracted tourists. * Vài nét về chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long Các từ điển tiếng Việt, chữNôm mà chúng tôi có trong tay đã đề cập đến chợ(1), nhưng không có quyển nào đề cập đến chợ nổi dù chỉ là một dòng định nghĩa.Như vậy, dường như là chợ nổi không tồn tại trong các từ điển hàn lâm. Trên thực tế, ở ĐBSCL có rất nhiều chợ nổi, điển hình như chợ nổi Cái Bè (thuộc Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (thuộc Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (thuộc tỉnh Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Cà Mau (Cà Mau), chợ nổi Châu Đốc, chợ nổi Long Xuyên (An Giang)… Các chợ nổi này thường nằm ở giao điểm của các con sông và hoạt động tự phát từ xưa đến nay.Các chợ nổi chưacó sự quản lý hành chính chặt chẽ của chính quyền địa phương. Chợ nổicó sự góp phần lớn lao của nhữngthương hồ buôn bán trên sông, cùng với những người nông dân làm vườn tại địa phương và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương mà thành. Như vậy, về mặt lịch sử, chúng tôi quả thực không xác định được là chợ nổi đã có tự bao giờ, và cũng không thấy tài liệu nào ghi lại thời gian xuất hiện của nó. Gần đây, một số sách giới thiệu về du lịch Việt Nam có vài dòng đề cập về chợ nổi, chẳng hạn quyển Non nước Việt Nam viết về một số chợ nổi như sau: Chợ nổi Cái Bè “Nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Hàng ngày có tới gần trăm thuyền lớn, nhỏ chất đầy sản vật, trái cây neo dọc hai bên sông để chờ thương lái đến cất hàng. Hàng hóa được treo vào một cây sào cao để người mua dễ nhìn thấy. Trên mặt sông còn rất nhiều thuyền nhỏ chợt đến, chợt đi như mắc cửi, tạo nên cảnh sinh hoạt trên sông luôn sôi động”(2). Cùng quyển sách trên viết về chợ nổi Phụng Hiệp như sau: “Phụng Hiệp là tên của huyện, còn địa điểm họp chợ là giao điểm của bảy nhánh sông…Tại đây mặt nước mênh mông. Ngày ngày thuyền nhỏ thuyền to tấp nập tụ về họp chợ rồi lại đi. Nếu chợ ở trên cạn có những thứ gì, thì chợ nổi Phụng Hiệp cũng có những mặt hàng đó, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, ăn uống, đồ điện tử… Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại trái cây”(3). (*) ThS. NCS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. (*) ThS., Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.
  2. Dẫn hai đoạn viết về hai chợ nổi của quyển sách trên, chúng tôi muốn nói lên một điều rằng, các tác giả của công trình trên viết về chợ nổi còn quá ngắn gọn, ngắn gọn đến mức người đọc không hiểu gì về chợ nổi, chỉ đại khái hiểu rằng nó nằm trên sông, buôn bán trái cây là chủ yếu. Trong các chương trình thuyết minh của các công ty du lịch cũng không diễn giải gì nhiều về chợ nổi. Do đó, nội dung giới thiệu chợ nổi hoàn toàn phụ thuộc vào hướng dẫn viên du lịch, mỗi người diễn đạt theo cách hiểu riêng của mình. Du khách đến chợ nổi chủ yếu là để chụp hình và xem qua một lượt về chợ nổi cùng với cách diễn giải riêng của từng hướng dẫn viên. Câu hỏi mà chúng tôi thường gặp nhất từ du khách nước ngoài là: “Tại sao chợ nổi chỉ có ở đồng bằng sông Cửu Long?”. Và đây cũng là câu hỏi gây bối rối cho không ít người làm nghề hướng dẫn du lịch. Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi thử đặt ra những điều kiện để có chợ nổi. Những điều kiện để có chợ nổi trên sông Thông qua quan sát, phỏng vấn những người trực tiếp buôn bán ở chợ nổi, chúng tôi có những nhận xét về điều kiện để có thể có chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Điều đầu tiên chúng tôi muốn khẳng định là chợ nổi trên sông chủ yếu mua, bán trái cây, khoai, rau quả các loại. Đồng bằng sông Cửu Long là xứ nhiệt đới gió mùa điển hình, trái cây, khoai, củ, rau quả v.v… rất đa dạng và phong phú cho nên mùa nào giới thương hồ cũng có thể đi mua bán nông sản được, không có món này thì có món khác. Từ đó, một số cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long vì một lý do nào đó chẳng hạn như họ không có ruộng đất để sản xuất, hay xuất phát từ ý nghĩ mua bán kiếm lời trong lúc nông nhàn v.v… Rồi từ đó hình thành nên thói quen một cách tự phát là đi mua bán các loại trái cây, khoai củ, rau quả lúc nào không hay và nghề này cũng có thể truyền từ đời này sang đời khác. Vậy, thói quen mua bán trái cây, rau quả trên sông là điều kiện đầu tiên hình thành chợ nổi. Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện thuận lợi cho ghe, xuồng có thể lưu thông khắp mọi nơi. Chính vì ghe, xuồng có điều kiện lưu thông khắp mọi nơi trên đồng bằng đã giúp cho thương lái có thể len lõi mọi ngõ ngách ở đồng bằng sông Cửu Long tìm mua các sản vật do người nông dân, người làm vườn làm ravới số lượng lớn, giá rẻ. Vậy, điều kiện thứ hai để có chợ nổi là ghe, xuồng tự do lưu thông khắp đồng bằng sông Cửu Long. Điều kiện thứ ba mà chúng tôi đã đề cập ở trên là ở đồng bằng sông Cửu Longcó nhiều loại trái cây, khoai củ, rau quả mà mùa nào cũng có. Do đó, mùa nào thương lái cũng có thể kiếm sống bằng cách đi thu mua rồi bán lại kiếm lời. Họ có thể sống được với nghề này cho nên gắn bó với nghề. Chúng tôi có hỏi một số thương lái buôn bán trên chợ nổi, họ nói rằng là thời gian trong một năm họ ở trên sông nước nhiều hơn là sinh hoạt ở nhà trên đất liền. Họ di chuyển tự do từ chợ nổi này đến chợ nổi khác. Bất cứ khi nào họ cảm thấy nhàm chán cái chợ nổi này hay cảm thấy ở đây buôn bán không được tốt là họ dời xuồng sang một chợ nổi khác. Thông thường, họ đem trái cây hoặc rau, củ từ một nơi sản xuất được nhiều mà nơi xung quanh chợ nổi nông dân không trồng để bán và đi mua lại những món nông sản ở nơi này rồi đem bán lại ở một nơi khác. Cứ như thế, cuộc sống của họ tiếp diễn trên sông nước hết năm này sang năm khác. Khi nào họ muốn giải nghệ thìhọ bán ghe xuồng, trở về quê nhà sinh sống. Như vậy, những điều kiện trên, các khu vực khác ở Việt Nam không đáp ứng được cho nên cũng không thể có chợ nổi trên sông. Ngoài những điều kiện trên, chúng tôi cũng có nhận xét rằng, không phải bất cứ nơi nào ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đều có chợ nổi. Vậy thì, một câu hỏi khác được đặt ra là: Tại sao nơi này có chợ nổi mà nơi khác lại không có? Địa điểm có chợ nổi phụ thuộc vào những yếu tố, chẳng hạn như khúc sông họp chợ không rộng quá mà cũng không hẹp quá. Khúc sông phải tương đối rộng, không cạn quá mà cũng không sâu quá. Nếu sông sâu quá, lớn quá thì không thể neo đậu ghe, xuồng một cách
  3. dễ dàng và rất nguy hiểm cho người tham gia mua bán trên sông. Cho nên, chợ nổi hình thành trên sông, nhưng không phải là nơi sông cái, sông mẹ. Sông có đủ rộng thì mới có không gian để neo đậu ghe, xuồng và lưu thông. Một chợ nổi lớn nhất hiện nay là chợ nổi Cái Răng, chúng tôi thấy nơi sông này không quá lớn, cũng không sâu quá. Một điều kiện nữa là chợ nổi thường hình thành nơi mà xung quanh đó nông dân làm vườn, trồng nhiều cây ăn quả, rau, củ v.v…Nếu khu vực mà nông dân chỉ canh tác lúa thì sẽ không có chợ nổi vì chỉ có trao đổi một chiều, rất bất tiện cho giới thương