CƠ CHẾ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP<br />
SÁNG TẠO - KINH NGHIỆM CỦA ẤN ĐỘ, SINGAPORE<br />
VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM<br />
<br />
ThS. Bùi Thị Bích Thuận<br />
Trường Đại học Công đoàn<br />
<br />
Tóm tắt<br />
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, các quốc gia đều ưu tiên<br />
thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đối với Việt Nam, năm 2016 được<br />
chọn là năm “Quốc gia khởi nghiệp”, điều này cho thấy vấn đề khởi nghiệp đang<br />
được nhà nước và xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Một trong những vấn đề cấp<br />
thiết để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển nhanh và mạnh trong<br />
bối cảnh hiện nay là xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh<br />
nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Mặc dù đã có một số thành công bước đầu nhưng hoạt<br />
động khởi nghiệp ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, phát triển còn chưa có tính<br />
hệ thống. Bài viết giới thiệu khái quát về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp<br />
sáng tạo của Ấn Độ, Singapore và thực trạng ở Việt Nam, từ đó đưa ra những<br />
khuyến nghị nhằm góp phần giúp khởi nghiệp ở Việt Nam thành công hơn trong<br />
thời gian tới.<br />
Từ khóa: Khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; cơ chế<br />
hỗ trợ khởi nghiệp.<br />
<br />
Các quốc gia thường đưa ra các chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân<br />
tham gia khởi nghiệp thông qua các chính sách thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, trợ<br />
giúp các doanh nghiệp khởi sáng tạo (DNKNST) và các đề án hỗ trợ cộng đồng khởi<br />
nghiệp với nhiều ưu đãi…nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá<br />
trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh<br />
dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó<br />
cần thiết phải xem xét một vài trường hợp cụ thể là Ấn Độ và Singapore để có cái<br />
nhìn tổng quan về diễn tiến, sự kết hợp giữa các biện pháp hỗ trợ được sử dụng và<br />
cách thức mà các chính phủ triển khai liên quan tới vấn đề này.<br />
Ấn Độ và Singapore là hai quốc gia khởi nghiệp đứng trong tốp đầu của thế<br />
giới, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam (Singapore có vị trí địa kinh tế tương<br />
tự Việt Nam, Ấn Độ là nước có nền kinh tế ở trình độ phát triển tương tự Việt Nam).<br />
Hơn thế nữa, cả hai nước vừa có sự điều chỉnh tổng thể đối với các biện pháp hỗ trợ<br />
startup, nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp sáng tạo mới, một mục tiêu mà Việt<br />
Nam cũng đang hướng tới.<br />
<br />
69<br />
1. Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Ấn Độ và Singapore<br />
1.1. Ấn Độ<br />
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhưng chỉ đứng thứ 141 thế giới về<br />
thu nhập bình quân đầu người, và đứng thứ nhất thế giới về số lượng người dân<br />
sống dưới mức nghèo khổ. Tìm động lực để phát triển cho đất nước hơn 1.2 tỷ<br />
người, với tuổi bình quân rất trẻ (27,6 tuổi) luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Chính<br />
phủ Ấn Độ. Trong hơn hai thập kỷ, đánh dấu bằng thời điểm Ấn Độ quyết định<br />
mở cửa nền kinh tế tự do hóa thương mại với thế giới đầu những năm 1990, dưới<br />
áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1991, một mặt Ấn Độ thiết kế các biện<br />
pháp phát triển các ngành kinh tế theo chiều rộng, sử dụng nhiều lao động (đặc<br />
biệt là dệt may, nông nghiệp), mặt khác tập trung nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy sáng tạo<br />
và công nghệ, Ấn Độ đã không chỉ từng bước thoát khỏi khủng hoảng, cải thiện<br />
thu nhập người dân mà còn tạo dựng vị trí của mình trên bản đồ kinh tế sáng tạo<br />
của thế giới. Viễn thông, công nghệ thông tin, ô tô, năng lượng tái tạo, dược phẩm<br />
và sinh hóa phẩm trở thành các ngành kinh tế trọng điểm của Ấn Độ. Tháng<br />
2/2016, dưới áp lực phải tạo động lực mới cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng<br />
kinh tế, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua Chương trình STARTUP INDIA –<br />
STANDUP INDIA với mục tiêu thúc đẩy một cuộc cách mạng mới cho nền kinh<br />
tế thông qua các startup– nhóm chủ thể mà Chính phủ Ấn Độ xác định là động lực<br />
chuyển đổi nền kinh tế Ấn Độ khi thế giới bước vào kỷ nguyên kinh tế số và cuộc<br />
cách mạng công nghiệp 4.0.<br />