hồ, việc kinh doanh của họ không hiệu quả. Chúng tôi thấy rằng, nông dân làm vườn khi họ thu hoạch trái cây, rau, khoai các loại thì tự mang ra chợ tìm thương lái để bán hoặc chạy ghe không ra chợ tìm thương lái dắt vô tận vườn để bán. Họ bán cả vườn, thương lái tự thu gom lấy, tất nhiên là với giá rẻ hơn rất nhiều. Thương lái địa phương, đa phần là người buôn bán nhỏ ở các chợ địa phương khi cần mua loại trái cây, rau, khoai gì chở về nhà bán thì họ đem xuồng ra chợ nổi mà tìm mua. Lâu ngày buôn bán như vậy rồi thành quen, họ có đầu mối cung cấp trên sông. Chợ nổi – Điểm tham quan độc đáo, hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách Chúng tôi công tác trong ngày du lịch gần 15 năm. Trong thời gian ấy, chúng tôi đã đưa rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến vùng đồng bằng sông Cửu Long để trải nghiệm cuộc sống chất phát của cư dân nơi đây. Chúng tôi mỗi lần quay trở lại chợ nổi đều có cảm giác lạ mà quen làm cho chúng tôi luôn thích thú. Du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, có lẽ họ chỉ có dịp đến chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long một hoặc hai lần trong đời, như vậy thì sự cảm nhận nét đẹp của chợ nổi trong họ chắc chắn sẽ là rất ngạc nhiên và thú vị hơn nhiều. Ở chợ nổi, du khách có thể phân biệt được ghe mua và ghe bán dễ dàng thông qua diễn giải của người hướng dẫn viên lành nghề. Các ghe bán treo hàng nông sản họ cần bán lên một cây sào gọi là cây bẹo, sản phẩm họ buộc lên đó gọi là treo bẹo. Nói tóm lại, khi cần bán hàng gì, người ta dựng một cây sào ở mũi ghe và treo sản phẩm mình muốn bán lên đó là xong. Vả lại, các ghe bán cũng không thể rao hàng như trên chợ đất liền được bởi vì không gian chợ nổi rộng, tiếng sóng vỗ ì oạp, cùng với tiếng nổ phát ra in ỏi từ ghe, xuồng máy át cả khu chợ. Người cần mua chỉ việc lái xuồng, ghe quan sát từ đằng xa là tìm đến được nơi họ cần giao dịch.Có cây bẹo treo tới mười mấy món nông sản đến nỗi nó oằn xuống như bông lúa trông thật đẹp mắt và ấn tượng. Cảnh giao dịch nhộn nhịp trên sông mang lại ấn tượng mạnh cho du khách. Họ chứng kiến những thương hồtung và hứng sản phẩm từ ghe này qua ghe kia một cách điệu nghệ. Giao dịch xong, các thương hồ nhổ neo đi nơi khác với các ghe bầu to, chất đầy hàng nông sản với xuồng máy đuôi tôm dài trông rất vướn mắt nhưng lại rất hữu ích trong những con kênh hoặc rạch nhỏ khi ghe quay đầu. Vào những ngày giáp Tết, chợ nổi còn có thêm một số mặt hàng không thể thiếu đó là các loại hoa và cây kiểng. Hoa, cây kiểng ngày Tết ở chợ nổi thường là hoa cúc, hoa thọ, mai vàng v.v… được vô thành từng sọt, từng chậu nhỏ để bán cho các ghe của thương hồ khác trang trí và bán cho các thương lái địa phương mua về đem bán lại ở chợ trên đất liền. Những ngày trước Tết, hàng hóa nông sản của chợ nổi rất đa dạng và phong phú đủ để đáp ứng nhu cầu cao hơn ngày thường của cư dân chẳng hạn như dưa hấu, thơm để chưng trên bàn thờ ông bà trong những ngày Tết thật đẹp mắt và có ý nghĩa như mâm ngũ quả trên bàn thờ ông bà của người Việt. Với những nét sinh hoạt kinh tế-văn hóa độc đáo này của bộ phận cư dân miền sông nước là nét đẹp tiềm ẩn thu hút du khách. Nó để lại dấu ấn trong tâm thức của du khách những nét sinh hoạt độc đáo nhất của những con người sinh sống ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long mà có lẽ không có nơi nào khác còn giữ được những nét sinh hoạt đơn sơ, chất phác. Và đây chính là điểm thu hút du khách của các chợ nổi.