STARTUP INDIA – STANDUP INDIA là một Đề án tổng lực, thống nhất toàn<br />
Ấn Độ để thúc đẩy và hỗ trợ các startup phát triển. Điểm mạnh của Chương trình này<br />
là: kết nối các tất cả các biện pháp hỗ trợ startup vào một tổng thể chung để tạo hiệu<br />
ứng lan tỏa tốt hơn; nguồn lực được tập trung nhiều hơn từ Chính phủ; minh bạch hóa<br />
các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thông qua việc thiết lập hệ thống thống nhất tiêu chí để công<br />
nhận startup và tiêu chí cho startup hưởng các loại ưu đãi cụ thể. Đối tượng hướng tới<br />
của Chương trình không chỉ là các DNKNST mới thành lập mà còn cả các doanh nghiệp<br />
trong bất kỳ lĩnh vực nào có triển vọng phát triển, mang lại thịnh vượng cho Ấn Độ.<br />
Chương trình STARTUP INDIA – STANDUP INDIA bao gồm 03 cấu phần<br />
chính với các nội dung cụ thể như sau:<br />
Nhóm 1: Các biện pháp đơn giản hóa thủ tục, điều kiện pháp luật đối với startup:<br />
- Cơ chế tự chứng nhận cho các startup (các startup được phép tự chứng nhận<br />
đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường mà không phải xin chứng nhận của<br />
các cơ quan có thẩm quyền);<br />
<br />
<br />
<br />
70<br />
- Xây dựng đầu mối chung về hỗ trợ startup Ấn Độ tại một cổng web và App<br />
di động về startup, qua đó các startup có thể đăng ký để được công nhận, kết nối với<br />
các đơn vị hỗ trợ, tham gia các khóa đào tạo miễn phí…;<br />
- Hỗ trợ pháp lý và thủ tục rút gọn khi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với<br />
chi phí thấp;<br />
- Giảm bớt các điều kiện về kinh nghiệm, doanh thu tối thiểu cho startup khi<br />
tham gia đấu thầu mua sắm công;<br />
- Áp dụng thủ tục rút gọn cho startup khi giải thể, rút khỏi thị trường.<br />
Nhóm 2: Các biện pháp hỗ trợ về tài chính cho startup:<br />
- Cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm (Fund of funds)<br />
theo đó Chính phủ rót vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm để các quỹ này đầu tư cho<br />
startups theo các điều kiện, tiêu chí quy định;<br />
- Cung cấp bảo lãnh tín dụng cho startup thông qua việc thành lập một Công<br />
ty tín thác bảo lãnh quốc gia;<br />
- Ưu đãi thuế đối với các khoản đầu tư vào startup;<br />
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với startup.<br />
Nhóm 3: Các biện pháp kết nối, tạo môi trường, nhận thức khuyến khích startup:<br />
- Tổ chức các cuộc thi, festival;<br />
- Thành lập Tổ Công tác Sáng tạo;<br />
- Xây dựng các trung tâm sáng tạo tại các trường đại học lớn;<br />
- Xây dựng các công viên nghiên cứu;<br />
- Các biện pháp thúc đẩy startup theo chủ đề.<br />
Điều kiện startup của Ấn Độ Trong khuôn khổ Chương trình Startup India –<br />
Standup India, Ấn Độ sử dụng 02 bộ tiêu chí:<br />
Nhóm 1: Điều kiện để được công nhận là một startup và hưởng lợi từ các biện<br />
pháp hỗ trợ của Chương trình là (trừ hỗ trợ dưới dạng ưu đãi thuế):<br />
- Được thành lập dưới hình thức công ty TNHH, công ty hợp danh, công ty<br />
hợp danh TNHH thành lập theo pháp luật Ấn Độ;<br />
- Hoạt động chưa tới 7 năm kể từ ngày thành lập (riêng trường hợp doanh<br />
nghiệp công nghệ sinh học thì là 10 năm), không chấp nhận trường hợp chia tách từ<br />
doanh nghiệp khác;<br />
- Có tổng doanh thu của bất kỳ năm tài chính nào từ ngày thành lập không<br />
vượt quá Rupees 25 crores;<br />
<br />
<br />
<br />
71<br />
- Hoạt động hướng tới sáng tạo, phát triển, cải thiện sản phẩm, quy trình, dịch<br />
vụ hoặc có mô hình kinh doanh tiềm năng lớn trong tạo việc làm, lợi nhuận.<br />
Nhóm 2: Điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế<br />
- Đáp ứng tất cả các điều kiện nhóm 1 (tức là đã được công nhận là startup<br />
theo Chương trình Startup India – Standup India);<br />
- Là công ty TNHH hoặc công ty hợp danh TNHH thành lập trong khoảng từ<br />
1/4/2016-31/3/2019;<br />
- Được cấp chứng nhận đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế.[1]<br />
Những kết quả ban đầu của việc triển khai Chương trình STARTUP INDIA –<br />
STANDUP INDIA cho thấy Chính phủ Ấn Độ đã đi đúng hướng, tạo ra một làn sóng<br />
startup mới ở Ấn Độ với chất lượng và hiệu quả tác động rất tích cực.<br />
1.2. Singapore<br />
Singapore là 1 trong 3 vùng đất hứa của tinh thần khởi nghiệp trên thế giới (2<br />
quốc gia còn lại là Israel và Đan Mạch). Trong 10 năm trở lại đây, tinh thần khởi<br />
nghiệp tại Singapore đã được khơi dậy mạnh mẽ nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính<br />
phủ, bắt đầu từ các cơ sở giáo dục đại học giảng dạy tinh thần khởi nghiệp và thúc<br />
đẩy gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp. Từ năm 2008, Chính phủ<br />
Singapore đã thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm, đầu tư mạnh vào các lĩnh vực khởi<br />
nghiệp quan trọng như truyền thông số, công nghệ sinh học, công nghệ làm sạch và<br />
lọc nước… Đồng thời, công tác truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được<br />
đẩy mạnh, giúp người dân vốn quen tư duy thụ động trở nên năng động hơn. Các<br />
chính sách tích cực của Chính phủ đã giúp khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thế hệ<br />
trẻ dựa trên nền tảng của giáo dục và hành lang pháp lý thông thoáng. Những nỗ lực<br />
này của Singapore đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng đưa<br />
Singapore trở thành một trong những mảnh đất hấp dẫn nhất cho khởi nghiệp nói<br />
chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.<br />
Điểm nổi bật của các chương trình hỗ trợ startup ở Singapore là không chỉ tạo<br />
ra động lực để khuyến khích giới trẻ ở Singapore khởi nghiệp mà còn thu hút nhân<br />
tài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, trên toàn thế giới tới Singapore để khởi nghiệp.<br />
Phần lớn các chương trình đều tập trung vào việc hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián<br />
tiếp từ Chính phủ cho các startup được lựa chọn. Một số chương trình hỗ trợ khởi<br />
nghiệp đáng chú ý của Chính phủ Singapore trong thời gian qua:<br />
- Chương trình Cộng đồng Hành động Khởi nghiệp (Action Community for<br />
Entrepreneurship - (ACE): Đây là chương trình do Bộ Công Thương Singapore thực<br />
hiện từ năm 2003 với mục tiêu thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp ở Singapore. Chương<br />
trình tài trợ cho công dân hoặc người cư trú thường xuyên tại Singapore lần đầu khởi<br />
<br />
72<br />
nghiệp, cứ mỗi 3 đô la Singapore vốn đầu tư, doanh nghiệp sẽ nhận được đầu tư từ<br />
quỹ là 7 đô la Singapore và tối đa là 50.000 đô la Singapore. Năm 2014, ACE được<br />
tái cấu trúc lại để trở thành một chương trình phi chính phủ, phi lợi nhuận nhưng có sự<br />
hỗ trợ của Chính phủ, hoạt động với sự liên kết cùng Chương trình SPRING SEEDS.<br />
- SPRING SEEDS (The SPRING Startup Enterprise Development Scheme<br />
(SEEDS): Đây là Chương trình cung cấp đầu tư dưới dạng góp vốn, mua cổ phần cho<br />
các startup Singapore có sản phẩm hoặc ý tưởng sáng tạo. Các startup được nhận<br />
hỗ trợ từ Chương trình sẽ nhận được khoản đầu tư từ SPRING SEEDS bằng với<br />
khoản đầu tư mà startup kêu gọi từ bên thứ ba, với tổng giá trị không vượt qua 2<br />
triệu đô la Singpapore;<br />
- Quỹ đầu tư giai đoạn sơ khởi (the Early Stage Venture Fund): Quỹ được<br />
thành lập năm 2008, thuộc Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Singapore (NRF). Quỹ phối<br />
hợp với các nhà đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào công ty công nghệ cao ở giai đoạn sơ<br />
khởi có trụ sở tại Singapore theo tỷ lệ 1:1. Trong vòng 05 năm, nhà đầu tư mạo hiểm<br />
có thể mua lại phần vốn đầu tư của NRF. Công ty được đầu tư sẽ phải hoàn trả lại<br />
vốn và lãi cho NRF.<br />
- Chương trình thương mại hóa cho doanh nghiệp công nghệ (Technology<br />
Enterprise Commercialization Scheme - TECS): Đây là Chương trình của Chính phủ<br />
tài trợ cho các startup trong giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) công nghệ sáng<br />
tạo, đã có tuổi đời ít nhất 5 năm và khởi nghiệp tại Singapore. Tài trợ từ TECS có thể<br />
lên tới tối đa là 750.000 đô la Singapore;<br />
- Chương trình đào tạo tư vấn I.JAM (IDM Jump Starts and Mentors): Đây là<br />
Chương trình được thực hiện bởi Cơ quan phát triển thông tin đại chúng của<br />
Singapore, nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực thông tin đại chúng<br />
công nghệ số. I.JAM hỗ trợ startup có các ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ độc nhất thông<br />
qua chương trình tài trợ nhỏ với mạng lưới các vườn ươm;<br />
- Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực ưu tiên (The<br />
Sector Specific Accelerator Programme - SSA): Chương trình là một phần của Kế<br />
hoạch Nghiên cứu, Khởi nghiệp và Sáng tạo năm 2015 của Singapore nhằm cung<br />
cấp hỗ trợ cho các startup trong lĩnh vực y tế và công nghệ sạch. Nguồn tiền thực<br />
hiện Chương trình lên tới 70 triệu đô la Singapore, 04 tổ chức hỗ trợ startup<br />