  4. Để chợ nổi là một sản phẩm du lịch đặc thù ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long Trong xu hướng phát triển địa phương hóa du lịch và toàn cầu hóa du lịch hiện nay, việc thiết kế một sản phẩm du lịch đặc trưng cho mỗi vùng và từng địa phương là một yêu cầu cần thiết cho đồng bằng Sông Cửu Long. Vùng đất này được hình thành và bồi đắp bởi hai con sông Tiền và sông Hậu với các cảnh quan đa dạng như đồi núi, đồng bằng và biển. Theo đó, mỗi địa phương lại có những dạng địa hình khác nhau như đất giồng, đất trũng… và được gọi tên như miệt vườn, miệt kinh hay miệt trên, miệt dưới… Đồng thời, vùng đồng bằng này cũng là nơi cộng cư sinh sống lâu đời của các tộc người như người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và một ít tộc người khác (số lượng không đáng kể) như Tày, Thái… Tộc người chủ thể vẫn là người Việt. Họ đã mang đến một nền văn hóa phong phú và đa dạng trên cả lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là các nghề và làng nghề, cách thức đi lại, ăn uống, cư trú và tín ngưỡng, tôn giáo…được thể hiện trong đời sống cư dân. Trong cách tiếp cận du lịch học, cư dân nơi đây đã tạo nên một nguồn tài nguyên du lịch đa dạng như các di tích khảo cổ, di tích lịch sử - văn hóa, văn hóa mưu sinh, văn hóa trang phục, văn hóa cư trú, lễ hội… Nếu theo khía cạnh tộc người, những giá trị tài nguyên du lịch này có những điểm tương đồng và khác biệt gì so với các vùng miền khác ở Việt Nam hoặc so với văn hóa Khmer ở Campuchia, văn hóa Hồi Giáo trên một số phương diện. Du khách quốc tế hoặc trong nước đến tham quan và tìm hiểu gì ở vùng đồng bằng sông Cửu Long? Nhìn chung, chợ nổi vẫn là một nét văn hóa đặc trưng để hình thành nên một sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng sông nước. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác sản phẩm du lịch này đạt hiệu quả và bền vững cho các địa phương (có chợ nổi) là điều còn phải thảo luận, trao đổi để tìm một hướng đi thích hợp nhằm thu hút khách du lịch quốc tế, trong nước. Trong bài viết này, chúng tôi có đề xuất một số giải pháp để chợ nổi luôn là một biểu tượng hấp dẫn và thể hiện nét riêng cho văn hóa cư dân đồng bằng sông Cửu Long trong lòng khách quốc tế và trong nước. - Tạo lối di chuyển thuận lợi cho tàu du lịch ở chợ nổi (tổ chức lại việc neo đậu tàu thuyền). Xây dựng bến tàu thuyền lên xuống khách nhằm tạo sự linh động cho khách du lịch. - Tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường du lịch cho cư dân và khách du lịch. - Khuyến khích cho cộng động địa phương tham gia vào hoạt động du lịch như kinh doanh ăn uống, hàng hóa…theo chính sách địa phương. - Các chính sách phù hợp cho phát triển du lịch và an toàn cho du khách. Vài ý kiến kết luận Chợ nổi là sản phẩm văn hóa được dân cư ở đây sáng tạo và duy trì qua nhiều thế hệ. Sự kinh doanh ở chợ nổi là rất năng động do có thể di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác một cách nhanh chóng. Chúng ta thử nghĩ, cách đây hơn 100 hoặc 150 năm, phương tiện đi lại của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long duy nhất là xuồng, ghe v.v…thì sẽ thấy rằng tầm quan trọng của giao thông đường thủy và chợ nổi trên sông, một hình thức mua bán rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh sống lúc bấy giờ. Hiện nay chức năngkinh doanh ở chợ nổi không còn quan trọng như trước kia, nhưng do còn có vai trò thương mại cho nên nó vẫn tồn tại. Sự tồn tại của chợ nổi đã trở thành điểm tham quan lý thú cho du khách trong và ngoài nước. Họ trải nghiệm (experience) một lối sống của cư dân miền sông nước đã có cả trăm năm nay và nó vẫn tiếp tục tồn tại và đây là nét đẹp tiềm ẩn thu hút khách du lịch. Nhiều khách du quốc tế bỏ nhiều tiền bạc, thì giờ, thậm chí họ dậy rất sớm để đi xem chợ nổi chính là họ muốn trải nghiệm hình thức sinh hoạt đặc thù của cư dân địa phương. Chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Longcó khung cảnh sinh hoạt rất tự nhiên, do đó đem lại cho du khách nhiều thích thú. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị mai một do điều kiện sinh hoạt của cư dân thay đổi. Chợ nổi một ngày nào đó có thể bị mất đi vì chức năng kinh tế, trao đổi hàng hóa không
  5. còn. Trong thời đại du lịch toàn cầu hóa hiện nay, chợ nổi trở thành một điểm rất hấp dẫn du khách và vấn đề còn lại để bảo tồn nó là chính quyền địa phương cần phải có chính sách thích hợp hỗ trợ để cho nó có thể tồn tại lâu dài và trở thành một điểm du lịch không thể thiếu đối với mọi du khách đến với đồng bằng sông Cửu Long. Chú thích: (1) Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, Nxb TP. Hồ Chí Minh có nêu ra một định nghĩa về chợ và một số từ chỉ chợ khác như: chợ búa, chợ chiều, chợ cóc, chợ đen, chợ đuổi, chợ giời, chợ hôm, chợ phiên, chợ trưa, v.v… Không có từ nào chỉ chợ nổi [tr. 351-352]; Tự Điển chữ Nôm của Viện nghiên cứu Hán-Nôm, Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Nxb Giáo dục 2006, có hai từ nêu đặc trưng chợ, cũng không có từ chỉ chợ nổi; Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, Nxb Văn Hóa 1993 có nêu tên một số ngôi chợ như chợ Cai Lậy, chợ Lớn, Chợ Lách, chợ Quán, chợ trời v.v… nhưng cũng không có từ nào nêu chợ nổi; Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ; Khai Trí tái bản lần I 1967 tại Sài Gòn; Từ điển Việt-Anh của Bùi Phụng, Nxb Thế giới in năm 2000 cũng không dành từ nào định nghĩa về chợ nổi. (2), (3) Non nước Việt Nam 2005: 642 ; 674. Tài liệu tham khảo 1. Bùi Phụng (2000), Từ điển Việt-Anh, Nxb Thế giới. 2. Lê Ngục Trụ (1967), Việt ngữ chánh tả tự vị, Khai Trí tái bản lần I, Sài Gòn. 3. Nguyễn Lân (1995), Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh 4. Nguyễn Quang Hồng cb (2006),Tự Điển chữ Nôm, Nxb Giáo Dục. 5. Nhâm Hùng (2009), Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Trẻ. 6. Tổng cục Du lịch (2005), Non Nước Việt Nam – Sách hướng dẫn Du lịch, Tổng cục Du lịch in lần thứ 7. 7. Trần Ngọc Thêm cb (2013), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa-Văn nghệ. 8. Vương Hồng Sển (1993), Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Văn hóa. TÓM TẮT Chợ nổi là một hình thức sinh hoạt kinh tế - văn hóa đặc thù của cư dân nông nghiệp vốn đã có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long hàng trăm năm qua. Trong những năm gần đây, khi du lịch phát triển, chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long trở thành một điểm tham quan không thể thiếu trong các chương trình du lịch của du khách trong và ngoài nước. Trong bài tham luận này, chúng ta tìm hiểu tại sao lại chỉ có chợ nổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà không có nơi nào khác ở nước ta và chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ sinh hoạt kinh tế - văn hóa có nét đẹp tiềm ẩn gì mà đã thật sự cuốn hút được du khách đến với nó.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2