(accelerators) của Singapore được lựa chọn để tham gia Chương trình, cung cấp đầu<br />
tư cho startup theo tỷ lệ 1:1.<br />
- Chương trình Vườn ươm công nghệ (Technology Incubation Scheme - TIS):<br />
Chương trình được quản lý bởi NFIE thuộc Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Singapore<br />
<br />
<br />
73<br />
(NRF). NRF sẽ cùng đầu tư với một Vườn ươm công nghệ tới 85% tổng đầu tư, tối<br />
đa là 500.000 đô la Singapore.<br />
Theo Báo cáo về hệ sinh thái khởi nghiệp của Startup Genome’s năm 2017,<br />
Singapore đã trở thành quốc gia số 1 thế giới về thu hút startup nhân tài, kết quả đạt<br />
được phần lớn là do các biện pháp hỗ trợ sáng tạo rất hiệu quả mà Chính phủ dành<br />
cho các startup công nghệ. Khoảng 1.600-2.400 startup Singapore về công nghệ đã<br />
nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ để hoạt động. Trong vòng 03 năm, số lượng<br />
các startup ở Singapore đã thu hút được vốn đầu tư series A cao gấp 6 lần, với tổng<br />
số vốn đầu tư nhận được tăng gấp đôi, lên tới 1.7 triệu USD. Singapore xếp hạng thứ<br />
tư thế giới về số lượng các kỹ sư phần mềm có kinh nghiệm và thứ hai về số nhân lực<br />
có tiềm năng phát triển.[2]<br />
Không dừng lại ở những gì đã đạt được, tháng 3/2017, Chính phủ Singapore,<br />
thông qua Bộ Công Thương, đã chính thức khởi động một Chương trình hỗ trợ Startup<br />
mới, nhằm hỗ trợ cho các startup Singapore ở cả 03 khía cạnh thương hiệu, tài chính<br />
và thu hút nhân tài. Chương trình tổng thể được biết tới dưới tên gọi là START SG.<br />
Singapore hy vọng sẽ tạo ra một làn sóng startup mới, chất lượng và hiệu quả hơn,<br />
biến Singapore trở thành tâm điểm khởi nghiệp không chỉ của người Singapore mà<br />
còn của cả thế giới.<br />
Startup SG với các nhánh chính sau:<br />
- Startup SG Founder: Hỗ trợ cho các cá nhân lần đầu khởi nghiệp;<br />
- Startup SG Tech: Hỗ trợ cho các startup công nghệ cao;<br />
- Startup SG Equity: Thúc đẩy đầu tư cho startups;<br />
- Startup SG Accelerator: Thúc đẩy sự hình thành, phát triển của các vườn<br />
ươm, tổ chức hỗ trợ startup;<br />
- Startup SG Talent: Chương trình dành riêng cho việc phát hiện, hỗ trợ phát<br />
triển ý tưởng nhân tài.<br />
Về tài chính, Chính phủ sẽ tham gia cùng các quỹ tư nhân đầu tư vào các doanh<br />
nghiệp công nghệ cao với tổng mức đầu tư tối đa tăng gấp đôi (từ 2 triệu đô la<br />
Singapore lên 4 triệu). Giới hạn tỷ lệ tối đa của Chính phủ trong tổng vốn đầu tư mà<br />
startup nhận được tăng từ 50% lên 70%. [3]<br />
Bài học đối với Việt Nam: Từ việc nghiên cứu cơ chế hỗ trợ DNKNST của<br />
Ấn Độ và Singapore, bài viết khái quát một số bài học kinh nghiệm từ 2 quốc gia trên<br />
như sau:<br />
Thứ nhất, cả 2 quốc gia đều có chính sách chú trọng xây dựng tinh thần khởi<br />
nghiệp mạnh mẽ;<br />
Thứ hai, nhà nước luôn đồng hành và dành nhiều ưu đãi cho DNKNST;<br />
<br />
<br />
74<br />
Thứ ba, chính sách không chỉ chú trọng các vấn đề khởi nghiệp trước mắt mà<br />
còn có phạm vi rộng hơn, để đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất<br />
lượng nguồn nhân lực;<br />
Thứ tư, xây dựng đội ngũ đông đảo chuyên gia khoa học công nghệ và doanh<br />
nhân tài năng là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển và thành công của doanh<br />
nghiệp khởi nghiệp;<br />
Thứ năm, những chính sách khuyến khích khởi nghiệp của các quốc gia này<br />
đã thực sự đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp<br />
hiệu quả.<br />
2. Khái quát thực trạng về cơ chế hỗ trợ DNKNST ở Việt Nam<br />
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước<br />
với việc hình thành một số DNKNST trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học<br />
trực tuyến. Tuy nhiên, năm 2016 mới được chọn là năm “Quốc gia khởi nghiệp”.<br />
Hơn 10 năm hình thành và phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, mạng<br />
lưới hỗ trợ khởi nghiệp đang hình thành và hoạt động ngày càng hiệu quả, trong đó,<br />
nổi bật là vai trò của cố vấn khởi nghiệp vốn có từ lâu ở các nước, nay dần hình<br />
thành một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam. Thêm vào đó, đã bắt đầu manh nha mạng<br />
lưới nhà đầu tư cho công ty khởi nghiệp, bao gồm không chỉ các nhà đầu tư trong<br />
nước mà còn các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo<br />
và các DNKNST của Việt Nam hiện có thể xem là đã bao gồm đầy đủ các thành tố<br />
quan trọng (bao gồm các DNKNST, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ<br />
chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, mạng lưới các huấn luyện<br />
viên/tư vấn, các cơ sở/đơn vị hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp sáng tạo tại các trường<br />
đại học, viện nghiên cứu… thuộc cả khối tư nhân và Nhà nước). Tuy nhiên, số lượng<br />
của các chủ thể này ở Việt Nam được đánh giá là còn khá khiêm tốn.<br />
Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, trong những năm qua,<br />
Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNKNST.<br />
Tùy vào từng trường hợp mà các hỗ trợ liên quan đến thủ tục pháp lý, mặt bằng sản<br />
xuất, văn phòng làm việc, công nghệ, đào tạo nhân lực, bảo lãnh tín dụng, tiếp nhận<br />
vốn từ các quỹ đầu tư, thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, kết nối đối tác, thuế<br />
thu nhập doanh nghiệp... Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng như:<br />
- Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn<br />
2016-2020, đặt mục tiêu tới năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp.<br />
- Quyết định số 844/QĐ-TTg ban hành ngày 18/5/2016 của Thủ tướng<br />
Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc<br />
<br />
<br />
75<br />
gia đến 2025” (sau đây gọi là Đề án 844). Đây là văn bản chính sách đầu tiên, bao<br />
quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với startup của Việt Nam. Đề án<br />
được xây dựng và chủ trì triển khai thực hiện bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, có<br />
phạm vi bao trùm toàn quốc.<br />
- Quyết định 171/QĐ-BKHCN ngày 7/2/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ<br />
phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc Đề án 844 bắt đầu thực hiện từ năm<br />
2017 và Quyết định 3362/QĐ-BKHCN về việc ban hành quy định tạm thời xử lý hồ<br />
sơ tham gia Đề án 844. Đây là 02 văn bản cấp Bộ nhằm triển khai Đề án hỗ trợ startup<br />
thông qua kênh đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc phạm<br />
vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.<br />
- Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu<br />
lực vào ngày 1/1/2018;<br />
- Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham gia xây dựng nội dung về hỗ trợ khởi<br />
nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ Quỹ phát triển khoa học và công<br />
nghệ của doanh nghiệp tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi<br />
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; đề xuất các<br />
giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước tại Công văn số<br />
666/BKHCN-PTTTDN ngày 19/3/2018…<br />
- Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã hoàn thiện, phát triển Cổng Thông tin<br />
khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cung cấp các thông tin về hệ sinh thái khởi<br />
nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là công cụ thống nhất từ trung ương đến địa<br />
phương trong việc thu thập và phân tích cơ sở dữ liệu các đối tượng trong hệ sinh thái<br />
khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.<br />
- Các Nghị quyết của các Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung<br />
ương, các Quyết định, Kế hoạch, Chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về khởi<br />
nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.<br />
- Một số Đề án khác mà Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn có liên quan tới khởi<br />
nghiệp như: Quyết định 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ<br />
phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, do Bộ Giáo<br />
dục và Đào tạo chủ trì. Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính<br />
phủ về việc phê duyệt Đề án: “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.<br />
Chính phủ còn nhiều các giải pháp, chính sách trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp<br />
khởi nghiệp khác và đã triển khai thường xuyên, rầm rộ các chương trình hỗ trợ khởi<br />
nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo như Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt<br />
Nam - Phần Lan, Dự án đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học<br />
và công nghệ, Dự án xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo<br />
<br />
<br />
76<br />
Doanh nghiệp...; và các sự kiện cho khởi nghiệp Techfest, Demoday, HatchFair,<br />
Venture Cup, Startup Weekend, Startup Fair Danang…<br />
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh<br />
là điểm đáng ghi nhận trong thời gian qua. Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về<br />
điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tập<br />
trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.<br />
Kết quả đạt được: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ DNKNST đã đạt được<br />
nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần phát triển kinh tế cả nước và giúp các<br />
DNKNST “vươn mình ra biển lớn”. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,<br />
nâng cao năng lực cạnh tranh là điểm đáng ghi nhận trong thời gian qua. Các Bộ, cơ<br />
quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã tích cực thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ<br />
yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện<br />
thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, như cải thiện về thủ tục về thuế<br />
và hải quan; cơ chế một cửa; đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được đưa<br />
vào vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần giảm thời<br />
gian, chi phí thành lập doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh<br />
minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.<br />
Chính phủ đã có những tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hệ<br />
thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của DNKNST trên cổng Thông tin điện tử<br />
Chính phủ đã giải quyết hầu hết các phản ánh, kiến nghị. Chủ tịch UBND các tỉnh,<br />
thành phố đã tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp;<br />
thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện<br />
tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.<br />
Các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành Chương trình hành động cụ thể và tổ chức<br />
triển khai thực hiện.<br />
Nhờ đó, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày<br />
càng tăng, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian<br />
làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm<br />
một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup,<br />
Startup Viet Partner… Nhiều vườn ươm tiêu biểu đã được hình thành như Vườn ươm<br />
doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Thành<br />
phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi<br />
nghiệp (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà<br />
Nội. Chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư cho các startup có xu hướng tăng mạnh<br />
trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm<br />
2017[4]. Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo tăng mạnh,<br />
với nhận diện chủ yếu là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu<br />
<br />
<br />
77<br />
mong muốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở thế hệ sau. Bên cạnh<br />
đó, hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống<br />
qua việc liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi<br />
nghiệp sáng tạo như: VIC Impact, iAngel, Angel4us,… DNKNST thể hiện được vai<br />
trò to lớn của mình vào những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, cho thu hút đầu tư<br />
và thúc đẩy phong trào KNST của cả nước.<br />
Một số hạn chế: Đề án ban hành theo Quyết định số 844/QĐ-TTg gần như là<br />
văn bản duy nhất đặt ra các mục tiêu cụ thể mang tính định lượng về phát triển<br />
DNKNST với các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, tương tự như phần<br />
lớn các đề án khác, các mục tiêu này chỉ mang tính định hướng, không ràng buộc<br />
trách nhiệm đối với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, cũng không có biện pháp xử lý<br />
trong trường hợp không đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống quy<br />
định và chính sách đã và đang ngày càng được hoàn thiện, nhiều nội dung cần<br />
được hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có, dẫn đến tình trạng khó triển khai các quy<br />
định và chính sách trên thực tế.<br />
Cổng thông tin quốc gia về khởi nghiệp đã chính thức ra đời nhưng các nội<br />
dung, thông tin và tính liên kết đến các cổng thông tin liên quan còn hạn chế.<br />
Hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp từ nguồn ngân<br />
sách nhà nước chưa được ban hành, vì vậy các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ các<br />
quỹ có nguồn gốc ngân sách gần như chưa thể triển khai.<br />
Chính sách tín dụng khó tiếp cận do hầu hết các DNKNST ban đầu đều có quy<br />
mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản để thế chấp vay ngân hàng hầu như<br />
không có. Bên cạnh đó, bản chất của các DNKNST, đặc biệt là DNKNST là rủi ro cao<br />
nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại rất khó khăn.<br />
Tựu trung lại có thể liệt kê các vướng mắc lớn nhất của startups Việt Nam như sau:<br />
- Hạn chế về vốn: các startup thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn<br />
hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi<br />
các quỹ đầu tư lại rất thấp.<br />
- Hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển: các startup thường không<br />
có đủ điều kiện để trang trải các chi phí phòng thí nghiệm, chi phí cho máy móc thiết<br />
bị phục vụ nghiên cứu, dẫn tới hạn chế trong phát triển ý tưởng, sản phẩm.<br />
- Hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát<br />
triển: các startup và đặc biệt là các sáng lập viên, nhân sự chủ chốt đều chủ yếu là<br />
chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, không có kiến thức đầy đủ về kinh doanh, kinh<br />
tế và các kỹ năng điều hành, quản lý doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, quảng bá<br />
sản phẩm.<br />
<br />
78<br />
- Hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết: các startup<br />
thường có rất ít các kinh nghiệm trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới<br />
gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép kinh doanh…), bảo hộ sở<br />
hữu trí tuệ (đăng ký bảo hộ các sản phẩm sở hữu trí tuệ), thương mại hóa sản phẩm<br />
(đăng ký tiêu chuẩn, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật), tài chính (tiêu chuẩn kế toán, hóa<br />
đơn, kê khai thuế, ưu đãi thuế…).<br />
3. Đề xuất một số giải pháp đối với Việt Nam<br />
Thứ nhất, xây dựng chính sách hỗ trợ DNKNST một cách toàn diện, có sự tham<br />
gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng và các cơ quan nhà nước. Song song với<br />
việc ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ, cần sớm thiết lập hệ thống (cơ quan, tổ<br />
chức) để triển khai và thực thi cơ chế chính sách; Hỗ trợ xây dựng hệ thống cung<br />
cấp dịch vụ cho DNKNST, nâng cao việc chỉ đạo và dịch vụ công của Chính phủ<br />
dành cho các DNKNST. Đặc biệt, tăng cường vai trò của Nhà nước trong xây dựng<br />
quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các DNKNST với các doanh nghiệp lớn và các<br />
quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục nhà nước, loại bỏ tính<br />
quan liêu.<br />
Thứ hai, cần có chính sách tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và<br />
phát triển các kỹ năng: Hiện nay, môi trường khởi nghiệp Việt Nam còn quá trẻ<br />
so với thế giới nhưng có nhiều tiềm năng để khởi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh<br />
mẽ. Nhà nước cần quan tâm đến các chính sách đẩy mạnh giáo dục như: tài trợ các<br />
chương trình đào tạo khởi nghiệp, đào tạo miễn phí trong ngành lên kế hoạch kinh<br />
doanh, đào tạo sau đại học về khởi nghiệp, học vị thạc sĩ. Cải cách hệ thống giáo<br />
dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn với giáo dục – đào tạo với hoạt động<br />
thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên<br />
quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp. Cần chuẩn bị<br />
nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo bền vững từ trường phổ thông thông qua<br />
giáo dục khởi nghiệp. Cần đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy<br />
trong các chương trình học trung học phổ thông, đặc biệt là trong giáo dục cao<br />
đẳng, đại học.<br />
Thứ ba, cần có chính sách tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ: Để có<br />
một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ cao, Nhà nước cần nâng cao cơ sở hạ tầng<br />
trực tuyến và trực tiếp như tạo ra các cơ chế để tăng cường hợp tác giữa các doanh<br />
nghiệp khởi nghiệp, xây dựng nền tảng cho việc tìm kiếm đối tác, nền tảng giao kết<br />
và các sự kiện, cổng thông tin ảo. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu của<br />
bên yêu cầu, tạo lập các vườn ươm doanh nghiệp có chất lượng, đầu tư các khu công<br />
<br />
79<br />
nghệ cao, không gian công cộng cho mạng lưới liên kết và làm việc nhóm; cần tăng<br />
cường trao đổi kiến thức và chia sẻ bằng cách tăng cường hợp tác giữa các tổ chức<br />
giáo dục và khởi nghiệp, viện nghiên cứu và khu công nghiệp, chuyển giao và đổi<br />
mới công nghệ trong môi trường kinh doanh, chia sẻ và hợp tác với các doanh nghiệp<br />
khởi nghiệp nước ngoài.<br />
Thứ tư, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ tài chính. Nếu Việt Nam muốn<br />
tập trung phát triển DNKNST để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu<br />
tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng các DNKNST, đặc<br />
biệt là giai đoạn đầu. Các khoản hỗ trợ tài chính, cho vay, bảo lãnh tín dụng, đầu<br />
tư mạo hiểm. Miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (ví dụ miễn giảm<br />
thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm các mức đóng góp cho bảo<br />
hiểm xã hội…).<br />
Phát triển thêm các kênh huy động vốn cho DNKNST, chú trọng huy động<br />
vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng<br />
khoán dành cho các DNKNST, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội góp<br />
phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn.<br />
Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần, thành lập các quỹ đầu tư<br />
mạo hiểm, kêu gọi khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho<br />
DNKNST. Xây dựng Quỹ đầu tư cho DNKNST theo mô hình hợp tác công - tư thuộc<br />
Chính phủ, nhằm mục đích kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các thành phần xã hội cho<br />
các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng. Quỹ đầu tư này sẽ được đăng ký<br />
hoạt động theo mô hình Công ty đầu tư tài chính và ủy thác đầu tư. Phần lợi nhuận<br />
tạo ra từ nguồn đầu tư của Nhà nước và các nhà tài trợ sẽ được sử dụng để tái đầu tư<br />
cho hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DNKNST, cũng như đầu tư trực tiếp cho<br />
DNKNST tiềm năng.<br />
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ kinh doanh giúp các DNKNST<br />
vượt qua được các khó khăn về kinh doanh do thiếu các kiến thức cần thiết về kinh<br />
tế, quảng bá và kết nối mạng lưới. Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây<br />
dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ<br />
tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng. Hỗ trợ kết nối để các<br />
DNKN có thể tiếp cận được mạng lưới các nhà đầu tư, các đơn vị, chương trình, dự<br />
án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính liên<br />
quan tới gia nhập thị trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
80<br />
Chú thích:<br />
[1]: Quyết định của Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ ngày 23/5/2017 (thay thế<br />
Quyết định ngày 17/2/2016).<br />
[2], [3]: https://www.startupdecisions.com.sg/ và http://www.startupsg.net<br />
[4]: http://dean844.most.gov.vn/giai-nut-that-cho-cac-mo-hinh-kinh-doanh-<br />
moi-va-khoi-nghiep-sang-tao.htm<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
A. Tài liệu tiếng Anh:<br />
1. State's Startup Policies, https://www.startupindia.gov.in/content/sih/en/startup-<br />
scheme/state-startup-policies.html<br />
2. Why Incorporate and Launch Your Company in Singapore,<br />
https://www.startupdecisions.com.sg/singapore/incorporation/why-<br />
incorporate-in-singapore/<br />
<br />
B. Tài liệu tiếng Việt:<br />
1. Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam<br />
(2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt<br />
Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025,<br />
http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_i<br />
d=2&_page=1&mode=detail&document_id=184702.<br />
2. Học viện tài chính (2017), Chính sách tài chính đối với doanh nghiệp khởi<br />
nghiệp ở Việt Nam - Đề tài khoa học cấp Bộ.<br />
3. Ngô Minh Hải; Đoàn Đức Minh; Lý Đình Quân; Ngô Công Trường (2018),<br />
Startup journey: Con đường khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nhân Việt, NXB<br />
Thế giới ; Công ty Văn hoá và Truyền thông AZ Việt Nam, Hà Nội.<br />
4. Nguyễn Thị Hoàng Yến (2017), “Xây dựng hệ tiêu chí đánh giá chính sách thúc<br />
đẩy khởi nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tạp chí khoa học, Đại học Quốc<br />
gia Hà Nội, Chuyên san Nghiên cứu Chính sách và Quản lý, Vol. 33, No 3.<br />
5. Như Bình (2016), Sẽ có sàn chứng khoán cho doanh nghiệp khởi nghiệp,<br />
https://tuoitre.vn/se-co-san-chung-khoan-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-<br />
1114624.htm.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
81<br />